thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đời thật ngon
 
Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm
 
 
 
LANGSTON HUGHES
(1902-1967)
 
Langston Hughes là một trong những nhà thơ da đen đầu tiên ở Mỹ có thể sống được bằng ngòi bút và đồng thời cũng là một trong những nhà thơ gốc Phi châu viết bằng tiếng Anh xuất sắc nhất trong thế kỷ 20. Ông làm nhiều nghề khác nhau và đi rất nhiều nơi trên thế giới, từ châu Mỹ đến châu Phi, từ châu Âu đến châu Á. Ông hết sức quan tâm đến vấn đề tự do và bình đẳng, không ngừng lên tiếng tranh đấu cho quyền lợi của những người da đen dù không bao giờ ông thực sự dấn thân vào chính trị (có lúc người ta nghi ngờ ông theo cộng sản, nhưng thật ra không phải). Vào những thập niên cuối đời, ông chọn sống trong khu da đen ở New York, và được xem là một “Shakespeare của khu da đen”.
 
Là một cây bút đa tài và đa năng, Langston Hughes viết nhiều thể loại. Tổng cộng, ông xuất bản 16 tập thơ, 10 tập truyện ngắn, hai cuốn tiểu thuyết, một cuốn tự truyện gồm 2 tập, chín cuốn sách cho trẻ em và nhiều kịch bản sân khấu, điện ảnh và truyền thanh cũng như vô số các bài báo về văn học, lịch sử, văn hoá và chính trị. Ông là người biên tập hai trong ba tuyển tập thơ văn Phi châu đầu tiên xuất bản bằng tiếng Anh, An African Treasury (1960) và Poems from Black Africa (1963).
 
Thơ Langston Hughes nổi tiếng là giàu nhạc điệu, rất gần với âm nhạc, đặc biệt nhạc blues và nhạc jazz. Rất nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc, và ngay cả khi chúng không được phổ nhạc, cái hay của chúng thường chỉ bộc lộ trọn vẹn khi được đọc lớn tiếng, thậm chí, gào thét, với tiếng nhạc đệm đằng sau. Bởi vậy, nhiều người gọi thơ của ông là “thơ jazz” (jazz poetry) hay “thơ blues” (blues poetry). Hơn nữa, sau khi tập The Weary Blues được xuất bản vào năm 1926, ông còn được xem là một trong những nhà thơ đầu tiên đã ứng dụng kỹ thuật của nhạc jazz và blues vào thơ.[*]
 
Về đời sống riêng, Langston Hughes không bao giờ lập gia đình (và một số người nghĩ ông là đồng tính luyến ái). Tuy vậy, ông làm thơ tình khá nhiều, trong đó, bài thơ “Life is Fine” (“Đời thật ngon”) dưới đây được xem là một trong những bài thơ nổi tiếng và được yêu thích nhất của ông.
 
Phan Quỳnh Trâm
 
_________________________

[*]Mời đọc tiểu luận "Thơ Jazz: tiết tấu, âm thanh và phong khí da đen" (2/1999) của Hoàng Ngọc-Tuấn.

 
_________
 
 

Đời thật ngon

 
Tôi đi xuống sông,
Tôi ngồi trên bờ.
Tôi cố nghĩ nhưng không thể,
Thế là tôi nhảy ùm xuống nước và chìm lỉm.
 
Tôi trèo lên bờ một lần và gào!
Tôi trèo lên bờ hai lần và khóc!
Nếu nước không quá lạnh
Tôi có thể đã chìm và đã chết.
 
            Nhưng dưới nước         Lạnh lắm!         Lạnh lắm!
 
Tôi đi lên thang máy
Mười sáu tầng trên mặt đất.
Tôi nghĩ đến người yêu của tôi
Và nghĩ tôi có thể lao xuống.
 
Tôi đứng trên đó và gào!
Tôi đứng trên đó và khóc!
Nếu nó không cao đến vậy
Tôi có thể đã nhảy xuống và đã chết.
 
            Nhưng trên đó         Cao quá!         Cao quá!
 
Bởi vậy đến giờ tôi vẫn sống,
Tôi đoán tôi sẽ tiếp tục sống.
Tôi có thể đã chết vì tình yêu—
Nhưng nhờ cuộc sống tôi lại được ra đời
 
Dù em có thể nghe tôi gào,
Dù em có thể thấy tôi khóc—
Tôi sẽ thật khốn kiếp, cưng ạ,
Nếu em thấy tôi chết.
 
          Đời thật ngon!         Ngon như rượu!         Đời thật ngon!
 
 
------------
Dịch từ nguyên tác “Life is Fine” của Langston Hughes, đăng trên POETS.org - From the Academy of American Poets.
 
 
------------
Đã đăng:
 
Sự áp bức  (thơ) 
Bây giờ những giấc mơ / Không còn nữa / Cho những người mơ mộng / Những bài ca cũng không còn / Cho các ca nhân // Đó đây / Đêm tối / Và thép lạnh / Ngự trị / Nhưng giấc mơ / Sẽ trở lại, / Và bài ca / Phá vỡ / Ngục tù... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Mười bài thơ  (thơ) 
Tất cả những tiếng trống của rừng già vang dội trong máu ta, / Và tất cả những vầng trăng man dại và nóng hổi của rừng già long lanh nơi đáy hồn ta, / Ta kinh hãi cái nền văn minh này — / Quá cứng cỏi, / Quá mạnh bạo, / Quá lạnh lùng... | ... A, chúng ta cần phải có một mảnh đất chan hoà niềm vui, / Tình yêu và niềm vui và rượu nho và ca khúc, / Thay vì cái mảnh đất nơi mà niềm vui là tội ác... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Jazz, Jive và Jam  (truyện / tuỳ bút) 
Langston Hughes không chỉ yêu nhạc jazz, mà còn tin rằng nhạc jazz có sức mạnh truyền đạt sự tri cảm xuyên văn hoá. Trong truyện ngắn “Jazz, Jive và Jam”, nhân vật Jesse B. Simple cho rằng tất cả những cuộc hội thảo nghiêm túc về vấn đề giao lưu liên chủng tộc đều vô ích. Chỉ có nhạc jazz mới dễ dàng giúp con người vượt qua những biên giới của màu da để đến với nhau. Thay vì cứ tiếp tục “gab”, “gaff” và “gas”, người ta nên “jazz”, “jive” và “jam”!... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Chín bài thơ  (thơ) 
Chín bài thơ của Langston Hughes (1902-1967) — đại biểu quan trọng nhất của dòng thơ da đen Mỹ và là một trong những tên tuổi lớn nhất trong văn chương Hoa-kỳ thế kỷ 20. [Bản dịch của Thanh Tâm Tuyền, Trần Đức Uyển, và Nguyễn Đăng Thường]
 
Langston Hughes nói chuyện và đọc bài thơ “The Negro Speaks of Rivers”, một trong những bài thơ đầu tay nhưng nổi tiếng nhất của ông, viết năm 1920, lúc ông 18 tuổi. [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn, có kèm đoạn thu âm giọng nói và giọng đọc thơ của Langston Hughes năm 1959]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021