thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thơ và tự thuật
(Hoàng Ngọc Biên giới thiệu và chuyển ngữ)
 
Đôi nét về Gregory Corso:
 
        Gregory (Nunzio) Corso sinh ngày 26 tháng Ba 1930 ở New York. Thời niên thiếu ông từng làm những công việc tay chân, là nhân viên ở báo Los Angeles Examiner, đi thuyền buôn trên các tàu ở Na Uy, không kể một số công việc khác như diễn kịch, và từng xuất hiện trên phim Pull My Daisy cùng với nhạc sĩ David Amram, phim Couch của Andy Warhol. Sau một tuổi trẻ sóng gió, đi qua các nhà dục anh và trại giam, nơi ông có dịp tìm đọc ngấu nghiến những nhà văn cổ điển thế giới, đáng kể nhất là “kinh nghiệm” Shelley, kinh nghiệm đối với ông là rất đáng kể (“Đôi khi địa ngục là một nơi chốn tốt - nếu nó chứng tỏ cho ta biết là bởi vì có nó, cho nên cái ngược lại của nó là thiên đường, cũng phải có.”), năm 1950, vừa ra khỏi tù, Corso có dịp quen biết Allen Ginsberg tại quán rượu Pony Stable ở Greenwich Village, và sau đó, tuy không có mặt sớm trong những buổi đọc thơ đầu tiên ở Six Gallery, nhà thơ trẻ đã nhanh chóng thích nghi với các hoạt động tiền phong của nhóm San Francisco Beat (1956) khi cùng Allen Ginsberg đến thành phố này (nơi năm 1958 Nhà City Lights của Lawrence Ferlinghetti đã in tập thơ Gasoline cho ông), và hai người cùng với Jack Kerouac, Peter Orlovsky tham gia nhiều buổi đọc thơ/jazz và phỏng vấn.[*]
        Corso được coi là một nhà thơ đã đem những kiến thức cổ điển ra tinh lọc, và từ đó mang đến cho ngôn ngữ đường phố của mình một hình thức và giọng điệu riêng. Không lạ, là đã có người gọi ông là một “Shelley bụi đời”. Trong hai thập kỷ 50 và 60, ông đã trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu trong phong trào Beat ở Mỹ. Từ chỗ đứng trung tâm ấy, ông từng có một thời gian ngắn giảng dạy tại State University of New York, Buffalo (bị giải nhiệm năm 1965 do từ chối ký tên vào tờ khai cam đoan mình không phải là đảng viên Đảng Cộng sản!) và thỉnh thoảng tham gia thuyết trình nhiều khóa mùa hè tại Naropa Institute ở Boulder, Colorado. Những năm 50 & 60 nhiều họa sĩ trẻ thuộc Trường phái New York thường ngao du với các nhà thơ ở quán The Old Cedar ở Greenwich Village. Có thể chính vào thời này người ta đã được chứng kiến nơi Corso bàn tay tài hoa của một họa sĩ: đầu những năm 90 nhiều tranh vẽ của Corso đã được trưng bày tại triển lãm Nghệ thuật Beat ở New York University.
        Gregory Corso mất ngày 17 tháng 1 năm 2001 tại nhà con gái ông ở Robbinsdale, Minnesota, sau một thời gian dài bệnh nặng. Tại tang lễ của ông người ta đã nghe được tiếng hát tiễn đưa của Patti Smith và tiếng organ, ghita và tiếng sáo tuyệt diệu của David Amram. Sau 70 năm sóng gió, ông đã ra đi trong giấc ngủ. Nhưng đây không phải là chuyến đi cuối cùng của ông. Chuyến đi cuối cùng phải kể là chuyến gia đình và bạn bè đưa tro than của ông qua Rome, theo ý nguyện sau cùng của ông, và một buổi sáng tháng Năm đã êm ái để ông nằm xuống trong ngôi mộ đối diện với mộ Shelley, không xa chỗ nằm của Keats, chỗ đất yên tĩnh rợp bóng lá cây của nghĩa trang ở Ý quen được gọi là English Cemetery, quanh năm hoa nở. “Thiên thần quỉ quái” từng được Ginsberg so sánh với Villon, với Rimbaud và gọi là “thi sĩ của những thi sĩ”, anh chàng suốt một thời trẻ tuổi vẫn lang thang qua những đền đài, những bảo tàng, những khách sạn, những đường phố châu Âu để có một khoảng cách nhìn về đất Bắc Mỹ nơi mình sinh ra, anh chàng mà William S. Burroughs và cả W.H. Auden đều thích thú gọi là “Gregory nhà thơ” ấy giờ đây nằm nghe gió và lá Địa trung hải chuyện trò với nhau...
 
         “Chúng tôi đã đem tới sự thay đổi mà không mất một giọt máu!” – trong một buổi đọc thơ ở Đại học Columbia năm 1975, Corso đã từng cất cao giọng nói về Thế hệ Beat của ông như thế. Với nhiều người đọc, câu nói ấy cho dù hàm chứa điều gì, cũng vang lên như một thách đố hòa bình, một phát biểu lãng mạn còn sót lại trong thế giới này – rất không giống những hô hào đao to búa lớn cuối thế kỷ qua mà chúng ta vẫn còn phải tiếp tục nghe trong thế kỷ này, có lẽ.
 
_________________________

[*]Sau The Vestal Lady on Brattle xuất bản nhờ tiền đóng góp của sinh viên bạn bè thời Corso học “qua loa” ở Harvard, và Gasoline trong City Lights Pocket Series, ông đã cho xuất bản nhiều tập thơ như The Happy Birthday of Death (1960), The American Express (1961), Long Live Man (1962), Elegaic Feelings American (1970), Herald of the Autochthonic Spirit (1981), và Mindfield (1991, tái bản 1998).

 
 

THƠ GREGORY CORSO

bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
            Tôi nhận ra đời người chẳng phải là giấc mơ
            Tôi nhận ra sự thật bị lừa dối
            Đời người là một thế kỷ
            Cái chết là một khoảnh khắc
                                   G. CORSO - Viết trên những bực thềm
                                   khu phố nguời Puerto Rico
 
 

Tự vẫn ở Greenwich Village

 
Những cánh tay duỗi dài
Những bàn tay xòe trên bậu cửa sổ
Nàng nhìn xuống
Nghĩ đến Bartok, Van Gogh
Và tranh biếm họa trên tờ New Yorker
Nàng ngã xuống
 
Họ mang nàng đi với một tờ Daily News đậy trên mặt
Và một người trông coi cửa hàng dội nước nóng lên lề đường
 
 

Tay ta là một thành phố

 
Tay ta là một thành phố, một cây đàn lia
Và tay ta bốc ngọn lửa
Và mẹ ta chơi nhạc Corelli
            trong khi ta cháy bỏng.
 
 

Bài hát trên biển

 
Mẹ tôi ghét biển,
đặc biệt là biển của tôi,
tôi đã khuyên mẹ không nên vậy;
tôi chỉ có thể làm tới thế thôi.
Hai năm sau
biển ăn mất mẹ.
 
Bấy giờ trên bờ biển tôi thấy có
một thức ăn đẹp lạ;
tôi hỏi biển xem tôi có ăn đuợc không,
và biển trả lời tôi có thể ăn.
– Ôi  biển ơi, cá này là cá gì
mà vừa ngon vừa ngọt đến thế?
– Bàn chân của mẹ ngươi đấy - biển trả lời.
 
 

Người ngồi ngoài cửa sổ nhà tôi

 
Thời gian trong tiết đông yên tĩnh của khu vườn
chẳng có nghĩa gì khi anh thấy
mình đang nhìn những mùa trôi qua đơn độc;
chẳng có nghĩa gì khi anh thấy
ngón tay mình đang đánh dấu những suy nghĩ
                                     trên một tảng đá.
 
 

Đắm tàu ở Nordling

 
Một đêm nọ năm mươi người bỏ Thuợng đế
                                                bơi đi
Và chết đuối.
Sáng hôm sau Thượng đế bị bỏ rơi
Nhúng ngón tay Người xuống biển,
Rút lên với năm mươi linh hồn.
Và đưa tay chỉ về phía vĩnh cửu.
 
 

Đêm qua tôi lái xe

 
Đêm qua tôi lái một chiếc xe
mà không biết lái xe như thế nào
không có xe của riêng mình
tôi lái và hạ gục
những người tôi yêu
... xe chạy tới 120 dặm giờ qua một thành phố.
Tôi dừng ở Hedgeville
và ngủ ở băng sau
... thích thú với cuộc sống mới của mình.
 
 

Trên tường một căn phòng tối tăm

 
Tôi treo ảnh cũ của những bạn gái thời thơ ấu
Lòng tan nát tôi ngồi đây, khuỷu tay để trên bàn
Tay chống cằm tôi ngắm mãi
Đôi mắt kiêu hãnh của Helen
Cái miệng yếu mềm của Jane
Mái tóc vàng óng của Susan
 
 

Thi sĩ quá giang trên xa lộ

 
Quả tình tôi đã cố nói với hắn
nhưng hắn vẫn lắc đầu lia lịa
            không môt lời xin lỗi.
Tôi bảo hắn trời đang đuổi bắt
            thái dương
Thế là hắn cười mỉm và nói:
            “Thì có để làm gì.”
Tôi thấy mình nổi điên
            trở lại
Thế nên tôi nói: “Nhưng biển đang đuổi bắt
            con cá.”
Lần này thì hắn cười rộ
            và nói: Giả dụ
                        cây dâu tây
                                    mọc trên núi.”
Sau đó tôi biết là
            cuộc chiến vẫn tiếp diễn –
Thế nên chúng tôi đấu đá:
Hắn nói: “Cái xe đẩy chở táo giống như
                                    thiên thần cưỡi chổi
            đớp & nghiền vụn
                        những chiếc giày hà lan.”
Tôi nói: “Sấm chớp sẽ đánh cây sồi già
và hơi sẽ bốc thành khói!”
Hắn nói: “Những con đường điên không tên.”
Tôi nói: “Tên giết người đầu hói! Tên giết người
            đầu hói! Tên giết người đầu hói!”
Hắn nói. và nổi điên thật sự,
            “Lò lửa! Hơi đốt! Đi văng!”
Tôi nói, chỉ cười mỉm,
            “Ta biết Thượng đế sẽ ngoái cổ nhìn lại
            nếu ta ngồi yên và suy nghĩ.”
Chúng tôi rốt cuộc tan biến,
            và thấy ghét không khí!
 
 

Sinh quán về thăm lại

 
Tôi đứng trong bóng tối trong đường tối
và ngước nhìn lên cửa sổ phòng tôi, tôi sinh
                                                ra ở đó.
Đèn bật sáng; những người khác đang di động.
Tôi mặc áo mưa; miệng ngậm điếu thuốc,
nón chụp trên mắt, tay đặt trên súng.
Tôi băng qua đường và bước vào tòa nhà.
Mấy cái thùng đựng rác không ngừng bốc mùi.
Tôi bước lên cầu thang đầu tiên; thằng Tai Dơ
dí con dao vào người tôi...
Tôi lắc người hắn đầy những chiếc đồng hồ
                                                bị mất.
 
 

New York City – 1935

 
Hồi ấy tôi 5 tuổi
New York vào tháng Chạp
Những con ngựa kéo những cỗ xe
            trên mặt đường lát đá đóng băng
Vẫn như bao giờ cảnh khủng khiếp hiển nhiên:
Một chiếc xe tải – xe tông – ầm
Con ngựa – máu
            thấm nhòa trong tuyết
                        nhuộm đỏ băng
 
Tôi khóc
Đôi mắt ướt của tôi nhìn thấy
            con ngựa co giật
Và người đánh xe
            đầu cúi gầm
bước chậm
như chính cái gã Ý nông dân buồn bã
                                        là mình –
 
 

Viết cho Miles

 
Giọng kèn anh không có một chỗ sai
            trong trẻo & tròn
                                thánh
            như sâu lắng
 
Giọng kèn anh là giọng kèn anh
thật & từ ở trong
một lời tự thú
đầy tình cảm & đáng yêu
 
 

Bảng chỉ đường ở Sở thú Luân Đôn

 
<< –
Gấu Trúc
Sư Tử
Chim Ruồi
Các Bà
 
 

Tâm hồn

 
Tâm hồn
là Đời sống
Nó trôi qua
cái chết của tôi
vô tận
như dòng sông kia
không sợ
trở thành
biển
 
 

Cả một đống rác... gần như thế

 
Tôi chạy lên sáu tầng cầu thang
tới căn phòng nhỏ bày đủ đồ đạc
mở cửa sổ
và bắt đầu vứt ra ngoài
những thứ quan trọng nhất trên đời
 
Vứt trước tiên, là Sự thật, nó kêu ré như một tên khốn kiếp:
“Đừng! Ta sẽ nói những chuyện xấu về ngươi đấy!”
“Vậy hả? Được, ta chẳng có gì cần giấu...
                                                                        CÚT!”
Kế đó là Thượng đế, người quắc mắt nhìn &
                                                ngạc nhiên rên rỉ:
“Không phải lỗi ta! Đâu phải mọi chuyện
                                    vì ta mà ra!” “CÚT!”
Rồi đến Tình yêu, nàng thì thầm dụ dỗ: “Ngươi
                        sẽ không bao giờ liệt dương!
Tất cả bọn con gái trên bìa báo Vogue, của ngươi tất!”
Tôi đẩy cái mông bự của nàng ra và hét:
“Mày lúc nào rốt cuộc cũng chẳng ra trò trống gì!”
Tôi bốc lên Lòng tin Hi vọng Bác ái
cả ba ôm chặt lấy nhau:
“Không có chúng ta ngươi chắc chắn sẽ chết!”
“Nhưng có mấy người ta sẽ phát khùng! Chia tay thôi!”
Rồi đến Cái đẹp... a, Cái đẹp –
Trong khi kéo nàng ra cửa sổ
tôi bảo nàng: “Ngươi thì ta yêu nhất trên đời
... nhưng ngươi là một tên giết người; Cái đẹp
                                                giết người!”
Vì không hẳn đã định thả luôn nàng
tôi tức khắc chạy xuống cầu thang
tới nơi kịp chụp được nàng lại
“Ngươi cứu ta! nàng la lên
Tôi để nàng xuống và bảo nàng: Đi đi.”
 
Lại chạy trở lên sáu tầng cầu thang ấy
đến chỗ đựng tiền
không có tiền để vứt.
Cái duy nhất còn lại trong phòng là Thần chết
nó núp dưới cái bồn rửa bát trong bếp:
“Ta đâu có thật!” Nó la lên
“Ta chỉ là một lời đồn lan truyền bởi đời sống... “
Tôi cừa cười vừa vứt nó ra ngoài, bồn rửa
                                    trong bếp và mọi thứ
và bỗng nhận ra óc Khôi hài
mới là tất cả những gì còn lại –
Với óc Khôi hài tôi không làm gì được, chỉ nói:
“Cửa sổ, ta chẳng cần cửa sổ làm gì nữa!”
 
 

Đêm thứ nhì ở N.Y.C sau 3 năm

 
Tôi sung sướng tôi say sủi cả bọt
Đường tối thui
Tôi vẫy tay chào một chàng cảnh sát trẻ
Hắn mỉm cười
Tôi bước tới gần hắn và như một cơn lũ
                                    những lời vàng
Kể hắn nghe đủ thứ về tuổi trẻ trong tù của mình
Chuyện những người bị kết án cao thượng
                                    và ngon lành ra sao
Và chuyện tôi mới trở về như thế nào từ
                                                châu Âu
Cái nơi không khai sáng bằng phân nửa nhà tù
Và hắn chăm chú nghe tôi không nói dối
Chuyện gì kể cũng có thật và cũng vui
Hắn cười
Hắn cười
Và tôi sung sướng đến độ tôi nói:
“Hãy xóa hết tội kia, và hôn ta đi!”
“Không, không, không!” hắn nói
            và nhanh chân tẩu.
 
 

Cho những người tự vẫn

 
Sống trong cõi chết hay
hơn chết trong cõi sống
 
chúng tự vẫn bởi lẽ chúng sợ chết
 
chết chỉ hợp với những kẻ yêu đời –
 
 

Chúng nó

 
Chúng nó, cái chữ “chúng nó” không được gọi tên,
chúng nó đã hạ tôi đo ván
            nhưng tôi đứng dậy
Tôi luôn đứng dậy –
Và tôi thề là khi tôi ngã gục
            rất thường chính tôi có ý ngã,
không gì dời một ngọn núi ngoài chính nó –
Chúng nó, từ lâu tôi đã gọi tên chúng nó là tôi.
 
 

Phaestos là một ngôi làng với 23 gia đình

 
và một quán rượu
Ở đấy bạn tôi và tôi ngồi
uống rượu với con người Hy lạp to cao nhất
                                                thế giới
Và mặc dù hắn phải đã xấp xỉ sáu mươi
gương mặt và thân hình hán có vẻ như của một
                                                ông hoàng trẻ khỏe
Chúng tôi người này không nói được ngôn ngữ của người kia
nhưng uống hết chầu nầy đến chầu nọ chúng tôi
                        hết chuyện nọ xọ qua chuyện kia
 
Và tôi hiểu được nhờ cái chút ít tiếng Đức của tôi
và cái chút ít tiếng Hy lạp của người bạn đồng hành
và cái chút ít tiếng Pháp và tiếng Anh của
                                    những người khác
“Hắn bắn hai chục sĩ quan Đức”
“Nhưng hắn không hề bắn một tên lính trơn
nào”
“Hắn bảo bọn này trẻ và hiền lành”
“Bây giờ chiến tranh đã qua và không còn sĩ quan nào nữa
            hắn thấy không vui”
“Hắn không vui vì cả làng đã quên mất
                        mấy người anh hùng của hắn”
Hắn thở dài một cái thở dài như muốn nói:
Đó là những ngày xưa huy hoàng
 
Vì uống quá nhiều tôi cần vào phòng vệ sinh
và anh bạn tôi và hầu hết những người khác ai nấy
            cũng đều cần như thế
Nhưng không có phòng vệ sinh
 
Vì vậy khi ra đường tối đen như mực
                        chúng tôi loạng choạng
đi ra phía sau quán rượu
ở đấy
dưới bầu trời sao đầy như tôi chưa bao giờ từng
                                                            thấy
chúng tôi ai nấy đều tiểu trông thật lạ kỳ
 
 

Nhà thơ nói chuyện với mình trong gương

 
Chào nhé, ta là ta –
đã rõ ràng cuộc săn bắt ta
là chuyện phi lý
tin rằng khi ta bị
rượt đuổi
ta sẽ không chỉ thấy có ta
mà nguyên cả một bầy một đàn
ta quá khứ, ta tương lai
nguyên cả một xe tải nặng
và bao năm dài
và nơi ta đến được
vào một thời điểm
gương không còn là gương soi
            ta vẫn nhìn vào những năm trước
 
            Chính gương soi thay đổi
            không phải chàng Gregory khốn khổ này
 
Này, trên đời
            Chỗ nào ta đi, ta đi
            Chỗ nào ta dừng, ta dừng
            Khi nào ta nói, ta nói
            Khi nào ta nghe, ta nghe
            Cái gì ta ăn, ta ăn
            Cái gì ta yêu, ta yêu
 
Thế thì làm sao
            chỗ nào ta đi, ta không đi
            chỗ nào ta dừng, ta đi tới
            khi nào ta nói, ta nghe
            khi nào ta nghe, ta nói
            khi ta nhịn đói, ta ăn
                        và khi ta yêu...
                                    ta không muốn ghét
 
Giờ đây ta nhìn ai nấy
            như cảnh sát nhìn họ
 
Ta cũng nhìn các bà xơ cùng cách
            ta nhìn mấy nhà tu phái hare-krishna
 
Ta không lấy ai làm đại lý
không tưởng nổi nhà thơ lại có đại lý
Ginsy, Ferl,* đều đã có cả rồi
và làm ra khối tiền nhờ bọn họ
và còn cả tiếng nữa
Có lẽ ta nên kiếm một người đại lý?
                  Úi chà!
Không được đâu, Gregory ơi, hãy cứ đứng
            gần bài thơ của mình!!!
 
----------------------------
* Ginsy: Allen Ginsberg – Ferl: Lawrence Ferlinghetti
 
 

Cảm nghĩ về cái già đến gần

 
Khi ta trẻ ta biết
            chỉ một Giáo hoàng
            một Tổng thống
            một Hoàng đế Nhật bản
Khi ta trẻ không bao giờ có ai già đi
            hay chết
Cuốn phim ta coi khi ta mưòi tuổi
            bây giờ là một phim cũ
            và toàn bộ những minh tinh trong phim
            không còn là minh tinh nữa
 
Vẫn xảy ra như thế... Ta càng lớn tuổi
những gương mặt nổi danh không thay đổi
                                                hôm qua
            nay thay đổi dữ dội
Giáo hoàng và Tổng thống kẻ đi người đến
            Luôn cả những ngôi sao nhạc rock
Những thần tượng của các bà đột ngột già đi
            Và những minh tinh mầm non
            giờ là bà nội bà ngoại của những minh tinh
                                                        mầm non
Và ta càng sống
            những minh tinh phim ảnh cứ thế chết dần
 
Làm gì để ngăn chận thủy triều đây?
Ngưng đọc nhật trình ư?
Hay ngưng chính ta?
Vâng, khi ta trẻ
            người già lúc nào cũng có vẻ già
            tựa như sinh ra họ đã như thế
Và thích Clark Gable Vivien Leigh
            tưởng như là thích cả đời
Vâng, giờ đây ta già hơn
            những người già thời ta trẻ đã chết
            và những người trẻ thời ta trẻ đã già
 
Cách nay không lâu
            giữa đám đồng liêu quen biết
            những nhà thơ và những tội đồ
            ta là kẻ trẻ nhất từ nhiều năm
Ta vào tù trẻ nhất và ra tù trẻ nhất
Trong đám Ginsberg Kerouac Burroughs...
                                                kẻ trẻ nhất
Và ta vẫn còn trẻ khi ta bắt đầu là kẻ già nhất
Ở Harvard ta 23 tuổi giữa những cậu 20
 
Thời còn sống Kerouac già hơn ta
Giờ đây ta hơn anh chàng một tuổi
và già hơn Chúa Ki tô mười lăm năm
Trong ý nghĩa Thiên chúa giáo
            Ta mười lăm năm già hơn Thượng đế
            và vẫn tiếp tục già đi
 
Những phụ nữ... những phụ nữ thời ta trẻ!
Nghĩ tới chuyện có lần ta muốn đem cái tình
            bất tận dâng cho sắc đẹp & hình dáng
            của một bà 40 năm 1950
Mới đây ta chiêm ngưỡng dung nhan bả nay
                                                            đã 70 mấy
            mạ một chiếc áo màu đen dài
            cái mông một thời tuyệt đẹp của bả
            giờ đây dẹp lép!
Ác độc thay tầm vóc thịt da sớm nở tối tàn
Cô Marilyn Monroe khốn khổ!
Chẳng là Vệ nữ nàng
Nữ thần trần tục
            chỉ là một cái bọc nước có lông
– và chúng ta ai nấy như thế cả
Còn những tượng đá nữ thần cho dù chân tay
                                                            bị gãy
            vẫn giữ nguyên sắc đẹp trong
                                                phế tích mình
 
Cũng là điều kỳ lạ:
Khi ta 20 cha ta 40
Và cha trông giống & và cư xử y hệt như cha
            hồi ta 5 và cha 25
 
Và giờ đây khi còn 2 năm nữa ta sẽ 50
            già đến nửa thế kỷ!
            và cha 70
thì chính ta chứ không phải cha
            lúc nào cũng càng già & trông già đi
Vâng, người già, nếu sống, sẽ vẫn già như thế
nhưng người trẻ, người trẻ không bao giờ
                                             mãi thế được
... chúng là loại thế nào cũng già đi
 
Không, ta không biết già đi nó ra làm sao...
                                                            thế nhưng
ta có cô vợ nhích ngoài 20 mấy
Và ta có một cu con chỉ mới hai tuổi rưỡi
Trong 20 năm nữa ta sẽ 70
Nàng sẽ nhích ngoài 40 mấy
Và thằng con sẽ nhích ngoài 20 mấy
Và ấy sẽ là năm 2,000!
và ai nấy sẽ làm tiệc mừng
sẽ uống rượu và yêu đương và vui đùa
            trong khi ta tội nghiệp thân ta
            răng ta sẽ còn ít hơn nữa
            và mông đít thì xương xẩu
            và không sao tránh được lấm lem nước tiểu
 
Ấy thế mà, thế mà máy bay nổ tung
Giáo hoàng, thần tượng các bà, Tổng thống,
                                    ai nấy thế mà chết tuốt
Và cách nào đó với hết những cái già nua ấy
Đôi mắt cũ rích của ta nhìn thất hết, Đời sống;
                                    Tinh thần bất diệt!
Với hết những cái tới sẽ tới
và hết những cái đi sẽ đi
 
 

Làm cách nào khỏi chết

 
Giữa mọi người
nếu ta cảm thấy ta sắp chết
ta sẽ xin ai nấy thứ lỗi
và thưa “Tôi phải đi đây!”
"Đi đâu?” họ muốn biết
ta không trả lời
ta cứ thế bỏ ra
xa chỗ bọn họ
bởi lẽ cách nào đó
họ cảm thấy có cái gì không ổn
và sẽ không bao giờ biết phải làm gì
đột ngột như thế họ sẽ sợ hết hồn
Nhưng thật quả khó chịu
nếu cứ ngồi đấy
và để người ta hỏi:
“Bạn ok chứ?”
“Có muốn tôi đi kiếm cái gì cho bạn không?”
“Bạn muốn nằm?”
Ối trời ơi! người ơi là người!
ai mà muốn chết giữa mọi người?!
Nhất là khi họ không thể làm cứt gì được
Đi xem hát bóng – đi xem hát bóng
đấy là nơi ta ba chân bốn cẳng chạy tới
khi ta cảm thấy ta sắp chết
Cho đến nay cứ làm y thế là đâu đó trôi chảy
 
 

Tự thuật 1930-1957

 
Cha mẹ người Ý còn trẻ, cha 17 tuổi, mẹ 16 tuổi, sinh tại New York City Greenwich Village 190 Bleecket, năm sau đó mẹ bỏ người-cha-không-lấy-gì-làm-xuất-sắc-lắm và trở về Ý, thế là tôi đi vào cuộc sống mồ côi với bốn cha mẹ nuôi và khi tôi lên 11 tuổi cha lấy vợ và đem tôi về trở lại nhưng mọi chuyện đều trật lất bởi vì hai năm sau tôi bỏ nhà đi và bị tóm tống đi lần nữa và tống vào nhà giam con trai hai năm và cho ra và trở về nhà và lại bỏ đi nữa và bị tống vào Bellevue để được theo dõi canh chừng nơi đây tôi sống ba tháng kinh hoàng buồn bã với những ông già điên đái vào miệng những ông già buồn bã khác, và rời nơi đây và về nhà trở lại và bấy giờ còn biết hơn cả cha và mẹ ghẻ những thống khổ khốn khó của con người ở tuổi 13 thế nên lại bỏ đi và đi luôn và đã làm một điều gì đó thực sự tầy đình và bậy bạ và đã bị tống vô tù ba năm lúc 17 tuổi, từ 13 đến 17 tuổi tôi đã sống với Irish trên đường 99th và với Alex, với mấy người Ý trên đường 105th và đường 3rd, vân vân, cho tới năm 17 tuổi thì ăn cắp thật sự và lãnh tù 3 năm ở Clinton Prison nơi đây được một ông già chuyền tay các cuốn Karamatsov, Les Misérables, Red and Black, và thế là tôi học, và tự do nghĩ và tự do cảm và tự do viết, bởi vì trước đấy khi tôi muốn viết, khi tôi thường nói với cha tôi rằng tôi rất muốn viết, thì cha tôi thường bảo, một kẻ làm văn làm thơ đếch có chỗ đứng trên thế gian này. Nhưng nhà tù thì khác, “kẻ làm văn làm thơ” có một chỗ, trước đây nhà tù chỉ tới lớp sáu là cùng. Ra khỏi tù thấy thương bạn đồng cảnh ngộ vì ai nấy tôi gặp trong đó đề hãnh diện và đều buồn và đẹp và lạc lõng, lạc lõng. Tôi cũng phải nói rằng cái điều tàn bạo nhất đã xảy ra cho tôi trong thời trẻ tuổi là lúc tôi lên 12 tuổi ở nhà giam con trai. Tôi đến đấy là vì tôi đã ăn cắp một cái máy truyền thanh và đem bán cho một tay buôn và tay buôn này bị đưa ra tòa và tôi phải có mặt để làm chứng thế cho nên họ đưa tôi từ nhà giam con trai tố đến TOMBS ở tuổi 12! Năm tháng liền tôi ở đấy, không có không khí, không có sữa, và phần đông là trẻ da đen và mấy đứa này ghét trẻ da trắng và chúng hành hung tôi dữ lắm, và tôi bấy giờ quả giống như một thiên thần bởi lẽ chúng đánh cắp đồ ăn của tôi và đánh đập tôi và liệng nước đái vào nhà giam tôi, tôi, kẻ ngày hôm sau có thể được ra tù và kể cho chúng nghe cái giấc mơ đẹp của tôi về một cô gái bay lơ lửng đáp xuống trước một cái hố sâu và cứ đứng đấy nhìn.
 
Tôi kể cho các bạn nghe chuyện này là vì tôi nghĩ đấy là lần đầu tiên trong đời tôi tôi cảm thấy cái khủng khiếp của cậu bé gregory 12 tuổi kia.
 
Hai chục tuổi đọc sách tưng bừng và say mê Chatterton, Marlowe và Shelley, trở về nhà, ở lại hai ngày, bỏ gia đình đi luôn, nhưng tối lại trở về để xin mọi người tha thứ và lấy lại bộ tem sưu tập. Lãnh một công việc ngu ngốc ở Garment District; sống ở Village và một đêm năm 1950 trong một tiệm rượu tối vắng vẻ ngồi với mấy bài thơ viết trong tù tôi đã được diễm phúc lọt vào mắt một người: Allen Ginsberg. Qua chàng lần đầu tiên tôi được biết về thơ hiện đại, và biết được cách tự xoay xở trong một xã hội không thể chế, bởi vì hồi ấy tôi là người rất ư thuộc thể chế. Hơn cả những cuộc chuyện trò mới vui vẻ hấp dẫn hay ho của chúng tôi về thơ, chàng là người đầu tiên dịu dàng và là bạn thân của tôi. Bỏ việc sau đó và về sống ở Village với gái tử tế cho đến năm 1952 là khi tôi đến Los Angeles và, may mắn thay, nhận được việc tốt trong tờ báo Examiner Los Angeles, làm phóng viên mầm non tuần một lần, thời gian còn lại trong tuần thì làm việc ở nhà xác. Bảy tháng sau bỏ việc để xuống tàu đường Norway để đến Nam Mỹ và châu Phi và đã làm như thế. Trở về Village, không làm gì ngoài nhậu nhẹt say sưa và ngủ bên ngoài nóc nhà cho tới 1954 khi người đẹp nay đã ngủm Violet Lang đưa tôi tới Harvard ở đây tôi chỉ có viết và viết và gặp hàng lố những thanh niên sáng chói dữ dội nói với nhau về Hegel và Kierkegaard. Xuất bản ở đây tập Vestal Lady nhờ tiền đóng góp của năm mươi hay hơn năm mươi sinh viên ở Radcliffe và Harvard. Harvard Advocate xuất bản cho tôi trước tiên. Sau đó đến S.F. năm 1956 và ở đó đã theo Allen, và Ferl muốn in sách của tôi, cuốn Gasoline, ở lại S.F. năm tháng, đọc thơ cùng với Allen, rồi sau đó chúng tôi lên đường đi Mexico. Viết phần lớn Gasoline ở đây, và bây giờ ở Paris (1957).
 
-----------------------------------------------------
"Tự thuật 1930-1957" của Gregory Corso in ở phần Ghi chú tiểu sử trong The New American Poetry (Donald M. Allen biên tập, Grove Press xuất bản, New York, 1960).
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021