thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Elvis Phong chết rồi
Phan Nhiên Hạo dịch

 

Tôi nhớ rõ ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tôi đang ngồi trong tòa soạn Rock Việt, nhìn ra đại lộ Nguyễn Huệ. Tôi có thể nghe tiếng nổ từ xa và tiếng súng rất gần. Điều kỳ lạ là không một tiếng còi báo động. Rời khung cửa sổ, tôi nghĩ ngợi lơ mơ nhưng chẳng làm gì. Ngày hôm đó, tôi bỗng tin vào định mệnh và muốn được dính líu đến lịch sử, một ý tưởng rỗng tuếch, hoa mỹ. Tôi mở radio, đài Mỹ, có lẽ một biểu hiện hoài nhớ quá sớm chăng. Ai đó đang hát “Tôi Mơ Một Giáng Sinh Trắng”. Thật bệnh hoạn, bệnh hoạn! Óc khôi hài Mỹ. Cách đó vài góc đường, người ta đang cấu xé, dẫm đạp nhau trèo lên những chuyến tàu cuối cùng rời Sài Gòn. Lẽ ra tôi phải trong số họ. Xe tăng Cộng sản đang ầm ầm tiến vào, và tôi, với tư cách nhà phê bình nhạc Rock hàng đầu Việt Nam, sẽ bị quay chín.

Trong khi nhìn ngắm tình trạng vô chính phủ trên mặt đường, điện thoại reo. Một giọng hoảng loạn hét vào tai: “Elvis Phong tự tử rồi!”. Ả đàn bà cúp máy trước khi tôi kịp hỏi thêm. Tiếc thương một lúc--Elvis là bạn tốt của tôi--rồi tôi bắt đầu cười khùng khục. Một động thái lỗi lạc, tôi nghĩ. Vào cái ngày mà nền âm nhạc chấm dứt, Elvis phải chết.

Nhằm giúp người nước ngoài và những kẻ dốt nát hiểu rõ, tôi phải khẳng định lại điều hiển nhiên này: Elvis Phong là nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử nhạc Rock Việt Nam. Y tạo ra một cuộc cách mạng ở Việt Nam. Thậm chí phát minh cả trang phục. Y thường mặc sơ mi hở cổ khoe bộ ngực phẳng nhẵn nhụi, áo vét viền tua, gài khuy đính kim cương giả, ngay cả khi trời nóng bốn mươi độ. Cả một thế hệ theo gương Elvis Phong. Y định nghĩa thế hệ. Elvis chính là Việt Nam.

Ôi thế hệ của tôi, những năm đó! Quá nhiều chuyện xảy ra và quá nhiều chuyện quên lãng: lính Mỹ và Đại Hàn nghênh ngang trên đường phố, phản lực và trực thăng, rượu whisky nhấm nháp trên ghế bar chân cao, váy mini và tóc ngắn, Elizabeth Taylor và Lý Tiểu Long trên màn ảnh rộng, phim “Hành Tinh Của Loài Khỉ”, pháo kích bừa bãi vào các tỉnh lỵ, biểu ngữ tuyên truyền căng giữa hàng me, những tên trốn quân dịch mặc đồ đàn bà, những xác chết với khuôn mặt hạnh phúc nhìn người đọc từ trang báo lem nhem, sức nặng quả lựu đạn trong bàn tay vô cảm, việc du nhập món pizza vào tầng lớp thượng lưu...

Ngay từ đầu, Elvis đã là một với thời đại mình. Sự nghiệp của y song hành và phản ảnh chiến tranh Việt Nam. Cuộc chiến đã tạo nên y, khiến y viết nhạc, khiến y ca hát. Trong một phỏng vấn trên Rock Việt ngày 22 tháng 6 năm 1967, Elvis Phong tuyên bố câu nổi tiếng: “Tiếng ầm ĩ của hận thù cung cấp nhạc nền cho tình ca của tôi”. Những buổi trình diễn, Elvis thường nói với đám khán giả đang la gào: “Tôi viết những ca khúc tan vỡ cho tất cả các bạn, những kẻ tan vỡ!”

Tan vỡ, có thể, nhưng không ai chối cãi được sức mạnh ghê gớm những bài hát này. Suốt sự nghiệp âm nhạc, Elvis đã viết hơn trăm bài lừng danh. Y bắt đầu được biết đến năm 1963, thời điểm các thầy chùa tự thiêu và tổng thống Diệm bị ám sát, bằng bài “Nhịp Mưa” (The Rhythm of the Rain) và “Thổi Vào Gió” (Blowing in the Wind).

Năm 1965, lúc thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng, Elvis viết “Vua Xa Lộ” (King of the Road) và “Bắt Được Cưng Rồi!” (I Got You Babe!).

Năm 1967, khi địa đạo Củ Chi bị phát hiện, Elvis cho ra đời các tác phẩm “Chào Ông, Chào Ông” (Good Morning, Good Morning), “Một Ngày Trong Cuộc Đời” (A Day in the Life), và “Trét Cái Lỗ” (Fixing a Hole).

Năm 1968, cuộc tấn công Mậu Thân khiến 64 ngàn người chết, 120 ngàn người bị thương, 630 ngàn người vô gia cư, Elvis cho ra mắt tác phẩm được xem như tuyên ngôn âm nhạc, một tập hợp khổng lồ những bài hát mê hồn có tựa đề “Album Trắng” (The White Album). Màu trắng, như ta biết, là màu tang tóc của người Việt.

Một số bài đỉnh cao trong album vĩ đại này là: “Cuồng Điên” (Helter Skelter), “Trở Lại Nước Nga” (Back in the USSR), “Tôi Quá Mệt” (I am So Tired), “Trong Khi Ghi-ta Tôi Khe Khẽ Khóc” (While My Guitar Gently Weeps), “Ob-La-Di, Ob-La-Da”, và “Hạnh Phúc Là Một Cây Súng Ấm” (Happiness Is a Warm Gun).

 

 

Phan Nhiên Hạo dịch, từ nguyên bản tiếng Anh “Elvis Phong Is Dead”,
in trong tập Blood and Soap, Linh Dinh, New York: Seven Stories Press, 2004.
----------------------------
Chú thích của người dịch:
Trong nguyên bản, tựa những bài hát được tác giả viết bằng cả hai thứ tiếng Việt và Anh như trên. Đây là những bài nhạc Rock and Roll nổi tiếng thập niên 60 và 70 ở Hoa Ky, đến nay vẫn còn phổ biến trên các đài Classic Rock.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021