thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nói riêng

 

Sắp rồi, cánh nhà báo sắp đến dí micrô vào mồm bắt em phát biểu. Mà em biết nói gì cơ chứ? Trước đám đông, em nhạt tèo tèo. Hôm qua em ngồi trong bàn tiệc cả buổi mà chỉ nói đúng một câu với chị ngồi bên cạnh. Em hỏi chị ấy Tết năm nay có cúng gà không. Chị ấy bảo vẫn cúng, truyền thống không bỏ được đâu. Em mỉm cười nhã nhặn rồi ăn một miếng đu đủ. Em chẳng thích đám đông, nhưng em cũng không thích một mình. Lúc ấy chỉ ngồi nghĩ là mình vô vị thế nào cũng đủ thất vọng. Thế mà bây giờ em phải phát biểu, như một nhân vật quan trọng. Em không muốn phát ngôn như nói với chị cúng gà. Thế thì tẻ lắm, mặc dù em biết tẻ mới thật đúng là mình.

Anh nhiều kinh nghiệm, anh tư vấn cho em!

Hay em viết thành một bài:

                [ Tết… ??

Trọ  —›                ng ∞              

        n                          Gà          Y …

     quan cổ         #                       L.       L.            

ễ  . . …à                    truyền                —› ‹—                         MỘT /\\.]

Nếu em là một người nổi tiếng thì chẳng có gì phải lo. Người ta sẽ dò dẫm giữa những khoảng trống như dò mìn, túm chặt lấy từng ký hiệu, ở đấy có cả chữ “L. “ nữa, lặp lại những hai lần và viết hoa, như thế có đủ dùng không? Bài thơ Tết của em có thể chuyển tải một nỗi niềm quan cổ mang mang không ai hiểu là gì, những mũi tên xuôi ngược không biết về đâu. Hoang mang là một tâm lý rất hậu hiện đại. Cả sự cô đơn nữa. Bài thơ kết thúc bằng từ MỘT viết hoa với ký hiệu vút lên đỉnh cao rồi chìm xuống, vì sự độc đáo bao giờ cũng song hành với nỗi cô đơn. Có cả dấu chấm tuyệt vọng ở đấy nữa.

Còn nhớ anh hay nói em cứ phức tạp hóa vấn đề, em làm mọi việc rối nhằng nhịt lên khi anh chỉ muốn em trả lời một câu thật đơn giản. Nhưng mà nếu em trả lời thẳng tuột ra  thế nào anh cũng bỏ đi ngay. Anh sẽ chê em đơn giản, chê em không sâu sắc tâm hồn. Em cắt vụn các từ, viết hoa, xuống dòng lung tung lên. Em thêm vào đó vô số khoảng trống và ký hiệu. Ma trận này rút cục cũng chỉ để giữ anh lại với em lâu hơn một tí. Nếu em nói với anh “Tết là một ngày lễ cổ truyền quan trọng”, liệu anh có dừng lại ngẫm nghĩ không? Nhưng bây giờ thì anh biết em viết gì rồi. Cho dù nó thật là một lời nói đúng, anh sẽ bỏ đi cho mà xem. Giống như người ta vẫn xé rách cái vỏ bao có chữ “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe của bạn”, để lấy thuốc hút. Cái gì đúng cũng thường tẻ nhạt không chịu được.

 

Hay là em nổi loạn nhé.

Em sẽ để hở cả cái nốt ruồi son khép nép ở rất sâu. Một lần em đùa là bà mụ đánh dấu để anh khỏi nhầm em, dù có lạc qua bao nhiêu kiếp. Nhưng lúc ấy thì tất cả mọi người sẽ nhìn thấy nó. Đấy là phát biểu của em. Ai lạc vào chỗ đấy cũng sẽ mù mờ lú lẫn, cũng công nhận là em đúng một nghìn phần trăm dù em chẳng buồn mở miệng. Nhưng nhỡ em chủ quan. Nhỡ người ta không mù mờ mà chính em mù mờ?

Em muốn em hiện đại như ai, mà không mất gì, nhất là không phí cái công đậy điệm nốt ruồi kín mấy chục năm nay. Nó là của riêng em, với anh.

Còn thiên hạ nếu thích tân tiến thì em cho họ ăn chơi hàm thụ.

Cho họ lên lên xuống xuống với các động từ mạnh.

Cho họ mê man rợn da gà với các danh từ không cần tính từ cũng đủ gợi cảm. Chỉ là từ hão thôi nhưng em sẽ chọn những từ thật máu lửa, tô điểm cho cái sự giời ơi người thích ra mặt, người che che đậy đậy. Em sẽ đứng ngoài vui lây, như xem thằng hàng xóm dạy cháu gái chửi, càng tục càng sướng.

“Một. Hai. Ba. Chửi!” thằng hàng xóm hô, tay dứ cái kẹo. Con bé một tuổi rưỡi uốn đôi môi rất hồng “Hịt. Hịt. Mẹ.”

Nhưng thằng hàng xóm dạo này chán trò ấy rồi. Hôm qua nó cho con bé không phải kẹo mà là một cái tát, vì cháu nó chửi chú chuẩn quá không cần ai ra lệnh. Cái gì thái quá cũng đâm nhàm.

 

Hay là em khinh bạc nhé.

Dễ lắm. Chỉ cần chịu khó nghe đài đọc báo một tuần là có đủ lý do để khinh đời. Có ông bà ngoại thua số đề giấu cháu đi để tống tiền con gái. Có công an thế chấp súng và roi điện để vay tiền. Muốn tệ nạn có tệ nạn, muốn suy đồi có suy đồi. Mà cũng chẳng cần đến báo chí. Ví dụ như hôm qua thôi, thiên hạ đổ ra Hồ Gươm xem pháo hoa đón giao thừa. Chen bẹp ruột. Có một đứa con gái bị ngất. Lại cả mấy ông khùng lên định choảng nhau nhưng chật đến nỗi không còn chỗ để vung tay. Một thằng lợi dụng đông cứ gí sát cà cọ vào mông em. Nồng nặc mùi người. Ở đâu đó người ta đang thiêu hủy hàng nghìn con gà chết dịch. Trong lúc ấy thì pháo hoa trên trời đổ xuống bất tận. Từng chùm sáng rực, nở tung muôn vạn sắc màu. Em co lại chỉ còn mông và mắt. Mắt dán vào bầu trời đêm ba mươi kỳ ảo. Mông căng lên những cọ xát lén lút từ phía sau. Bay lên bay lên, nổ tung bóng Happy New Year, mảnh cao su rách rơi lả tả. Vạt áo phía sau em hình như nhơm nhớp ướt. Rùng mình.

Rốt cuộc khi em quay về phía nó, kẻ thủ phạm không đủ sức để nhìn đi chỗ khác. Mặt nó non búng, nhăn nhúm vì đau, cặp mắt ngỡ ngàng, như không hiểu sao sự tình xô đẩy đến nước này. Chử Đồng Tử chắc cũng nghệt ra như vậy khi Tiên Dung dội nước vào người. Chuyện cổ tích không kể rõ hai người ấy sau này ăn ở với nhau ra sao. Em chắc cũng cãi cọ như bất cứ cuộc tình sét đánh nào phải kết thúc tắp lự bằng hôn nhân. Có thể là vì Tiên Dung cứ thích màn tắm truồng ngoài bãi mà Chử không còn hứng chui vào trong cát nữa. Hoặc là vì một lý do gì đó mang tính giai cấp hơn em không biết được. Dù sao, em đã chẳng thích thú như Tiên Dung. Em chỉ thấy khó chịu, rất khó chịu với cái vạt áo sau ẩm ướt. Nhưng em đã không nói gì với thằng con trai cả. Em thương nó. Em cũng thương em nữa. Em biết uỷ mị vớ vẩn thế là hỏng bét. Thế là không hiện đại. Cũng không đức hạnh truyền thống. Dở dở dang dang mất lập trường.

 

Hay là em chán chường nhé.

Chán như hôm nọ nhìn thấy người xưa của chị mình đang chở bột mì đi bán. Cái xe ba bét nhè * chất bẩy bao bột mì lớn, ba bao phía trước, bốn bao trên yên, còn anh rể hờ nằm úp bụng trên đó, tay vươn ra cầm lái, hai chân thõng xuống đường đơ đơ. Trông anh giống một con ếch khổng lồ nằm ôm bảy bao bột mì bay lượn khắp ba sáu phố phường, kêu bành bạch và xì khói mù mịt. Con ếch phải ôm mấy tạ bột mì một ngày để nuôi hai con đủ dinh dưỡng vác cặp nặng năm cân đi học. Ngày xưa anh ấy làm nhiều thơ tình tặng chị, em đọc ké cứ xốn xang. Chị kể trước cái hồi đi chở đường thuê, anh ấy còn đến cơ quan tìm chị. Hai đứa ngồi nhìn nhau qua cái mặt bàn gỗ phoóc mi ca bóng lộn, chán như rá cơm khô để nguội, hạt rời long lóc, kiến chẳng buồn bu. Số chị sướng, không phải chia xẻ cái ba bét nhè với những bao bột mì của anh. Chị lấy chồng giám đốc, có ô tô riêng, chỉ có điều chồng chị đi vắng suốt chẳng thấy về. Mẹ an ủi chồng giám đốc là chồng thiên hạ rồi, miễn là được cái tiếng thơm, ngày Tết cả nhà ngồi ô tô đi đường đỡ bụi.

Đêm qua em mơ thấy mình bị chôn sống trong bụi. Bụi tràn ra từ những tủ hồ sơ lưu cữu, làm thành một cơn lốc xám hoành hành trên toàn thành phố. Bụi bất tận đổ oằn các mái nhà, bàn ghế ken két sụm xuống, bụi đóng nghẹt tất cả các khe hở, lỗ thông hơi, các giác quan, và em là một  hình nhân xám chết cứng bên cái tủ rỗng tuếch, tròng mắt đầy bụi, ngực như hai cái túi da nhăn nheo, chảy xệ xuống buồn thảm. Lúc tỉnh dậy, em thấy mình vẫn còn đeo khẩu trang. Em vớ lấy bình nước tu ừng ực. Lẽ ra phải chán chường thì em lại mừng như điên vì mình còn thở. Đêm qua có mấy đứa đua xe máy bị tai nạn. Một phi đội @ tháo phanh, tự chít khăn tang, lao điên dại trên đường. Chúng nó thèm tốc độ hơn mạng sống. Em thì chỉ được cái nhanh hơn xe đạp, chậm hơn ô tô, lủi thủi đi khúc giữa hứng bụi từ hai phía, đã thế còn can tội yêu đời.

 

Hay là em…

Loay hoay mãi chả biết phát biểu thế nào cho ấn tượng.

Có thể nào ấn tượng mà vẫn là em, như anh từng biết, được không?

 

Dưới đường, em thấy một người lạ đang tìm chỗ gửi xe. Trông cái mặt có vẻ là nhà báo lắm. Ðấy. Hắn đi vào ngõ. Hắn trèo lên gác. Hắn gõ cửa.

Hắn hỏi:

            “Tết năm nay chị có cúng gà không?”

Em trả lời:

            “Truyền thống không bỏ được đâu”.

 

Tay nhà báo đã viết một bài phóng sự năm trăm chữ, nhận nhuận bút báo Tết năm trăm nghìn. Phần em là cuốn họa báo in bảy màu đăng ảnh người đàn bà với câu trả lời được ưa thích nhất trong năm. Em gửi cho anh đây. Trang 31, anh nhớ mở ra xem nhé.

 

Hà Nội, 1 Tết Giáp Thân

 

-----------------------

* xe máy babetta


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021