thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Quảng Nam, tiểu tự sự của một tiểu cộng hoà xã hội chủ nghĩa

 

Thế là từ nay, tiếp nối với “Trung dũng - kiên cường - đi đầu diệt Mỹ” như là “tám chữ vàng” rôm rả của thời chiến, pho tiểu tự sự của tiểu cộng hoà xã hội chủ nghĩa Quảng Nam sẽ còn rôm rả hơn nhiều với mấy chữ xám xanh màu đá mới mọc từ “Mẹ anh hùng” như một vế đối bất cân chỉnh cho thời bình, đại loại “Hoành tráng - nguy nga - hàng đầu Đông Nam Á”.[1] Và từ nay, e là, pho tiểu tự sự chung cho vùng đất ấy sẽ phì nhiêu thêm ra với pho tượng “to nhất Đông Nam Á” trong khi con người và vùng đất ấy vẫn vậy, nghèo vẫn hoàn nghèo.

Nếu “tiểu tự sự” là những câu chuyện chan chứa tự hào mà các thế hệ tiếp nối trên một vùng đất lưu truyền như một chất keo tinh thần để gắn bó cộng đồng thì, cộng lại, từng tiểu tự sự của từng vùng đất sẽ gộp thành “đại tự sự” chung cho cả nước. Mà không nhất thiết phải làm toán cộng. Chỉ nhìn từ cái “tiểu cộng hoà xã hội chủ nghĩa” này thôi chúng ta đã hiểu tại sao. Tại sao mỗi ngày pho đại tự sự chung cho “cộng hoà xã hội chủ nghĩa” mỗi xôm tụ với những kỳ tích “hàng đầu” về kích thước trong khi năng lực đất nước cùng phẩm chất của con người thì mỗi ngày mỗi chìm, mỗi bé.

Thì hãy bắt đầu từ vùng đất vừa mới bắn pháo hoa ăn mừng tượng đá “to nhất Đông Nam Á” ấy. Là đứa con của đất Quảng, tôi từng được dưỡng dục với những niềm tự hào như “Địa linh nhân kiệt” hay “Ngũ phụng tề phi” để rồi, không cần phải lớn lắm, đã hụt hẫng nhận ra rằng đó chỉ nên là niềm hãnh diện hay cảm hứng dành riêng cho tuổi học trò.

Tôi từng sương sướng cái cảm giác sinh ra trên miền đất “sinh nhân kiệt” để rồi, chỉ qua vài bộ địa phương chí thôi, đã hoang mang cái cảm giác vừa leo lên miệng giếng khi, hầu như, miền đất nào cũng sở hữu một niềm kiêu hãnh tương tự. Mà thời đại này thì chẳng cần mất công với mấy bộ địa phương chí. Chỉ google mấy từ “địa linh nhân kiệt” sẽ thấy hàng loạt sông núi đứng lên. Cao Bằng, Hải Dương, Nam Định cũng “địa linh nhân kiệt”, mà Bắc Ninh, Sơn Tây, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên, v.v. cũng vậy, cũng “hồn thiêng sông núi” và “linh khí đất trời”, cũng “tinh anh kết tụ” và “nhân tài kiệt hiệt”. Dễ thường có đến ba phần tư đất nước đều là “địa linh nhân kiệt” cả thì việc gì người Quảng Nam phải ê a tán tụng điều đó như một thứ của hiếm độc quyền?

Tôi từng bay bổng với “Ngũ phụng tề phi”, nói là danh hiệu vua Thành Thái ban cho phủ Quảng Nam trong khoa thi Mậu Tuất (1898) khi có tới năm bậc đại khoa là học trò xứ Quảng.[2] Thì cũng đáng hãnh diện thôi, nhưng đời người đâu chỉ kết thúc ở mấy kỳ thi trong khi sự phát triển của một vùng đất đâu chỉ ngưng lại với mấy buổi lễ phát thưởng cho học trò? Nếu các kỳ thi chỉ là thử thách đầu tiên để những chuẩn nhân tài bước qua nắm lấy cơ hội thi thố với đời, thì một cộng đồng trưởng thành không thể mãi mãi ê a thứ thành tích chỉ ở mức ngưỡng cửa ấy. Nó phải hướng đến những gì sâu rộng hơn qua những cống hiến mang lại cho nhân quần qua những tác phẩm, những công trình hay sự nghiệp kinh bang tế thế. Mà xét như thế thì, bất quá, những bậc đại khoa này ấy cũng chỉ là những thí sinh giỏi làm bài thi, và, đáng nói hơn, chỉ thi cốt để được làm quan.

Đứng đầu danh sách là Tiến sĩ Phạm Liệu, Binh bộ Thượng thư từ 1929 đến 1933, lúc bị Bảo Đại bãi chức trong chương trình cải tổ nội các. Không bình nam ổn bắc thì ít ra sự nghiệp của một binh bộ thượng thư phải thể hiện ở những cải cách quân bị giữa cái thời đất nước cần giành lại tiếng nói, thế nhưng ông nghè này không chỉ không làm được mà, kém hơn, còn là phế phẩm của một nỗ lực cải cách như thế. Đứng hàng thứ hai là Tiến sĩ Phan Quang mà thành tích cao nhất là chức Tham tri Bộ Hình là xong, là về hưu, chấm hết. Hai nhân vật đầu bảng đã vậy mà ba nhân vật tiếp nối cũng vậy, cũng chỉ giỏi thi và thi để làm quan, không một tác phẩm, một công trình hay một sự nghiệp để lại!

Là đứa con của đất Quảng tôi không có ý miệt thị những giá trị tinh thần luôn được quê hương mình hâm nóng, mà tôi chỉ muốn nhìn đúng với thực chất vấn đề. Cứ máy móc lập đi lập lại cái niềm “tự hào Quảng Nam” ấy thì, nói theo cách nói của cố Tổng thống – nhà văn Václav Havel, làm một người Quảng Nam sẽ sáng giá hơn là làm một người Sài Gòn hay một người Bình Định ư?[3] Mà nếu thực sự có đủ tư cách để tự hào — như vẫn hằng tự hào về Phan Chu Trinh, Hoàng Diệu hay Phan Khôi — thì niềm tự hào đó phải thuộc về nhân cách, khí tiết, tầm nhìn và cống hiến của những con người đó chứ không thể dừng lại ở việc giỏi thi hay việc làm quan lớn. Nhưng quan trọng hơn, cái lối tự hào “đỗ đầu” này, xem ra, cũng ấu trĩ như niềm tự hào đang văng ra từ khối đá “to nhất Đông Nam Á” nói trên và đó, có lẽ, là một trong nguyên nhân khiến đất Quảng nghèo vẫn hoàn nghèo!

Vinh quang “Ngũ phụng” diễn ra vào cuối thế kỷ 19 và, từ đó đến nay, với những thế hệ học trò giỏi làm bài thi tiếp nối nhau, Quảng Nam vẫn tròn danh là “đất học”. Nhưng nếu thực sự là vùng đất của linh khí đất trời và trí tuệ con người thì, với bề dày lịch sử như thế, đất Quảng phải khác đi và, trên bản đồ đất nước, phải chiếm một vị trí tương tự vị trí của Cambridge ở Anh, của Silicon Valley ở Mỹ, hay của Dubai ở vùng Trung Cận Đông chứ? Không trung tâm học thuật thì cũng một trung tâm khoa học - kỹ thuật hay kinh tế - tài chính chứ? Nhưng bao nhiêu năm đã trôi qua, với bao nhiêu lần hâm nóng vinh dự “đỗ đầu”, đất Quảng vẫn vậy. Vẫn tiếp tục là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, vẫn là cái quê hương mà để thi, để học, hay để khá lên thì, tuyệt đại đa số, những đứa con của nó chỉ có mỗi một cách là biệt xứ, tha hương.

Tôi cũng là một người tha hương như thế và vùng đất đó vẫn nguyên vẹn trong “tự sự” của chính tôi. Một vùng đất đã mở rộng vòng tay đón nhận xương cốt cha ông chúng ta, hoà tan nhau thai chúng ta, rồi gắn bó với tuổi thơ và một phần tuổi trẻ của chúng ta thì, ắt hẳn, vùng đất đó sẽ trở thành phần không thể tách rời trong “câu chuyện” của chúng ta. Nhưng “câu chuyện” đó của tôi không chỉ có những cảm xúc vinh dự, tự hào. Đất Quảng, với tôi, là những đồng lúa và bãi mía xanh tươi nhưng cũng còn là những đồng cát khô cháy “chó ăn đá, gà ăn muối”, là những khoảnh đất bạc màu nhoẹt nước mùa mưa và khô khốc, nứt nẻ vào mùa hè. Đất Quảng, với tôi, còn là những bữa cơm độn “ăn mắm mút dòi”, là những nông dân lam lũ “bán lưng cho trời”, là những thị dân chạy ăn từng ngày, là những cảnh ra đi bịn rịn tiễn đưa hay thui thủi một góc sân ga, bến xe, với dòng người biệt xứ mang theo giấc mơ cuộc đời sẽ khá.

Không hẳn là cao vọng khá lên mà, nhiều khi, chỉ là để sống. Chỉ để mưu sinh, bằng bắp thịt hay bằng chất xám, phần lớn những đứa con của vùng đất ấy chỉ có mỗi một cách là biệt xứ. Đầu tiên là những chuyến xe đò hay tàu chợ thưa thớt rồi tăng dần, tăng dần theo đà tăng dân số với những chuyến xe khách dày đặc dọc các tuyến đường mà báo chí vẫn lâm ly diễn tả, đều đặn hàng năm sau ba ngày Tết. Cảnh đưa tiễn nào cũng bùi ngùi cả, nhưng càng bùi ngùi hơn khi người tiễn là cha mẹ già lẩy bẩy ở lại trong cảnh “côi cút” trong khi đàn trẻ ra đi thì mệt mỏi nghĩ đến cuộc sống nhốn nháo, đầy cạm bẫy trước mặt. Thôi thì tạm an ủi rằng, dẫu sao, Quảng Nam cũng chỉ là một tỉnh, một “tiểu cộng hoà xã hội chủ nghĩa”. Quảng Nam mà là một nước, một “cộng hoà xã hội chủ nghĩa” thì, không khéo, những công dân của cái “nước Quảng” ấy còn phải chịu cái nhục và cái nguy của những di dân Mexico khi trốn chui trốn nhủi để biệt xứ làm thuê.

Cùng có một lịch sử khai phá như nhau, cũng dồi dào tài nguyên như nhau, tại sao ngày nay người Mexico phải liều mạng vượt biên giới chạy về vùng đất cũ của mình là California để làm thuê kiếm sống? Brazil cũng vậy. Cũng rộng lớn, cũng giàu tài nguyên, cũng có một lịch sử khai phá tương tự và cũng những câu hỏi tại sao, tại sao, về tình trạng bần cùng và tụt hậu.

Max Weber, trong tiểu luận The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism, giải thích sự thể ấy bằng “Văn hoá Tin Lành”.[4] Giáo lý Tin Lành, theo Weber, dựa trên tư tưởng thần học cải cách của John Calvin, cho rằng các con chiên không nhất thiết phải xa rời những lợi ích phù thế bởi những hoạt động mang lại lợi ích kinh tế cũng hàm chứa một ý nghĩa đạo đức và tâm linh tích cực và chính tư tưởng thế tục hoá này, cùng các yếu tố khác, đã thúc đẩy những cải cách xã hội và kinh tế mang “tinh thần tư bản” tại Bắc Âu và Bắc Mỹ. Đây chỉ là một hình thức giản lược hoá những phân tích khúc chiết của Weber nhưng chúng ta còn có thể giản lược thêm nữa bằng hình tượng cụ thể của hai cái nhà thờ. Những nhà thờ Tin Lành ở Bắc Âu hay Bắc Mỹ thường là những nhà thờ giản dị trong khi nhà thờ nào của Giáo hội Công Giáo tại Châu Mỹ La Tinh cũng đồ sộ và nguy nga. Một bên thì cân bằng giữa hoạt động kinh tế và tâm linh nên, bên cạnh việc dành ra một ít để xây dựng nơi thờ phượng giản dị nhưng không kém phần tôn nghiêm, xã hội đầu tư phần lớn vốn liếng tích luỹ được vào những hoạt động kinh tế sinh lợi. Một bên thì vốn liếng chạy hết vào những nhà thờ lộng lẫy chỉ để sướng mắt và sướng lòng với niềm tự hào suông nên, hậu quả, phải là tình trạng thua sút và tụt hậu.

Và đó chính là những gì đang xảy ra trên vùng đất vẫn tự hào là “đất linh - đất học”. Hậu quả nhãn tiền từ cái pho tượng với niềm tự hào rỗng tuếch không mang lại lợi ích thiết thực nào này sẽ là: đất Quảng sẽ tiếp tục nghèo, sẽ tiếp tục tụt hậu và nhiều, rất nhiều năm sau nữa, những người con đất Quảng sẽ còn tiếp tục bỏ quê, tiếp tục bỏ cha già mẹ già, tiếp tục è cổ làm thuê. Để xứng đáng “đất linh” và “đất học” thì những nguồn vốn như thế cần phải đầu tư cho nền móng đầu tiên của những cơ sở sản xuất kỹ thuật cao, một đại học, một viện nghiên cứu, một trung tâm giao dịch tài chính, chỉ cần “hàng đầu” miền Trung hay, cao tay, là “hàng đầu” Việt Nam thôi, khoan nói chuyện xa vời với toàn cõi Đông Nam Á. Nhưng không. Thay vào đó là một pho tượng rất to, to “hàng đầu” khu vực.

Thì hãy tạm hãnh diện với cái kỳ tích “hàng đầu kích thước” này nhưng, như là một công trình điêu khắc, ít ra cũng phải đề cập đến một tầng bậc “nhất nhì” nào đó về mặt mỹ thuật chứ? Khi những kẻ dựng tượng không hó hé gì đến nghệ thuật mà chỉ huyên hoang về độ to thì, dẫu là nhất Đông Nam Á, nhất Á châu hay nhất cả thế giới đi nữa, công trình đó sẽ không bao giờ đạt tới tầm mức “vĩ đại” mà, thực chất, chỉ là một khối vật chất “phì đại”. Nhưng dẫu đó đã thực sự là một công trình “vĩ đại” thì sự thể cũng chẳng khá hơn. Brazil tự hào về tượng Chúa Jesus vĩ đại, như là một trong bảy kỳ quan hiện đại, vừa lớn nhất thế giới, vừa đặt ở vị trí cũng cao nhất thế giới ở đỉnh cao 700 mét, thế nhưng ngay tại Rio de Janero, dưới bóng tượng Chúa “vĩ đại” ấy, chính quyền đã bất lực và bé lại trước các băng đảng ma tuý con con, không thể nào kiểm soát thành phố, phó mặc cho chúng lộng hành. Rio de Janero chỉ là một thành phố và, trên phương diện quốc gia, chỉ mới năm ngoái thôi, Brazil đã bị tổ chức quốc tế Fund for Peace cảnh cáo như là một fragile state, một nhà nước bất ổn, dễ vỡ nát.[5]

Có nhiều tiêu chí để xếp hạng fragile state, từ nạn bần cùng và bất công xã hội đến sự bất lực trong việc kiểm soát tài nguyên hay bảo vệ sự bền vững của môi trường, từ tình trạng chảy máu nhân lực đến chảy máu chất xám, v.v., nghĩa là những triệu chứng có thể thấy gần hết ở cái “tiểu cộng hoà” có pho tượng “to nhất Đông Nam Á”. Quảng Nam, đó là nơi mà chính quyền bất lực, không kiểm soát nổi nguồn tài nguyên của mình, dù là vàng trong lòng suối hay rừng dọc theo triền suối. Quảng Nam, đó là nơi mà, chỉ mới Tết năm ngoái thôi, vẫn ngửa tay xin gạo cứu đói.[6] Quảng Nam, đó là nơi mà chính quyền không ngần ngại vung vốn liếng dành dụm chỉ để sướng mắt và sướng lòng tự hào suông trong khi không tạo nổi công ăn việc làm, để những bắp thịt gân guốc nhất hay những bộ óc sáng loáng nhất của mình phải bỏ xứ tìm đường sống.

Nói theo Weber thì đó là sự mất cân bằng giữa nhu cầu tinh thần không tiêu chí nào đo được và những nhu cầu thiết thực hoàn toàn có thể thấy được. Tại sao không tri ân “mẹ anh hùng” ấy bằng những trường học mới, bằng quỹ học bổng hay quỹ dưỡng lão mang tên bà? Nhà tài phiệt Cecil John Rhodes của Nam Phi đâu cần “phì đại hoá” cái tên của mình bằng một khối đá “lớn nhất” Đế quốc Anh mà, thay vào đó, vĩ đại và bất tử hoá cái tên mình bằng Rhodes Scholarship, học bổng hậu đại học tại Oxford cho những sinh viên dấn thân và xuất chúng của khối Thịnh Vượng Chung, như là quỹ học bổng quốc tế đầu tiên và, có lẽ, là quỹ học bổng nổi tiếng nhất thế giới.

Thì hãy tạm chấp nhận lý sự của những nhà tuyên truyền tỉnh lẻ rằng bà mẹ liệt sĩ ấy đã mất mát quá lớn, rằng tượng đài thể hiện một ý nghĩa lịch sử, một bài học để nhắc nhở tương lai phải nhìn về quá khứ! Nhưng nếu đã nêu ra một ý nghĩa xuyên suốt lịch sử như thế thì hãy tạm tưởng tượng đất Quảng cái ngày thực sự xứng danh “đất linh” và “đất học”, một trung tâm học thuật mà, đến mùa thi, sĩ tử toàn quốc và thậm chí cả từ các nước lân cận nườm nượp kéo về; một trung tâm khoa học hay tài chính mà những nhân tài xuất chúng tìm về để thi thố, nghĩa là một Quảng Nam có thừa tư cách và tài nguyên để sở hữu một công trình mỹ thuật mang tính lịch sử với kích thước “hàng đầu”. Nhưng cả khi đó thì người con xứng đáng nhất để vinh danh phải là một nhân vật với tầm cỡ quốc gia như Phan Chu Trinh, nhà văn hoá và nhà ái quốc vĩ đại với một nhân cách vĩ đại mà cái chết vào năm 1926, dẫu bị cấm đoán và đàn áp, đã tự động trở thành quốc tang, gây ảnh hưởng cả một thế hệ và hâm nóng lên cả một phong trào yêu nước. Nhưng quan trọng hơn là tầm nhìn của Phan Chu Trinh. Đất Quảng chỉ có thể khá lên một khi đất nước đã khá lên. Mà muốn khá lên như thế thì đất nước hẳn đã chọn con đường mà ông đã vạch ra cách đây trên một thế kỷ là chấn hưng dân khí và dân trí để tự lực, tự cường: “Không bạo động, bạo động tất chết! Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là ‘Chi Bằng Học’.”[7]

Nhưng thay vào đó là là một “Mẹ anh hùng”, của một vùng đất có đến 11677 mẹ anh hùng.[8] Đó là những bà mẹ đáng thương trong một cuộc chiến đáng tiếc, cái cuộc chiến mà, mãi tới nay, 40 năm sau ngày kết thúc, hệ thống chính trị chủ xướng vẫn ấp a, ấp úng, không dám nói ra sự thật cho dù sự thật ê chề ấy đã phơi bày rành rành. Cuộc chiến bị phát động theo sự giật dây của Trung Quốc, như một hình thức “phên dậu”. Cuộc chiến lại diễn ra với niềm tin tưởng tuyệt đối vào tình hữu nghị của kẻ xúi bẩy thâm độc ấy. Và cuộc chiến lại diễn ra với dự phóng ngất ngây về một tương lai hậu chiến với hình ảnh của một Việt Nam rạng rỡ theo mô hình Liên Xô, là thứ đã bị đào thải trong trong hố rác của lịch sử. Những bà mẹ đáng thương, như thế, không chỉ là những nạn nhân đau đớn mà còn là một sản phẩm oan khiên của một chọn lựa “tất chết” và “tất ngu”. Chọn một biểu tượng đau đớn và oan khiên như thế, thực chất, là chọn lựa của chủ nghĩa ăn vạ và chủ nghĩa công thần.

Nếu kẻ công thần nằng nặc đòi hỏi phải đền đáp xứng đáng cho công trạng của mình thì kẻ ăn vạ gân cổ làm toáng lên về những mất mát của mình. Khi “phì đại hoá” nỗi đau riêng của một bà mẹ như thế, cái chính quyền con của đất Quảng Nam đã ăn vạ với cái chính quyền mẹ về những mất mát chung cho vùng đất của mình, cái vùng từng được khoác cho danh hiệu “đi đầu diệt Mỹ”. Nếu mất mát riêng của bà mẹ là bằng chứng cao nhất cho những thương đau mà vùng đất đã gánh chịu thì cái thông điệp về sự “đền đáp xứng đáng” với bà cũng ngụ ý một thông điệp song trùng về một sự “đền đáp” xứng đáng về chính trị hay kinh tế cho cả vùng đất. Mà hệ thống toàn trị không thể không đáp ứng cho trò ăn vạ tập thể đó bởi nó, chính nó, cũng là một tập thể ăn vạ chủ nghĩa và công thần chủ nghĩa.

Nếu trò kiếm ăn khó ngửi nhất của đám ăn vạ là quay ngoắt 180 độ từ tư thế thủ phạm để làm toáng lên như là nạn nhân, thì hệ thống cai trị đó cũng đã lì lợm cái trò “kiếm ăn” khó ngửi này từ bao nhiêu năm nay rồi. Sử dụng bạo lực để áp đặt một chọn lựa “tất ngu”, nó đẩy dân tộc vào con đường “tất chết” nhưng vênh vang như thể là một thứ công thần để đòi cái quyền cai trị vĩnh viễn. George Washington giải phóng nước Mỹ ra khỏi ách cai trị của Thực dân Anh nhưng bậc “công thần” này chỉ có thể ngồi vào ghế tổng thống qua một cuộc bầu cử, và chỉ ngồi hai nhiệm kỳ là đủ, là rút lui. Winston Churchill dẫn dắt nước Anh chiến thăng Phát-xít Đức nhưng công lao đó không đủ để buộc cử tri Anh, vốn chán ngán với chính sách kham khổ thời chiến, phải đền đáp cho ông ta trong cuộc bầu cử sau ngày chiến thắng. Còn cái tập thể ăn vạ ở Việt Nam thì khác. Đã là thủ phạm khiến đất nước lâm vào con đường kiệt quệ, nó lại trâng tráo kể công như một thứ công thần và lì lợm đòi hỏi cái quyền ngồi trên đầu trên cổ dân tộc.

Trở lại với “tiểu cộng hoà xã hội chủ nghĩa”: tiếng là “đất linh” nhưng những gì diễn ra chỉ cho thấy thực trạng của một miền đất đã bị “lời nguyền”. Thêm một nhà máy thuỷ điện mọc lên thì, ngay sau đó, đã chưng hửng rằng, nếu không là một thứ “máy” gây động đất, cũng là thứ “máy” gây thiếu nước trong mùa khô và gây lũ lụt trong mùa lũ lụt. Dựng lên một viện bảo tàng, lại băn khoăn ngay rằng rồi đây không biết sẽ bảo tàng thứ gì. Dựng lên một nhà khách, lại băn khoăn không biết sẽ đón khách gì.[9] Nhưng chúng, những thí dụ phản trí tuệ này, không còn là chuyện riêng của cái “tiểu cộng hoà” đó nữa. “Tiểu cộng hoà” hay cả “cộng hoà”, cũng vậy, cũng tràn tràn nạn bần cùng, cũng tràn tràn những bất công xã hội, cũng bó tay bất lực trước sự mất kiểm soát nguồn tài nguyên và môi sinh, cũng tình trạng ồ ạt bỏ đi và chảy máu chất xám... Nếu chúng ta có một “tiểu cộng hoà xã hội chủ nghĩa” hãnh tiến, vừa mới ngửa tay xin gạo cứu đói đã quay ngoắt hãnh diện về pho tượng “to nhất Đông Nam Á” thì chúng ta cũng có nguyên một “cộng hoà xã hội chủ nghĩa” tương tự khi, liên tục 20 năm ăn mày nước Nhật, lại bắng nhắng đòi sắm sửa một hệ thống đường sắt cao tốc “không thua nước Nhật”.[10] Cái thói hãnh tiến đã thành bệnh, thành một hội chứng tâm thần, thành một lời nguyền đang làm kiệt quệ đất nước, nhỏ như cái bánh chưng hay tô hủ tiếu “to nhất” chỉ để đổ đi, hay lớn như cái sân bay tốn hàng tỷ mà không biết để làm gì, hay tháp truyền hình “cao nhất thế giới” cũng không biết để làm gì.[11]

Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn / Cho nên chúng nó dễ làm quan (Tản Đà), đất nước đang ở trong thời kỳ bệ rạc chưa từng có mà con đường vượt thoát cũng chính là con đường mà Phan Chu Trinh đã chỉ là “chi bằng học”. Việc học mênh mông nhưng, nói cho cùng, cũng chỉ là học để biết và, trong khuôn khổ của bài này, người Quảng Nam nói riêng hay người Việt nói chung đều cần phải biết. Phải biết rằng quê hương “linh-kiệt” hay đất nước “văn hiến” của mình chẳng còn “linh-kiệt” hay “văn hiến” gì nữa mà đang oằn lưng ra với thực trạng “bị lời nguyền”. Phải biết rằng, với một thực trạng như thế thì, thực chất, những “kỳ tích” nhai đi nhai lại, hữu hình hay vô hình, chỉ là những cái nhục, nhục từ tượng đá to nhất đến nhục ở chiến thắng “chấn động nhất”. Và phải biết rằng, tác giả của những kỳ tích ấy, dẫu xôm tụ bằng cấp nhất, lại là một chính quyền ít thực học nhất!

Khi đã biết như thế thì, hẳn nhiên, chúng ta sẽ biết rất rõ rằng cái “lời nguyền” đang ám cả đất nước ấy chẳng có gì bí hiểm hay dị đoan mà chính là cái thế lực cai trị ấy, cái thế lực không chỉ ít thực học, không chỉ không chịu học mà, thậm chí, còn cấm cản và kiểm duyệt để ngăn ngừa cái học thực sự nâng cao dân trí, thực sự đưa đất nước thoát khỏi tình trạng trì trệ và tụt hậu.

 

7.4.2015

 

---------------

Chú thích:

[1] Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng mới khánh thành ngày 29.3.2015. Tượng này có kinh phí xây dựng 411 tỉ đồng Việt Nam tức gần 20 triệu đô la Mỹ, xây dựng trên khu đất rộng 15 mẫu thuộc núi Cấm, xã Tam Phú (Tam Kỳ). Tượng chính làm từ đá cao 18,5m, hình cánh cung dài 101m, công trình được xây dựng từ 20,000 tấn đá hoa cương mua từ Bình Định. Tượng đài tạc nguyên mẫu bà Nguyễn Thị Thứ (Điện Bàn, Quảng Nam), có 9 con trai, một con rể và hai cháu ngoại là liệt sĩ. Tượng được quảng cáo là “tượng đài lớn nhất khu vực Đông Nam Á”. Quảng cáo rầm rộ thế nhưng chưa khánh thánh thì đã gây tai tiếng về việc “khắc thơ sai chính tả”, khánh thành vài ngày thì nền gạch ngay trước tượng bị bong tróc, vỡ vụn. Về bức tượng, xem bài thơ “Tôi chết rồi xin hãy để tôi yên” của Trần Mạnh Hảo.
 
[2] Ngũ phụng tề phi: Năm con chim phượng hoàng cùng bay, danh hiệu chỉ 5 học trò xứ Quảng gồm ba tiến sĩ là Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn và hai phó bản là Ngô Chuân và Dương Hiển Tiến. Tương truyền danh hiệu này là tấm biển do vua Thành Thái tặng cho học trò đất Quảng thuở ấy tuy không một sử liệu nào ghi lại.
 
[3] Vacláv Havel trả lời một cuộc phỏng vấn năm 1988: “I am Czech. This was not my choice, it was fate. I've lived my whole life in this country. This is my language, this is my home. I live here like everyone else. I don't feel myself to be patriotic, because I don't feel that to be Czech is to be something more than French, or English, or European, or anybody else. God - I don't know why - wanted me to be a Czech. It was not my choice. But I accept it, and I try to do something for my country because I live here.” Mervyn Rothstein, “Upheaval in the East: The New President - Man in the News; A Master of Irony and Humor, Vaclav Havel”.
 
 
 
 
[7] Trích từ bài “Hiện Trạng Vấn Đề”, viết bằng chữ Hán đăng lần đầu năm 1907 trên Đại Việt Tân Báo (tức Đăng Cổ Tùng Báo đổi tên), bản dịch của bà Lê Thị Kinh.
 
[8] Về danh hiệu “Mẹ anh hùng” thì quy định chỉ cấp cho những phụ nữ còn sống hay đã quá cố nếu: 1/ Có 2 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ; 2/Có 2 con mà cả 2 con là liệt sĩ hoặc chỉ có duy nhất một con mà người con đó là liệt sĩ; 3/ Có từ 3 con trở lên là liệt sĩ; 4/ Có 1 con là liệt sĩ, chồng và bản thân là liệt sĩ.
 
[9] Nguyễn Duy Xuân, “Ai bảo xứ Quảng nghèo?”
 
 

 

---------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021