thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đúng ra người phụ nữ xinh đẹp kia là ai mà giữa đêm cô quạnh này đến đây thăm tôi? | Người đối với người | Trò chơi trẻ con | Tóc
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
EDWARD STACHURA
(1937-1979)
 
Edward Stachura sinh ngày 18.8.1937 ở Pont-de-Chéruy, vùng Isère, Pháp, bố mẹ đều là người Ba-lan di cư qua Pháp vì những lý do kinh tế. Năm lên 11 tuổi, ông theo gia đình trở về sống ở Ba-lan, và học xong trung học ở Gdynia năm 1956. Trước khi vào Đại học Công giáo Lublin năm 1959, rồi Đại học Varsovie, chàng sinh viên tương lai Stachura đã có thơ [“Những giấc mơ tìm thấy lại”, 1957] và truyện ngắn “Jeden dzien” [“Chỉ một ngày”, 1962] đăng trên các tạp chí. Tập thơ Duzo ognia [Rất nhiều ánh lửa] của ông xuất bản năm 1963, hai năm trước khi ông tốt nghiệp Đại học [khoa ngôn ngữ Latinh, với luận văn viết về Henri Michaux]. Năm 1966 đánh dấu chuyến đi xa của ông qua Nam-tư cũng là năm ông cho ra đời tập truyện ngắn Falujac na wietrze [Vẫy trong gió], tiếp sau đó là chùm thơ Przystepuje do ciebie [Ta đến gần em,1966/1968] và bài thơ “Poogrodzie niech hula szarancza” [“Hãy để con châu chấu đùa vui trong vườn”,1968]. Một học bổng mười hai tháng của chính phủ Mễ-tây-cơ năm 1969/1970 — năm ông xuất bản tiểu thuyết Cala jaskrawosc [Ánh sáng chói loà] — đã giúp ông làm quen với Mỹ La-tinh, và mở ra nhiều chuyến đi xa sau đó: Trung Đông [Damas, Beyrouth, 1971], Na-uy [1972], Thụy-sĩ và Pháp [1973], Hoa Kỳ, Canada và Mễ-tây-cơ [1974/1975]... — song song với một loạt sách xuất bản: Siekierezada [Cắt đẽo, tiểu thuyết, 1971], Wszystko jest poezja [Tất cả là thơ, tiểu luận, 1975], Kropka nad ypsylonem [Một chấm trên Epsilon, thơ, 1975], Sie [Mình, văn xuôi, 1974/1977]. Trước khi qua đời ở Varsovie, ông còn cho xuất bản hai tác phẩm: Missa pagana [thơ, 1978] và Fabula rasa [văn xuôi, 1979]. Tác phẩm cuối cùng của ông có thể là cuốn tự sự Porgodzić się ze śawiatem [Đành chấp nhận thế gian, 1979] viết sau lần nghe “những tiếng nói nội tâm” khiến ông nằm kê tay phải lên đường rầy chờ xe lửa tới cán đứt lìa tháng 4.1979. Sau một thời gian mấy tháng ra vào bệnh viện, kể cả bệnh viện tâm thần, hoặc về quê sống với mẹ để “tìm lại chính mình”,[1] ngày 24 tháng 7 năm 1979 ông để lại một bài thơ cuối cùng[2] trên bàn, trong căn hộ của mình ở Varsovie, và treo cổ tự vẫn, chấm dứt một cuộc sống, một chuyến đi có nhiều câu hỏi: “chấp nhận thế gian”, như thế, là quá sức đối với một con người như ông.
 
Thơ Stachura không thường nói đến những chuyện lớn lao. Được biết là một trong những nhà thơ mà nguồn cảm hứng là những bài thơ của Rimbaud, đề tài của ông nằm trong cuộc sống thường nhật và trong chính kinh nghiệm của ông. Nơi nào ông đặt chân đến cũng là nơi ông tìm cách xâm nhập ngôn ngữ, để có thể phá bỏ những qui luật, sáng tạo những từ mới — những dòng thơ ra đời phải nẩy sinh từ một chủ tâm sáng tạo, phải là một tiếng thét. Ngoài các tác giả Pháp như Henri Michaux, Michel Deguy, Baudelaire, Lautrémont, Valéry, Rimbaud… [và nhiều ca khúc của] Georges Brassens và Jacques Brel, cũng như những bài negro spirituals và những bài ca của người bản xứ ở Mễ-tây-cơ,[3] Stachura còn dịch một số các tác giả tiếng Tây-ban-nha như Octavio Paz, Ramon Lopez Velarda, Jorge Luis Borges, Julio Cortazar, Onetti Gabriel, Gabriel Garcia Marquez...
 
_________________________

[1]Ông từng từ bỏ gia đình, chọn lựa là kẻ “không cha không mẹ” từ lúc mới mười lăm tuổi. Thời gian về quê sống với mẹ mấy tháng cuối đời chính là thời gian ông dùng tay trái [còn lại] để viết cuốn nhật ký Porgodzić się ze śawiatem.

[2]“Ta chết / cho những lỗi lầm của ta và cho sự vô tội của ta / cho chỗ thiếu mà ta cảm thấy trong mỗi phân tử của thân xác ta và trong mỗi phân tử của tâm hồn ta / cho chỗ thiếu xé ta ra từng mảnh như một tờ báo / đầy ắp những chữ om sòm cất lên mà chẳng muốn nói điều gì.”

[3]Ông còn sáng tác nhạc và cũng là bạn khá thân và từng xuất hiện với cây đàn ghi ta nhiều nơi, trình diễn chung với Charles Aznavour, như một ca sĩ.

 
_________
 
 
Đúng ra người phụ nữ xinh đẹp kia là ai
mà giữa đêm cô quạnh này
đến đây thăm tôi?
 
Không ai biết con đường của những vì sao;
Trong chúng ta ai là kẻ được chọn?
Có người gõ cửa
Phải chăng đấy là khách mời?!
Tôi đã lê bước như một chiếc bóng,
Tôi chờ đợi ngày ấy
và bà đứng trước cửa...
như một con chim lạ.
Xin bà hãy vui lòng trở vào!
Hãy ngồi xuống đây, xin cứ coi như ở nhà mình
và xin cho tôi biết, bà là ai,
thưa Bà?
Hay thôi đừng cho tôi biết gì cả.
Tốt nhất là không nên nói gì
Bình minh rụt rè xuất hiện.
Tôi thiết tha mong thời gian ngừng lại.
Nhưng ngược lại...
Thời gian phải đi mau.
Gà đã cất tiếng gáy.
Bà mặc lại bộ đồ lỗi thời.
Bà đã ra tới cửa...
như một con chim lạ.
Thế là bà phải đi,
Qua ngưỡng cửa bà gửi lại cho tôi
nụ cười thoáng mau của bà,
thưa Bà...
 
Tôi muốn chờ đợi, xin hãy đến!
Khi nào bà muốn, xin hãy đến!
Chúng ta sẽ sống bên nhau!
Tôi muốn chờ đợi, xin hãy đến!
Khi nào bà muốn — xin hãy đến!
 
 
 

Người đối với người

 
Người là một con sói đối với người
Người là một sợi dây đối với người
Bạn chớ để người khác nhận chìm mình
Bạn chớ để người khác siết chặt mình
Người là một cái xẻng đối với người
Người là một tên phản đối với người
Bạn chớ để người khác tiêu diệt mình
Bạn chớ để người khác phản bội mình
Người là một thú dữ đối với người
Người là một tai ác đối với người
Bạn chớ để người khác nuốt sống mình
Bạn chớ để người khác xơi tái mình
Người là một tác hại đối với người
Người là một cơn sét đối với người
Bạn chớ để người khác đánh đổ
Bạn chớ để người khác làm điếc mình
Người là một con sói đối với người
Bạn chớ để người khác hút máu mình
Người là một người anh em đối với người
Cạnh anh em bạn có thể lành vết thương
 
 
 

Trò chơi trẻ con

 
Có đứa chơi bi ve với đôi mắt
của bố mẹ đã chết
Có đứa đánh cắp giày của mấy ông
chơi đàn quay cà tàng
Có đứa lại nở một nụ cười với những cánh
bướm nhổ đi
Hoặc moi ra một giấc mơ với những ngón tay nhỏ màu hồng
và đem giấc mơ nhuộm đen
Thế mà chúa đang đứng gần đấy
 
 
 

Tóc

 
Dòng sông chảy
giữa đôi mắt cá
như một sắc cầu vồng
hay một vết dao cắt không lành
 
Bềnh bồng trên sông
là những trái tim lớn cây bao báp
những bánh xe đẩy
và cả những giá nặng nề treo
những cái sừng nai bị chết sông
 
Nước mắt tôi
giống như những hồ nước trung quốc
chậm rãi cuộn chìm
 
 
-----------------
“Đúng ra người phụ nữ xinh đẹp kia là ai mà giữa đêm cô quạnh này đến đây thăm tôi?” và Người đối với người” dịch từ bản tiếng Pháp “C’était qui au juste cette belle dame qui en cette nuit solitaire m’a rendu visite?” và “L’homme pour l’homme” của Mary Telus. “Trò chơi trẻ con” và “Tóc” dịch từ bản tiếng Anh “Children’s Games” và “Hair” của Chris Jurewicz.
 
 
Phụ lục:

Phác thảo tự thuật của Edward Stachura

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
Tôi ra đời ngày 18 tháng 8 năm 1937 tại Pont-de-Chéruy, thuộc tỉnh Isère nước Pháp. Tuổi thơ tôi êm đềm và đẹp. Khi tôi lên bảy, tôi mơ có thể bay được. Hồi ấy tôi bắt đầu học trường sơ cấp của Pháp và những giấc mơ bắt đầu thay đổi như những hình mới trên một chiếc lồng đèn kỳ diệu. Đệ nhị Thế chiến tôi chỉ nhớ từ mùi vị của miếng sô-cô-la lúc nào chúng tôi cũng được mấy ông người Mỹ cho. Tôi cũng còn nhớ một con nhện trên trần nhà ở tầng hầm nhà tôi, nơi chúng tôi từng phải trốn trong hai tuần lễ.
 
Khi tôi lên mười một tuổi, bố mẹ tôi quyết định đã đến lúc phải rời nước Pháp đáng yêu và trở về Ba-lan còn đáng yêu hơn nữa. Hồi ấy, tôi chưa hề hiểu được chữ nhớ nhà. Chỉ đến bây giờ tôi mới biết ra chữ ấy buồn biết bao nhiêu. Trước đó tôi nghe nói và đọc trong sách nên mới biết về những con chó sói đi lảng vảng khắp nước Ba-lan. Tháng Mười một 1948 chúng tôi đến Ba-lan. Tôi không thấy chó sói đâu cả, nhưng tôi không hề chờ đợi là sự thất vọng của tôi có thể sẽ nhỏ.
 
Chúng tôi sống trong một thành phố nhỏ ảm đạm ở Aleksandrow Kujawski. Ngày xưa đây là một thành phố biên giới nổi tiếng khắp nơi về chuyện buôn lậu. Ở đấy tôi học xong tiểu học. Bởi lẽ tôi cho thấy có nhiều tài năng bất thường, tôi được gửi vào một “trường trung gian” ở Ciechocinek để được đào tạo thành “một kỹ sư” hay “một bác sĩ”. Sau ba năm tôi chuyển qua trung học ở Gdynia, tốt nghiệp ở nơi này, và cũng là nơi tôi vẫn còn được bao bọc bằng những truyền thuyết, như tôi đã đọc trên tờ báo nhà trường. Một năm, nghĩa là 1956, tôi lang thang loanh quanh Ba-lan, tìm thấy dấu chân chó sói khắp nơi nhưng không bao giờ tìm thấy chính chó sói. Rồi tôi khởi sự học ngữ học Pháp ở Đại học CUL là nơi tôi vô cùng xúc động trước lòng tốt hoàn hảo của một số người. Rút lui khỏi trường phần lớn là do lỗi chính tôi, và có lẽ cũng do lỗi ở sự trung thành với những truyền thống của “tổ tiên” lâu đời của tôi.
 
[Dịch từ bản tiếng Anh của Andrzej Duszenko]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021