thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Yvan và tôi

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

MARIE DARRIEUSSECQ

(1969~)

 
Một không khí Kafka nhưng ít bi nhiều hài. Một bối cảnh Orwell nhưng chưa hẳn là độc tài chuyên chế trăm phần trăm. Một thủ đô Paris không còn thơ mộng, trong một tương lai chẳng mấy xa khi việc mua bán chỉ được thanh toán bằng tấm thẻ nhựa và đồng euro. Một cô gái trẻ đẹp làm nghề mát-xa cho một thẩm mỹ viện nhiều khách nam hơn nữ, một hôm bất chợt nhận thấy rằng mình mọc đuôi heo và đang hoá lợn. Một nhà tư bản giàu sang biến thành chó sói trong những đêm trăng tròn. Họ gặp nhau, yêu nhau, có được những ngày hạnh phúc tuyệt vời. Nhưng cuộc tình heo sói này tất nhiên phải kết thúc bằng thảm kịch, hệt như tiểu thuyết, hay xi-nê vậy.
 
Truismes , cuốn truyện đầu tay của Marie Darrieussecq, vừa xuất hiện đã lập tức trở thành một trong vài cuốn truyện bán chạy nhất trong năm 1996, và được tuyển chọn ra tranh giải Goncourt. “Nàng heo” (Lợn kiếp) là một ẩn dụ về phái tính, về chính trị và đạo đức giả, trong một xã hội tha hoá. Nó vừa rùng rợn lạ lùng, vừa khôi hài ngoạn mục, lôi cuốn người đọc từ chữ đầu đến chữ cuối. Truismes đã được chuyển dịch ngay tức khắc ra nhiều ngoại ngữ, và được nhà đạo diễn Jean-Luc Godard tranh mua bản quyền để quay phim. Các nhà phê bình đã không tiếc lời ca ngợi, trong số này cũng có một nhà văn tiểu thuyết mới, bậc đàn chị, là Nathalie Sarraute. Đoản văn sau đây được trích dịch từ cuốn truyện đã tóm lược. Câu chuyện do nhân vật chính, một cô gái vô danh, kể lại. Nhan đề “Yvan và tôi do người dịch đặt.
 
Marie Darrieussecq sinh ngày 3 tháng Giêng năm 1969 tại Wiiurtennsee (Hoà Lan). Cô hiện sống tại Bayonne, một phố cảng trên bờ Đại Tây Dương, thuộc vùng núi Pyrénées. Cô là cựu sinh viên École Normale Supérieure, có bằng cử nhân văn chương.
 
Nguyễn Đăng Thường, 1997.
 

_____________

 
 

 
 

YVAN VÀ TÔI

 

Khi ấy bắt đầu cái quãng đời tươi đẹp nhất của tôi. Bây giờ nghĩ lại tôi càng thấy xót xa. Tội cho Yvan quá. Chúng tôi, Yvan và tôi, đã sống bên nhau cả mấy tháng trời trong căn hộ của ảnh. Những đêm Trăng rằm, Yvan ra ngoài kiếm ăn lai rai. Ảnh đã mách cho tôi cách thích ứng với những biến đổi của Hằng Nga, tuy điều này có khó khăn hơn đối với tôi, còn đối với Yvan thì chắc là nó đã nằm trong máu huyết rồi. Yvan ảnh nghĩ rằng những chu kỳ kích thích tố trong cơ thể phụ nữ đã gây xáo trộn nơi tôi, ảnh coi bộ như mù tịt về những chuyện của đàn bà con gái. Nhưng cần nhất là sự nhiệt tâm. Những khi đã thấy chán chê cái hình dáng heo, vì nó đã kéo dài quá lâu, hoặc vì lẽ này hay lẽ nọ, tôi rút vô phòng ngủ làm những cử động hô hấp. Tôi tập trung tư tưởng mức tối đa. Hệt như trong lúc này, tôi ráng cầm cái bút máy thật vững để nét chữ khỏi bị lệch, nhưng từ khi Yvan qua đời thì đã có khó khăn nhiều hơn. Dù gì thì bây giờ tôi có là một con heo đi chăng nữa cũng chẳng hề hấn gì. Tôi cảm thấy rất thoải mái như vậy, tôi chẳng còn gặp mặt ai nữa ngoại trừ vài đồng loại, và chỉ cần nghĩ tới việc xuống phố là tôi cảm thấy mệt đừ rồi. Những giây phút tuyệt vời nhất, với Yvan, là những lúc tôi rượn đực. Chúng tôi hết sức cẩn thận, vì còn có láng giềng, chúng tôi cố đè nén sự rên la quá mức, vui ơi là vui! Yvan âu yếm tôi hết mực, dù tôi là heo hay là người. ảnh nói có được một đời sống hai mặt như vậy là bảnh nhất đời, phần ảnh thì ảnh chỉ tốn một mà lại được hai, đại khái ảnh đã nói như vậy đó, ôi hai đứa tôi cười gần đau bụng. Yvan đã bỏ hết công ăn việc làm để tận hưởng lạc thú với tôi, ảnh bán tiệm Sói-Ơi-Mi-Có-Đấy-Chứ cho Yerling, hai đứa tiêu tiền như nước lã. Yvan mua cho tôi những bộ đồ tuyệt đẹp. Để ghi nhớ cái đêm đầu tiên hai đứa tôi gặp lại nhau, ảnh cũng có gởi tặng cho Chính Phủ của Người Công Dân Tự Do một món tiền khổng lồ để xây cất lại cây cầu Pont-Neuf. Chúng tôi thường thả bộ tới đó, những lúc mà thân hình tôi coi khắm khá có thể xuất hiện trước đám đông qua lại. Tôi vô cùng hãnh diện khi ngó thấy tấm biển có khắc tên họ của Yvan gắn vào cầu. Tiếc thay việc tu bổ cây cầu chẳng bao giờ được hoàn tất, nên chỉ có Yvan mới có thể nhảy vọt qua bờ bên kia trong những đêm Trăng rằm, Yvan dũng mãnh quá trời. Một phần lớn số tiền Yvan gởi tặng chính phủ đã lọt vô túi bọn tham nhũng, chuyện đổ bể tùm lum, nhưng Yvan đã bảo rằng ảnh cóc cần, cây cầu cứ để y vậy cũng chả sao. Dân chúng thì họ lại nhất định không chịu hiểu, tuy nhiên cũng phải công nhận rằng nếu cứ để mặc nó như vậy thì không tiện cho việc lưu thông, nhưng may thay Bộ cũng đã có được một sáng kiến rất diệu kỳ là xây cất tức khắc một xa lộ ở giữa thành phố, xuyên qua một toà dinh thự cũ đã sụp đổ. Ừ, như vậy thì cảnh trí cũng có bị xấu đi, Yvan còn phân vân chưa biết phải xử sự như thế nào, nhưng mà ảnh cũng đã nhất quyết vĩnh biệt chính trường và xã giao. ảnh đã bỏ bê hết các thứ để hiến trọn cuộc đời ảnh cho tôi. Thỉnh thoảng trong các buổi đi dạo tới gần cầu Pont-Neuf chúng tôi cũng có bị vài anh nhà báo bám sát. Yvan cấm tôi đọc nhựt trình, vì hÊnh như tôi bị xuyên tạc dữ lắm, mà mấy tấm ảnh của tôi trông cũng rất tồi, và tôi còn được tặng thêm cho cái danh hiệu heo ú nữa chứ, khiến hai đứa tôi lại được cười bằng thích. Thú thực rằng tôi không đủ nhời nhẽ để bảo cho quí vị biết rằng tôi đã coi các chuyện ấy như pha. Nếu thiên hạ đã ganh tị chỉ vì ông chủ tiệm mỹ phẩm Sói-Ơi-Mi-Có-Đấy-Chứ tiếng tăm lẫy lừng một thời vang bóng đã bỏ bê tất cả để chạy theo một con heo nái, thì đó là chuyện riêng của họ, bởi vì họ chẳng bao giờ hiểu nổi chuyện của chúng tôi. Nhất là vào lúc đó báo chí vừa loan tin cái chết của thằng rệp. Các chuyên viên phòng thí nghiệm đã lục lạo để tìm tòi bươi móc về những lọ kem làm cho trắng da của tiệm Sói-Ơi-Mi-Có-Đấy-Chứ, Yvan rất tâm đắc rằng ảnh đã lui vào bóng tối kịp thời. Ảnh nhờ các người quen trong Bộ tìm cách ém nhẹm tất cả mọi chuyện, và ảnh bán lại hết các cổ phần cho con mụ già bạn thân của thằng rệp. Chúng tôi khởi sự đi du lịch. Lắm lúc cũng có vài chuyện phiền hà, vì những đổi thay quá đột ngột, vì các món ăn bản địa, vì máy điều hoà không khí, và gió và mưa ở các xứ nóng hay các thứ khác nữa, nên tôi khó mà giữ gìn cho mình còn có được một cái thân hình hao hao giống con người để chúng tôi có thể rời căn buồng khách sạn. Nhưng ở mãi trong phòng như vậy cũng thú vị lắm chứ, chúng tôi cứ nằm ì trong mùng để mặc cho bọn nhà báo tha hồ bịa đặt những chuyện điên rồ hết chỗ nói về tụi tôi. Nhưng rồi tụi tôi cũng phải chịu thua và xuất đầu lộ diện. Vì Yvan đã từng nổi tiếng với các trò dị hợm, ảnh bèn tròng vào cổ tôi một vòng kim cương, rồi ảnh cầm dây xích dắt tôi đi dạo mát, tôi là con heo cưng của Yvan, như người ta vẫn nuôi chó nuôi trăn vậy mà. Nếu ở Paris mà làm cái kiểu đó thì Yvan sẽ bị rắc rối lôi thôi với hội BVSV.[1] Dĩ nhiên đâu có ai ham cái chuyện chia uyên rẽ thuý, tôi dám có thể bị bắt nhốt trong chuồng hoặc tệ hơn thế nữa cơ. Bởi thế cho nên chúng tôi ráng trì hoãn để sống thêm ở hải ngoại. Mặc khác, như vậy cũng rất tiện trong những đêm Trăng rằm, bọn các chú ba tàu và bọn mọi đen không hay dòm ngó như dân Paris. Nhưng rủi thay, mấy cái thằng Công Dân Tự Do đã gây gổ với cả thế giới chỉ vì cái trò hề kinh tế tự túc — may quá Yvan đã thanh toán tiệm Sói-Ơi-Mi-Có-Đấy-Chứ kịp lúc — nên chúng tôi phải trở về Paris. Cuộc đời lại thêm rối rắm vì mấy người quen của Yvan trong chính phủ đã vào tù hết, ấy là thời kỳ của những Vụ Án Lớn, quí vị chắc vẫn chưa quên. Các đấng Công Dân Mới viện cớ phải trùng tu lại cây cầu Pont-Neuf để bắt chúng tôi lao động và đóng góp tiền bạc. Tiền bạc của Yvan gửi nhà băng bị tịch thu gần hết sạch, tụi nó lại còn kéo tới nhà gõ cửa đập cửa nữa chứ, thối không chịu nổi. May thay Yvan cũng có giấu giếm được khá bộn để bắt tay lũ nó, nếu không thì hai đứa tôi đã thành hai con chuột chết rồi. Vì những xúc động ấy mà ba phần tư thời gian tôi phải mang hình dáng heo. Tụi tôi càng ngày càng phải kín đáo dè dặt hơn. Nhưng mà như vậy cũng chẳng thấy khó chịu tí nào cả, mà còn ngược lại là đằng khác. Tụi tôi cứ đóng đô ở trong căn hộ xinh xắn của tụi tôi trên tầng lầu, chẳng có ma nào tìm tới quấy rầy cả vì Yvan đã làm quen được thêm vài ba tên có quyền thế. Yvan lén mua cho tôi rau trái tại một địa chỉ trên Internet cải trang thành một mạng lưới văn hoá, chợ đen chợ lén mọc lên như nấm độc sau mưa. Ảnh cũng có mua cho mình những miếng thịt đỏ lòm, và như vậy thì coi như là chúng tôi đã có thể tự túc được trăm phần trăm rồi đấy. Chỉ cần phải cẩn thận thêm một tí nữa thôi. Mỗi khi nghe tiếng gõ cửa của các tên giao hàng tôi chạy vào núp trong căn buồng nhỏ ở phía sau. Ngày tháng cứ êm ả trôi qua. Những buổi sớm tinh mơ khi thiên hạ còn an giấc, chúng tôi đã thức dậy, khi cái lạnh của mặt trăng được thay thế bằng cái nóng của mặt trời và hơi thở mát rượi của những ngôi sao rơi tòm xuống ở bên kia thế giới. Yvan ôm tôi liếm liếm phía sau hai vành tai và đứng trước cửa sổ hít thở không khí trong lành, rồi ảnh ép nước khoai cho tôi uống, và tôi cứ nằm ngủ nướng trên giường, và tụi tui lại tặng cho nhau những cái vuốt ve mùi mẫn. Rồi khi cả bầu trời đã vàng hoe, hai đứa tôi ra bao lơn phơi nắng, Cuộn mình nằm ngủ li bì cả ngày, hạnh phúc như hai con vật. Tụi tôi mua sách báo giao tận nhà rồi ghi tên mua thêm báo dài hạn. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng tụi tôi cũng có khinh thường, chẳng buồn để ý tới những lời đồn đại về các án mạng trên bờ sông. Tụi tôi đã nghĩ rằng trong hoàn cảnh hỗn độn ấy nếu có thêm vài cái xác chết nữa thì cũng chẳng có ai buồn để ý tới. Nhưng mấy cái thằng Công Dân ngu như lừa đó tụi nó cũng đáo để lắm cơ, chúng nó có tổ chức được một đội ngũ cảnh sát rất hữu hiệu. Tôi nghĩ là bọn nó đã sinh nghi chỉ vì tình trạng những cái đầu đã bị rứt lìa khỏi cổ. Tôi có tìm đọc các bài báo nói về Tên ma-nhắc đêm Trăng rằm, hoặc Con ác thú, các bạn thử hình dung xem. Dĩ nhiên đã có những lời tuyên bố ầm ĩ về cứu rỗihình phạt, nhưng họ đã bị tụi này cho leo cây. Bọn Công Dân, chúng không đùa với chuyện đó. Trên các bài báo tôi cắt ra để dành, người ta thấy đầu lâu của các xác chết, đứt lìa gọn gàng sạch sẽ như Yvan biết thi hành. Ha, người ta có thể bảo rằng các nạn nhân đã không bị đau đớn. Các điều tra viên đã mất khá bộn thì giờ để truy lùng vũ khí sát nhân, tất nhiên họ không thể nghĩ tới một con thú, vì đã quá lâu rồi ở giữa Paris chẳng còn bóng dáng một con ác thú, bạn thử nghĩ xem. Con người đã thua thiệt chỉ bởi cái tính hợp lý, bạn cứ tin tôi đi. Chúng tôi đã biết được mọi chuyện nhờ tên giao hàng tại gia. Yvan đã nhất định biến mình thành cái thây ma trấn thủ trong nhà, nhưng cũng vì vậy mà mọi chuyện đã thực sự khó khăn hơn. Nhất là đêm Trăng rằm đầu tiên, một thử thách quá lớn lao đối với chúng tôi. Yvan đi lòng vòng, chẳng thốt một lời với tôi. Tôi mở ti vi để nghĩ tới chuyện khác, nhưng tôi vẫn phải liếc nhìn Yvan. ảnh đã đặt đít ngồi đối diện khung cửa sổ, mắt không rời mặt Trăng. Tôi thì canh chừng mái tóc của ảnh luôn luôn là dấu hiệu đầu tiên. Các sợi tóc bắt đầu xám dần như thể ảnh đã già thêm mười năm. Rồi chúng dựng đứng trên đầu ảnh để tràn xuống cổ, ở giữa các nút áo, trên hai gò má, trên mu bàn tay. “Một tí cương nghị, Yvan ơi” tôi ấp úng. Bộ đồ mua ở tiệm Yerling rách toạc trên lưng, Cái lưng của Yvan cong lại chẳng khác gì cái bướu trên lưng lạc đà. Kế đến là cả một màn xi-la-ma, hai chưn ảnh cứ to dần, móng vuốt, tai nhọn, nanh ló ra ngoài, xin nói thiệt nói thẳng rằng tôi không thích ứng nổi. Yvan trong tình trạng rối loạn tinh thần rất thê thảm, hướng cặp mắt điên cuồng nhìn về phía tôi, bụng tôi đau nhói như bị phỏng nặng, chưa từng thấy ngoài những buổi tối. Tôi nhủ thầm: “Gọi Bip Pizza ngay”. Tôi chạy lại máy điện thoại. May thay chúng tôi đã thuộc lòng các số điện thoại gồm ba số, đôi khi là vấn đề sinh tử chớ không phải chuyện chơi đâu. Sự lo âu tột cùng đã khiến tôi thốt nên lời, những lời nói đã cứu nguy chúng tôi. “A lô, a lô”, tôi hét to, “một cái pizza cho nhà số 7, ở bến Grands-Arlequins, nhanh lên nhé”. Tôi biết rằng tiệm Bip Pizza có thể giao hàng trong khoảng hai mươi phút. Đó là hai mươi phút dài nhất trong đời chúng tôi, Yvan và tôi. Tôi giam mình trong phòng riêng và tôi nghe Yvan la hét và cào cửa, rồi khóc như như sói khóc, và nguyền rủa Trái Đất bằng giọng hú trầm bổng ngân nga. Sự đau khổ của Yvan quả thật là quá mức chịu đựng. Tôi tập trung tư tưởng hầu giữ sự bình tĩnh, không phải là lúc để cho tôi cũng buông xuôi. Tôi nhè nhẹ mở hé cửa. Tôi chuyện trò với Yvan. Tôi bước ra khỏi phòng, có thể nói rằng với bước chân nhẹ nhàng của sói. Yvan không ngớt nhìn tôi. Tôi rón rén xích lại gần anh và dịu dàng ôm đầu anh. Yvan, dù ngồi, vẫn cao tới vai tôi. Tôi cảm nhận sự rợn mình dọc theo cốt sống của anh. Trong mắt anh tôi bắt gặp như một ánh mắt người; sự cưỡng lại bản năng tạo những hoang mang trong mắt anh, tôi thấy rõ cuộc phấn đấu giữa tình yêu và cơn đói. Tôi bắt đầu thì thầm chuyện vãn với anh. Tôi nói về thảo nguyên, tuyết mùa hè trên những taiga, những cánh rừng gôloa, về Gêvôđan, những ngọn đồi xứ Baxcơ những chuồng cừu trên núi Xêven, những truông trảng Tô Cách Lan, về gió và mưa. Tôi liệt kê một bản danh sách về những đồng loại anh đã hy sinh, tên riêng của từng bộ tộc một. Tôi nói với anh về những con sói cuối cùng, sống ẩn nấp trong những đổ nát của khu Bronx chẳng có ai dám bén mảng tới. Tôi nói với anh về những giấc mơ trẻ con, về những ác mộng của người lớn, tôi nói với anh về Trái Đất. Tôi không biết mình đã moi chúng ở đâu ra, chúng vụt đến, đó là những thứ mà tôi phát hiện tự trong đáy lòng, và tôi tìm được những tiếng khó khăn thậm chí xa lạ. Vì vậy mà giờ đây tôi viết, vì tôi nhớ lại tất cả những gì Yvan đã tặng tôi trong buổi tối hôm đó, và tất cả những gì tôi đã trao cho Yvan. Yvan khẽ rên rỉ và cuộn tròn người lại rồi thiếp ngủ. Tôi thấy những giấc mơ lướt qua dưới mi mắt lụa là của ảnh. Rồi mặt Trăng, như một cơn đau nhói giữa chúng tôi xuyên tận cõi lòng tôi. Căn phòng tràn ngập ánh sáng xanh, vầng Trăng đã lên tới đỉnh. Yvan bỗng ngừng. Anh đã nghe tiếng máu vo ve trong huyết quản tôi, anh đã ngửi mùi cơ bắp dưới làn da của tôi, anh đã thấy động mạch thoi thop trên cổ tôi. Diên vỹ trong mắt anh tách đôi. Tiếng nói của anh đã rách toạc thành một tiếng hú và anh đã tập trung cơ bắp để phóng tới. Chòm lông trên lưng anh dựng đứng, đuôi anh cứng lại, tôi thấy các giây thần kinh, các thớ thịt, các mạch máu căng thẳng từ cuống họng đến tận đôi chân u nần. “Tốt lắm, tôi nhủ thầm, một cái chết tuyệt mỹ.” Đúng ngay lúc ấy chuông cửa reo vang. Yvan bị giao động và anh quay nhìn về phía cửa. Tôi chưa kịp cất tiếng chào gã giao hàng. Cái pizza tung toé vút lên trời. Người ta không thể phân biệt máu và xốt cà. Tôi thầm nghĩ như vậy thì việc giao hàng đến tận nhà tất nhiên cũng có sự tiện lợi.

 

 

_________________________

[1]BVSV: Bảo Vệ Súc Vật.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021