thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT BÀI THƠ VIẾT Ở SÀI GÒN
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
ALLEN GINSBERG
(1926-1997)
 

Hãy hiểu rằng đây là một giấc mơ

 
Thực như một giấc mơ
Ta sẽ làm gì với cơ hội tốt khi được bay?
Hành tinh này, mặt trăng này giải thích điều gì đây?
Nếu ta có thể mơ thấy ta mơ / và mơ bất cứ gì có thể mơ được / ta có thể mơ
Thấy mình đang thức / và tại sao phải làm như thế?
Trong giấc mơ khi ta mơ ta thức / dậy thế điều
gì xảy ra khi ta tìm cách cử động?
Ta mơ ta đang cử động
và sự cố gắng cứ thế cử động cử động
cho đến khi ta cử động / và cánh tay ta thấy đau
Thế rồi ta tỉnh dậy / mất cả tinh thần / ta đang mơ / ta đang thức
khi ta vẫn còn mơ / lúc này đây
và lần tới tìm cách nhớ trong khi mơ
rằng ta đang trong giấc mơ.
Và mơ bất cứ gì ta muốn lúc ta tỉnh dậy.
Khi tỉnh dậy ta thèm muốn gì đây?
Ta thèm thỏa mãn cái bụng xúc động của ta.
[Ta mơ ta
hói đầu / đang biến đi / khu học xá không còn nhận ra được / Ðại lộ Haledon
sẽ tràn ngập đèn neon / những nhà ngủ / những Siêu thị / sắt thép
những cổng vòm và những rừng cây thay đổi khi ta trở về / để gặp lại Ngài
Ngài sẽ là ông bố hói đầu / béo núc / ta có thể đuổi theo ngài tới nhà xe
Nếu vẫn còn cái nhà xe trên đồi / trên hành tinh / khi ta trở về. Từ châu Á.
Nếu như ta còn nhớ ra được ngay cả tên hay mặt cậu ấy / hay tìm ra cậu /
Khi ta lên mười / có lẽ cậu hiện hữu dưới một hình dạng nào đó.
Với một cái bụng và một dây thắt lưng và một chiếc xe
Tên họ cậu ấy là gì / ta không hề biết / trong niên giám điện thoại / trong hồ sơ Akashic.
Ta sẽ viết Cảm hứng mình để toàn Nhân loại nhớ.
Ý tưởng của ta, hang bí mật / trong phòng chứa quần áo / ngôi nhà kia có lẽ đã đổ /
Chẳng có gì phải trở lại / mọi thứ đã ra đi / chỉ ý tưởng ta
đang biến mất / ngay cả trong những giấc mơ / những khối bụi xám / sự hủy diệt
trong khoảnh khắc của Thế chiến II và tất cả những khẩu đại bác miệng ngời ánh thép
             không rỉ
còn ít hơn ta và những chiếc hôn thời ta cắp sách đi học ngữ pháp / ta chẳng bao giờ
             hôn kịp thời /
và tiếp tục hôn trong mơ và trên đường phố / như thể hôn cho muôn đời.
Không chẳng bao giờ để sót! Cả cái muôn đời xưa nhất của ta cũng đã ra đi, ở
Bangkok, ở Benares,
bị quét sạch với những chữ và thân xác / tất cả đi vào sắc nâu sông Hằng /
đi qua những nền đất cháy và / đi vào quốc gia cảnh sát.
Đầu óc ta, đầu óc ta / ngươi có sáu thước Ðất để đào xới /
Sao ngươi không nhớ và không gieo hạt Luật và thu gom những chồi Gì?
những nụ hoa vàng nở ra ý tưởng nào? Nếu ta mơ ta đang mơ / giấc mơ nào
ta nên mơ sau đó? Xích lô máy / vạch đèn sáng / taxi nhỏ /những móng ngựa
trên phố Sài Gòn lúc nửa khuya. Ankor Wat phía trước và những gương mặt Hindu
             xưa trong các phế tích
và có một giấc mơ về Vĩnh cửu. Ta phải mơ gì đây khi ta tỉnh dậy?
Có còn lại gì để mơ, thêm chút thịt kho Tàu? Thêm những câu Thần chú yêu thuật?
             Thêm những tuổi trẻ để yêu trước khi ta đổi thay & biến mất?]**
Toàn thân ta tim ta trên đầu ngón tay run với năm ba thỏa mãn thời xưa.
Những trang thơ nhịp điệu thánh thần đốt cháy những chữ bốc lửa
không thiêu rụi nhưng biến mất
Những bản viết bí ẩn trên giấy da của chính ta và vũ trụ lời giải đáp.
Bụng kề bụng và gối kề gối
Tia nóng vọt ra từ thân thể ta tới bạn tới bạn
ôi chàng trai / ôi Ngài mơ mộng / ông Hoàng Paterson / giờ đây đã là vua của ta /
             Haledon mất hút
giấc mơ đầu tiên làm ta kéo tuột cả quần
khẩn trương bày biện nào xe hơi / xe tải / lăn bánh xuống ngọn đồi đại lộ.
Lùi xa về quá khứ điều ta còn nhớ / nhưng mặt thủ lãnh đám băng kia
mầu vàng hoe / tay ấy yêu ta / một ngày nọ trên thềm nhà hắn cách mấy khu phố
suốt buổi chiều ta nói với hắn về câu Thần chú yêu thuật của ta
Ta không sao làm được bất cứ điều gì ta muốn / dinh thự / tiền triệu / dụng cụ hoá học /
             lồng gà/ ngựa trắng
những chuồng ngựa và phòng tra tấn ở tầng hầm / Ta thanh tra các nạn nhân
             trần truồng
bị trói lộn ngửa / đầu ngón tay ta run sự chấp thuận trên đùi họ
đôi má trơn tru trắng trẻo mà ta muốn hôn đâu cũng được
tùy ta. trên khung trăn tra tấn.
Ta đi qua với đám tùy tùng lực lưỡng / Chính ta cũng trần truồng
còng lưng xuống mông đưa ra
nhận những làn roi quất kết tội của chúng / ôi sức nóng của thèm muốn
như cứt trong lỗ đít ta. Đám băng nhóm lạ lùng
bên kia đường / qua cửa hàng tạp phẩm / trong đường rừng / giữa trời góc phố /
Bởi ta đã nói dối ông Nha sĩ về cái mái lồng gà / lợp ngói đen ta lấy cắp ở nhà xe ông
             và thằng bé ta yêu sẽ trừng phạt ta nếu nó biết ra
ta yêu hắn tới đâu. 
Và giờ đây ta có trong tay cậu bé kia trở lại một hình dạng vàng hoe khác
Peter Orlovsky một thằng bé người Tàu ở Bangkok khoảng mười hai mươi tuổi
Joe Army trong khu đại học / phần thắt lưng trắng vàng / miệng ta có những cái hôn
đầy cu thằng bé / đít ta cháy bỏng / đầy cu thằng bé
mọi thứ ta thèm muốn. Khi mơ và khi tỉnh
cái thân xác đẹp trai kia đã thuộc ta / đã được đáp
mọi thứ ta thèm muốn / yêu đương thầm kín / đôi mắt mở / cuối cùng để lộ / quần áo
             bừa bãi trên nền nhà
Đồ lót thứ đồ phô bày hơn cả bị lột tuột xuống quá rốn trên giường.
Thế là thế / ừ ừ / những con cu dẹp / vết châm đỏ lông mu mềm / một mình với ta
câu thần chú yêu thuật của ta. Quyền lực của ta / cái mà đơn độc ta thèm muốn /
             là cái sau 30 năm /
Ta mãi mãi đã được / sau ba mươi năm / đã đủ thoả mãn với Peter / với mọi thứ
             ta muốn /
với nhiều người đàn ông ta quen biết một thế hệ / tinh trùng chúng ta đi
             vào miệng và bụng chúng ta / đẹp đẽ khi tình yêu / trao tặng.
Giờ đây giấc mơ già đi / ta già đi / tóc ta dài tới một tuổi / sinh nhật ba mươi tám của ta
             gần kề.
Thêm những lời nói mơ? Ta không sao tiếp tục mãi. Bây giờ ta biết tất cả /
sẽ lụi tàn? Giờ đây khi ta biết mình đang mơ /
Tới đây ngươi sẽ ra sao Allen? Chạy xuống tới Dinh Tổng thống đầy Thuốc giảm đau /
Gà gáy inh ỏi / trên đường phố. / Những chiếc xe tải bình minh / Vấn đề là gì đây?
Giờ đây tôi có cần ngủ, khi ánh sáng rọi vào cửa sổ?
Ta sẽ đi ngủ. Chấm dứt hết cho đến / ý tưởng tới / chiếc xe van trống không dừng
trước cửa nhà ông Bác sĩ đầy những đồ đạc Trung hoa.
 
Sài Gòn, 31 tháng Năm - 01 tháng Sáu, 1963***
 
 
 
Allen Ginsberg. Ảnh chụp ở Ấn độ, mấy tuần lễ trước khi đến Sài Gòn.
 
 
* Dịch từ nguyên tác "Understand That This is a Dream", trong tập thơ Airplane Dreams: Compositions from Journals, Allen Ginsberg, The House of Anansi - Toronto xuất bản, 1968. Tập thơ được Allen Ginsberg ghi chú (30 tháng Ba 1968) là “gồm những bài viết từ Nhật ký ghi trong hai thập niên 1948-1968”, không hẳn là thơ, mà là những ghi chép... "Hãy hiểu rằng đây là một giấc mơ" được dịch khoảng cuối 1968 / đầu 1969 ở Sài Gòn từ ấn bản đầu tiên, tất nhiên là từ “những ghi chép”. Về sau trong các tuyển tập thơ Allen Ginsberg, nhà thơ đã cho in lại bài thơ viết ở Sài Gòn này với khá nhiều thay đổi, về vị trí của nguyên một đoạn thơ dài**, thay một ít từ, chỉnh một ít từ (Ankor thành Angkor), mấy chỗ chấm phẩy, và bớt đi vài câu. Người dịch vì những lý do trước tiên là ngôn ngữ, và một phần là lịch sử, đã muốn giữ nguyên bản dịch cũ (vừa được tìm thấy lại ở Sài Gòn tháng Sáu, 2005 tại một căn nhà nhỏ nằm sâu trong Khu phố Văn hóa 1, hẻm 238 đường Hồng Thập Tự cũ, Nguyễn Thị Minh Khai mới) khi đem giới thiệu với những bạn đọc từng yêu mến chất nguyên thủy, hay “nguyên si” trong cái viết của Ginsberg.
 
** Những câu thơ trong ngoặc [...] đã được tác giả chuyển từ giữa phần đầu bài thơ (như đã thấy trong bản dịch này) xuống giữa gần cuối bài thơ trong bản in Collected Poems 1947-1980, Allen Ginsberg, Harper & Row, Publishers, 1984.
 
*** Allen Ginsberg rất có thể đã “ghi chép” bài thơ ngay trên chuyến bay Bangkok - Sài Gòn, có nghĩa vài giờ trước ngày 1.6.1963 là ngày ông đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Ginsberg ở Sài Gòn 5 ngày 4 đêm, và như chúng tôi được biết, tuy có nói chuyện với vài nhà sư tranh đấu, ít sĩ quan trong quân đội (theo Dharma Lion – A [Critical] Biography of Allen Ginsberg, Michael Schumacher, St. Martin Press, 1992), phần lớn thì giờ ông ngồi chuyện trò tại văn phòng United Press của Neil Sheehan (theo Ginsberg – A Biography, Barry Miles, Simon and Schuster, 1989). Như thế, ngoài phóng viên các báo Mỹ: Time, Newsweek, New York Times... gặp tại văn phòng hãng thông tấn UP, ông có thể đã chỉ tiếp xúc ngắn với cánh duy nhất là tạp chí Sáng Tạo – hình như chính xác là ông Lê Huy Oanh? Những phản ánh về cuộc tiếp xúc này trên báo Sáng Tạo thời ấy hẳn nói lên những người làm thơ ở Sài Gòn chúng ta thời ấy đã tiếp xúc với thơ Ginsberg như thế nào.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021