thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Năm bài thơ văn xuôi trong "Cỏ dại"
(Diễm Châu dịch)
 
«...Coi tôi như một kẻ hướng dẫn có lẽ còn khó hơn nữa, bởi bản thân tôi, tôi cũng không biết phải theo con đường nào. Tuổi trẻ Trung hoa không thiếu những người «anh cả» và những «bậc thày suy tưởng» khác: tôi không thuộc vào số những người ấy, vả lại họ cũng không gây cho tôi sự tin tưởng. Tôi chỉ thấy một cách chắc chắn điểm kết thúc lộ trình của chúng ta: nấm mồ. Nhưng điều này, bất kỳ ai cũng thấy rõ ràng như tôi, không cần tới một kẻ hướng dẫn để đạt tới đó. Vấn đề là: phải theo lộ trình nào từ đây tới đó? Không phải chỉ có một con đường, và về phần tôi, tôi không biết con đường nào là con đường tốt: cho tới hôm nay tôi vẫn còn tìm kiếm nó. Nhưng trong lúc tôi theo đuổi cuộc tìm kiếm này, tôi chỉ sợ những người đã ưa mùi vị hoa trái vườn mình bị nhiễm độc khi nếm những trái còn xanh của tôi; đồng thời, tôi cũng lấy làm ghê rợn nếu những điều tôi viết lách lại trở thành như những kẻ tự nhận là «những người tốt lành»: những thứ lăng tẩm đáng tôn kính.»
LỖ TẤN
 
 
ĐÊM THU
 
      Bên trên bức tường của khu vườn nhà tôi người ta có thể thấy hai cái cây. Cây đầu tiên là một cây táo. Và cây thứ nhì cũng là một cây táo.
      Bầu trời ban đêm bao phủ chúng thật là lạ lùng và xa xôi. Trọn đời tôi chưa bao giờ tôi thấy một bầu trời lạ lùng và xa xôi đến thế. Có thể nói là nó sắp sửa rời bỏ thế giới chúng ta: nếu nó cứ tiếp tục như thế, thì một ngày kia thiên hạ sẽ hoài công nghếch mũi lên, họ sẽ chẳng còn thấy nó đâu nữa. Trong khi chờ đợi, lúc này nó mang một màu xanh thật dị thường nơi nhấp nháy những con mắt của các vì sao, vài chục vì sao với ánh mắt lạnh lẽo. Nó nhếch mép mỉm cười bằng một vẻ muốn làm ra sâu sắc trong lúc chuẩn bị rắc lên những đóa hoa và cỏ dại trong vườn nhà tôi một lớp dầy sương giá.
      Tôi không biết những bông hoa dại này tên gọi là gì – thiên hạ gọi chúng bằng tên gì. Một trong những bông hoa ấy, tôi nhớ, có những cánh hồng nhỏ xíu; ngay cả lúc này nó cũng vẫn nở, nhưng những cánh hoa của nó đã trở thành nhỏ bé hơn nữa. Nó mơ trong đêm lạnh lẽo một giấc mơ run rẩy: nó thấy trong mộng ngày trở lại của mùa Xuân, nó thấy trong mộng ngày trở lại của mùa Thu, nó thấy trong mộng một nhà thơ mắc bệnh da xanh như tàu lá tới gạt lệ trên những cánh hoa cuối cùng của nó và loan báo cho nó rằng sau mùa Thu và mùa Đông sẽ trở lại mùa Xuân với những đàn bướm bay như điên dại và với những cánh ong ca những khúc ca mùa Xuân. Nghĩ tới đó, mặc dù vẫn run rẩy và đỏ vì lạnh, nó mỉm cười.
      Những cây táo đã mất tới chiếc lá cuối cùng. Trước, một hay hai đứa trẻ đã tới chọc rụng một vài trái táo mà những người hái trái bỏ sót. Lúc này không những chúng không còn lấy một trái nào, mà còn mất cả đến chiếc lá cuối cùng. Chúng biết cả những giấc mộng của những đóa hoa hồng hồng nho nhỏ – sau mùa Thu trở lại mùa Xuân –, lẫn những giấc mộng của những chiếc lá rụng – sau mùa Xuân trở lại mùa Thu. Quả thật là chúng đã mất tới chiếc lá cuối cùng; chúng chỉ còn những cành cây; trút bỏ được gánh nặng trái cây và lá, những cành này vươn dài khoan khoái. Tuy vậy, một cành này hay cành nọ vẫn uốn cong mình để ru những vết thương mà những cây sào của bọn người hái trái đã gây nên cho nó, trong lúc trái lại những cành dài nhất và thẳng nhất lặng lẽ xuyên thủng bầu trời lạ lùng và xa xôi bằng những móng sắt của chúng, khiến bầu trời nhấp nháy hết mọi con mắt; chúng quào sây sát mặt trăng đã trở thành nhợt nhạt tái xanh vì hờn dỗi.
      Nhấp nháy hết mọi con mắt của mình, bầu trời lại xanh một màu xanh còn dị thường hơn nữa; mỗi lúc một ngượng nghịu, nó dường như muốn rời xa thế giới của chúng ta, thoát khỏi những cây táo; nó sẽ chỉ để lại vầng trăng sau mình. Nhưng về phần trăng, trăng lại lẩn khuất trong bóng tối về phía Đông. Và những cành trơ trụi tiếp tục lặng lẽ xuyên thủng bầu trời lạ lùng và xa xôi bằng những móng sắt, bất kể mọi liếc mắt của trời, nhất quyết lao tới trời một lưỡi gươm chí tử.
      Lang thang trong đêm tối, một con chim săn mồi phóng ra tiếng kêu và bay qua.
      Tôi đột nhiên nghe tiếng cười của nửa đêm; ấy là một âm thanh bị bóp nghẹn, như thể nó sợ đánh thức những người đang ngủ, nhưng tiếng vọng của nó lại dội ra khắp bốn bề không gian. Nửa đêm: không có một ai. Tôi bỗng nhận ra rằng âm thanh này thoát ra từ chính cửa miệng tôi, và khám phá ấy xua tôi vào căn buồng của mình nơi tôi vội vã khêu ngọn bấc của cây đèn lên.
      Tách tách, khung cửa sổ lách tách dưới cuộc tiến công của vô số những loài côn trùng có cánh. Rốt cuộc có một vài con lọt vào được qua một lỗ thủng của lớp giấy. Vừa lọt vào trong rồi kìa, tưng tưng, chúng đã va phải cái thông phong bằng thủy tinh của cây đèn. Một con bị cuốn vào trong ấy từ phía trên, chạm phải lửa, điều này khiến tôi tin là lửa có thực. Hai hay ba con côn trùng lấy lại được hơi sức trên cái chụp đèn bằng giấy. Ấy là một cái chụp đèn còn mới tinh mới hôm qua; lớp giấy trắng như tuyết được xếp lại thành những đợt sóng nho nhỏ đều đặn với một cành sơn chi đỏ thắm vẽ về một bên.
      Khi những bông sơn chi đỏ thắm nở lại, những cây táo sẽ lại mơ giấc mơ của những bông hoa hồng hồng nho nhỏ khi uốn cong dưới sức nặng xum xuê tươi tốt của những bông hoa ấy... Kìa tiếng cười của nửa đêm lại vang lên một lần nữa ở tai tôi; tôi vội vã cắt đứt dòng tư tưởng và đưa mắt nhìn về phía những con côn trùng xanh xanh nho nhỏ, vẫn ở trên mặt giấy trắng của cái chụp đèn; chúng tựa như những hạt quỳ với cái đầu to và cái đuôi nhỏ của chúng; không lớn hơn một nửa hạt kiều mạch, chúng một màu xanh lục, một màu ngọc bích duyên dáng, dịu buồn.
      Tôi ngáp; tôi đốt một điếu thuốc; tôi thả khói thuốc ra, và trước ngọn đèn tôi lặng lẽ nghiêng mình trước những kẻ anh hùng mảnh mai màu bích ngọc.
15 tháng Chín 1924.
 
 
GIÃ TỪ CỦA BÓNG
 
      Kẻ ngủ mãi tới giờ khắc mà chính giờ khắc tự hủy, thời rất có thể là chiếc bóng của kẻ ấy tới cáo từ y bằng những lời này:
 
       «Có điều gì đó không làm tôi hài lòng ở thiên đường, tôi không muốn đi tới đó; có điều gì đó không làm tôi hài lòng ở địa ngục, tôi không muốn đi tới đó; có điều gì đó không làm tôi hài lòng trong cái thời đại hoàng kim tương lai của các người, tôi không muốn đi tới đó.
      Điều làm tôi không hài lòng, chính là bạn.
      Này bạn, tôi không còn muốn đi theo bạn, tôi không muốn ở lại đây.
      Không, tôi không muốn!
      À không, tôi không muốn! Tôi thích đi lang thang trong hư không còn hơn.
 
      Tôi chỉ là một chiếc bóng; khi tôi đã vĩnh biệt bạn, tôi sẽ chìm nghỉm trong đen tối. Bóng tối có thể nuốt trửng tôi, nếu như không phải là tôi tự tan biến trong ánh sáng.
      Nhưng bởi tôi không muốn lang thang giữa bóng tối và ánh sáng, tôi thích chìm nghỉm trong đen tối còn hơn.
 
      Tuy nhiên, thế là tôi rút cuộc lại lang thang giữa bóng tối và ánh sáng. Phải chăng ấy là hoàng hôn, phải chăng ấy hừng đông? Tôi không biết. Tôi đưa một bàn tay màu tro lên, giả dạng cử chỉ của một ẩm khách dốc cạn chén. Vào giờ khắc mà chính giờ khắc tự hủy, tôi sẽ một mình làm một chuyến đi xa.
      A, nếu như lúc này là hoàng hôn, đêm đen sẽ nuốt trửng tôi. Nếu không tôi sẽ tan biến trong ánh ngày, nếu ấy là hừng đông sẽ xuất hiện.
 
      Này bạn, đã sắp tới giờ.
      Tiến về phía bóng tối, tôi sửa soạn lang thang trong hư không.
      Bạn nghĩ tới món quà mà tôi dành cho bạn. Nhưng tôi có thể tặng bạn gì được? Nếu như thực sự tôi cần phải cho bạn một điều gì, thì ấy chỉ có thể là bóng tối và hư không. Ấy thế nhưng tôi lại chỉ ưng để lại cho bạn bóng tối mà thôi, hay ánh ngày nó khiến tôi có thể tan biến nơi bạn; tôi chỉ ưng để lại cho bạn hư không mà thôi, là vì tôi không muốn bằng bất cứ cách nào chiếm ngụ một chỗ bé nhỏ nhất trong tim bạn.
 
      Tôi mong ước điều này, hỡi bạn –
      tôi mong ước một mình làm một chuyến đi xa vào đen tối, không có bạn, không có cả một chiếc bóng nào khác cùng đi. Sẽ chỉ có mình tôi, chìm nghỉm trong đen tối; và vũ trụ ấy sẽ trọn vẹn thuộc về tôi.»
24 tháng Chín 1924.
 
 
HÀNH KHẤT
 
      Tôi bước dọc theo một bức tường cao đổ nát, dẫm lên một lớp bụi không thể sờ mó được. Một vài khách bộ hành đi, mê mải trong bước đi đơn độc của họ. Một làn gió nhẹ nổi lên; gie ra khỏi bức tường, những cây cao đu đưa trên đầu tôi những cành nhỏ vẫn còn trĩu nặng những lá.
      Một làn gió nhẹ nổi lên; chung quanh tất cả đều là bụi.
      Một đứa trẻ xin tôi bố thí; nó mang một bộ quần áo kép và không có vẻ gì là nghèo khổ; ấy thế nhưng nó lại lạy lục chận đường tôi và nỉ non khuấy nhiễu tôi.
      Giọng điệu của nó khiến tôi bực bội. Tôi ghét sự thiếu vắng cái nét thương cảm ở nó, khiến cho tất cả cái hành động xảo quyệt này tựa như một trò chơi; những tiếng rên xiết của nó đuổi theo tôi khiến tôi ghê tởm.
      Tôi tiếp tục bước. Một vài khách bộ hành đi, mê mải trong bước đi đơn độc của họ. Một làn gió nhẹ hiu hiu nổi lên; chung quanh tất cả đều là bụi.
      Một đứa trẻ xin tôi bố thí; nó cũng mang một bộ quần áo kép và cả nó nữa cũng không có vẻ gì là nghèo khổ. Nhưng nó câm; nó chìa tay, kèm theo cử chỉ này bằng tất cả những bộ điệu câm nín.
      Những điệu bộ câm nín này đối với tôi thật là khả ố. Hơn nữa, rất có thể là nó không câm. Chắc chắn đây là một mánh khóe để khiến người ta động lòng thương hại.
      Tôi không cho nó gì hết; tôi không cảm thấy mình muốn bố thí; tôi khinh bỉ những tâm hồn từ thiện; những gì tôi có để tặng: ghê tởm, nghi ngờ, thù ghét.
      Tôi bước dọc theo một bức tường đất lở sụp; những viên gạch bể đã được dồn đống lại trong những lỗ hổng. Phía bên kia bức tường, không có gì hết. Một làn gió nhẹ nổi lên; sự mát mẻ của mùa thu thấm qua bộ quần áo kép của tôi; chung quanh tất cả đều là bụi.
      Tôi tự hỏi mình sẽ làm cách nào để xin ăn: tôi sẽ chọn cái giọng nói nào nếu tôi dùng tới lời nói, và điệu bộ câm nín nào nếu tôi làm ra vẻ câm?
      Một vài khách bộ hành đi, mê mải trong bước đi đơn độc của họ.
      Tôi sẽ không bao giờ dành được của bố thí, tôi sẽ không bao giờ gợi được sự xót thương; tôi sẽ chỉ dành được của những kẻ khinh bỉ các tâm hồn từ thiện sự ghê tởm, nghi ngờ và thù ghét.
      Tôi sẽ xin ăn bằng bất động và im lặng!
      Như thế ít ra tôi sẽ gặt hái được hư không.
      Một làn gió nhẹ nổi lên, chung quanh tất cả đều là bụi. Một vài khách bộ hành đi, mê mải trong bước đi đơn độc của họ.
      Bụi, bụi...
      . . . . . . . . . . . . . . . .
      Bụi...
24 tháng Chín 1924.
 
 
CHIẾC LÁ ĐÃ KHÔ *
 
      Lần giở trước đèn một tập thơ của Sadula,** tôi đột nhiên bắt gặp một chiếc lá phong đã khô giữa hai trang sách.
      Khám phá này gợi lại cho tôi buổi tàn thu, năm ngoái. Sau một đêm sương giá, phần lớn cây cối đều trút lá, và trong sân nhà tôi một cây phong nhỏ đã chuyển qua màu đỏ. Tôi lại gần cái cây nhỏ và ngắm nghía sắc lá của nó chăm chú như chưa từng thấy lúc nó còn xanh. Thực ra nó không hoàn toàn đổi sang màu đỏ; cùng lắm thời nó tía lợt với đôi chiếc lá đỏ sậm còn điểm lốm đốm màu lục đậm. Đặc biệt có một chiếc lá bị sâu khoét một lỗ: cái lỗ này, viền đen ở giữa những màu đỏ, màu vàng và xanh lục sặc sỡ, trông tựa như một con mắt lấp lánh sáng đang nhìn ta chằm chặp. Ấy là một chiếc lá sâu, tôi tự nhủ; rồi ngắt chiếc lá và lùa vào tập thơ của Sadula mà tôi mới mua. Cố nhiên là lúc ấy tôi đã mong ước bảo toàn, dẫu chỉ bằng một cách thật phù du, cái toàn bộ hòa hợp sắc màu đã bị gặm khoét và sắp sửa biến mất này, bởi không muốn bỏ mặc nó trôi giạt theo cùng đoàn lũ những chiếc lá vàng khác.
      Nhưng tối nay, khi nó nằm đó, vàng vàng màu sáp ong dưới mắt tôi, tôi thấy dường như con ngươi của nó đã mất mất cái vẻ sáng ngời năm trước. Chỉ vài năm nữa và, khi những sắc màu nguyên thủy của nó đã bị xóa nhòa trong ký ức tôi, thời chắc chắn là chính tôi, tôi cũng không còn biết được tại sao mình đã lùa nó vào giữa những trang sách này. Dường như đúng là vẻ sáng ngời sặc sỡ của một chiếc lá sâu sắp rụng, chỉ có thể bảo toàn được một khoảnh khắc ngắn – huống hồ, sự xum xuê tươi tốt của những chiếc lá xanh... Tôi đưa mắt liếc qua cửa sổ; cả đến những thứ cây chịu lạnh giỏi hơn cả cũng đã hoàn toàn trơ trụi từ lâu rồi: nói gì tới những cây phong! Cuối thu này có lẽ đã lại có một hay hai chiếc lá tựa như chiếc lá này. Thật không may, năm nay tôi đã không có ngày giờ rảnh rỗi để ngắm những chùm lá mùa thu.
26 tháng Mười Hai 1925.
---------------------------------------
* Theo chú thích của Pierre Ryckmans, dịch giả bản Pháp văn, Lỗ Tấn cho biết: «Chiếc lá đã khô được viết ra khi nghĩ tới những người yêu mến tôi và có lẽ đã toan ghép cho tác phẩm của tôi một giá trị trường tồn
** Một tập thơ của Sadula, cũng theo chú thích của Pierre Ryckmans, thì nếu «dịch từng chữ» phải là: Tập thơ của Yanmen. Sadula (1308-?): nhà thơ gốc Mông-cổ, sinh tại Yanmen (Thiểm tây).
 
 
GIỮA NHỮNG VẾT MÁU ĐÃ NHẠT MÀU *
 
Để tưởng niệm những người đã chết, những
người còn sống và những người chưa sinh ra.
 
      Trong lúc này, con Tạo hãy còn quá yếu ớt và rụt rè.
      Nó biến đổi vũ trụ một cách bí mật, nhưng không dám hủy diệt hành tinh này. Nó ngấm ngầm khiến tiêu vong những người còn sống, nhưng không dám bảo toàn thây ma của họ; nó đưa con người ta đến chỗ đổ máu một cách trộm vụng, nhưng trước đám máu tràn lan này, nó không dám duy trì cái màu máu nồng nàn; thật hiểm độc nó bắt con người ta phải khổ, nhưng không dám dành cho họ một trí nhớ thật chắc chắn.
      Nó chỉ ân cần đối với những người thuộc cùng loại với nó - những kẻ yếu đuối và những kẻ rụt rè; nó sử dụng những phế tích và những nấm mộ để chỉnh trang những cung điện lộng lẫy; nó sử dụng thời gian để làm dịu bớt những nỗi đớn đau và xóa nhòa những vết máu; mỗi ngày nó rót cho loài người một chén rượu ngọt-đắng, không nhiều quá không ít quá, vừa đủ để khiến họ hơi ngà ngà; những kẻ uống thứ rượu đó có thể khóc hay hát, họ cùng lúc vừa tỉnh vừa say; họ dường như khi thì khôn ngoan và khi thì cuồng dại, đồng thời vừa muốn chết vừa muốn sống. Nhưng nó bắt buộc phải khêu gợi ra cho họ hết thảy ý chí muốn sống, là vì nó chưa có cái gan dạ hủy diệt hoàn toàn giống người.
      Những phế tích và những nấm mồ rải rác trên trái đất soi mình trên những vũng máu đã nhạt màu; trong cái trang cảnh ấy, loài người nghiền ngẫm những nỗi đắng cay mơ hồ của họ mà không dám khạc ra tất cả một lần cho xong, là vì họ vẫn còn ưa cái mùi vị đó hơn mùi vị của hư không. Chính họ tự xưng mình là «những nạn nhân bất lực» của Trời, đối với họ ấy là một cách biện minh cho sự nghiền ngẫm thê thảm của họ; kinh hoàng, họ lặng lẽ chờ đợi những đau khổ mới sẽ tới: cái mới mẻ này vừa khiến họ ghê rợn vừa thu hút họ.
      Ấy là những bầy tôi dễ bảo của con Tạo, và con Tạo muốn họ như vậy.
      Có một kẻ nổi loạn dạn dĩ xuất hiện giữa mọi người; y vươn toàn thân chỗi dậy; y đưa mắt thăm dò những phế tích và những nấm mồ, những thức đã được hóa trang và những thức hãy còn ở trạng thái nguyên thủy; y ghi khắc vào trí nhớ những nỗi đớn đau sâu sắc nhất và xa xưa nhất; y dò xét mọi tầng lớp kế tiếp của máu đông tụ; y biết rành rẽ tất cả những gì đã chết, tất cả những gì còn sống, tất cả những gì sắp sống và tất cả những gì chưa sống. Y nhìn thấy rõ trong mọi mưu mô của con Tạo; y sẽ đứng dậy để khiến cho giống người – những bầy tôi dễ bảo của con Tạo – có thể phục sinh hoặc biến đi.
      Con Tạo, yếu ớt rụt rè, hổ thẹn và lánh mặt. Và vũ trụ thay màu dưới mắt kẻ nổi loạn dạn dĩ.
8 tháng Tư 1926.
---------------------------------------
* Bài này, Lỗ Tấn cho biết, đã được viết “sau khi Duan Qirui cho nổ súng vào một đám đông không vũ trang”. Theo một chú thích của Pierre Ryckmans: “Ngày 18.03.1926, một đám đông sinh viên và những người yêu nước tụ họp trước trụ sở chính phủ để biểu tình chống lại tối hậu thư do Nhật-bản nhân danh Tám Cường quốc đưa ra. Duan Qirui lúc đó cầm đầu chính phủ, đã ra lệnh cho quân đội nổ súng vào những người biểu tình: cuộc nổ súng man rợ này khiến cho 47 người chết và 150 ngưởi bị thương. Sau cuộc tàn sát, chính quyền cho lùng bắt khoảng năm mươi ngưởi – trong số đó có Lỗ Tấn – bị nghi là lãnh đạo phong trào; Lỗ Tấn phải rời nơi cư ngụ và, cùng với một vài người bạn cũng bị truy lùng, ẩn mình một thời gian tại một địa điểm thuộc Bệnh viện Pháp.”
 
-------------------------------
Ghi chú của dịch giả:
LỖ TẤN (1881-1936) là một nhà tư tưởng, một văn hào của Trung-hoa mà cả hai phe Quốc, Cộng đều muốn giành lấy riêng cho mình! Ông viết truyện ngắn, tùy bút, những bài “thơ bằng văn xuôi” (Cỏ dại), biên khào văn học và còn là một nhà phiên dịch (thơ Blok). Ảnh hưởng của Lỗ Tấn đối với văn chương Trung-hoa và thế giới rất đáng kể. Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông đã có nhiều sách (trong nước) kể tới. Có thể nói không ngoa rằng tác phẩm của ông, với chiến-đấu-tính của chúng, đã trở thành mẫu mực cho nhiều thế hệ nhà văn ở khắp nơi.
 
Cỏ dại viết tại Bắc-kinh từ tháng Chín 1924 đến tháng Mười Hai 1925 với hai bài chót viết vào tháng Tư 1926, xuất hiện vào tháng Bảy 1927, gồm 23 bài (kể cả một bài thơ có vần “nhại” lối thơ tình cảm xưa, thật châm biếm) và một Tự ngôn mào đầu. Trong khoảng thời gian này, vì ủng hộ phong trào của các nữ sinh viên trường Sư phạm (dành cho) Phụ nữ, Lỗ Tấn đã bị Zhang Shizhao “cho thôi việc” ở bộ Giáo dục (1925)...
 
Các bài trên được dịch theo bản Pháp văn của Pierre Ryckmans, bút hiệu của một nhà văn Pháp, một học giả uyên thâm Hán học, hiện làm giáo sư đại học ở Úc-châu trong cuốn Lu Xun, La mauvaise herbe, Bibliothèqua asiatique, tủ sách 10|18, 1975.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021