thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Người thuê nhà sau vườn
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

WILLIAM GOYEN

(1915~)

 

(Charles) William Goyen sinh ngày 25.4.1915 ở Trinity (địa danh sau này ông đã đổi tên gọi là Charity trong The House of Breath) một thành phố của đường xe lửa và nhà máy cưa nằm trên sông Trinity River, phía đông Texas, bố là Charles Provine Goyen, mẹ là Mary Inez Trow, và sống với gia đình ở thành phố này cho đến năm bảy tuổi. Thế giới của thành phố này, ruộng đồng, cư dân, tiếng nói và lối mê tín và truyền thuyết, đã ghi dấu ấn trong những cảm xúc của tôi trong suốt bảy năm đầu của đời tôi; và tôi đã sống mười hai năm đời viết văn của tôi đem nó ra tường trình và chế tạo nó trong những truyện ngắn. Gia đình ông chuyển đến ở Shreveport, Louisiana, rối Houston, Texas là nơi ông tốt nghiệp. Thời ông vào trường trung học Sam Houston High School ông tin chắc mình sẽ trở thành một nhà soạn nhạc, một diễn viên, hay một ca sĩ, và mặc dù bố mẹ đều tỏ ý không tin vào những mơ tưởng kỳ lạ này, ông vẫn xoay sở bí mật ghi tên học sáng tác nhạc, múa, và thanh nhạc. Khi bị phát hiện, ông xoay qua viết văn, như một hình thức nghệ thuật “ít được chú ý hơn”.
 
Tại Đại học Rice University, Goyen bắt đầu khám phá sự hấp dẫn của văn chương và vùi mình đọc những tác phẩm cổ điển Anh, Pháp và Mỹ, đọc và viết không ngừng. Ông đậu bằng B.A năm 1937 và M.A về văn học so sánh năm 1939. Cuối năm đó, sau một thời gian ngắn dạy học tại University of Houston, ông vào ngành Hải quân, với cấp bậc binh nhì, rồi sau một năm học trường huấn luyện sĩ quan Midshipman School ở Columbia University ở New York, ông phục vụ ngành Hải quân trong suốt thời chiến tranh, phần lớn là trên hàng không mẫu hạm ở Nam Thái bình dương. Sau chiến tranh, Goyen đến New Mexico và sống một cuộc sống trọn vẹn viết văn. Ở El Prado, gần Taos, ông được giúp xây một căn nhà bằng gạch mộc – quà tặng của Frieda Lawrence – nơi ông làm việc trong hai năm cho cuốn tiểu thuyết đầu tay, The House of Breath, là cuốn ông hoàn tất ít lâu sau đó ở London. Giữa 1945 và 1952 ông sống qua nhiều nơi khác nhau: New Mexico, Oregon, châu Âu, rồi New York. Từ 1952 đến 1954, ông ở New York là chính, dạy viết văn và văn học tại trường New School for Social Research (1955-1960) và Đại học Columbia (1964-1965), viết phê bình và điểm sách cho tờ New York Times (1950-1965). Những năm sau đó ông dạy với tư cách thỉnh giảng tại nhiều trường, Brown University, Columbia University, Princeton University, University of Southern California... Ông khởi sự làm biên tập cho Nxb. McGraw-Hill năm 1966 nhưng rút lui năm 1971 để trở lại dành toàn thì giờ cho chuyện viết văn. Năm 1975 ông chuyển đến sống ở Los Angeles và sống ở đây phần lớn thời gian còn lại của đời mình. Trước khi qua đời, ông đang viết nửa chừng một tác phẩm tự thuật, nhiều truyện ngắn sau này đã lần lượt được biên tập và cho xuất bản. Riêng tiểu thuyết Arcadio được ấn hành khoảng tám tuần lễ sau khi ông nằm xuống ngày 30.8.1983 tại Los Angeles vì bệnh bạch cầu.
 
Mặc dù đi nhiều và sống nhiều nơi khác nhau, trong những môi trường khác nhau, thế giới của William Goyen vẫn thấm đẫm miền đất Đông Texas nơi ông sinh ra và lớn lên, và tác phẩm của ông vẫn là một nỗ lực kết hợp câu hỏi tinh thần về bản chất con người với những hiện tượng của cuộc sống mộc mạc ngày thường – khởi đầu từ một tuổi thơ mang đầy dấu ấn những nhịp điệu của tiếng nói dân dã, của Kinh thánh, của những con người sống lúc nào cũng đang chờ đợi – chờ đợi gì?... Là một người say mê sự lộng lẫy, The House of Breath xuất bản năm 1950 của ông, khúc thần chú gợi lên hình ảnh thành phố nhỏ quê hương Texas trong thời thơ ấu và thiếu niên của người thuật chuyện, quả đã chứng tỏ tính cách huy hoàng lộng lẫy của hình ảnh và âm thanh trong ký ức một nhà văn. Những cuốn tiểu thuyết sau đó, In a Farther CountryThe Fair Sister và nhiều truyện ngắn của ông, kể cả những truyện trong tập đầu tiên Ghost and Flesh (1952), hầu hết lấy bối cảnh là Texas cho thấy một thế giới huyễn hoặc, một thứ “siêu-hiện thực mỏng manh”, chủ đề dường như lúc nào cũng ít nhiều xoay quanh “một sự xung đột không bao giờ ngưng nghỉ giữa hiện tại và quá khứ, giữa cái nhìn thấy được và cái không nhìn thấy được” (William Peden) trong đó các nhân vật, bị xâu xé giữa hai thế giới, cứ phải phấn đấu để bên nào cũng được tốt đẹp – toàn bộ được đưa lên trang giấy với một cách thế, với một sự sắp xếp đẹp đẽ, một không khí, một phương pháp nghệ thuật, như trong một bản giao hưởng pha trộn từ hiện thực đến một thứ kỳ quái gần giống với sân khấu.
 
Tác phẩm của Goyen cho đến nay, và rất sớm, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, đặc biệt sớm hơn cả là tiếng Pháp và tiếng Đức. Truyện ngắn của ông xuất hiện trên những tạp chí ở châu Âu và đã đón nhận được sự ngưỡng mộ thân tình và trân trọng, theo ý kiến của người dịch, có khi rộng rãi hơn cả ở Mỹ, ấy chính là nhờ những bản dịch tuyệt vời mà cảm hứng tất nhiên phải đến từ một bút pháp “âm nhạc” khá mới mẻ và khá quyến rũ của chính nhà văn.
 
Ngoài tiểu thuyết và truyện ngắn, William Goyen còn viết, hoặc chuyển thể từ truyện của mình, và đưa lên sân khấu 6 vở kịch, trong số có: The House of Breath (1956), The Diamond Rattler (trình diễn ở Boston, 1960), Christy (1964), The House of Breath Black/White (1971). Hoạt động sân khấu đã là dịp ông quen biết và kết hôn với nữ diễn viên Doris Roberts năm 1963. William Goyen là người viết lời ca cho phim Left-Handed Guns (một phim cao bồi đen trắng thực hiện rất đẹp của Arthur Penn, kịch bản hình như của Gore Vidal?) và còn là một nhạc sĩ: trong nhiều giải thưởng ông nhận được, như của Texas Institute of Arts and Letters (1950) chẳng hạn, có lẽ những giải thưởng các năm 1964, 1965, 1968, 1970 và 1971 về âm nhạc do ASCAP (American Society of Composers, Authors, and Publishers) cũng nên được ghi nhận. Có thể chi tiết này giải thích thứ âm nhạc mà một người đọc The House of Breath cách nay thiếu hai năm đầy nửa thế kỷ vẫn còn nghe rõ đâu đây, những lúc tình cờ đối diện với một cái giếng trong sân, hay nghe một tiếng gà gáy xa, một tiếng gió đi qua trên mái nhà?
 
Tác phẩm: The House of Breath (1950); Ghost and Flesh (1952); In a Farther Country (1955); The Faces of Blood Kindred (1960); The Fair Sister (1963); Selected Writings (1974); The Collected Stories (1975); A Book of Jesus (1973); Come the Restorer (1974); Arcadio (1984); và các vở kịch The House of Breath (1956), The Diamond Rattler (1960), Christy (1964), House of Breath Black/White (1971), và Aimee (1973). Năm 1999, Triquarterly Books đã cho ra một ấn bản Kỷ niệm năm thứ năm mươi tác phẩm The House of Breath với lời bạt của Reginald Gibbons, giáo sư tại Northwestern University.

 

____________________

 

NGƯỜI THUÊ NHÀ SAU VƯỜN

 

Đến thành phố nhỏ này ở Napa Valley là một ông già làm nhà in người nhỏ thó có tên là Ông Stevens, và vào thời ấy tuổi ông khoảng năm mươi. Ông được bổ nhiệm đến dạy ấn loát tại trường trung học cấp một.

Ông Stevens từng là một anh thợ nhà in và đóng sách ở vùng tây nam hết phần lớn cuộc đời mình và trước nay chưa bao giờ dạy học. Ông là một người đàn ông mảnh khảnh, trông như một con búp bê với một giọng nói yếu ớt. Ông sống một đời trầm lặng và đạm bạc ở vùng tây nam, làm việc với cái máy in kéo bằng tay bé tí của ông và trong cửa tiệm nhỏ xíu của ông và đồng thời chăm sóc chị ông cho đến khi bà này qua đời. Sau khi bà chị mất ông cảm thấy cần một chuyến đi xa và một sự thay đổi. Thế là ông thảy cái túi ngủ và cái bếp đun cắm trại của ông lên chiếc xe con của ông và cẩn thận lái xe về hướng San Francisco, ban đêm dựng trại trong một cánh rừng hay trong một sa mạc ở hai bên xa lộ. Khi ông vào tới bắc California, ông thích vùng đất này đến nỗi ông quyết định sống quanh quẩn ở đấy ít lâu; nhưng như thế ông phải có một công ăn việc làm. Khi ông nghe nói người ta đang rất cần những ông thầy điều hành xưởng in trong các trường công ở California, ông điền vào đơn xin việc và lập tức được người ta thu dụng và đưa đến Napa.

Ông kiếm được hai phòng trên tầng gác lửng ở nhà của một bà cụ dễ thương sống một mình trừ những lúc, như bà cho biết, có người em trai từ Petaluma đến thăm vào cuối tuần. Người em trai này, bà nói thêm, là một cựu thuyền trưởng đường biển bây giờ giữ việc mục sư bán thời gian ở nhà thờ. Cuối tuần lễ đầu tiên quả nhiên Giám mục Jack, như ông vẫn được gọi, từ Petaluma đến. Giám mục Jack thức dậy lúc 5 giờ sáng, hát vang một bài trộn lẫn nhạc thánh và nhạc biển – đấy là một bài tụng ca hát nhấn bằng những tiếng ohoho theo kiểu thủy thủ, tiếng ca dội vang cả tầng gác lửng nơi ông và Ông Stevens ngủ, và đánh thức cả nhà dậy. Vậy là ai nấy phải xuống nhà dùng bữa điểm tâm sáng sớm do Giám mục Jack chủ trì, tươi như sương sớm mai và tràn đầy sức sống tâm linh. Ông đọc một bài thuyết giảng ngắn về thế giới của Thượng đế trong không khí tươi mát của buổi sáng trong khi món thịt lườn muối và trứng đang rán trong lò và đi luôn vào đề tài nhà thờ tranh đấu khi họ ngồi vào bàn ăn. Thế rồi ông loan báo là ông đã rút lui khỏi nhà thờ của ông ở Petaluma và khỏi mọi thứ nhà thờ khác và trở về nhà sống với người chị khả ái của mình phần còn lại của cuộc đời, đi câu, đọc kinh và ca hát. Điều này có nghĩa Ông Stevens sắp phải ra đi, cho dù ông được mời cứ tiếp tục ở lại trong ngôi nhà ấm cúng tình anh em Thiên chúa chân thành.

Mấy ngày sau đó, trong ngôi vườn một khu nhà rộng theo kiểu cổ Ông Stevens kiếm được đúng cái chỗ ở mà ông muốn có. Đấy là một căn nhà búp bê xây theo kiểu xưa với một phòng con, một cửa vòm bé tí xíu có hai cột trụ, và một bực thềm nhỏ. Nhà có một đầu hồi trên mái và ở đó có trổ hai cửa sổ con cỡ bằng con mắt. Ông Stevens thuyết phục được bà chủ hiện đang ở ngôi nhà lớn cho mình thuê căn nhà búp bê đó. Ban đầu bà không muốn nghe ông nói chuyện thuê nhà; thế nhưng khi Ông Stevens bảo bà là ông đã đem theo đồ đạc gồm cái bếp dầu hỏa cắm trại và cái đèn dầu nhỏ của ông cùng với cái túi ngủ, bà mường tượng ra căn nhà trông sẽ đáng yêu biết bao và đã bị chinh phục, cảm thấy dù sao bà cũng cần có người sống quanh quẩn bên cạnh. Bà không nói có ngay tức thì nhưng, “chờ một lát”, và ba chân bốn cẳng, bà chạy về ngôi nhà lớn của mình. Một lát sau bà lại trở ra và đứng ngay cạnh Ông Stevens bà nói, trong khi đưa cho ông mấy cái rèm cửa lốm đốm những hình thêu nổi đã mờ nhạt có chỗ mất cả những đốm vì lâu ngày và bỏ giặt nhiều lần. “Đây này... dùng cho các cửa sổ! Rèm cửa này là của cái nhà búp bê đấy.” Đó là cái giao kèo miệng của bà với người thuê căn nhà búp bê.

Cái bà người vạm vỡ chủ căn nhà búp bê nhưng sống trong ngôi nhà lớn kia là Bà Algood, một người đàn bà Thụy điển to lớn có hai bàn chân bự và cái đầu to tóc dày cộm. Bà đã sống một mình từ khi chồng bà qua đời và con gái bà là cái cô được bà xây cho căn nhà nhỏ xíu, đã lấy chồng sớm và dọn đến ở vùng Thung lũng Trăng. “Con gái Sybill của tôi suốt thời còn nhỏ chơi trong căn nhà nhỏ này,” bà nói với Ông Stevens bằng cái giọng ung dung trầm bổng kiểu Thụy điển của bà, “gần như suốt cho tới khi nó dọn đến Thung lũng Trăng – mặc dù, những năm về sau, khi nó trổ mã thành một đứa con gái cao, mà gầy, nó phải cúi mình xuống mới bước vô được. Thế rồi nó gặp cái thằng đốn củi kia mãi trên Oregon và ngoài thằng ấy ra không còn nhìn thấy gì được nữa. Chúng nó trốn đi ăn ở với nhau, chẳng thèm cho tôi biết, mãi tận Thung lũng Trăng. Từ đó tôi cũng chẳng biên cho nó một cái thư.”

Giờ đây ban đêm đã có một ngọn đèn vàng chiếu sáng căn nhà búp bê. Bấy giờ là mùa thu và băng giá phủ trên những cửa kính và lá vàng rơi tụ lại trước cửa hiên tình tứ của căn nhà nhỏ. Được che chắn bởi một cây khuynh diệp lớn, Ông Stevens ngồi trong nhà mình và nghe tiếng những trái khô hình nón rơi bên ngoài. Một con sóc đến ngồi trên hiên nhà và đôi khi trên mái nhà. Một đôi lần mưa rơi và đem lại cho ông một cảm giác ấm cúng. Những đứa trẻ hàng xóm nhìn thấy căn nhà búp bê có ánh đèn. Khi Ông Stevens thổi tắt cây đèn dầu hỏa của mình và chun vào trong túi ngủ, cài cái khóa kéo đến tận cổ trông như một bao ướp xác hay túi địu, ông cảm thấy an toàn, yên ổn và êm ấm trong cái nơi trú ẩn yên lành của mình.

Thế nhưng ở lớp in ấn thì không có sự yên ổn và ít an toàn. Bọn con trai thô bạo và chạy đuổi bắt nhau quanh xưởng in. Chúng in những chữ thô tục và không ưa Ông Stevens và đem ông ra diễu cợt. Dường như chúng muốn đập ông nát ra từng mảnh như một tượng người nhỏ bằng đất sét, bằng cách ném phấn và những nùi giấy bồi vào ông khi ông quay lưng. Do giọng của ông quá nhỏ, Ông Stevens khi nói không thể cất cao quá tiếng lách cách kim khí của cái máy in thủ công, lại càng ít cao quá tiếng náo loạn của học trò ông; và thế là lớp học đầy cả tiếng huyên náo. Xưa nay ông đã quen yên tĩnh sống trong một khoảng không gian nhỏ nào đó, hoặc nữa là trong cái xưởng in của ông với cái máy in kéo bằng tay hay trong căn phòng khách nhỏ cũng dùng làm phòng ngủ của ông với cái bếp lò nhỏ xíu bằng gỗ kê trên hai cái chân hình chân thú vật và với hai mắt lò nhỏ trên đó chễm chệ một cái ấm đun trà xinh xinh bằng đồng và một cái chảo lớn cỡ cái chén tách. Ở đấy ông ngồi vào bàn mình và đóng bìa những cuốn sách nhỏ với vải bố, vải lanh kẻ ô có hình hoa, và không làm gì hại ai cả. Tại sao ông nhận làm cái công việc đã tàn nhẫn đưa ông ra giữa ba quân thiên hạ, nơi mà chỉ riêng cái cách ông hiện hữu thôi cũng đã gây ra xung đột và tranh cãi? Ông chỉ có ý ở yên một chỗ nào đó, một mình. Sống như thế ông cho là sướng nhất. Chị ông đã hiểu ra như thế, và bà ấy là người duy nhất hiểu được như thế.

Mấy vị giáo viên khác coi thường ông và đề cập đến chuyện “kỷ luật” trong lớp học. Thế nhưng đơn giản là giọng ông không làm được chuyện này. Bọn học trò lăng mạ ông, chúng không thích ông vì cái vẻ khờ khạo và lạ lùng của ông, và chúng rỉ tai nhau rằng hình dáng cũng như cử chỉ của ông trông giống như một mụ đàn bà tuổi già đầu hói và gương mặt khô nhăn nheo của ông giống như một cái xác ướp. Giọng nói ông cứ thế ngày càng yếu đi. Buổi chiều, ông trở về nhà khàn cả giọng, run lẩy bẩy và mệt lả người. Bấy giờ ông ngồi bất động trước hàng hiên, nghỉ ngơi và nản lòng và tự hỏi mình có thể làm gì đây. Ông mong ước có thể bỏ đi và trở về cái thung lũng yên tĩnh của mình ở New Mexico. Thế nhưng bản chất ông khắc kỷ và quen chịu đau khổ và không muốn từ chức.

Một ngày nọ, đâu khoảng một tháng sau khi đến dạy học ở đây, ông đột ngột bước ra khỏi xưởng in và cứ thế để cho lớp học tiếp tục náo loạn. Ông điềm nhiên bước qua sân trường và đi về phía nhà mình. Khi ông quay đầu lại, ông nhìn thấy đầu của mấy thằng bé ở cửa sổ, đang nhìn ông, không nói một lời nào và chết lặng. Ông tiếp tục đi.

Khi về tới căn nhà búp bê của mình, ông kéo những tấm rèm lốm đốm hình thêu nổi trên cửa sổ và đóng cánh cửa trước lại. Rồi ông nhồi đầy cái tẩu thuốc nhỏ, đưa lên miệng ngậm và châm lửa, rồi chun vào túi ngủ và cài khóa kéo để được an toàn trong đó, chỉ để hai cánh tay thòng ra ngoài.

Bà Algood đi ra khỏi ngôi nhà lớn của bà và gõ cửa căn nhà búp bê và đứng ngoài gọi, hỏi tại sao ông trốn trong đó. Ông bảo bà cứ vào, với một giọng khàn thều thào. Khi bà nhìn thấy ông nằm trong túi ngủ, và đang hút thuốc, bà rất ái ngại cho ông.

“Tôi đã nghỉ việc dạy học,” ông bình thản nói với bà.

“Vậy thì,” Bà Algood bảo ông, “ tôi sẽ ngồi xuống đây với ông một lát để ông đỡ thấy cô đơn.”

Một lát sau họ nghe có tiếng người. Bà Algood nhìn ra ngoài cái cửa sổ bé tí và nhìn thấy học sinh lớp ấn loát đi qua khu vườn để đến căn nhà búp bê.

“Có một bọn con trai đang đến thăm ông đấy,” Bà Algood nói với Ông Stevens.

Khi cả lớp đến trước cánh cửa ra vào nhỏ và đứng lại ở đấy, Ông Stevens ra khỏi cái túi ngủ và đến đứng ở hàng hiên. Cả bọn la lối và hò hét om sòm. Ông Stevens ngồi xuống trên bực thềm và nhả khói từ cái tẩu thuốc lá.

“Chúng tôi nghe nói ông sống trong một căn nhà búp bê nên đến đây xem thử coi chúng tôi có tin được mắt mình không,” một thằng trong bọn nói.

“Đồ bà già hói!” một đứa khác hét lên.

Bà Algood bước ra khỏi căn nhà búp bê và đứng đấy, hai vai căng tròn. Một thằng la lớn, “Ổng có vợ nữa, một bà vợ khổng lồ!”

“Bọn chúng bây xéo ngay ra khỏi vườn, không tao gọi cảnh sát và ông tổng giám thị bây giờ. Chúng bây cư xử như một lũ vô lại; sao chúng bây không ở đàng trường mà ra đây? Bà đưa ngón tay xỉa vào mặt chúng hăm dọa.

“Bởi vì giáo sư bỏ chúng tôi – bỏ lớp giữa chừng,” một thằng trả lời, xỉa ngón tay dọa trả lại bà. Bà nên gọi ông giám thị cho hay chuyện ổng bỏ lớp ấy.”

“Và thế là chúng tôi đi theo ổng,” một thằng khác nói.

“Eo ôi, và coi chúng tôi thấy ông ta trốn ở đâu kìa. Trong một căn nhà búp bê của con gái.” Cả bọn phá ra cười.

“Ông sống ở đây,” Bà Algood nói. “Căn nhà búp bê là nhà ông ấy, và nó cũng tốt như bất cứ nhà nào.”

“Nhưng không phải như nhà chúng tôi,” một thằng mặt đỏ bự con nói. “Ông phải ở trong nhà thương tâm thần mới phải.”

Ông Stevens đứng dậy và tựa lưng vào cái cột nhà nhỏ màu trắng trên hàng hiên. Dưới mái nhà quá thấp, Bà Algood còng lưng như một bà khổng lồ bị đau. Bà và Ông Stevens cùng đứng ở đấy và thách thức lũ nhóc. Một thằng đột nhiên ném một hòn đá lên cửa sổ và cửa vỡ toang. Nhưng Bà Algood và Ông Stevens không nhúc nhích.

Bấy giờ đột nhiên qua ngả khu vườn mấy người hàng xóm đổ đến đứng nấn ná phía sau, dưới những tàng cây, với áo quần mặc trong nhà và guốc dép mang trong nhà. Rồi sau đó ông Hiệu trưởng ở trường phóng xe hết tốc độ đến. Ông bước xuống xe, đóng sầm cánh cửa và chạy băng qua khu vườn. Bọn con trai im lặng và giạt ra nhường lối cho ông Hiệu trưởng đi đến tận cổng vào. Người ông mập tròn và bụ bẫm và mặt ông đỏ bừng.

“Này, thế này nghĩa là gì đây?” ông hét lên. Chẳng ai nói cho ông biết là chuyện gì.

“Tại sao giờ này mới là mười một giờ sáng, mà lớp học ở xưởng in đứng cả đây, cách trường tới hai dãy nhà, và ông thầy thì tỉnh bơ đứng trên thềm nhà búp bê, hút ống vố?” ông rống lên. “Tôi có mất trí không đây?” Mặt ông Hiệu trưởng đỏ rần giận dữ.

“Bởi vì Ông Stevens sống ở đây và ông đã bỏ việc làm,” Bà Algood nói. Và tôi là chủ căn nhà này và là người trách nhiệm đất đai nhà cửa ở đây và tôi có thể ra lệnh cho ông cút ra khỏi nơi này hoặc gọi cảnh sát nếu ông không biết tự kiềm chế.”

Một thằng trong bọn con trai hét lớn, “Ổng bỏ lớp ở xưởng in giữa chừng đấy. Chúng tôi ai nấy theo ổng tới đây.”

“Có gì rắc rối thế, Ông Stevens?” ông Hiệu trưởng vừa đến gần vừa hỏi, bình tĩnh hơn một chút và lau mắt kính của mình, theo kiểu ông vẫn làm khi ông ngồi vào bàn làm việc và có một kẻ phạm tội đứng trước mặt trong văn phòng ông.

Thế nhưng giờ đây Ông Stevens hoàn toàn mất giọng và ông không nói được lời nào.

“Ông ấy mất giọng vì đã phải hét trước lũ du côn trong lớp đấy,” Bà Algood nói.

Ông Hiệu trưởng ra lệnh cho bọn trẻ trở về trường và về tức khắc, và bọn chúng bỏ đi, thì thầm nói với nhau và nhìn ngoái lại phía sau. Bấy giờ ông Hiệu trưởng mở cánh cổng ra vào và đến tận thềm nhà và đã phải khom người xuống.

“Mời ông ngồi, thưa ông Hiệu trưởng.” Bà Algood nói. “ Ông sẽ gãy lưng nếu cứ cố đứng như thế.”

Ông Hiệu trưởng ngồi xuống trên bực thềm, che mất hết phần thềm ở hàng hiên. Những người hàng xóm vừa bỏ đi, vừa bàn tán với nhau. Bà Algood hỏi hai người muốn uống cà phê không và bảo bà sẽ đi lấy. Một lúc sau bà trở ra với một bình cà phê có vẽ sơn để trên một cái khay bằng thiếc, với một bộ đồ sứ sơn gồm đủ tách và đĩa nhỏ.

“Đây là bộ đồ đi với căn nhà này,” bà bảo, “và không có một món nào bị bể kể từ khi con gái tôi kết hôn với anh chàng đốn củi của nó và bỏ đi đến sống ở Thung lũng Trăng.” Và bà rót cà phê ra và đưa mời hai người. Họ ngồi uống ở cửa trên thềm.

“Tên tôi là J.P. Sandifer, Hiệu trưởng trường Valley High,” ông Hiệu trưởng nói, vừa uống một ngụm cà phê.

“Hân hạnh được gặp ông,” Bà Algood trả lời, và uống ngụm cà phê của bà.

Cô hàng xóm ở ngay bên cạnh nãy giờ theo dõi họ từ cửa sổ nhà mình và đột nhiên quay lại gọi vào trong nhà, “Mẹ ơi, ra đây ngay bây giờ nếu muốn được xem cái này.” Lập tức một bà già nhỏ thó tóc muối tiêu xuất hiện ở cửa sổ và cô phụ nữ nói với bà, “Có thật không đây, Mẹ ơi, mẹ nhìn ra ngoài xem cái gì đang xảy ra trên thềm nhà búp bê của Bà Algood kìa.” Bà già trông thấy một người đàn ông nhỏ con đầu hói, một bà to tướng và một người đàn ông tròn trịa như một trái bí ngô ai nấy đang dự một tiệc trà trên hàng hiên căn nhà búp bê. Bà nhìn chăm chú và cứ nhìn chăm chú như thế, không cất lên một tiếng nào. Người con gái nói, “Hôm nay con bối rối làm sao ấy. Con không biết nên gọi cảnh sát hay qua bên ấy xáp vào với họ nữa.”

“Thế thì tại sao con không đi tập đàn dương cầm đi?” bà già trả lời.

Ông Sandifer bảo Ông Stevens sáng ngày hôm sau trở lại trước giờ học để bàn chuyện với ông, xem từ bây giờ đến lúc ấy có thể ông sẽ phục hồi giọng của mình ra sao, sau khi được nghỉ ngơi và trầm tĩnh một chút. Ông khuyên ông giáo dạy ở xưởng in không nên đến trường vài ngày để dưỡng giọng. Rồi ông chào từ giã Bà Algood, cám ơn bà đã cho uống cà phê rồi ra về.

“Có sao đâu,” Bà Algood nói với Ông Stevens. “Nhà trường đâu có làm gì được ông ngoài chuyện yêu cầu ông từ chức, và như thế là tốt. Ông không bao giờ nên trở lại trường Valley High. Ông có thể ở lại đây đến bao giờ tùy thích. Tỉ như cùng lắm, ông vẫn có thể đặt một cái máy in dưới tầng hầm nhà tôi, bên cạnh cái máy giặt. Chúng ta có thể làm công chuyện bên nhau. Trong khi chờ đợi, tại sao ông không trở vào cái túi ngủ của ông và nghỉ ngơi một chút.”

“Cám ơn bà,” Ông Stevens nói không ra tiếng.

Cuối buổi chiều, vào giờ thăm viếng, một người khách xuất hiện ở cái cổng nhỏ, và đó là bà già tóc muối tiêu nhỏ người ở sát nhà. Bà đội chiếc mũ che gáy, và cầm trong tay cây gậy và bà gọi Này ông ơi! ở chỗ cổng vào rồi bước qua cổng. Bà lấy gậy gõ một tiếng khẽ lên thềm và Ông Stevens ra mở cửa.

“Ông mạnh giỏi chứ,” bà nói. Tôi là Bà Pace ở nhà sát bên. Trông thấy ông qua cửa sổ, ở trong cái nhà búp bê này, nên đến thăm ông đây.” Ông Stevens đi vào nhà và đem ra một cái ghế đu trẻ con và bà già nhỏ con ngồi xuống ghế và bắt đầu đu đưa. “Từ mấy năm nay, tôi từng quan sát căn nhà nhỏ này qua cửa sổ nhà tôi, nằm ngay sau bụi cây bên kia,” bà nói, “và chẳng thấy có gì kể từ khi con bé xấu xa ấy lớn cao nhồng và lấy chồng rồi bỏ đến ở Thung lũng Trăng. Tôi rất vui thấy có ông dọn đến ở đây. Buổi tối thấy được ánh đèn trong nhà ông thật là dễ chịu.” Ông Stevens gật đầu với bà và rít một hơi trên cái tẩu thuốc lá nhỏ của ông.

“Tôi đến đây sống với con trai tôi là Fritz từ lâu, lâu đến nỗi tôi không nhớ khi nào,” bà vừa nói vừa đu đưa cái ghế, “nhưng tôi biết đó là khi chồng tôi mất ở Red River County, cách xa đây. Agnese là vợ của con trai tôi và nó thích có một chiếc dương cầm cánh dơi hơn bất cứ gì trên đời này. Kết quả, là thằng Fritz con trai tôi phải gánh chuyện chi trả cho cái đàn dương cầm cánh dơi ấy gần hết cả đời làm việc của nó và tôi đoán là một phần tiền hưu trí của nó cũng sẽ chi cho việc này sau đó: một cái đàn dương cầm cánh dơi treo quanh cổ thằng Fritz nặng như một cái thớt cối. Cái đàn to đến nỗi chúng nó đã phải đập bỏ cánh cửa xuống để đưa nó vào nhà. Giờ đây chúng nó muốn dọn đến ở một cái nhà to đủ để chứa cái đàn, nhưng chúng không có cách dời được đàn, thế là buộc phải ở nơi sẵn để cái đàn, hiện chiếm gần hết cả phòng khách. Agnese không thể có con cái gì, thế nên nó bù lại bằng cái đàn dương cầm cánh dơi. Lúc đầu, nó bảo nó sẽ dạy đàn để lấy tiền trả, nhưng rồi nó chẳng bao giờ tìm cách kiếm cho được một người học trò nào. Nó sẽ bắt đầu đánh đàn sau bữa ăn tối. Ông sẽ nghe tiếng đàn. Ngay sau khi ăn tối nó sẽ ngồi xuống trước cái dương cầm và nó sẽ đánh đàn. Trước hết sẽ là bài ‘The Turkish March’.[1] Lúc nào nó cũng bắt đầu bằng bài này.”

Ông Stevens gật đầu và rít một hơi trên cái tẩu thuốc, và Bà Pace đu đưa ghế và dừng lại nghỉ một lúc. Rồi bà nghêu ngao hát một bài:

“Chúng tôi sống – từ lâu lắm rồi – chồng tôi và tôi, chúng tôi sống trong một xứ sở đất màu đỏ. Đấy là tỉnh Red River... ở rất xa đây. Chúng tôi theo một con đường đỏ để đi ra thành phố trong bụi đỏ mùa hè, và chúng tôi trở về dưới ánh trăng trên một con đường đỏ.

“Dòng nước ngọt dịu của sông Red River, ngọt dịu như rượu vang,” bà bảo. “Thỉnh thoảng có lúc tôi sẵn sàng đem cho hết mọi thứ trên thế gian này để có thể về Red River County sống trở lại. Nhưng tôi đoán là sẽ không bao giờ tôi còn được nhìn thấy nó trong đời nữa. Ông ở vùng nào đến thế?” bà hỏi Ông Stevens.

Ông Stevens thì thầm rằng ông là người từ New Mexico tới.

“Tôi không thích New Mexico đâu. Tôi chỉ thích Red River County thôi,” Bà Pace nói, vẻ bướng bỉnh, hai môi mím chặt. “Tôi chỉ là đến thăm ông mà thôi,” bà nói, vừa đu đưa chiếc ghế, “và cái chính là để nói với ông về Red River County. Tôi sẽ không còn dịp đi thăm bất cứ ai nữa vì con dâu Agnese của tôi bảo là tôi không được đi đâu ra khỏi nhà vì hai cái mắt cá sưng vù của tôi. Nhưng tôi biết là tôi mạnh như trâu. Khi nó ra phố để trả tiền cái đàn dương cầm – nó sẽ không gửi tiền trả qua bưu điện, cầm tiền mặt và đưa tận tay cho tiệm nhạc – tôi vội vàng đội cái mũ che gáy lên và lẻn qua đây để thăm ông một chút và để nói về Red River County.”

“Tôi vui mừng là bà đã đến thăm,” Ông Stevens nói nhỏ.

“Và bây giờ thì tôi phải đi đây, vì đêm nay là đêm tôi phải bày bàn ăn. Tôi và thằng Fritz con trai tôi thay phiên nhau, và bất cứ khi nào chúng tôi quên phiên của mình thì con dâu Agnese của tôi sẽ nổi điên lên. Khi nổi điên, nó xấu miệng lắm. Bây giờ tôi phải đi và cởi cái mũ ra trước khi nó trở về sau khi trả tiền[2] cho cái đàn.”

Bà Pace từ từ đứng dậy và trở về nhà sát bên cạnh.

Khoảng một giờ sau đó, khi trời gần tối, một nhóm người bước ra từ một cái xe hơi vừa đỗ lại trên đường, trước mặt căn nhà búp bê. Ông Stevens vẫn ngồi yên ở đấy, hút thuốc và đu đưa ghế. Nhóm người, gồm cả thảy ba ông, đi qua vườn và dừng lại ngay cổng ra vào của căn nhà búp bê.

“Ông có phải là Ông Stevens?” một người trong nhóm hỏi.

Ông Stevens gật đầu ý nói phải.

“Chúng tôi cần nói chuyện với ông. Ba người đàn ông đi qua cổng vào đến trước hàng hiên căn nhà búp bê. Họ đứng đó, nghiêm trọng nhìn thẳng vào Ông Stevens.

“Chúng tôi là người của ủy ban thuê mướn nhà của thành phố và đến đây để khuyến cáo ông là ông hiện đang vi phạm luật khi cư trú trong một thứ không hợp với nhà ở mà là một căn nhà búp bê. Đây không phải là nhà cho thuê. Nhà không có ống nước vào, không có vệ sinh y tế; và ông sẽ bị phạt và đưa vào giam ở Nhà tù Napa nếu như ông không lập tức rời khỏi nơi đây. Chúng tôi sẽ không đi bao lâu ông còn ở lại đây. Chủ căn nhà này đâu?”

Bà Algood đã ra khỏi nhà khi bà trông thấy ba viên chức báo điềm chẳng lành đi tới. Bà nói với họ, “Ông Stevens không nói được vì ông bị mất giọng khi cố gắng dạy ở xưởng ấn loát trường Valley High. Nhưng ông ấy không làm gì sai quấy; đây là căn nhà búp bê của tôi mà tôi cho ông ấy thuê và tôi cần biết là có cái gì không ổn cho ông ấy ở đây. Ông Stevens không làm điều gì sai quấy. Ông ấy là một con người tốt bụng và không làm tổn thương đến một con ruồi, ông yên lặng như một ngày Chúa nhựt.”[3]

“Ông ấy sẽ phải rời căn nhà búp bê ngay lập tức,” người đàn ông nói, “và chúng tôi có mặt ở đây là để trục xuất ông. Căn nhà này không ở được và không đáp ứng những đòi hỏi của thành phố về vấn đề nhà ở.”

Những người hàng xóm lại ra khỏi nhà họ lần nữa và có người đã đứng ngay bìa ngôi vườn, lắng nghe và thì thầm bàn bạc với nhau. Và thế là đột nhiên toàn thể hàng xóm có vẻ như muốn át giọng nhau và một trong các viên chức thành phố đã phải quay lại bảo nhóm người hoặc là im lặng hoặc là trở về nhà mình.

Trong suốt thời gian ấy, Ông Stevens rất yên lặng làm cái gì đó bên trong nhà búp bê; và một lúc sau ông bước ra với cái túi ngủ cuộn tròn kẹp dưới cánh tay ông, và cái bếp cắm trại của ông và cái vali trong bàn tay bên kia. Rồi, trong khi các viên chức nhìn chòng chọc vào ông và đám hàng xóm đứng trong sân dõi theo từng bước ông, Ông Stevens đi qua trước mặt họ với mớ đồ sở hữu của mình đến chỗ chiếc xe con của ông đang đậu trước nhà. Bọn trẻ ở xưởng ấn loát bắt đầu huýt sáo và hét lớn, “Hoan hô! Hoan hô!”[4] và những người hàng xóm thì ai nấy người này lí nhí nói với người kia. Rồi Ông Stevens ngồi vào xe mình và sửa thế ngồi ngay ngắn dễ chịu để lái xe, tựa như ông sắp lái một đoạn đường dài, dài lắm. Đột nhiên ông nghe khúc nhạc “The Turkish March” ngân vang chơi trên đàn dương cầm cánh dơi ở nhà bên cạnh. Ông nhìn qua chiếc cửa sổ trông ra vườn và ông trông thấy Bà Pace đưa tay vẫy chào ông. Rồi ông cho xe nổ máy và lái đi.

Ba viên chức kia bước vào bên trong căn nhà búp bê, nhìn quanh nhà, bước ra và đóng cửa lại, ném lên Bà Algood bấy giờ không nói được lời nào một cái nhìn kiểu nhà nước và cảnh cáo. Ông Hiệu trưởng bấy giờ nói với một trong những người hàng xóm quanh quẩn ở đó là ông không biết phải làm gì để kiếm cho ra một ông giáo khác vào dạy trong xưởng ấn loát, những người này hiếm có lắm. Khi rốt cuộc ta kiếm được một người, thì người đó lại là người không thích hợp với chung quanh. Ông bảo không chừng ông phải bỏ môn ấn loát trong chương trình học và đưa thêm vào một môn Mở rộng và Sưu tầm kiến thức[5] cho học sinh ở trường Valley High.

Sau khi các viên chức đã lên xe nhà nước của họ và lái đi, những người hàng xóm trở về nhà mình và Bà Pace nhìn rất lâu căn nhà búp bê trống trải dưới lùm cây.

Về đến nhà, Bà Algood ngồi xuống trước bàn, tự nói với mình, “Ta sẽ viết cho ông ấy một cái thư. Ông ấy trông có vẻ không nơi nương tựa quá. Ông chẳng bao giờ nói về điều này, và không hề chịu đụng đến chuyện tình cảm – ta thấy rõ chứ. Tuy nhiên, ông có vẻ cần kiếm một chỗ nhỏ để ở và chỉ để được làm chính mình mà thôi, với chút ít đồ đạc có sẵn. Nhưng những người hàng xóm người ta không thích thế, và không chịu nổi một người sống theo cách sống của người ấy nếu cách sống đó có hơi khác cách sống của chính mình. Với ta ông ấy lúc nào cũng là một người hàng xóm tốt và có thể là một người hàng xóm tốt đối với những người hàng xóm còn lại, những người nay đã thay đổi nhiều so với trước đây. Nếu họ chịu để ông ấy ở lại, ông có thể giúp họ tìm ra lại năm ba cách thức làm việc nhà hay ho mà họ đã đánh mất hoặc đã quên, nếu như họ cho ông ấy một dịp may – cho dù căn nhà búp bê không có ống nước vào.”

Bà tự hỏi không biết trước khi đến Napa ông ấy từng sống trong thứ cộng đồng nào. Bây giờ bà mới nhận ra là bà chưa bao giờ hỏi ông điều này, bà quá bận tìm cách giúp ông cảm thấy thoải mái trong căn nhà búp bê và bà có bao nhiêu là chuyện cần kể cho ông nghe. Bà không biết cả chuyện thư viết sẽ gửi đi đâu. Bà buồn thấm thía khi nghĩ đến Ông Stevens. Cảm xúc này còn nặng hơn cả cái oán hờn của bà đối với những người hàng xóm và hơn cả sự tức giận của bà đối với lũ trẻ ở xưởng ấn loát.

Bà muốn ra căn nhà búp bê và gỡ xuống hết mấy tấm rèm cửa lốm đốm những hình thêu nổi, xếp thật kỹ và đem để trở vào trong cái hộp đựng những đồ cũ lặt vặt của bà. Đứng dưới hàng hiên nhỏ trong buổi chiều tà bà cảm nhận gay gắt nỗi buồn của Ông Stevens; sự hiện diện ấm áp, có thực của ông vẫn còn đó. Bây giờ bà hiểu nỗi buồn bà cảm nhận hơn một chút: nó đến từ sự im lặng của chính ông ấy. Ông nói quá ít trong thời gian ông sống ở căn nhà búp bê. Quả là ông có bị mất giọng, cái giọng ngay từ đầu đã yếu sẵn rồi và sau đó lại bị cú sốc ở xưởng ấn loát làm cho choáng váng – nhưng từ bản chất ông là con người nhỏ bé yên lặng nhất, ngọt ngào nhất mà bà được quen biết.

Khúc nhạc “The Turkish March” vang lên từ chiếc đàn dương cầm cánh dơi ở nhà bên cạnh – vào đúng giờ này mọi ngày – và Bà Algood mở cửa lớn căn nhà búp bê, khom mình bước vào, và cảm nhận sự hiện diện của Ông Stevens trong ánh hoàng hôn, cảm nhận mạnh mẽ như chính ông vẫn còn ở đấy.

Nhưng có ai đang ở nơi đây, và đó là cụ Bà Pace đang đu đưa trên chiếc ghế đu trong ánh sáng buổi hoàng hôn. Bà Algood giật mình và hơi thấy sợ, nhưng trong tranh tối tranh sáng Bà Pace trông giống Ông Stevens ngồi trong chiếc ghế đu đến nỗi bà không la lên, mà do một lý do mơ hồ nào đó bà đã ôm Bà Pace và bảo, “Bà làm tôi sợ muốn chết đấy; tôi cứ tưởng đâu là ông ấy!” – đấy là những lời đầu tiên bà nói với bà già kể từ nhiều năm nay.

“Bà muốn nói cái ông hàng xóm bé tí ấy à,” Bà Pace trả lời. “Không, chính là tôi đây và tôi đã lẻn qua cái cửa sổ phòng tôi không để cho con dâu Agnese của tôi biết. Ngồi đây dễ chịu và yên tĩnh quá, và cái chỗ con người bé tí kia để lại quả thật tôi có cảm tưởng như là nhà mình vậy.”

“Này bà ạ, tôi hoan nghênh bà đến đây bất cứ khi nào bà chuồn được ra khỏi nhà, tôi cho là thế,” Bà Algood nói với bà, với cái cười hơi kích động. “Bà có thể thay thế Ông Stevens. Nhưng bà phải cẩn thận khi leo qua cửa sổ.”

“Thật ra là tôi khoẻ hơn người ta nghĩ,” bà vừa nói vừa đu đưa và nhìn quanh. “Và nếu bà muốn rõ sự thật về chuyện này, thì từ lâu nay tôi vẫn đến đây đu đưa thế này và ngồi yên tĩnh và nghĩ đến Red River County – thường là vào giờ này; và không một ai biết chuyện này, ngay cả nhà Chức trách[6] hay ông Hiệu trưởng trường Valley High. Bây giờ bà đã khám phá ra, tôi hi vọng bà sẽ đến và nhập vào với tôi và đừng bao giờ cho Agnese biết. Chúng ta sẽ có thể có cả khối chuyện để nói trong cái giờ Agnese tập đàn dương cầm. Đó là thời khắc toàn hảo bởi vì cái đàn dương cầm kia làm nó lên cơn điên đến độ nó sẽ không nghĩ đến chuyện gọi Cảnh sát như nó đã gọi về vụ Ông Stevens.”

Thoạt đầu Bà Algood ngạc nhiên, cũng như bà đã từng ngạc nhiên khi Ông Stevens cho bà biết là ông muốn ở trong căn nhà búp bê. Thế nhưng rồi, cũng như lần trước, bà để cho suy nghĩ lắng dịu và bà thấy ra sẽ dễ chịu đến chừng nào nếu như căn nhà nhỏ bé kia lại có hơi ấm của con người. “Tôi sẽ để yên mấy tấm rèm lốm đốm những hình thêu nổi trên cửa sổ,” bà nói, “và sẽ trám một tấm các tông lên chỗ cửa bị bể cho đến khi người ta đến sửa lại.” Sau một lúc bà nói thêm, “Và bà và tôi sẽ cẩn thận hơn nữa. Chúng ta sẽ phải làm chuyện này lén lút – cho thuê nhà, như ông nhân viên Luật pháp kia gọi. Tôi chưa hề nhận biết là cái căn nhà búp bê cũ kỹ nhỏ xíu của con bé Sybil lại có thể có giá đến như thế; và tất cả những cái đó đều là nhờ Ông Stevens. Tôi vẫn nghĩ cái nhà đã trở thành một kỷ niệm do thời ấy là thời con Sybil đang lớn lên. Tầm vóc bà đúng là vào khoảng như con bé Sybil thời ấy trước khi nó trổ mã cao vọt lên như thế,” Bà Algood nói, khi lấy mắt nhắm vóc dáng Bà Pace.

“Thế thì,” Bà Pace nói, “bà phải cám ơn tôi đây vì tôi đã làm cho căn nhà búp bê trở thành một chỗ đặc biệt từ lâu lắm trước khi người ta nghe nói tới một Ông Stevens, cho dù ông ấy là người dễ thương.”

Một hai ngày sau, bà góa phụ nhỏ người ở cùng phố và ông mục sư em trai bà, Giám mục Jack, tới thăm lúc chạng vạng, vì tò mò về câu chuyện căn nhà búp bê nổi tiếng và cũng để hỏi cho biết về số phận của Ông Stevens, và họ bắt gặp Bà Algood và Bà Pace ngồi nói chuyện bên trong nhà. Họ được mời vào trong, và mặc dù Giám mục Jack phải khom mình để đi vào, bà chị ông chun tuột vào không một chút phiền phức nào, tựa như căn nhà đã được xây cho chính bà. Cùng buổi chiều hôm đó, một cô có tuổi chưa chồng trong cùng khu phố, tên là Cô Stokes, đến và gõ cửa viện cớ là cô muốn hỏi thuê căn nhà búp bê để làm một Cửa hàng Thời trang. Cô hứa sẽ đem điện và đưa ống nước vào nhà để có thể đáp ứng những điều lệ của thành phố. Nhưng Bà Algood, tiếp chuyện Cô Stokes lần này là lần đầu tiên kể từ lâu lắm rồi, bảo rằng trong khi bà không thể nào tự quyết định biến cái khoảnh đất trại này thành một nơi kinh doanh, thì ngược lại, nhìn vào những hoàn cảnh tự nhiên đưa đến, bà rất tin có thể biến chỗ này thành một nơi gặp gỡ cho mọi người; và bà mời Cô Stokes gia nhập nhóm. Đó là lần bắt đầu của nhiều cuộc họp mặt ở căn nhà búp bê. Trong nhiều buổi hoàng hôn suốt mùa thu ấy đã có những lần chuyện trò tưng bừng, người ta chơi cờ Bốn mươi hai[7] trong ánh chiều đang tắt dần, đã có những buổi thuyết giảng tán tỉnh của Giám mục Jack với bản “The Turkish March” làm nhạc nền, và không ai còn đem tường trình với Cảnh sát nữa.

“Mỗi người trong chúng ta đều đang đi tìm một nơi họp mặt,” Giám mục Jack nói ngân giọng như đang hát Thánh ca, “và trong buổi đầu, luôn luôn phải có một kẻ tiên phuông làm chuyện hi sinh, như Ông Stevens nhỏ bé ấy.” Ông ta đưa mắt nhìn Cô Stokes.

Câu chuyện trên xảy ra hồi năm 1940 và đến nay những người hàng xóm vẫn còn bàn về cái mùa thu Ông Stevens đến rồi đi, và như thế nào căn nhà búp bê đã bắt đầu từ cái chỗ phát xuất đó – mặc dù cho đến cùng cụ Bà Pace vẫn cứ tranh cái hân hạnh là người đầu tiên đã khám phá ra nó. Nhưng không ai nghe nói gì đến Ông Stevens nữa.

 

 

------------------
Nguyên bản: "Tenant in the Garden" của William Goyen
trong The Collected Stories of William Goyen,
Doubleday & Company, Inc., Garden City, New York, 1975.

 

[Không một liên tưởng nào đến cuộc đời riêng hay chung của bạn bè quen biết, bản dịch này để tưởng nhớ Thế Nguyên, người bạn đã chỉ rời cái máy typo và cái dao cắt giấy sau tháng Tư 1975; tặng Eric Jacobson, web designer, đã đọc và mua tặng tôi “ấn bản The House of Breath 1999”; tặng DC, có chung với tôi một đam mê in ấn, đóng sách; và NDT, đã cùng tôi đi suốt đoạn đường William Goyen, do dịch giả Maurice-Edgar Coindreau dẫn dắt, từ những ngày còn non trẻ trên ghế nhà trường, bắt đầu từ cái giếng trong Ngôi nhà hơi thở... HNB.]

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Theo hiểu biết còn giới hạn của chúng tôi, có ít nhất hai bài “The Turkish March”, một của Ludwig van Beethoven (mà nhà soạn nhạc đã đưa vào movement 4 – hơi lạc lõng! – trong bản Giao hưởng số 9 “Choral”) và một của Wolfgang Amadeus Mozart (Piano Sonata No.11 in A, K.331). Tác giả William Goyen không nói rõ bản “The Turkish March” trong chuyện ông kể là của Beethoven hay của Mozart, nhưng tất nhiên, ta có thể đoán đây là bản sonate cho piano "alla turca" của Mozart.

[2]Trong nguyên bản (Tenant in the Garden) là "playing", nhưng ở đây theo suy nghĩ và lý luận của chúng tôi, nhà in chắc đã làm một lỗi typo, và thay vì "playing", chữ dùng hẳn phải là "paying".

[3]quiet as Sunday.

[4]‘Ray! ‘Ray!

[5]Broadening and Finding course.

[6]the Law.

[7]Forty-two. Một loại cờ Domino, phát xuất từ lâu lắm ở Texas, nên Mỹ có người gọi là Four-hand Texas, có người gọi làTexas Forty-two – cách chơi tất nhiên có khác loại cờ Domino chúng ta thường chơi ngày nay.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021