thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nẻo ma về [4]
Đã đăng: Nẻo ma về [1] - [2] - [3]

 

Để thưởng công cho nhà Triết học trong việc tổ chức thanh trừng nhà Sử học, Khứa Lão ban cho nhà Triết học một bộ Kinh Lạc Viên đóng bìa bằng vàng miếng, một hình chân dung Khứa Lão bằng sơn mài, một biệt thự ven sông quanh năm hoa rụng và hai cô hầu hoàn hảo nhất hành tinh. Lễ thưởng công diễn ra long trọng ngay trong khuôn viên biệt thự với sự có mặt của tất cả chức sắc trong đạo giáo và các hoa hậu, hoa khôi từ trước đến nay. Chính tay giáo chủ Khứa Lão trao quà tặng. Khi hai cô hầu xuất hiện, mọi người ồ lên xuýt xoa vì nhan sắc và phong cách của họ. Lịch lãm như bà hoàng, hấp dẫn như vũ nữ và tận tuỵ như gái quê. Đấy là hai cô gái do chính Khứa Lão tuyển chọn từ các phòng massage Thái Lan mang về. Theo kinh nghiệm của Khứa Lão, massage là một liệu pháp chống các tư tưởng tiêu cực, phản động có thể phát sinh nơi các trí thức cực kỳ hiệu quả. Vì vậy, nhà Triết học được hai cô hầu chăm sóc chu đáo và nồng nàn từ trong toilet đến phòng ngủ. Mọi năng lượng thừa đều được giải phóng. Mọi ẩn ức đều được thỏa mãn. Khứa Lão lo ngại nhà Sử học một, thì e dè nhà Triết học mười. Bởi nhà Sử học có thể bố láo và làm sai lệch sự thật, nhưng đấy chỉ là vấn đề hiện tượng. Còn nhà Triết học có thể làm thay đổi bản chất của tất cả, đạo giáo của ngài và ngay cả bản thân ngài. Ý thức được sự nguy hiểm của nhà Triết học, Khứa Lão đáp ứng mọi khát khao thầm kín của gã. Danh vọng và gái đẹp. Để đền đáp, nhà Triết học tận hiến một cách hơn cả triết học trong sự nghiệp bảo vệ tượng đài Khứa Lão cũng như tài sản và chỗ đứng của mình, bằng một thứ thần học về sự trung thành như bản chất của hiện hữu. Khứa Lão còn, Ta còn. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, bi kịch sẽ xảy ra khi sự trung thành được đẩy đến cực độ và trở nên đồng nhất, như Ta là Khứa Lão, phạm trù trung thành đột biến thành phạm thượng và đại nghịch. Đó là giao động của sự nhạy cảm trung thành có tính thời tiết. Và cũng là giới hạn của triết học lợi ích nhóm với thần học tổng quát về nhân sinh. Ở điểm này, nhà Triết học nguyên lão hộ pháp của Lạc Viên không phải thất bại về phương diện lý luận, mà bất lực trước thành trì của sự sùng bái vô điều kiện. Một trong những nạn nhân của nó chính là nhà Sử học khi hắn muốn nhất thể hóa với Khứa Lão bằng đứa con riêng của mình và tình yêu song lập của Tây Phi với Khứa Lão và hắn.

Để giữ an toàn cho mình, nhà Triết học luôn cho mọi người thấy lòng biết ơn của mình với Khứa Lão bằng cách tận hưởng tất cả ân sủng do ngài ban cho. Những cuộc tiệc tùng được tổ chức liên miên ngay tại tư dinh của mình để vinh danh Khứa Lão với những lý do như kỷ niệm ngày Khứa Lão trao chiếc khóa vàng, ngày Khứa Lão thăm nhà bếp, ngày Khứa Lão ban rượu... Và những ngày trọng đại khác như Khứa Lão vào thăm toilet hay ngày Khứa Lão say xỉn... thì liên hoan từ sáng đến tối. Vì thế, gần như quanh năm, ngày nào cũng là ngày kính Khứa Lão.

Trong những biểu thức tôn kính, điều làm Khứa Lão hài lòng nhất chính là phong trào sùng bái cứt của ngài. Theo một kiến nghị do chính nhà Triết học soạn thảo, cứt của Khứa Lão sẽ được bảo quản trong những bình pha lê và được ban tặng cho mọi tín đồ. Cũng theo qui định do nhà Triết học đề xuất, cứt của giáo chủ phải được đặt trên bàn thờ như những xá lợi kim cương bất hoại.

Mỗi ngày, nhà Triết học đều cung kính mở nắp bình cứt của giáo chủ ra ngửi hai lần, lúc thức dậy và trước khi ngủ. Nhà Triết học khoe với mọi người, ngửi cứt giáo chủ vào sáng sớm làm đầu óc tỉnh táo, và sẽ ngủ ngon khi ngửi vào buổi tối. Nhưng có một bí mật không ai biết, bình cứt mà giáo chủ ban tặng ông ta đã được tráo bằng cứt của Tây Phi do ông ta lấy được vào cái ngày xử tử đôi gian phu, dâm phụ.

Nếu nhà Sử học yêu Tây Phi một, giáo chủ mê Tây Phi hai, thì chính ông ta, thủ phạm đích thực của vụ án khủng khiếp nhất trong lịch sử đạo giáo, yêu Tây Phi mười. Nhà Triết học cho rằng cái đẹp là một thuộc tính vĩnh cửu của sự sống. Và Tây Phi là người duy nhất sở hữu cái đẹp vĩnh cửu đó không chỉ bằng nhan sắc hiện tồn, mà còn như một dâm tính lung linh trong suốt lịch sử nhận thức của con người về phẩm chất phụ nữ.

Tôi là kẻ ham vui. Tôi thích Khứa Lão vì cách ông ta tự xiển dương mình. Tôi cũng thích nhà Sử học vì cách ông ta yêu đương và âm mưu đánh tráo lịch sử.

Nhưng tôi không ưa nhà Triết học vì ông ta chính là sự mê muội của thế gian. Tuy nhiên, tôi lại muốn được chia sẻ với ông hai cô hầu tận tuỵ. Mỗi sáng, khi ông còn đang ngủ, một cô thức dậy chuẩn bị cà phê nóng cho ông. Cô kia tiếp tục ủ ông trong hơi ấm của da thịt mình. Và ông thức dậy bởi tiếng chim trong vườn và ánh nắng rực rỡ. Ông được lau chùi bởi lưỡi của một cô. Được súc miệng bởi nước trong mình của một cô khác. Ông ăn sáng với phở, hột gà tươi. Và uống cà phê tinh khiết cứt trinh nữ. Họ xoa bóp cho ông. Vận động cơ thể cho ông bằng những động tác âu yếm. Từ sáng sớm đến đêm khuya, ông hít thở và ngợp trong hương nồng tình dục toát ra. Ông bảo đấy là thiên đường chủ nghĩa tại thế. Triết học của ông là hiện thể của khoái cảm. Luận lý của ông là biện chứng về thời gian hay còn gọi là sự chuyển tiếp của các tư thế làm tình. Cái chết hay nỗi chết của con người chính là sự ngưng nghỉ yêu đương. Vì thế cứu cánh của con người là tình yêu, đầu tiên và cuối cùng trong cõi sống. Tình yêu ấy được quán chiếu không phải là hy sinh, cũng không phải là tận hiến hay tận hưởng, mà bởi tính đĩ của nó. Xét cho cùng, triết học hay lẽ sống của con người cũng chỉ là cách biện luận trên một tầng nấc khác của ý thức cho những hành vi cụ thể và chẳng có điều gì là vô nghĩa.

Sau cuộc làm tình với bộ xương trong quan tài ở cổ miếu, tôi lẩn thẩn ra sân và mù mờ về chính mình. Hít thở đầy lồng ngực một âm khí tràn ngập không gian, tôi bồng bềnh trong ảo tượng. Bỗng tôi nghe thấy những tiếng cười giòn giã đú đởn từ phía đông vẳng lại giữa tĩnh mịch của cõi ngàn thu vĩnh biệt. Tôi đi về phía ấy, lòng thấy vui vui. Tiếng cười của sự đú đởn, có lẽ là một cách nở hoa vô ưu của con người. Nó vượt qua cái chết. Vượt qua mọi qui phạm, mọi giáo điều để sống như chính nó phải vậy. Nó mời gọi một nhân sinh hiển lộng hạnh phúc hồn nhiên. Tiếng cười càng lúc càng gần hơn và tôi nhận ra sự phấn khích của phụ nữ.

Cổng dinh thự của nhà Triết học không đóng. Trong sân, giữa những khóm hoa lạ phơi phới, không chỉ có hai cô hầu gái, mà một bầy tiên nữ đang chơi những trò chơi sinh hoạt tập thể. Nhà Triết học nửa nằm nửa ngồi trên một ghế dài cạnh hồ tắm. Hai cô hầu gái đang xoa bóp cho ông.

Bầy tiên nữ được điều phối bởi một công ty chuyên cung cấp PG (Promotion Girl). Họ được thay đổi thường xuyên nhằm tránh nhàm chán và số lượng không bao giờ dưới 50. Họ tự tổ chức các trò chơi với nhau và đặt trong tầm ngắm của nhà Triết học. Các kịch bản cho những trò chơi do một nhóm thuộc công ty bảo vệ sức khỏe yếu nhân thực hiện. Nhà Triết học toàn quyền sử dụng các “hot girl” theo hợp đồng. Sự đú đởn không giới hạn. Vì thế, niềm vui là vô tận. Ông ta muốn sự vọng tưởng trở thành hiện thể. Kinh Lạc Viên gõ nhịp cuộc sống theo một cách khác, đắm chìm và linh thiêng. Nhà Triết học nhìn ngắm các em, cái đẹp của tươi trẻ, bản năng hoang dã và quyến rũ của dâm dật. Ông đòi hỏi nơi họ, theo hợp đồng chính thức, những khả năng khơi dậy dục tình và tính thẩm mỹ trong tạo hình. Ông không thích thưởng ngoạn họ theo kiểu sân khấu cung đình, mà ông muốn thấy họ và chan hòa vào họ như chính cuộc hiện sinh.

Ông nói với họ: “Các em hãy khỏa thân đi, để đón nhận nụ hôn của ta giữa đất trời, tất cả, bằng ánh sáng.”

Có thể họ chẳng thấy gì, thậm chí buồn cười, nhưng nhà Triết học cho rằng đó là cách yêu đương của thần linh. Trong tâm tưởng ông, tình yêu là ánh sáng. Và ánh sáng soi chiếu vào sâu thẳm tâm hồn con người, ở chỗ tận cùng ấy, dục vọng như con chó đói bị nhốt trong cũi sẽ được mở cửa. Ông muốn thổ lộ cũng như các em phơi mở. Tuy nhiên, ông lại quên rằng, cuộc chơi của ông được trả tiền theo phương thức thuận mua vừa bán. Vì thế, cái ánh sáng ông mang đến không kích thích một cảm giác nào nơi họ. Ngoại trừ trường hợp, một ai đó, muốn thỏa thuận riêng với ông theo tín hiệu họ nhận được.

Gần như mỗi ngày, ông đều vời một hai cô ở lại cho đến sáng hôm sau. Ban đêm, ông như ma. Những cô gái từng ở với ông về kể lại, khi vào phòng ông, họ không nhìn thấy bất cứ cái gì, kể cả ông, nhưng họ hoàn toàn cảm nhận được những xúc cảm do ông mang lại. Sự nhột nhạt của cảm giác được mơn trớn, thẩm thấu từ ngoài da vào đến tận xương tuỷ. Nó không phải là cảm giác của bàn tay xoa bóp hay cái lưỡi liếm láp, mà như những mũi kim li ti đâm vào từng lỗ chân lông. Nó giống như ánh sáng soi chiếu vào hang hốc bí ẩn của khoái cảm. Và làm trỗi dậy những thèm khát mơ hồ nhưng mãnh liệt. Những cô gái nói, không phải nhà Triết học làm tình với họ, mà một ai khác không hình hài đã yêu đương ân ái họ. Bởi trước khi rời biệt phủ của nhà Triết học vào hôm sau, họ đều được đích thân ông trao một phong bì tiền với vẻ mặt xa lạ. Đó là bộ mặt của người làm thuê chứ không phải ông chủ, người đã tận hưởng thân xác họ.

Tôi đến bên nhà Triết học và nói: “Thưa ông, đây có phải cõi tiên không?”

Nhà Triết học mỉm cười: “Cậu nhìn thấy tiên à?”

Tôi cũng cười: “Vâng, tôi thấy một ông tiên giữa một bầy cô tiên.”

Nhà Triết học gật gù, móc mũi: “Tôi lại thấy một thằng phá đám.”

Tôi bảo: “Ông không thấy sự xáo động cũng là một hiện tượng mang tính thẩm mỹ sao?”

Nhà Triết học búng ngón tay cho rơi cục cứt mũi, nói: “À, chỉ có bọn nghệ sĩ mới thấy cái đẹp bạo loạn. Cậu làm gì?”

Tôi bảo: “Tôi chỉ là kẻ đi lạc. Và quả thật, cảnh tượng ở đây như một ảo tượng. Tôi không biết thế nào, nhưng tôi thích. Ông cho phép tôi được dừng bước chỗ hoang đường này ít phút?”

Nhà Triết học lại móc mũi: “Cậu thoải mái đi. Nhìn thôi, không được sờ vào hiện vật.”

Tôi cười cám ơn ông ta.

Sân vườn được chia làm hai khu rõ rệt. Một bên là cây cối um tùm như một cánh rừng hoang sơ, có cả những cây cổ thụ. Một bên là vườn cảnh nhân tạo. Ngăn cách giữa hai khu vực là một hồ bơi được thiết kế tự nhiên như một cái ao lớn.

Bầy tiên nữ chỉ khoác một tấm khăn mỏng, không nội y. Một số đang tắm dưới ao. Một số lấp ló trong các bụi cây. Dường như họ được thoải mái làm tình với nhau hay đó là kịch bản, tôi không rõ. Một số khác đóng vai thổ dân ẩn khuất trong vườn rừng. Tôi cũng thấy mấy con nai hiền lành trên đám cỏ.

Khi phát hiện ra sự có mặt của tôi, họ lần lượt lướt qua tôi trình diễn mọi khả năng dâm đãng. Tôi chợt hiểu lòng tốt của nhà Triết học. Ông ta muốn tôi cảm nhận được cái đẹp bạo loạn, theo cách của ông. Quả thực, tôi không thể không muốn sờ vào hiện vật, muốn ôm lấy họ vào lòng. Tôi thấy chính tôi trên từng cái uốn éo của họ. Tôi cần phải vùng lên. Cuộc cách mạng của chính tôi, cho tôi. Và không hiểu bằng cách nào, tôi cảm thấy hàng trăm cô gái đang đè lên tôi, như một vụ hiếp dâm tập thể. Tiếng họ cười vang. Tôi trở thành trò chơi của họ. Họ bấu véo và liếm láp tôi. Và tôi là sự đú đởn của họ.

Không phải tôi, mà những nàng tiên bạo động trên thiên đường.

“Bọn phản cách mạng,” tôi gào lên. Tôi bị đảo chánh. Tôi bị lột trần truồng. Và bị ăn thịt. Tôi cảm nhận một cách rõ ràng, họ đã nhai dương vật tôi nhưng không thể nuốt. Càng rõ ràng hơn nữa, tôi cảm thấy mình bị kẹt trong cuống họng của họ. Không phải họ nghẹt thở, mà chính tôi đang không thở nổi.

Giữa lúc tôi nghĩ mình có thể chết vì ngạt, nhà Triết học lên tiếng: “Không ai có thể làm cách mạng mà không vào vai người khác.”

Tôi thấy điều này rất mơ hồ. Nhưng chính câu nói ấy lại làm tôi thở được. Và tôi thấy một hot-girl đang đứng trước mặt tôi, lồ lộ. Tôi nghĩ tôi có thể hôn cô ta mà không cần chạm vào hiện vật. Giữa lúc môi tôi dường như kề sát vào ngực cô, đột nhiên thân xác cô bùng cháy cùng với một tiếng nổ, rồi tan biến nhanh.

Tiếng của nhà Triết học lại vang lên: “Cảm thức về vô sở trú cũng là một cảm thức của hiện hữu. Nó biến chúng ta thành mộng ảo ngay trên nền tảng của hiện sinh.”

Tôi hiểu đó là một cách “game over”.

Sau một cái rùng mình. Tôi không nhìn thấy gì nữa. Chung quanh tôi, cây cỏ héo úa xơ xác. Những bức tường đổ nát. Tuy nhiên, tiếng cười đú đởn của các cô gái vẫn vang vọng đâu đó. Xa xăm. Lòng tôi buồn bã. Tôi nhớ đến một ai đó không rõ mặt. Tôi muốn ôm một ai đó. Giữa háng tôi, dương vật lủng lẳng, sương sương. Cơn mơ của tôi, sự thèm khát của tôi mông lung mà khẩn thiết. Tôi đang ở đâu, tôi cũng không biết. Thế giới này không thuộc về tôi nữa. Tôi bơ vơ như một đứa bé không mẹ. Tôi trở nên không nguồn cội.

Rồi tôi bước đi, cũng không biết mình đi đâu. Tôi cứ đi. Sự trống trải làm tôi muốn khóc. Chợt, tôi nhận ra, tôi không có tình yêu. Tôi chỉ có những thèm muốn thân xác. Và những thân xác đã tan biến như những bóng ma. Cũng có thể, thèm muốn của tôi chỉ là một ảo tượng ma quỉ. Nhưng chính sự thèm muốn lại khiến tôi hiện hữu một cách mãnh liệt nhất, chân thật nhất. Nó hiển lộ tôi trong thời gian như một thân phận. Và thời gian, thiên đường hay địa ngục, dường như cũng chỉ là một. Cảm thức vô sở trú chính là một cảm thức về hiện hữu. Tôi đang sống cái bi kịch của mình, không có gì để bám víu. Đây là tự do? Tôi tự hỏi. Con người có thể hiện hữu mà không có bản thể không? Mà bản thể là gì? Dục vọng là gì? Và tôi có cảm tưởng như dục vọng, thật ra, cũng chỉ là khát vọng quay về một bản thể mơ hồ. Cuộc tìm kiếm không bao giờ kết thúc.

Giữa lúc ấy, Khứa Lão hiện ra trước mặt tôi. Không phải lão râu dài. Không phải Rama. Lão hắng giọng: “Ta là chân lý và bởi chân lý.” Tôi văng tục: “Đụ má ông.” Trời đất tối sầm lại. Không phải yêu ma quỉ quái, mà ngàn trùng cái lỗ nhẩy múa quanh tôi. “Cho mày đụ đấy. Đồ đểu.” Tôi chẳng đút vào đâu được, nhưng mỗi bước chân tôi lại dường như lọt xuống một cái hố. Khứa Lão vẫn chắn ngang trước mặt tôi. Tôi cảm thấy lúng túng. Từng cái lỗ từ từ biến thành người. Họ bao quanh tôi và Khứa Lão trùng trùng điệp điệp. Khắp không gian âm vang lời tụng ca: “Khứa Lão còn, chúng tôi còn. Vinh quang của Khứa Lão là vinh quang của chúng tôi.” Tôi va vào bức tường thanh âm. Tôi chạm vào bọn âm binh. Và tôi trượt dốc. Hố thẳm. Tôi không có gì để bám víu ngoài chính tôi đang trượt xuống. Tôi không muốn bám vào Khứa Lão hay bất cứ một lỗ huyệt nào. Tôi nghĩ tôi có thể bị trượt ra khỏi thế giới. Tôi không dừng lại được.

Bỗng tôi nghe tiếng Khứa Lão hỏi: “Nhà Triết học nói gì với chú?”

Tôi bị khựng lại như chiếc xe thắng gấp, dù vẫn chênh vênh trên dốc đứng. Tôi chợt hiểu nhà Triết học đang bị nghi ngờ phản bội. Tôi im lặng vì hoang mang.

Khứa Lão lại hỏi: “Gã Triết gia ấy nói gì?”

Tôi dè dặt hỏi lại: “Có vấn đề gì không ạ?”

Khứa Lão: “Chú trả lời những gì tôi hỏi.”

Tôi nói: “Tôi nghĩ là tôi không có nghĩa vụ phải trả lời ngài về bất cứ điều gì.”

Khứa Lão lạnh lùng: “Nếu chú không trả lời, chú không thể ra khỏi đây.”

Tôi không biết đây là đâu. Vì thế, tôi cũng không biết tôi có cần phải ra khỏi đây không.

Tôi nói: “Ra hay không, với tôi không khác gì nhau.”

Tức thì, tôi bị ăn một cái tát vào giữa mặt, cho dù tôi không thấy Khứa Lão ra tay.

Khứa Lão gằn giọng lập lại câu hỏi: “Gã Triết gia nói gì?”

Cùng lúc tôi cảm thấy bị một ai đó siết cổ, túm tóc bẻ ngược đầu ra phía sau.

“Mày có nói không?”

Đây là cuộc tra tấn. Tôi đang ở chỗ bị tra tấn. “Cảm thức về vô sở trú cũng là một cảm thức của hiện hữu. Nó biến chúng ta thành mộng ảo ngay trên nền tảng của hiện sinh.” Câu nói của nhà Triết học lướt qua trí nhớ tôi. Và quả thật, tôi đang trải nghiệm điều ấy. Tôi đọc lại câu nói của nhà Triết học một cách đau đớn.

Tôi thở lại được. Tim tôi đập mạnh. Tôi vừa phản bội nhà Triết học, mặc dù xét cho cùng, tôi cũng chẳng lỗi phải gì trong việc này. Vấn đề là chính tôi đã đầu hàng trước sự trấn áp của người khác. Đầu hàng một sức mạnh vô minh. Tôi không làm chủ được tôi. Tôi không chịu đựng nổi sự hành hạ thân xác. Và tôi đầu hàng. Đầu hàng. Tôi bị lăng nhục.

Rồi tôi thấy nhà Triết học bị trói quặt ngược cả tay chân ra phía sau và được xỏ vào một khúc cây do hai người khiêng đi như con chó ra bìa rừng. Nơi xưa kia Rama bị hành quyết.

Câu nói của nhà Triết học sau đó được các nhà lý luận và bọn dư luận viên của đạo giáo mang ra phân tích, thóa mạ trên toàn hệ thống thông tin toàn cầu vì dám hoài nghi tính chân thực của đạo.

Bìa rừng. Ở đó các loài thú dữ có từ thuở khai thiên lập địa vẫn còn tồn tại cùng với các loại súc sinh, ngạ quỷ do trí tưởng con người tạo ra. Chúng ăn thịt kẻ có tội theo cách của hỏa ngục.

Khứa Lão muốn giữ lại bộ xương của nhà Triết học cho một cuộc thị chúng trong cổ miếu, vì thế người ta chôn dựng đứng khúc cây xuống đất để thú dữ không tha mất xác ông ta. Trong một tư thế không cưỡng lại được, nhà Triết học khuỵu hai đầu gối, quì trước cái chết của mình và những con thú chuẩn bị ăn thịt mình. Ông ta bị sỉ nhục không chỉ bởi nỗi khiếp sợ, mà còn là sự tước đoạt hình tượng, một phẩm cách hiện hữu.

Khi tiếng chó sói tru hoang dại vọng ra từ cánh rừng, nhà Triết học tuột hết nước trong người, mồ hôi và nước đái đầm đìa. Mặc dù vẫn bị trói, nhưng toàn thân ông rung lên, như một cơn lạnh từ trong xương. Mắt ông không nhìn thấy gì nữa. Một vùng sương khói bao phủ, ông nhớ tới mẹ. Và như một đứa trẻ, ông kêu lên: “Mẹ ơi, cứu con”. Mẹ ông đã ở bên kia thế giới. Mẹ ông nhìn ông nước mắt ròng ròng. Bà giang đôi tay chuẩn nhận đứa con hoang đàng. Hình như lúc đó, sát đáy của hiện hữu, ông nhận ra cái bản thể vô biên vô tướng. Và ông nhìn thấy mẹ. Những cánh cửa của giới hạn mở ra, ba nghìn thế giới của chư Phật đều thông giao. Khi người mẹ ôm được đứa con vào lòng, những con chó sói đã ngoạm vào thân xác ông, cắn xé. Chư Phật quay mặt đi. Tánh không của hiện hữu là sự khước từ. Nhà Triết học rú lên, đau đớn và hoảng loạn. Đây mới chính là hiện thể, hiện sinh, hiện vật, hiện trường.

Tôi cũng quay mặt đi. Nhưng phía nào cũng thấy Khứa Lão đứng chắn ngay trước mặt. Một nỗi kinh hoàng như sấm chớp nổ tung trong đầu tôi. Tôi còn, Khứa Lão còn. Sự hiện hữu song trùng này oan gia. Khứa Lão trở thành nỗi ám ảnh của tôi từ khi nào? Làm thế nào tôi có thể giết lão mà không phải tự sát? Tôi nhắm mắt lại, hình ảnh Khứa Lão càng trở nên rõ ràng hơn.

Tôi biết rằng, mình thật sự phải đối diện với lão.

Tôi hỏi: “Ngài muốn gì ở tôi?”

Giọng Khứa Lão như vọng lại từ xa xôi: “Hãy thờ kính ta, như ta đáng được thế.”

Tôi muốn văng tục, đụ má ông, ông là cái đéo gì mà tôi phải thờ kính. Nhưng tôi im lặng để cho tiếng nói của lão tan đi.

Dường như lâu lắm, tôi mới hỏi lại Khứa Lão: “Điều gì khiến ngài thật sự xứng đáng được thờ kính?”

Giọng Khứa Lão bỗng trở nên sống động, thân mật: “Bởi vì ta là ông chủ chân chính của chú mày. Ta là khát vọng bất lương của chú mày. Ta ban phát và thu hồi mọi niềm vui sướng bất chính của chú mày.”

Ngừng vài phút cho thấm, Khứa Lão vỗ vai tôi: “Ta là bến bờ của chú mày. Hãy đi với ta.”

Tôi vẫn đứng đó, nhưng tôi biết linh hồn mình đã mất.

 

(còn tiếp nhiều kỳ)

 

 

---------------------------------------------------------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021