thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nghĩ về viết lách: Phê bình văn học và văn hoá

 

 

Viết để được thật nhiều người đọc và đồng ý là một điều khó. Viết để được thật nhiều người đọc đồng ý và hoan nghênh càng khó. Viết để được thật nhiều người đọc không đồng ý nhưng vẫn cảm thấy hoang mang và bất an lại càng khó hơn nữa.

Khó, trong viết lách, không phải là tái khẳng định những điều đã được mọi người chấp nhận. Khó nhất là thách thức lại với những điều mọi người vẫn cho là đúng.

Thách thức không phải là nói ngược.

Nói ngược rất dễ. Bất cứ đứa khùng nào cũng có thể nói ngược. Nói ngược một cách hợp lý và có chứng cứ đàng hoàng mới khó. Nói ngược để mở ra những cách nhìn mới và những cách kiến giải mới lại càng khó.

Khen Truyện Kiều: dễ. Chê Truyện Kiều: cũng dễ. Khen Truyện Kiều để xác lập một điển phạm mới, qua đó, tái tạo lại lịch sử văn học của quốc gia như điều Phạm Quỳnh đã làm vào đầu thế kỷ 20 mới khó.

Chê Truyện Kiều để đặt nghi vấn đối với những cái được gọi là điển phạm, qua đó, nêu lên một điển phạm mới hoặc một quan điểm mới về cái gọi là tính điển phạm cũng sẽ rất khó.

Viết văn, tôi không muốn chiều theo thị hiếu của ai cả. Tôi cũng không muốn chống lại thị hiếu của ai cả. Tôi chỉ muốn làm một nhà khảo cổ học đào bới xuống những tầng sâu văn hoá nằm ẩn phía dưới các thị hiếu: Theo tôi, đó là một trong vài nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà phê bình văn học cũng như nhà phê bình văn hoá.

Làm nhà phê bình văn học không khó. Làm nhà phê bình văn học có tầm văn hoá mới khó: nó đòi hỏi năng lực tổng hợp và nhất là khái quát hoá để vượt lên trên những cái cụ thể, kể cả những cái đẹp cụ thể.

Làm nhà phê bình văn hoá cũng không khó. Làm nhà phê bình văn hoá có tầm văn học mới khó: nó đòi hỏi sự nhạy bén và tài hoa của một nghệ sĩ bên cạnh sự uyên bác và khả năng phân tích bắt buộc phải có của một học giả khi viết phê bình.

Nhưng viết phê bình văn học không được biến thành phê bình văn hoá. Dừng lại ở cấp văn hoá là dừng lại ở ngoài cánh cửa văn học. Dẫu thông minh và uyên bác đến mấy thì nó vẫn chưa tiếp cận được đến văn học.

Viết phê bình để đánh giá một tác phẩm hay một tác giả là dễ. Viết phê bình để thay đổi vị thế của một tác giả hay một tác phẩm mới khó. Viết phê bình để thay đổi cách đọc, từ đó, cách nhìn về văn học, thì lại càng khó.

Thay đổi cách nhìn và cách đọc là thay đổi cả lãnh thổ văn học, ở đó, cái trật tự tưởng bất biến của các tác giả và các tác phẩm cũng tự động thay đổi theo.

Đạt đến trình độ đó, nhà phê bình buộc mọi người phải đọc lại những gì họ đã đọc theo cách khác và buộc giới nghiên cứu phải viết lại cái lịch sử văn học mà họ ngỡ đã quen thuộc từ lâu.

 

 

Mời xem blog của Nguyễn Hưng Quốc (VOANews.com)

 

 

---------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021