thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Câu chuyện người đàn ông muốn mang thai
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

EDUARDO GALEANO

(1940~)

 

Eduardo Galeano (1940~) là một trong vài nhà văn Uruguay nổi tiếng nhất hiện nay. Ông còn là nhà phê bình, sử gia và ký giả. Những tác phẩm đặc sắc của ông, như Memoria del fuego [1982-1986, Ký ức của lửa] Las venas abiertas de América Latina [1971, Những mạch máu mở của Mỹ La-tinh], đã được dịch ra hơn 20 ngoại ngữ. Nhiều tác phẩm của Galeano hầu như vượt khỏi lối phân định thể loại văn học thông thường, vì đó là một kết hợp của ký sự, hư cấu, bình luận chính trị, tài liệu báo chí và lịch sử.
 
14 tuổi, Galeano bán bức biếm hoạ chính trị đầu tay cho tuần báo El Sol. 16 tuổi, ông xuất bản bài tiểu luận đầu tay, rồi bỏ học, và bắt đầu làm nhiều việc khác nhau để mưu sinh. 20 tuổi, ông trở thành ký giả, rồi làm tổng biên tập cho tờ Marcha , một tuần báo gây ảnh hưởng lớn về văn hoá và chính trị, với sự cộng tác của những tên tuổi quan trọng như Mario Vargas Llosa, Mario Benedetti, Manuel Maldonado Denis và Roberto Fernández Retamar. Rồi ông biên tập cho nhật báo Épocha và làm tổng biên tập của University Press (1965-1973). Cuốn Las venas abiertas de América Latina [1971, Những mạch máu mở của Mỹ La-tinh] làm Galeano trở thành một trong những tác giả được đọc nhiều nhất ở Mỹ La-tinh. Sau vụ đảo chính năm 1973, ông bị bỏ tù và trục xuất khỏi Uruguay. Sang Argentina, ông thành lập và làm tổng biên tập tạp chí văn hoá Crisis.
 
Năm 1975, Galeano đoạt giải Casa de las Américas cho cuốn tiểu thuyết La cancion de nosotros [1975, Bài hát của chúng ta]. Sau vụ đảo chính ở Argentina năm 1976, tên tuổi ông nằm trong danh sách những người bị tử hình, nên ông chạy sang Tây-ban-nha, sống ẩn dật trên vùng bờ biển Catalan và khởi sự viết Memoria del fuego [1982-1986, Ký ức của lửa], một kiệt tác gồm ba tập (1. Los nacimientos [Khai sinh]; 2. Las caras y las máscaras [Những chân dung và mặt nạ]; 3. El siglo del viento [Thế kỷ của gió]) được giới phê bình so sánh với những kiệt tác của John Dos Passos và Gabriel García Márquez. Năm 1978, ông lại một lần nữa đoạt giải Casa de las Américas cho cuốn tự truyện Días y noches de amor y de guerra [1978, Ngày và đêm của tình yêu và chiến tranh].
 
Galeano trở về quê hương Montevideo vào đầu năm 1985, và tiếp tục sáng tác và xuất bản liên tục rất nhiều cho đến hôm nay. Ngoài hai giải thưởng Casa de las Américas (1975, 1978), ông còn được trao các giải thưởng quan trọng khác như: American Book Award (1989), và Cultural Freedom Award (1999, Lannan Foundation).
 
Truyện ngắn dưới đây, "Historia del hombre que quería parir", nằm trong tập Las Palabras Andantes, với phần minh hoạ bằng tranh khắc gỗ của hoạ sĩ Jose Francisco Borges (México: Siglo XXI Editores, S.A. de C.V., 1994).
 

________________________

 

CÂU CHUYỆN NGƯỜI ĐÀN ÔNG MUỐN MANG THAI

 

Đàn bà? Một nòi thấp hèn như mọi da đen, như lũ người nghèo khổ và bọn điên khùng. Như trẻ nít, họ không thích hợp với sự tự do. Họ mang số phận phải khóc lóc và gào thét, nói xấu hàng xóm láng giềng, và thay đổi ý nghĩ và kiểu tóc xoành xoạch hàng ngày. Trong giường và trong bếp, đôi khi họ cho ta khoái lạc. Ở những nơi khác thì họ chẳng gây nên cảm giác gì ngoài sự lợm giọng.

Don Seráfico từ trước đến nay vẫn luôn luôn là một người đàn ông có những ý nghĩ bộc trực dễ hiểu. Nhưng bây giờ, vào buổi hoàng hôn của đời ông, một đám mây u ám làm rối loạn đầu óc ông. Một điều gì đó về những bà Eva không còn khiến ông cảm thấy khinh bỉ hay thương hại nữa. Thật khó mà thú nhận, ông thèm thuồng được như họ: họ có chỗ bên trong họ để một sự sống khác trú ngụ, ông thì không có; họ có thể cùng lúc là hai người, ông thì không thể. Don Seráfico chưa từng bao giờ phàn nàn về cuộc sống, vì nó đã mang đến cho ông thật nhiều niềm vui và sự may mắn; thế nhưng ông chưa bao giờ có một đứa con, và ông căm ghét cái ân huệ đó nơi những người khác. Ông nhất định sẽ không rời khỏi cái thế giới này trước khi trải qua việc sinh đẻ. "Tôi sẽ đẻ một đứa con trai," ông thề, "hoặc nếu không, thì một đứa con gái."

 

 

Cùng ngày ấy có một lời thề khác được thốt ra trong một khu rừng gần đó. Một con beo đã rơi vào cái bẫy của thợ săn. Con beo van xin một con khỉ nhỏ đang đu trên cành hãy cứu giúp nó. Hôn vào không khí, con beo thề: "Tôi sẽ làm nô lệ của ngài."

Con khỉ tháo bẫy cho con beo, rồi hai con cùng tẩu thoát. Con beo đi trước, dọn dẹp lối đi và lau chùi cái nền đất nơi con khỉ sẽ bước chân lên. Khi con khỉ ngồi xuống nghĩ ngơi, con beo cầm tàu lá chuối để quạt hầu.

 

 

Don Seráfico đến cửa tiệm của Doña Juana Obánla, đặt một xấp tiền dưới chân của bà, và thưa rõ rằng ông muốn đẻ con, nhưng không muốn lấy một mụ vợ, cũng không muốn có một ông chồng, một người tình thuỷ thủ, hay một Đức Thánh Linh nào cả.

Juana Obánla là một nhà huyền thuật của miền Camajuaní. Không cần những vỏ sò, những lá bài hay những quả cầu thuỷ tinh, bà vẫn có thể tiên tri những thời điểm kiết tường, hoá giải những thời điểm hung kỵ, và làm cho những điều bất khả trở thành khả hữu.

Nhà huyền thuật gãi đầu và suy nghĩ. Bà chìm đắm vào cõi trầm tư, đào xới mọi khả năng, cho đến khi bà nhớ ra rằng trẻ con được tạo nên bằng cùng một chất liệu như những giấc chiêm bao và những cơn ác mộng. Rồi bà điều chế món thần dược: bảy muỗng vun khí carbon, mười bảy muỗng khí hydro, một muỗng khí nitro, và ba muỗng khí oxy.

 

Suốt cả ngày, con beo là một tên nô bộc trung thành. Nhưng khi đêm xuống, nó đặt bộ móng của nó lên vai con khỉ. Không phải để ôm con khỉ, mà để đè nó xuống. Tự vỗ ngực mình, con beo nói rằng loài beo của bọn tao không nhai nuốt mặt trăng chỉ vì thương hại cho đêm tối. Con khỉ đáp rằng ông chẳng có lợi lộc gì khi ông ăn thứ thịt bệnh hoạn của tôi, thứ thịt bị nhiễm bệnh sốt rét, bệnh giang mai, và bệnh liệt kháng.

"Ai trong chúng ta cũng phải chết vì một điều gì đó," con beo trầm ngâm, và con khỉ thừa cơ thoát ra khỏi bộ móng, nhảy một cú mất dạng.

 

 

Chín mùa trăng đã trôi qua.

Don Seráfico không có đứa con trai hay đứa con gái nào trong bụng, nhưng thần trí ông đầy nghẹt những cơn nhiễu loạn suốt hai trăm bảy mươi đêm không ngớt. Ngay khi ông vừa ngả đầu lên gối và nhắm mắt lại, những giấc mộng lập tức xô ông vào những thao tác vô tận:

Ông chạy suốt đêm với một đoàn xe lửa điên loạn nơi hai gót chân,

hoặc ông hối hả trèo lên một chiếc cột bôi mỡ trong lúc bên dưới có một bầy cá sấu ngoác mõm chờ đợi,

hoặc suốt đêm ông làm tình với mười một ngàn cô trinh nữ đang phụng trì Đức Mẹ xứ Caridad del Cobre: hết cô này đến cô khác, họ leo lên lưng ông để múa bụng, rồi họ lật ông lại và ném thân xác trần truồng của họ vào vòng tay ông.

Ông thức giấc với một hình hài thảm hại, lê từng bước vào phòng tắm và dấp nước lạnh lên mặt mình, rồi kinh hãi khi thấy không phải nước, mà những con chữ hay một bầy thằn lằn tuôn ra từ vòi nước.

 

 

Khi con trăng thứ chín làm sáng rực đám rừng rậm rạp, cả con beo và con khỉ đều nhem nhuốc và kiệt sức; nhưng kẻ săn mồi có bộ lông vằn vện vẫn chưa chịu chấm dứt cuộc truy lùng bữa ăn tối thoắt biến thoắt hiện của nó. Dưới những bước chân mệt lả của nó, những chiếc lá khô kêu rôm rốp. Đôi tai của nó vẫn còn cử động nhanh nhẹn, dự tính cú nhảy kết liễu. Từ những tiếng gầm khàn khàn của nó, chất nước miếng chảy ra sẵn để làm con mồi mềm và ướt, cái lưỡi thè ra sẵn để kềm chắc con mồi, hàm răng nhe ra sẵn để nghiền con mồi thành từng mảnh nhỏ. Những buổi ban ngày -- thời gian nhiều sắc màu chuyển dịch -- đã trôi qua như thế; và những buổi ban đêm -- thời gian của vạn mùi hương -- đã trôi qua như thế.

 

 

Giờ đây Don Seráfico đối diện với hai vấn đề: ông vẫn chưa đẻ con và ông phải chịu đựng những giấc mộng hành hạ không ngừng.

Ông du hành lên đô thị, đặt hy vọng vào khoa học. Ông trả gấp đôi lệ phí cho người bác sĩ lừng lẫy nhất.

Bác sĩ Bonfín lắng nghe câu chuyện của ông mà không hề nhướn mày lần nào. Don Seráfico giải thích rằng ông đã quyết định đẻ con, mà không cần đến một người đàn bà. Ông sẽ đẻ ra một cậu thái tử để vĩnh truyền tôn thống của ông. Và ông hứa sẽ hiến tặng cho bác sĩ tất cả tài sản của ông nếu ông nắm được cái bí quyết làm đàn ông mà vẫn có thai. Bác sĩ Bonfín cảnh cáo ông: "Đẻ thì đau lắm đấy."

Bác sĩ nhét một cái phễu vào mồm của Don Seráfico và nhét một cái nút bấc vào lỗ đít của ông ấy. Rồi bác sĩ đặt bệnh nhân nằm xuống và trút nguyên một chai dầu nhuận tràng vào cái phễu.

Sau đó, Don Seráfico muốn biết phải làm gì để vất bỏ những cơn ác mộng vẫn hành hạ ông. Bác sĩ Bonfín chỉ hỏi phải chăng khi nằm ngủ ông đặt hai tay lên tấm chăn hay đút chúng vào dưới chăn, và phải chăng khi nằm ngủ hai bàn tay ông mở ra hay nắm lại.

Don Seráfico sẽ không bao giờ nhắm mắt lần nữa trong cả quãng đời còn lại của ông; nhưng ông rời phòng mạch bác sĩ vào chiều hôm đó với một cái bụng to kềnh của người sắp lâm bồn.

 

 

Giữ một khoảng cách an toàn trước kẻ thù, con khỉ nằm ngủ trưa một giấc ngắn trên đọt cây guacímo.[1]

Khi vừa thiếp đi, nó chợt nghe tiếng kêu rên của một con người, và nhìn xuống, nó thấy một ông đực bụng bầu đang ngồi chồm hổm dưới gốc cây, tựa cái bụng to kềnh lên mặt đất. Don Seráfico kêu gào toát mồ hôi từng cơn nóng lạnh. Con khỉ tụt xuống đất và lẳng lặng chiêm ngưỡng cảnh tượng dị thường ấy.

Khi cái nút bấc bắn ra, cái bong bóng phát một tiếng sấm to hơn mọi tiếng sấm làm rung chuyển thế giới; và con khỉ nhảy cẫng lên.

Don Seráfico, xẹp lép và mệt ngất, kịp trông thấy con khỉ vụt qua. Đầm đìa nước mắt, ông thều thào: "Nó hơi xấu trai một chút, nhưng chẳng sao..."

 

 

---------------------
Nguyên tác: "Historia del hombre que quería parir", trong Eduardo Galeano, Las Palabras Andantes (México: Siglo XXI Editores, S.A. de C.V., 1994).
 
 

Tác phẩm của Eduardo Galeano đã đăng trên Tiền Vệ:

Định nghĩa Nghệ Thuật  (truyện / tuỳ bút) 
"Tôi chỉ biết mỗi một điều: nghệ thuật là nghệ thuật, nếu không, nó là cứt." ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Nhiệm vụ của người đọc / 1 & 2  (truyện / tuỳ bút) 
... Lucía chưa bao giờ đọc lại cuốn sách ấy. Chị không còn nhận ra nó nữa. Nó đã âm thầm mọc lên quá lớn trong chị, đến nỗi giờ đây nó không còn là cuốn sách, mà trở thành một điều gì khác: giờ đây nó là sức sống của chị... | ... Đại uý Castañón, anh hùng của đạo quân chiến thắng, ngồi chong mắt suốt đêm, chìm đắm vào cuốn sách, đọc đi đọc lại tác phẩm của César Vallejo, nhà thơ của phe bại trận... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Ngay đêm đầu tiên, con thằn lằn nhảy chồm lên, đè vợ nó xuống và ăn thịt nàng. Khi mặt trời lên, trên chiếc giường hợp cẩn chỉ có một kẻ goá vợ nằm ngủ, chung quanh đầy những mảnh xương vụn. Thế rồi con thằn lằn đòi một cô vợ khác, và một đám cưới khác và một cuộc ăn thịt khác lại xảy ra... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 

_________________________

[1]Guacímo: một loại cây có trái nhỏ kết thành chùm màu đen hay xanh, trông giống như trái dâu đen, bên trong có nhiều hạt nhỏ. Người ta thường cho ngựa ăn những trái này. (HN-T)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021