thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
"Sau Auschwitz" và những bài thơ khác
(Diễm Châu dịch)
 
                                             tặng họa sĩ Hans Staudacher
                                                                     J. M.
 

SAU AUSCHWITZ

 
Sau Auschwitz
không còn có thể
viết những bài thơ
Adorno nói
 
Vậy mà
người ta lại viết những bài thơ
ở cùng khắp thế giới
 
Sau những phát đạn
bắn vào Romero trước bàn thờ
nhiều người tin đạo
đã dứt khoát
tuyệt vọng với Thượng đế
 
Vậy mà vẫn nhân danh Thượng đế
họ đòi hỏi
việc làm
cơm bánh
bình yên
họ kêu gào chống chiến tranh
ở cùng khắp thế giới
 
Làm sao con người có thể sống
thiếu tình yêu
Làm sao Thượng đế
thiếu những bài thơ
có thể tồn tại
 
 

BÓNG TỐI

 
Tôi mong muốn biết bao
còn được nói ra trong lúc
trời nắng sáng
trước khi lớn dần lên bóng tối
buổi chiều tàn đời tôi
 
Tôi e
không thể nói
thiêu đốt làm sao trong ngực tôi
khát vọng
của ban hợp ca những người nô lệ ở Nabucco
tôi yêu mến làm sao Chopin
tiếng lách tách những hạt mưa ở Majorque:
nung nấu làm sao niềm sầu xứ
của một kẻ xa lạ trên quê hương mình
 
Tôi mong muốn
nhưng thật là lố bịch
Lớn dần lên quá mau
bóng tối
buổi chiều tàn đời tôi
 
 

DẠ KHÚC

 
Đồng cỏ chìm vào hoàng hôn
Lưng chừng dốc tiếng gáy man dại của con dế
Phải chăng nó hãi sợ?
 
Tôi không rõ
có lẽ nó hạnh phúc
như hai chúng ta giữa đám dân làng
có lẽ nó vừa thoát chết
(như hai chúng ta thoát khỏi quỉ ma bên dưới)
trong tơ tóc
 
Vậy thời anh hãy nói em nghe hỡi anh yêu
hạnh phúc đối với anh là gì nhỉ
Phải chăng ấy là đi vòng quanh Thi-sơn?
 
Thôi nào
leo trèo mỏi mệt lắm
Hạnh phúc – một thiếu nữ
không bao giờ chao đảo
đứng đắn như em
và khi cần nàng cười vang
 
Anh biết
từ khi em ở bên anh
sợ hãi không còn bén mảng
ngay cả giữa đêm khuya
luôn luôn em thấy
trên một vùng biển xa lạ
lằn nước để lại sau chiếc thuyền nhỏ bé của anh
vẫn là chuẩn đích rõ rệt nhất
 
Và nếu như em nhầm hỡi người đẹp
nếu như cánh buồm kia chính là tôi
và em làn gió
con thuyền nọ – cuộc đời chúng ta
và biển cả – thời đại của chúng ta
 
 

QUÁ ỒN ÀO

 
Quá ồn ào
và lúc nào cũng đông hơn
giữa hai chúng ta
ta không còn nghe thấy nhau nữa
chúng đã phân cách chúng ta
kể từ nay ta ở đôi bờ đối nghịch
 
Làm sao đây?
 
Lúc này chỉ nghe
một diễn từ câm nín
lặng lẽ như đàn cừu
trên mảnh đất hoang sau tu viện Vetrinj
như hơi gió nhẹ nơi cây phong
trước hàng lan can
khi gió thổi
khiến lá run run
 
Như đám mây kia trên trời
trên mặt phẳng màu lục đậm
của nước hồ Riavets
khi ở đấy mây thầm kín phả vào
sự câm nín
và ở đấy tự phản chiếu
tất cả sự khôn ngoan trắng trẻo của mây
 
Im lặng yêu dấu biết bao
mi đường hoa đan tréo diệu kỳ,
đó, từ những gì không nghe thấy:
hãy lắng nghe nó cùng với tôi
em
người yêu dấu của tôi
 
 

TÌNH YÊU LÀ TẤT CẢ

 
I
 
Tình yêu họ nói là tất cả
và họ nói đúng
nếu nói về kinh nghiệm
 
Vậy thời không tình yêu
là không gì hết sao?
Ngược lại
Không tình yêu là địa ngục
ngạo mạn và khinh khi
vong thân
lạnh lẽo và sợ hãi
tranh chấp
không tình yêu là cõi lạ xa
là cô quạnh
câm điếc tuyệt vọng
nỗi oán thù mù quáng
độc dược trong ngôn từ
 
Không tình yêu sự dữ thắng thế
 
II
 
Tình yêu họ nói là tất cả
và họ nói đúng
nếu họ thật sự biết điều mình nói
 
Nếu tôi cân nhắc kỹ tất cả
nếu tôi xem xét tất cả bằng con tim
nếu tôi đoán biết
nếu tôi thấy
những gì mắt tôi không thấy
rằng đã từ lâu tôi ở trong những giấc mơ của em
rằng tôi là tất cả đối với em
trong lúc em
trước cánh cửa tỉnh thức của tôi đã cùn nhụt
em ngồi xổm rình rập
những ngón tay tê cóng
và em chờ đợi
bước vào những giấc mơ của tôi
 
 

TÔI KHÔNG NGHE THẤY MÁU EM

 
Tôi không nghe thấy máu em
máu không phải nước
Tôi không biết
sưởi ấm tôi ra sao
mặt trời
của mắt em
và tôi bóp nghẹt mặt trời đó
để nó khỏi chói lòa mắt tôi
 
Em đã rời tôi
đui mù
trơ trụi
 
Thế tuy nhiên tôi đã xin em
để cửa
hé mở
ít ra một khoảng nhỏ
là vì một mình trong tăm tối
tôi
sợ
 
Tôi không biết
mình thiếu khôn ngoan
hay mình lì lợm?
 
Tôi tin rằng tôi là cả hai thứ
 
Lúc ấy em sẽ tìm đâu ra
thứ ánh sáng mà tôi thiếu?
 
 

TÔI MUỐN VIẾT CHO EM MỘT BÀI THƠ

 
Tôi muốn viết cho em một bài thơ
bài thơ sẽ để lộ
sự thật của chúng ta
để rốt cuộc nó sẽ
tự phơi trần
trước mặt chúng ta
 
Nhưng kìa
sự thật ấy không có tên
làm sao tôi có thể gọi nó tới trên trang giấy?
 
Tôi cảm thấy mình đau
không thể nào đau hơn thế
 
Nhưng có lẽ nó không xứng
được gọi tên
vậy thời tôi sẽ để
nó yên
 
Và khi em
sẽ tới
lúc đêm xuống
bước chân nhẹ nhàng như bao giờ
em kẻ tự kiêu
kẻ nói dối đáng yêu
đôi mắt có tiếng cười gây nhức nhối khiêu khích
không nói một lời
tôi sẽ mở một con đường
tới những gì mà các nhà thơ khá hơn
trước tôi từ lâu đã đặt tên
và bởi đó mang một cái tên thật khác vời
 
 

TRAO ĐỔI VỀ SỢ HÃI

 
I
 
Sợ hãi chúng đã chích vào xương em
sợ hãi đã tới ở trong em
em đã trồng sợ hãi trong đầu tôi
tôi sợ mở thư em
sợ hãi đứng trước cửa
và nhấn chuông
 
Em lại gần tôi bị hãi hùng ghê rợn xâu xé
tôi lại gần em bị hãi hùng ghê rợn dầy vò
Bọn chúng không có đó
nhưng em vẫn sợ run lên
 
Liệu em sẽ còn sống lâu ngày trong sợ hãi
những người khác?
Em không biết
làm gì
để thoát khỏi sợ hãi
 
Em chỉ dứt bỏ được nỗi sợ của em
bằng cách sợ
giùm tôi
 
 
II
 
Thân xác em rời bỏ em
em không cảm thấy đôi bàn tay
em không cảm thấy đôi bàn chân
khuôn mặt em lẩn tránh mắt em
em nhắm mắt lại
thấy
rằng em hoàn toàn bằng thủy tinh
rằng anh nhìn xuyên qua em
Em không có gì
để bao bọc sự trong suốt của em
 
Em nuốt nước miếng
bị nghẹn họng vì nước miếng
 
Em cười vang lên
nghiệm xem
em có còn sống
Không nghe tiếng vọng
 
Em ẩn núp trọn vẹn trong anh
em nghĩ những ý nghĩ của anh
nói những lời của anh
đôi mắt nhắm
bước sau anh
và cảm thấy dưới những bước chân em dấu chân anh
Trong nỗi sợ cho anh
nỗi sợ của em mất hút
và – mất hút
bản thân
em
 
 

LÁ THƯ

 
Tại sao tôi vẫn chưa viết cho em?
Mười lần tôi đã viết
cả mười lần tôi đã nói
không
tôi đã nói
không làm chuyện đó nữa
bây giờ không làm chuyện đó nữa
 
Đã mười lần tôi viết cho em
rằng tôi không còn thấy ý nghĩa gì nữa hết
nơi cuộc tình của chúng ta
cuộc tình mà chúng ta nghiến ngấu trọn vẹn
đã từ lâu
vậy thời tại sao còn tiếp tục
nhai lại?
 
Đã mười lần tôi xé
những lá thư
ném chúng vào sọt rác
 
Và mười lần tôi hổ thẹn
vì viết
rằng tôi vẫn không hiểu được
cuộc tình của chúng ta
và bởi thế mà nó vẫn
quyến rũ
 
Bởi thế mà tôi vẫn chưa viết thư cho em
 
 

PYGMALION* BỪNG TỈNH

 
Ấy là một nhà thơ
 
Ông chạm trổ nàng bằng những giấc mơ của mình
tắm rửa nàng với xà-bông thơm nức
lau chùi nàng bằng chiếc khăn tay êm dịu
chải tóc cho nàng
khoác lên người nàng
những lụa và nhung
 
Rồi đặt lên đầu nàng vòng triều thiên
 
Vòng triều thiên quá nặng
trườn khỏi mái tóc nàng
 
Những hạt kim cương tung tóe
lăn lăn trong bụi
 
Vì chúng
trái tim ông cảm thấy mình bị đánh cắp
 
không một ai hiểu ông
 
-----------------------------------
* Pygmalion: nhà điêu khắc thần thoại của đảo Chypre. Theo huyền thoại, ông tạc tượng Galatée rồi si mê pho tượng của mình. Nữ thần Ái tình Aphrodite cho Galatée trở thành người sống động và Pygmalion cưới nàng làm vợ. (người dịch)
 
 

MỘT NGÀY KIA

 
Một ngày kia
hồn tôi
sẽ tê cứng
miệng tôi sẽ không thốt ra lời
sẽ thiếu
các từ
để nói về sự dữ
bao quanh tôi
nói về đầu óc trì độn
về mùi hôi thối ngột ngạt dưới thế này
nói về sự hung bạo
từ sáng tới chiều
lễ độ sủa bên tai tôi
từ những tờ báo những màn ảnh
 
Một ngày kia
máu tôi
sẽ không còn chuyển dịch
chống lại sự láo khoét hung bạo của chúng
và những sự giả mạo chúng ta
những cái liếc mắt đi kèm
sự giả hình nhân nghĩa của bọn phản bội
 
Một ngày kia
hồn tôi
sẽ không còn
đủ sức cho căm hận
chống lại cái khốn cùng không đáy và không hạn giới
mà người ta gọi là
cuộc đấu tranh cho sinh tồn của quốc gia dân tộc
mà trong thực tế chỉ là
một nỗi bất hạnh chưa từng nghe nói
 
bất hạnh của tôi
bất hạnh của anh/ em
bất hạnh của chúng ta hết thảy
 
Một ngày kia
hồn tôi
sẽ tê cứng
sẽ được yên ổn
và nghỉ ngơi
 
 

EBENTHAL GẦN CELOVEC*

 
Một mặt trời cạn kiệt
ở đâu đó giữa Iépa và Dobratsch
Những trái bắp chín
vàng
bị hạ xuống
Những đám mây đen
bên trên Ossoïchtchitsa
Một đàn chim bay từ những cành cây trơ trụi
ở lối đi
cánh liền cánh rung rung
chát chúa những tiếng kêu
bài ca vĩnh biệt mùa hè đã chết
sắc bén
cuồng nhiệt
 
Ngay trước khi thiên cư
từ những vườn cây lạnh lẽo
về miền nam ấm áp
 
Ngay trước khi thiên cư
từ những lò bánh ấm
về miền bắc lạnh
1942
 
---------------------------------------------
* Ngày 14 tháng Tư 1942, quân quốc xã Đức xua đuổi 1097 người Slovénie ra khỏi các thôn làng và giam giữ họ trong một trại chọn lọc ở Ebenthal/ Zrelec là vì « đây là những phần tử kẻ thù của nhân dân và Nhà nước, tình nghi phản quốc và có những tư tưởng cộng sản». Từ đó họ bị đày trong những toa xe lửa chở súc vật qua nước Đức thời Hitler (Ghi chú của tác giả).
 
 

TƯỞNG NIỆM JOZICA FLANDER-META

 
Dì đã bị Franz Wiegele
tên mật vụ quốc xã ở Carinthie bắn chết
gần Brezno trong thung lũng sông Drave
viện Bảo tàng giải phóng quốc gia ở Maribor nói thế
Và còn nói
rằng tên của dì trong nghĩa quân là Meta*
Và rằng không ai biết
mộ dì ở đâu
 
Làm sao biết được điều đó
Wiegele đã chôn vùi dì
như chôn một con mèo chết
 
Hắn đã bắn chết dì từ phía sau
là vì hắn sợ đôi mắt dì
Hắn đã không hạ nổi dì trong tù
cả bằng trái đấm vào đầu dì
lẫn mũi giầy ống vào bụng dì
 
Khi tên lái xe của mật vụ Gerniak
lái chiếc Mercedes của tử thần
và khi Wiegele ngồi
bên cạnh dì ở băng sau
hắn đã kinh hoàng:
không một chút sợ hãi nào trong đôi mắt dì
trước dự định của hắn
 
Chính bởi thế mà hắn đã lén lút
bất chính
dập tắt ánh sáng nơi mắt dì
 
Trong những đêm trắng khi
khuôn mặt tươi cười của dì hiện ra
trước mắt kỷ niệm cháu
trong ngực cháu như thiêu đốt
cục chì bỏng cháy
phát đạn bỏng cháy
 
Cháu ngẫm nghĩ
Nếu phát đạn ấy đã xuyên qua tim dì
thì nó cũng đã xuyên qua lồng ngực
từng siết chặt hai buồng phổi đau yếu của dì
từ trước khi Hitler xâm lăng Nam-tư
để tránh cho dì khỏi xuất huyết
 
Cháu biết quỳ gối ở đâu
cháu biết khóc thương lớp xương trắng của dì ở đâu
trên đất quê hương
đã đen đặc những máu đổ?
Để dì khỏi phải nằm dài trơ trọi
vào ngày của những người chết
 
Và vào ngày của những người sống, chúng cháu
bốn mươi năm sau những phát súng
nơi thân thể trẻ trung của dì nơi những vết tích hằn trên thân thể ấy
chúng cháu nín thở
trước sự hồi sinh của chủ nghĩa quốc xã
nơi những bộ lễ phục và găng tay trắng
trên mảnh đất Carinthie yêu dấu của dì
bất kể cuộc đối kháng
bất kể sự hy sinh vô cùng to lớn của dì
dì người dì dịu hiền của cháu
với tất cả tâm hồn và lương tâm người Kraš của dì
 
Cháu sẽ quỳ gối nơi đâu
để khóc thương
số mệnh của dì
 
Nơi đâu
để dì khỏi phải nằm dài trơ trọi?
 
-----------------------------------------
* Meta trong tiếng Slovénie có nghĩa là bạc-hà. Cũng là tên tắt của Marguerite (theo Vladimir Fišera).
 

VALENTIN OMAN*

 
Làm sao
nếu bầu trời
màu lọ nồi xám xịt
Làm sao
nếu mặt trời
chỉ hơi nhấp nháy
bất lực ẩn núp
sau một bầu trời mịt mù
Làm sao
nếu độ acit của bầu trời
xoi mòn những cánh bướm màu vàng chanh
Làm sao
nếu những con bạc-má
nằm sóng sượt trên đường nhựa
với những chiếc bụng nho nhỏ trương phình
giạng những chiếc móng nhỏ xíu
bị nhiễm độc
vì những con ruồi nhỏ và con trùng bị nhiễm độc
Làm sao
những màu sắc của ông lại có thể ngời lên
rực sáng trên tấm tranh...
Những màu sắc nào?
Nếu tư tưởng đen tối của ông quá đen tối
như mặt đất ông bước bên trên
Nếu đám xương trắng của ông đám xương trắng ngà
trong mảnh đất đen Trnia** này
chỉ còn là những dấu vết mong manh của sự sống
đã có
và sẽ không còn nữa
 
----------------------------------------------
* trích từ 'đặc khảo' về V. Oman, họa sĩ bích họa người Slovénie: Spuren/ Sledovi, Klagenfurt / Celovec, 1983.
**Trnia hay Trnie Ves/ Annabichl: tên nghĩa địa chính của Klagenfurt/ Celovec (theo ghi chú của tác giả và của Vladimir Fišera.)
 

ẤN TƯỢNG

 
Biển Adriatique*
trên boong tàu
không một bóng người ở đâu hết
duy có luồng gió lạnh ban chiều
trên những đám mây đen chồng chất
trong ngọn lửa của mặt trời máu me
những đỉnh cao khía răng cưa khoét lõm
bị hun trắng
như trong vàng chiều hôm màu đá vôi
những đỉnh cao của rặng Karavanké
mặt trời lấp lánh
lấp lánh có trời biết ở đâu
và lặn xuống ở đâu có trời mới biết chắc
 
Biển từ chân trời tới chân trời
chất bột nhão đen đen lười biếng
trời không còn muốn ôm hôn nó nữa
Gaïa** bốc mùi mốc
Uranus chỉ còn buồn nôn
mất mất thèm muốn giao hợp
chẳng còn Cronos
chẳng bao giờ nữa
cũng chẳng còn bọt biển tinh khiết cho Aphrodite sinh ra
 
Duy có mặt trời sẽ mọc
và có lẽ sẽ lấp lánh nữa
nếu không phải là trên những người sống
thì ít ra cũng trên những người chết
 
-------------------------------------------------
* vịnh dài của Địa trung hải, nằm giữa Ý, An-ba-ni và (cựu) Nam-tư.
** Gaïa, thần Đất trong huyền thoại Hy-lạp, chồng của Uranus, mẹ của các Titans và Cyclopes (có một mắt ở giữa trán)...; Cronos: thần Hy-lạp, con của Gaïa và Uranus, cha của Zeus; Aphrodite: nữ thần Sắc đẹp và Tình yêu của Hy-lạp. (người dịch)
 

NHỮNG DẤU VẾT BỊ XÓA NHÒA

 
                                                   tặng Hans Staudacher, họa sĩ Áo
 
Với một khát vọng nồng cháy trong ngực
sáng sớm
một kẻ xa lạ u buồn bước ra từ những khu phố ồn ào
theo đuổi làn khí trong lành ngoài đồng rộng
 
nỗi buồn bước theo tôi
 
Và này đây tôi đã đến chỗ cây ti-dơn
ngày trước xanh tươi
trong đám cỏ giữa cánh đồng cỏ
để tới mùa gặt
dưới bóng mát yên lành của nó
chúng tôi đã tắm mát thân mình nhễ nhại
chúng tôi đã duỗi thẳng những tấm lưng còng
chúng tôi đã thiếp ngủ đôi khi như say
vì bông kiều mạch đầu tiên say mật ngọt
 
Nơi đây một con đường rải nhựa rộng lớn lúc này đã được vạch ra
qua những đám bắp cao rì rào
ở bên trái bên phải chỉ có những thanh kiếm
chĩa thẳng lên bầu trời xám
tới mãi Humets mà tôi chỉ mơ hồ thấy
và tới Sainte Lucie
nữ thánh câm điếc bảo hộ thị giác
hết thảy các nông dân kể từ nay mù lòa
 
Tôi đã bỏ trốn thành phố ngụt khói
về với đất quê hương
để xua đuổi nỗi buồn
dưới ánh sáng mặt trời trẻ trung
để lại được nghe buổi sáng ở đồng quê
 
Tiếng cười của con sơn ca không còn ríu rít bên tai tôi
với giọng nó đỏ như bông mỹ nhân trên đồng lúa
 
Nơi đây tôi ở trên đất quê hương tôi
để tới lúc hoàng hôn
từ Dobrova xanh mướt như nhung
tôi lại nghe đêm êm đềm tới
 
Bên tai tôi con chim cút không còn cun cút
bởi không còn đồng lúa
nơi vài bông cúc tím nở
Nó không bao giờ còn trở lại nữa
 
Những ý nghĩ đớn đau khổ sở dầy vò tôi:
cả tôi nữa tôi cũng là những dấu vết ấy
một lần chót
 
Không một hạn giới nào ở đâu hết
để tứ chi tôi có thể nghỉ ngơi
 
Đây không phải là nhà tôi
 
Tôi bịt tai lại trước tiếng va chạm của những thanh kiếm
tôi nhắm mắt lại mỏi mệt muốn chết
 
 

ĐỘC THOẠI VỚI GOETHE

 
                                       tặng Saska Innerwinkler
 
Politisch Lied – ein gartig Lied?*
Quả là dễ, khi bụng người ta mập.
Khó hơn khi phải che giấu bất công
và cầm cương vần thơ.
 
Hãy cho phép tôi, geheimer Rat,**
được thú nhận nỗi lo âu khổ sở của tôi:
tôi không được biết ở trên đời
lại có kẻ nào có thể
đem chuyện tồi tệ dơ bẩn
kết thành một vòng thơ
hoàn mỹ.
 
Ngạo mạn, dối trá, ham hố
không thể nào ghép vần được không thể,
nhưng tôi, cầu trời tha thứ cho tôi cái tội ấy
(và nếu có thể cả ngài nữa),
ấy là điều quyến rũ tôi biết mấy.
 
----------------------------------------
* Bài ca chính trị, một bài ca kém cỏi?
** ngài tư vấn (ông cố vấn tư: tước vị của Goethe).(người dịch)
 

TRONG BUỔI HÒA TẤU CỦA CÁC DÂN TỘC*

 
Dân tộc tôi lúc nào cũng hết sức lo âu
cố gắng duy trì sự sống:
những gì hôm qua nó đã không thể giải quyết,
ngày mai nó cũng sẽ chẳng làm được.
 
Và trong buổi hòa tấu của các dân tộc
nó chỉ là một ống sáo thô sơ câm nín,
giữa những trống những kèn
ống sáo nhỏ nhoi nào có ra gì.
 
Nếu như đã có nhà soạn nhạc nào đó**
đưa nó lên đại nhạc kịch
thời có lẽ cũng đã chỉ nhận ra đôi chút
duy lỗ tai tinh tường nhất.
 
---------------------------------------------
* Bài này Janko Messner viết bằng tiếng Đức, Janez Menart dịch sang tiếng Slovénie (theo chú thích của Vladimir Fišera).
** một ông Borodine nào đó (theo bản Pháp văn của Vladimir Fišera và Viktor Jesenik.)
 

ĐẤT CỦA CHÚNG TA ĐÂY LÀ CỦA AI?

 
Mảnh đất này người Slave-ngoại đạo đã ở,
y đã canh tác nó như thiên đường chọn lựa.
Sau y thời tới người Cơ đốc Giẹc-man,
y đã lấy vườn địa đàng của đất ấy và để lại thập giá.
 
Ở ngay giữa luồng gió chúng ta vàng úa,
đồng hóa không chừa chúng ta ra,
dầu chúng ta nguyện cầu hay chúng ta giận dữ,
đất không phải của họ, cũng chẳng phải của chúng ta.
 
Mọi người đến từ đất,
sẽ trở về lòng đất;
kẻ nào ưa xới đất dẫy cỏ,
đất hãy là kho tàng trọn đời của nó.
 
 

NICARAGUA, NGƯỜI YÊU DẤU CỦA TA

 
xứ sở của những vì sao xanh lục và xanh biếc
lấp lánh trên nền trời đêm
trong hơn
ở bất cứ nơi nào trên thế giới rộng lớn
xứ sở của hơi nóng nhiệt đới uốn lượn
mà làn gió tươi mát của Thái bình dương
làm dịu lại
Nicaragua đất hứa của ta
xứ sở của những trái soài ngọt ngào
trên những nhánh dài mảnh khảnh
kiên trì chín tới
xứ sở của những con két màu lá cây
keng kéc vô tư
trên những đám dương ngô đồng* đen xậm
và giáp trúc đào**đỏ
Nicaragua miền đất đầy ơn phúc
không một con chó nào của ngươi chạy theo ta sủa
hoặc phóng lên người ta
trên mặt kệ con chuột lắt
mà ta rất có thể đưa tay chạm tới
gặm nhấm một nắm thóc
món quà của ta buổi sáng
không hề lo ngại ta
và những con cucuratcha*** trước bồn rửa mặt
trong hành lang nhỏ hẹp tăm tối
mà ban đầu ta quá sợ
bởi đi chân không
kính cẩn tản mác vào những nơi ẩn trú
và nhã nhặn ở trong góc chờ
ta rửa ráy xong
 
Nicaragua cuốn sách kinh nghiệm
mới tinh của ta
 
từ khốn cùng lớn dậy lòng hào hiệp của ngươi
từ nhục nhã niềm tự hào cao quý
sức mạnh của sợ hãi đã chế ngự
niềm tin tưởng ở thắng thế bạo lực
tình yêu nồng cháy của ngươi đối với patria libre****
tình yêu vô hạn
như biển Thái bình sâu thẳm
 
Nicaragua
lúc này ngươi không có bụng dạ nào để cất tiếng cười
thế tuy nhiên
nụ cười của ngươi là nụ cười đẹp nhất thế giới
và nụ cười ấy có thể
sưởi ấm lòng ta biết bao
 
--------------------------------------
* platanah/ platanes (tiếng Pháp)
**plamenicah/ phlox (tiếng Pháp)
*** kukarace: giống dán nâu lớn, thổ dân nghèo dùng làm thức ăn; sau khi đã đun sôi, họ mổ phía sau chứa nhiều protéine (theo tác giả).
**** tổ quốc tự do (người dịch)
 
 

ĐÔI KHI

 
Đôi khi tôi thấy
một cánh đồng cỏ lớn trước mặt
không có gì khác
màu xanh tươi đầy mùi vị
không có gì khác
của người Slovénie người Đức hay người Thổ-nhĩ-kỳ
 
Chân không tôi dẫm lên
và bước bước bước nữa
không có gì khác
 
Và tôi cảm thấy dưới chân tôi
những nhành cỏ rậm rạp
không có gì khác
không cả những ánh mắt quay đi khi thấy tôi
hay cái bĩu môi khinh bỉ theo sau
ngoài những cọng cỏ rậm rạp này
 
Như ngày trước khi hai con bò
được giải thoát khỏi tròng cột cổ
đã nhai đi nhai lại những cọng cỏ này trong dạ dày mỏi mệt
 
Tôi bước trên đồng cỏ lớn này
và không biết
mình đang mơ
hay thức
 
 

VỠ ĐẤT

 
Vỡ đất
bón đất
mà không nghĩ rằng đất là của anh
trồng một cái cây nhỏ
mà không nghĩ rằng nó sẽ sinh sản cho anh
tưới cái cây nhỏ
mà không nghĩ rằng anh làm điều đó cho anh
tỉa cái cây nhỏ
để nó có thể xum xuê cành nhánh
lắng tai nghe tiếng ong bay
say phấn nhụy
nằm dưới bóng một cây táo
tựa người vào thân nó
vuốt ve nó bằng đầu những ngón tay
cảm thấy nhựa cây tuôn chảy
run run với đám lá rung rinh
hái một trái táo trên cành và ăn trái táo
cảm thấy
như mình trọn vẹn được trái đất này nuôi dưỡng
ăn cả những hạt mềm
cảm thấy
như trái táo thấm hút
trọn thế giới
ngỡ ngàng
hái thêm một trái nữa trên cành
và ăn trái
không đếm trái trên các cành cây
không tính toán không dự định gì hết
chỉ yêu
chỉ
có đó
 
 

KHI TÔI RỜI EM

 
Khi tôi rời em vào mùa đông
gió bấc lạnh buốt không làm tôi băng giá
nó len thật ấm vào người tôi
khiến tôi bước chân không trên sa mù trắng xóa
 
Khi tôi rời em vào mùa xuân
tôi là ngọn gió lùa của thịt da và máu
cây lệ liễu chùi nước mắt
nó nảy mầm, mỉm cười với nó là một niềm vui êm dịu
 
Khi tôi rời em vào mùa hạ
thân mình tôi thơm mùi cỏ mới cắt
say những lời bông đùa tôi lang thang trong đêm
bầu trời vang vang như có tiếng bạc
 
Khi tôi rời em vào mùa thu
sương mù dầy đặc bao quanh tôi
nhưng tiếng em cười nó rạng tỏa trên người
hát lên nho nhỏ bên tai tôi lá vàng khô
 
 

HẮN BƯỚC HẮN BƯỚC

 
hắn bước
hắn bước
sự dữ trên trái đất
ngày lại ngày
từ mặt trời mọc tới mặt trời lặn
từ phương đông tới phương tây
bằng những móng chân hãi hùng
đào sâu
 
nhưng đất
vẫn bướng bỉnh
vẫn bướng bỉnh
mơ tới
tình yêu
 
 
----------------------------
Ghi chú của người dịch:
Janko Messner, nhà thơ kiêm nhà soạn kịch và viết văn xuôi, sinh ngày 13.12.1921 trong một gia đình nông dân Slovénie tại làng Dob/ Aich, gần Pliberk, ở miền nam Carinthie thuộc Áo quốc. (Carinthie, giáp giới Slovénie và Ý, “cái nôi” của những văn tài thế giới như Robert Musil và Ingeborg Bachmann, cũng được biết tới như một nơi mà phần lớn văn nhân nghệ sĩ tên tuổi không sống được. Miền này ngày nay nằm dưới quyền cai trị của Jörg Haider, một tay cực hữu được bầu lên vào năm 1999 với hơn 40% số thăm. Ông này cũng điều khiển văn hóa sự vụ trong miền...)
 
Janko Messner học trung học tại Klagenfurt/ Celovec. Từ 1941 đến 1945, bị cưỡng bách sung vào một tiểu đoàn trừng giới của quân đội quốc xã Đức. Bị thương nặng, cả nơi bàn tay, khiến không còn có thể theo đuổi ước mơ trở thành một nhạc sĩ. Từ 1946 tới 1949 theo học văn chương Slovénie tại đại học Ljubljana ở Slovénie (lúc đó thuộc Nam-tư) rồi trở thành giáo sư ở thị trấn nhỏ Ravne na Karošken, Slovénie. Năm 1955, ông trở lại Áo quốc, bị thất nghiệp trong bảy năm trước khi tìm được một chỗ dạy học tại một trường trung học dành cho người Slovénie ở Klagenfurt/ Celovec, nơi ông tiếp tục công việc dạy học cho tới mãi năm 1980. Ông phiên dịch các tác giả lớn của Slovénie sang tiếng Đức và dịch Friedrich Dürrenmatt sang tiếng Slovénie. Ông là người đồng-sáng lập và chủ tịch Hội các nhà văn Slovénie ở Áo quốc.
 
Văn thơ của Janko Messner cho thấy sự «dấn thân» của ông vì con người và thiên nhiên trước những cơ chế hủy hoại, và chống lại sự khinh khi mà những người hoạt động văn nghệ hoặc văn hóa Slovénie gặp phải ở Carinthie. Thơ ông kết hợp nhuần nhuyễn tình yêu và “chính trị”. Tác phẩm «chọn lọc» của ông, tính đến 1998, đã lên tới 20 cuốn, gồm thơ, kịch truyền hình, và văn xuôi; nhiều cuốn in ba thứ tiếng và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác trên thế giới...
 
Janko Messner đã được tặng nhiều giải thưởng văn chương, như giải kịch bản hay nhất về truyền hình tại Praha năm 1977, giải văn chương Phục sinh tại Trieste năm 1988, giải danh dự đặc biệt về Khoa học và Nghệ thuật của Cộng hòa Áo quốc năm 1992, giải Aritas vàng (giải nhất về thơ) của đại hội tam niên Slovénie về thơ trào phúng và hài hước tại Smarje pri Jelšah/ Ljubljana và “Pergamino de honor” của “la Casa de los tres mundos Ernesto Cardenal” tại Granada, Nicaragua năm 1997,... Gần đây, năm 2002, chính phủ Áo quốc đã lại tặng ông Bội tinh đệ nhất đẳng về Khoa học và Nghệ thuật của Cộng hòa Áo quốc.
 
Những bài thơ trên trích dịch từ Janko Messner, Poèmes (bf, Strasbourg, 1999), sách song ngữ; và dựa theo bản Pháp văn của Vladimir Claude Fišera và Viktor Jesenik trong sách ấy. Xin mời bạn đọc xem thêm chuyện “Gióp” của Janko Messner cùng đăng trên Tiền Vệ.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021