thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nguyễn Đạt: 60 năm chưa về nẻo hiểm
(Lý Đợi giới thiệu & thực hiện)

 

Lời giới thiệu:
 
Nguyễn Đạt sinh năm 1945, tại Thổ Tang (Vĩnh Yên). Di cư vào Nam năm 1954. Hiện sống tại Sài Gòn. Là tác giả của khoảng 100 bài thơ & 100 truyện ngắn. Ngoài thi tập cá nhân Nơi giá băng [Nxb Hội nhà văn, 1991], và 2 văn tập Kỷ niệm dã quỳ [Nxb Trẻ, 1996], Cơn mộng Cẩm Giang [Nxb Trẻ, 1997], tác phẩm của ông còn nằm trong nhiều tuyển tập, tạp chí trong và ngoài nước.
 
Bổn tính ham thích những nơi thâm u nẻo hiểm; thích truy vấn văn chương trên con đường vừa thênh thang, quang đãng, vừa nhiều thử thách.
 
Gần đây, ông đặc biệt chú tâm vào truyện ngắn, và gần như chỉ công bố trên trang website Tiền Vệ. 60 tuổi, vẫn còn viết sung và vẫn còn đặt để nhiều chất mới, khác, vào tác phẩm; quả là chuyện lạ. Lạ hơn nữa, khi các nhà văn Việt Nam thường rơi vào định mệnh và quỹ đạo của tác phẩm đầu tiên. Đọc tác phẩm của Nguyễn Đạt trên các tạp chí tại Sài Gòn trước 1975, và bây giờ, rõ ràng, chúng ta nhìn thấy một Nguyễn Đạt khác, nhiều trăn trở, bén nhạy; bút pháp uyển chuyển, vi tế và nhiều sức hút hơn.
 
Vì thế, tìm mọi cách để tác giả này tiết lộ bí quyết của riêng mình, cũng là sự thách thức và quyến rũ với nhiều người có quan sát đến văn nghiệp của ông. Tuy nhiên, với tư cách người thực hiện bài phỏng vấn này, tôi gọi đây là "cuộc khám phá không thành", vì dường như ông cảm thấy vẫn chưa đến lúc để dừng lại, 60 năm chưa phải cuộc đời, nên muốn đi tiếp và chưa muốn nói gì nhiều về những điều mình đã, đang và sẽ làm. Đặc biệt là chuyện đời tư, vốn gắn với một vài biến cố của đất nước.
 
Bài phỏng vấn kết thúc bằng một ý để mở: Xin hẹn vào dịp sau.

 

_____________

 

Lúc 5 tuổi ông ở đâu? Làng quê lúc đó với ông có ý nghĩa gì?

 

À ra, anh đang tìm hiểu thời thơ ấu, và ngôi làng tuổi thơ của tôi đây.

Tôi chẳng được như Chagall hoài niệm về ngôi làng Nga khi ông ở Pháp. Tôi ở nơi sinh tới 9 tuổi, quê tôi chỉ có ông Nguyễn Thái Học không thành công (thì thành nhân), làng Thổ Tang (thủ phủ của Vĩnh Tường, có ông tri phủ Vĩnh Tường của bà Hồ Xuân Hương, qua một bài thơ mà người ta truyền tụng là của nữ sĩ). Tôi không nhớ được nhiều về quê tôi, 9 tuổi tôi đã rời quê, theo gia đình di cư vào miền Nam. Nửa thế kỷ sau (năm vừa qua, tôi 59 tuổi) ra Hà Nội, ghé thăm bản quán chỉ trong 2 ngày, biết làng quê mình vốn giàu đẹp, nổi tiếng lâu đời là nơi kinh doanh sầm uất. Từ xưa, làng Thổ Tang - huyện Vĩnh Tường đã như phố thị của một thị trấn lớn bây giờ. Lúc nhỏ ở quê, tôi đã biết mình có người cha và người chú được xem là hai người giỏi tiếng Pháp nhất làng. Cha tôi theo một ông kỹ sư người Pháp, cưỡi ngựa trắng đi tìm vàng dọc biên giới Việt-Lào, chú tôi ở Hà Nội đọc sách, theo dõi (và tham gia chút đỉnh) chính trị, viết văn, và mơ màng cùng “nàng tiên nâu”. Sau, cha tôi đồng hoá quân đội, làm thông ngôn (cứu được nhiều ông Việt Minh khỏi bị Pháp bắt giữ!). Di cư, tuổi nhỏ của tôi tiếp tục ở Đa Thọ (Đơn Dương, Đà Lạt). Đa Thọ là một ga xép giữa rừng thông, tôi đi xe lửa hàng ngày lên xuống Đà Lạt - Đa Thọ. Điểm tâm hàng ngày kiểu Tây: bánh mì quết mứt cà chua (hoặc phô-mai, bơ), cà phê sữa nóng. Vào quán cà phê Tùng (tượng trưng của Đà Lạt), uống cà phê đen, tập hút thuốc lá.

 

Vậy là ông nói lẹm sang tuổi 15-16 [tuổi dậy thì] mà tôi muốn hỏi rồi?

 

Anh cho rằng 16 tuổi mới là tuổi dậy thì, vì các cụ tiên sinh của chúng ta đã xác định “nữ thập tam, nam thập lục”? Từ năm cuối bậc tiểu học, tôi đã bị ám bởi bờ ngực (và tôi hình dung đôi vú) rất núi lửa của cô giáo ở Đa Thọ. Cho tới bây giờ, nhớ tới Đa Thọ, tôi không quên bờ ngực của cô giáo lớp nhất. Hình ảnh tôi nhớ nhất ở Đa Thọ: mỗi khi có món đồ gì từ Sài Gòn hay bất cứ từ đâu gửi cho mẹ tôi, chỉ cần ghi Của Cô Ba Đa Thọ. Bỏ món đồ ấy bên bụi dã quỳ hay bất cứ đâu trước rừng thông Đa Thọ, mẹ tôi ra lấy về. Ở đây không ai bị mất cắp gì hết. Còn tuổi dậy thì của tôi, tức là năm 16 tuổi, như anh (và các cụ tiên sinh) nói, thì phải thú thật là... hết nói! Lúc ấy, tuy đã về Sài Gòn, học trường trung học Chu Văn An, tháng nào tôi cũng lên Đà Lạt một lần, vì nhớ “người tình” ở xóm Bà Thái (xóm gà móng đỏ!). Tôi ưa thích thú vui đó, nhưng chả ám ảnh gì hết. Thường vì thiếu thốn tạo nên ám ảnh, mà tôi thì có thiếu thốn những “người tình không quá một giờ” đâu! Bên cạnh “những ngày diễm ảo” ở Đà Lạt, tại Sài Gòn tôi học quyền Anh với võ sư người Việt gốc Hoa, Leng-kê-cheng (Lương Kế Chính). Tôi không thể thượng đài vì đôi mắt ngang phẳng với vầng trán, bị trúng đòn chắc chắn bể con ngươi. Nên tôi nhập băng nhóm đi đánh lộn (đánh đấm tay đôi, như trong phim cao bồi Mỹ). Ở trường Chu Văn An khoảng thời gian những năm đầu thập niên 60, băng nhóm Chu Bá Sương khá nổi tiếng, có tôi trong băng đó.

 

Còn lúc ông thành niên?

 

Tuổi thành niên, tôi học bậc trung học đệ nhị cấp, ban Văn Chương, tại trường Chu Văn An, một trường công lập danh tiếng của Sài Gòn. Học sinh Chu văn An, ra đời đều là người nổi tiếng về văn nghệ, chiến sĩ tử thủ của quân đội Sài Gòn, và những tay anh chị. Thời gian học ở đây, tôi có những trận đụng độ băng nhóm, bắt đầu làm thơ từ khi đọc tạp chí Sáng Tạo, rất thích thơ Thanh Tâm Tuyền, nên ngay những bài thơ đầu, tôi đã làm thơ tự do. Ông Nguyên Sa là thầy dạy tôi môn triết Tây (lớp đệ nhất C), biết tôi làm thơ, hỏi tôi nghĩ sao về thơ của ông và thơ Thanh Tâm Tuyền, ông muốn biết tôi so sánh thơ của 2 nhà thơ này ra sao. Tôi nói tôi không thể so sánh giữa thơ và bánh kẹo. Nhưng ông không thể ác cảm với tôi cho được, vì tôi đã kêu gọi bạn học cùng lớp không bạo động, dù thế nào cũng phải tôn sư trọng đạo, do vậy ông thoát chết trong ngày lật đổ chế độ tổng thống Ngô Đình Diệm. Người ta có bằng chứng ông là mật vụ ngành giáo dục của chế độ. Tôi thuộc loại học sinh giỏi, đóng góp tích cực cho tờ báo xuân của trường, lên bậc đại học cũng vậy. Tôi học ban Triết Tây, làm báo Đối Thoại của trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, mê triết gia Nietzsche, nhưng mê đi chơi hoang đàng không kém, nên suốt 3 năm ghi danh học tại đây, tôi chỉ thi có 1 lần, được 1 chứng chỉ dự bị triết. Sau vụ “tổng tiến công và nổi dậy” của Việt Cộng tết Mậu Thân (1968), tôi nhập ngũ khóa 2/69 trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức, theo lệnh gọi nhập ngũ (lúc này tôi 24 tuổi). Ra trường, nhận sự vụ lệnh về sư đoàn 5 Bộ Binh, tôi chỉ làm sĩ quan chỉ huy trung đội có 1 tháng (trại quân ở Long Nguyên, Bến Cát, Bình Dương). Rồi đào ngũ, vì quá nhớ “những ngày diễm ảo”, tôi lên Đà Lạt, sống bụi đời.

 

Như vậy, ông vào lính năm 24 tuổi. Sau lính, ông làm gì?

 

Sớm đào ngũ, sau đó tôi trải qua nhiều thứ lính trong thời chiến. Phải kể tên các thứ binh chủng đó, rất dữ dội, tôi thích vậy, tôi vốn thích Hemingway, và phim ảnh về người hùng miền Viễn Tây Hoa Kỳ, bắn chậm thì chết! Sau khi đào ngũ sư đoàn 5 Bộ Binh, tôi bị bắt lính trở lại (khi về Sài Gòn), đưa ra Huế, sư đoàn 1 Hỏa Tuyến, tôi lập tức tình nguyện vào Đại Đội Hắc Báo, lực lượng đặc biệt hỗ trợ cho sư đoàn Hỏa Tuyến. Sém chết nhiều lần, mùa hè đỏ lửa…, dại gì chết sớm, tôi lại đào ngũ. Lại bị bắt lính khi trở về Sài Gòn, lần này, do nghĩ tôi là gã lì lợm, tôi được Biệt đội đặc biệt kỹ thuật (thuộc phòng 7, Tổng Tham mưu) chiếu cố. Biệt đội đặc biệt kỹ thuật được Mỹ huấn luyện ở Cambodia (Cam-pu-chia), hoạt động ở những vùng xôi đậu để bắt sóng truyền tin của Việt Cộng. Chính thời gian làm lính Biệt đội đặc biệt kỹ thuật, mấy ông cố vấn Mỹ quan sát tôi, cho rằng tôi có dấu hiệu bệnh tâm thần. Họ đề nghị đơn vị đưa tôi vào Trại Thần kinh Tâm lý trong Tổng Y viện Cộng Hoà. Tôi có viết trong nhiều truyện ngắn về trại tâm thần này, do đó nhiều người đoán biết tôi từng là bệnh nhân tâm thần. Tôi bị giữ (để chữa trị) trong trại gần 2 năm, bị chạy điện mỗi ngày, tôi hóa khật khùng, trông đích thị là một gã điên.

 

Rồi sau đó nữa?

 

Sau do thế của chú tôi, một nhà văn được xem là lý thuyết gia chống Cộng số 1 của miền Nam (tự do), tôi được đưa về làm việc tại Cục Tâm lý chiến, chuyên “sáng tác” hò-vè-ca dao (tâm lý chiến), và những mẩu chuyện tưởng tượng về Việt Cộng: Vi Xi ngậm cọng đu đủ lặn dưới nước, Vi Xi rút móng tay sơn son sơn bạc của phụ nữ…  Lúc này tôi có 2 thượng cấp chỉ đạo công việc: trung tá (họa sĩ) Tạ Tỵ, thiếu tá (thi sĩ) Tô Thùy Yên, và tuy lúc này tôi không cấp bậc gì hết, nhưng nói chung ở thứ lính này, sĩ quan hay binh lính đều được tôn trọng do nghề nghiệp chuyên môn. Ông Viên Linh [nhà văn] cũng chỉ là lính không lon, nhưng được trọng nể hơn rất nhiều ông sĩ quan. Ở đơn vị tác chiến, lính và sĩ quan rất khác biệt, đơn giản vì trình độ học vấn. Có bằng tú tài 1 trở lên mới được vào trường đào tạo sĩ quan. Một người bạn tôi, con nhà gia thế, họa sĩ, trong quân đội là đại úy Biệt Động quân. Anh nghe người lính nào hát nhạc lính “sến” cỡ: với lòng nàng anh là hoàng tử ư ư…, là anh lấy roi quất vào người “hoàng tử” ấy liền. Tôi nói, nếu hắn không hát những bài hát “sến” như vậy, hắn đâu phải là lính của anh. Chàng sĩ quan Biệt Động quân cười mà nói: Đã đành số phận kẻ ngu đần (thơ Đỗ Quý Toàn).

 

Bước vào cái mốc của 30-4-1975, ông ở trong hoàn cảnh như thế nào?

 

Sau 30-4-1975 tôi vừa đúng 30 tuổi, và hết còn là lính bất cứ binh chủng nào. Lên rừng Tu t’ra (Đơn Dương, Đà Lạt) với ý định sống cùng người Thượng không xong, đi nhặt trái thông khô cho những lò than ở Đà Lạt cũng không xong, tôi về Sài Gòn làm công nhân xưởng đóng tàu ở Nhà Bè (tôi khai có nghề đóng quan tài), và lấy vợ. Tám năm sau tôi thoát cái còng số 8. Lại can tội không giác ngộ, đeo một cái còng số 8 khác, cho tới hôm nay (và có lẽ tới ngày xuống lỗ). Sự thật, hôn nhân đối với tôi không phải nhà tù, mà là một bản hợp đồng. Khi một trong hai người vi phạm điều khoản nào đó, hợp đồng rất dễ bị hủy. Về phụ nữ nói chung, tôi thích có những quan hệ rõ ràng, chóng vánh, dứt khoát. Nên tôi ưa thích những người tình một vài giờ chứ không phải những người tình trăm năm (của Trịnh Công Sơn). Tôi biết có những phụ nữ đáng nhớ lắm, nhưng con đường tình với họ dài dặc lê thê, ớn quá.

Nhiều năm sau 30-4-1975, tôi sống khó khăn, phải làm đủ thứ công việc để tồn tại qua ngày. Rồi cũng có cơ hội sống bằng ngòi bút (bàn phím máy vi tính), đó là việc làm hiện nay: viết báo để sống mà viết văn (và làm thơ).

 

Sao ông không nói về con đường vào nghiệp văn của mình nhỉ?

 

Năm 16 - 17 tuổi, tôi học lớp đệ nhị (ban C - Văn Chương), trường Chu Văn An. Tôi chú ý tới một ông thầy dạy môn tiếng Pháp (không phải lớp tôi), ông [thi sĩ] Nguyễn Đăng Thường. Trông ông trẻ đẹp như thi sĩ Arthur Rimbaud, phục sức rất à la mode, rất hợp với dáng vẻ của ông. Nên khi đọc một truyện ngắn của Nguyễn Đăng Thường (sau này ông cho biết là truyện ngắn đầu tay) trên tạp chí Trình Bày, tôi mê quá và khởi sự viết truyện ngắn từ đây. Trong một tháng tôi viết được 3 truyện ngắn, chưa dám gửi báo nào, sau đó biết có chỗ để gửi thì tìm không ra bản thảo của cả 3 truyện ấy, tôi đã để chúng thất lạc. Thầy dạy tôi môn tiếng Pháp lớp đệ nhị C là ông Đặng Tương, có lẽ cùng promotion với ông Nguyễn Đăng Thường. Lúc nào cuốn La Nausée của Sartre cũng nằm trong tay ông. Ông như người bị u uất gì đấy, không dạy học theo chương trình, thường nói triết học hiện sinh với học trò chưa học triết. Một hôm ông tặng tôi cuốn La Nausée mua mới, ông nói: “Em (thay vì con, như tiếng xưng hô giữa thầy trò trước 30-4-1975) nên đọc cuốn này. Em sẽ rất thích nó”. Một tuần lễ sau, ông tự vẫn tại một căn phòng ở building Cửu Long (đường Hai bà Trưng), ông trọ tại đó. Xấp bài thi lục cá nguyệt của lớp đệ nhị C còn để nguyên, ông chưa chấm. Lúc nhân viên ở tòa cao ốc cho thuê phòng này phát hiện, hình như ông đã chết hai, ba ngày rồi. Hình ảnh ông thầy Đặng Tương cứ ám tôi mãi. Tôi nghĩ, điều ấy đã ít nhiều ảnh hưởng tới đời tôi, trong đó tất nhiên có chuyện viết.

Khi Joseph Huỳnh Văn, thi sĩ, người bạn tri âm tri kỷ của tôi chủ trương một tập san văn chương, anh thúc giục tôi viết truyện ngắn, chuyên về truyện ngắn cho tập san, tôi bắt đầu chuyên chú viết truyện ngắn, viết cho mỗi số (cách nhau từ 1 tới 2 tháng). Truyện ngắn "Đại Hồ Cầm" xuất hiện ở đây. Báo ra được 1 ngày, ông Thanh Tâm Tuyền đọc ngay truyện ngắn của tôi. Từ Trường Cao đẳng Quốc phòng, ông gọi điện thoại đến chỗ tôi (Cục Tâm lý chiến) nhiều lần trong ngày (vì tôi đi đâu đó ngoài trại), nhắn tôi hết giờ làm việc ra cà phê vỉa hè đường Gia Long. Tôi nghĩ có chuyện gì. Ông cười rất vui: “Có chuyện gì đâu, đọc cái truyện "Đại Hồ Cầm" của cậu tôi thích quá, mới nhắn cậu ra đây”. Và thêm một câu nữa của ông Thanh Tâm Tuyền, người tôi quý trọng nhất trong văn nghệ (và cả trong cuộc sống): “Tôi cũng muốn viết một loạt truyện ngắn như thế này”. Cái câu thêm này đã thêm sức cho tôi trong công việc viết văn.

 

Mong anh nói thêm về quãng thời gian ở nhà thương điên?

 

Xã hội nào cũng có những chuẩn mực của nó. Ai xa rời chuẩn mực xã hội, ít hoặc nhiều, có thể bị xem là hơi khùng hoặc rất điên. Và có hai loại để gọi là điên, nên Tổng Y viện Cộng Hòa (của quân đội trước 30-4-1975) chia hai trại thần kinh: Thần kinh Tâm lý và Thần kinh Giải phẫu. Thứ điên do cơ thể có trục trặc gì đó tạo ra, điều trị ở trại Thần kinh Giải phẫu. Họ đưa tôi vào trại kia, như tên gọi, điên do tâm lý (bị cú ‘sốc’ nào đó, bị ám ảnh gì đó…). Tôi bảo đảm, ở tất cả những nhà thương điên lớn nhỏ khắp Việt Nam, chưa có khả năng chữa trị bệnh tâm thần. Vậy phải trả lời (thêm): Tôi từng ở nhà thương điên, còn tôi có điên không là chuyện khác. Điều này thì anh có thể nhận xét. Anh có biết danh ngôn phương Tây này: Il y a toujours un peu de folie dans l’amour. Chắc chắn tôi đã điên nặng, vì tình yêu (rõ ràng, cụ thể, chóng vánh).

 

Ừ cái lý lẽ về nhà thương điên của ông cũng đúng… Rời nhà thương điên để sống cuộc sống bình thường đâu dễ, vậy mà làm được, lại viết được vài trăm tác phẩm nữa, cũng lạ!

 

Đến ngày này (12/8/2005), tôi viết cả thảy khoảng 100 truyện ngắn & 100 bài thơ, đều đã in trong 2 tập truyện ngắn & 1 tập thơ; và các báo, kể cả báo in & báo mạng internet. Điểm chung trong tất cả những gì tôi viết, cả thơ & truyện ngắn, là cách viết, cách nhìn… còn cách viết-cách nhìn như thế nào, thì mời đọc. Có lẽ câu trả lời làm anh ngỡ ngàng chăng?

 

Hoà với không khí tiếp thị và quảng bá tác phẩm theo nhiều hình thức như hiện nay. Nếu bị buộc nói về công việc sáng tác và thưởng thức các tác phẩm của mình, ông sẽ nói sao?

 

Nếu có một mệnh lệnh của kẻ có uy quyền ngang với thần chết, buộc tôi nói rằng tôi đã làm tác giả & độc giả của chính mình ra sao, thì tôi xin thưa: Trước đây tôi viết phải có cảm hứng, khi viết, một tay tôi cầm cây viết, một tay tôi cầm cục tẩy. Viết xong, bằng mọi giá, tôi tìm tư thế thoải mái nhất để tự thưởng thức mình. Sau đó, tôi có sẵn tự tin và niềm sung sướng để tìm người chia xẻ. Bây giờ, tôi viết, vẫn cầm cục tẩy, nhưng để tẩy chỗ nào mà trước đây tôi đã dùng nó để thay thế vào chỗ tôi đã tẩy. Sau đó, tôi đọc với con mắt của một nhà phê bình tưởng tượng nào đó sẽ soi mói vào để chê bai. Tôi đưa cho một người bạn tôi tin cậy đọc, và hỏi họ thấy tôi viết ra sao.

 

Nghĩa là ông đặt một con người khác vào tác phẩm của mình? Rất khác với cách của các nhà văn khác?

 

Tôi làm thơ & tôi viết truyện ngắn là một. Thú thật, bây giờ tôi mới đưa thơ tôi đến gần văn của tôi. Và nói riêng về truyện ngắn, có khi tôi lại làm ngược, nghĩa là đưa truyện ngắn về gần với thơ, tất nhiên là thứ thơ đã đến gần văn của tôi như bây giờ.

Vì thế, anh có là thần chết cũng không buộc được tôi so sánh mình với bất cứ tác giả nào khác. Còn tự nói về mình? Nếu anh thật sự muốn nghe tôi tự nói về mình, tôi sẽ nhờ anh nói giùm vậy.

 

Ông cũng không nhìn lại suốt chặng đường văn học của mình không?

 

Tôi không thích nhìn lại những gì tôi đã đăng báo, in sách. Tôi đã xong việc với nó rồi. Tôi chỉ bận tâm với cái tôi sắp viết, nghĩa là bận tâm làm sao để không lặp lại cái chỉ đáng giá viết ra 1 lần, khai thác (đào sâu & nhìn xa) 1 lần đã là quá đủ.

 

Thế nếu phải hỏi ông về văn học Sài gòn trước và sau 1975?

 

Trước 30-4-1975, Sài Gòn hiển nhiên có một nền văn học, tôi chui ra từ đó. Tôi viết gì thì viết, tới sau 30-4-1975, tôi chỉ có thể viết như xưa trên sách báo in của người Sài Gòn ở hải ngoại, và dĩ nhiên trên báo mạng Internet. Văn nghệ & tự do là cặp song sinh đặc biệt cùng một cuống rốn. Không có đủ tự do, thì đừng nói gì nhiều.

 

Rồi cả những tác giả khẳng định tên tuổi mình sau 1975?

 

Bạn văn nghệ của tôi hiện nay toàn là người viết sau năm 1975. Tất nhiên tôi chỉ thích chơi với bạn văn nghệ tôi cho là ra hồn, đáng giá, hoặc đáng chờ đợi. Số người này cũng không đến nỗi quá ít. Về văn, tác giả (chắc là viết sau năm 1975) tôi ưa hơn cả, là một nhà văn nữ ở miền Bắc, nay lại sống ở nước ngoài, Phạm Thị Hoài. Về thơ, Nguyễn Quốc Chánh. Chả cần phải tôi nói ra anh mới biết, Phạm Thị Hoài mà tôi chưa từng gặp mặt, qua những gì tác giả đã viết: một con người thông minh, thẳng thắn, trung thực, cóc sợ cái quái gì… Tôi cũng sung sướng không kém khi có người bạn nhỏ tuổi hơn tôi đúng 1 giáp, nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh. Chánh có thể đái ra quần khi nghe tiếng gõ cửa lúc nửa đêm, nhưng Chánh vẫn là anh chàng cóc sợ cái gì hết, khi viết… Vậy thì còn cần nói gì thêm, khi chúng ta đã có một nhà văn và một nhà thơ đặc chất phản kháng, giữa thời đại của sự tha hóa con người lên tới cao độ ở xứ sở chúng ta?

 

Rồi cả chuyện so sánh nền văn học với các nền văn học thế giới?

 

Văn học Việt Nam & văn học thế giới ư? Tại sao phải thử đặt cái này vào trong cái kia làm chi cho buồn bực, khi mình biết cái lũy tre xanh của làng xã mình có đốn chặt hàng trăm lần cũng khó mà tiêu hủy được.

 

Chẳng lẽ ông không quan tâm bất kỳ điều gì?

 

Xứ sở ta, sau 1975, tôi không thấy có một biến chuyển tích cực nào, mà ngược lại, vô số biến chuyển tiêu cực. Vấn nạn lớn nhất hiện nay của xứ sở ta, là làm sao để có chút ánh sáng cuối đường hầm dài dằng dặc như dãy núi Trường Sơn kia, đưa văn minh vào đời sống của dân Việt.

Nói riêng về hiện trạng giáo dục Việt Nam chẳng hạn. Chỉ có được một chút hi vọng ở chỗ những người có trách nhiệm về giáo dục đang loay hoay để làm sao thay đổi cái hiện trạng giáo dục não nề, ấu trĩ và bỉ ổi này.

 

Vậy thì đi sâu vào tác phẩm một tí, ông bắt đầu với một truyện ngắn như thế nào?

 

Tôi bắt đầu 1 truyện ngắn bằng 1 nhan đề truyện. Hoặc có cái nhan đề, rồi ngồi trước bàn phím máy vi tính, hoặc cứ ngồi trước, cố nghĩ ra cái nhan đề.

 

Một tác phẩm thành công, được ông hình dung?

 

Một tác phẩm thành công, mà cụ thể như bài thơ chẳng hạn. Nó sẽ mang người đọc (nhưng mang mình trước đã) ra khỏi tình trạng tinh thần hiện tại. Bài thơ có thể làm mình hưng phấn như chưa từng hưng phấn, có thể làm mình muốn chết một cách hân hoan. Cả yêu đời & chán đời đều mãnh liệt. Nó như buổi trưa mà nhà văn Cioran nói: chỉ những kẻ cực kỳ yêu đời & cực kỳ chán đời mới yêu thích thời khắc ấy.

Một truyện ngắn thành công thức tỉnh cái đang ngủ, cái u mê, cái lãng quên trong ta. Nó có thể chẳng giống truyện ngắn như ta biết, nó là bất kỳ cái gì nhà văn có thể viết, nhưng nó khiến người đọc thích thú hơn bất kỳ truyện ngắn nào được xác định là truyện ngắn. Vậy là thành công rồi.

 

Ông đã có được nó chưa?

 

Tôi luôn nghĩ mình có ít nhất một cơ hội để nói rằng mình có một tác phẩm thành công; cơ hội đó đang ở trong tác phẩm mà tôi sẽ viết. Tại sao ư? Tại vì tôi chưa viết được tác phẩm đó, một tác phẩm đang chờ đợi tôi ở chỗ nào đó, rất gần hoặc ở mãi xa kia, mà tôi cũng chưa biết.

 

Có khi nào tự hỏi, mình viết văn vì lý do gì?

 

Viết văn vì lý do gì? Câu hỏi hơi bị kỳ quặc. Tôi viết văn vì không thể không viết. Cần nói thêm tôi sẽ chỉ có thể nói, rất thành thật: Tôi tin ở khả năng viết văn của mình.

 

Quan điểm này được ông gìn giữ từ khi mới bắt đầu cầm bút tới giờ?

 

Từ lúc 20 tuổi tới bây giờ, tất nhiên quan niệm về đời sống, về nghiệp văn có nhiều dịch chuyển; dịch chuyển chứ không biến chuyển. Nhưng may mắn, tôi nghĩ vậy, càng nhiều tuổi, những gì đấy trong quan niệm của tôi, về đời sống & nghiệp văn, đều tăng tiến, từ dịu dàng tới mãnh liệt. Bây giờ say mê cái gì, tôi luôn tự nhủ: (say mê tới) chết bỏ.

 

Với ông, đồng tiền có ý nghĩa gì?

 

Một xã hội thì đương nhiên sức khơi gợi và quán chiếu của đồng tiền có một ảnh hưởng nhất định, nhưng một cá nhân, là tôi, đồng tiền chả có ảnh hưởng gì, dù một chút xíu. Tôi sẵn sàng xin tiền ăn cơm, nếu tôi đói bụng mà chẳng có xu trong túi.

 

Nhiều người nói Nguyễn Đạt già mà vẫn còn sung. Mà sung thì rất nguy hiểm cho sức khoẻ. Ông nghĩ gì về sự nguy hiểm này?

 

Đúng ra thì tôi viết là sung nhất, những các khác sung thường thôi. Nhà viết phê bình, tiểu luận, khảo luận đáng nể Nguyễn Hưng Quốc từng email cho tôi, rằng ông khâm phục sự viết liên tu bất tận, đặc biệt là những cái gọi là truyện ngắn của tôi gửi báo mạng Tiền Vệ… Tai sao ư? Tôi tiết lộ nhé: tôi gặp một phụ nữ mà đại triết gia Nietzsche bảo (rằng) có những phụ nữ giúp ta (cực kỳ) hưng phấn trong sáng tạo… Người đó là người tôi đã viết (về) rất nhiều lần, nghĩa là trong rất nhiều truyện ngắn của tôi (ở Tiền Vệ).

Còn quan niệm của tôi về 60 năm cuộc đời? Anh có từng nghe ca từ nhạc (sến) này, ở Sài Gòn (và miền Nam tự do, trước 30-4-1975): Anh ơi có bao nhiêu / 60 năm cuộc đời… Tôi rất vui khi ai xem tướng cũng nói tôi có tuổi thọ cao. Và tôi rất ghét khi ai khen tôi đẹp lão. Tôi thích người Pháp, họ ghét tiếng già, lão, gọi các lão niên là homme agé. Tuổi đời chẳng ăn chung gì hết, đó là tuổi biểu kiến. Tuổi thực sự là tuổi của tâm hồn. Tâm hồn trẻ ắt nhiên có sức sống như tuổi trẻ. Râu tôi bạc từ năm 40 tuổi, lúc đó nhà thơ Bùi Giáng viết trên giấy bạc trong bao thuốc lá mấy câu thơ tặng tôi, có câu: Râu ria bạc trắng tâm hồn xanh um.

 

Trước khi kết thúc bài phỏng vấn này, ông nghĩ gì về anh trai mình, nhà văn-dịch giả Nguyễn Nhật Duật?

 

Anh muốn biết về anh trai tôi, Nguyễn Nhật Duật như một nhà văn, một dịch giả ư! Ngoài tiếc thương của người em, tôi tiếc thương anh tôi là một cây bút viết tiểu luận, khảo luận văn học - triết học đáng trân trọng. Gọi Nguyễn Nhật Duật là nhà văn thì hơi hụt. Tôi được đọc một truyện ngắn, có lẽ là truyện ngắn duy nhất của Nguyễn Nhật Duật, thấy bớt nể anh mình, một cây bút tiểu luận, khảo luận thì đáng nể hơn.

 

Cuối cùng, ông nghĩ gì khi trả lời bài phỏng vấn này?

 

Nếu có duyên thì hẹn anh một dịp khác, tôi nghĩ còn hơi sớm để trả lời tất cả và chi tiết các câu hỏi của anh, rất là nhiều. Lần này chỉ tập dượt và tóm gọn thôi.

 

Xin chúc ông sức khoẻ. Và cảm ơn vì sự nhiệt tình trả lời email trong hơn một tháng, từ ngày 04-8 đến 24-9-2005.

 

La Hán Phòng, 25-9-2005.
Vì một vài lý do khách quan, mà sau gần 4 tháng, bài phỏng vấn này mới được gởi đến Tiền Vệ.

 

 

Một truyện ngắn thành công thức tỉnh cái đang ngủ, cái u mê, cái lãng quên trong ta. Nó có thể chẳng giống truyện ngắn như ta biết, nó là bất kỳ cái gì nhà văn có thể viết, nhưng nó khiến người đọc thích thú hơn bất kỳ truyện ngắn nào được xác định là truyện ngắn.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021