thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bài thơ những người lưu vong | Bài kinh cầu
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
JOZEF WITTLIN
(1896-1976)
 
Jozef Wittlin [Dmytrow, 17.08.1896 – New York, 28.02.1976] là một trong những nhà văn sáng chói nhất giữa hai cuộc Thế chiến. Ông ra đời trong một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Podolé, khi vùng này còn thuộc Ba-lan. Ông học triết, lịch sử mỹ thuật và ngôn ngữ [Đức và Pháp] tại đại học Vienne, nhưng phải gián đoạn vì Thế chiến I bùng nổ. Được giải ngũ sau chiến tranh, ông tiếp tục học trở lại. Từ 1919 đến 1924, ông làm giáo viên, sau đó dạy tại Trường kịch nghệ Lodz, rồi làm Giám đốc văn học Nhà hát Thành phố ở đây, đồng thời giữ mục phê bình kịch nghệ cho tờ Glos Polski. Bài thơ đầu tay của ông, “Prolog Ku Czci Zygmunta Krasinskiego” xuất hiện trên tờ Wici năm 1912, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của nhà thơ tiểu thuyết gia và nhà hoạt động sân khấu Zygmunt Krasinski. Ông thực sự dành thời gian cho sự nghiệp viết lách từ khi chuyển đến sống ở Varsovie. Sự nghiệp ấy bao trùm nhiều mặt, khởi đầu là thơ ca với Những bài tụng ca [Hymny, 1920], cũng là loại hình ông tiếp tục trong nhiều năm về sau. Thời gian này ông liên kết với những nhà thơ biểu hiện, làm thơ, viết phê bình cho nhiều tờ báo văn học, hoạt động viết lách với nhóm “Skamander”. Ông cũng nổi tiếng là dịch giả tác phẩm Odyssée của Homère qua tiếng Ba-lan [xuất bản 1924] bằng thể thơ sáu âm tiết Hi-lạp, và đến năm 1935 với một bản dịch mới tác phẩm này ông đoạt Giải thưởng Pen Club của Ba-lan.
 
Trong số các tác phẩm văn xuôi của người về sau được mệnh danh là “Homer của Ba-lan” [Zygmunt Kubiak, trong bài đề tựa cho cuốn Muối của Đất], có thể kể Chiến tranh, Hoà bình và Tâm hồn nhà thơ [Wojna, Pokoj i Dusza Poety, 1925] một tập tuyển những tiểu luận được viết với quan điểm hoà bình. Quan điểm hoà bình này cũng là chủ đạo trong tiểu thuyết Muối của Đất * [Sol Ziemi, 1935/1936] xuất bản ở Ba-lan và lập tức được dịch và ấn hành tại chín quốc gia, trước tiên là Pháp* — tác phẩm từng gây một tiếng vang mạnh mẽ trên thế giới và đoạt hai giải văn học “Wiadomosci Literackie” [Tin Văn học, 1936] và “Zloty Wawrzyn” [Vòng Nguyệt quế, 1937] ở Ba-lan. Thế chiến II bùng nổ, cũng chính do những chủ trương hoà bình của mình, ông từ chối tham gia chiến tranh, sống lưu vong ở Pháp rồi qua ngõ Bồ Đào nha ông đến New York [1941], và từ 1941-1943 ông tham gia biên tập báo Tygodnik Polski [Tuần báo Ba-lan], rồi sau đó làm việc cho Đài châu Âu Tự do [1952] trong lúc vẫn sáng tác, tiếp tục dịch nhiều tác giả nước ngoài** và hợp tác xuất bản những ấn phẩm văn học Ba-lan — do đó đã đoạt Giải thưởng [Alfred] Jurzykowski 1965, là một giải thưởng thường niên năm 1969 đã được trao cho một nhà thơ Ba-lan khác mà ai cũng nghe nói đến: Czeslaw Milosz.
 
Jozef Wittlin thuộc thế hệ những người bị tổn thương nặng nề bởi chiến tranh. Trước sau ông vẫn đươc biết như một nhà văn dấn thân, và tình cảm chống chiến tranh không chỉ bàng bạc trong thơ văn, mà cả trong những hoạt động của ông, từ ngày bỏ quê hương ra đi cho đến khi vĩnh viễn nằm xuống ở New York.
 
Năm 1996, một Hội nghị quốc tế kỷ niệm một trăm năm ngày sinh và hai mươi năm ngày mất của Jozef Wittlin đã được Đại học Columbia ở Mỹ tổ chức, và tập tuyển Between Lvov, New York and Ulysses’ Ithaca do nhà thơ nữ Ba-lan Anna Frajlich chủ biên gồm những bài viết và nghiên cứu về nhà thơ được ấn hành năm 2001 [Đại học Nicholas Copernicus, Torun, Ba-lan / New York]
 
Những tác phẩm chính: Những bài tụng ca [Hymny, Poznan 1920], Muối của Đất [Sol Ziemi, Varsovie 1935], Những chặng đường [Etapy, Varsovie 1933 — kể lại với giọng điệu lạc quan chuyến đi qua Ý, Pháp và Nam Tư, mà ông gọi là “bút ký văn học”], Lwow của tôi [Moj Lwow, New York 1946 — một thứ hồi ký viết về thành phố quê hương và những hồi ức về thời thơ ấu và thời trẻ tuổi của tác giả], Orpheus trong Địa ngục Thế kỷ XX [Orfeusz W Piekle XX Wieku, Paris 1963 — gồm những nghiên cứu và tiểu luận có tính tự thuật trong đó nổi rõ những hiện tượng khủng hoảng văn hoá ở châu Âu]
 
--------------
* Ở Mỹ, bản dịch Salt of the Earth [1941] đã đem lại cho tác giả những vinh dự hiếm có: Giải thưởng American Academy of Arts and Letters và Giải National Institute of Arts and Letters [1943]
** Sol Ziemi xuất bản năm 1935 [ngày ghi là 1936] là cuốn thứ nhất của tiểu thuyết thoạt đầu được dự kiến sẽ gồm ba cuốn, Jozef Wittlin khởi viết từ những năm 1920. Tiếc là bản thảo hai cuốn sau đã bị thất lạc [mãi đến năm 1972 nguyệt san Kultura mới phổ biến những trích đoạn của cuốn thứ hai], và cũng rất tiếc là tác giả đã không hoàn thành bộ ba này.
*** Ngoài những tác phẩm do ông tuyển chọn, ông còn dịch trên hai mươi tiểu thuyết và kịch của các nhà văn nhà thơ như Vincente Aleixandre, José Luis Cano, Carlos Bousono, Rainer Maria Rilke, José Hierro, Alphonso Gatto, Umberto Saba, Buonarroti Michelangelo, Francisco Brines, Miguel Hernandez, Giovanni Battista Strozzo, Salvatore Quasimodo, William Carlos Williams, Wystan Hugh Auden, Joseph Roth và cuốn Steppenwolf của Herman Hesse... [nếu liệt kê đủ, danh sách chắc còn dài hơn nhiều lắm]
 
_____________
 
 

Bài thơ những người lưu vong

 
Hắn sử dụng những trò phù phép quái đản
chung quanh hắn thế giới
ngày càng trở nên hoang vắng
 
còn hắn thì trong sa mạc hoang vắng ấy
bằng sự tự do ăn nói hắn
lên tiếng ngợi ca sự ăn nói tự do.
 
 
 

Bài kinh cầu

 
Trước tất cả những gì hiện đang diễn ra — ta câm miệng.
Ta câm miệng trước những đồng loại bị sỉ nhục của ta.
Câm miệng trước sự xúc phạm tổn thương đồng loại ta
Câm miêng trước nước Ba-lan sau thời kỳ Thống chế,[1]
Trước những kẻ thiếu ăn và bọn no nê thừa mứa
Và những kẻ bị đánh gục trong một trận chiến không ngang sức.
Câm miệng trước nỗi khốn khó của nông thôn
Câm miệng trước số phận cam chịu của dân quê.
Và trước những tâm hồn đen tối của bọn áp bức
Câm miệng trước những tâm hồn tối đen của kẻ bị bức hiếp.
Câm miệng trước bọn người xúi giục kẻ nàỳ chống kẻ kia
Câm miệng trước đám dân yếu và bị bạo hành không gì chống đỡ
Và trước trại Bereza[2] hiện hữu ta câm miệng.
Câm miệng trước những cái còng ở cổ tay nhà thơ.
(Và trước cả ông, thưa Ngài ngự sử, ta cũng câm miệng,
Cái im lặng của ta, xin ông vui lòng chớ kiểm duyệt.)
 
Ta câm miệng trước tất cả những gì từ lương tâm mình
Làm thành một vết thương rướm máu, nhiễm độc, mưng mủ.
Câm miệng trước mọi thứ đang uy hiếp ta
Câm miệng trước những ác mộng đêm tối áp đặt
Lên trái tim chất chứa khiếp đảm và đắng cay của ta
Trước những hố thẳm vừa mở ra
Tâm hồn ta thét lên bằng im lặng.
Ta câm miệng trước mọi tội ác ta nhìn thấy
Câm miệng trước mọi kẻ hèn nhát được vũ trang,
Trước hàng tấn máu đổ ra một cách vô ích
Câm miệng trước những cuộc chiến đã xảy đến
Câm miệng trước những cuộc chiến sẽ nổ ra ngày mai.
Câm miệng trước những trẻ em ở nhà xác Madrid.
Câm miệng trước những ân huệ của bom đạn và hơi ngạt.
Câm miệng trước những vụ án ở Mạc-tư-khoa.
Câm miệng trước lũ quỉ dữ lan tràn khắp trái đất này.
 
Thượng đế, người là kẻ phán xét lời nói và việc làm của con
Sự im lặng của con xin người chớ trừng phạt quá mức.
 
 
--------------
“Bài thơ những người lưu vong” [Poème d’émigrés] trích từ tập tuyển đầu tiên Poésies xuất bản ngoài Ba-lan năm 1977, một năm sau khi nhà thơ qua đời; “Bài kinh cầu” [Litanie] trích từ lần tái bản tập thơ trên ở Varsovie năm 1981. Cả hai đều được dịch từ bản Pháp ngữ trong tập Témoins — Quarante-quatre poètes Polonais contemporains (Paris: Les Ateliers du Tayrac, 1997).
 
_________________________

[1]Thống chế Jozef Pilsudski [1867-1935], Tổng tư lệnh các lực lượng Ba-lan năm 1918. Sau đó, ông cầm quyền cho đến lúc qua đời [1926-1935].

[2]Bereza Kartuska, tên một địa danh năm 1934 được sử dụng làm “trại tập trung” để cô lập những người chống đối chế độ các đại tá trong quân đội.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021