thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Câu chuyện con thằn lằn có thói quen ăn thịt các bà vợ của nó vào bữa tối
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

EDUARDO GALEANO

(1940~)

 

Eduardo Galeano (1940~) là một trong vài nhà văn Uruguay nổi tiếng nhất hiện nay. Ông còn là nhà phê bình, sử gia và ký giả. Những tác phẩm đặc sắc của ông, như Memoria del fuego [1982-1986, Ký ức của lửa] Las venas abiertas de América Latina [1971, Những mạch máu mở của Mỹ La-tinh], đã được dịch ra hơn 20 ngoại ngữ. Nhiều tác phẩm của Galeano hầu như vượt khỏi lối phân định thể loại văn học thông thường, vì đó là một kết hợp của ký sự, hư cấu, bình luận chính trị, tài liệu báo chí và lịch sử.
 
14 tuổi, Galeano bán bức biếm hoạ chính trị đầu tay cho tuần báo El Sol. 16 tuổi, ông xuất bản bài tiểu luận đầu tay, rồi bỏ học, và bắt đầu làm nhiều việc khác nhau để mưu sinh. 20 tuổi, ông trở thành ký giả, rồi làm tổng biên tập cho tờ Marcha , một tuần báo gây ảnh hưởng lớn về văn hoá và chính trị, với sự cộng tác của những tên tuổi quan trọng như Mario Vargas Llosa, Mario Benedetti, Manuel Maldonado Denis và Roberto Fernández Retamar. Rồi ông biên tập cho nhật báo Épocha và làm tổng biên tập của University Press (1965-1973). Cuốn Las venas abiertas de América Latina [1971, Những mạch máu mở của Mỹ La-tinh] làm Galeano trở thành một trong những tác giả được đọc nhiều nhất ở Mỹ La-tinh. Sau vụ đảo chính năm 1973, ông bị bỏ tù và trục xuất khỏi Uruguay. Sang Argentina, ông thành lập và làm tổng biên tập tạp chí văn hoá Crisis.
 
Năm 1975, Galeano đoạt giải Casa de las Américas cho cuốn tiểu thuyết La cancion de nosotros [1975, Bài hát của chúng ta]. Sau vụ đảo chính ở Argentina năm 1976, tên tuổi ông nằm trong danh sách những người bị tử hình, nên ông chạy sang Tây-ban-nha, sống ẩn dật trên vùng bờ biển Catalan và khởi sự viết Memoria del fuego [1982-1986, Ký ức của lửa], một kiệt tác gồm ba tập (1. Los nacimientos [Khai sinh]; 2. Las caras y las máscaras [Những chân dung và mặt nạ]; 3. El siglo del viento [Thế kỷ của gió]) được giới phê bình so sánh với những kiệt tác của John Dos Passos và Gabriel García Márquez. Năm 1978, ông lại một lần nữa đoạt giải Casa de las Américas cho cuốn tự truyện Días y noches de amor y de guerra [1978, Ngày và đêm của tình yêu và chiến tranh].
 
Galeano trở về quê hương Montevideo vào đầu năm 1985, và tiếp tục sáng tác và xuất bản liên tục rất nhiều cho đến hôm nay. Ngoài hai giải thưởng Casa de las Américas (1975, 1978), ông còn được trao các giải thưởng quan trọng khác như: American Book Award (1989), và Cultural Freedom Award (1999, Lannan Foundation).
 
Truyện ngắn dưới đây, “Historia del lagarto que tenía la costumbre de cenar a sus mujeres”, nằm trong tập Las Palabras Andantes, với phần minh hoạ bằng tranh khắc gỗ của hoạ sĩ Jose Francisco Borges (México: Siglo XXI Editores, S.A. de C.V., 1994).
 
Truyện này đã được Alice Guimaraes soạn thành kịch bản La mujer de anteojos [Người đàn bà mang kiếng mắt], và vào tháng 3 năm 2005, tổ chức Teatro de los Andes (nước Bolivia) đã sang công diễn vở này (bản tiếng Ý, La donna con gli occhiali) trên nhiều sân khấu ở Ý.
 

________________________

 

CÂU CHUYỆN CON THẰN LẰN CÓ THÓI QUEN ĂN THỊT CÁC BÀ VỢ CỦA NÓ VÀO BỮA TỐI

 

Trên bờ sông, khuất trong đám cỏ cao, một người đàn bà đang đọc sách.

Ngày xưa, cuốn sách kể, có một người đàn ông rất giàu. Tất cả đều là tài sản của ông: thị trấn Lucanamarca, mọi thứ chung quanh thị trấn ấy, mọi thứ trên cạn và mọi thứ dưới nước, mọi thứ đã đã được thuần hoá và mọi thứ còn hoang dã, mọi thứ có ký ức, mọi thứ không có ký ức.

Nhưng vị chúa tể của mọi thứ ấy lại không có con nối dõi. Hàng ngày vợ của ông cầu nguyện một ngàn lần, van xin ân huệ được một đứa con trai, và hàng đêm bà thắp một ngàn cây nến.

Thượng Đế quá chán ngán với những lời khẩn khoản của người đàn bà kiên trì ấy — kẻ cứ đòi hỏi điều mà Ngài không hề muốn ban cho. Cuối cùng, hoặc để khỏi phải nghe giọng nói của kẻ ấy nữa, hoặc vì lòng thương hại từ cõi cao xanh, Ngài đã làm phép mầu. Và niềm hoan lạc được bố thí xuống cho gia đình đó.

Đứa trẻ có bộ mặt của một con người nhưng thân hình của một con thằn lằn.

 

 

Dần dần, nó biết nói, nhưng nó bò sát đất bằng cái bụng. Những giáo viên giỏi nhất đến từ Ayacucho dạy nó đọc, nhưng nó không viết được vì bị vướng bộ móng.

Mười tám tuổi, nó đòi lấy vợ.

Người cha giàu sang của nó tìm được cho nó một cô nàng, và đám cưới diễn ra lộng lẫy trong giáo đường.

Ngay đêm đầu tiên, con thằn lằn nhảy chồm lên, đè vợ nó xuống và ăn thịt nàng. Khi mặt trời lên, trên chiếc giường hợp cẩn chỉ có một kẻ goá vợ nằm ngủ, chung quanh đầy những mảnh xương vụn.

Thế rồi con thằn lằn đòi một cô vợ khác, và một đám cưới khác và một cuộc ăn thịt khác lại xảy ra, và kẻ hám ăn lại tiếp tục đòi thêm một cô vợ khác, và sự việc cứ thế tái diễn.

Hôn thê thì chẳng bao giờ thiếu. Trong những gia đình nghèo khổ, luôn luôn có một cô con gái thừa ra cho việc này.

 

 

Nằm bẹp cái bụng bọc vảy của hắn xuống bên bờ sông, Dulcidio đang ngủ trưa một giấc ngắn.

Mở một mắt ra, hắn thấy nàng. Nàng đang đọc sách. Trong đời hắn từ trước đến giờ hắn chưa từng thấy một người đàn bà mang kiếng mắt.

Dulcidio nghếch cái mõm dài về phía nàng:

— Cô đang đọc gì đấy?

Nàng hạ cuốn sách xuống, bình thản nhìn hắn, và đáp:

— Những huyền thoại.

— Những huyền thoại?

— Những tiếng nói từ xa xưa.

— Để làm gì?

Nàng nhún vai:

— Đọc chơi vui.

Người đàn bà này dường như không đến từ những vùng núi, hay rừng sâu, hay ven biển.

— Tôi cũng biết đọc nữa, Dulcidio nói.

Nàng gấp sách lại và ngoảnh mặt nơi khác.

Trước khi người đàn bà đi khuất, Dulcidio hỏi kịp một câu:

— Cô từ đâu đến?

 

 

Chủ Nhật sau, khi Dulcidio thức dậy từ giấc ngủ trưa, nàng có mặt ở đó. Không có sách, nhưng mang kiếng mắt.

Ngồi trên cát, đôi bàn chân khuất dưới nhiều lớp váy sặc sỡ, nàng đúng thật là người ở đó, bắt rễ ở đó. Nàng đưa mắt nhìn kẻ xâm nhập.

Dulcidio lật tẩy tất cả những con bài của mình. Hắn nhấc một cái móng cong vút của mình và quơ nó về phía những rặng núi xanh trên đường chân trời.

— Tất cả những gì cô thấy và không thấy đều là của tôi.

Nàng thậm chí không liếc về phía miền đất bao la ấy, chỉ giữ im lặng. Một sự im lặng bằn bặt.

Kẻ thừa tự tiếp tục thuyết phục. Nhiều đàn cừu, nhiều thổ dân da đỏ, tất cả đều thuộc quyền sở hữu của hắn. Hắn là chúa tể của cả miền đất bao la kia, cả nước, cả không khí, và cả dải cát bé nhỏ mà nàng đang ngồi lên.

— Nhưng tôi cho phép cô ngồi ở đó, hắn trấn an nàng.

Hất mái tóc đen dài, nàng gập đầu:

— Cảm ơn ông.

Thế rồi con thằn lằn nói thêm rằng hắn giàu nhưng khiêm tốn, siêng năng, một người yêu lao động và, trên hết, một trang nam tử muốn lập gia đình nhưng đã phải chịu cảnh goá bụa vì sự khắc nghiệt của số phận.

Nàng nhìn ra nơi khác. Cúi đầu xuống, nàng ngẫm nghĩ về trạng huống này.

Dulcidio loay hoay tìm cách.

Hắn thầm thì:

— Có lẽ tôi được phép xin cô một ân huệ?

Và hắn xoay mạn sườn về phía nàng, phơi tấm lưng trần.

— Cô làm ơn gãi lên vai tôi nhé? Tôi không vói đến đó được.

Nàng đưa bàn tay sờ vào những chiếc vảy óng ánh như kim loại, và thốt lên:

— Láng như lụa vậy.

Dulcidio duỗi dài ra, nhắm mắt, há miệng, vểnh đuôi lên cứng ngắc, và thưởng thức cái cảm giác sung sướng chưa từng có.

Nhưng khi hắn xoay đầu lại, nàng không còn ở đó nữa.

Hắn tìm kiếm nàng, hối hả sục sạo khắp cả cánh đồng lau sậy, chạy ngược chạy xuôi, mọi phía. Không một dấu vết của nàng. Người đàn bà đã tan biến, như lần trước.

 

Chủ Nhật sau, nàng không đến bờ sông. Chủ Nhật sau nữa, cũng thế. Rồi Chủ Nhật sau nữa, cũng thế.

Từ lần đầu gặp nàng đến nay, hắn chỉ thấy nàng và không còn thấy gì khác ngoài nàng.

Kẻ nổi tiếng mê ngủ giờ đây không còn ngủ nữa, kẻ hám ăn giờ đây không còn ăn nữa.

 

 

Buồng ngủ của Dulcidio không còn là cái thánh địa hoan lạc nơi hắn vẫn đến để nghỉ ngơi, để được canh chừng bởi những người vợ đã chết. Những bức ảnh chân dung của họ vẫn còn xếp hàng đầy đủ ở đó, phủ khắp những bức tường từ trần nhà xuống đến sàn, trong những chiếc khung hình trái tim được trang hoàng bằng những chùm hoa cam; nhưng Dulcidio, bây giờ phải gánh chịu phận cô đơn, ngã nhoài xuống giữa đống nệm và chìm vào niềm tuyệt vọng. Hàng loạt bác sĩ và thầy lang từ khắp nơi được mời đến, nhưng họ chẳng làm được gì trước những cơn sốt và sự rã rời của mọi cơ năng khác.

Ôm chiếc máy thu thanh gắn pin mua được từ một du khách người Thổ, Dulcidio suốt cả ngày đêm thở dài sườn sượt và lắng nghe những bài tình ca cũ rích. Cha mẹ hắn, tuyệt vọng, nhìn hắn chết mòn vì sầu muộn. Hắn không còn đòi lấy vợ vì Tôi đang đói. Bây giờ hắn kêu rên Tôi trở thành một tên ăn mày tình yêu khốn khổ, và bằng một giọng khàn vỡ, kết hợp với một khuynh hướng phát ngôn thành vần điệu rất đáng lo ngại, hắn

        dâng lời tôn vinh đau đớn lên Nàng mông lung ảo hoặc

        người đã cướp mất của chàng trọn linh hồn và niềm an lạc.

Toàn thể dân chúng đổ xô đi tìm nàng. Họ sục sạo cả trên trời và dưới đất, nhưng thậm chí họ cũng không biết tên của người đã tan biến, và chưa có ai từng thấy một phụ nữ mang kiếng mắt trong láng giềng của họ hay ở những địa phương quanh đó.

 

Một xế trưa Chủ Nhật, Dulcidio bỗng có linh tính. Hắn nhỏm dậy, trong cơn đau, và khốn khổ lê bước đến bờ sông.

Nàng có mặt ở đó.

Nước mắt trào ra lai láng, Dulcidio tuyên bố tình yêu với người trong mộng — người phụ nữ khi ẩn khi hiện và lãnh đạm ấy. Hắn thú nhận rằng hắn đã chết vì khao khát dòng mật ngọt trên môi em, bày tỏ rằng tôi không đáng phải bị em hắt hủi, hỡi con chim bồ câu diễm lệ của tôi, và tuôn ra nhiều lời tán dương cùng cử chỉ mơn trớn dịu dàng.

 

Đến ngày kết hôn, ai nấy đều vui mừng, vì đã quá lâu dân chúng không hưởng được một lễ hội nào, và Dulcidio là người duy nhất có đám cưới linh đình như hội. Cha xứ lấy tiền thù lao rất bảnh, vì hắn là một khách hàng đặc biệt.

Nhạc tây-ban-cầm làm ngây ngất những con tim yêu đương, tiếng hạc cầm và vĩ cầm ngời sáng tột độ. Mọi người cùng nâng ly chúc tình yêu vĩnh cửu cho đôi vợ chồng hạnh phúc, và những dòng sông rượu tuôn chảy cuồn cuộn bên dưới những lẵng hoa vĩ đại.

Dulcidio trưng diện một bộ da mới, với màu hồng trên hai vai và màu xanh pha lục trên chiếc đuôi dài ngoại hạng của hắn.

 

 

Thế rồi khi chỉ còn lại hai người và đến giờ hợp cẩn, hắn tuyên bố với nàng: — Anh cho em trái tim anh, để em giẫm đạp lên.

Nàng thổi một hơi làm tắt phụt ánh nến, trút bỏ bộ đồ cưới phùng phình đầy những dải ren hoa mỹ, thong thả tháo cặp kiếng mắt, và bảo hắn, Đừng nói lảm nhảm như lỗ đít nữa, dẹp cái trò dở hơi ấy đi. Giật phăng một cái, nàng lột truồng hắn ra như tuốt kiếm khỏi vỏ, vất bộ da của hắn lên sàn, ôm chầm lấy cái thân xác trần truồng của hắn, và làm hắn bốc lên như lửa.

Sau đó, Dulcidio ngủ rất say, cuộn mình tựa vào người đàn bà, và nằm chiêm bao lần đầu tiên trong đời hắn.

 

Nàng ăn hắn trong khi hắn còn đang ngủ. Nàng tiếp tục nuốt hắn thành từng miếng nhỏ, từ đuôi lên đến đầu, gây ra những tiếng nhóp nhép. Nàng cố gắng nhai hết sức nhẹ nhàng, tránh làm hắn thức giấc, để hắn khỏi mang theo một ấn tượng xấu.

 

 

---------------------
Nguyên tác: “Historia del lagarto que tenía la costumbre de cenar a sus mujeres”, trong Eduardo Galeano, Las Palabras Andantes (México: Siglo XXI Editores, S.A. de C.V., 1994).
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021