thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lê Văn Tài – “polyartist”

 

 

LÊ VĂN TÀI – “POLYARTIST”

 

Mùa hè năm 2012, khi cùng Trương Vũ, Nguyễn Hưng Quốc và Võ Quốc Linh bước vào National Gallery of Art ở Washington D.C. để xem cuộc triển lãm “Joan Miró: The Ladder of Escape”, tôi bất giác nhớ đến Lê Văn Tài. Nói chính xác hơn, khi vừa trông thấy mấy bức “Painting-Poem” của Miró, thì những bài thơ cụ thể của Lê Văn Tài thình lình hiện ra trong óc tôi. Đứng lại, nhìn ngắm thật kỹ mấy bức “Painting-Poem” của Miró, tôi thấy chúng là những tác phẩm tuyệt vời nhưng không có ảnh hưởng gì đến thơ cụ thể của Lê Văn Tài. Sự liên tưởng bất ngờ của tôi chắc hẳn chỉ nẩy ra vì cái ấn tượng thị giác khi trông thấy những câu thơ ngắn trong những bức tranh của Joan Miró.

“Đối với tôi, hội hoạ và thơ chỉ là một.” Đó là một câu nói của Joan Miró được in lại trong rất nhiều sách viết về sự nghiệp hội hoạ của ông, nhưng Joan Miró vẫn không phải là một nhà thơ. Hầu như ông không viết một bài thơ nào ngoài vài câu thơ ngắn trên vài bức “Painting-Poem”. Khi nói “hội hoạ và thơ chỉ là một,” Miró chỉ muốn nêu lên sự tương đồng giữa hội hoạ và thơ trong diễn trình sáng tạo của ông. Ông giải thích: “Tôi cố gắng dùng màu sắc như những con chữ tạo nên những bài thơ, như những nốt nhạc tạo nên âm nhạc.” Và ông nói thêm: “Bức tranh hiện ra từ những nét cọ giống như một bài thơ hiện ra từ những con chữ. Ý nghĩa sẽ đến sau.” Như thế, có thể nói, Miró đã vẽ tranh như một thi sĩ làm thơ, nhưng ông chưa từng làm thơ như một hoạ sĩ vẽ tranh!

“Đối với tôi, hội hoạ và thơ chỉ là một.” Câu nói này nếu áp dụng vào cuộc đời nghệ thuật của Lê Văn Tài thì sẽ mang một ý nghĩa thú vị hơn. Lê Văn Tài là một hoạ sĩ tài hoa — điều này quá hiển nhiên — và đồng thời anh là một nhà thơ đã viết hàng trăm bài thơ với bút pháp và ý tưởng vô cùng phong phú. Anh đã xuất hiện như một hoạ sĩ nhiều năm trước khi xuất hiện như một nhà thơ. Tôi không biết trong những năm ấy anh đã có làm thơ hay chưa, nhưng bây giờ khi tôi nhìn lại những bức tranh ngày xưa của anh, tôi có cảm giác như mỗi bức tranh đã chứa trong nó một nguồn thơ. Rồi đến khi anh bắt đầu xuất hiện như một nhà thơ, với những bài thơ bằng tiếng Anh, thì mỗi bài thơ lại mang đến cho người đọc cái cảm giác như đang xem một bức tranh. Trong tiểu luận “Lê Văn Tài và trang thơ sinh động” (“Le Van Tai and the Living Page”), khi nhận xét về tập thơ Waiting the Waterfall Falls của anh, nhà phê bình Mark Stevenson đã nhận xét:

Lê Văn Tài là một con người vùng vẫy giữa hai bờ, đứng chênh vênh giữa hình tượng và văn bản, giữa bầu trời và mặt đất, để mang màu đen và màu trắng vào nhau. Ông viết và vẽ những hình ảnh đẹp rợn người...

trong thơ của ông, ông phát ngôn như một sinh vật lạ lùng hiện ra trùng điệp trên những tấm bố vẽ của ông...[1]

Dường như rất nhiều hoạ sĩ đã bị thơ ám ảnh, và ngược lại, rất nhiều thi sĩ bị hội hoạ ám ảnh, nhưng không phải ai cũng đồng thời sáng tạo được cả hai thứ một cách xuất sắc. Pablo Picasso bị thơ ám ảnh từ thuở còn trẻ, nhưng đến 53 tuổi ông mới lén làm thơ trong những cuốn sổ tay, và có ai bước vào phòng thì ông giấu đi ngay. Ông chỉ để cho vài người bạn thân, như George Braque và André Breton xem, và Breton có viết một bài về thơ của Picasso trên tờ Cahiers d'Art. Thế nhưng, lúc ấy Picasso vẫn không tự tin vào tài thơ của mình. Chưa đầy một năm sau đó, ông gửi thư cho thi/hoạ sĩ Jaime Sabartes, thổ lộ tâm sự rằng: “Kể từ đêm nay, tôi sẽ từ bỏ hết chuyện vẽ vời, nắn tượng, chạm trổ, và làm thơ, để dồn hết thì giờ vào việc ca hát.” Tuy nhiên, vài ngày sau đó, ông lại viết: “Tôi phải tiếp tục làm việc bất kể chuyện ca hát và mọi thứ khác.” Và ông quay trở lại với hội hoạ. Vẫn bị thơ ám ảnh, ông tiếp tục viết được hơn một trăm bài thơ trong suốt hơn 20 năm sau đó. Là một hoạ sĩ kiêm điêu khắc gia vang danh bốn bể, nhưng Picasso vẫn âm thầm muốn mình là một thi sĩ. Theo lời kể của Midguel Acoca, Picasso đã nói với một người bạn rằng sau khi ông chết, thơ của ông sẽ được công nhận và những cuốn bách khoa toàn thư sẽ viết rằng: “Picasso, Pablo Ruiz — thi sĩ Tây-ban-nha, người có nhúng tay chút ít vào hội hoạ và điêu khắc.” Có lẽ ước muốn của ông không thành, vì danh tiếng hoạ sĩ kiêm điêu khắc gia của ông quá vĩ đại, nhưng hiển nhiên thơ của ông đã được nhiều nhà phê bình đánh giá cao. Ngoài ra, ông cũng là tác giả của ba kịch bản siêu thực rất độc đáo.

Năm 1970, Richard Kostelanetz đã sáng chế ra chữ “polyartist” để mô tả những nghệ sĩ có tài năng xuất sắc ở hai hay nhiều lĩnh vực khác nhau. Picasso tất nhiên là một “polyartist”. Và Jean Arp, George Grosz, Khalil Gibran, Paul Klee... cũng thế. Và William Blake hiển nhiên là một trong những “polyartist” vĩ đại nhất trong lịch sử nghệ thuật thời Lãng Mạn ở châu Âu. Có thể nói “polyartist” là một con người chứa đựng bên trong cùng lúc nhiều nghệ sĩ, và sức sáng tạo giục giã bên trong hắn tràn trề đến mức có những khi hắn loay hoay không biết phải chọn nghệ sĩ nào để phát tiết sự sáng tạo ra ngoài, như Picasso đã có lúc loay hoay giữa việc vẽ, hay điêu khắc, hay làm thơ, hay ca hát.

Theo tôi, Lê Văn Tài là một “polyartist”, ít nhất trong hai lĩnh vực hội hoạ và thơ. Trong suốt mấy mươi năm sống gần với anh, tôi thấy anh không bao giờ ngưng “làm việc”. Hết vẽ, thì làm thơ; làm thơ xong, thì lại vẽ; vì bên trong anh, hai nghệ sĩ ấy không ngừng tranh nhau phát tiết. Có những lúc Lê Văn Tài ngưng vẽ, và chỉ làm thơ suốt nhiều tháng, nhưng không phải vì người hoạ sĩ trong anh cạn hứng, mà thật ra vì túi của anh cạn tiền, không đủ để mua bố vẽ và sơn dầu. Những lúc đó, anh thường hoà giải cho hai nghệ sĩ ở trong anh bằng cách dùng computer để sáng tác hàng loạt những bài thơ cụ thể — tức là những bài thơ bằng hình ảnh.

Có thể nói vẽ và làm thơ là hai công việc chính trong cuộc sống của Lê Văn Tài, và anh làm hai công việc ấy với một niềm say mê rất hồn nhiên, không hề nhắm đến một công chúng khán giả hay độc giả nào cả. Anh vẽ vì không thể không vẽ; anh viết vì không thể không viết; và anh thường không tự diễn giải được những tác phẩm của mình. Chúng chỉ tuôn ra như thế. Một sự giục giã nẩy ra trong anh, và anh phải cầm cọ hay cầm bút lên, để vẽ, hay viết. Thế thôi. Nhưng những con mắt từ bên ngoài nhìn vào tác phẩm của anh lại phát hiện một sự phong phú cao độ về cả bút pháp lẫn ý tưởng. Chẳng hạn, khi xem tranh của Lê Văn Tài trong cuộc triển lãm Square Earth (2004), nhà phê bình Merrill Findlay đã nhận định:

[Nghệ thuật của Lê Văn Tài] là một sự kết hợp tinh tế và điêu luyện của nhiều lịch sử và nhiều giá trị khác nhau hoà lẫn với máu và nước mắt, những khoảng khuất lấp và mờ mịt không nói nên lời, của cả ngàn năm đầy chiến tranh tàn phá đến mức tê điếng cả trí óc. Những bức tranh của Lê Văn Tài chuyên chở dấu vết của tất cả những mảnh quá khứ này: Khổng giáo, Ấn giáo, Phật giáo; Chàm, Khmer, Việt; Trung Hoa, Ấn-độ, Mã-lai; Pháp, Nga, Mỹ; tính dân gian, tính siêu thực, tính lập thể; tính biểu tượng, tính huyền thoại, tính biểu hiện; tính dục lạc, tính tâm linh, tính nhân bản; tính truyền thống, tính hiện đại, tính hậu hiện đại; tính địa phương, tính liên-địa-phương, tính toàn cầu.[2]

Thật ra, Merrill Findlay chỉ liệt kê những phẩm tính mà bà bắt gặp trong tranh của Lê Văn Tài, chứ bà không thể nào nói rành mạch những điều mà bà cảm nhận.

Trong thơ của Lê Văn Tài cũng thế, bằng một thứ ngôn ngữ đầy hình tượng và màu sắc, anh cũng thể hiện tất cả những phẩm tính phong phú chứa đựng trong hội hoạ của anh. Tôi đã đọc hàng trăm bài thơ của Lê Văn Tài, nhưng tôi không thể nào đúc kết cảm nghĩ của mình một cách gọn gàng trong một đoạn văn như một lời kết luận. Tốt nhất, tôi nghĩ, hãy để cho người đọc giở từng trang thơ của Lê Văn Tài ra mà tự tìm thấy cho mình những gì đẹp nhất trong cõi nghệ thuật của anh, cõi nghệ thuật của một con người mà trong đó một hoạ sĩ và một nhà thơ cùng sáng tạo và cùng sống, hoà lẫn vào nhau, không biết ai là bóng, ai là hình.

 

Hoàng Ngọc-Tuấn
Sydney, 8/2013

_________________________

[1]Mark Stevenson, “Le Van Tai and the Living Page: Review of Waiting the Waterfall Falls”, The Age, Feb. 1997. Bản Việt ngữ “Lê Văn Tài và trang thơ sống” (do Hoàng Ngọc-Tuấn dịch) đã đăng trên Tiền Vệ.

[2]Merrill Findlay, “Redreaming the Earth”, catalogue essay to accompany Square Earth, a retrospective exhibition of paintings by Le Van Tai, Fairfield Regional Gallery, March 2004.

 

 

------------------

Bài liên quan:

Lê Văn Tài và trang thơ sống  (tiểu luận / nhận định)  - Stevenson, Mark
[CHUYÊN ĐỀ LÊ VĂN TÀI] ... Hãy tìm đến với Lê Văn Tài, nhà thơ kiêm hoạ sĩ Úc gốc Việt. Cũng như tất cả những tác phẩm nghệ thuật sáng giá, tranh và thơ của ông sẽ làm thay đổi cách nhìn và cách đọc của bạn. Lê Văn Tài là một con người vùng vẫy giữa hai bờ, đứng chênh vênh giữa hình tượng và văn bản, giữa bầu trời và mặt đất, để mang màu đen và màu trắng vào nhau. Ông viết và vẽ những hình ảnh đẹp rợn người... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021