thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bồ hóng | Bộ râu
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
ERNEST BRYLL
(1935~)
 
Ernest Bryll chào đời ngày 1.3.1935 ở Warsaw, từng học điện ảnh và văn học, tốt ngiệp môn ngữ văn Đại học Warsaw năm 1956, là một nhà thơ sáng tác phong phú, một người viết kịch, viết tiểu thuyết, nổi tiếng rộng rãi trong quần chúng Ba Lan những năm 1960, do đã đưa vào trong thơ và kịch của mình những ám chỉ đụng tới những chủ đề cấm kỵ của lịch sử Ba Lan (Gương mặt không để lộ, 1963), và do đã làm sống lại truyền thống lãng mạn trong thơ ca. Thơ ông thuộc loại trí tuệ, chịu ảnh hưởng sâu đậm nhà thơ Ba Lan thế kỷ XIX Cyprian Norwid (1821-1883): cũng như Norwid, thơ ông đầy những điển cố Hi lạp, thời Trung cổ và thời Phục hưng...
 
Bryll là một trong những người ủng hộ chế độ cộng sản từ những ngày đầu, nhưng tới khi những người nắm quyền ở Ba Lan áp đặt thiết quân luật, ông trở thành một người chống đối mãnh liệt. Từ 1955-1974, ông từng làm báo, Giám đốc văn học cho nhiều đoàn kịch lớn ở Ba Lan, có thời giảng dạy tại trường Điện ảnh của Đại học Slaski ớ Katowice, trước khi làm Giám đốc Viện văn học Ba Lan ở London (1974-1978), rồi Đại sứ Ba Lan tại Cọng hòa Ái nhĩ lan (1991-1995).
 
Ông đã xuất bản nhiều tập thơ, tiểu thuyết, nhiều kịch bản sân khấu và điện ảnh, những ca từ cho sân khấu, và đã đoạt nhiều giải thưởng trong nuớc cũng như quốc tế, đặc biệt là ở Ái nhĩ lan, nơi ông đã đóng góp nhiều trong việc giới thiệu những tác phẩm văn học (ngoài Ái nhĩ lan, ông còn dịch và giới thiệu văn thơ Anh, Tiệp khắc và Yiddish). Một trong các vở kịch nổi tiếng của ông từng được đạo diễn điện ảnh lừng danh Andrzei Wajda dàn dựng năm 1991 tại Warsaw, Phòng tầng trên, dựa trên sách Phúc âm, với nhân vật chính là thánh Tông đồ Thomas – gọi là kẻ đa nghi – và xảy ra ở phòng tầng trên nơi các Tông đồ trốn sau khi Chúa bị đóng đinh. Đạo diễn Andrzej Wajda có nhận xét là vở kịch dàn dựng khiêm tốn về mặt sân khấu (kịch diễn trong một ngôi nhà thờ đổ nát bấy giờ đang trong tiến trình xây cất) nhưng rất có ý nghĩa về mặt ý thức xã hội và chính trị ở Ba Lan.
 
Ernest Bryll hiện sống ở Warsaw với gia đình, vẫn hoạt động mạnh cho sân khấu và truyền hình, và thường tham gia những diễn đàn văn hóa trên thế giới.
 
 

Bồ hóng*

 
Bồ hóng cứ mãi đóng dính khắp nơi,
Nó gắn lên tường một màu xam xám,
Nó bị rửa sạch mỗi ngày trên cổ áo anh
Và bị chải sạch, như tuổi già, trên đầu anh.
 
Anh cạo sạch thành cửa sổ bám đen
Và sơn màu sáng lên, hết lần này tới lần khác,
Anh hoài công lau bóng thân thể nguyên của anh
Cũng như cố tẩy trắng quần áo đã giặt sạch.
 
Đôi khi một cái xỉ than trong mi anh
Sẽ làm ứa một giọt nước mắt bất ngờ:
Con mắt bị thương, khi đột nhiên được rửa sáng,
Sẽ nhìn thấy vẻ đẹp – hay đến gần vẻ đẹp ấy...
 
 
 

Bộ râu**

 
... Và hãy giải thích cho bọn sát nhân rằng chúng công bằng
hơn bất cứ tòa tối cao nào. Trước tiên
chúng phải tin những bộ râu giả của chúng. Qua đám lông bù xù
hẳn phải đem lại cho miệng mồm chúng nét tao nhã của Jupiter
mệnh lệnh sẽ tuôn ra chậm rãi hơn – trên những sợi ria mép trắng
thạch cao đã sẵn ngập ngừng, nguội lạnh. Kẻ điềm đạm không lộ
răng nanh của mình.
            Hãy để bọn chúng
tiếp tục vun trồng cây quý của mình,
hãy để cho cây dồi dào trái; hãy để cho mận đào
nẩy nở sinh sôi – Vướng bận
những nghi thức trình tự nặng nề, phủ kín lá,
lủng lẳng hoa, chúng mất đi sức mạnh đơn giản dùng
răng để đào ra dòng máu khô từ dưới móng tay mình.
                                    Chúng sẵn dối trá
và dối trá một cách rụt rè. Chúng che phủ những dấu vết
sát nhân đã tạo ra chúng. Sẵn bị rứt ra khỏi đất
nay chúng bị tước mất nguồn gốc của mình. Giờ hãy lấy dao
đâm vào những cái lưng mang cánh thiên thần của chúng.
                                                Đóng cứng trong
những thứ trang sức ngai vàng, tù hãm trong vương miện,
chúng sẽ không bao giờ hiểu lông lá chúng buồn cười ra sao;
áo xống ngày càng nặng nề, những nếp gấp như đá hoa...
Cho tới khi, vỗ cánh như đại bàng, hiên ngang cất những tiếng thét gào
chúng vấp vào những bộ râu trong cuộc chiến, và không bao giờ hạ
                                                                  được những người khôn.
 
                                                            1962
 
 
-----------------------
* Trích từ Thơ mới Ba Lan, Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu, 160 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1993. ** Dịch từ bản Anh ngữ "Beard" của Sylvester Domański, The New Polish Poetry – A Bilingual Collection (University of Pittsburgh Press, 1978)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021