thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Anno Domini
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
JOSEPH BRODSKY
(1940-1996)
 

Anno Domini[1]

 
Các thị trấn đang ăn mừng lễ Giáng sinh.
Dinh ngài Toàn quyền giăng đầy
tầm gửi, đèn đuốc nghi ngút khói ở cổng vào.
Trên những ngõ hẹp dân chúng xô đẩy và nô đùa.
Một đám đông vui vẻ, nhàn rỗi, dơ bẩn,
tụ lại náo động ở phía sau dinh.
 
Ngài Toàn quyền đang bệnh. Ngài nằm
trên trường kỷ, quấn trong chiếc khăn quàng từ Alcazar,
nơi xưa kia ngài từng phục vụ, và ý nghĩ hướng về
người vợ ngài và thư ký của ngài
đang tiếp khách ở đại sảnh tầng dưới.
Quả tình ngài không ghen. Lúc này
 
quan trọng với ngài hơn cả là rút về
cái vỏ bọc ốm đau, những giấc mộng, sự trì hoãn
chuyển về thủ phủ. Và từ đó
ngài hiểu rằng để vui hưởng một ngày vui chung
đám tiện dân chẳng cần gì đến tự do —
cũng bởi lý do đó ngài cho phép
 
luôn bà vợ tha hồ cắm sừng ngài. Vậy thì
ngài nghĩ gì nếu những nỗi muộn phiền tràn ngập
không làm ngài đau khổ? Nếu như ngài đang yêu?
Một cái rùng mình lạnh buốt chạy khắp hai bờ vai,
ngài bèn xua đi những ý nghĩ khiếp hãi kia.
Trong sảnh đường cuộc vui lắng xuống
 
nhưng vẫn chưa dứt. Lãnh chúa các bộ lạc
say hết biết trời trăng đờ đẫn nhìn xa ra
chân trời nay không một bóng quân thù.
Răng cổ ai nấy biểu lộ sự giận dữ,
phác một nụ cười trông y như bánh xe đang lăn
người ta đạp thắng gấp — và một người bồi
 
đến châm thức ăn cho họ. Trong giấc ngủ gà gật
một tay lái buôn la lớn. Khúc ca nghe bài được bài không.
Bà vợ ngài Toàn quyền và người thư ký lẳng lặng
chuồn ra vườn. Và trên vách tường
con đại bàng hoàng cung, trông như một con dơi, mắt
ngó xuống, sau khi xơi tái trọn lá gan ngài Toàn quyền.
 
Và tôi,[2] anh viết truyện từng nhìn thấy thế giới,
từng đi hết đường xích đạo trên lưng một con lừa,
anh viết truyện nhìn ra cửa sổ tận những ngọn đồi thiu ngủ
và nghĩ về sự những thống khổ trùng hợp của chúng ta:
Hoàng đế sẽ không cho ngài gặp mặt, còn ta ta sẽ
không được gặp con trai ta và Cynthia[3]... Và chúng ta,
 
ở đây chúng ta sẽ chết rũ. Sự ngạo mạn sẽ không đẩy
số phận gắt gao của chúng ta đến mức làm chứng
rằng chúng ta được tạo ra theo hình ảnh của Chúa.
Phần mộ sẽ làm cho mọi người đều giống hệt.
Vậy nên, ít ra khi còn trên đời, ta hãy khác nhau!
Cho dù lý do nào ta vội vã rời bỏ dinh thự này,
 
ta không thể xét đoán đất nước chúng ta. Lưỡi gươm công lý
sẽ tức khắc bám chặt vào nỗi nhục của chúng ta:
những kẻ thừa kế, quyền uy, nằm trong tay kẻ mạnh hơn...
Hạnh phúc thay tàu thuyền đã không nhổ neo!
Hạnh phúc thay biển khơi đã đóng băng!
Hạnh phúc thay chim chóc trong những đám mây kia
 
quá yếu so với những khung nền nặng trĩu như thế!
Về việc ấy, ta chẳng có thể trách cứ ai.
Nhưng có lẽ sức nặng của chúng ta thì sẽ
cân xứng đúng với âm thanh của chúng.
Dù sao, hãy để chúng bay về quê hương chúng ta.
Dù sao, hãy để chúng cất vang giọng la hét cho chúng ta.
 
Tổ quốc tôi... những người khách phương xa,
đến viếng thăm Cynthia, cúi mình trên
máng cỏ y như các đạo sĩ thời nay.
Đứa bé ngủ ngon lành. Một ngôi sao le lói
như một hòn than dưới đáy bình nước rửa tội.[4]
Và những người khách, tay không đụng đầu đứa bé,
 
đã lấy cả một quầng sáng dối trá thay vào hào quang,
và chuyện tầm phào thay chuyện Mẹ Đồng trinh sinh ra Chúa,[5]
bỏ qua chuyện người cha trong dấu lặng...
Nhưng dinh ngài thưa dần. Ánh đèn mỗi tầng lầu đang tắt.
Tầng nhất, rồi đến tầng nữa. Sau cùng, là tầng cuối.
Và trong toàn tòa nhà chỉ còn hai cánh cửa sổ
 
còn sáng đèn; cửa sổ chỗ tôi, nơi quay lưng lại ánh đuốc,
tôi nhìn vầng trăng tròn trôi qua
những ngọn cây mọc lưa thưa, và nhìn thấy
Cynthia, và tuyết; cửa sổ chỗ ngài Toàn quyền, nơi
suốt đêm ngài âm thầm phấn đấu với bệnh tật
và giữ nguyên ánh lửa, để nhìn rõ kẻ thù của mình.
 
Kẻ thù rút lui. Ánh sáng ngày nhợt nhạt
vừa ló dạng ở phương Đông thế giới,
rón rén lọt vào các cửa sổ, cố sức
nhìn xem bên trong đã xảy ra những gì,
và, rơi đúng vào chỗ thức ăn còn lại của bữa tiệc tàn,
nó ngập ngừng. Nhưng rồi nó cũng tiếp tục đường đi.
 
[Giêng] 1968
Palanga
 
_________________________

[1]Anno Domini: viết tắt là AD, có nghĩa trong năm Đức chúa thuộc công nguyên, sau Công nguyên. Thí dụ 55 AD, có nghĩa là vào năm 55 sau Công nguyên.

[2]Chú thích của Joseph Brodsky: Người thuật truyện là một viên chức tưởng tượng ở một tiền đồn La mã không nêu tên.

[3]Chú thích của Joseph Brodsky: Cynthia cùng tên với người được đề tặng những lời thơ tình của thi sĩ La mã Sextus Propertius (c.50-c.15, B.C.).

[4]nguyên tác: a coal under a cold font (một hòn than dưới một cái bình lạnh).

[5]nguyên tác: Virgin Birth.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021