thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Định mệnh là tên đồ tể
 
Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm
 
 
 
UÔNG TĨNH CHI
1902-1996
 
Uông Tĩnh Chi (Wang Jingzhi, 汪静之) là một trong những nhà thơ tiêu biểu của Trung Quốc trong thế kỷ 20. Ông bắt đầu nổi tiếng ngay từ tập thơ đầu tay, Huệ đích phong [Gió huệ], xuất bản năm 1922. Hai đặc điểm nổi bật khiến tập thơ này gây chú ý trong dư luận là phần lớn các bài thơ trong đó đều là thơ tự do và hầu hết đều tập trung vào đề tài tình yêu và nỗi khát khao hạnh phúc của tuổi trẻ. Với hai đặc điểm ấy, Uông Tĩnh Chi trở thành một trong những nhà thơ trẻ trung và mới mẻ nhất thời ấy. Sau năm 1949, dưới chế độ Mao Trạch Đông, ông rất ít sáng tác. Mãi đến năm 1957, một tuyển tập thơ của ông mới được xuất bản sau khi đã bị cắt bỏ và sửa chữa rất nhiều, làm mất hẳn bản sắc của ông. Tập tự truyện bằng thơ của ông, viết từ thời còn trẻ, mãi đến cuối đời mới được in, cho thấy ông là một người say mê cái đẹp và nặng nợ với tình cảm. Ông cũng kể nhiều chuyện liên quan đến bạn bè của ông trong phong trào Ngũ Tứ, đặc biệt Hồ Thích, người có quan hệ họ hàng với ông, hơn nữa còn có quan hệ về tình cảm: tình nhân cả đời của Hồ Thích là Tào Bội Thanh, cũng là bạn thân và là người tình đầu tiên của Uông Tĩnh Chi.
 
Bài thơ “Định mệnh là tên đồ tể” này được Uông Tĩnh Chi sáng tác năm 1926. Trong tiểu luận “Unreal Images: Bei Dao’s Dialogue with the Real” đăng trên tạp chí Concentric: Literary and Cultural Studies số tháng giêng 2006, Dian Li, thuộc Đại Học Arizona, cho đây là một trong những bài thơ đánh dấu mốc quan trong trong sự phát triển của thơ hiện đại Trung Quốc và có ảnh hưởng lớn đến Bắc Đảo. Theo Dian Li, sự mới mẻ của bài thơ nằm ở sự so sánh, một sự so sánh gây sốc (“The analogy is shocking”). Nó khác với những sự so sánh đầy ước lệ, thơ mộng, bóng gió, xa xôi thời bấy giờ. Nó nói về những vấn đề siêu hình bằng những hình ảnh phàm tục trong đời sống hàng ngày. Dian Li xem đó như một cuộc cách mạng vào đầu thế kỷ 20 ở Trung Quốc và có ảnh hưởng đến tận bây giờ. [Wang Jingzhi’s fresh image, as revolutionary as it was in his time, is still an image in which the operation of analogy stays solidly in the realm of reality].
 
Phan Quỳnh Trâm
 
 

Định mệnh là tên đồ tể

 
Định mệnh vừa là một tên đồ tể
vừa là đầu bếp;
Hắn lấy cuộc đời tôi làm than và
thể xác tôi làm dụng cụ nhà bếp
Một tay cầm con dao loé sáng
một tay giữ linh hồn của tôi
Hắn thái từng lát mỏng
trước khi bỏ vào chảo chiên.
Chốc chốc hắn lại đổ thêm một số nhiên liệu
khiến ngọn lửa bùng lên dữ dội:
Hắn thêm hai muỗng nước tương
chút dầu và chút muối nữa
Khi linh hồn chín nhừ, hắn cũng đói.
Nên hắn ngấu nghiến linh hồn của tôi.
Miệng chóp chép, hắn cười nhăn nhở, nói:
“Chắc là ngon đây!”
 
 
--------------------
Dịch theo bản tiếng Anh của Dian Li, trong tiểu luận “Unreal Images: Bei Dao’s Dialogue with the Real” đăng trên tạp chí Concentric: Literary and Cultural Studies (32.1, January 2006) trang 203.
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021