thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÂM KHÍ [6]

 

Đã đăng: ÂM KHÍ [1] - [2] -[3] -[4] - [5]

 

6.

 

Bỗng dưng rộ lên câu chuyện vàng Hời. Có lẽ mơ được gặp Bác Hồ không “đã” bằng mơ được vàng, dù rằng mơ được vàng, cũng chỉ là mơ vẩn mơ vơ cho đỡ buồn trong cái cảnh nghèo rớt mồng tơi này vậy thôi. Dĩ nhiên không âm thầm kín đáo nhưng mãnh liệt như “giấc mơ Mỹ”.

Ai cũng biết đất này là của Chàm. Kinh đô Đồ Bàn chỉ cách làng tôi có 5 cây số. Năm trăm năm trước vua Lê Thánh Tông đem quân vào đánh chiếm, đuổi người Chàm đến tận đèo Cả. Giờ hãy còn núi Đá Bia là ranh giới của hai nước.

Nguyễn Nhạc chỉ trong một đêm, cướp phủ Qui Nhơn để làm nên cơ nghiệp Tây Sơn. Trên nền Đồ Bàn cũ, Nhạc xây thành Hoàng Đế, những tưởng làm sống lại cái vang bóng một thời của công chúa Huyền Trân. Nhưng nếu giọt nước mắt của Nhạc khóc bì oa trữ nhục có làm cho Nguyễn Huệ động lòng, thì sau đó cũng lại bị Nguyễn vương san thành bình địa để xây lăng Võ Tánh và Ngô Tùng Chu.

Mỗi lần thành đổi chủ là mỗi lần thành bị phá. Không chỉ lòng tham mà còn có cả lòng hận thù. Vua Lê phá vì thù người Chàm đã dám giết một vua Trần trong cuộc nam chinh. Ánh phá vì thù tận xương tủy Huệ, Nhạc. Mà đã phá thì phá nát, phá tan luôn. Còn tệ hơn cái nền cũ của nhà tôi. Ít ra cũng hãy còn mấy cây cột kiềng kiềng cháy dở. Chứ trên nền Đồ Bàn thì chỉ còn đá ong và cây bàn chải. Cái tháp có tên mới, Cánh Tiên, còn sót lại chỉ vì to quá, phá không được, chứ không phải vì đây là một tuyệt tác cần giữ lại cho đời sau.

Cho nên, đố mà tìm ra được chút gì của vàng son một thuở. Một vài tượng nữ thần, vũ nữ nằm lăn lóc, cái thì mất đầu, cái mất vú. Linga, chẳng biết là cái gì, thấy tròn tròn láng láng, thì để trước ngõ ngồi chơi cho sướng đít. Cái yoni trên một phiến đá vuông có hình tam giác lại có khe nước chảy, tưởng là cái thớt dưới của cối đá xay bột. Tìm chưa ra thớt trên thì cứ việc kê cạnh lu nước để rửa chân.

Khi biết được đó là hai cái gọi là nọc đượng và bạch huê, linh vật của người Chàm, ai cũng bò lăn ra cười. Họ bảo thờ gì mà ngu dữ vậy. Nhưng lót đít ngồi, kê rửa chân liệu có khôn hơn không?

 

Trái tim của nước Chiêm, từ khi lọt vào tay người Việt, số phận lại càng bi đát hơn. Đây là miền đất bị tàn phá nhiều nhất ở miền trung. Chẳng những phá để xóa hẳn tàn tích cũ. Mà còn bày ra những cuộc trả thù, tức là “đào tận gốc, trốc tận rễ” những gì còn sót lại trong lòng người.

Đã có bao nhiêu người Chàm bị giết? Bao nhiêu lính và dân của Tây Sơn bị chém? Bao nhiêu làng đã bị đốt, bao nhiêu dòng họ bị tru di tam tộc?

Khi những người Cộng Sản tập kết ra Bắc, những người gọi là quốc gia tới tiếp thu cũng không quên trả thù cho những người bị đấu tố. Những người bị bắt không có chỗ giam, phải quây thép gai nhốt ở ngoài trời như trâu bò. Sau cùng, những người Cộng Sản sau 30 tháng tư, lại trả thù cho những người gọi là Việt Cộng. Lần này, không chỉ những sĩ quan hay những ai có nợ máu với nhân dân, mà bất cứ ai sinh ra ở miền Nam, từ đứa bé mới lọt lòng mẹ cho đến cụ già sắp xuống lỗ, không nhiều thì ít cũng phải nhận những đòn thù.

Không đủ chỗ để nhốt, thì nhốt luôn cả làng, cả huyện, cả tỉnh, cả miền Nam từ Bến Hải đến Cà Mau. Sông Bến Hải đã nối lại đôi bờ, nhưng dòng sông có tên thù hận vừa được đào lên giữa kẻ thắng người bại, thì hai bờ biết đến bao giờ mới nối lại được.

Đó là số mệnh của một vùng đất mà khí thiêng sông núi cứ bùng lên rồi bị dập tắt, bị chà đạp. Cái tiếng anh hùng mà dân ở đây được cả nước ngưỡng mộ, không sánh nổi những khổ đau mà họ phải gánh chịu.

Liệu có phải đó là lời nguyền của các vị thần được mời đến từ Ấn Độ?

Bao nhiêu núi rừng, hùng vĩ như núi rừng Tây Sơn. Bao nhiêu sông, vằng vặc như sông Kôn. Bao nhiêu đồng lúa, bát ngát như An Nhơn, Tuy Phước. Bao nhiêu đầm rợp bóng tàu thuyền và tôm cá như đầm Thị Nại.

Đâu có phải là của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đâu có phải của Tiên Dung và Chử Đồng Tử. Lại càng không phải của Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân. Cũng không phải của Đào Tấn, Đào Duy Từ. Mà của Chế Mân, Chế Bồng Nga. Của những vị thần đã một thời ngự trên những tháp dù ngàn năm vẫn còn đứng ngạo nghễ kia.

Ngày nay, dân làng có bị coi như những kẻ thua trận đối với những người miền Bắc thắng trận, thì cũng như những dân Hời lang thang 500 năm trước vì bị quân nhà Lê vào cướp đất, đoạt thành.

Nhưng họ không phải người Hời, cũng không phải dân bản địa Bana, Rađê, cũng không một chút nào pha trộn gọi là lai. Họ chính gốc từ núi Nùng sông Nhị, có người bây giờ hai ngón chân cái vẫn giao nhau. Vậy thì, họ, trong đó có tôi, là hậu duệ của những kẻ đi xâm lược chăng, những kẻ mà dân Hời cũng nguyền rủa như Cộng Sản nguyền rủa giặc Mỹ cọp beo?

Nhà bị đốt, mồ mả ông bà bị san bằng, ruộng đất bị mất quyền tư hữu, chồng con bị đưa ra bắc như Nguyễn Phi Khanh bị đưa sang Tàu, là cái nghiệp chướng mà họ phải trả nợ cho tổ tông chăng?

 

Rộ lên chuyện vàng Hời, cũng phải nói đến mả Hời. Đó là cội nguồn của những trái cau, những tượng bằng vàng. Và cũng là cội nguồn của những cái chết bí ẩn được gọi là thư.

Đang ngồi chơi bỗng dưng mắt trợn tròng, miệng sùi bọt, chắc bị thư. Bụng to lên như cái trống, nhất định là bị thư rồi. Đẻ không ra, cũng thư.

Giải mã thư thì đó là cách trả thù của người Hời đối với hậu duệ của những kẻ đã cướp đất cướp làng của họ. Thư là nỗi ám ảnh khôn nguôi của những lưu dân từ 500 năm trước.

Cái mả Hời to nhất không nằm ở làng tôi mà ở làng bên. Chẳng biết người Chàm đặt tên là gì, nhưng dân ở đây gọi là mả thập miên, tức là mả có mười cái nhà che như một tử cấm thành. Cha tôi mùa lụt, đi đánh cá đêm thường chui vào ngủ. Bà tôi bảo cha mày ngủ ít được vì tụi ma nói chuyện rì rầm và đốt đèn đi lại suốt đêm. Vì vậy, bọn tôi dù nghịch phá nhưng chẳng đứa nào dám vào.

Tôi không phải là nhà khảo cổ học. Nhưng cái cách xây mộ có mái che, không hẳn là của người Chăm. Có thể là của một ông quan người Việt nào đó, xây theo kiểu nửa Tàu nửa Chăm. Nhưng dù có biết rõ là như thế, dân ở đây vẫn cứ gọi là mả Hời vì cái khối đen lù lù không giống ai và vì nỗi ám ảnh ma Hời.

Một phần vì những cái mả nằm khít bên nhau, kết thành một khối đồ sộ bằng vôi vữa rắn chắc, không dễ gì đào phá được. Một phần vì cái bí mật âm u rất đáng sợ của nó. Trải qua bao cuộc biển dâu, nó vẫn nằm im một cách đường bệ, vừa thách thức với thời gian, vừa thách thức những kẻ đào mả trộm. Bọn ấy, thì sợ gì thư. Nhưng chúng chưa động đến vì sức của chúng không đủ để phá.

Lần này, có sức không công của tập thể những người bị khổ sai và lưu đày tại quê hương, dại gì mà không đào cái mả ấy lên mà lấy vàng.

Thế là xà beng và búa tạ thi nhau đục, nện chan chát xuống cái khối vôi vữa còn chắc hơn cả bê tông. Một cuộc tổng tấn công tưng bừng, có ca hát giúp vui, có nước chè giải khát, có đủ ban bệ chỉ huy đôn đốc.

Nhưng đục đến toé lửa, đập đến rã tay mà cái khối vôi vữa gan cóc tía kia vẫn trơ trơ như đá.

Thôi thì, đánh trực diện không xong, ta lại đánh du kích, tức là đào hang chui vào. Cái này thì dễ thôi, địa đạo còn đào tới đâu huống hồ là đào một cái hang nhỏ như hang dế. Chỉ mất một buổi, đã có cái hang ngon lành. Nếu là lô cốt của địch, đương nhiên là một đồng chí cảm tử vào trước. Nhưng đây là một kho báu, thì xin mời ngài bí thư vinh dự vào tiếp quản.

Ngài bí thư của thôn T.L. không lùn như của làng tôi, mà to cao, nặng nề như một ông hộ pháp. Phải ì ạch một lúc lâu ngài mới chui vào được. Hàng ngàn trái tim vừa bạn vừa thù cùng hồi hộp.

Nhưng chờ mãi không thấy ngài chui ra.

Lần này, cái nỗi ám ảnh khôn nguôi của ma Hời làm mọi người lo sợ. Đương nhiên là ngài phó bí thư kiêm trưởng ban quân quản không dám vào. Phải kêu gọi lòng dũng cảm và đức tính hy sinh của một vài anh du kích.

Một chú oắt con được dẫn tới thí mạng, nhưng chú mới đút đầu vào đã vội chui ra nằm bật ngửa, mắt trắng dã, miệng sùi bọt mép.

Ma Hời vật chết rồi, bà con ơi!

Không phải tiếng kêu hốt hoảng mà đúng là một tiếng reo mừng. Trước những vụ việc như thế này, như mới cắt băng khánh thành mà tượng đã đổ, cầu đã sập, thì cái đám dân bị đè nén bấy lâu không gì hả dạ bằng. Đó là cách xả xì trét tốt nhất của họ. Đừng hậm hực mà gọi đó là đồ phản động.

 

Thế là có một người chết bên ngoài, người bên trong cũng chắc không sống nổi. Ma Hời thiêng thật.

Phải dừng lại thôi và tìm cách đưa xác ngài bí thư ra. Nhưng còn ai dám vào. Hời thư thì chỉ còn mỗi cách là tìm thầy Hời tới giải.

Phải đến mười ngày sau, khi cái xác đã bốc mùi không chịu được, người ta mới tìm được hai vị thầy Hời từ Phan Rang ra. Hai người da nâu, mặc toàn đồ trắng, quấn khăn trắng nói gì đó bằng tiếng Việt lơ lớ với đám chức dịch. Người ta liền vội vàng chở tới một xe bò rơm.

Đun hết rơm và đợi khói tan, hai vị thầy cao tay kia chui vào khiêng ra được cái xác tím ngắt đã bắt đầu thúi rữa.

Người ta để mặc hai vị thầy Hời đang ngồi rì rầm mà lo việc tang lễ. Lại vòng hoa, lại điếu văn ca tụng công lao cách mạng của người đã chết.

Người ta quên mất rằng đốt khói là một cách khử khí độc từ trong mộ, nên tối hôm đó, như hai bóng ma, hai vị thầy ranh mãnh kia đã thoải mái chui vào lấy hết của cải đi mất tiêu, không một lời từ biệt, chỉ để lại mấy cái ché không bị sứt mẻ không dùng gì được.

Ông bí thư mới vừa lên thay đến nhìn mấy cái ché, giậm chân kêu trời (chứ không kêu đảng), rằng mình ngu chứ không phải Hời nó ngu!

 

Có áp bức thì có đấu tranh. Có những cuộc đấu tranh máu đổ đầu rơi. Nhưng cũng có những cuộc đấu tranh âm thầm dai dẳng như thư, như yểm. Lại có những cuộc đấu tranh không dùng đến bùa yểm, như các xã viên của Hợp Tác Xã.

Đấu tranh bằng cách thây kệ cho lúa, cho bắp muốn lớn lên kiểu gì cũng được. Nghĩa là kẻng đánh thì ra đồng. Ai cầm cuốc, thì cuốc bẫm nếu là đất ruộng của nhà mình, còn của Hợp Tác Xã ấy à, thì cuốc nửa lưỡi thôi, giơ lên cao từ từ rồi cũng thả xuống từ từ như sợ đất phải bị đau. Ai cầm liềm, thì liềm lụt cũng được, cần chi bén. Đáng lẽ cắt một nhát đến cả bụi lúa nếu là của mình, còn của Hợp Tác Xã ấy à, thì nhơi nhơi từng cọng, có chết thằng tây đen nào đâu!

Nếu mà ông bà tổ tiên của dân làng này từ xưa cũng lười cũng nhác như thế, thì cái làng này đã thành rừng từ lâu rồi, chứ không phải đợi đến cuộc chiến tranh này.

 

Trong khi dân làng hờ hững với chính công việc của ông cha để lại, thì các ngài lãnh đạo lại làm không hết việc. Nào lập hội cựu chiến binh, nào xây dựng đảng, nào “đốt đuốc soi cho sáng đường làng” để tìm cho ra những thằng phản động. Và dựng tượng công nông binh với những khối xi-măng xám buồn như màu nắng của quê hương.

Không biết nếu có một cuộc can qua nữa, thì tượng có bị bẻ cụt đầu, bị lót đít ngồi hay đem kê rửa chân? Có lẽ mơ hồ lo sợ như vậy nên không có làng nào dám dựng tượng bác Hồ. Vả tại sao lại đem Bác ra phơi nắng như lời của cựu bí thư Đặng Hùng Anh, khi nhìn thấy một tấm ảnh dệt bằng lụa của Bác được dựng ở cổng chào.

Có người bảo chừng nào dựng được cái tháp như người Chiêm thì hãy dựng. Nhưng dựng những cái tháp to cao như thế mà không giữ được nước, thì dựng mà làm chi! Các ông vua Chàm, hỡi ơi, cứ như những tay công tử Bạc Liêu. Đốt một tờ bạc lớn cho người đẹp soi tìm một đồng xu bé xíu, để nàng ngạc nhiên chơi, không sướng sao? Thì có sá gì hai châu Ô Rí mà không vung ra như trong một canh bạc để chỉ để sở hữu một cái bạch huê của một nàng công chúa Đại Việt, lại cũng không sướng sao?

Ngông như thế mới thực ngông.

Chơi như thế mới đáng chơi!

Nhưng chỉ sướng trong một đêm mà cả vạn dân phải bỏ cửa nhà, bỏ ruộng vườn lang thang lếch thếch, liệu có ác chăng? Ngay cả các vua cướp đất đoạt thành của nước người cũng đâu phải là không ác!

Chỉ vì cái “ta” của bọn họ đấy thôi!

Liệu có thực “không có gì quý hơn độc lập, tự do”? Hay là giọt sữa cho con mới là quý nhất, khi mẹ suốt ngày không có gì cho vào miệng thì lấy đâu ra sữa!

Nếu cần thì đốt cả dãy Trường Sơn để giải phóng miền Nam, nhưng liệu các thành phố ở miền Nam này thừa tự do xuống đường để lật đổ Ngô Đình Diệm, Nguyễn Cao Kỳ, có cần “được giải phóng” thì mới có “tự do”?

 

Làng lúc này có rất nhiều người tưng tửng nếu không muốn gọi là điên.

Giô-xép con bà Lãnh, suốt ngày không nói câu nào, chỉ ngửa mặt nhìn trời, vì bị bom hất tung lên, rớt xuống mà không chết.

Hậu, co rút như con cuốn chiếu, úp mặt vào giữa hai đầu gối, chỉ muốn ngồi suốt ngày trong cái chòi đóng kín. Sợ đi lính quốc gia, sợ bị bắt nên núi, trốn dưới hầm mười mấy năm nên giờ trông cứ như con cù lần.

Sương, trước kia xinh đẹp, có hai con chết trên đường Cheo Reo - Tuy Hòa. Giờ, áo quần nhem nhuốc, tóc tai rũ rượi, cứ quỳ lạy các gốc cây bên đường. Vì khi hai con chết, chồng bắt phải bỏ xác lại bên bụi cây. Ngày thì như thế, tối cầm dao rượt chồng chạy khắp xóm, hỏi giấu con đâu?

Có một anh chỉ muốn nuôi cóc. Cóc to cóc nhỏ, cóc vàng cóc đen, cóc đực cóc cái. Cả trăm con dưới gậm giường, đáy tủ. Nuôi không phải để bán cho mấy người bị bệnh cam tích, mà để trả thù vợ. Anh bảo, cóc thế mà đẹp hơn người, nó đâu có ngoại tình!

Tội nghiệp nhất là bà cụ Quế. Nhà sát cạnh nhà tôi. Lúc sinh thời ông cụ làm cốm bắp cho bà bán. Khi học ở Quy Nhơn, thấy tôi ngồi học trong lớp, bà cứ đứng đợi bên ngoài để được cho tôi một gói cốm.

Chồng chết, con trai đi quân dịch vừa tới quân trường, chưa bắn được viên đạn nào đã bị pháo kích chết. Nhà có được sáu sào ruộng, nhưng hộ khẩu chỉ có một người nên trừ vườn nhà ra không được giao lại một sào nào. Chỉ có mỗi cái rẻo ruộng phần trăm (coi như chia để xã viên trồng rau), bề ngang đúng một thước, dài 30 thước.

Mọi người đều tận dụng chút tư riêng đó để trồng lúa. Cụ cũng vậy, nhưng cấy xong cụ lại nhổ lên. Rồi lại cấy xuống. Lại nhổ lên. Cứ thế quần quật suốt mấy tháng mà chưa cấy xong, trong khi các thửa bên cạnh đã gặt rồi.

Nếu gom hết những người như thế trong cả xã, cả huyện, cả tỉnh và cả nửa nước thì trại điên nào chứa đủ! Đôi khi tôi cũng muốn tưng tửng chơi vậy, nhưng không dễ gì tưng tửng khi mà mình còn nhận ra từng chút đau. Nhỏ thôi như kiến cắn, nhưng không cắn ở ngoài da mà cắn ở trong lòng.

Thôi thì đành sống lây lất cho qua ngày. Có người nói: ráng sống để chờ đợi một ngày, một ngày có giómây nhưng không có “mưa rơi trên màu cờ đỏ”.

 

[còn tiếp]

 

 

---------------------------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021