thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nẻo ma về [1]

 

Khứa Lão ngồi trên bàn thờ. Trước mặt lão, bát hương bằng sành với ba cây nhang khói nghi ngút, một ly rượu tây (nhãn hiệu tuỳ bữa) và một điếu thuốc lá (bao giờ cũng là Philip Morris). Sau lưng Khứa Lão, trên bức tường cao, tấm hoành phi sơn son, tương truyền do Khứa Lão phán lúc say xỉn trong đám giỗ cụ tổ thứ nhất dòng họ Hùng, rất khẩu khí tông đường: “Ta là chân lý và bởi chân lý”.

Có thể chân lý là điều cấm bàn cãi nên Khứa Lão không những được cúng kiếng trong nhà thờ tổ họ Hùng, mà còn được dựng tượng thờ kính trong một số đình miếu khác do dòng dõi Khứa Lão xây dựng để kinh doanh sự mê tín. Tuy nhiên, chỉ tại nhà thờ tổ họ Hùng ở Thanh Hóa, Khứa Lão mới thật sự hiển linh. Những ai đã từng đến viếng nhà thờ tổ họ Hùng mà thiếu lòng tin vào Khứa Lão đều bị trả thù. Nhẹ nhất là khứu giác bị đầu độc bởi mùi mắm tôm kinh niên. Kẻ nào nguyền rủa sự độc ác của lão, có thể cảm thấy khó thở như bị dây thòng lọng siết cổ.

Thật ra, đấy chỉ là những tin đồn mà tôi cho rằng chính con cháu Khứa Lão loan truyền nhằm thu hút sự hiếu kỳ của bá tánh. Vốn là sản phẩm của trí tưởng tượng, tin đồn vì thế luôn được thêm thắt, mỗi ngày một chút, mỗi nơi một khác. Cho đến một ngày kia, tin đồn trở thành niềm tin và Khứa Lão được xưng tụng như một Bồ Tát. Và hiển nhiên là Bồ Tát, sự bàn cãi bị coi là mầm mống phản động.

Ở xóm tù mù hốc bà tó giữa kinh thành, có một ngôi miếu cổ mang dấu ấn Chăm, một cách lạ thường và gần như bị bỏ quên. Mọi người bảo ở đấy có ma. Một ngày chẳng để làm gì, bỗng tôi có ý định khám phá cái bí mật hoang liêu của nó. Tôi vẫn thích cái thú trầm mình vào quá khứ. Sự cổ kính luôn làm cho tôi ngợp thở bởi sức nặng sâu dày của thời gian. Khi lắng xuống tầng sâu của vô thức, tôi có cảm giác mình thông tuệ hơn như một trải nghiệm về bản thể mà sự hiện hữu của tôi giống như cái cây cắm rễ vào đất. Tuy nhiên, khi bước qua cánh cửa gỗ cũ kỹ và có phần ọp ẹp của ngôi miếu, tượng của thành hoàng đã đập ngay vào mặt tôi, đầy thách đố. Tôi nhận ra ngay kẻ khó chịu khó ưa này là Khứa Lão, không cần bất cứ lời giải thích nào. Làm sao lão có thể có mặt trật trìa trong ngôi miếu cổ không dành cho lão này? Một câu hỏi không hồi đáp. Mặc dù, tôi biết đấy chỉ là một trò gian lận của con cháu lão.

Tôi đến gần bức tượng. Khứa Lão có khuôn mặt gầy, đôi mắt sáng soi mói. Chòm râu dài đúng kiểu Việt Nam. Tuy nhiên, lão lại mặc một chiếc áo Tàu. Tôi chẳng có lý do gì vái lạy lão. Lão lừ mắt nhìn tôi. Tôi cũng lẳng lặng quan sát lão. Tấm hoành phi màu đỏ phía sau lưng lão dường như càng lúc càng đỏ hơn, cho đến lúc cả căn phòng đỏ rực, tôi cảm thấy nghẹn họng. Dường như có bàn tay ai bóp cổ tôi. Bất giác tôi đưa tay sờ cổ mình. Không có gì. Khi bỏ tay xuống, tôi lại thấy như bị bóp cổ. Tôi đưa tay lên cổ lần nữa. Hoàn toàn không có gì.

Quả thật, cũng hơi ớn lạnh, tôi bước sang phòng bên cạnh. Trống trơn. Tuy nhiên tôi cũng kịp nhìn thấy vài ống kim chích, vài bao cao su đã qua sử dụng.

Hình như có ai vừa bước vào gian chính. Tôi quay nhìn. Một bà sồn sồn, khuôn mặt son phấn kỹ, nhưng chỉ mặc bộ đồ ở nhà, có áo khoác ngoài. Bà ta thắp nhang và quỳ lạy. Sau đó, bà ngồi bệt xuống đất. Tôi nghĩ bà tụng kinh.

Bước ra ngoài, tôi nhìn quanh quất khoảnh sân rộng. Những cây cúc vàng thiếu chăm sóc mọc như cây dại.

Nắng choáng.

Vào thế kỷ thứ 15, một người đàn ông Chiêm Thành được Hùng quan Đại Việt tuyển về tư dinh trong số hàng trăm đàn ông Chăm khác bị bắt làm nô lệ sau một trận đánh phía bên kia đèo Hải Vân. Gã đàn ông tên Rama được Hùng quan chọn bởi có tài điêu khắc. Bản thân Rama cũng đẹp như một pho tượng gỗ mun. Gã thợ đục đẽo ấy đã tạo tác cho ông quan những cánh cửa chạm trổ sang trọng với xà cừ, những bộ bàn ghế cầu kỳ và nguyên cả một trần nhà rộng mô tả tỉ mỉ cuộc chiến đấu ngoan cường của con người với ma quỉ, rất tinh vi. Ngoài ra, gã cũng dành hết tâm trí và tài năng tạc cho ông chủ của mình một vũ nữ Chăm duyên dáng với đôi vú trần tuyệt hảo nồng nàn, mà Hùng quan rất tự hào sở hữu. Theo thời gian, đôi vú ấy càng ngày càng bóng lộn và quyến rũ vì được không biết bao nhiêu lần, bao nhiêu người ve vuốt.

Riêng gã Rama khiêm tốn, tất cả thời gian còn lại trong cuộc đời nô lệ, gã tẩn mẩn nắn nót đục đẽo một linga to gấp đôi của mình với tất cả các chi tiết chi li từ đường gân trên thân dương vật đến nếp nhăn của bìu dái. Nó thật đến độ cháy bỏng cho những thèm muốn của mọi phụ nữ khi nhìn thấy. Vì thế, cục linga bằng gỗ cẩm lai ấy tự thân linh thiêng và gã phải giấu kín trong nhà mình vì sợ xúc phạm thuần phong mỹ tục của người Đại Việt. Gã biết giá trị thần thánh của linh vật cũng như bản năng phi phàm của mình.

Hùng quan có hai con gái tuổi “cập kê”. Cô chị Hùng Thị Thuý Kiều, đẹp mảnh mai và dâm lồng lộng. Cô em Hùng Thị Thuý Vân, dù vú to mông nở nhưng lại đoan trang thuỳ mị công dung ngôn hạnh. Tính cách khác biệt, nhưng hai chị em thân thiết quấn quít nhau.

Một tối, khi hai chị em đã nằm trên giường chuẩn bị ngủ, cô chị không dằn lòng được, buông một câu lững lờ: “Gã thợ mộc người Chăm ấy đẹp giai nhỉ.”

Cô em ỡm ờ: “Ừ.”

Cô chị: “Chị thích đàn ông ngăm đen, lông lá.”

Cô em: “Em không thích. Nhìn bẩn lắm.”

Cô chị: “Rắn chắc. Cứ như tượng.”

Cô em: “Chị thích hắn thật à?”

Cô chị: “Chị cũng không biết nữa. Quanh đây không ai bằng hắn.”

Cô em: “Cha mà biết, chết đấy.”

Cô chị le lưỡi giả bộ sợ hãi. Tuy nhiên cô vẫn nói tiếp: “Hôm nọ chị nhìn thấy hắn.”

Cô em tò mò: “Chị nhìn thấy gì?”

Cô chị: “Thấy hắn cầm cái cục gỗ... ghê lắm.”

Cô em vẫn tò mò: “Cục gỗ thì có gì mà ghê?”

Cô chị: “Nhìn nó giống cái ấy, ấy...”

Cô em: “Thì kệ hắn. Thôi em ngủ đây.”

Cô chị: “Ừ, ngủ đi.”

Đêm ấy dài và lăn lóc những cục gỗ.

Cô chị nói: “Hình như cái cục gỗ ấy là thần linh của hắn.”

Cô em: “Sao chị chưa ngủ?”

Cô chị: “Em cũng chưa ngủ mà?”

Cô em: “Em không ngủ được.”

Cô chị: “Chị nghe nói người Chăm thờ linh vật là cái ấy.”

Cô em: “Em không hiểu.”

Cô chị: “Chị đoán rằng nó mang lại hạnh phúc.”

Cô em: “Kỳ cục.”

Cô chị: “Chị lại có cảm tưởng điều ấy đúng.”

Cục gỗ mang hình bóng đàn ông đã vướng vất trong đầu cô Hùng Thị Thuý Kiều.

Một đêm khác, khi cô đang ngủ, có tiếng lọc cọc ngay dưới sàn nhà. Lúc đầu, cô nghĩ là chuột, nhưng tiếng lọc cọc lăn đều và đanh gọn như của một vật nặng. Khi tới sát chân giường, tiếng lọc cọc ngừng lại. Cô mở mắt và xoay đầu nhìn. Trời tối, nhưng cô nhìn thấy nó. Cái cục gỗ mà người đàn ông người Chăm coi là linh vật đang đứng thẳng theo đúng tư thế của nó. Cô tự hỏi, phải chăng hắn quăng vào phòng mình? Hắn có thể liều đến thế sao? Dù sao cũng phải cầm nó lên và giấu đi. Cô cúi người xuống nhặt vội vã luồn tay vào trong chăn. Cô vẫn cầm nó và dù rất muốn, cô không dám nhìn. Cô cảm nhận nó bằng tay. Không thể nói hết sự kỳ lạ ngổn ngang trong sâu thẳm lòng cô.

Dù đêm hay ngày, cô giấu kỹ cục gỗ thần thánh ấy trong chăn.

Cô không dám nói gì với cô em. Và quả thực cô cũng chưa bao giờ đưa nó ra ánh sáng để nhìn ngắm. Sự bí ẩn của nó làm cô sợ, dù mỗi tối cô đều cầm nó trong tay.

Đôi khi trong bóng đêm, cô thấy gã đàn ông người Chăm đi lang thang trong vườn.

Cô nói với bà già nấu ăn trong bếp: “Cháu thấy ma.”

Bà già nấu ăn hỏi lại: “Cô thấy làm sao?”

Thuý Kiều: “Cháu thấy có người đàn ông ban đêm đi lang thang trong vườn.”

Bà già: “Thế thì đâu phải ma.”

Thuý Kiều: “Nếu không phải là ma, người ta lang thang vào ban đêm làm gì?”

Bà già: “Cái đấy cũng còn phải tuỳ người cô ạ.”

Thuý Kiều: “Thế người mà cháu thấy làm gì?”

Bà già: “Làm sao tôi biết được khi tôi không biết người ấy là ai.”

Thuý Kiều: “Cái gã thợ mộc người Chăm ấy.”

Bà già: “À, gã ấy thì tôi biết rồi. Hắn nhớ nhà đó.”

Thuý Kiều: “Không phải đâu.”

Bà già: “Sao cô biết là không phải.”

Thuý Kiều: “Cháu cũng không biết nữa. Nhưng chắc là không phải.”

Không nói ra, nhưng cô tin rằng gã đàn ông người Chăm đó đi lang thang suốt đêm chỉ để tìm lại linh vật của mình. Vì cô đang giữ nó.

Cứ mỗi đêm, khi trời đất trở mình qua một ngày mới, cũng là lúc gã người Chăm tỉnh thức. Và hắn cảm nhận được ngay cái tình thế lủng lẳng vô trú xứ của mình. Sự xa vắng trong đêm cũng là nỗi trống trải của hắn. Nỗi nhớ nhà như ghẻ ngứa. Niềm cô quạnh như cơm thiu. Thời gian không chỉ làm cho khoảng cách với quê hương dài thêm, mà giống như ngọn lửa lụi tàn. Mặt đất không còn là nơi cho người ta cắm xuống cuộc đời mình, mà trở nên tráo trở. Hắn bước ra giữa trời. Trầm mình giữa đêm. Giữa háng hắn, linh vật đã biến mất vào hoang vu.

Cứ thế, hắn đi như người mộng du. Trời không còn là trời của hắn. Đất không còn là đất của hắn. Đêm không còn là đêm của hắn.

Cái linh vật vốn là linh hồn của hắn đã bỏ đi. Hắn không hiểu được ai có thể ăn cắp cái linh vật ấy mà không bị vật vã ngày đêm?

Việc đẽo một linga khác, với hắn không là gì. Nhưng hắn không làm, bởi vì người ta không thể chế tạo một linh hồn khác.

Những người đàn bà trong gia trang dường như đều biết việc hắn bị mất linh vật. Bởi từ cái đêm không may ấy, hắn mất khả năng cảm hứng. Hắn không còn ca hát những bài hát Chăm buồn bã. Hắn cũng không uống rượu tiêu sầu hay trầm mặc. Họ không hiểu giữa cái bên ngoài và bên trong hắn liên đới như thế nào. Họ nói với nhau “hắn thẫn thờ làm sao ấy”.

Hắn lầm lì làm việc, hầu như không mở miệng. Thậm chí, hắn còn thường giả vờ không nghe người khác hỏi để khỏi phải nói. Nhưng không vì thế mà sức quyến rũ của hắn đối với phụ nữ kém phần khốc liệt. Một bà từng nói, “mỗi khi hắn nhìn tôi, tôi như bị đốt cháy”. Sự cô độc khủng khiếp của hắn như sa mạc nuốt hết cả gió trời.

Và khi phụ nữ nhìn hắn, họ cũng nhìn thấy nỗi thèm khát sâu kín của mình.

Trong gia trang của Hùng quan có một khu cho gia nhân ở. Riêng Rama được tách ra ở một mình và cũng là chỗ làm xưởng mộc của gã. Đó là tưởng thưởng của Hùng quan dành cho gã sau khi tấm trần hoành tráng mô tả cuộc chiến của sinh tử hoàn thành. Gã có việc quanh năm, không chỉ là sửa chữa hay làm mới các công trình trong gia trang, mà còn cung hiến tài năng cho những phẩm vật mà Hùng quan muốn trao đổi với bạn bè.

Hùng Thị Thuý Kiều không phải là mẫu người thích hái hoa bắt bướm, nhưng đó lại là cái trò tiểu thư ma mãnh màu mè sến sẩm để cô có lý do dạo gót hài trâm anh đến quanh quẩn bên mái tranh ẩn khuất một linh hồn kiêu bạt kia. Tiếng đục đẽo của gã là một khúc ca hoan lạc. Nó làm cho vườn rau cải dịu dàng và những khóm hoa hồng kiêu hãnh trong gia trang của cha cô nhấp nhổm.

Có một ngày rộn ràng nắng và mây trời phơi phới, cô đường đột ghé mắt vào căn nhà nhỏ của gã thợ mộc.

“Chú ơi, chú bắt giùm tôi con bướm được không?”

Gã thợ mộc kinh hoảng phần hồn còn lại, bàn tay cầm dùi đục còn lơ lửng trên không, lắp bắp: “Bẩm cô chủ bảo sao ạ?”

“Bắt giùm tôi con bướm.”

“Nó ở đâu ạ?”

“Nó ở ngoài kia.”

Gã thợ mộc buông đồ nghề, bước ra. Cô chủ làm gã chói mắt.

“Bẩm cô ở đâu ạ?”

“Làm sao tôi biết nó ở đâu?”

Gã thợ mộc đã hoàn hồn.

“Bẩm cô, tôi hứa sẽ bắt cho cô.”

Từ hôm ấy, gã thợ mộc trở thành chàng bắt bướm. Chàng làm một cái vợt, mỗi buổi trưa chàng ra vườn đợi bướm bay, chờ bướm đậu và chàng nghĩ đến nàng với một lòng tôn kính vô hạn.

Mỗi khi bắt được bướm, chàng giữ nó luôn trong vợt và đợi cô đến. Và không phải khi nào cô cũng đến. Vì thế, khi bướm chết, chàng bỏ tất cả vào một cái hộp bằng gỗ giáng hương do chính chàng làm. Trên nắp hộp, chàng khắc hình hai con bướm bay.

Dù sao, tấm lòng tận tuỵ của chàng cũng đôi khi được cô đoái hoài. Khi cô đến, nếu may mắn con bướm còn sống, chàng sẽ cẩn trọng và thành kính chắp hai bàn tay như cái lồng giữ nó bên trong và đặt vào hai bàn tay đang ngửa ra của cô cũng không kém phần trân trọng đón nhận. Những lúc ấy, đôi mắt cô rực sáng và đôi môi cô hé nở. Cô cứ để mở bàn tay cho con bướm đậu và tự nhiên cho con bướm bay. Rồi cô cười. Tiếng cười hạnh phúc hồn nhiên của cô làm xáo động cả ba nghìn thế giới của chư Phật.

Khi cô đến, nếu chẳng may bướm chết, chàng sẽ mở hộp gỗ ra cho cô nhìn. Chàng bảo: “Nếu cô thích, cứ cầm cả cái hộp về.”

Nhưng cô không thích giữ những xác chết, cho dù nó đẹp lộng lẫy. Cô bảo: “Chú chôn nó đi giùm tôi.”

Bỗng có một lần mặt đất rung chuyển, thay vì đón nhận con bướm, cô cầm nắm bàn tay chàng. Đấy là một khoảnh khắc không tưởng, nhưng nó đã diễn ra, cho dù rất ngắn và nó đủ cho hai làn da khác biệt cùng cảm nhận được sự hiện hữu của người này với người kia và một khao khát từ sâu thẳm muốn chà xát vào nhau.

Thế rồi cô bỏ chạy, cũng bỗng nhiên. Để lại một mình chàng giữa đất trời huyễn ảo.

Từ ấy, thời gian giống như bệnh chó dại. Chàng cào cấu vào da thịt mình và tru lên trong những cơn tự vấn bất tận về sự lưu thân của mình trong đất nghịch. Chàng thù ghét nó và yêu nó. Mỗi đêm, chàng lang thang vào bóng tối truy tìm cơn huyễn mộng. Người ta đồn chàng bị ma ám.

Hùng Thị Thuý Kiều không đủ kinh nghiệm để hiểu chuyện gì đã thật sự xảy ra với gã thợ mộc, nhưng cô mơ hồ thấy rằng những cơn mộng du của chàng chỉ là để đi tìm cô.

Cả ngày làm việc vất vả nhưng người đàn ông ấy vẫn dãi dầu trong đêm lặng lẽ. Không ai thấy gã ngủ.

Một nỗi thương cảm tràn ngập lòng Thuý Kiều, một đêm kia, cô tháo then cửa bước ra sân và đón đầu gã ở một khúc quanh cuối vườn. Dường như không thấy cô, gã đâm sầm vào cô và cả hai ngã xuống. Đêm trở nên sâu thẳm.

Khi Thuý Kiều mở mắt, từ dưới đất nhìn lên cô thấy cha cô và lão bộc tay cầm cây đuốc đang đứng trước mặt. Cha cô không nói gì. Cô đứng lên và lủi thủi đi về phòng mình. Chưa bao giờ cô thấy sự im lặng của đêm lại khủng khiếp đến thế.

Ngày hôm sau trong bếp, bà già nấu cơm kể, gã thợ mộc người Chăm bị trói hai chân, hai tay quặt ngược ra sau, người ta xỏ một khúc cây dài khiêng ra bìa rừng. Ở đó, gã bị xẻo hết dương vật và hai hòn giái. Miếng thịt bầy nhầy đầy máu được ném cho chó. Thuý Kiều nghe xong, cô nấc lên và ngất.

Không ai còn thấy dấu vết gì của gã, sống hay chết, ngoài những tác phẩm như bàn ghế, cửa, tủ và tấm trần bất hủ mô tả cuộc chiến tranh của thiện ác trong tư dinh Hùng quan.

Hùng Thị Thuý Kiều không muốn chờ đón cơn thịnh nộ của cha dành cho mình, cũng như cô không muốn che giấu lòng oán hận với cha cô, cô quyết định bỏ đi. Ngoài một ít tư trang, Thuý Kiều mang theo linh vật bằng gỗ của Rama như một bằng chứng về một con người và định mệnh của nó.

Thuý Kiều nói với Thuý Vân: “Nếu sau khi cha mất, không thấy chị về, thì làm cho chị cái mộ gió.”

Hai chị em ôm nhau khóc.

Và chỉ đến khi mãn tang cha, không thấy Thuý Kiều về, Thuý Vân mới xây cho Thuý Kiều một ngôi mộ gió chôn kèm theo linga mà nàng đã mua lại của một người Chăm khác trong vùng.

Dù được giấu kín, nhưng câu chuyện buồn về Rama và Thuý Kiều hầu như mọi người đều biết. Họ thêu dệt thêm thắt những chi tiết lãng mạn thành một chuyện tình thơ mộng đầy nước mắt. Dẫu sao, sự oan nghiệt nhưng quả cảm của họ cũng đã gây cảm hứng cho những mối tình ngang trái khác.

Thêm nhiều năm nữa, khi cái chết oan uổng của Rama trở thành huyền thoại và niềm tin cho những kẻ cô đơn muốn tìm kiếm người yêu, hoặc những cặp vợ chồng hiếm muộn khát khao con cái, một ngôi miếu ngoài bìa rừng, nơi Rama bị thiến, đã được dựng lên để thờ chàng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, tượng gỗ Rama đen nhánh với bộ mặt khắc khổ lại đeo hàm râu dê của Hùng quan.

Ngoài sự linh thiêng của ngôi miếu thờ Rama, người đời cũng truyền tụng, vì mang theo linh vật của Rama trong cuộc phiêu dạt của mình mà Thuý Kiều đã trở thành một con đĩ lừng lẫy ngàn thu ở Thăng Long thành.

Câu chuyện của Rama và cái chết của chàng, tất nhiên, dần bị quên lãng. Sau này, người ta cũng không còn nhớ Hùng quan là ai, nhưng tượng Rama với hàm râu Hùng quan vẫn được tôn thờ trong một số đình miếu và được dân gian gọi là Khứa Lão bởi tính chất hung hiểm hiển linh của ngài.

Tôi quay trở lại gian chính của ngôi miếu cổ. Không còn thấy bức tượng Khứa Lão đâu, thay vào đó là một lão râu dài khác, nhất thời tôi chưa biết là ai. Trên bức tường cao vẫn là tấm hoành phi với hàng chữ “Ta là chân lý và bởi chân lý”.

 

(còn tiếp nhiều kỳ)

 

 

---------------------------------------------------------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021