thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lục bát Chăm

 

1. Tên gọi:

Lục bát luôn được coi như thể thơ thuần Việt. Trong quá khứ, đã có nhiều thành tựu lớn về thể thơ này được nhận biết với giọng thơ riêng. Và giới chuyên môn cũng kịp tạo từ chuyên biệt để gọi: lục bát Nguyễn Du, lục bát Huy Cận… Bởi các giọng điệu cũ được nhận biết quá rộng rãi, hơn nữa lục bát được sử dụng gần như cạn kiệt, nên các nhà thơ đến sau, khi sử dụng nó để sáng tác, rất khó tránh “đụng hàng”. Hoặc, nếu không có tài năng đặc biệt, rất khó hay.

Từ hơn nửa thế kỉ qua đã có nhiều nỗ lực lớn từ các nhà thơ chuyên “trị” lục bát, và có thể nói họ cũng đã ít nhiều thành công trong làm mới thể thơ truyền thống này. Tìm hiểu một thể thơ gần giống lục bát Việt từ kho tàng văn học dân tộc Chăm, vừa giới thiệu một “bản sắc” độc đáo của văn chương dân tộc thiểu số này, đồng thời hi vọng mở hướng đi mới cho các nhà thơ hôm nay.

 

Chúng tôi tạm dùng cụm từ lục bát Chăm để chỉ thể thơ ariya Chăm. Ariya trong tiếng Chăm có các nghĩa:

Trường ca: Ariya Cam–Bini (Trường ca Chăm–Bàni).

Thơ: Sa kadha ariya (một bài thơ).

Thể thơ: thể ariya, cặp sáu–tám Chăm.

Đến nay chưa có tài liệu nào xác minh thời điểm ra đời của lục bát Chăm. Càng không có một bài nghiên cứu chuyên sâu nào về thể thơ dân tộc khá độc đáo này.

Trong Văn học Chăm – Khái luận,[1] chúng tôi chỉ dành cho nó một phân tích rất sơ lược. Quá sơ lược nên đã gây một vài ngộ nhận. Trong lúc có thể nói, – ngoài các thể văn vần như đồng dao / kadha ranaih adauh, bài phù chú / kadha kalơng… / đây là thể thơ duy nhất được người Chăm sử dụng trong một thời gian dài, cả trong sáng tác bình dân lẫn sáng tác bác học.

Ngay từ cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII được ghi nhận là thời điểm ra đời của sử thi Akayet Deva Mưno, lục bát Chăm đã có mặt. Và trước đó nữa, trong ca dao Chăm, lục bát là thể thơ được độc quyền sử dụng.

 

2. Lục bát Chăm gieo vần lưng. Chữ thứ 6 dòng lục hiệp với chữ thứ 4 dòng bát

Thei mai mưng deh thei o

Drơh phik kơu lo yaum sa urang

[Ai đến từ đằng kia xa

Giống người yêu ta riêng chỉ một người]

                                     (Panwơc Pađit – Ca dao)

 

Hiện tượng này chúng ta cũng thấy trong ca dao Việt:

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn hái nụ tầm xuân

 

Ngày nay, thỉnh thoảng vẫn có một vài tác giả dùng. Thế nhưng trong khi đã ổn định, tuyệt đại đa số lục bát Việt hiệp vần ở chữ thứ 6 thì trong lục bát Chăm, nó không hề thay đổi.

 

3. Ariya gieo cả vần bằng lẫn vần trắc

Mai baik dei brei pha crong

Tangin dei tapong kauk luk mưnhưk

Bbuk ai tarung yơu hrơk

Tangin dei pơk nhjwơh yơu tathi

[Về đi em cho đùi gác

Bàn tay em vuốt , đầu xức dầu thơm

Tóc anh bù rối như rơm

Tay em vuốt thì mượt như lược chải]

 

Đây là loại vần dù hiếm nhưng cũng có xuất hiện trong thơ ca dân gian Việt:

Tò vò mà nuôi con nhện

Ngày sau nó lớn nó quến nhau đi

                                     (Ca dao)

 

Nhưng không như ở lục bát Việt, vần trắc tồn tại khá bình đẳng với vần bằng trong ariya Chăm. Thậm chí trong một bài thơ dài, nó gần như đứng xen kẽ. Nghĩa là cứ một câu hiệp vần bằng tiếp liền một câu hiệp vần trắc.[2]

 

4. Tiếng Chăm là thứ ngôn ngữ đa âm tiết nên khác với lục bát Việt, số lượng tiếng được đếm trong ariya Chăm cũng khác. Có hai trường hợp xảy ra:

 

      4.1. Đếm theo âm tiết:

 

      –Cam saung Bini ke kan

          1      2     3-4  5   6

        Mu sa karan ia sa bilauk

         1    2  3-4   5   6  7-8

                                          (Ca dao)

      –Tabur xanưng twei đơy

         1-2    3-4        5     6

        Vak Pauh Catwai twei bauh akhar

          1      2      3-4    5      6      7-8

                                          (Pauh Catwai)

 

Chúng ta thấy lối đếm âm tiết này có mặt trong các sáng tác mang tính trữ tình (Ariya Cam – Bini, Ariya Sah Pekei), hoặc mang phong cách châm ngôn (Pauh Catwai, Muk Thruh Palei) và trong hầu hết các sáng tác bình dân Chăm.

 

      4.2. Đếm theo lượng trọng âm:

 

Hiện tượng đọc lướt, nén chữ (compression), hay nuốt âm (elision) là chuyện bình thường gần như là thuộc tính của ngôn ngữ đa âm tiết, nhất là trong sáng tác thơ ca. Tiếng Chăm không là ngoại lệ.

Trong các sử thi như Akayet Deva Mưno, Akayet Um Mrup, Akayet Inra Patra hay các tác phẩm mang tính triết lý, thể ariya chỉ được tính theo lượng trọng âm của từ đa âm chứ không tính từng âm tiết như trường hợp thứ nhất. Cả một số hư từ cũng bị lược bớt.

      –Akayet si panưh twơr tabiak

        01-2    3    04      5      06

        Padơng nưm ka ratwơk Rija Deva Mưno

         01  2     3   04    05      6    7-8

                                             (Akayet Deva Mưno)

      –Glang anak linhaiy likuk jang o hu

        102    03       04      5    0   6

        Bhian drap ngap ralo piơh hapak khing ka thraung

        1  2       3      04      5    06      7          0            8

                                                                       (Ariya Glang Anak)

 

Dấu vết của cách đếm này chúng ta cũng có thấy trong vài bài ca dao Việt xưa.

        8        Mình nói dối ta mình hãy còn son

        9        Ta đi qua ngõ ta thấy con mình bò

        6        Con mình những trấu cùng tro

        8        Ta đi xách nước tắm cho con mình

 

Nhưng khi lục bát Việt phát triển ổn định, nó dừng lại ở 6-8. Các cách tân sau này không quan tâm đến lượng âm tiết trong câu mà đặt nặng ở vắt dòng và nhất là ngắt nhịp:

        –Rằng xưa

          có gã từ quan

          Lên non

          tìm

          Động hoa vàng

          ngủ say                (Phạm Thiên Thư)

 

        –Chia cho em một đời say

          Một cây si/

                                  với/

                                              một cây bồ đề       (Nguyễn Trọng Tạo)

 

Vài năm qua, Du Tử Lê đã cố ý cắt nát lục bát bằng các dấu chấm, phẩy, slash … để tạo nhịp đi mới, nhịp chỏi cho thể thơ vốn khá mềm mại, êm dịu này – một cố ý thuần kĩ thuật. Vài ví dụ:

        –Nằm nghe - chăn gối rơi. Cùng

          tháng năm bằn bặt.- Phật còn ở không

          Tôi nhìn - tôi rất chon von

          núi non âm bản. - rừng son vẽ.- Buồn

        –Còn tôi, - cõi nát - cõi tàn

          cõi hoang mang, - vội, - cõi bàng hoàng, - qua

        –chiều lên chiều lên tù mù

          vàng tâm cổ thụ lá khu trục cành

          lon bia lon bia chia buồn

          nhớ, quên, một lũ chết bầm tương tranh

 

Thì lục bát Chăm vẫn phát triển theo kiểu trương nở. Chúng ta tạm phác họa mô hình của lục bát Chăm như sau:

Sự trương nở này phát triển ra theo hoặc một, hai hay cả ba chiều mũi tên. Từ đó trường hợp thứ ba xảy ra:

 

      4.3. Lục bát biến thể: có mặt rải rác trong các sáng tác, đặc biệt là trong Ariya Bini–Cam. Ở đây dù lục bát Chăm vẫn ổn định ở cấu trúc hình thức nhưng rất tự do trong số lượng âm tiết:

      –Limưn tơl Bal Hangơv

         1-2     3  4      5-6

        Bal siam mưtwav mưthrum tabbang car cơk

         1      2      3-4------------------------------->

        Kraung riya padơng ia banơk

<----------------------------------6

        Pabah lamngư mưkhơk ikan hadang raxa raxa

<-------------------------4------------------------->

                                                               (Ariya Bini–Cam)

 

5. Cũng như thanh điệu trong lục bát Việt xưa, ariya Chăm phát triển khá thoải mái. Thoải mái cả khi thanh điệu của lục bát Việt ổn định ở:

                       Bằng Trắc Bằng

                       Bằng Trắc Bằng Bằng

      –Pathei đong dap karơm

              B            T      B

        Ni jơh hadơm bbơng gơp di thauh

             T      B                 T          T

                                                         (Pauh Catwai)

      –Chaik tian mưng xit tơl praung

                   B              T            B

        Bbuh pauh di raung hu ka urang

                  T          B           B      B

                                                        (Ca dao)

      –Dom lac mưkrư siam bbiak

                T      B                T

        Bboh mưh pariak ba gơp pahlap

                  T        T          T        T

                                                         (Pauh Catwai)

 

Như đã nêu ở trên, lục bát Việt có vần trắc. Và khi bài thơ hơn hai cặp lục bát có lối gieo cả vần bằng lẫn trắc thì chúng mang dáng dấp của thể song thất lục bát.

Tò vò mà nuôi con nhện

Ngày sau nó lớn nó quến nhau đi

Tò vò ngồi khóc tỉ ti

Nhện ơi nhện hỡi mầy đi đàng nào

 

Ta hãy so sánh bài ca dao Việt trên với đoạn thơ (rất nhiều đoạn thơ) sau trong Ariya Bini–Cam của Chăm:

Limưn tơl Bal Lai Bal Huh

Bal glơh ginuh bhap ilimo

Bal đwa danuh khak bilo

Xanak ginrơh ralo halei jang o bboh

 

Thật là một tương đồng đến bất ngờ.

 

6. Thể pauh catwai:

Từ ariya – lục bát Chăm, hình thành một thể khác: pauh catwai (như thể ariya) mà mỗi cặp lục bát đều đứng biệt lập như một bài thơ hoàn chỉnh, một châm ngôn với đầy đủ ý nghĩa nhưng được kết nối liên hoàn đến cả mấy trăm câu mà vẫn thống nhất ở giọng điệu, tư tưởng; hình thức không khác mấy so với Choka (trường ca) của Nhật (Choka là Shika: 5 âm – 7 âm được kết nối liên hoàn).[3]

Thử đọc một đoạn trong Pauh Catwai:

Suy tư theo dòng đời

Viết Poh Chatôi qua lời thơ.

 

Đá nổi mà vông chìm

Là không dưng kiến ăn tươi kiến.

 

Mưa giọt một giọt hai

Nhặt vào bầu rồi treo lên gióng.

 

Rẻo cao vang tiếng sấm

Nguồn sâu xuống tận chốn rừng thưa. [4]

 

Có thể nói Bài thơ không viết thoát thai từ chính thể thơ này.

Có những bài thơ không viết bao giờ

Không phải bài thơ tôi không muốn viết.

 

Nho độ nhụy đầu mà trời làm rét

Vạn chùm xanh bỗng cọc giữa mùa.

 

Cặp tình nhân hãi cả ước mơ

Chịu chôn đứng bên này bờ thường nhật.

 

Ngôn ngữ quẩn quanh hàng rào sự thật

Trăm ngõ ra chẳng lấy một lối vào… [5]

 

7. Qua đối chiếu và phân tích sơ bộ, chúng ta thấy lục bát Việt và ariya Chăm có rất nhiều điểm giống nhau. Trong đó cái giống nhất là nhịp điệu (rhythm) của chúng. Khác nhau chăng là do sự dị biệt ở ngôn ngữ của hai dân tộc. Chúng ta không thể khẳng định ai có trước ai có sau. Lúc này thì không thể – trong khoảng mù mờ của lịch sử ấy.[6] Nhưng chắc chắn là có sự ảnh hưởng và tác động qua lại.[7] Ngày nay, giới làm thơ Chăm cũng có sáng tác theo thể lục bát thuần Việt: ổn định, chỉ gieo vần bằng và hiệp vần ở chữ thứ 6 câu bát.

Bia harei dauk ngauk bbon jwa

Maung hala kayơv jruh, pahwai paha tian drei[8]

 

Nhưng cái khung của ngôn ngữ đa âm tiết vẫn chưa hết “gò bó” thể ariya Chăm. Để nó không bao giờ hết là nó, nghĩa là đặc trưng Chăm. Theo chúng tôi, đấy chính là điều đáng quan tâm nhất, cái đáng lưu giữ nhất. Từ đó mở ra những khả thể mới cho nhà thơ trong tiếp nhận và sáng tạo.

 

_________________________

[1]Inrasara, Văn học Chăm I – Khái luận, NXB Văn Hóa Dân tộc, Hà Nội, 1994, tr. 21 – 23.

[2]Inrasara, Sđd, tr. 322

[3]Nhật Chiêu, Thơ ca Nhật Bản, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1998, tr. 9.

[4]Inrasara, Văn học Chăm II, NXB Văn Hóa Dân tộc, Hà Nội, 1996. tr. 117-141.

[5]Inrasara, Sinh nhật cây xương rồng, NXB Văn Hóa Dân tộc, Hà Nội, 1997.

[6]Một tác giả cho rằng lục bát Chăm (nếu có thể gọi như thế) “chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thể thơ lục bát của người Việt” bởi “dân tộc Việt có đủ mọi điều kiện để tạo nên hai thể thơ đó [lục bát và song thất lục bát – Inrasara chú] mà không cần phải vay mượn từ một dân tộc nào khác” (Phan Diễm Phương – Lục bát và Song thất lục bát, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1998, tr. 85 – 91).

[7]Cũng mang mặc cảm như PDP, nhưng ở hướng ngược lại, một tác giả Chăm, đã rất sợ có sự dính líu giữa ariya Chăm và lục bát Việt, nên nghĩ “không nên và cũng chẳng cần thiết xếp nó vào thể thơ của Trung Quốc và Việt Nam”. Nhưng Inrasara có xếp như thế bao giờ đâu? Có nên vì lý do đặc trưng hay bản sắc mà chối bỏ khách quan khoa học không? Văn học so sánh trong thời gian qua đã tiến những bước rất dài. Đối chiếu cái tương đồng và dị biệt giữa lục bát Việt và ariya Chăm chỉ là nỗ lực đi tìm cấu trúc nội tại (hay một quy luật phát triển, một công thức – nếu có thể nói thế. Vì khoa học là gì nếu không phải đi tìm một công thức khả dĩ? Còn “nói một cách khái quát, trong ariya Chăm có những loại câu ngắn và dài khác nhau” thì ai mà chả nói được!) [Champaka1, p.184, IOC-Campa, San Jose, Caliornia, USA, 1999] của hai thể thơ trên, từ đó mở ra nhiều hướng nghiên cứu khác.
Như hai đứa con của hai làng láng giềng, trong một phiên hội chợ văn chương, chợt có người nhận ra chúng sao lại giống nhau đến thế, giống từ dáng đi, mái tóc, cái cười…, trong lúc tên khai sinh chúng khác nhau. người đó đã cất công tìm cách mời hai đứa trẻ ngồi cạnh nhau. Và tự đặt câu hỏi: hay mẹ hoặc cha chúng ở làng này hoặc làng kia đi đường buồn tình tạt vào xin gáo nước. Biết đâu chừng! Dĩ nhiên cái nghi ngờ này dễ làm cho kẻ yếu thần kinh la lên oai oải: bác này sanh sự, làm gì có chuyện chồng tôi ăn chả, vợ tôi xơi nem? (Nên nhớ xưa Việt – Chăm núi liền núi, sông liền sông, trong quá khứ đã có nhiều duyên nợ với nhau, và cũng có ảnh hưởng nhau ở rất nhiều lĩnh vực, và nay đang sống cộng hay xen cư trong từng làng, từng vùng). Ngại to chuyện, người đó vội vã cáo lui. Còn có chuyện xin gáo nước hay không, hoặc ai xin ai thì phải cậy đến các chuyên gia, nhiều chuyên gia liên ngành: đo hộp sọ, cân khúc xương, đoán tướng mạo, thử AND… thì khắc rõ. Hy vọng kết quả thử nghiệm sẽ không gây xốc cho cả hai bên: lòng chung thủy vẫn đảm bảo, bởi hai đứa trẻ chỉ là họ hàng xa, khá xa của nhau mà thôi.

[8]Suon Bhum Cam, Java Mưyut Chăm, trong Nội san Trường Trung Học Pô-Klong, Ước Vọng số 1.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021