thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÂM KHÍ [4]

 

Đã đăng: ÂM KHÍ [1] - [2] -[3]

 

4.

 

Cái anh bí thư mới lên thay có vẻ dễ chịu hơn. Anh bị bắt lên núi chứ không phải tự nguyện. Dù gì thì cũng đã nhiều năm, trước khi cọng sản thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, anh cũng đã được ăn cơm quốc gia, nghĩa là được đi học, được lấy vợ để biết mùi đàn bà, nên dù có phải thờ ma Cộng Sản thì cũng thờ vậy vậy thôi, chứ không mù quáng đội trên đầu một cách cuồng dại như bí thư Đặng Hùng Anh.

Anh ký cho tôi cái phép về thăm vợ con, dễ ợt. Đó là cái ơn cách mạng đầu tiên mà tôi được hưởng. Cầm cái phép trên tay, tôi cũng mê ly, sướng rơn như sắp bước vào đêm động phòng!

Tôi về không báo trước, nên vợ con rất bất ngờ. Có lẽ thấy tôi vừa già, vừa đen, vừa xấu vì đến từ cái nơi tự xưng là đánh Mỹ giỏi nhất nước, nên nàng nửa tin nửa ngờ hỏi: “Anh đấy sao?” Tôi cười như mếu: “Thì anh chớ còn ai nữa!” Hai đứa con một trai, một gái, nép sau lưng mẹ chứ không chạy đến reo mừng. Cũng may, vợ tôi không phải như vợ chàng Trương, nên các con đã không kêu lên: “Không, không, bố tôi đêm tối mới về!”

Ôi chao gặp nhau trong hòa bình mà sao cứ như gặp nhau bên song sắt nhà tù vậy.

 

Buổi sáng hôm sau theo vợ lên chợ, thấy cơ ngơi hàng họ của nàng mà muốn khóc. Trên một cái sạp gỗ nhỏ xíu đặt nhờ trước hàng hiên một người quen, bày ra vài lon hạt mướp, hạt bầu, cải, ngò. Có được một lon cải bẹ xanh bé xíu của Thái thì đổ ra đếm từng hạt, mỗi gói 10 hạt, bán 10 hào. Một bình dầu lửa 5 lít, đong bằng cái lít nhựa nhỏ hơn thì lời được một xị. Vài cây chổi đót, một bó roi mây (để đánh trâu bò). Vậy thôi! Hỏi làm sao sống được? Nàng cười (như mếu): “Cũng được chứ anh. Bây giờ ai cũng trồng trọt nên cần hột. Đây là hàng của mẹ anh bày, không nhớ sao.”

Hóa ra là vậy, bên hông chợ Gò Chàm mẹ tôi cũng bán vậy để nuôi tôi giữ đất của từ đường. Tôi vô tâm quá. “Thực ra,” nàng nói thêm, “sống được là nhờ bán phân và thuốc trừ sâu. Em giấu trong kia, ai hỏi mới lấy ra”.

Thật thế ư, một cô gái cưng, được tiếng là xinh đẹp và ngoan hiền của ông bà nhạc tôi, mà giờ cũng phải “làm gian thương” mới sống được! Cũng may là chưa bị “cải tạo” công thương nghiệp!

Chơi vài ngày, thấy nơi đây có vẻ dễ thở vì cán bộ ít hơn dân. Ở Bình Định, chỉ có người già như mẹ tôi mới được bán buôn chút đỉnh, chứ như vợ tôi, nếu không còng lưng làm Hợp Tác Xã thì cũng phải đi đào mương, đắp đập. Rồi cũng đen thui, già khú. Tôi có ở xa về, cũng lại phải hỏi: “Em đó sao?!”

 

Trở về, tàu trễ nên đến nửa đêm mới tới làng. Đường vắng, đi một mình, nghĩ lan man. Cảm thấy thương vợ con và buồn cho thế hệ của mình. Sống mãi như thế này sao hở trời? Các con tôi rồi sẽ ra sao? Sẽ suốt ngày đêm “em mơ gặp Bác Hồ”, đi nhặt giấy rác để làm kế hoạch nhỏ, rồi lớn lên thì đi thanh niên xung phong, vào đội “trừ gian diệt ác”... Tương lai đó sao?!

Mệt mỏi bước vào nhà, tôi bất ngờ thấy có một bà già đang ngồi đợi. Tôi chưa kịp lên tiếng thì bà ấy nói: “Đừng sợ, ta là bà cao của cháu đây!” Tôi dụi mắt mấy cái liền để biết là mình không nằm mơ.

“Cháu đi đâu về đó?”, bà hỏi.

“Thưa cháu về NH thăm vợ con.”

“Được mấy cháu?”

“Dạ thưa hai cháu.”

“Có trai không?”

“Dạ có.”

“Thế thì tốt, cái nhà này độc đinh mãi, sợ đến đời cháu là tiêu luôn.”

Vậy thì đây là bà nội của ông nội tôi, dễ chừng đến một trăm mấy chục tuổi. Tóc bà cũng không trắng lắm, da cũng không quá nhăn nheo. Có lẽ khi xuôi tay nhắm mắt bà cũng chưa già đến nỗi lụ khụ.

Tôi nhớ mộ bà hình chữ nhật nằm trên một gò cao, được ông bác, anh thúc bá của ông nội tôi quý lắm. Bảo, nhờ cái mả đó mà ông được làm quan, rồi con trai làm luật sư nổi tiếng, ra ứng cử tổng thống, bị Nguyễn Cao Kỳ hăm he nếu đắc cử sẽ bắt nhốt vào chuồng cọp. Giờ cái mả đó bị một cái kho thóc to đùng nằm đè lên!

Thấy tôi cứ mãi đứng như trời trồng, bà nói tiếp:

“Ngồi xuống đi cháu. Ta không buồn vì cái mồ tức là nhà của ta bị đè dưới một cái kho thóc. Chết rồi thì ở đâu mà chẳng được. Như gió như sương, như cỏ như cây, chỗ nào cũng có thể là ta. Nhưng ta buồn vì cái thời gì mà nhiễu nhương quá. Chết rồi mà cũng chẳng được yên thân.”

Nước mắt tôi trào ra. Phải nghe một con ma già than buồn thì thực cái nỗi buồn của tôi chẳng thấm vào đâu.

“Bà ơi,” tôi nói, “cháu bất hiếu quá, chẳng thể làm gì được để giữ gìn mồ mả của ông bà. Nếu có phải vì vậy mà bà về bắt cháu đi thì cháu cũng đành chịu. Chỉ xin cho vợ con cháu được sống thêm ít lâu cho hết kiếp người.”

“Bậy nào,” bà nói, “ông bà nào lại bắt con bắt cháu. Chuyện chết sống là tự trời. Đó là ngày xưa, chứ bây giờ, ta thấy được sống hay chết là tự người, những con người đang coi dân như cỏ rác đó, muốn lấy của ai thì cứ lấy, muốn nhốt ai thì cứ nhốt, muốn bắn ai thì cứ bắn, muốn chặt đầu ai thì cứ chặt, chẳng kỷ cương phép nước gì hết.”

Đúng là bà cố của một ông luật sư, ăn nói rành rẽ đến không ngờ. Đương nhiên là tôi không còn sợ bà. Chẳng những không sợ mà tôi còn thấy thân thiết gần gụi. Những bạn bè thân quen chưa có ai dám tâm sự với tôi như thế.

Tôi không biết một con ma ăn gì uống gì, nhưng tôi cũng nói: “Để cháu đi đun nước, pha trà, bà uống chén nước cho ấm bụng nghe bà.”

“Nghe mùi trà cũng thích,” bà nói, “nhưng mà thôi. Ai cũng tưởng người chết thèm ăn thèm uống nên cúng giỗ linh đình. Chẳng dễ gì mà về được đâu, như ta đây, gần một trăm năm, trôi dạt trong gió trong sương, may lắm mới tụ lại được một lần.”

Bà đứng dậy, nói: “Thôi, hãy gắng chăm sóc các cháu nhỏ, ta sắp tan rồi đây.”

Thế rồi, cũng như cha tôi đêm nào, chưa ra tới ngõ bà đã tan vào bóng đêm.

 

Thì cứ cho là tôi đang nằm mơ cũng được. Chuyện thấy cha tôi và bà tôi về thăm cái nền nhà cũ, rõ ràng như sờ được, chạm vào được, lại hỏi nói chuyện này chuyện nọ như người đang sống, nói ra chắc chẳng ai tin, kể cả vợ con. Tôi cũng nghĩ rằng, tôi thấy được thì chắc nhiều người trong làng cũng thấy được (trừ những cán bộ, đảng viên). Và tôi cũng linh cảm rằng, trong cái làng này, ma nhiều hơn người.

Có một thời gọi là dậy ma dương, bà tôi nói, ma và người lẫn lộn. Ma giả chồng chui vào buồng với vợ, ân ái xong, mới biết người chồng thật đang nằm ngủ khò khò ở bên ngoài. Chợ Gò Chàm tháng chạp nhóm đêm, người bán phải để một thau nước bên cạnh. Tiền kẽm thiệt của người sống thì chìm, tiền của ma thì nổi.

Nhưng những con ma ruột thịt như cha mẹ ông bà, hay thân thiết như bạn bè thì không thể nào làm một cuộc “dậy ma dương” quỷ quái kia được. Chẳng những nó không làm cho mọi nhà lộn tùng phèo, mà còn đem đến một cái gì đó dịu êm như một chút yên bình của một thời xa xưa. Đó là chưa kể nó đem đến một niềm tin giữa lúc mình đang tuyệt vọng. Tuy nhiên nó cũng để lại nhiều nỗi buồn.

Giờ đây, xuống gò đình hay lên gò trên, thấy những hố đào nham nhở và nhất là thấy cái ao cá Bác Hồ, tôi lại buồn thấm thía. Cái ngày mà làng bị ném bom, bị đốt, bà tôi bị thương, ông tôi bị bắn chết cũng không tan tành xơ xác như cái cuộc di dời mồ mả vừa rồi.

Nói như bà nội của ông nội tôi, thì mỗi hạt bụi, mỗi cọng cỏ, ngay cả mỗi hạt sương trên những nấm mồ cũ cũng đã từng thấm đẫm xương thịt của tổ tiên. Thế mà giờ đây, chỗ thì đào ao, chỗ thì làm sân phơi, kho thóc, chỗ để cho heo nái ũi, người ỉa thì bảo sao mà không buồn. Cái sự xới tung lên đó chính là một cuộc oanh tạc còn hơn B.52 của Mỹ rải thảm.

 

Một đêm có một người bạn cũ đến thăm. Anh ta là người thiệt chớ không phải ma. Anh lớn hơn tôi mấy tuổi. Khi tôi đi học xa, anh ở nhà cưới vợ. Vợ anh là một người đàn bà đẹp nhưng rất buồn. Mỗi khi đi qua trước ngõ nhà tôi, chị cúi gằm mặt xuống.

Chị buồn và có vẻ xấu hổ vì cứ phải kình cãi với cô em chồng tuổi dần, dữ như cọp. Chẳng những dữ mà còn ác. Chị kho cá thì lén bỏ thêm muối cho thật mặn đến nỗi ăn không được. Chị nấu cơm thì lén rút rơm ra để cơm sống hay chất thêm vào cho cháy khê cháy khét. Quần phơi thì lén xé ở những chỗ mà khi mặc vào đàn bà ai cũng mắc cỡ đỏ mặt. Tệ hơn nữa, có lần bắt đỉa mén bỏ trong rau sống. Trời tối bà mẹ chồng nhai mãi không đứt, nhả ra thấy máu kinh hoàng mới biết là đỉa.

Cái vụ đó bà mẹ chồng chửi đến tối tăm mặt mũi. Hết chửi lại lôi vào buồng, bắt anh phải đánh. Hẹn không đánh thì từ. Anh phải đánh vào chính mình nghe trót trót bà mới chịu bỏ đi. Nhưng sau thấy chân tay mình mẩy anh lằn ngang lằn dọc, bà nổi giận bắt anh phải để, nghĩa là ly dị mà không cần ra tòa.

Chị có một đứa con gái rất dễ thương. Cháu cũng buồn và xấu hổ như mẹ. Nó không nói bà nội và cô ác. Nó chỉ nói ba cháu không phải đàn ông. Đó là khi gặp cháu đã lớn, có chồng rồi. Nhớ câu nói đó, mỗi lần gặp anh, tôi vẫn thấy anh thiếu thiếu một cái gì. Đó phải chăng là lòng dũng cảm, không cứ gì với kẻ thù mà còn với người thân.

Chỉ biết sau đó anh cưới vợ khác. Rồi cũng lại bị cô em chồng chơi ác đến phải để, bỏ.

Gặp nhau lần này, sau bao nhiêu năm xa cách, hỏi anh có mấy vợ rồi, anh bảo 5! Có nghĩa rằng 5 người đàn bà phải chịu cảnh mẹ chồng nàng dâu. Năm tấn bi kịch mà vai chính là anh, chứ không phải mẹ, vợ, hay em gái. Vì sự thiếu dũng cảm của anh mà biết bao người phải chịu khổ nhục.

Anh rất thích đọc sách, thường đến nhà tôi chơi là cũng để chỉ mượn sách. Bà tôi ghét cái tính có thể gọi là hèn nhát đó, nên không vui mỗi khi thấy anh tới. Anh biết vậy và rón rén thò thụt, khiến bà tôi càng ghét thêm.

Nhưng anh là một người quý sách và chân thật. Chưa bao giờ anh trả chậm chứ chưa nói tới cố tình quên không trả. Sách chưa bao bìa hay sổ chỉ, anh đều bọc và đóng lại. Anh đóng sách rất khéo.

Cũng chỉ vì cái tính mê sách và quý sách đó mà giờ đây anh làm nghề bán sách trong các buổi chợ phiên.

 

Cơ sự là như thế này, cái hồi chiến dịch bài trừ văn hóa phản động, bao nhiêu là sách bị đem ra đốt. Góc phố nào cũng có những đống lửa phần thư. Nhưng chỉ đốt vậy để báo cáo chứ đốt sao cho được hết sách trong dân miền Nam này. Ai giấu được thì giấu, rồi đem ra lề đường bán.

Lạ thay, khách hàng là những người mặc áo quần bộ đội, nón cối. Dù rất rẻ, nhưng không ai tin họ bỏ tiền ra mua để đem đi đốt vì căm thù. Họ mua vì thèm đọc những thứ mà miền Bắc không có. Những cuốn tự điển, những sách tham khảo, nghiên cứu và nhất là tiểu thuyết.

“Cũng như họ săn lùng máy hát và đĩa hát,” anh bảo, “bán được lắm. Nếu cọng hết những người như anh, số sách bán ra mỗi tháng cũng đến cả goong xe lửa. Cũng như khung xe đạp, săm lốp và xe Honda. Tất cả đều ùn ùn chở ra Bắc, chớ đi đâu. Đó là cái sức mạnh văn hóa. Văn hóa cũng như nước, chỗ nào trũng thì nó chảy tới.”

Lạ lùng chưa, một người mà con gái bảo ba cháu không phải là đàn ông, lại có thể nói những câu dũng cảm như thế.

“Định ở luôn đây hay về trỏng?” anh hỏi.

“Chắc phải về, nhưng cũng còn lâu.”

“Em có nghĩ gì về...”

“Nghĩ gì được. Người khác dành quyền nghĩ của mình hết rồi. Giờ như hòn đá đẽo lâu quá cũng phải tròn, lăn đâu thì lăn.”

Đột nhiên, nghĩ rằng anh có thể tin, tôi nói:

“Em vừa mới gặp cha và bà cao của em.”

“Em nằm mơ?”

“Không, nhưng mà giờ đây, em thấy cái làng mình như đang chìm xuống cõi âm.”

Anh cười: “Thì chết từ 75, không thành cõi âm thì thành gì nữa.”

Đêm ấy, chúng tôi uống một vài ly rượu mía, rồi anh về. Nhức đầu quá, đi ngủ. Sáng ra, hay tin anh đã chết. Mà lại chết từ chiều hôm qua!

 

[còn tiếp]

 

 

---------------------------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021