thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cây kế | Tuổi già | Những thằng hề | Thức dậy
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
JERZY HARASYMOWICZ
(1933~)
 
Jerzy Harasymowicz sinh năm 1933 ở Pulawy, sống nhiều năm ở thành phố phía nam Krakow, là một trong những nhà thơ hàng đầu của Ba Lan. Ông bắt đầu đăng thơ trên tạp chí Zycie Literackie [Đời sống văn học] năm 1956, xuất bản tập thơ đầu tiên Cuda [Diệu kỳ, 1956] và nổi tiếng là một nhà thơ siêu thực. Thơ ông thường lấy cảm hứng từ những cảnh làng quê vùng núi Trung Âu, là chỗ đất nẩy sinh trí tưởng tượng của nhà thơ. Nhiều người về sau vẫn xem Diệu kỳ, với những chuyện thần tiên siêu thực (những con mèo đêm chửi tục, cây biết cử động như những nàng công chúa, thánh thần trong tranh cổ cầu kinh, ấm đun nước mặc áo đuôi tôm màu đỏ...), hay Powrot Do Kraju Lagodnosci [Trở lại xứ sở êm đềm, 1957] như là những tác phẩm xác định rõ nhất thơ Harasymowicz. Thành phố Trung cổ là nơi ông sống thường hiện diện trong thơ ông, với những hoài niệm về một nền văn hóa chất chứa những ngôi giáo đường bị bỏ hoang, những nghĩa trang (trong Elegie Lemkowskie [Bi ca Lemki, 1964]) — nhưng những rừng cây và làng mạc xa xôi nằm sâu trong núi cũng dặc biệt gần gũi ông. Ông không quan tâm tới những lời bóng gió dò hỏi “ý nghĩa” trong thơ ông, và hoàn toàn dửng dưng trước những yêu cầu suy lý. Nhiều người dịch Harasymowicz thường phải tỏ ý tiếc đã không đem hết nhạc trong thơ ông vào được bản dịch của mình — và đây không phải là điều lạ: thơ Harasymowicz thường được người đọc gọi (đúng nghĩa) là thơ ca (sung poetry). Giới thiệu nhà thơ của cây cỏ và âm nhạc này, Czeslaw Milosz viết: “... ông có thể gọi tên nhiều đến làm ta kinh ngạc những cây nhỏ, cây lớn, chim, và thường đem những tên gọi ấy ra chơi chữ và sáng chế những hình ảnh bằng cách trộn lẫn thiên nhiên với lịch sử nghệ thuật. “
 
Các tác phẩm chính đã xuất bản gồm có: Cuda [Diệu kỳ, Warsaw, 1956], Powrot Do Kraju Lagodnosci [Trở về xứ sở êm đềm, Krakow, 1957], Wiez A Melancholii [Tháp buồn, Krakow, 1958], Genealogia Instrumentow* [Phả hệ những nhạc cụ, Krakow, 1959], Ma It Pod Jesien [Đi về phía mùa thu, Warsaw, 1962], Pastoralki Polskie [Khúc đồng quê Ba Lan, Krakow, 1966], Madonny Polskie [Thánh mẫu Ba Lan, Warsaw, 1969], Barokowe Czasy [Thời đại Baroque, Krakau, 1975], Wiersze Milosne [Những bài thơ thân ái, Krakau, 1979], W Botanicznym Wiersze Zen [Những bài thơ Thiền trong Vườn Bách thảo, Đại học Krakow, 1992], Zimownik [Warsaw, 1994]... — đặc biệt có tập Wybór wierszy [Thơ Tuyển, 1967] trong đó ông dành phần đáng kể cho những bài thơ dài vinh danh thành phố quê hương Krakow của mình. Harasymovwicz nổi tiếng ở nước ngoài bắt đầu từ nhiều tuyển tập thơ hiện đại và nhiều ấn phẩm như True Portrait [Berlin, 1966], Genealogy of Instruments * [Ottawa, 1974], Planting Beeches [New York, 1975]...
 
 
 

Cây kế

 
Những cây kế có mặt
hãy đừng nói với ta
về bộ mặt
ngu ngốc của hoa hồng
 
cây kế
triết gia thực sự
quan sát
những đường đời
khoác ngoài chiếc áo bụi
 
nó sáng tạo
một cảnh trí huy hoàng
cho những chuyến hành hương
 
trong thành phố Vienna kiểu 1900
nó đã tạo một sự nghiệp tốt đẹp
nhưng than ôi, không ai hiểu,
đã rút lui trở lại
nhường cho cao nguyên khô
 
và giờ đây qua
những nhà tu hướng dẫn hành hương
nó học được
nghệ thuật múa may
 
nó đã trở thành
cỏ dại nằm sâu hút
hình thù vung vẩy
diễn xuất trên
những vùng đất sỏi đá
 
con người không hiểu ra
ý nghĩa của nó
 
vẻ đẹp của nó
tham lam và tỏa sáng
nó bày biện trong vùng tối
 
giận dữ và tung cánh bay
nó là kiểu mẫu hoàn thiện nhất
cho những thiên thần hiện đại
 
 
 

Tuổi già

 
Một chiếc dù già
buồn bã
 
nhìn
bằng đôi mắt xanh
mờ nhạt
 
phải tự mình quì
trên cái đi văng
đầy sách
 
nó ngủ liên tục
bây giờ
gấp mình dưới trần nhà
với cái mõm chó của mình
 
có lần
tôi đến thăm nó
khi nó còn mở
 
một cái dù hồng nhỏ
của Chagall
trong nếp khuyết của mình
 
nhưng
qua những lỗ
trong các lá phổi
 
những thanh kẽm bạc
của gọng sườn
 
nay đã nhìn thấy
quá hiển hiện
 
 
 

Những thằng hề

 
Mọi người đổ ra
Sông Poprad
 
Chỉ có áo khoác lông thú
và những tập ảnh gia đình
ở nhà
 
Gió mùa hè
đùa nghịch
với một bức màn vàng
tựa như nó là một con rồng Trung quốc
 
Căn nhà trống
cũng ra ngoài
 
dạo một vòng
dưới những cây đoạn
 
 
 

Thức dậy

 
Trước hết
bức tượng cổ hắng giọng
 
Tiếp đó
cái lò nấu reo
 
Tiếp đó
ấm đun nước sôi lách tách
 
Tiếp đó
bàn ăn được bày biện
những chiếc ghế tung chân đá
 
Và khói cà phê
và một ngày mới
mở con dao của mình
 
 
----------------
“Cây kế” dịch từ bản tiếng Anh “The Thistle” trong Postwar Polish Poetry, New, Expanded Edition, Czeslaw Milosz tuyển chọn và biên tập, University of California, 1983. “Tuổi già” dịch từ bản tiếng Anh “Old Age” của Victor Contoski trong Contemporary East European Poetry — An Anthology, Emery George biên tập, Oxford University Press, 1983 - ấn bản bổ sung 1993. “Những thằng hề” và “Thức dậy” từng xuất hiện trong Thơ mới Ba Lan, Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu, 160 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1993.
 
 
 
Chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn:
* Thi phẩm Genealogia Instrumentow [Phả hệ những nhạc cụ] của Harasymowicz, vừa ra mắt năm 1959, đã trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Krzysztof Penderecki (1933~) viết một bộ ba tiểu tấu khúc cho vĩ cầm và dương cầm dưới nhan đề Miniatury na skrzypce i fortepian. Bộ ba tiểu khúc này được viết ngay trong năm 1959, sau khi Penderecki vừa đoạt cả 3 giải thưởng âm nhạc do Hội Nhạc Sĩ Ba-lan trao tặng trong năm ấy, và trước khi ông bắt đầu một sự nghiệp âm nhạc vang dang thế giới. Chịu ảnh hưởng của Webern, cả ba tiểu khúc này đều rất ngắn gọn nhưng có sức diễn tả cao độ nhờ những biến đổi cực kỳ tế vi trong cường độ. Bài số 1, rất ngắn (chỉ hơn một phút), là mẩu đối thoại giữa những hợp âm thưa thớt của dương cầm và những câu nhạc lạ lùng (tạo nên bởi những kỹ thuật phản quy tắc) của vĩ cầm. Bài số 2, còn ngắn hơn nữa (chưa tới 50 giây), là một khúc độc tấu vĩ cầm. Bài số 3, hơn một phút rưỡi, là một mẩu đối thoại khác giữa hai nhạc cụ, đầy những sự tương phản bất khả đoán. Mỗi tiểu khúc cực kỳ trừu tượng này được dẫn nhập bằng một bài thơ trích từ thi phẩm Genealogia Instrumentow [Phả hệ những nhạc cụ] của Harasymowicz. Bộ ba tiểu khúc này được công diễn lần đầu tại Krakow vào tháng 6 năm 1960, do đích thân Krzysztof Penderecki chơi vĩ cầm và Henryk Jarznynki chơi dương cầm.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021