thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chờ lão tám mươi

 

 

Tôi triệu năm buồn dài theo những lóng đốt xương chân
dreamistry (bào chế giấc mơ)” – Lê Văn Tài

 

Sáu mươi tuổi, anh giương cu “đái vung một đường cong ngoằn ngoèo — sông chảy”.[1] Sáu mươi lăm tuổi, anh “ngỏng-cu buồn tè, thi hứng dội tuôn mưa dông ngàn trộ”. Bảy mươi tuổi, anh “trừng mắt, đèn chong nhìn xem các góc xó lịch sử, bầy muỗi lũng sâu trí trá đã làm gì”.[2]

Anh là Lê Văn Tài, một nhà thơ lửng lơ với hoạ, một hoạ sĩ lơ lửng với thơ và, sau hết, một nghệ sĩ lơ lửng với đời.

“Vung” cu với tạo vật thiên nhiên, tuôn thi hứng “mưa dông ngàn trộ”, “làm tình với cái đẹp ngoài cõi mông lung / và thở (đến phút tàn hơi) trong sự thật”, anh phiêu lãng rong chơi nhưng “trừng mắt, đèn chong” trong từng “góc xó lịch sử”. “Chong” và “trừng” là để soi rọi và truy tìm đến tận cùng của sự thật nhưng sự thật luôn là cái gì đó chập chờn bất định nên, dù hăm hở “đâm thủng bức màn lịch sử vô minh nhuộm đỏ”, anh cũng cứ lơ lửng, chập chờn.

Nếu cái “thật” hay cái “đẹp” đi tìm nằm chập chờn giữa nó và những công- trình-sắp-đặt về nó thì anh lơ lửng giữa anh và những tác-phẩm-sắp-đặt về anh, những bản-thế-vì-Lê-Văn-Tài, một Lê Văn Tài với “năm mười ba tháng / ngày 25 giờ”, một Lê Văn Tài “hoán đổi vị trí lỗ tai mù vào trái tim câm và cái mũi điếc”, một Lê Văn Tài “đập vỡ chai lọ tìm”, một Lê Văn Tài “mộng du lạc vào 4000 năm ăn / 4000 năm gắp”, cái gã không đến mà, cơ hồ, chỉ đi lạc vào đời:

khuya tôi: những sợi tóc bạc, bốc hơi...
huyền thoại khói toả về trời, mây tuôn - thác dội...
những chiếc răng long, trồi lên - đất trụt, chới với...
những lớp da mồi trầy vi tróc vảy - vỏ cây bị tổn thương...
những đầu móng tay mọc dài - rừng gai nhọn cào xước...
những tế bào chết lặng, không lời văn tế - giun dế nỉ non...
những chuỗi trí nhớ thường quên - vết chân chim, thất lạc...

Đã lạc vào đời như một sự thụ thai ngẫu nhiên, một sắp đặt không chọn lựa, trong cơn bão nghiệt ngã của một lịch sử nghiệt ngã trên một vùng đất khắc nghiệt anh còn bị xô dạt về bên kia cái đầu ruồi của ống thép Kalashnikov “cắc bùm”. Bao nhiêu năm ù tai và quáng gà con mắt trong “hiện thực đỏ lòm” của thế giới những “sọ dừa chính trị thực dụng / miệt thị tất thảy hoa hồng và chùm âm lục biết” anh vẫn vậy, ngơ ngác và hiu hắt, một bên lề:

Địt mẹ mày! Mày vẽ cái gì?
vẽ cho ai?
và mày làm việc cho tổ chức nào?
[...]
Thưa cán bộ, tôi đã vẽ cho chính tôi
bởi vì
lồng ngực tôi đang hổn hển
và những cơn đau quặn sắp đẻ ra...
Địt mẹ mày! Vô lý!
Thưa cán bộ, ngài có thể thấy sự thật
trên những bức tranh ấy:
suốt năm chúng nép sát bức tường
úp mặt vào bóng tối

Hiu hắt bên lề nhưng khao khát thở “đến phút tàn hơi trong sự thật”, anh xô đẩy và dằng xé chính mình. Anh “đặt đít ngồi lên chỗ không là gì cả” nhưng tham lam “cong chân quẫy đạp mười phương địa cầu”. Anh lê lết những “cơn đau quặn” trong thân xác trĩu nặng ham muốn trần tục nhưng đau đáu với ảo ảnh nhẹ tênh của mình dội về từ một tinh cầu, một “cõi mông lung” hằng khao khát “làm tình” hay từ “thế giới bào chế những giấc mơ” nào đó.[4]

Và anh ray rứt với câu hỏi tự-ngã:

Đập vỡ chai lọ tìm tôi, ngàn vụn mảnh (không phải là tôi, là ai đó, rỗng tuếch). Tìm tôi, nơi lỗ tai (cái nồi thủng đáy) 1 tiếng khóc; tròng mắt hoe đỏ (cánh đồng không) 1 nụ cười... những lời mông quạnh ngày thường thất tán xa lạc nơi hoang mạc, những trống vắng lòng thầm lẻ loi, linh hồn đồ vật đơn độc phân thân và tản mác vào ốc đảo phận người, con-tim-ghẻ-lạnh-câm-nín-truyền-đời-ruồng-rẫy-khinh-miệt-mẩy-mình-ta sẽ làm 1 cuồng cơn đại hồng ngập lụt trấn nước môi răng.

Và anh quay cuồng, anh “xé toạc ngàn vụn mảnh phân thân”. Phân thân giữa cái đi qua và cái sáng tạo chưa thành. Giữa thể phách tinh anh hằn sâu trải nghiệm của kiếp trước và bào thai đang chuẩn bị mở ra một mầm sống tinh khôi. Giữa dư vị bội thực ê chề và cái ẩn ức thèm muốn cùng những dằn vặt - minh triết từ thế sự:

nhà thơ lau sạch đầu vú mình: ngọn đỉnh
biểu trưng sức sống tròn căng, sừng tê giác nhọn hoắc;
bài thơ tháng giêng tự thân là giọt sữa khiết trinh
nuôi một đại dương tình yêu ngọt ngào môi thơm vần điệu phi giai cấp
mớm một biển nhạc ngữ bất tận làn hơi gió sóng dân chủ rì rào
mơm mem ngàn cung bậc thuỷ triều tự do lên xuống, và
nguồn nước mát bình đẳng dội vọng triệu niềm khát hoài mong
muôn một màn mưa mù mịt mờ mịn mỏng
và thinh không có sợi nắng “lạ” chập chờn bay...
...

Anh “xé toạc phân thân” và thế giới cũng rách nát, đoạn thân. Thế giới là “muôn loài lãng mạn” và “bình dưỡng khí tươi nguyên” nhưng thế giới cũng là “trăng sao ngột ngạt và tình người co ro lạnh và đói”. Thế giới là cái “âm hộ giản nở mở ra kỳ quan sáng thế” nhưng thế giới cũng lộn đảo, tùng phèo theo “chu kỳ sáng tạo và huỷ phá phi thường”.[5]

trật tự alphabets
        grammar
                và di huấn cổ điển oằn lưng
những tầng tầng linh tượng danh-động-tính từ mòn sáo lộn đảo
bức màn hiện thực thế giới rực rỡ lời ngụy trá đã tro thiêu
 
Bùn lên ngôi ngày lá nho rụng ngoài thềm tam giác rêu
ao đầm taboo tháng địa ngục nóng chảy
...
(“Chữ BÙN viết hoa” – 5.2004)

Khi cái “âm hộ” sinh sôi nảy nở nằm như một thứ “tam giác rêu” hờ hững không thiết tha gì đến lớp lá nho nhân danh văn minh thì cũng là lúc anh cồn cào nỗi niềm bức hại castration anxiety, ám ảnh về ngày “sức sống tròn căng, sừng tê giác nhọn hoắc” bị giam hãm trong thân xác “con bò đực bị tước đoạt giới tính”.[6]

Và anh loay hoay bứt phá trong những ẩn ức phồn thực:

tôi nghĩ bàn tay tôi làm thế nào mà định hướng cho ý nghĩ ‘sẽ có thể’ trang trọng nâng nhẹ một đám mây thiên nga, đặt nằm giữa lòng bầu trời - đĩa gốm sứ; tôi lại nghĩ làm thế nào mà ý nghĩ đã điều kiện hoá bàn tay tuổi thơ tôi tự động - cầm cây súng nước bắn-rụng-sắc-cầu-vồng!

Nâng đám mây thiên nga đặt vào đĩa gốm sứ giữa trời là một yoni mà dương cây súng lên bầu yoni ấy đã là một dáng đứng linga. Nếu lingayoni là hai hình tượng tràn ngập thơ anh thì “súng”, như một như một hoài niệm đầy tiếc nuối về linga, trở nên lơ lửng bất định giữa khẩu súng nhựa bỏ quên của tuổi thơ xưa và sinh thực khí của “con bò đực bị thiến” đang dày vò cấu xé trước những cái tam giác đầy rêu.

Và anh hết tha thiết với cái hoa hoè rực rỡ, giương súng bắn rụng bảy sắc cầu vồng. Rụng sắc cầu vồng, màu trời bị hoá thạch, đặc quánh màu ngọc bích và tranh anh không rực rỡ ấn tượng mà, chủ yếu, miên man hoài niệm và ấp ủ ý tưởng. Anh, trong thơ, bày ra một hiện thực “đỏ lòm” nhưng trong họa “đỏ” nhất cũng chỉ u hoài màu đất nung, u hoài những tường vách tháp Chàm: trời lửa đã rủ nhau hoá thạch và thế giới sắc màu trong con người hoạ sĩ của anh đã biến thành cuộc thương lượng lửng lơ giữa cái còn và cái mất, giữa cái đang là và cái đã từng, giữa hoài niệm tiếc nuối và những khát vọng cồn cào...

Phải đến thơ cụ thể của thời kỳ Tiền Vệ anh mới xông xáo, mới rực rỡ và lấp lánh sắc màu. Cuộc thương lượng lửng lơ với ám ảnh quá khứ đã digitalized, đã tiền vệ hoá thành vòng đàm phán dồn dập trước tương lai và anh chợt tươi ra với sắc trời và màu biển, sắc đỏ trên lưỡi mã tấu chém treo ngành, màu bồ quân đỏ mặt trên ly vang vẫn ngày ngày kết bạn, màu tím mười giờ boléro, những sắc màu của một thế giới muôn trùng điều không thể thấy hay nghe hết, bằng mắt hay bằng tai:[7]

tôi đang ngó thấy — mùa trời đất đang đi, mà không
có chuyển động mây mù, bước chân triều sóng sánh;
tôi đang nhìn — màu thời gian đang thay áo, mà không
một đường nét địa ngục hở hang, trần gian gợi dục;
tôi đang lắng nghe — tim thời gian đang vỗ nhịp, mà tuyệt
nhiên không một bổng trầm nhạc ngữ tình réo tình gọi hú;
tôi đang ủ rơm — thời gian đang ấp trứng tôi, mà không
có luồng điện âm dương giao hoà và vòng tay ôm ghì siết;
tôi đang hôn môi — thời gian đang liếm mép tôi, mà
không một vết son in dấu mắt mũi môi má gần kề;
tôi đang về gần thượng đế — thời gian đang níu râu tóc tôi
mà không hiện hữu một vị giác trời ban hương mật ngọt;

Nay anh đã là “lão” bảy mươi và, như bất cứ ai khác, anh sẽ lão hơn, sẽ “về gần với thượng đế” hơn theo cái cấp số cộng đang nghiệt ngã triển hạn cùng chiều quay của cây kim đồng hồ. Kim sẽ quay và từng xấp lịch sẽ vơi, từng tế bào sẽ âm thầm “chết lặng không giun dế nỉ non” nhưng anh vẫn tiếp tục là một “lão sáng tạo”, vẫn tiếp tục dũng mãnh dội “thi hứng vào mưa dông ngàn trộ”, vẫn tiếp tục kiên gan đội “nhật nguyệt” lên đầu hay tục “cong chân quẫy đạp” mười phương tám hướng.

Và anh sẽ còn ngất ngưỡng bên cái ly sóng sánh màu đỏ mặt giữa bàn tiệc ồn ào, đầu ngật ngừ, mắt hấp háy, lơ lửng phiêu bồng trong thế giới riêng của mình. Bao nhiêu lần là bấy nhiêu lần, giữa những anh em sôi nổi ồn ào, anh đắm mình lơ lửng trong cõi tiệc riêng của mình để rồi hậu đãi anh em bằng những bữa tiệc tươi rói cảm xúc, bằng màu hay bằng chữ, những bữa tiệc đã bày ra trên khung bố, trên Việt và hiện đang, sung mãn và đều đặn, bày ra trên Tiền Vệ.

Kim sẽ quay và lịch sẽ vơi và, mười năm sau nữa, anh sẽ là một lão tám mươi. Những tiệc rượu của anh em dẫu thịnh soạn cách mấy cũng sẽ tan biến theo cái hư ảo mong manh của đời sống phù thế nhưng những bữa tiệc của anh vẫn còn lại đó. Anh không còn ngồi lên “cái không là gì cả” nữa và anh em sẽ còn chờ đợi những mâm tiệc mới của anh, cái lão tám mươi nhưng vẫn hồn nhiên với cây súng nước của cái thời nghịch ngợm ngỏng lên trời.

Chờ tiệc anh, anh nhé, anh Tài...

 

7.2013

 

(Trích trong cuốn Thơ Lê Văn Tài do Nguyễn Hưng Quốc biên tập và giới thiệu, Văn Mới & Tiền Vệ xuất bản năm 2013)

 

_________________________

Chú thích:

Toàn bộ những từ hay cụm từ lồng trong ngoặc kép trong bài này đều được trích từ thơ của Lê Văn Tài, đã đăng trên Tiền Vệ.

[1]Sáng tạo lão”.

[2]đêm nhân gian trừng mắt, đèn chong”.

[3]Nguyên tác tiếng Anh của Lê Văn Tài, “An Artist's Dialogue with an Arts Officer” (2000).

[4]dreamistry (bào chế giấc mơ)”.

[5]Tháng gió mù sương”.

[6]Tôi — con bò đực bị vắt sữa

[7]Có một câu tục ngữ về sự khác nhau giữa nam và nữ qua hiện tượng “đỏ mặt” và “đỏ tai”. Còn một câu khác về tốc độ ứng xử với những phụ nữ có da màu bồ quân!

 

------------------

Bài liên quan:

Lê Văn Tài – “polyartist”  (tiểu luận / nhận định)  - Hoàng Ngọc-Tuấn
[CHUYÊN ĐỀ LÊ VĂN TÀI] ... Theo tôi, Lê Văn Tài là một “polyartist”, ít nhất trong hai lĩnh vực hội hoạ và thơ. Trong suốt mấy mươi năm sống gần với anh, tôi thấy anh không bao giờ ngưng “làm việc”. Hết vẽ, thì làm thơ; làm thơ xong, thì lại vẽ; vì bên trong anh, hai nghệ sĩ ấy không ngừng tranh nhau phát tiết... (...)
 
Lê Văn Tài và trang thơ sống  (tiểu luận / nhận định)  - Stevenson, Mark
[CHUYÊN ĐỀ LÊ VĂN TÀI] ... Hãy tìm đến với Lê Văn Tài, nhà thơ kiêm hoạ sĩ Úc gốc Việt. Cũng như tất cả những tác phẩm nghệ thuật sáng giá, tranh và thơ của ông sẽ làm thay đổi cách nhìn và cách đọc của bạn. Lê Văn Tài là một con người vùng vẫy giữa hai bờ, đứng chênh vênh giữa hình tượng và văn bản, giữa bầu trời và mặt đất, để mang màu đen và màu trắng vào nhau. Ông viết và vẽ những hình ảnh đẹp rợn người... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 

-------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021