thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THƠ THẲNG ĐỨNG THỨ MƯỜI BA
Bản dịch Diễm Châu
 
Đôi lời về tác giả:
 
ROBERTO JUARROZ là một trong những tên tuổi lừng lẫy nhất của châu Mỹ La-tinh hiện đại. Ông sinh ngày 5 tháng Mười 1925 tại Coronel Dorrego thuộc miền bình nguyên rộng lớn Buenos Aires của Á-căn-đình (Argentina); là tác giả của nhiều tập thơ có chung một tựa, chỉ khác số thứ tự: Poesía Vertical I, II, III... Thơ thẳng đứng khởi sự từ năm 1958, nay đã lên tới tập XIII (1993).* Tất cả các bài trong các tập đều không mang tên, như thể tác giả muốn nhấn mạnh tính “vô danh” của thơ mình hoặc nguồn xuất phát chung của những bài thơ ấy: Thơ thẳng đứng, thơ của sự rơi, của phận người, không phải là thơ “nằm ngang” mà là của chiều thẳng đứng (lên hay xuống), của đào sâu, của chất vấn, của đảo lộn choáng mặt...
 
Nhận định sơ khởi về thơ Roberto Juarroz, nhà thơ Pháp-Thụy sĩ Philippe Jaccottet từng viết: “Ngay từ những vần thơ đầu, người ta đã nghe một tiếng nói khác biệt, rắn rỏi, sắc bén, nghiêm xác. Con người (...) mạnh dạn suy nghĩ về nơi mình cư ngụ, về những tương quan giữa bên trong và bên ngoài, giữa trung tâm và ngoại vi, giữa ngôn từ và im lặng, giữa vắng mặt và hiện diện...” Ngay khi đọc tập thơ thứ nhì của Roberto Juarroz, nhà văn Á-căn-đình danh tiếng Julio Cortazar cũng đã viết cho Juarroz: “Đã lâu tôi chưa từng đọc những bài thơ nào làm tôi mệt lả và phấn khích tôi như những bài thơ này...” Và theo lời Octavio Paz thì Roberto Juarroz là “một thi sĩ lớn của những khoảnh khắc tuyệt đối.” Còn René Char: “Roberto Juarroz là một nhà thơ đích thực và vĩ đại.”
 
Từng điều khiển tạp chí thi ca Poesía = Poesía cùng với M. Morales tại Buenos Aires từ 1958 đến 1965, Roberto Juarroz còn là nhà phê bình văn nghệ (trên tờ Gaceta, Tucumán), nhà phê bình điện ảnh và sân khấu (trên tờ Esto Es). Tập “đối thoại với Guillermo Boido” của Roberto Juarroz, Thơ và sáng tạo, cho thấy ông là một người am tường văn chương châu Âu, nhất là các nhà thơ Pháp và cũng là một người hâm mộ đạo Thiền. Thủa nhỏ, Juarroz từng trải qua một cuộc sống đơn độc và một kinh nghiệm về tôn giáo sâu sắc. Trong đời, ông đã gặp phải hai hay ba cơn đau tim nặng. Và cũng đã phải lìa bỏ quê hương vì xung khắc với kẻ độc tài. (Tuy thế, trong thơ, ông rất ít khi dùng tới chữ “tự do”. Ông nói: “Thơ sẽ làm anh tự do.”) Trong việc khám phá thực thể rộng lớn của đời người, ông coi Antonio Porchia (1885-1968), một nghệ sĩ khác của Á-căn-đình (sinh tại Ý), tác giả tập Những tiếng nói, như mẫu mực. Roberto Juarroz còn là tác giả tập tiểu luận Thơ và thực tại. Ông kết hôn với bà Laura Cerrato, giáo sư Đại học Buenos Aires, chuyên viên về văn chương Ăng lô-Sắc xông và cũng là một thi sĩ.
 
Toàn thể tác phẩm của Roberto Juarroz được in cả ở Buenos Aires lẫn Caracas. Một phần của thơ ông đã được dịch ra khoảng 20 thứ tiếng trên thế giới. Roberto Juarroz đã được tặng “Giải thưởng Lớn Danh dự dành cho thi ca” của Fundación Argentina ở Buenos Aires và nhiều giải thưởng văn chương khác ở nước ngoài, trong đó có Giải thưởng Jean Malrieu ở Marseille vào tháng Năm 1992 và Giải Lưỡng niên Quốc tế về Thi ca ở Liège (Bỉ) vào tháng Chín 1992.
 
Năm 1991, Tủ sách Thơ của nhà xuất bản Trình bầy (hải ngoại, ở Lộ-trấn, Pháp) đã giới thiệu với bạn đọc Thơ thẳng đứng (Ba mươi bài) của Roberto Juarroz, bản dịch Diễm Châu. Vì số in hạn chế, tập thơ này đã mau chóng trở thành một thứ “bưu hoa” của các nhà sưu tập quốc tế! Trong năm nay (1993), Trình bầy sể ấn hành Thơ thẳng đứng thứ mười hai (nguyên tác: 1991), Thơ thẳng đứng thứ mười ba (nguyên tác: 1993) và tuyển tập Thơ thẳng đứng (I-XI) do cùng một người dịch; cả ba tập sau gồm trên 400 bài của Roberto Juarroz. (DC.,1993)
 
--------------------------
* Đây là lời nói đầu cho hai tập Thơ thẳng đứng XIIThơ thẳng đứng XIII in ăm 1993. Bạn đọc muốn biết thêm về Roberto Juarroz, xin tìm đọc các tư liệu của Fernand Verhesen, Roger Munier, hoặc lời nói đầu tuyển tập Vertical Poetry, bản dịch Anh văn của W. S. Merwin (North Point Press, San Francisco, 1988) và các bản dịch Thơ thẳng đứng khác của nhà xuất bản Trình bầy. (DC., 2005)
 
 
 
ROBERTO JUARROZ
(1925-1995)
 
THƠ THẲNG ĐỨNG THỨ MƯỜI BA
 
Bản dịch này để tặng
Bạn Hoàng Thạch Thiết.
DC.
 
1
 
Những từ ngữ gọi tên tôi.
Nhưng mọi từ ngữ đều gọi tên tôi
khi tôi biết lắng nghe chúng.
 
Lúc này tôi phải học cách nói ra chúng
để cho những kẻ khác cảm thấy mình được gọi tên
nếu tình cờ họ lắng nghe chúng.
 
Để gọi tên một người
ta cần tới mọi từ ngữ.
 
Lúc này chẳng qua chỉ đến lượt tôi
tiếp tục lễ nghi đó.
 
 
2
 
Tất cả bắt đầu ở nơi khác.
 
Chẳng quan trọng gì nếu một vài sự vật
hãy còn ở đây
hoặc kết thúc ở đây nữa:
ở đây chẳng có gì bắt đầu.
 
Chính bởi thế mà lời nói này, cái im lặng này,
cái bàn này, chiếc bình này, những bước chân em,
nhất thiết chẳng bao giờ có ở đây.
 
Tất cả bao giờ cũng ở nơi khác:
ở đó ở nơi chúng bắt đầu.
 
 
3
 
Chúng ta không biết cách chơi trong hữu thể.
Theo những văn bản xưa,
kẻ nào học chơi trong hữu thể
không còn nói tới gì nữa hết:
chỉ chơi trong im lặng.
 
Nhưng đôi khi im lặng thay đổi trò chơi
và tạo ra một lời nói trong vực thẳm.
Lức đó lời nói liền trở thành
một trò chơi khác trong hữu thể.
 
 
4
 
Câm nín giữa những từ ngữ,
gần như mù lòa giữa những ánh mắt,
ở bên kia khúc quẹo của cuộc đời,
dưới ảnh hưởng của một vị thần là sự trống vắng hoàn toàn,
tôi xê dịch cái sai lầm là một người
và kiên trì sửa chữa cái sai lầm ấy.
 
Và như thế tôi khép hờ những cánh cửa sổ của ngày,
tôi mở những cánh cửa ra vào của đêm,
tôi đào bới những khuôn mặt tới mãi tận xương,
tôi đưa im lặng ra từ hang hầm của nó,
tôi đảo lộn mọi sự
và ngồi xoay lưng lại toàn bộ.
 
Từ nay tôi không còn tìm kiếm cũng chẳng còn thấy,
tôi chẳng có ở đây cũng chẳng có ở nơi nào khác,
tôi tự tạo lại mình ngoài mọi băn khoăn,
tôi hoàn toàn hiến mình cho những mép lề của con người
và chăm chút nơi một tấm nền không hiện hữu
vẻ dịu dàng bé nhỏ của không hiện hữu.
 
 
5
 
Nếu chúng ta có thể vẽ ra những suy tưởng
như một cành cây tự họa trên trời,
thời có lẽ có vật gì đó sẽ tới đậu trên những suy tưởng ấy
như một con chim trên cành cây.
 
Chúng ta kéo lê một sai lầm về bản chất:
chúng ta cần phải là một chất liệu gì cụ thể hơn
trong mạng lưới có thể sờ mó được bao quanh chúng ta.
 
Và để chịu đựng sự khiếm khuyết của chúng ta
chúng ta vẽ ra những hình ảnh lang thang kia
như những cành cây trên nển trời.
 
 
6
 
Ngay như chúng ta đã suy nghĩ tất cả,
chúng ta vẫn còn muốn nghĩ suy một điều gì khác nữa.
Và ngay như chúng ta đã là tất cả,
chúng ta vẫn còn muốn là một điều gì khác nữa.
 
Cả đến một vị thần có lẽ cũng sẽ rơi vào cái cạm bẫy này:
cái cám dỗ nghĩ suy và tồn tại như là một điều gì đó không hạn giới.
 
Nơi đây có lẽ khởi sự
một dạng thuyết mới của điều bất khả.
 
 
7
 
Biển của ngôn từ
bao phủ cái bãi biển duy nhất ấy.
 
Tại sao nó lại lựa cái bãi biển ấy,
duy có cái bãi biển ấy
chứ không phải một bãi biển nào khác?
 
Có lẽ duyên cớ là 
có điều gì đó ở đây thật khác:
mọi vùng biển đều rút đi
khi thủy triều hạ xuống
và ở đây thời chính là bãi biển
cuối cùng sẽ rút đi.
 
Nhưng lúc đó thời biển
có sẽ tiếp tục tràn lan
không bãi biển, trong chân không?
Hay nó sẽ kiếm tìm một bãi biển khác
chắc chắn hơn con người?
 
Hay biển của ngôn từ
phải chăng là một thứ biển tự xóa đi
khi tự xóa mờ cái bãi biển kia?
 
 
8
 
Vạch một nét vẽ trên tấm vách
cho giờ phút mà ánh sáng sẽ tắt đi
và khi không một ai còn có thể thắp lại nữa.
 
Một vài nét vẽ đơn độc trong bóng tối,
không một ai buồn nhìn,
là một điều gì thật mãnh liệt
hơn cả chu kỳ của hủy diệt.
Những nét vẽ để lại trên đá 
của những hang động bị bỏ rơi
cuối cùng bao giờ cũng khiến ta mở lại chúng.
 
 
9
 
Trên một mép lề hiện hữu
của một thế giới không hiện hữu
nói một lời hiện hữu
về một điều gì đó không hiện hữu cũng không phải là không hiện hữu.
 
Có lẽ lời nói ấy và mép lề ấy
sẽ có thể tạo ra cái thế giới
hẳn đã nâng đỡ chúng.
 
 
10
 
Giữa những mí mắt rời rã
và những cái nhìn không mí mắt
đôi khi nghỉ yên một hình ảnh
chưa từng có
trong những cái nhìn nguyên vẹn.
 
Để có thể tới được nó
cần phải có một cái nhìn rã rời
của những con mắt bị thương vì nhìn ngắm
và một loạt những phản ánh tan vỡ.
 
Nhưng cái nhìn dạn dĩ
liều mình đi tìm nó
có lẽ sẽ không thể trở lại
hay chỉ ưng
ở lại bên nó.
 
Duy một hình ảnh bị vứt bỏ
mới có thể tạo lập một viễn ảnh tự do hơn.
 
 
11
 
Một phản ánh trên vách tường
gọi dậy một lời nói
lời nói này lại thiết lập cái vô tận.
 
Bởi vô tận cũng chết đi
hay lui về giữa dấu ngoặc.
Và duy một điểm ánh sáng hay phản ánh của nó
mới có thể tái lập lại vô tận.
 
Không một vô tận nào
gọi dậy một vô tận khác.
 
 
12
 
Những bài tập chuẩn bị.
Chúng ta không biết là điều gì
cũng chẳng hay từ đâu tới.
Có lẽ chúng ta đã quên mất điều đó.
 
Một đôi lần chúng ta cảm thấy mình
tựa như một con rối
có những sợi dây bị cắt đứt,
đương lay động những khoảng trống không,
chỉ hơi được nâng đỡ
bằng một lời nào đó
mà một hơi gió nhỏ nhất cũng làm tiêu tan.
 
Nhưng có những lần khác khoảng trống không
mang sự đậm đặc của một vật thể
và đảm nhận lời nói ấy, nâng đỡ nó
như cái cây đầu tiên
đã nâng đỡ trái cây đầu tiên
và con chim đầu tiên nữa.
 
Và lúc đó chúng ta không còn là những con rối.
 
 
13
 
Là kẻ thông dịch ánh sáng,
con mắt cũng thông dịch suy tưởng.
 
Ở điểm gặp gỡ
giữa hai bản dịch
một vực thẳm gián đoạn
và một vực thẳm khác thiết lập.
 
Các vực thẳm cũng thông dịch lẫn nhau
như thể chúng là những con mắt còn mở to hơn nữa.
 
 
14
 
Ba không giống như bốn
nhưng con số sau này bao gồm con số kia.
Cuôc sống không giống như cái chết
nhưng cái chết bao gồm sự sống kia.
Em không giống anh
nhưng anh bao gồm em.
 
Có lẽ tốt hơn 
nên thay đổi những phân định ấy
và ba nên bao gồm bốn,
sự sống nên bao gồm cái chết
và em nên bao gồm anh.
 
Hay tất cả nên cân bằng với tất cả
và không gì nên bao gồm gì hết.
 
 
15
 
Vì đâu chúng ta lại ở đây?
Đây không phải nơi chốn của chúng ta.
Liệu có chăng một nơi chốn cho chúng ta
ở một nơi nào khác.
 
Không có nơi chốn ở đâu hết
có lẽ sẽ xác định chúng ta,
như ánh sáng xác định ban ngày.
Nhưng cũng xác định chúng ta để chúng ta có thể
tạo ra một nơi chốn.
 
Và ta chỉ tìm ra được một điều gì đó 
ở một nơi mà ta tự tạo cho mình.
Cả tới tìm ra mình ở đó,
nếu có thể tìm ra chính bản thân.
 
 
16
 
Bàn tay không thể
gạch một đường thẳng trên một đường thẳng khác
và làm trùng hợp hết mọi điểm.
 
Cũng một chuyện như vậy xẩy ra
với tiếng nói và các từ,
với khuôn mặt và những điệu bộ,
với cuộc đời và mọi người.
 
Sự tình cờ may rủi là một bàn tay chắc chắn hơn.
 
 
17
 
Con đường là một hội lễ,
một cuộc khánh thành ở mỗi bước.
Nhưng mọi người đều nghi ngờ một hội lễ,
cả đến người tổ chức hay mừng lễ đó.
 
Và bởi thiên hạ không thể xóa con đường,
người ta đã xóa đi hội lễ.
 
Không hay biết người ta cũng đã bước bước đầu tiên
để xóa cả con đường nữa.
 
 
18
 
Sự mỏi mệt của những cái tên.
 
Giả như chúng ta có thể trở lại khu rừng tình ái
nơi mọi cái tên tự quên mình 
hay ít ra trở lại khu vườn của trơ trụi
nơi những cái tên tự bày đặt ra mình,
thì hẳn là chúng ta đã tìm thấy
một nơi khác cho các ký hiệu.
 
Hay có lẽ giả như chúng ta trở lại
một nơi không có
cả bản thể lẫn danh hiệu cho gì hết,
thì cái mỏi mệt vô ích này có thể đã chấm dứt
việc tìm cách vẽ ra cái vô tận.
 
Chỉ ở đây chúng ta mới có thể
không gọi sự vật bằng tên của chúng
và học cách gọi chúng
bằng những điệu bộ thoát ra từ các sự vật..
 
 
19
 
Đếm những tiếng đồng hồ điểm
là đếm im lặng.
Đằng sau mỗi tiếng đó là chiếc bóng của nó.
Và xa hơn nữa là số không.
 
Nhưng ở phía trước là kẻ đang đếm,
đang đặt những cái chấm trên im lặng.
Và ngay như kẻ ấy có thôi không đếm những tiếng nọ
y cũng chẳng thể nào ngưng chuyện đếm khác kia.
 
 
20
 
Từ bên trong hay bên ngoài 
phải dựng một cái thang
Cái thang ấy làm bằng chất liệu gì không quan trọng,
cũng chẳng quan trọng gì chuyện nó lên hay xuống:
Lên và xuống bao giờ cũng gặp nhau.
Vả lại,
cái ở bên trên cũng là ở bên dưới.
 
Điều thiết yếu là không để mình bị tê liệt
trong cái vùng ở bên lề vực thẳm ấy.
 
 
21
 
Một bài thơ cứu vớt một ngày.
 
Nhiều bài thơ có thể
cứu vớt trọn cuộc đời chăng?
Hay chỉ cần một bài thôi?
 
Tất cả những gì cứu vớt
đều đặt ra cảnh lưỡng nan này.
Giải quyết nó là cái bí quyết
của sự tình cờ tự cứu vớt.
 
 
22
 
Đắm chìm trong tấm gương.
Mỗi ngày chúng ta lại chìm thêm một chút
trong mặt nước phẳng lì của nó.
 
Cho tới một ngày nọ
đắm chìm quá độ
làm tan nát từ bên trong tấm gương.
 
 
23
 
Hiện và biến.
Phải chăng là một trò chơi buồn thảm hơn,
trớ trêu một cách bí hiểm hơn,
đồng dạng với một thứ phản-trò chơi hơn?
 
Nếu như đây là một thứ trò chơi ngay thật
thì hẳn sẽ phải có ít nhất là một phương thức đề cập khác.
 
 
24
 
Cầm bằng như đã mất tất cả.
Đó là nơi cái khai mở bắt đầu.
 
Lúc đó bất cứ bước nào
cũng đều có thể là bước đầu tiên.
Hay bất cứ điệu bộ nào cũng đều
thâu gồm được hết mọi điệu bộ.
 
Cầm bằng như tất cả đã mất.
Chỉ để mở ra duy nhất
những cánh cửa còn thiếu.
 
Hay tốt hơn:
đừng để chúng mở ra.
 
 
25
 
Một chiếc lá rơi rơi
vướng phải một cành ở lưng chừng
và khoác hình dạng
một chiếc tổ nho nhỏ ở đó.
 
Duy một sự rơi được đình chỉ
mới có thể uốn cong thành nơi cư ngụ hay nơi ẩn náu
để trì hoãn một sự rơi khác.
 
Nếu như thánh thần hiện hữu,
thì chỉ một vị thần ngã xuống
cũng có thể chống đỡ con người.
 
Cũng như chỉ một con người ngã xuống
cũng có thể chống đỡ một vị thần.
 
 
26
 
Nhấc mảnh giấy mà chúng ta viết lên
và duyệt lại từ bên dưới thì hơn.
 
Nhấc mỗi chữ mà chúng ta tìm thấy lên
và xem xét từ bên dưới thì hơn.
 
Nhấc mỗi người lên
và quan sát từ bên dưới thì hơn.
 
Nhấc cái chết lên
và dò xét từ bên dưới thì hơn.
 
Và nếu chúng ta nhìn kỹ 
chúng ta bao giờ cũng sẽ tìm thấy một dấu vết khác.
Dấu vết ấy không dung để đặt chân
cũng chẳng để cho suy tưởng ở đậu,
nhưng nó sẽ chứng tỏ với chúng ta
rằng có ai khác đã đi qua đó.
 
 
27
 
Có những mũi tên hối hận trên đường bay
và thu lại mũi nhọn,
chúng tiến tới gần bia
và chỉ chạm hờ.
 
Có nhiều mũi tên hiểu ra trễ
rằng mệnh số là bay
chứ không phải là cắm xuống.
 
Những cái đích là những thứ mồi nhử
lừa gạt những mũi tên
cũng như cây cung và cung thủ.
 
Hơn là nhắm tới một điều gì đó,
bí quyết là nhắm tới tất cả.
Trò đánh cá của cuộc đời
là dành cho mọi số.
 
 
28
 
Băng qua như một vệt sao băng
cõi vô tận của thần thánh
và lao mình vào những cõi vô tận khác,
những vô tận của trụi trần,
nơi những đóa hồng
nở hoa mà không có tại sao,*
nơi một chiếc cánh còn dùng để suy tưởng.
 
Ta chỉ có thể tìm ra một điều gì đó
ở nơi không có nó.
 
Ta chỉ có thể tìm ra một điều gì đó
ở nơi không có gì hết.
 
--------------------
* Xin xem Angelus Silesius. (Người dịch)
 
 
29
 
Tự giải thoát khỏi nỗi thèm khát sống
như một dị ứng vào mùa xuân
vẽ trên dải băng đã mòn của con đường
một đường viền của tự do xa lạ.
 
Sống không thèm khát sống
xoa dịu cả nỗi thèm khát chết
và nâng cao một hình thể bên cái không định hình,
một cảm giác khó khăn,
cái cảm giác sống bằng sự suy nhược ý chí thật bấp bênh của mình.
 
Và như thế một ngày nào đó
sẽ xuất hiện một vùng hòa hợp,
không âu lo cũng chẳng ta thán,
một không gian nơi người ta không cắt những đóa hoa
và xuống hoặc lên cũng là một như nhau.
 
 
30
 
Làm sao lui trở lại?
Làm sao thu hồi dấu ngoặc của chúng ta?
Làm sao khôi phục được cái im lặng là một người duy nhất
chứ không phải bao người khác hay không ai hết?
 
Một cuộc đời không đạt được:
cần phải có một cuộc đời khác
để trở lại phía sau.
 
Thật không đủ khi bông hồng
nở tới phía trước.
 
 
31
 
Sự vắng mặt của thần linh cho tôi thêm sức mạnh.
Tôi có thể khẩn cầu sự vắng mặt của thần linh
hay hơn là sự hiện diện của ngài.
 
Im lặng của thần linh
để cho tôi nói ra.
Không có sự thinh lặng của ngài 
có lẽ tôi đã chẳng bao giờ biết nói gì.
 
Bởi thế để đổi lại
tôi đặt từng lời nói 
nơi một điểm im lặng của thần linh,
nơi một mẩu vắng mặt của ngài.
 
 
32
 
Khi thế giới mảnh lần
như thể chỉ còn là một sợi nhỏ,
đôi bàn tay vụng về của chúng ta
không cỏn nắm bắt được gì hết nữa.
 
Chúng ta đã không được học tập
cái bài tập duy nhất có thể cứu vớt chúng ta:
học cách tự chống đỡ bằng một chiếc bóng.
 
 
33
 
Các đam mê mất đi,
có lẽ chỉ trừ một:
cái đam mê đối với sự mất mát.
 
Và mọi sự còn lại cũng mất đi:
bông hồng, tính khí, khuôn mặt em,
cuộc đời, khung cửa, cái chết.
Cả lời nói này nữa cũng mất đi,
việc đọc nó lên, tiếng động của nó.
 
Chỉ còn một phương chạy chữa:
biến sự mất mát thành đam mê.
 
 
34
 
Những kẻ đắm tàu khước từ bãi biển,
khước từ chiếc xuồng nhỏ có thể cứu vớt họ,
khước từ mánh lới để nổi trên mặt nước.
 
Trong lối dệt sít sao của những điều tương ứng 
hẳn phải có một vùng biển nâng đỡ họ,
một vùng biển xứng với những kẻ đắm tàu kia.
 
 
35
 
Rơi vào trong chính sự mù lòa.
Đi tìm kiếm ánh sáng 
trong khoảng không mà nguồn sáng để lại.
 
Thấy là một nghi lễ lạ kỳ
đôi khi đảo ngược.
Không thấy cũng chỉ là một cách thấy khác.
 
Những ngọn đèn đã tắt
thường khi lại tự thắp lên 
từ chính sự kiệt quệ của chúng.
 
 
36
 
Ở tầng lầu bên trên
có môt căn buồng khép kín,
một căn buồng không ai vào được
 
Có lẽ ở bên trong
có những hoành đồ của ngôi nhà,
sổ bộ,
ký hiệu mà chúng ta đang tìm kiếm:
chiếc chìa khóa mở căn buồng kín bưng.
 
Và dẫu cho chúng ta có phải đương đầu với nguy cơ 
triệt hạ ngôi nhà
và ở lại bên ngoài với gió mưa
hay có lẽ không đâu hết,
căn buồng bên trên đó
vẫn tiếp tục đóng kín.
 
 
37
 
Suy tưởng
tạo ra một chiếc bóng khác trong chiếc bóng
có lẽ để che chở thế giới kỹ hơn.
 
Sự bỏ trốn của những trái cây 
trong lúc đó làm sống lại
niềm bất mãn đã bắt đầu trong mầm hạt.
Và những vành trăng bị trái đất bỏ quên
lại tựa mình trên mặt trời.
 
Trên bình diện nào sẽ diễn ra 
ván bài quyết định?
 
Có lẽ ván bài quyết định
sẽ diễn ra trong tổng số
của hết mọi bộ phận,
cái tổng số chứng tỏ
trò chơi này không phải là một trò chơi.
 
 
38
 
Hôm nay suy nghĩ làm tôi đau,
bàn tay cầm viết làm tôi đau,
lời tôi nói hôm qua làm tôi đau
và cả lời tôi đã không nói,
thế giới làm tôi đau.
 
Có những ngày tựa những không gian được chuẩn bị
để mọi sự làm ta đau.
 
Duy có thần linh hôm nay không làm tôi đau.
Phải chăng vì thần linh không hiện hữu hôm nay?
 
 
39
 
Đêm tối có vô số sự hiện diện
ngay cả ở ngoài đêm.
 
Đôi khi chỗi dậy giữa trưa
như một cơn gió thổi mạnh
từ phía sau ngọn đèn.
Hay xuất hiện trên bàn ăn
như một ổ bánh lật ngược.
Hay vướng víu những bàn tay hoặc những bàn chân
ở chỗ ngoặt của con đường.
Hay bước ra từ những đôi mắt nào đó 
như một kẻ cư ngụ dưới lòng đất.
Hay cuộc đời giao thoa bất ngờ 
như một mộng ảo mới.
 
Đêm tối không mãn nguyện với đêm tối.
Cả với nắm đấm
đậm đặc bóng đen
ở giữa lòng đêm tối.
 
Đêm tối muốn chiếm đoạt luôn cả ngày
muốn hoàn toàn hiện diện trong ánh sáng.
 
 
40
 
Những ánh chớp của suy tưởng
băng qua những đám sương mù bên trong
và có lẽ cả bên ngoài nữa
như thể có một sự bùng nổ thường xuyên
từ xa xa tìm cách an ủi
cái thoáng qua mỗi lúc một mờ mịt kia.
 
Vì đâu suy tưởng lại không cam đành từ bỏ chúng ta
cả khi chúng ta lựa chọn không suy tưởng
hay trong những lúc bướng bỉnh làm nó bực mình?
Hay có lẽ số mệnh của chúng ta
là chỉ cảm thấy ánh sáng và suy tưởng
như những mảnh con con
của một sự bùng nổ lạ xa?
 
 
41
 
Không nhận ra rằng dòng sông là một thanh kiếm 
và mọi sự mơ những giấc mơ riêng của chúng
là không biết rằng ở đây,
bên cái nhìn của chúng ta
có một cái nhìn khác:
cái nhìn thầm kín của thế giới.
 
Khi người ta khám phá ra điều ấy,
cuộc sống xoay trở như một cái bao tay
tháo gỡ bàn tay mà nó từng nhốt kín
và xúc giác được giải thoát
lần đầu tiên chạm tới tất cả những gì hiện hữu.
 
Thực tại là một thời gian bị gấp lại
cần phải trải ra như một tấm tranh
tinh tế lạ thường
để tìm ra trong đó
một bàn tay khác đang chờ đợi.
 
 
42
 
Chảy ngược lại từ mọi ngôn ngữ.
Tìm lại các từ
ở giai đoạn những cánh chim bay,
những nụ hôn thoát khỏi vành môi
tự ý đi tìm
những làn môi khác.
 
Và bởi không thể
đạt tới sự trần truồng không che đậy của những cội nguồn nguyên thủy,
thu hồi lại trong các từ
một điều gì đó cũng thanh tú và phóng khoáng
như sự trần truồng của mái tóc.
 
Và khi hết mọi từ
lại trở thành khởi sự,
con người lại cũng sẽ bắt đầu.
 
Và có lẽ tất cả lại cũng sẽ bắt đầu.
 
 
43
 
Một hình cầu lang thang
rơi vào giữa đôi tay tôi.
Và hai tay tôi không thể 
có được cái hình dạng hoàn hảo này,
không thể ôm siết nó cũng chẳng thể bao bọc nó
như không khí hoặc đêm tối.
 
Duy có sự bất toàn mới có thể
che chở cái hoàn hảo.
Và cảm thấy, gần như một người tình,
rằng hoàn hảo cũng rụng rơi.
 
 
44
 
Trái đen của đêm tối
buông rơi qua những kẽ nứt trên vỏ
mật của đêm tối.
Và giữa những giọt đen,
như một sự thẩm thấu khác với lẽ thường,
thỉnh thoảng rơi một giọt trắng.
Tuy nhiên sự hòa hợp không bị tan vỡ:
hết mọi giọt đều cùng một mùi vị.
 
Mọi hòa hợp
đều phải làm tròn điều kiện thiết yếu
là bảo tồn nơi chính bản thân
một sự bất hòa,
cái nghịch âm giữ cho nó
khỏi trở thành không thực.
 
 
45
 
Để ở một mình có những người tự biến đi,
tự thoát đi như những cơn choáng ngợp trong không khí.
Nếu có người nào đó bất ngờ kêu gọi họ,
sẽ không có một ai lên tiếng trả lời.
Hoặc có lẽ người ta chỉ nghe thấy
một điều gì đó tựa như một tiếng nói được ghi lại.
 
Cô quạnh là một thử thách của thực tại.
Nó dạy ta ít ra là tìm cho mình một danh hiệu khác.
Và đôi khi, một con người khác.
 
 
46
 
Một con chó cất tiếng sủa một điều nhớ lại.
Không ai rõ điều ấy là của nó hay lạ xa.
Những kỷ niệm
tựa như những con thú động cỡn
không thể chịu nhốt kín.
 
Và mặc dù kỷ niệm không thể sủa chó,
kỷ niệm xoa dịu nó dần dần.
 
Chính trong những phối hợp bất ngờ đó
sự tình cờ sắp xếp một thứ tự chắc chắn hơn.
 
 
47
 
Có một lúc tôi còn trẻ.
Có một lúc tôi đã già.
Có một lúc tôi còn sống.
Có một lúc tôi đã chết.
 
Từ một góc nhà có ai đó rình rập
sự lệch lạc của thời gian.
Từ một góc nhà có ai đó chờ đợi
tất cả những chuyện đó đi qua.
 
Và từ một góc khác 
hay có lẽ vẫn từ một góc ấy
cất lên một cơn mưa
cơn mưa sẽ xóa đi bầu trời.
 
 
48
 
Một bức màn ánh sáng
đình chỉ buổi lễ của bóng tối.
Bởi thế chúng ta liền hiểu ra rằng ánh sáng
cũng là một buổi lễ,
cái nghi thức nguyên thủy,
cái lễ tiết trần trụi
của một điều mặc khải
không giải thích nào khác.
 
Và bóng tối biết điều đó.
Chính vì thế mà nó tự mở ra trước ánh sáng.
 
 
49
 
 
Bẩm năng khép kín.
 
Chúng ta để tiền trong két sắt,
bông hoa trong bó hoa,
viễn ảnh trong một cái khung,
cuộc đời trong một cạm bẫy,
người chết trong áo quan.
 
Và chúng ta cũng khép kín
các màu sắc, âm nhạc,
các từ, gió,
sự mù lòa thần linh.
 
Và khép kín đến như vậy chúng ta
cũng tự biến đổi bản thân thành khép kín 
và chúng ta lập lờ trôi nổi
như những túi tiền mà không khí niêm phong.
 
Suy tưởng hay chiếc bóng của suy tưởng
cũng đã khá lâu
tự giam mình trong xà-lim.
 
 
50
 
Chúng ta chết vì sống.
Chúng ta càng sống chúng ta càng chết.
Không ai chết vì chết.
Bởi thế có một số người,
để khỏi chết,
lại ưng chết.
 
Bởi thế có hai sự tích đối nghịch được viết ra:
một vài bài tiểu sử chép theo năm tháng, 
vô số những ghi chú về kẻ đã khuất 
và một vài nét phác hiếm hoi lấy ngay ở đời sống thật.
 
Và liên hệ chắc nịch bên ngoài
giữa những cuộc sống và những người chết
liền trở thành một khoảng sân lộ thiên trong nhà ghép bằng những mảnh gạch đá đủ mọi màu sắc
với nhiều kiểu mẫu thất thường.
 
Và trong khoảng sân trong này có một đứa trẻ nô đùa
không buồn nhìn cả đến những kiểu mẫu ấy.
 
 
51
 
Một bông hoa dưới cơn mưa
tựa như một suy tưởng bị dìm dưới nước.
Có điều gì đó không tương xứng.
Như trong một khúc tay cụt mô phỏng cái vuốt ve
hay một bàn tay đầy bùn 
toan chùi một giọt nước mắt.
 
Có lẽ chúng ta nằm trong một hệ thống
cần lầm lẫn.
 
 
52
 
Hôm nay tôi không làm gì hết.
Nhưng có nhiều điều được thực hiện trong tôi.
 
Những cánh chim không hiện hữu
đã tìm được tổ ấm.
Những chiếc bóng có lẽ hiện hữu
đã gặp được thể xác chúng.
Những lời nói hiện hữu
đã phục hồi được im lặng.
 
Không làm gì
đôi khi cứu vãn được sự cân bằng của thế giới,
bằng cách đạt được một điều gì đó cũng trĩu nặng
trên mặt dĩa trống trơn của cán cân.
 
 
53
 
Ái tình đôi khi tự cắt cụt 
như một cánh tay được cưa bớt,
nhưng khoảng trống vắng vẫn tiếp tục làm những cử chỉ,
mà có lẽ ai đó sẽ tiếp nhận.
 
Mặc dù ái tình ra đi,
cử động yêu vẫn không thôi vươn mình.
Chính bởi thế mà không có gì đáng ngạc nhiên
nếu ái tình trở lại
những cử chỉ của nó hòa lẫn
với những cử chỉ đã có trước.
Và xuất hiện những cuộc tình
đi lang thang khắp thế giới
với những cử chỉ kép
những cuộc tình tựa như hai cuộc tình.
 
Cũng như thế, không phải là họa hiếm
khi chúng ta lầm lẫn một cuộc tình với một cuộc tình khác,
tới độ yêu thương kẻ không còn
thay vì kẻ đang có.
 
 
54
 
Thức là một giấc ngủ khác.
Ngủ lại không phải là một thức tỉnh khác hay sao?
 
Có lẽ thức và ngủ
chỉ là hai cái nhìn
của một viễn ảnh duy nhất,
hai nét nhìn nghiêng của một khuôn mặt
có vô số nét nhìn nghiêng,
hai mặt của một khối nhiều mặt vô tận
xoay trong một ngọn gió vô tận.
 
Cái chết có lẽ là một mặt khác.
Và sự điên rồ một mặt khác.
 
Nhưng chuyện gì sẽ xẩy ra
nếu có một lúc nào đó ngọn gió kia
ngừng thổi?
 
Khối nhiều mặt tự thấm hút kia có tiếp tục
xoay vòng vòng trong hư vô?
Hay rốt cuộc nó cũng ngừng lại
và mọi mặt của nó chỉ còn là một mặt duy nhất?
 
 
55
 
Đôi khi tôi quên tình ái,
như tôi quên bàn tay tôi.
Chỉ có chúng mới có thể cầm lấy thế giới
và đặt nó trước mặt tôi
để tôi có thể chạm tới thế giới,
nhưng chúng không hề nhắc tôi nhớ những công việc của chúng.
 
Quên đi tình ái và bàn tay 
cho phép tôi nhớ tới các sự vật
và nhớ tới bản thân tôi nữa.
Nếu ngược lại tôi quên đi tất cả
có lẽ lúc đó tôi sẽ không quên
bàn tay tôi hoặc tình yêu.
 
Sống cũng là quên đi rằng mình sống.
Và yêu là quên đi rằng mình yêu.
 
 
56
 
Mùi thơm giản dị của cà-phê
đưa chúng ta trở lại vòng biến hóa của mùi vị,
trở lại với cái mép viền đại lượng của thế giới
mà cả đến sự điên rồ của chúng ta cũng xem thường.
 
Tại sao sự vật lại có mùi vị?
Tại sao một vật thể lại lan rộng nơi hương thơm của nó
tới độ đánh động chúng ta một cách khác,
tới độ bốc lên và bao trùm lấy chúng ta
trong một cuộc biến hình
gợi ra cho chúng ta một cách thế khác của sự vật?
 
Là vì tất cả đều là một nguồn buông tỏa vô hạn
một sự thoát hương mời mọc bảo chúng ta
rằng sự vật không ở nơi ta thấy chúng.
 
Sự rửng rưng của vũ trụ
cũng có những biểu lộ tràn lan.
 
 
57
 
Trong ánh ngày lộng lẫy
bỗng dưng đột nhập
thể chất của một ngày khác.
 
Đây không phải là một ảo ảnh mơ hồ  
hay một kỷ niệm nôn nóng
cũng chẳng phải một linh giác
bùng ra và được dự đoán.
 
Một ngày khác đã choán chỗ của ngày này
là vì đôi khi thời gian
cũng tự sửa chữa chính mình.
Hay cũng chỉ tự thay thế:
nhường phiên mình cho một thời gian khác
trong vô số vận hành của mình.
 
Sự thay phiên của thời gian
không ẩn núp trong bóng tối.
 
 
58
 
Ngủ là một tiếng rên siết dài.
Có ai đó buông mình vào giấc ngủ
và từ sự buông thả nghiêng dần đó
không xuất hiện niềm vui:
có điều gì đó nổi lên tựa như sự buồn phiền.
 
Ai rên siết ở nơi người nằm ngủ?
Và kẻ ấy than phiền điều gì?
 
Có lẽ có một nỗi buồn phiền
ở đáy cùng mọi sự
đương tìm cách làm nhẹ bớt gánh nặng
qua chính chúng ta
khi chúng ta thiếp ngủ?
 
Hay đó cũng lại chỉ là
nỗi muộn phiền là người,
một nỗi muộn phiền không thể xuất hiện
khi chúng ta thức dậy?
 
 
59
 
Có quá nhiều người chết
và cái chết đè nặng hơn sự sống.
Trái đất đã quá trĩu nặng.
 
Tính ưa xác chết của lịch sử,
sức nặng chết chóc mà sự sống mang trong mình
như trong một cỗ áo quan,
sức chứa của những nghĩa trang chật chội
làm mất quân bình hệ thống.
 
Có quá nhiều người chết.
Dường như cái chết đã vượt quá
những chức năng được chỉ định.
Trái đất đã quá trĩu nặng.
 
Có lẽ cần phải có một hành tinh khác
để đặt người chết.
 
 
60
 
Có những sự vật chiếm quá nhiều chỗ
khiến tự chúng xê dịch được
và đẩy lùi khắp chung quanh,
như những thứ tạo vật dị kỳ tràn ra khỏi làn da
và không thể tự thấm hút lại nữa.
 
Cũng như thế đôi khi thơ không chịu để cho tôi viết.
Văn tự lúc đó bị đè bẹp
như đồng cỏ dưới một con thú lớn.
Và chỉ còn có thể thu lượm được đôi lời
bị chà đạp trong cỏ.
 
Thế nhưng mọi bài thơ đều chỉ là một tiếng bập bẹ
dưới sự bập bẹ không cùng của các vì sao.
 
 
61
 
Một phản ánh xoa dịu cái chết.
 
Một phản ánh thu hồi 
một điểm bị cầm giữ trong quên lãng
và đặt vào đó một phong cảnh
dường như không hiện hữu.
Và phong cảnh này lại mang trên mình một phản ánh khác,
nhưng khởi từ một thời gian chậm rãi, trong tương lai.
 
Lúc đó cái chết liền giảm bớt
sức ép không thôi của mình
và trở thành một phản ánh khác
hợp nhất với các phản ánh trước
để thiết lập một viễn ảnh
rộng lớn hơn chúng ta.
 
Như thế đó, một phản ánh, cái chết và ký ức
đã tạo ra tấm gương
của một khoảng trống không không còn là trống không.
 
Và cực độ trung thực nhất của suy tưởng
phê chuẩn quá trình.
 
 
62
 
Mặc dù chưa có gì bỏ đi
hết thảy đã bỏ rơi chúng ta.
 
Cả đến tình yêu cũng thiếp đi,
ngôn từ thiếp đi,
thần linh thiếp đi.
 
Và như thế chúng ta đi,
vẫn đơn độc hơn cả đơn độc.
 
Nhưng cả đến đơn độc
đơn độc cũng thiếp đi.
 
 
63
 
Tuồng tích đã chấm dứt.
Lúc này chúng ta chỉ còn cách ứng biến.
 
Nhưng mọi đề tài đều đã cạn
và chúng ta rất có thể thiếu đề tài.
Mặc dù bao giờ cũng vẫn có một đề tài:
những vùng lân cận cái chết.
 
Và có lẽ chúng ta sẽ tìm được ở đó
mọi đề tài khác.
Và có lẽ cả một tuồng tích khác.
 
Hay cái âm hưởng hoàn toàn nhất:
một sự ứng biến không buồn biết tới đề tài.
 
 
64
 
Những công việc nho nhỏ. 
Không muốn cứu vớt một ai cả,
cũng chẳng tự cứu vớt.
Không tiết lộ điều bí ẩn
cũng chẳng tổng kết những điều mặc khải.
Dời đi thêm nữa những miền không tưởng.
 
Những công việc nho nhỏ.
Xóa đi mọi dấu vết,
để cho một chiếc bóng lướt qua,
đọc một văn bản đã vàng im lặng,
rải những chiếc lá trong vườn
như thể ấy là những cánh hoa,
chăm nom những vết nứt trên tường,
thu lượm những đường parabol của nước,
ẩn núp trong những nếp nhăn của gió.
 
Chỉ là người thợ thủ công kín đáo
kẻ thu thập một vài từ
để đặt lên những sự vật mà người ta quên
và gợi dậy nơi chúng cuộc gặp gỡ
với một vài màu sắc không nơi trú ngụ.
Những điều hơi chắc chắn của thế giới
luôn luôn khởi sự trong những hóc hẻm.
Và những sự vật đã bị quên lãng
thường nắm giữ những dấu hiệu độc nhất.
 
 
65
 
Đôi khi tôi muốn xóa tất cả những vần thơ của mình
để có thể viết một bài thơ lần đầu tiên hết.
Tất cả những gì đã viết không đưa tôi tới chỗ
cảm thấy rằng mình đã viết một bài thơ.
 
Đã sống cũng không đủ:
sống luôn luôn khởi sự lúc này.
 
 
66
 
Mọi sự đều rủ bóng,
tới mãi cõi vô hình.
 
Bóng của suy tưởng
nối lại những chỗ nứt
của thực tại bấp bênh.
 
Bóng của các từ 
nói những gì các từ không nói.
 
Bóng sự vắng mặt của em 
kéo dài những cử chỉ âu yếm
đang lang thang trong không khí.
 
Mọi chiếc bóng cũng đều buông một chiếc bóng khác,
như thể các hình thù không sao
bổ khuyết được cái phong cảnh
mà đôi mắt chúng ta cần tới.
 
Và sớm hay muộn hơn nữa,
cả đến chính những con mắt cũng phải đem lại
phần bóng tối của mình.
 
 
67
 
Những cái tên tách rời sự vật
và lăn lộn tự do trên mặt đất.
Sự vật tách rời khỏi thế giới
và lăn lộn tự do trong không khí.
Thế giới tách rời khỏi trục
và lăn lộn tự do trong trống không.
 
Những giấc mơ thảm hại
hay là sự bước vào cõi vô tận.
 
Không phân biệt được ngưỡng cửa.
 
 
68
 
Một bài thơ đánh thức tôi dậy
và bước theo tôi ra ngoài.
Sau đó một bài thơ khác 
bước theo tôi đến tận giấc ngủ.
 
Giữa hai bài thơ lơ lửng thời gian
như một con nai hoảng sợ
không biết tới giấc ngủ và những bài thơ.
 
 
69
 
Một chiếc ly bị bể
làm tung toé những phản ánh
như một mặt trời nho nhỏ lạnh lẽo
mà một va chạm đã bứt khỏi sự trong sáng.
 
Có điều gì tăm tối khiến con người
làm gián đoạn tất cả những gì đang trôi chảy:
ánh sáng, nước, tình yêu,
suy tưởng, đêm tối.
 
Nhưng sự gián đoạn này 
đôi khi làm xuất hiện một sự liên tục khác,
một đoạn hình ảnh kế tục khác mà chúng ta không biết,
một dòng vận chuyển tràn lan
qua bên kia những dấu chỉ,
một cách tiếp tục tự sáng tạo lại
ở bên kia những đoạn cắt.
 
Một phương thức trôi chảy mà chúng ta không nghe biết,
thế tuy nhiên lại nhìn nhận chúng ta.
 
 
70
 
Mùa Thu bước xuống đâu?
Mùa Thu tìm gì dưới các sự vật?
Sao Thu lại cuốn đi mọi màu sắc
như thể phải làm biến dạng những gì chìm đắm tiêu tan?
 
Và chúng ta, chúng ta bước xuống đâu
như những mùa Thu nho nhỏ gọn gang?
Chúng ta hạ dần xuống đâu ngay cả khi mùa Thu dừng lại?
Ánh sáng nào rời rã
đang đào nền móng hay xóa chúng đi?
Hay sự sống thiếu nền tảng
và ánh sáng chỉ bơi trong cõi trống không?
 
Mùa Thu kéo chúng ta 
xuống một đáy thẳm không hiện hữu.
Trong lúc đó,
chúng ta tiếp tục ngước nhìn về một chiều cao
cũng chẳng hiện hữu gì hơn.
 
 
71
 
Chúng ta cần phải nhớ lại một điều gì đó.
Nhưng điều chi?
Và làm sao chúng ta có thể nhớ
điều mà chúng ta cũng không còn nhớ
mà chúng ta phải nhớ?
 
Ảo tưởng trí nhớ,
nguồn suối khô cạn của thời gian.
Có lẽ chúng ta có thể nhớ tới cái chết?
 
Hay có lẽ nhớ tới một điều gì khác
cũng chẳng phải là sự sống.
 
 
72
 
Ngọn lửa của suy tưởng.
Không gì có thể dập tắt,
có lẽ trừ hư vô.
 
Ngọn lửa của không suy tưởng.
Ngọn lửa trên ngọn lửa,
đám cháy của vực sâu.
 
Vô tận bừng những ngọn lửa.
 
Hư vô cũng bốc cháy.
 
 
73
 
Chúng ta nói những gì chúng ta nói
để cái chết không có
tiếng nói tối hậu.*
 
Nhưng phải chăng cái chết sẽ có
cái im lặng tối hậu?
 
Cần phải nói cả im lặng nữa.
 
------------------------
* dịch sát kiểu nói trong nguyên tác: “para que la muerte no tenga/ la última palabra” (để cái chết không thắng thế). (Người dịch)
 
 
74
 
Thời gian hoặc không gian không thay phiên chúng ta:
vực thẳm thế chỗ chúng ta.
Cùng một vực thẳm 
vẫn ở với chúng ta
nhưng chúng ta không nhận ra.
 
Khi nhận ra nó chúng ta biến đi
và còn lại một vực thẳm trống vắng.
Sự thay thế gồm có
đặt lại trống không trên trống không.
 
 
75
 
Hôm nay tôi có hầu như hết mọi từ.
Nhưng tôi lại thiếu hầu như tất cả.
Mỗi lần tôi lại thiếu nhiều hơn nữa.
 
Tôi cũng chỉ kết hợp được đôi chút những từ mà tôi viết
để nói ra chút dịu dàng còn lại
và sự đào khoét của sợ hãi
những thứ đang ẩn nấp trong vắng mặt của tất cả,
trong sự vắng mặt tăng dần
không đòi tới các từ.
 
Hay có lẽ chỉ cần tới một từ
một từ duy nhất mà tôi không có
và từ ấy tuy nhiên tôi lại chẳng thiếu.
 
 
76
 
Không ai có thể trông chờ ai cả
cả ở phía trước lẫn phía sau.
 
Và trong hướng khác
không có sự trông đợi:
hướng về phía trên hay phía dưới
không khi nào có ai cả.
 
Những đường xoắn ốc khiêu vũ một mình
và biết thế.
Nhưng vẫn tiếp tục khiêu vũ.
 
Hay có chăng một sự đợi chờ trong tâm của cuộc khiêu vũ ấy?
 
 
77
 
Phải để những cánh cửa tự mình mở ra.
Và khép lại nữa.
 
Phải bước vào hoặc ra
qua những cánh cửa mở hay khép
mà không hề phân biệt.
 
Hoặc chỉ lựa những cánh cửa nào
không được tạo dựng
để ra hoặc vào.
 
Là vì mọi sự đều là một cánh cửa,
cả tới kẻ ở trước một cánh cửa.
Về bên này hay bên kia.
 
 
78
 
Một người đơn đôc,
trong một căn buồng khép kín,
đưa cánh tay lên trong một cử chỉ vĩnh biệt.
 
Một người đơn độc khác,
trên một con đường vắng vẻ,
đưa cánh tay mình lên trong cùng một điệu bộ ấy.
 
Một mối ngờ gần như không thể có
nốt kết cả hai cử chỉ:
vết thương phải cáo từ
rốt cuộc mở ra
khi chẳng có gì cũng chẳng còn ai
để cáo từ.
 
Và những cử chỉ này trở thành
bí quyết của con người:
là một cuộc cáo biệt thuần túy.
 
 
79
 
Luôn luôn ở bên bờ.
Nhưng bên bờ của cái gì?
 
Chúng ta chỉ biết rằng có điều gì đó đang rơi 
ở phía bên kia của cái bờ này
và một khi đã tới hạn giới của nó
thời không còn lùi lại được nữa.
 
Choáng mặt trước một dự cảm 
và trước một mối ngờ:
khi ta tới mép bờ này
cả cái đã có trước kia
cũng trở thành vực thẳm.
 
Như những kẻ bị thôi miên đứng trên một triền chóp
đã mất mất những mặt phẳng
tạo lập ra nó trước kia
và lơ lửng trên không.
 
Những kẻ nhào lộn trên một mép bờ trơ trụi,
những kẻ đi dây trên trống không,
trong một rạp xiếc không có một mái lều nào khác hơn bầu trời
và khán giả đã bỏ đi.
 
 
80
 
Không còn gì hết để đi tới.
Phải chăng chúng ta đã bao giờ đi đâu?
 
Chỉ còn cách bước ra từ mỗi người.
Hay bước vào như thể ta bước ra.
 
Hay dựng một lời nói mới,
hoặc vươn mình lên trên nó
và đợi chờ cho dòng vận chuyển cuốn nó đi.
 
Và nếu như cả dòng vận chuyển ấy
cũng không cuốn nó đi đâu hết,
phóng lời nói kia vào khoảng trống,
như một biểu hiệu
của tất cả những gì không hiện hữu.
 
Không có một cử chỉ nào tinh khiết hơn
là phóng một vật gì đó vào khoảng trống không.
 
Hơn nữa, những mức độ khác nhau của không hiện hữu
khi gặp nhau có lẽ cũng có thể soi sáng
đôi chút hiện hữu để đi tới.
 
 
81
 
Tôi trở về từ những gì còn lại của tôi,
từ tất cả những gì đã rụng rơi trên đường,
như một con ốc sên từ dấu vết nhầy nhụa của nó.
 
Tôi trở về từ những gì tôi đã từ bỏ
và từ những gì đã từ bỏ tôi,
là vì cả hai điều đều là những gì tôi còn lại.
 
Và tôi trở về cả từ tôi,
cái bản thân không hề từ bỏ tôi
thế tuy nhiên cũng là một phần còn lại khác.
 
Trí nhớ của tôi báo cho tôi biết một lối đi
và quên lãng của tôi vẽ cho tôi một lối đi khác,
những đường chỉ bấp bênh của trở về.
 
Và phía sau, xa sau cả mọi đường vạch,
sau cả cái vô hình,
những gì còn lại của tôi gặp nhau cùng với những gì còn lại
của tất cả những gì chưa bao giờ hiện hữu.
 
Có lẽ ở đó một cuộc trở về khác đang chờ tôi:
một cuộc trở về của một điều gì đó ngoài những điều còn lại.
 
 
82
 
Có những lúc em muốn
ở một mình trên đời.
Cả đến tôi tôi cũng làm em ngượng.
Cả đến em em cũng làm em ngượng.
 
Ở một mình không đủ.
Cần phải vượt qua đó nữa:
ở một mình hơn chính mình.
 
Không ở một mình: ở một mình.
Ở một mình cả tới trong hữu thể.
Ở một mình cả tới vô thể.*
 
--------------------
* Nguyên tác: “Ser solo hasta de ser./ Ser solo hasta no ser.” (Người dịch)
 
 
83
 
Pha trộn những dữ kiện của nhiều truyện
và biến chúng thành một truyện khác
không giống bất cứ truyện nào.
 
Có lẽ như thế, chẳng hề hay biết,
chúng ta sẽ vạch ra được câu truyện của chúng ta.
Gió thường sắp xếp những lá bài
hay hơn là chúng ta.
 
Kế đó mở cuộc chơi
để không thiếu một ai.
 
 
84
 
Đây không phải vấn đề lựa chọn điều này hay điều kia.
Cũng chẳng phải cộng lại.
Đây là việc đạt tới chỗ trừ đi
cho phép chuyện gặp gỡ.
 
Chúng ta không biết rõ các phần trừ đi.
Cũng như hình thức của cuộc gặp gỡ.
Nhưng trong cái kết qủa hơn hay kém đó
sẽ mở ra không gian mà chúng ta chờ đợi.
 
Và ở đó, trong không gian ấy,
chúng ta sẽ không còn ở bên lề.
 
 
85
 
Mọi sự đều tựa như cái chết,
mặc dù chúng ta đổi hướng nhìn.
 
Những điều tương tự quả cũng thay đổi.
Một cách khác hơn là những co giật của ái tình,
một đứa trẻ sơ sinh tựa như
những lá thư đi lạc,
những gì bị gạch xóa trong vần thơ này
hay những chuyện khất thực của bóng tối.
 
Cái khác với cái chết hơn cả
lại giống như cái chết hơn cả,
là vì những sự dị biệt
lại gần nhau hơn cả những điều giống nhau.
Chẳng hạn như một cái giếng và một cái tháp,
một khúc ca và một ngọn đèn.
 
Duy có một kẻ chết
chẳng hề giống cái chết.
Thế nhưng một người chết
thì chẳng giống gì hết.
 
 
86
 
Những cội cây co lại
trong những bồn xi-măng.
Màu xanh bị ruồng rẫy của chúng
phung phí ánh sáng.*
 
Có những không gian thật đầy đặn,
thật sung mãn, thật nặng nề
khiến ở đó hư vô lớn mạnh
hơn cà trong trống không.
 
-------------------
* Bản Pháp văn của Roger Munier: Những cội cây mắc kẹt/ trong những khối xi-măng./ Màu xanh bị hạ nhục của chúng/ tàn phá ánh sáng. (...) (Người dịch)
 
 
87
 
Đặt vào mỗi khoảng trống không một hình ảnh:
một chiếc cánh tiêu tan trong ánh sáng
hay một im lặng khoác một tia sáng.
 
Và khi tới khoảng trống vắng cuối cùng,
để nó trống trơn trong hoài nghi.
Rất có thể đó là hình ảnh đẹp nhất.
 
 
88
 
Ánh sáng không cần tới sự xác nhận.
Đêm tối cũng không.
Đêm tối và ánh sáng hợp lại,
còn cần ít hơn nữa.
 
Phải tìm kiếm sự nối kết ấy
trong thời gian không tuổi của những con mắt nào đó,
trong sự bay bổng tự do hơn của một vài lời nói,
trong khoảng trống-không được một số sự vật chiếm ngụ tới hai cách,
trong tính liên tục khó tin được của một vài giờ
đã trải qua từng ấy đêm và cũng từng ấy ngày ngang nhau.
 
Và lui lại mỗi lần một ít hơn,
cho tới khi gặp điểm hòa tan của bất-phản hồi. 
 
Lúc đó cái nhìn cũng chẳng còn
cần tới sự xác nhận.
 
 
89
 
Đường phố cũ không người.
Chiếm ngụ thật dễ.
Nhưng sau đó không thể
lại dọn đi.
 
Thà nó vẫn thế,
không người, thực khôn ngoan.
Cần tôn trọng
sáng kiến của trống không.
 
 
90
 
Trên hạn giới mơ hồ
nơi chúng ta không còn thức tỉnh
hay trong giây lát vô tính*
khi tắt một ngọn đèn,
chúng ta cảm thấy, như một luồng gió phả vào mặt,
sự thiếu thốn kinh nghiệm vô cùng to lớn của chúng ta.
 
Tuy nhiên, do sự thiếu kinh nghiệm đó,
với sự không hiểu biết cả ánh sáng lẫn bóng tối đó,
có lẽ chúng ta có thể bước vào hư vô
với một văn bản bất toàn và đơn độc
trong đó hư vô sẽ bớt hư vô,
trong đó hư vô sẽ làm tổ
như một con chim bị ngắt cụt.
 
--------------------
* Nguyên tác; “o en el instante neutro”... (Người dịch)
 
 
 
 

NHỮNG BỨC TAM BÌNH THẲNG ĐỨNG

(TRÍPTICOS VERTICALES)
 
 

                I

 
1
 
Cái nhếch mép của ký ức:
nhớ lại buổi khởi đầu cùa sự vật,
gợi ra cái thủa trước ra sao của những gì hiện hữu,
khi những điều ấy không còn,
nhớ tới cái phi-tình ái, phi-hoa, phi-con đường,
trước cả khi hư vô mơ tới chúng.
 
Nhớ lại hôm trước của tất cả:
cái tột đỉnh của hư vô.
Và cả hôm trước-hôm trước của tất cả:
trước hư vô,
trước cái hư vô của hư vô.
 
Và khi trí nhớ không còn đat tới nữa,
đặt lên nó một vật thay thế: gió.
 
 
2
 
Phải, có những điểm tiếp xúc.
Tôi không biết là ở bên trong, bên ngoài
hay trên một đường chéo
cắt cả hai vực thẳm.
 
Ở đó ngày bừng dậy,
đêm giải hòa,
cái chết triển hạn cho chúng ta,
thời gian trở thành không gian,
hai bàn tay em là một.
 
Và còn trở lại với hai tay tôi
cái xúc giác mà chúng đã mất.
 
Dù rằng ở đó, trên những điểm ấy,
ta tiếp xúc chẳng cần tới những ngón tay.
 
Và dù rằng không bao giờ ta biết những gì mình tiếp xúc.
 
 
3
 
Hầm đá của những lời chót.
Những tầng mỏ của chúng ở đâu?
Chúng tới được đôi môi con người ra sao?
Những hiển linh nào soi sáng chúng?
 
Chúng ta chỉ biết rằng cùng với chúng
có thể khai mào một thế giới khác.
 
Một thế giới khác
chỉ còn chờ lễ đặt tên.
 
Một cuộc lễ đặt tên thực hiện với những lời chót.
 
                                 (tặng Octavio Paz)
 
 

                II

 
1
 
Tôi cắt những tuyến đường 
của ánh mắt mà tôi nhìn em
và bắt đầu lấy chúng ra dệt
cái đam mê nhìn em
ở nơi không có em.
 
Bởi thế, có đôi lần,
tôi thấy em nơi sự vắng mặt của em hơn cả nơi em.
 
 
2
 
Tôi chỉ có thể đi những chiếc giầy cũ.
Con đường tôi theo đuổi
làm mòn giầy của tôi ngay từ bước đầu.
 
Nhưng chỉ có những chiếc giầy cũ
mới không khinh thị con đường
và chỉ có chúng mới có thể đạt tới
nơi con đường dẫn đến.
 
Sau đó
phải tiếp tục chân không.
 
 
3
 
Quên sống.
Nhìn nơi khác.
Hay không nhìn đâu hết.
Có một lúc ban đêm hay ban ngày
cả đến nước cũng kiêng cữ
mọi phản ánh.
 
Quên sống
có lẽ sẽ cho phép chúng ta
quên chết.
 
                 (tặng Roger Munier)
 
 

                III

 
1
 
Một tấm mạng trên mắt.*
 
Ai có thể sa xuống tấm mạng ấy,
nếu không phải chỉ là tôi?
Hay ánh sáng,
một thứ mạng nhện khác.
 
Trừ phi cả hai ta tìm cách
bắt lấy một con mồi khác,
có lẽ cũng vẫn là một con mồi ấy.
 
----------------
* Nguyên tác: “Una telaraña en los ojos”, có lẽ tựa như kiểu nói “Kéo màng trên mắt...” của ta. Chữ “telaraña” còn có nghĩa là “cái mạng nhện”. Roger Munier, dịch giả bản Pháp văn, dịch là “Une toile d’araignée sur les yeux” và ghi chú: Kiểu nói Tây-ban-nha “Tener telarañas en los ojos” có nghĩa: có một cái dải che trên mắt, mù quáng. Munier còn lưu ý người đọc tới lối chơi chữ ở phần dưới bài, theo đó “telaraña” mang nghĩa “cái mạng nhện”. (Người dịch)
 
2
 
Mở một tờ giấy ra,
trải nó ra cẩn thận
và kế đó tìm cách đọc.
 
Không quan trọng gì nếu không có gì viết trong đó:
chính chuyện đọc trang giấy ấy
mới là cái ta cần phải gắng sức.
 
Cố nhiên ta có thể tự hỏi
thế thì tại sao tờ giấy kia
lại được gấp kỹ đến thế.
 
 
3
 
Chúng ta bao giờ cũng phải mang
một cái túi trống không.
Và giữ nó như thế
không để gì trong đó.
 
Mang theo mình một lát mỏng không gì hết
là cách thức duy nhất
để có thể mang một vật gì đó
trong những cái túi khác.
 
                 (tặng Laura)
 
 

                IV

 
1
 
Một nét gạch xóa trong văn bản
đóng đinh văn tự trên thập giá,
tựa như cái chết.
Cái chết cũng là
một nét gạch xóa trong văn bản.
 
Nhưng tất cả những gì bị gạch xóa
đều làm lộ ra một điều khác.
Điều gì sẽ lộ ra
nếu như ta gạch bỏ trọn văn bản?
 
 
2
 
Ai có sáng kiến trong tôi
khi tôi không có nơi tôi?
 
Ai mơ khi tôi mơ?
Ai đánh thức tôi dậy trong hư vô?
Ai trông chừng đôi mắt tôi khi chúng không thấy?
 
Chúng ta chỉ là khách
ngay trong nhà của chính chúng ta.
Nhưng chúng ta đau buồn khi rời bỏ nhà
như thể chúng ta là chủ.
 
 
3
 
Làm sao một suy tưởng kết hợp
với một suy tưởng khác?
Làm sao kết hợp với nhau
mọi suy tưởng của một người?
Làm sao kết hợp với nhau những suy tưởng
của hết thảy mọi người?
 
Đôi khi chúng ta cảm thấy
rằng mọi suy tưởng đều chỉ là một nguồn nước
chuyển động guồng bánh
của một máy xay gió duy nhất.
 
 

                V

 
1
 
Không có một mục tiêu nào khác
ngoài đôi bàn tay mở
và những độ cách không thể tránh của la-bàn,
không phài là để sửa lại chúng
mà chính là để lao mình vào chúng.
 
Ở đó những chiếc bóng là chúng ta kia
sẽ tìm thấy những con đường cần thiết
để thâm cứu nơi thời gian
những đường nét của giấc mộng lạ kỳ ấy.
 
Chỉ có những nẻo đường mất hút
và những chuyến đi nghịch chiều
mới nhường chỗ cho những giấc mộng không thể được
và đưa tới bến.
 
 
2
 
Phóng vào những dòng nước mù lòa
và mở ra những vùng đất
của một lục địa mới
một lục địa gọi dậy và làm hồi sinh
thực tại mỏi mệt của thế giới.
 
Và cả cái không thực mệt mỏi kia
cái không thực hòa lẫn với mực
mà chúng ta thường dùng để viết niên sử
của cuộc đấu giá thật hài hước ấy
giữa là người hoặc chỉ là bóng.
 
Cuộc thám hiểm không cùng đã chứng tỏ với chúng ta
rằng tất cả vẫn còn phải khám phá.
Cả tới vùng trung lập mà chúng ta cư ngụ.
Và có lẽ cả đến vùng ấy
cũng thuộc về phía bên kia
và chúng ta sẽ phải phóng vào vực thẳm
để có thể tìm ra nó.
 
 
3
 
Hư vô biến đổi.
Những sợi nhỏ tách rời sự vắng mặt,
những ba động tối thiểu của trống không,
những chông chênh nhỏ bé của phi-thể.
 
Có lẽ trong những kẽ hở ấy của vực thẳm
khởi sự một viễn ảnh không cứng nhắc
một viễn ảnh sẽ nhìn ra ở phía sau của thời gian
sự khả hữu của điều bất khả.
 
Có lẽ những biến thiên của hư vô
là nền móng bí ẩn
của viễn ảnh mới này.
Và viễn ảnh này cũng đủ
để cho tất cả những gì không hiện hữu
bắt đầu phát xuất từ hữu thể.
 
 
----------------
Mời độc giả xem Nói chuyện về «THƠ THẲNG ĐỨNG», bài phỏng vấn Roberto Juarroz do Jacques Munier thực hiện, đăng song song trên Tiền Vệ.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021