thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG ĐÊM TRẮNG (I): Tự ngôn | Babii Yar | Những giọt nước mắt
(Diễm Châu dịch)
 
TỰ NGÔN
 
Trong tôi biết bao điều trái ngược!
                                Tôi tràn đầy mỏi mệt
                                                        và tôi không có gì để làm hết.
Tôi là cùng đích của chính mình
                                nhưng lại chẳng hề có mục tiêu.
                                                        Qua mau hơn cát
                                                                         tuy nhiên tôi cuốn hút.
Mạnh bạo, mặc dù nhút nhát,
                                tôi vừa tốt lành lại vừa dữ.
Tứnh yêu của tôi đối với mọi sự
                                              quá mạnh khiến thế giới
thâm nhập tôi và tràn ngập tôi thật bác tạp.
Những rên rỉ thèm muốn hay reo hò chiến thắng
tôi đều nghe, dẫu bắt nguồn từ Đông hay Tây.
Tôi biết các người sẽ hỏi tôi:
                                                 «Thế còn sự Hợp nhất?»
A! tính bác tạp rất đáng ta nếm thử!
Các người không thể bỏ qua tôi.
Thế nên hãy coi tôi mới tràn ngập làm sao!
Tôi là chuyến xe đầy
nặng trĩu những cỏ khô.
Như mũi tên sống động tôi băng qua
những lời nói, những cành cây,
                                                nắng trời,
                                                                sạn sỏi.
Tôi có rơm trong mắt
và rơm rơi rụng từ cái áo vét của tôi.
Muôn năm
                những gì chuyển động
                                                    và những gì sưởi ấm,
muôn năm tính háu ăn,
                                      bao giờ cũng đắc thắng.
Hãy giải thoát tôi khỏi các biên giới!
                                                Tôi thấy chuyện nghịch thường
khi không bao giờ nhìn thấy Buenos Aires, Nữu-ước.
Tôi cần
             tha thẩn
                            ở Luân-đôn mà không có hộ tống,
cần nói với mọi người,
                                dù hiểu sai!
Tôi muốn thấy lũ lượt diễu hành
                                        Pa-ri buổi sớm mai,
như một đứa trẻ bám lấy
                                        phía ngoài của một chiếc xe buýt!
A! ước chi nghệ thuật của tôi
                                                cũng tựa như tôi:
ước chi nó cũng bác tạp không kém gì tôi,
dẫu như tôi có thể chỉ chuốc lấy được những đau khổ dài lâu.
Nhưng dầu có ra sao, nghệ thuật
                                                cũng vẫn ám ảnh tôi.
Thế nên trong tác phẩm của người khác
                                                ấy chính tôi là kẻ tôi tìm kiếm trước.
Essenine
                và Whitman
                                        đối với tôi là họ hàng thân cận.
Gauguin với các sắc màu, Moussorgsky với những ca khúc
đã để lại cho tôi một điều gì đó.
Với một thích thú ngang nhau
                                mùa đông tôi trượt băng
hay trọn một đêm
                                 tôi vất vả gieo vần.
Tôi ưa cười ngay mặt
                                  những kẻ thù nghịch tôi
như tôi ưa áp đảo một người đàn bà.
Tôi ngốn ngấu sách vở
                                 và tôi khuân củi.
Tôi sầu muộn
                     và nồng nàn cùng một lúc.
Vào tháng Tám tôi nhai rau ráu
                                                dưa hấu đóng băng.
Tôi ca hát và tôi uống rượu
                                        không mơ màng tới cái chết
và hai cánh tay vắt tréo,
                                    trên cỏ tôi thiếp đi.
Và nếu tôi có chết một vài ngày nơi thế giới rực rỡ này
thì cảm thấy mình còn sống sẽ là điều thú vị.
 
 
BABII YAR HAY LÒNG KHE CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ CHẤT PHÁC
 
Không có bia đá ở Khe Babii Yar
Không có gì hết. Không có gì hết trừ màu xám mộ phần của
                                                                                những triền dốc.
Trên tôi bay lượn nỗi kinh hoàng.
                                                 Dân tộc Do-thái ám ảnh tôi.
Hôm nay tôi bằng tuổi dân tộc ấy
và đột nhiên tôi cảm thấy
                                        khuôn mặt một người Hy-bá.
Tôi lang thang ở hóc cùng nước Ai-cập vào một thời rất xa.
Tôi hấp hối, đeo trên những cành cây chữ thập.
Thấy chưa, tôi vẫn còn mang dấu vết những chiếc đinh.
Dreyfus, tôi tưởng như
                                        chính là tôi.
Bọn tư sản
                lùng bắt tôi và đánh đập tôi túi bụi.
Trong nhà tù của chúng lòng tôi đau đớn.
                                                        Đờm rãi phủ đầy,
                                                        tan nát vì những lời dối trá,
                                                        tôi làm mồi
cho một bầy chó săn cuồng loạn.
 
Bằng đầu mút cây dù, với những đồ trang sức loè loẹt,
mấy bà quý phái chỉ trỏ da tôi.
Tôi là, tưởng chừng như mình là
                                                đứa trẻ ở Bielostok.
Những suối máu nhận chìm ván sàn. Không thương xót.
Bọn bạo tàn cắt họng và đập chết người vong mạng.
Mùi rượu vodka, mùi hành củ nồng nặc cuộn theo chúng.
Bị đè bẹp, bất lực, phải chịu lụy dưới sức nặng của bọn họ,
tôi hoài công van nài lũ ác quỷ của những cuộc tàn sát.
Bọn chúng cười ầm lên và kêu lớn:
«Hãy đập chết bọn Du-dêu và cứu lấy nước Nga»
trong lúc một tên lái buôn mê mải hành hạ mẹ tôi.
Hỡi ngươi, hỡi dân tộc Nga của ta,
                                                     ta biết
                                                                bản tính ngươi
thiên về việc khước từ gông cùm của các biên giới.
Nhưng người ta cũng thường thấy những kẻ có bàn tay bẩn
lớn tiếng khẩn cầu tên ngươi không tì vết.
Ta biết lòng tốt vô hạn của đất ta.
Hổ nhục thay, hổ nhục cho những kẻ
                                                        cả gan
hành động trên đất nước chúng ta như những kẻ bài-Do thái thực sự,
khoác danh hiệu: «Đoàn kết dân tộc Nga»!
Tôi là, tưởng chừng như mình là
                                                Anne Frank, bé nhỏ
và trong sáng
                        như một nhành lá tháng Tư.
Và tôi yêu.
                Ôi! hãy rời xa tôi những câu cú!
Tôi mong muốn
                đôi mắt chúng ta ngời lên cùng một cảm giác đê mê.
Thật khó mà nhìn,
                           mà cảm được!
Chúng ta không còn quyền mỉm cười với khóm lá
                                                hay say sưa với khoảng trời xanh.
Tuy nhiên, và thế đã nhiều, chúng ta còn được chia sẻ
                                                                những vòng ôm siết dài lâu
và một căn buồng tối.
Có ai đó ư?
                Em đừng run sợ. Ấy chỉ là mùa xuân
đang thì thầm
                        bên chúng ta.
Ôi! Em hãy tới!
                        và cho tôi, tôi van em đó, đôi môi em.
Người ta tông cửa?
                                Không đâu, băng tan đấy.
Trong lòng Khe của những người Đàn bà chất phác.
Cây cối, có thể nói, thốt những lời đe dọa
                                                                tựa những ông tòa.
Tất cả những tiếng kêu ở nơi này đều làm bằng im lặng.
                                                                                Tôi bỏ nón
và cảm thấy tóc mình điểm hoa râm.
Lúc này tôi trở thành
                                tiếng than van câm nín
mà hàng ngàn người chết chôn vùi ở đó cất lên.
Tôi là
         từng cụ già bị bắn
                                        trên mô đất này.
Tôi là
        từng em bé bị bắn
                                        trên mô đất này.
Tôi sẽ nhớ thật lâu,
                                ôi, thật lâu tới điều đó.
QUỐC TẾ CA
                        hãy vang dậy thật mau
khi tới ngày vùi sâu dưới đất đen
cái thây ma bất động của kẻ bài-Do thái chót!
Dòng máu các đường mạch của tôi đang nhịp nhàng chuyển động không
                                                                                                 phải là Do-thái
nhưng chúng dành cho tôi, như cho một người Do-thái
một mối oán hờn khôn nguôi
                                        với tất cả những người bài-Do thái.
Và chính vì thế mà tôi là
                                        một người Nga đích thực.
 
 
NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT
 
Thủa ấy người ta đã bảo tôi:
                                                «mi rồi sẽ nuối tiếc
những của cải mất đi mà mi yêu dấu».
Thủa ấy người ta đã bảo tôi:
                                                «mi rồi sẽ khóc
khi những người khác rỏ nước mắt».
Tôi đã thấy chúng những giọt nước mắt này.
                                                            Tôi đã thấy mẹ tôi khóc:
bà đứng,
              tay buông thõng,
đôi vai mỏng manh
              lay động,
và đó là vì lỗi tại tôi.
Cũng như em đã khóc,
                                 em, người yêu dấu của tôi,
khi tôi phóng tới, với đợt khói,
những lời ác nghiệt ngay giữa mặt em,
những lời chua chát và xúc phạm!
Ôi! lúc ấy em đã ganh với các bạn em biết mấy
và chỉ nhìn tôi cũng đủ làm em đau đớn xiết bao!
Kiêu hãnh,
                em đã ngẩng đầu lên
để cầm nước mắt.
Hôm nay tâm hồn tôi kiêu căng mới thật buồn,
tâm hồn tôi đã bị chính sức nặng của mình nghiền nát,
Ấy đó
          cái giá thật khủng khiếp
của những giọt nước mắt
                                        mà tôi đã gây nên.
 
----------------------------
Ghi chú của người dịch:
YEVGENY YEVTUSHENKO, nhà thơ Nga hiện đại, sinh năm 1933, sống ở Tây-bá-lợi-á tới mãi 1944. Kế đó, ông học tại Viện văn học Matx-cơ-va (1951-1954).Tập thơ đầu tiên của ông, tựa là Kẻ chinh phục tương lai, được xuất bản năm 1952. Ông bắt đầu nổi tiếng về thơ vào khoảng giữa những năm 1950. Sang những năm 1960, Yevgeny Yevtushenko trở thành một trong những nhà văn có uy tín nhất ở Liên Sô: người đọc (và nghe ông đọc) thơ ông hết sức đông đảo. Thơ ông vào thời kỳ này có tầm quan trọng lớn về xã hội... Nhiều bài đã được Dmitri Shostakovich dùng để soạn nhạc, như bài «Babii Yar» thời danh mở đầu cho «Hòa tấu khúc thứ mười ba» (mặc dù đã phải sửa đổi một số lời).
 
Trong bộ Lịch sử văn học Nga, thế kỷ XX, tập 3 [Histoire de la littérature russe, le XXè siècle *** (Fayard, Paris, 1991)], các tác giả đã dành cho Yevtushenko những đoạn dài: người ta cho rằng thơ ông đánh dấu một giai đoạn đổi thay quyết liệt trong lịch sử nước Nga và thơ Nga, nhưng cũng ghép cho ông những từ như «hãnh tiến», «cơ hội», được chế độ của ông K. «dung dưỡng»... Trong cuốn Những tiếng nói trong tuyết, bà Olga Andreyev-Carlisle (cháu của văn hào Nga Léonide Andreyev) đã để cả chương 8 ở phần III để viết về Yevtushenko và các bạn nghệ sĩ của ông. Ở một chương khác trong sách còn có một khúc «phim» ngắn rất linh hoạt về Yevtushenko [Des voix dans la neige (François Maspéro, Paris, 1964)]. Theo chứng từ của một số các nhà văn học Nga, Yevtushenko được coi như khá tích cực bênh vực tự do: người ta ghi nhận «những can thiệp công khai» của ông kéo dài mãi tới thời Gorbachev...
 
Để dịch các bài trong tuyển tập Những đêm trắng của Yevtushenko, tôi đã sử dụng một số bản Pháp văn của Serge Romensky và Paul Chaillot: Trois minutes de vérité (Julliard, Paris, 1963) và của Élisabeth Soulimov: De la cité du Oui à la cité du Non (Grasset, Paris, 1970). Tựa đề chung cho tuyển tập, tôi đặt theo một bài của Yevgeny Yevtushenko...

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021