thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
LIÊU THÁI - Nhà văn Việt Nam nghĩ về Hội Nhà văn Việt Nam: “Phân loại rác trong một hố rác”

 

Hoàng Ngọc-Tuấn thực hiện

 

Dưới đây là những câu hỏi do Hoàng Ngọc-Tuấn đặt ra để phỏng vấn các nhà văn Việt Nam trong nước và ngoài nước nhân dịp Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Những câu hỏi này được gửi đến rất nhiều người, cả những người đang là Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam lẫn những người ở bên ngoài Hội. Những bài trả lời sẽ được đăng trên talawas và Tiền Vệ.

_________________

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Hôm nay, 04/08/2010, Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII đang diễn ra tại Hà Nội. Cách đây vài ngày, blogger Nguyễn Xuân Diện viết trong bài “Nghẹt thở theo dõi diễn biến Đại hội Nhà văn” như sau: “Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 sắp khai mạc. Văn giới sẽ có cuộc tụ họp cực kỳ hoành tráng tại một nơi cũng cực kỳ hoành tráng, đó là Học viện Nguyễn Ái Quốc (Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)...”

Anh/chị có cảm tưởng gì về cái sự kiện “hoành tráng” này?

 

Liêu Thái: Theo tôi, cái mà người ta gọi là “cực kì hoành tráng” hay là gì gì đó là một biểu hiện khác [dù muốn hay không muốn] của ý thức văn nô đã ăn chết trong não bộ của kẻ thụ đắc nó, giá như chữ “hoành tráng” kia được bỏ trong ngoặc kép thì nó lại phản ánh được một não trạng khác ít có vấn đề hơn. Và, cái sự kiện “hoành tráng” này là gì nhỉ? Là một khoản tiền thuế của nhân dân bị xén, bỏ vào bụng một nhóm người để người ta có cái mà hô hào, tung hê, tuyên truyền, phát biểu những vấn đề mà cái miệng và cái đầu ít khi nào đồng bộ, hoặc cái miệng và cái bụng đánh đố nhau để ca ngợi một cái bụng và cái đầu khác đã vĩnh viễn nằm trong một cái xác, mà cái xác ấy thì đã tắt thở mấy thập kỉ rồi. Đó cũng là cách ướp xác bằng lời. Một đại hội nhà văn diễn ra trong học viện chính trị thì biết nó đi đến đâu và có thông điệp gì rồi. Điều này càng làm cho tôi nhớ đến Trại súc vật của George Orwell với những đại hội khá “lãng mạn” trong tác phẩm này. Chỉ tiếc là…!

Có vẻ như bây giờ người ta quan tâm đến người không tham gia đại hội này nhiều hơn là chuyện đại hội đó như thế nào. Đó cũng là điểm đáng mừng.

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Đại hội “hoành tráng” đến thế mà nhà văn Tạ Duy Anh, một hội viên, lại phát biểu trong một cuộc phỏng vấn (đăng trên talawas) có nhan đề “Chưa khi nào nhà văn xứng đáng bị coi thường như hiện nay” rằng: “Khi nghe tin Đại hội tiến hành ở Cung Văn hoá Hữu nghị, tôi nghĩ là mình sẽ tham gia. Nhưng nay chuyển đến địa điểm mới thì có thể nói 90 % là tôi không dự. Kể cả dự hay không dự thì tôi cũng không kỳ vọng bất cứ điều gì ở Đại hội. Dở hơi mà kỳ vọng vào cái thứ hão huyền. Chúng ta cứ hay long trọng hoá cả những trò vốn chỉ sinh ra để mua vui, (cho vài kẻ cầm trò cực kỳ xỏ lá nhưng giấu mặt) nên mới cứ căng thẳng một cách xa xỉ như vậy.”

Anh/chị nghĩ thế nào về lời phát biểu này?

 

Liêu Thái: Đây là lời phát biểu mang nhiệt tâm của một nhà văn từng lớn lên và trưởng thành trong cái nôi cộng sản Bắc Việt. Nó nói lên sự bất mãn của người nói. Nhưng nói vẫn có chút trừ hao, phòng hậu đấy chứ. 90% không đi, vậy 10% còn lại nằm vào ẩn số, có thể đi và có thể không đi. 10% vẫn quyết định và có khả năng làm thay đổi cái tập hợp lớn 90% phía trước nó. Cũng là vệt nối dài khác của kiểu toàn trị bởi một nhóm thiểu số đã ăn lậm vào máu và không hình dung được tiến trình sẽ đến đâu. Rất tiếc, chỉ vì chuyển đến địa điểm mới mà nhà văn Tạ Duy Anh không tham dự chứ không phải vì lý do nào khác. Ở đây lại cho thấy một sự thỏa hiệp khác, nếu như ông Tạ Duy Anh nói rằng mình không thể ngồi chung với một đám văn nô thì câu chuyện lại phát triển lên một đỉnh khác, không chỉ dừng lại ở sự bất mãn đơn lẻ và lẩn quẩn trong diễn ngôn kẻ bị trị.

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Theo một bản tin trên trang web của Hội Nhà Văn Việt Nam , lần này, có 150 nhà văn từ Sài Gòn ra Hà Nội để tham dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Trước khi họ lên đường, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đã có cuộc gặp họ vào chiều ngày 22/07/2010.

Theo anh/chị, trong thời buổi kinh tế thị trường theo định hướng XHCN này, tại sao Đảng lại quan tâm đến văn chương như vậy?

 

Liêu Thái: Thực ra, cái mà Đảng quan tâm không phải là văn chương mà là những người làm công tác “văn chương” dưới sự điều động, chỉ huy và định hướng của Đảng. Thì ngay từ trong trứng nước vào những năm 1930–1945, Đảng cũng đã tạo ra được một đội ngũ phục vụ tuyên truyền đắc lực có nguồn từ những người cầm bút đấy thôi. Ngay cả khái niệm “kinh tế thị trường” và cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” vốn là một khái niệm mâu thuẫn nội tại. Kinh tế thị trường là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản, đem sản phẩm của tư bản kết hôn với gia phong của chủ nghĩa cộng sản bằng cách đặt lên giấy hôn thú dòng chữ “định hướng xã hội chủ nghĩa” là cách chơi lừa đảo của kẻ cờ gian bạc lận hoặc là diễn ngôn của người điên. Mà cả hai thứ này đều không hợp với thế giới có nhân tính. Bây giờ lại cố gắng chăm sóc một đội hợp xướng ca ngợi cái phi nhân tính thì câu chuyện sẽ đi về đâu? Câu trả lời lại nằm trong mỗi người.

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Năm 2007, trong bài “50 năm Hội Nhà văn Việt Nam: Tài sản lớn của một chặng đường” , nhà thơ Phạm Tiến Duật có kể ra 4 tài sản lớn của Hội Nhà văn Việt Nam, gồm có: 1/ tài sản lớn nhất của Hội Nhà văn Việt Nam là sự đoàn kết trong đội ngũ những người viết văn vì sự nghiệp của Ðảng, của nhân dân; vì sự nghiệp văn học sâu xa và lâu dài của dân tộc; 2/ tài sản thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam là lấy việc tôn vinh học thuật đỉnh cao, tôn vinh cá tính sáng tạo riêng biệt của mỗi tài năng là công việc hàng đầu và quan trọng nhất; 3/ tài sản thứ ba của Hội Nhà văn Việt Nam là tấm lòng của mỗi nhà văn và của Hội đối với người cầm bút trẻ; 4/ tài sản lớn thứ tư của Hội Nhà văn Việt Nam là xây ngôi nhà của mình thành ngôi đền lớn của văn học dân tộc.

Anh/chị nghĩ thế nào về những “tài sản” đó?

 

Liêu Thái: Thứ làm tôi suy nghĩ nhiều lại là ông Phạm Tiến Duật, vì ông cũng là một trong những “tài sản” đó. Luận điểm 1 cho thấy tính bầy đàn được ca tụng, được đánh tráo bằng chữ “đoàn kết”. Tính sáng tạo cá nhân, dấu ấn cá nhân đang bị triệt tiêu vì sự nghiệp của Đảng (có mượn nhân dân làm khiên che đạn, làm áo mưa và làm bình phong). Luận điểm 2 thể hiện sự dối trá, láo toét đã ăn thành nếp trong não bộ những người được gọi là nhà văn trong Hội này. Làm gì có tôn vinh học thuật? Nạn đạo văn, nạn mua bằng bán cấp đã trở thành nạn dịch, ai cũng biết rồi. Làm gì có tính sáng tạo cá nhân? Muốn có tính sáng tạo cá nhân thì phải có tự do, dân chủ và đầy đủ nhân quyền. Nhìn lại văn học “chính thống” thì thấy ngay điều này, không cần phải bàn luận thêm. Luận điểm 3 và 4 cũng không là gì khác hơn sự giả dối và bốc phét. Nghe nổ chát chúa, muốn rách tai! Lẽ ra phải nói là: Tài sản lớn nhất của Hội Nhà văn Việt Nam là tạo ra một cái nền gọi là văn học “dân tộc” dưới ánh sáng Mác–Lê, “tư tưởng” Hồ Chí Minh và Mao, một nền văn học tuyên truyền cự phách và một công cụ tuyên truyền toàn trị ưu việt. Nói như vậy nghe có vẻ thật thà đôi chút.

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Hội Nhà văn Việt Nam có tham vọng trở thành “ngôi đền lớn của văn học dân tộc.” Nhiệm vụ của Hội là “tập trung tất cả nhà văn Việt Nam nhằm xây dựng một nền văn học tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.” Thế nhưng, gần đây, tôi đọc bài phóng sự “Các nhà văn về nguồn” trên trang web của Hội Nhà văn Việt Nam thì thấy cuộc “về nguồn” ấy, do chính ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, dẫn đầu đoàn nhà văn, đi đến xã Kim Bình huyện Chiêm Hoá, để viếng thăm nơi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ I. Không lẽ cái “bản sắc dân tộc đậm đà” , cái nguồn của “văn học dân tộc” , nằm ở cái chỗ đó?

Theo anh/chị, ta nên lý giải cái logic này như thế nào?

 

Liêu Thái: Có lần tôi tình cờ [đi chơi, thấy dán băng rôn, biểu ngữ rực rạng nên ghé vào xem thử] tham dự một đại hội nhà văn miền Trung tại khách sạn Hùng Vương trên đường Hùng Vương – thành phố Tam Kì – tỉnh Quảng Nam. Bữa đó ông Hữu Thỉnh có lên phát biểu rất hăng, nội dung là: “... Không nên giải trừ trung tâm, tuyệt đối không giải trừ trung tâm. Hậu hiện đại là gì? Là giải trừ đại tự sự, mà đại tự sự của chúng ta là gì? Là chủ nghĩa xã hội. Mà ai là người cho các anh chị thành nhà văn, nghệ sĩ? Chủ nghĩa xã hội chứ còn ai! Vậy giải trừ chủ nghĩa xã hội các anh chị về đâu? Chúng ta về đâu? Hạt cơm chúng ta ăn là hạt cơm của chủ nghĩa xã hội, cái chỗ chúng ta ngồi đây là của chủ nghĩa xã hội, v.v. và v.v... Vậy thì giải trừ đại tự sự, Hậu hiện đại sẽ không hợp với sự tiến bộ của chủ nghĩa xã hội, là phản động…”. Các nhà văn ngồi dưới ngửa cổ, há miệng ngồi nghe rồi vỗ tay, xong buổi phát biểu và nghe, lại kéo ra nhậu nhẹt, ăn chơi rồi tối ngủ khách sạn, sáng mai ăn sáng, mấy cô nữ thì lo xun xoe ông Chủ tịch Hữu Thỉnh. Bữa đó tôi có nói là tôi ngoại đạo trong cuộc chơi của mấy ông/bà nhưng về vấn đề Hậu hiện đại ông Hữu Thỉnh nói nghe hay quá vì giọng ông rất truyền cảm và thống thiết, nhưng nếu ông đừng nói thì hay hơn, vì nói hay một vấn đề mình không biết thì còn tệ hơn đứa nói cà lăm... [trong lúc các văn nhân đang ngồi vừa xì xụp húp cháo gà vừa bàn luận văn chương]. Nghe tôi nói vậy, mọi người có vẻ bực lắm, nhưng không ai nói gì. Sáng hôm đó, cả chi hội nhà văn miền Trung kéo nhau lên thăm nghĩa trang liệt sĩ và thăm khu bảo tàng di tích các hoạt động của chi bộ Đảng tại Trà Mi. Thì về nguồn đó! Nguồn của Hội Nhà văn Việt Nam là chỗ đó, tuyệt đối không phải chỗ nào khác. Vì sao? Vì họ sinh ra và được đào tạo để ca ngợi cho cái nguồn vừa nói. Làm thế mới có cái mà bỏ vào bụng, có cái để che thân và suy nghĩ vẩn vơ... về nguồn!

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Ngày 29/07/2010 vừa qua, nhà báo Trang Hạ có viết bài “Em không phải là nhà văn” , đăng trên Trangha's Blog. Trong đó, Trang Hạ cho chúng ta thấy nhiều điểm rất thú vị trong nội tình của Hội Nhà Văn Việt Nam hiện nay (đạo văn, mạo danh, bao che, quỵt tiền...) và đặc biệt ngoạn mục là thái độ của ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đối với Trung Quốc và... tiền.

Theo anh/chị, những việc thú vị và ngoạn mục như thế diễn ra trong “ngôi đền lớn của văn học dân tộc” đã phản ảnh đúng mức cái “bản sắc dân tộc đậm đà” chưa? Hay là anh/chị còn biết những sự kiện thú vị và ngoạn mục hơn nữa để làm những ví dụ xác đáng hơn nữa?

 

Liêu Thái: Đây là một câu chuyện quá dài và nên để những bài viết trên các trang mạng nói rõ hơn. Lấy ra một câu chuyện kiểu như nhà báo Trang Hạ và nhiều người khác đã làm chỉ là công cuộc phân loại rác trong một hố rác. Tốn thời gian và năng lượng vô cùng!

 

Hoàng Ngọc-Tuấn: Nếu có một vị tiên trên trời hiện xuống ban cho anh/chị 3 điều ước về Hội Nhà Văn Việt Nam, thì anh/chị sẽ ước những gì?

 

Liêu Thái: Tôi chỉ ước một điều là đủ: Hãy giải tán nó ngay và ông tiên chịu khó ngồi chơi xơi nước đánh cờ chờ xem con người làm những việc họ phải làm.

 

 

---------------

Bài liên hệ:

08.08.2010
.. Tổ chức Đại hội Nhà văn Việt Nam sẽ cho họ cơ hội đánh bóng lại cái chuồng trại văn hoá của chế độ toàn trị made in Viet Nam! Và một lần nữa trang trí hoa lá cho “tự sự của lồng chim” để tiếp tục che đậy “thực tế của xà lim”!... (...)
 
phải tệ lắm dân mới cáu tiết / mới la mắng các bác rần rần / chỉ mặt kêu là bọn ăn bám / khi vẫn còn đủ cả tay chân // cầm bút viết theo chỉ thị đảng / làm văn nô tất bị khinh thường / có mấy bác dám đi lề trái / hay sẵn sàng lao động kiếm cơm? // nuôi mỗi năm mấy chục tỷ bạc / vẫn không có tác phẩm ra hồn / áo thụng vái nhau như cơm bữa / nhiều bác còn mang tiếng xảo ngôn... (...)
 
07.08.2010
... Theo tôi hiện nay Đảng không những không coi trọng thị trường, mà còn coi thường cái Chủ Nghĩa Xã Hội. Cái mà Đảng coi trọng và quan tâm nhất là sự sống còn của Đảng. Định hướng XHCN và thị trường là những phương tiện để những phe phái trong Đảng thoả hiệp và tranh giành quyền lợi... (...)
 
... Nếu Hội Nhà văn không thể tự mình thay đổi, cứ mãi già nua , bảo thủ, cũ kỹ, trở thành gánh nặng cho xã hội, trở thành lực cản của các nhà văn, thì nên giải tán nó đi và thành lập các hội khác... (...)
 
... Đại hội có diễn ra và có bầu cho những ai thì cũng chỉ là vậy, không ngoài cái quy luật này: Nhà cầm quyền muốn tìm những nhà cầm chữ biết ngắm trăng theo... nghị quyết... (...)
 
06.08.2010
... Tôi không tin có tiên, lại càng không tin có một vị tiên nào làm một việc “bất nhân” là ban cho ta một ân huệ để cầu ước cho hội ấy “sửa sai”. Bởi lẽ đó, nếu như bị ép quá, mà có một vị tiên được “bố trí” làm việc này, thì tôi chỉ xin một điều duy nhất: nếu hội ấy không được tái “cơ cấu” để biến mất, thì cho tôi không được nghe nói về nó nữa... (...)
 
... Hôm nay tác động của văn chương lên thực trạng xã hội là nhẹ hều, đúng hơn, chẳng là cái cóc khô gì cả. Nhưng văn chương vẫn nhận được một sự quan tâm quá mức cần thiết! Điều này có khi làm các nhà văn ngộ nhận rằng mình còn ngon, còn trọng lượng đáng kể, hay còn là tác nhân quan trọng có thể làm thay đổi xã hội! Bé cái nhầm, cả phía quan tâm và phía được quan tâm!... (...)
 
... Tôi có 3 mong-ước: a) Toàn zân tẩy chay Hội Nhà-văn Việtnam. b) Jải-tán Hội Nhà-văn Việtnam. c) Mỗi hội-viên của Hội Nhà-văn Việtnam fải đọc và học cuốn Văn-chương là jì? của J.-P. Sartre để hiểu sứ-mệnh và trách-nhiệm của nhà-văn trong jai-đoạn tối-tăm ở Việtnam hiện-tại... (...)
 
... Chỉ cần một điều: Cóc cần chơi với “đảng” nữa, e khá hơn chăng? Nếu không thì nên “phẹc mê bu tích”!... (...)
 
05.08.2010
... Hội Nhà văn Việt Nam và báo Văn Nghệ đã thành cái ao làng lâu rồi. Tôi ước: Lấp đi cái ao làng. Cái ao làng phải thật sự bị lấp để thách thức chính những kẻ quen sống trong ao...
 
... Văn học là Đảng, Đảng là văn học. Đảng nói dân cầm bút nghe. Dân cầm bút nghe Đảng nói. Bô bô cái lỗ miệng “xây dựng/xây đắp” thì dễ ợt ai mà chẳng làm được. Nhưng “dựng đắp” thì phải có công cụ (tài năng) và vật liệu (tác phẩm) và thời gian nữa chứ...
 
04.08.2010
... Sự quan tâm của Đảng dành cho văn chương chính là vì chưa bao giờ như hôm nay Đảng mất quyền kiểm soát đối với văn chương, đặc biệt là văn chương ngoài luồng và những thứ chữ nghĩa trên internet... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021