thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lời nói đầu | Ars poetica | Gửi người lầm lạc | Không thêm nữa | Thật ít
(Nguyễn Phan Thịnh chuyển ngữ)
 

LỜI NÓI ĐẦU

 
Trước hết, ngôn ngữ đơn sơ bằng tiếng mẹ đẻ,
Nghe là bạn có thể nhìn thấy
Những cây táo, một con sông, khúc quanh một con đường,
Như dưới ánh nháng lên của một tia chớp mùa hè.
 
Và tiếng nói ấy chứa đựng nhiều hơn cả những hình ảnh,
Nó đã được ru bằng lời ca,
Một giấc mơ màng, giai điệu. Không phòng vệ,
Nó bị vượt qua bởi thế giới sắc, khô.
 
Bạn thường tự hỏi tại sao bạn cảm thấy xấu hổ
Hễ khi bạn xem qua một tập thơ.
Tưởng như tác giả, vì những lý do với bạn mơ hồ,
Nhắn gửi phía tồi tệ hơn của thiên tính bạn,
Gạt một bên suy tưởng, lừa gạt nghĩ suy.
 
Theo mùa những câu đùa cợt, diễu hề, châm biếm,
Thi ca vẫn biết cách chiều lòng.
Rồi tài khéo của nó được nhiều thán phục.
Nhưng những cuộc chiến nghiêm trọng ở nơi sự sống lâm nguy
Đang diễn ra trong văn xuôi. Trước đây không phải luôn như thế.
 
Và niềm ân hận của chúng ta vẫn chưa được thú nhận.
Các tiểu thuyết và luận văn phục vụ nhưng sẽ không dài lâu.
Một khổ thơ trong sáng có thể mang nhiều trọng lượng
Hơn cả một toa tàu văn xuôi kỳ công.
 
(Treatise on Poetry)
 

ARS POETICA?

(NGHỆ THUẬT THI CA?)
 
Tôi đã luôn luôn khát khao một hình thức khoảng khoát hơn
nhằm thoát khỏi những ràng buộc của thi ca hay văn xuôi
để chúng ta hiểu nhau mà không phải giãi bày
những nỗi đau siêu phàm trước tác giả hay người đọc.
 
Trong chính bản chất thi ca có gì đó không nghiêm chỉnh:
một điều được nói ra mà chúng ta không biết mình đã cưu mang,
vậy nên chúng ta chớp mắt, làm như một con hổ phóng vọt ra
và đứng giữa ánh sáng, quất đuôi.
 
Đó là lý do tại sao thi ca được nói đúng là viết theo giọng đọc của một con quỷ
dù cứ khăng khăng phóng đại phải là của một thiên thần
khó mà nói từ đâu có niềm kiêu hãnh đó của nhà thơ
khi bao lần họ chịu xấu hổ vì phơi bày tính yếu đuối.
Cái một người biết điều muốn lại là một thành phố của bầy quỷ,
bọn hành xử như chúng đang ở nhà mình, nói nhiều thứ tiếng,
và bọn, chưa thỏa mãn với trò ăn cắp đôi môi và bàn tay của anh,
cố công thay đổi phận số anh vì tiện lợi của chúng.
 
Sự thật là những gì bệnh họan ngày nay được đánh giá cao,
vậy nên bạn có thể nghĩ rằng tôi chỉ đang đùa cợt
hay đã bày đặt thêm một phương pháp nữa
ngợi ca Nghệ Thuật với sư trợ giúp của mỉa mai.
 
Có một thời chỉ những quyển sách khôn ngoan được đọc,
giúp chúng ta chịu đựng đớn đau thống khổ.
điều này, cuối cùng, không như vậy nữa
khi lật qua một ngàn tác phẩm mới toanh từ những bệnh viện tâm thần.
 
Tuy nhiên thế giới này khác với những gì có vẻ
và chúng ta không giống như chúng ta nhìn thấy chính mình trong cơn điên dại.
Con người vì vậy gìn giữ lòng chính trực thầm kín,
Hầu gặt hái sự tôn trọng của thân quyến xóm giềng.
 
Mục đích của thi ca là nhắc nhở chúng ta
khó khăn biết chừng nào để vẫn chỉ là mình,
vì nhà chúng ta mở cửa, không có chìa khóa ở những cánh cửa,
và những vị khách vô hình tùy thích vào ra.
 
Những gì tôi đang nói đây, tôi đồng ý, chẳng phải là thi ca,
vì những bài thơ nên được viết hiếm hoi và miễn cưỡng,
dưới cưỡng ép bất kham và chỉ với hy vọng
rằng những thần linh thiện hảo, chứ không phải quỷ dữ xấu xa, chọn chúng ta để làm công cụ.
 
                                                                    Berkeley, 1968
(City Without Name)
 

GỬI NGƯỜI LẦM LẠC

 
Anh, người lầm lạc, một kẻ giản đơn
Cười ồ trước tội ác,
Và lôi cuốn quanh anh một bọn điên rồ
Xáo trộn thiện ác, xóa mờ đường ranh.
 
Dù mọi người khom cúi trước anh,
Ca tụng đức hạnh và trí tuệ soi sáng đường anh đi,
Những tấm huy chương vàng lấp lánh vinh danh anh,
Mừng vui đã sống thêm ngày nữa.
 
Đừng tưởng an toàn. Nhà thơ nhớ.
Anh có thể giết một người, nhưng có người khác ra đời.
Lời chữ được ghi lại, mọi việc, tháng năm.
 
Và đáng lẽ anh đã đẹp tốt hơn với một bình minh mùa đông,
Một sợi thừng, và một nhánh cây cong vòng dưới sức nặng của anh.
 
                                                                    Washington,D.C., 1950
(Daylight)
 
 

KHÔNG THÊM NỮA

 
Tôi nên kể lại làm sao một lần tôi đã đổi thay
Các quan điểm của tôi về thi ca, và làm sao lại thành ra
Ngày nay tôi tự xem mình như là một trong nhiều
Thương gia và nghệ nhân của Nhật Bản cổ xưa,
Những người xếp đặt những câu thơ quanh những nụ anh đào
Những bông hoa cúc và mặt trăng tròn.
 
Giá như tôi có thể tả những cô gái điếm ở Venice
Khi trên thềm hiên họ chọc ghẹo con công bằng một cành con,
Và ngoài lớp gấm thêu kim tuyến, những hột ngọc trai,
Hở phơi những bộ vú to và vết hằn đo đỏ
Nơi áo xống cài khuy in dấu lên da bụng
Sinh động như dưới mắt nhìn của thuyền trưởng tầu buôn
Cặp bờ sáng hôm ấy với cả một kho vàng;
Và nếu tôi có thể tìm gặp đám xương khốn khổ của họ
Nơi nghĩa trang với cánh cổng mấp mé nước váng dầu
Một lời nói lâu bền hơn chiếc lược họ đã dùng lần cuối
Hư mục dưới những mộ chí, đơn độc, trông chờ ánh sáng.
 
Thế thì tôi sẽ không hồ nghi. Vì vấn đề miễn cưỡng
Có thể thu thập được những gì? Không gì hết, may lắm chỉ cái đẹp.
Và vì thế, những nụ anh đào là đủ cho chúng ta
Và những bông hoa cúc và mặt trăng tròn.
 
                                                                    Montgeron,1957
 

THẬT ÍT

 
Tôi đã nói thật ít,
Những ngày ngắn ngủi.
 
Những ngày ngắn ngủi,
Những đêm ngắn ngủi,
Những năm ngắn ngủi.
 
Tôi đã nói thật ít,
Tôi không thể theo kịp.
 
Trái tim tôi mệt nhoài
Vì vui thú,
Tuyệt vọng,
Nhiệt tình,
Hy vọng.
Hàm răng thủy quái
Đang ngoạm chặt lấy tôi.
 
Trần truồng, tôi nằm trên bờ biển
Của những hòn đảo sa mạc.
 
Con cá voi trắng của thế giới
Kéo tôi xuống lòng hố của nó.
 
Và bây giờ tôi không biết
Trong tất cả đó có gì là thật.
 
                                   Berkely, 1969
 
----------------------------
CZESŁAW MIŁOSZ, nhà thơ Ba Lan, Giải Nobel Văn Chương 1980, đã được dịch giả Diễm Châu giới thiệu tiểu sử và chuyển ngữ một số thi phẩm trên tienve.org. Ông vừa từ trần ngày 14-8-2004.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021