thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chùm thơ [II]
bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
      Đôi dòng về Maj Bronislaw:
      Trong một bộ bốn tập sách nhỏ ngợi ca bốn mùa xuất bản cuối năm 2004, với nhiều tranh minh họa đẹp, tên tuổi nhà thơ Ba Lan Bronislaw Maj (mùa Thu) đứng bên cạnh tên tuổi những cây cổ thụ của thơ ca Emily Dickinson (mùa Xuân), Elizabeth Barrett Browning (mùa Hạ), và Jean Follain (mùa Đông) – là người trẻ nhất, 52 tuổi, và duy nhất còn sống. Bronislaw Maj sinh ngày 19 tháng Mười một năm 1953, ở Lodz, học văn chương ở Đại học Crakow, tốt nghiệp Viện ngữ văn Ba Lan ở Đại học Jagiellonian, Crakow. Năm 1988 ông đậu bằng Ph.D và khởi sự công việc giảng dạy khoa viết văn và văn học đương đại Ba Lan ở trường đại học này.
      Maj xuất bản tác phẩm đầu tiên năm 1980 và từ đó đã cho in nhiều tập thơ khác. Thơ ông tuy vắng bóng và thường có vẻ như không nhuốm màu chính trị, sự kiện ông được Công đoàn Đoàn kết trao Giải danh dự năm 1984, cũng như tập thơ Hủy diệt Thành phố Thần thánh của ông đã phải xuất bản ở London thay vì ở Warsaw, cho thấy ông được coi như một trong những nhà thơ ly khai thời ấy, như Baranczak hay Krynicki. Suốt những năm 80, ông cùng với Jerzy Pilch tổ chức và chính ông làm chủ biên tờ báo văn học “nói” duy nhất, độc lập, tờ NaGlos, có nghĩa là Lớn tiếng, mỗi buổi phát kéo dài ba giờ đọc sách, thơ ca, văn xuôi, phỏng vấn..., sau đó trở thành tạp chí in định kỳ ở Crakow (1990), cho đến khi tạp chí lặng lẽ đình bản năm 1998. Là tác giả bảy tập thơ, từng đọat nhiều giải thưởng văn chương uy tín, cùng với Jan Polkowski, Maj là người đại diện xuất sắc nhất của thế hệ đã đi vào văn học và thơ ca Ba Lan vào những năm đầu thập kỷ 80 và nổi tiếng là một trong những nhà thơ tinh tế nhất của thế hệ ông. Tác phẩm của Maj có mặt trong nhiều tuyển tập thơ hiện đại xuất bản trong cũng như ngoài Ba Lan. Ngoài thơ ca và phê bình văn học, Bronislaw Maj còn được biết như một trong những người năng nổ trong lĩnh vực sân khấu: từ 1977-1982 ông từng hoạt động ở đoàn kịch KTO (của sinh viên), mà ông là một trong những người sáng lập, là kịch tác gia đồng thời là diễn viên. Những năm sau này, không những là một người giữ những chuyên mục nổi tiếng trên các phụ bản của nhật báo Gazeta Wyborcza ở địa phương Crakow, là tờ được coi là lớn nhất Ba Lan, trên các phụ bản văn hóa có tên là Plus-Minus của tờ Rzeczpospolita được coi như là tờ báo xác định dư luận chính trên đất nước này, Maj còn viết kịch bản phim, và thỉnh thoảng viết lời cho nhiều ca khúc, từng đoạt giải nhất tại Liên hoan Ca khúc toàn Ba Lan Opole National Song Festival năm 1994.
      Những bài thơ có khuynh hướng siêu hình của ông cho thấy hình ảnh chủ đạo trong thơ ông chính là một con người sống tràn ngập niềm vui trước cái đẹp của thế giới, nhưng đồng thời khiếp đảm bởi bản chất khó hiểu thấu của thế giới ấy – hay nói theo Stanislaw Baranczak, [*] “bằng chữ nghĩa, nắm bắt đúng cái khoảnh khắc thế giới cho thấy vẻ đẹp của nó... nhưng đồng thời cũng ám chỉ những định luật khắt khe áp đặt lên nó.” Wislawa Szymborska* đã có lần so sánh văn xuôi của Maj “như những chiếc lá (felieton) lóng lánh màu sắc và được gọt tỉa một cách hiệu quả”
 
      Những tác phẩm chính đã xuất bản: Tự do như thế đó (Taka wolnosc, thơ 1971-1975 - Warsaw 1980), Thơ (Wiersze, thơ – Warsaw 1980), Bầu khí chia chung (Wspólne powietrze, thơ – Krakow 1981), Tập ảnh gia đình (Album rodzinny, thơ – Krakow 1986), Mệt lã (Zmeczenie, thơ – Krakow 1986) Hủy diệt Thành phố Thần thánh (Zaglada swietego miasta, thơ tuyển - London 1986), 44 bài thơ (44 wiersze, thơ tuyển - Rapersville 1989), Thằng bé trắng (Bialy chlopiec – tiểu luận, Krakow 1992), Ánh sáng (Swiatlo, thơ – Krakow 1994), Kẻ không ai mong muốn phải ra đi (Niepotrzebni musza odejsc - tiểu luận, Krakow 1996), Bi ca, ai điếu, mơ khúc (Elegie, Treny, Sny – Krakow 2003) và một biên niên tập hợp những bài viết về đời sống văn hóa nghệ thuật và xã hội xuất bản ở Krakow năm 1997: Kronika wydarzen artystycznych, kulturalnych, towarzyskich i innych.
 
---------------------------------------
[*] Jaroslaw Klejnocki, Bronislaw Maj, Literary Group Polska 2000, Villa Decius, Krakow, 1999. Tập sách (có nhiều chỗ sửa chữa của Bronislaw Maj) cùng với một số tư liệu và những bản dịch thơ đã được chính tác giả cung cấp cho chúng tôi, qua nhà văn, nhà nghiên cứu và dịch giả Clare Cavanagh, là giáo sư và chuyên viên về văn học Ba Lan ở Slavic Department, Northwestern University ở Evanston, Illinois. Nhiều bản Việt ngữ trên trang này đã được chuyển từ những bản dịch Anh ngữ do Maj cung cấp. Nhân đây người dịch xin gửi lời cám ơn đến tác giả Bronislaw Maj, hai giáo sư và nhà văn Clare Cavanagh và Stanislaw Baranczak, và sau cùng nhưng hẳn là rất quan trọng, nhà văn Phan Thị Vàng Anh, là người đã liên lạc từ Iowa và giới thiệu Bronislaw Maj, để sau đó chúng tôi có những tiếp xúc bổ ích qua đường điện thoại Iowa/Krakow-Salt Lake City.
 
 
 
BRONISLAW MAJ
(1953~)
 
 

Tôi mở cửa sổ

 
Tôi mở cửa sổ: đấy là một ngày tháng Sáu, ánh đèn
lấp lánh trên con sông có tên là Vistula. Có những chiếc cầu,
có những tháp với mái vòm xanh như cây cối, có cây trông
như những tháp xanh, có những chuyến tàu điện đầy cả người,
đầy cả tiếng nói. Có hết cả những tiếng nói có thể có, có hết
mọi thứ có thể có cho đến nay, và chỉ có mỗi
sự thật này: hãy đừng hi vọng gì hơn nữa, đừng hỏi xin,
đã đến lúc phải lớn dậy, đến lúc phải như một đứa trẻ
trên ngưỡng cửa của một điều huyền bí
mở ra trước anh.
 
--------------------------
Dịch từ bản Anh ngữ của Katarzyna Kietlinska và David Malcolm, do Bronislaw Maj cung cấp.
 
 

Không một ai, hết thảy mọi người

 
Không một ai muốn nghe những lời
yêu đương của ta, không một ai cần những lời
thù hận, những lời thần diệu vô tận
của thế gian, không ai. Gió tháng Mười một, không có lá
và không có tình yêu, gay gắt đi xuyên qua thành phố
không ngủ; mọi nguời lắng nghe, và giờ đây gió
lên tiếng.
 
 

Ta có chăng cái quyền ấy?

 
Ta có chăng quyền tìm kiếm qua
thời gian? qua thời gian đã mất? Nếu có thế,
thì từ bao giờ? Chuyến tàu của ta vang động
qua các con lộ cắt ngang đường sắt, ta đứng bên cửa sổ toa tàu
mặt đưa ra trước ngọn gió ẩm: ta nhìn thấy
những thành phố ngái ngủ đột nhiên xuất hiện và –
và biến mất nhanh như chúng chưa hề bao giờ
có mặt. Ôi đến bao lâu nữa những cánh đồng còn hiện diện
dưới nắng, lố nhố những người và vật
(tháng Tám là mùa gặt ở quê ta). Chuyến đi
qua hiển hiện những hình dạng đời sống đầy đặn và
riêng rẽ, vậy thì ta – giờ đây ta đã có quyền chăng? Như
bất cứ ai vừa nhìn thấy những thứ
nay sẽ không bao giờ thuộc về mình: một đời sống
lệ thuộc vào bốn mùa trong năm, vào những mùa
không gì kiềm chế nổi của trái tim, vào những Chủ nhật
của một thành phố nhỏ.
 
------------------------------------
Hai bài thơ trên dịch từ bản Anh ngữ của Katarzyna Kietlinska (Oakland University) và David Malcolm (Olivet College & University of Gdansk) – trong tập Wiersze (1980) của Bronislaw Maj.
 
 

***

 
Trong rừng đêm một ngọn lửa: một vòng ánh sáng
gợn sóng, bên ngoài ánh sáng tuyệt chẳng có gì
bởi lẽ chúng ta đang ở đây, ngay chính giữa:
vang lên là những tiếng thét, những bài ca, tiếng cười...
Giờ đây củi đốt biến mất, những ngọn lửa
đã tắt. Và một cái gì có lửa vẫn còn
đấy. Thế rồi không còn gì: chỉ là bóng tối và chúng tôi trông rõ
mọi thứ còn lại: những khuôn mặt chúng tôi đột ngột
khác hẳn, cúi khom trên chỗ ấy, những hình
dáng cây cối màu đen, bầu trời sáng hơn chút ít,
sao lạnh buốt. Và không ai biết được tại sao
chúng tôi giữ im lặng lâu đến vậy
và khi nói chỉ nói
thì thầm.
 
-----------------------
Dịch từ bản Anh ngữ của Adam Czerniawski, do Bronislaw Maj cung cấp.
 
 

Tháng Tám chiều hôm

 
Chiều hôm tháng Tám. Ngay chốn nầy ta còn nghe được
tiếng hối hả của dòng sông Raba lấp lánh.
Chúng ta nhìn lên núi,
mẹ ta và chính ta. Không khí trong lành biết bao:
mỗi cây vân sam tối đen trên ngọn Núi Lubon
chúng ta nhìn thấy rõ như chính cây mọc trong vườn nhà.
Một hiện tượng lạ lùng – nó làm mẹ ta kinh ngạc
và làm kinh ngạc luôn cả ta. Ta bốn tuổi và không biết
lên bốn tuổi có nghĩa là gì. Ta cảm thấy
hạnh phúc: ta không biết hiện hữu nghĩa là gì
cũng chẳng biết ý nghĩa hạnh phúc. Ta biết mẹ ta
thấy và cảm được điều ta làm. Và giờ đây ta biết
như bao lâu nay buổi tối chúng ta sẽ đi dạo một vòng
xa, đến tận những rừng cây, ngay bây giờ
không lâu.
 
---------------------
Dịch từ bản Anh ngữ của Czeslaw Milosz và Robert Haas, do Bronislaw Maj cung cấp.
 
-------------
Đã đăng:

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021