thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỰT KÍ PARIS [1-10]
 
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
 
Bìa sách
Chân dung nhà thơ nổi loạn
của Wallace Fowlie
 
JIM MORRISON / ARTHUR RIMBAUD
(1943-1971) / (1854-1891)
 
“Bàn luận về thơ nếu như đã không dễ dàng thì lại càng vất vả hơn khi muốn nói về thơ của Jim Morrison. Hành trình huyền diệu của não óc đã tự giải phóng hay đã bị nô lệ hoá bởi ma men và ma tuý, chữ nghĩa của kẻ hình như đã vỡ mộng ru ta trong cái giá buốt của cõi đời”. (“katseinko”, trên Amazon.fr.)
 
“Jim Morrison và nhóm The Doors là sự hiện diện của thiên thần đen, gã con trai nổi loạn bị những người lớn cho là không lý do. Mặc quần da, hành động khác thường, xúc phạm luân lý và gây tai tiếng. Thơ và ca khúc Morrison thể hiện sự chán nản tuyệt vọng của “nỗi buồn xanh” (the blues): hổn hển, đứt quãng, huyền bí, lịm ngất, ngôn từ của Morrison ngắt nhịp cho cơn giận hờn lớn lao và sự hoang mang khốn khổ của kẻ căm thù những khuôn mẫu...”. (Evelyne Pieiller - Révolution)
 
Năm 1968, Jim Morrison có gởi cho Wallace Fowlie ― tác giả và dịch giả của khoảng ba chục đầu sách, giáo sư giảng dạy văn chương Pháp tại Ðại học Duke (North Carolina) ― một bức thư cám ơn ông ta về bản dịch toàn tập thơ Rimbaud sang tiếng Anh. Trong thư, Jim Morrison viết: “Tôi là ca sĩ nhạc rock, cuốn sách của ông luôn luôn theo tôi trong các chuyến đi xa”. Mười bốn năm sau, khi Wallace Fowlie nghe nhạc của nhóm The Doors, ông đã nhận thấy ảnh hưởng Rimbaud trong ca từ của Morrison.
 
Trong quyển Rimbaud et Jim Morrison - Portrait du poète en rebelle (“Rimbaud và Jim Morrison - Chân dung nhà thơ nổi loạn”) vừa là tiểu sử vừa là tiểu luận, giáo sư Fowlie, qua cách nhìn đặc thù của ông, đã kể lại cuộc đời và phân tích tỉ mỉ tác phẩm của hai nhà thơ trẻ. Ông phát hiện một sự tương đồng “đáng lo ngại” (troublant) giữa hai cuộc đời gần như “song sinh”: lối sống phiêu bạt xa bầy đàn xã hội, và sự khát khao thoát ly khỏi cái tôi của chính mình. Cả hai tuy đã có một sự nghiệp ngắn ngủi nhưng tác phẩm của họ tới nay vẫn có độc giả và thính giả, vẫn còn làm rung động hàng triệu con tim trên thế giới.
 
Jim Morrison viết “NHỰT KÍ PARIS” (Paris Journal) không bao lâu trước khi chàng qua đời vào ngày mồng 3 tháng 7, 1971 tại Paris. “NHỰT KÍ PARIS” là một bài thơ dài gồm cả thảy 30 khổ không đồng đều nhau, từ 2 câu đến 25-26 câu, một pha trộn phức tạp giữa hình ảnh, ẩn dụ, biểu tượng và tu từ...
 
Ðộc giả có thể đọc thêm phần tiểu sử Jim Morrison do nhạc sĩ HN-T biên soạn.
 
__________
 
 
NHỰT KÍ PARIS
 
1
 
Bao nhiêu chuyện quên rồi
Bao nhiêu chuyện đã quên
Bao nhiêu chuyện để quên
 
Ý niệm về sự tinh khiết khi sinh
ra đã bị mất đi vĩnh viễn như
tất cả
 
Chàng Nhạc Sĩ Đen
trong căn nhà trên đồi
 
Trong gỗ có mọt
Trong tủ có xương
 
Xin lỗi. Tôi không muốn ám chỉ anh.
 
Một người già, đứa con gái nhỏ
                       của ai đó
 
Đứng dậy
& thấy chúng ta yên lặng trong căn phòng có
chiếc dương cầm lạc phím & những hoạ phẩm
tồi
 
hắn đi cày
& cô vợ mới đã tới nơi
 
 
2
 
(Rừng nến của Đền
Thánh Mẫu)
 
các nữ tu hành khất với những nụ cười
di động,
túi vải nhung bé & mắt thiên khải
 
lang thang tới bên khung kính hoa
tấm lịch làm bằng những mảnh sứ
chói
 
Ta viết thế
             để câu em
 
hãy cho ta tình yêu của em, mắt em đã
mòn mỏi trong đợi chờ
giải thoát
 
Một công viên nhỏ
bị quên lãng ― chúng ta tản bộ
 
Và các tấm bích chương gào thét
sự nổi loạn vô hại
 
& tường gạch lở và long,
chữ nguệc ngoạc trên
cát xi măng khô
 
một hư vô no nê
bụi-đồng hồ
 
 
3
 
Ta còn nhớ xa lộ
 
Mùa hè, cạnh mi
ơi Đại Dương ― anh em nhé
 
Những cơn dông vút qua
 
ánh lửa điện trong đêm
 
“mưa, đêm, khốn khổ ―
các toa tàu cuối”
 
Lắc đi! Wanda,
đầm lầy tù hãm mỡ
Đàn bà
 
Người ta vẫn cần tới em mà
 
Lắc cái mâm rung rinh
Của em dưới mái lều
Miền Nam
 
Rồi sao.
 
Thật là điên
Thoạt tiên nàng loã thể
rồi nàng lại mặc đồ
 
 
4
 
Một cái khách sạn cũ và rẻ
bọn vô gia cư trong sảnh đường
lang thang làm dáng, nghèo mạt
nhưng tự mãn
 
Bên kia đường
quán bi-da nổi tiếng
nơi bọn diễn viên được gặp lại
 
một cựu vô địch ― nơi tụ họp
của lũ nhạc sĩ hip-pi
hip-pi thi sĩ & hip-pi
vô loài
 
theo truyền thống Thiền Tông
từ Trung Quốc
tới Tàu Điện Ngầm
                    qua 4 kiếp rong chơi
 
than thở, hắn rời căn hộ
theo lệnh công an
& đồ đạc bị dọn đi
trọn bộ dĩa hát & những kỉ
vật, & bọn phóng viên
đếm những giọt lệ & những lời nguyền rủa
tặng báo chí:
 
“Tao hi vọng bọn khựa ghiền sẽ lột da
                     lũ chúng mày”
 
 
5
 
& chúng sẽ làm vậy
bởi vì hoa anh túc
ngự trị thế giới
 
Đoá hoa tuyệt vời
ấy
 
Billy thân mến ơi!
 
Cậu còn nhớ chớ
con rắn
tình nhân của cậu
 
dễ gãy trong cát
cát của các bụi gai
& cát của những cây xương rồng
 
Sao không.
 
Tớ cũng nhớ
Các ngôi sao trong đêm súng nổ
vang
 
ăn hĩm
cho tới khi
não tỉnh táo
 
Chúa ơi, vẫn thoải mái chạy
 
trong đêm Ba Tư chứ?
 
 
6
 
         “Dưới đáy vực
         có một cái lâu đài
         nơi em & ta
         đã sinh hạ
 
         Giờ đây chỉ còn mình ta thôi
         Hãy đưa ta về lại
         Khu Vườn Xưa
 
         Bóng Râm Xanh
         của Vực Thẳm
         Ta đã gặp em
         & em đã bỏ ta
 
         & mơ ước của ta nay đã cuốn gói
         Hãy đưa ta trở lại Khu Vườn Em
 
         Một kẻ đang tìm
         Thiên Đường đã mất
         Có thể là điên rồ
         với những kẻ còn chưa muốn tìm
         về với thế giới bên kia
 
         Nơi mà bạn bè nằm & trôi giạt
         như điên
         trong những mảnh vườn riêng”
 
Âm hộ trổ hoa
và tường giấy hoa
run rẩy
 
 
7
 
Trong gương soi
một quái vật bỗng dưng xuất hiện
Để trêu chọc căn buồng
& thằng ngốc
bơ vơ
 
Hãy cho ta những bài ca
để ta hát ca
& những giấc mơ ngọc bích
để ta chiêm mộng
 
& ta sẽ cho em
một tình yêu không đậy che
 
Mặt trời
 
dưới nước, tất nhiên là phải
kì cục
& quen thuộc
 
thằng bé đen
phóng xuống nước, chân nhái với mặt nạ,
 
Chảy máu cam
pha lê lỏng
khi mũi nó trồi lên
 
Trồi lên và phập phều
trong thế giới ướt
 
 
8
 
Dưới đáy vực có một Vương Triều
Đế Quốc của cát bất động
& đúng đấy, của cá
sặc sỡ màu lễ hội
     ― chúng là những kẻ cuối cùng
                                 đã bỏ đi
Biển vui tươi
 
Ta nhai em
nhưng cần phải tránh những cái xương
lắm điều
 
và ta khạc ra những viên ngọc trai
 
Đứa bé gái thốt lên
những tiếng kinh ngạc nho nhỏ
khi cái chày
chạm vào sườn nó
 
Ta đã có mặt ở tại chỗ có
ngọn lửa
trong ca-bin tê-lê-phôn
 
Ta thấy chúng tấn công
ta nghe những tiếng thét gào
của bọn mọi đỏ lúc ra trận
 
cảm nhận cái chất kích động
của hãi sợ lúc đã mọc cánh
 
cơn say của khủng bố
và chết chóc bạo tàn trong máu
toé tung của trận tranh hùng
 
 
9
 
Trần truồng chúng ta tới
rồi bầm dập chúng ta rút lui
bột bánh trơ trụi bị nhào nặn dâng cho
sâu bọ mềm và chậm chạp
ở dưới
 
Đây là bài thơ của ta
tặng em
Con thú lớn rụt rè đang nở hoa
 
Cái xác tàu chìm lớn toả thơm
mùi địa ngục
 
Tai hoạ khủng khiếp gia ân
& dịch chuột của mùa hạ
 
Đụ má cái lỗ đít cứt
Cái thằng chó đẻ kì cục
 
Mi nói láo, mi gian lận
mi ăn cắp, mi giết hại
 
mi nốc toàn rượu xỉn
của Miền Nam phị phì
tham lam
 
mi cô đơn và mi chết tiệt
 
Bùn lấm láp
đến tận dây đeo quần
Một kẻ lạ mặt mới tới trong
xì-líp
 
& nó là ai nhỉ?
 
 
10
 
Mi biết mà
 
Mi biết rõ mà
nhưng mi không nói ra
 
Rõ ràng hơn những cái mà mi đã tiết lộ
 
Thiên thần - điếm đượi lầy nhầy
mi đã chơi điệu với ta
 
Thiệt mà
 
mi đã chơi đẹp với ta
 
 
(còn tiếp 2 kỳ)
 
-------------
Dịch đối chiếu theo nguyên tác tiếng Anh “Paris Journal” vả bản dịch tiếng Pháp “Journal de Paris” của Patricia Devaux, trong Jim Morrison, La nuit américaine, Patricia Devaux chuyển ngữ (Paris: Christian Bourgois Éditeur [Collection 10/18], 1992).
 
 
-------------
Đã đăng:
 
Khoảnh khắc Tự do / khi người tù / nhấp nháy mắt dưới nắng / như một con chuột chũi / trong hang bò ra... | Bạn làm gì ở đây thế? / Bạn muốn gì? / Có phải là âm nhạc?... | Một người đàn ông cào lá khô / chất đống trong sân nhà, nguyên một đống, / & tựa người vào cái cào & / đốt hết chỗ lá khô... | ... Cái chết cải trang thật tuyệt vời / giữa giờ khuya khoắt // Gói mọi trò chơi trong khu vườn yên tĩnh của nó... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
BỐN BÀI THƠ  (thơ) 
... Khoảnh khắc tự do bên trong / khi đầu óc mở rộng & vũ trụ / vô tận được phát hiện / & tâm hồn tha hồ thơ thẩn / say sưa & bối rối đi tìm... | Cứu! Cứu! Cứu chúng tôi! / Xin cứu chúng tôi! / Chúng tôi đang chết đây, anh bạn, hãy làm một cái gì... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021