thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [8]

 

Đã đăng: chương [1] - [2] - [3] - [4] - [5] - [6] - [7]

 

8

 

Mọi chuyện đã thay đổi quá nhiều và quá nhanh chóng. Không có cách gì dừng lại được.

Khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta luôn nghĩ rằng mọi sự trong đời sống của chúng ta, không gian bao quanh chúng ta, những con ngựa gỗ chúng ta đã chơi trò bập bênh, những chiếc hố chôn những con chuồn chuồn kim trong trò “Kim kỉm kìm kim”, những viên đá trong các ô ăn quan, cánh cổng nhà, những bông hoa trong vườn,... sẽ mãi mãi không bao giờ thay đổi. Thậm chí, ngay cả những chiếc áo ta vô cùng yêu thích, cũng không thể nghĩ là một ngày nào đó, ta sẽ không thể ních nổi cánh tay vào cái màu xanh êm dịu được kẻ ô và cắt may với những đường kim mũi chỉ khéo léo đó.

Nhưng đúng là, ý nghĩ chỉ là ý nghĩ, và tưởng tượng mãi là tưởng tượng. Ký ức ngày hôm qua giống như một quả bóng, vô cùng đẹp đẽ, nhưng vẫn buộc phải dần dần xì hơi theo năm tháng. Một ngày nào đó, ký ức trở nên nhoè mờ như quả bóng đã xịt hơi, nằm bẹp nhẹp trên nền đất sau một trò chơi. Và chúng ta, chỉ còn cách ngồi nhìn cái xác quả bóng ấy, vừa mệt mỏi vì không đủ hơi sức để thổi đầy lại, vừa sợ hãi vì cái xác bóng ấy đã bị lấm bẩn, không thể chơi lại lần thứ hai, cũng quả bóng ấy.

Giờ đây, khi tôi cố gắng để thổi hơi đầy lại quả bóng ký ức, có một sự thực rõ ràng là tôi gần như không đủ sức. Thứ gì sót lại trong trí nhớ cũng mỏng mảnh, nhoè mờ. Mọi thứ hầu như không theo bất kỳ trình tự nào, chúng trở nên lộn xộn. Đôi khi, dòng ký ức, giống như một đàn kiến đang đi tha mồi, bất chợt bị chặn đứng, rồi những con kiến vội vã toả ra tứ phía, dẫm đạp lên nhau, mạnh con nào, con nấy chạy. Ký ức cũng thế, có lúc trở lại trong trí óc rất mạch lạc, thứ tự, có lúc rất vô lối.

Như lúc này, tôi muốn sẽ kể cho bạn nghe tiếp những gì đã xảy ra vào những năm cuối cùng của đời học sinh, nhưng gắng sức nhắm mắt lại, phồng mồm trợn má để thổi vào quả bóng tưởng tượng, mà những luồng hơi cứ vội vã tản mát, như chui vào lòng một quả bóng bị châm kim.

Thế nào nhỉ? Chắc chắn tôi vẫn tiếp tục là một học sinh xuất sắc hai năm tiếp đó, những tấm bằng khen giờ đã bạc màu con dấu và lỗ rỗ vết mọt ăn xếp đầy trên nóc tủ đứng trong phòng khách của bố mẹ có thể chứng minh điều đó. Và chắc chắn, chúng tôi — những học sinh chuyên ban C — cũng phải học môn Nữ công gia chánh. Đó là điều kiện để chúng tôi có thể thi tốt nghiệp hết cấp III.

Đó là một môn học thật đặc biệt. Giờ thì tôi có thể nhớ, vì nếu dùng “mẹo” sử dụng hình ảnh và âm thanh, tôi có thể thấy những loại rau quả đủ màu đang chạy qua trước mắt, tiếng một nồi cháo đang sôi, tiếng nổ lép bép của tóp mỡ cho một món bánh xèo hay bánh rán chi đó, những bông hoa cẩm chướng được tạo từ củ cà rốt đang xoăn mình lại trong chậu nước lạnh, mùi đường thắng ngòn ngọt đang dần cô đặc lại cho một món thịt kho, những tiếng cười nói lao xao và lời bình phẩm về độ mặn, ngọt, nhạt, đậm, chua, cay,... của các cô giáo. Những giờ học đó mới vui làm sao!

Giờ thì tôi nhớ ra rồi. Thời gian có nhiều nhặn gì đâu nhỉ, mới có hơn mười năm thôi mà. Tôi nhớ, mình đã nấu rất ngon món cháo tía tô và rất thích làm bánh rán. Khi ấy, ngoài những cửa hàng “xay bột trẻ em” rất ít trên phố ra, thì hầu hết mọi người đều nấu cháo hoặc nấu bột bằng cách giã gạo bằng tay. Bây giờ thì người ta hay đóng các túi bột khô đã trộn đủ thành phần dinh dưỡng, rất tiện lợi để nấu ăn cho bọn trẻ, hoặc cũng có một cách khác, là sau khi nấu cháo chín, họ có thể đổ ra, cho vào máy xay sinh tố để nghiền nát ra như bột. Còn ngày đó, chúng tôi thường ngâm gạo cho bở ra, để ráo nước, cho vào cối giã thật nhuyễn rồi dùng thứ bột ấy nấu cháo. Còn nếu muốn có bột để làm bánh, như bánh trôi bánh chay chẳng hạn, chúng tôi sẽ phải đến những nhà có cối xay — thường là các gia đình làm đậu phụ — để nhờ họ xay bột, rồi vác theo một chiếc xô đầy bột đó về, đổ vào túi vải, treo lên cho đến khi ráo nước, thứ bột trong túi vải trở nên đặc quánh, mới đem ra làm bánh.

Tôi say mê việc nấu cháo tía tô. Cũng giống như đã say mê việc học trước đó. Nó cũng chẳng khác gì việc bạn hát rất hay một bài hát, và đi bất kỳ đâu bạn cũng sẽ chọn bài hát đó để thể hiện. Tôi ngâm gạo vào tất cả các buổi sáng; giã gạo và nấu cháo vào tất cả các buổi chiều. Luống rau tía tô của một nhà gần đó lúc nào cũng bị vặt trộm, lá không kịp mọc mới. Lúc đầu, bố mẹ có phần thích thú với việc hàng ngày được ăn cháo do tôi nấu hoặc cuối tuần có bánh rán tráng miệng sau bữa ăn. Nhưng sau đó, ông bà không thể chịu nổi. Mẹ tôi nói, chỉ ngửi mùi tía tô mẹ cũng đã phát ốm rồi.

Nhưng tôi vẫn cứ nấu.

Bởi vì lúc đó, tôi đã biết nấu cháo tía tô. Bởi vì, chỉ khi tôi nấu cháo tía tô, tôi mới tồn tại, trong ngôi nhà này. Bởi vì, mùi thơm của tinh bột, mùi hăng hắc của lá tía tô đã thực sự hiện hữu. Không ai chối từ được mùi hương.

Tưởng như đâu đây vẫn còn mùi lá tía tô hăng hắc, những chiếc lá hai mặt đẹp đẽ được xếp chồng lên nhau, thái chỉ rồi bỏ vào tô cháo, rồi tôi sẽ múc đầy vào đó, rắc thêm chút tiêu đen và ngồi xúc ăn ngon lành. Tôi ăn cháo tía tô tất cả các buổi sáng và các buổi trưa.

Bởi vì, những bát cháo tía tô bốc khói sẽ nhắc tôi những gì thuộc về quá khứ mà tôi lỡ quên mất. Về điều mà tôi đã nợ Nhã. Vì chưa và sẽ không bao giờ, tôi còn có thể một bát cháo tía tô cho Nhã hay chăm sóc nó khi ốm, giống như nó đã từng làm với tôi.

Khi tôi lên lớp 5, có một lần mẹ phải về nơi bố công tác để sắp xếp trước việc chuyển đồ đạc khi bố và anh sắp sửa lên ở với chúng tôi. Mẹ chỉ đi vắng có vài ngày và mẹ nhờ bố Nhã trông nom giúp. Không may, chỉ buổi sáng mẹ đi thì buổi chiều tôi bất ngờ bị cảm tả, cả người sốt bừng bừng trong khi bụng cứ kêu ọc ạch. Tôi ngồi gần như lì cả buổi trong nhà vệ sinh, cảm giác người khô kiệt như cái cây bị bỏ hoang cả tuần không có nước tưới. Hai bố con Nhã cứ chạy lăng xăng quanh giường tôi. Mỗi khi từ nhà vệ sinh bước ra, tôi cảm thấy rã rời, miệng khô rát và đắng ngắt, chỉ lê bước về giường nằm cũng như quá sức. Trong khi bố Nhã đi tìm mua thuốc cho tôi, thì không hiểu, bằng cách nào, Nhã đã biết nấu cho tôi một bát cháo tía tô.

Tôi vẫn nhớ, nằm gần một ngày lịm đi không thiết gì ăn uống, bỗng dưng tôi ngửi thấy mùi cháo thơm bay trong nhà. Đó là một thứ mùi ngòn ngọt, ấm áp và rất đỗi dịu dàng. Khi tôi mở mắt, đã thấy Nhã đang ngồi bên thành giường, chiếc bàn nhỏ bên cạnh có một báo cháo tía tô đang dậy mùi thơm, bốc khói. Tôi khẽ nhấc đầu nhưng bị hoa mắt, lại nằm xuống, trước mặt chỉ còn lại những chùm ánh sáng lấp lóa. Trí óc tôi mù đặc, cứ nghĩ, hay là mẹ về rồi? Chẳng phải mẹ đang nhìn tôi cười dịu dàng và ân cần thay chiếc khăn ướt trên trán cho tôi đấy ư? Chẳng phải chỉ có mẹ mới có thể nấu cháo cho tôi được sao? Tôi mấp máy môi, định hỏi mẹ nhưng không thốt nổi lời.

Rồi một bàn tay bé tí xíu luồn vào thái dương tôi. Bàn tay tí xíu, mềm mại và nhẹ nhàng vô cùng. Bàn tay bảo tôi: “Cậu gắng dậy ăn chút cháo cho hạ sốt nhé”. Rồi một bàn tay lớn hơn đỡ lưng tôi ngồi dậy, kê một chiếc gối cho tôi tựa vào thành giường. Tôi nuốt những thìa cháo đầu tiên, cổ họng vẫn đắng ngắt, vị giác tê liệt. Mồ hôi bắt đầu túa ra và tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn, đã có thể mở mắt nhìn mọi vật xung quanh lờ mờ. Không, không có mẹ, chỉ có Nhã đang bón cháo cho tôi, và bố Nhã đứng phía sau, khuôn mặt tràn đầy lo lắng. Một lần nữa, tôi lại nợ Nhã.

Kể từ đó, tôi rất thích ăn cháo tía tô, ngay cả khi không ốm. Nhiều buổi chiều chủ nhật, tôi xin mẹ cho sang nhà Nhã chơi, đòi nó nấu cháo tía tô cho tôi ăn. Trong khi nó bắc nồi lên chiếc bếp dầu đã thủng lỗ chỗ xung quanh thì tôi ngồi rửa thật sạch những lá tía tô và sắp lại để nó thái chỉ. Rồi chúng tôi chơi trò chăm sóc bệnh nhân. Tôi tới bên chiếc giường có những mép chiếu đã sờn và những cái cọng tua rua thò ra mà nếu tôi lấy tay rứt đứt, đưa lên miệng ngậm, sẽ thấy vị mặn của nước biển sót lại trong sợi cói, nằm xuống, giả vờ ốm. Đôi khi, tôi rên hừ hừ như một con mèo hen. Và Nhã sẽ tới gần bên, chúm môi thổi hơi nóng đang bốc nghi ngút từ chiếc bát sứ Hải Dương có viền màu nâu vàng, múc từng thìa cháo bón cho tôi. Tôi rất thích trò đó, vì tôi chẳng phải làm gì cả, chỉ việc giả vờ kêu, thi thoảng ho hắng, rồi cứ mở miệng ra là có những thìa cháo thơm ngọt rót vào miệng. Tôi còn đòi uống nước tráng miệng nữa, rồi còn để mặc Nhã đi rửa xoong và bát, thìa. Vì tôi ốm mà.

Ôi, tôi nhớ ra rồi, mùi lá tía tô rất giống mùi dầu hoả, mùi dầu hoả khi Nhã bắt đầu khêu những chiếc bấc lên và chuẩn bị châm lửa.

Có bao nhiêu ngày buồn cười đến thế, sao tôi lại quên mất nhỉ?

Đó là một quãng thời gian rất dài sau khi tôi vẫn liên tục ăn món cháo tía tô, kể từ khi biết nấu. Mỗi khi mùi thơm của cháo trắng và tía tô quyện vào nhau bay trong không khí, tôi như lại thấy Nhã ngồi bên cạnh giường, khuôn mặt dịu dàng và ân cần như người mẹ đối với con. Tôi nhớ cả bàn tay nhỏ xíu của nó đã múc từng thìa cháo, khuôn miệng chum chúm thổi hơi nóng, đôi mắt lo lắng của bố Nhã,...

Điều này khiến bố mẹ tôi bực mình và thậm chí, còn cảm thấy sợ hãi, vì nó giống như một chứng nghiện. Lúc đầu bố mẹ nhắc nhở tôi, sau một thời gian thì cấm tôi nấu món cháo ấy. Nhưng cho dù không tiếp tục nấu, tôi vẫn có thể chọn nó làm thực đơn cho bữa sáng và bữa trưa ở trường. Bọn con gái trong lớp hình như còn đặt cho tôi biệt danh “Tía tô”, chúng nói, người tôi lúc nào cũng toát ra mùi tía tô hăng hăng như mùi dầu hoả. Có lần, bố mẹ đã thử chữa chứng nghiện cháo tía tô cho tôi bằng cách cho vào bát cháo cả mấy thìa dầu hoả, tôi đã phát nôn, nhưng sau đó, mọi chuyện lại y như cũ.

Nhưng rồi, khi mọi nỗ lực chữa chứng nghiện đó bất thành thì tôi đã đột nhiên từ bỏ món cháo tía tô. Từ bỏ mãi mãi. Vì có một ngày, khi đang đưa thìa cháo nóng hăng mùi tía tô lên miệng, tôi chợt nhận ra, thật không công bằng với chính bản thân khi cố gắng nuốt trôi những mảnh ký ức cuối cùng về Nhã.

Toàn những câu chuyện kì quặc, lẽ nào đó lại là quá khứ của tôi: Một con mọt sách, một con sâu lá tía tô, một đứa con gái chẳng giống ai, một kẻ bị chứng quên ký ức?

 

[còn tiếp]

 

 

------------

Đã đăng:

BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [7]  (tiểu thuyết) 
... Ngày hôm nay, chúng tôi quyết định đổi tên cho nhau. Hai miếng giấy màu ghi tên của tôi và Nhã được rút từ trong chiếc túi nhỏ ra và đặt vào lòng hố. Trong chiếc hố của mình, Nhã sẽ chôn đi tên nó, và trong chiếc hố của tôi, tên của tôi cũng được vùi lấp như vậy. Chúng tôi chôn hai cái tên trong đá của sông và đất của triền đê rồi đắp lên đó đầy những chùm hoa lạc dại. Hai nấm mộ tên nở màu vàng rực... (...)
 
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [6]  (tiểu thuyết) 
... Tôi đã thử tự tử. Nhưng tôi không đủ can đảm được như chị ấy. Cũng có lúc tôi nhìn lên trần nhà, nhìn cái móc treo quạt trần nhưng rồi tôi lại gạt ngay ý nghĩ đó. Tôi muốn mình sẽ chết thật nhẹ nhàng. Tôi không muốn mình đau khổ. Giá như có một phép kỳ diệu, tôi cũng sẽ muốn mình giống như Nhã, biến mất vô tăm tích và để lại một khoảng trống thật lớn cho những người còn lại... (...)
 
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [5]  (tiểu thuyết) 
Năm lên lớp 9, tôi được kết nạp Đoàn viên sau khi mang về một giải học sinh giỏi xuất sắc trong một kỳ thi văn cho trường. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác ngày hôm đó. Nó khác với tất cả những thứ cảm giác tôi từng trải qua. Một đứa con gái 13 tuổi có thể nói là mình trở nên trống rỗng vào cái ngày được trở thành một Đoàn viên của một Đoàn thể không nhỉ? Tôi không biết liệu mọi người có tin không, nhưng đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi giơ một nắm tay lên để thề thốt một điều gì đó... (...)
 
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [4]  (tiểu thuyết) 
.. Bác vật vã ôm lấy mộ bà nội trong ngày bốc mộ bà và vừa khóc vừa nguyền rủa cái ngày ông bà quyết định gả chồng cho bác. Một người đàn ông mồ côi, là dân ngụ cư, vũ phu và đương nhiên là thất học. Ông nội đã ép bác — cô giáo duy nhất ở làng khi ấy — phải lấy người đàn ông đó sau khi nhốt họ chung vào một căn buồng trong suốt hai ngày đêm. Gả con gái cho một kẻ bần cố nông ngụ cư là tấm lá chắn để giúp ông thoát khỏi tiếng địa chủ. Ông đã thoát ra khỏi những cuộc đấu tố trong đợt cải cách ruộng đất một cách ngoạn mục... (...)
 
... Tất cả những gì còn lại, chỉ là những viên gạch phủ đầy lá ngải cứu đang bốc khói, có tôi ngồi phía trước hướng hai lòng tay xuống những dòng khói đang bốc lên như tham gia một trò bùa chú. Và bỗng lúc này đây, hai lòng bàn tay ấy, lại ướt đẫm mồ hôi... (...)
 
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [2]  (tiểu thuyết) 
... Để nói về người phụ nữ, thì thực ra, không chỉ cụm từ “kẻ lười nhác” là không phù hợp. Nhiều cụm từ hoặc tính từ, vân vân và vân vân cũng không phù hợp nữa. Ví dụ như sự hèn nhát hay lòng dũng cảm chẳng hạn. Mọi người đều nghĩ “dũng cảm” thì nên dùng cho nam giới hơn, bản thân nó đã là một tính từ “nam tính” rồi. Nếu ai đó nói một cô gái nào đó dũng cảm, thì bạn đừng vội tin ngay, hãy suy xét một chút, vì nếu không ít thì nhiều, hẳn họ đang giấu trong đó chút bỡn cợt nào đó... (...)
 
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [1]  (tiểu thuyết) 
Tôi vẫn còn nhớ như in buổi chiều hôm ấy. Đó là một ngày nồm trời, ẩm ướt. Không gian dường như mù mờ, thăm thẳm, vô hồn. Trong phòng khách, lớp sơn tường lại một lần nữa mốc lên, bủng ra, tới mức nếu tôi tới gần và búng nhẹ, chúng sẽ bắt đầu lả tả rơi xuống như thể bắt ngay được cái cớ chờ đã quá lâu rồi... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021