thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Câu chuyện Jesus giáng thế lần thứ hai
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

EDUARDO GALEANO

(1940~)

 

Eduardo Galeano (1940~) là một trong vài nhà văn Uruguay nổi tiếng nhất hiện nay. Ông còn là nhà phê bình, sử gia và ký giả. Những tác phẩm đặc sắc của ông, như Memoria del fuego [1982-1986, Ký ức của lửa] Las venas abiertas de América Latina [1971, Những mạch máu mở của Mỹ La-tinh], đã được dịch ra hơn 20 ngoại ngữ. Nhiều tác phẩm của Galeano hầu như vượt khỏi lối phân định thể loại văn học thông thường, vì đó là một kết hợp của ký sự, hư cấu, bình luận chính trị, tài liệu báo chí và lịch sử.
 
14 tuổi, Galeano bán bức biếm hoạ chính trị đầu tay cho tuần báo El Sol. 16 tuổi, ông xuất bản bài tiểu luận đầu tay, rồi bỏ học, và bắt đầu làm nhiều việc khác nhau để mưu sinh. 20 tuổi, ông trở thành ký giả, rồi làm tổng biên tập cho tờ Marcha , một tuần báo gây ảnh hưởng lớn về văn hoá và chính trị, với sự cộng tác của những tên tuổi quan trọng như Mario Vargas Llosa, Mario Benedetti, Manuel Maldonado Denis và Roberto Fernández Retamar. Rồi ông biên tập cho nhật báo Épocha và làm tổng biên tập của University Press (1965-1973). Cuốn Las venas abiertas de América Latina [1971, Những mạch máu mở của Mỹ La-tinh] làm Galeano trở thành một trong những tác giả được đọc nhiều nhất ở Mỹ La-tinh. Sau vụ đảo chính năm 1973, ông bị bỏ tù và trục xuất khỏi Uruguay. Sang Argentina, ông thành lập và làm tổng biên tập tạp chí văn hoá Crisis.
 
Năm 1975, Galeano đoạt giải Casa de las Américas cho cuốn tiểu thuyết La cancion de nosotros [1975, Bài hát của chúng ta]. Sau vụ đảo chính ở Argentina năm 1976, tên tuổi ông nằm trong danh sách những người bị tử hình, nên ông chạy sang Tây-ban-nha, sống ẩn dật trên vùng bờ biển Catalan và khởi sự viết Memoria del fuego [1982-1986, Ký ức của lửa], một kiệt tác gồm ba tập (1. Los nacimientos [Khai sinh]; 2. Las caras y las máscaras [Những chân dung và mặt nạ]; 3. El siglo del viento [Thế kỷ của gió]) được giới phê bình so sánh với những kiệt tác của John Dos Passos và Gabriel García Márquez. Năm 1978, ông lại một lần nữa đoạt giải Casa de las Américas cho cuốn tự truyện Días y noches de amor y de guerra [1978, Ngày và đêm của tình yêu và chiến tranh].
 
Galeano trở về quê hương Montevideo vào đầu năm 1985, và tiếp tục sáng tác và xuất bản liên tục rất nhiều cho đến hôm nay. Ngoài hai giải thưởng Casa de las Américas (1975, 1978), ông còn được trao các giải thưởng quan trọng khác như: American Book Award (1989), và Cultural Freedom Award (1999, Lannan Foundation).
 
Truyện ngắn dưới đây, "Historia de la segunda visitación de Jesús", nằm trong tập Las Palabras Andantes, với phần minh hoạ bằng tranh khắc gỗ của hoạ sĩ Jose Francisco Borges (México: Siglo XXI Editores, S.A. de C.V., 1994).
 

________________________

 

CÂU CHUYỆN JESUS GIÁNG THẾ LẦN THỨ HAI

 

Và Ngài giáng thế. Ngài đến bằng cách đu vào một chiếc ô mở bung ra. Một ngọn gió bất ngờ thổi khiến ngài bay lơ lửng một hồi lâu trên đầu đám người chen chúc. Hai tay níu lấy cán ô, con trai của Chúa Trời không thể ngăn ngọn gió thổi tốc tấm áo chùng làm lộ ra cái khoảng nhục thể phàm trần của ngài.

Vì ngọn gió ấy, ngài đáp xuống bể phun nước. Các tín đồ thuần thành đang sững sờ trước phép lạ thì thấy ngài nhô lên từ mặt nước giữa những thiên thần bằng cẩm thạch.

Jesus rung mình giũ nước như một con chó ướt.

Batepapo, trong bộ y phục của một tiên tri, vỗ tay. Rồi ông giật đuôi con sư tử một phát và nó gầm lên. Nhưng đám đông đang chứng kiến phép lạ thì vẫn đứng bất động. Bất động và im lặng.

 

Nơi quảng trường, thánh địa của những hồn ma, người nghèo muốn trở thành giàu,

         và người giàu muốn rất ít người được giàu như mình,

         người da đen muốn trở thành người da trắng

         và người da trắng muốn sống mãi mãi,

         trẻ con muốn thành người lớn

         và người lớn muốn thành trẻ con,

         người độc thân muốn lập gia đình

         và người đã có gia đình lại muốn thành goá bụa.

"Hỡi những cư dân được ta ngự đến!" Jesus hét lên. "Ngày trước ta đã muốn nói điều ta đang nói bây giờ! Các ngươi—chúng ta—điên cả rồi!"

Mọi người, lé mắt vì kinh ngạc, nhìn cái mớ giẻ lau đĩa ướt sũng đang quơ hai tay dài như những cánh quạt của cối xay gió làm văng nước vào họ và hỏi họ những câu lạ lùng: "Hãy nhìn lên trời. Có phải nó sẽ ban cho các ngươi cõi Thiên Đàng hay nó sẽ ban cho các ngươi một cái cổ bị trẹo? Vương quốc ở đâu, nếu nó không ở trong chính cái chốn lưu đày đang vọng tưởng về nó?”

Batepapo tán dương bằng tiếng vỗ tay rời rạc thờ ơ, và giật đuôi cho con sư tử gầm lên. Con trai của Chúa Trời quay sang con dã thú lúc miệng nó còn há, và vừa chỉ vào nó vừa nói với mọi người như thể họ chỉ là một: "Nếu con dã thú tấn công ngươi, ngươi sẽ làm gi? Sẽ cầu nguyện ư? Sẽ tự nạp mình và tuân theo ý Chúa? Hay sẽ trèo lên cây? Cha của ta không vui lòng khi ngươi dùng ông ấy như một cái cớ cho sự hèn nhát hay ngu xuẩn."

Con sư tử nhìn ngài, ngẫm nghĩ. Trong đám đông, những lời đồn nhảm bắt đầu bay lên.

"Đây không phải là Jesus," một phụ nữ vừa nói thì thầm vừa phóng một cái nhìn ghê tởm vào đấng Cứu Thế rách rưới có cái bụng bia. "Tôi đã thấy Jesus trên TV và ngài trông giống y như Burt Lancaster."[1]

"Cuộc lưu đày đang ở trong ngươi, và Vương quốc cũng ở trong ngươi!" vị sứ giả của Chúa Trời quả quyết, nhưng những tiếng xì xào nổi lên, rồi những tiếng la đầu tiên nghe rõ mồn một: "Hãy làm cho hắn đổ máu! Hãy để hắn chứng minh hắn là Chúa! Hãy làm cho hắn đổ máu bên hông!"

 

 

Bất chấp điều ấy, Jesus tiếp tục nói: "Con mắt vô hình là con mắt thấy mọi sự."

"Tôi chẳng thấy gì cả," Doña Poca càu nhàu vì trong lúc đang dò dẫm tìm lối đi đến cái vọng gác của bà ở quán cà-phê thì bất ngờ bà kẹt vào giữa trận bát nháo.

Bị đám đông chèn gần dập xương, những người bán hàng rong thúc cùi chỏ qua hai bên để mở lối đi và gào lên những tiếng rao — "lạc rang đây, lạc rrraaaaaaanngg, bánh churro[2] mới ra lò đđđââââyyy, keeeeeeemm lạnh đđâââââââyyyy" — trong lúc sự bất tín chuyển thành sự giận dữ đối với đấng cứu thế mập nung núc: ngài không mang món đồ trang sức nào ngoài một cục u trên cái đầu hói, và ngài không ban cho ai một miếng dằm nào từ cây thập giá, hay một cái gai nào từ cái mão gai, hay bất cứ thứ gì cả. Những tiếng gào thét nổi lên ầm ĩ:

"Cho hắn đổ máu! Cho hắn đổ máu!"

"Cho hắn ăn một con gián!"

"Kẻ mạo danh!"

"Trả tiền lại cho chúng tôi!"

Nhưng rồi lại có một cuộc tranh cãi xảy ra ngay giữa đám đông, làm sự cuồng nộ của họ đi trật mục tiêu trong chốc lát: có vài người nào đó nói rằng đấng Jesus thực sự đã bị giết bởi những người Ý và những người khác lại khăng khăng nói là người Do-thái. Vài người thề thốt rằng ngài đã phục sinh vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh và những người khác lại đinh ninh rằng điều đó xảy ra vào đúng mười giờ sáng Chủ Nhật.

Jesus nắm lấy cái giây phút đình chiến phù du ấy và lẻn trốn khỏi cơn cuồng nộ của họ.

 

 

Ngài đứng trên những tảng đá, với dáng người thẳng tắp và cao lớn, nhìn vào biển. Biển tung những bụi nước làm ướt áo ngài. Trên vai ngài, một con hải âu đang ngủ. Tôi bước đến phía sau ngài. Ngài và con hải âu đều bất động.

Rồi ngài ngồi lên một tảng đá và cúi đầu xuống giữa hai đầu gối. Tôi nghĩ ngài đang muốn than phiền: "Họ ghét ta bởi vì họ nghĩ họ mắc nợ những ân huệ của ta."

Tôi ngồi bên cạnh ngài. Ngài nhấc đầu lên và ngửa mặt đón cơn gió.

"Chúng ta không bao giờ chịu học từ kinh nghiệm," ngài nói mà không nhìn tôi. "Cha tôi đã cấm tôi trở lại với thế gian."

Ngài gãi mớ râu cằm lởm chởm: "Cha tôi không thương họ, bởi vì họ gần như đều đã tốt lành cả rồi. Quỷ sứ cũng không thương họ, bởi vì họ gần như đều đã xấu xa cả rồi."

Jesus trông quá giống người bạn thất lạc của tôi, một người chuyên huấn luyện cho rận làm xiếc, quá giống đến nỗi tôi suýt kêu: "Dudú."

Và tôi nghĩ rằng đất nước tôi là một chiếc khăn tay, một chiếc khăn tay đã xếp lại. Nhưng ngài nhìn tôi, và đôi mắt ngài phản chiếu một cảnh tượng không thuộc về thế giới này, toả ra tia sáng lấp lánh của một không gian vô hạn mà ngay cả mặt trời cũng không hề biết đến.

 

 

"Tôi sắp được ba mươi ba tuổi," ngài nói.

Con hải âu rời giấc ngủ và bay mất trong bầu trời.

"Họ sẽ lắng nghe tôi sau khi tôi chết," ngài nói. "Ở thế gian này, họ theo cách ấy."

Ngài bốc một nắm cát, để nó rơi xuống từng chút một.

Chúng tôi trở lại quảng trường. Vài người còn ở đó, mỗi người đều chú tâm vào chuyện vãng lai của riêng mình, và không ai buồn để ý đến chúng tôi.

"Họ muốn tôi nhảy từ trời xuống mà không có cái ô," Jesus thở dài bên bể phun nước. "Dẹp lép như một cái bánh tráng[3] do Chúa Trời ném xuống."

Và ngài mỉm cười buồn bã trước máy chụp ảnh. Chúng tôi đứng bên nhau dưới một cây cau. Ông thợ chụp ảnh, trùm đầu bằng mảnh vải đen sau ống kính, giật một sợi dây nhỏ để bắt hình. Rồi ông ta làm một vài việc bí ẩn nào đó dưới mảnh vải đen, và rút tấm phim ra, hong nó trong gió, rồi lại đút đầu vào dưới mảnh vải đen.

 

 

Khi bức ảnh được lấy ra từ một xô nước và, rốt cuộc, đến tay tôi, tôi thấy tôi chỉ đứng một mình. Trong bức ảnh không có ai đứng bên cạnh tôi. Không có ai cả, ngoài cây cau.

 

 

---------------------
Nguyên tác: "Historia de la segunda visitación de Jesús", trong Eduardo Galeano, Las Palabras Andantes (México: Siglo XXI Editores, S.A. de C.V., 1994).

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Burt Lancaster (1913-1994) là diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Mỹ.

[2]churro: một thứ bánh ngọt, làm bằng bột nướng, có hình que.

[3]crepe: một thứ bánh làm bằng bột cán dẹp và có hình tròn, trông giống như bánh tráng.

 

Tác phẩm của Eduardo Galeano đã đăng trên Tiền Vệ:

Những nghịch lý  (truyện / tuỳ bút) 
Nếu sự mâu thuẫn là buồng phổi của lịch sử, thì nghịch lý, theo tôi nghĩ, chắc hẳn phải là tấm gương soi mà lịch sử dùng để trêu chọc chúng ta... Ngay cả con trai của Chúa Trời cũng không thoát khỏi nghịch lý... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Đàn bà? Một nòi thấp hèn như mọi da đen, như lũ người nghèo khổ và bọn điên khùng. Như trẻ nít, họ không thích hợp với sự tự do. Họ mang số phận phải khóc lóc và gào thét, nói xấu hàng xóm láng giềng, và thay đổi ý nghĩ và kiểu tóc xoành xoạch hàng ngày. Trong giường và trong bếp, đôi khi họ cho ta khoái lạc. Ở những nơi khác thì họ chẳng gây nên cảm giác gì ngoài sự lợm giọng... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Định nghĩa Nghệ Thuật  (truyện / tuỳ bút) 
"Tôi chỉ biết mỗi một điều: nghệ thuật là nghệ thuật, nếu không, nó là cứt." ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Nhiệm vụ của người đọc / 1 & 2  (truyện / tuỳ bút) 
... Lucía chưa bao giờ đọc lại cuốn sách ấy. Chị không còn nhận ra nó nữa. Nó đã âm thầm mọc lên quá lớn trong chị, đến nỗi giờ đây nó không còn là cuốn sách, mà trở thành một điều gì khác: giờ đây nó là sức sống của chị... | ... Đại uý Castañón, anh hùng của đạo quân chiến thắng, ngồi chong mắt suốt đêm, chìm đắm vào cuốn sách, đọc đi đọc lại tác phẩm của César Vallejo, nhà thơ của phe bại trận... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Ngay đêm đầu tiên, con thằn lằn nhảy chồm lên, đè vợ nó xuống và ăn thịt nàng. Khi mặt trời lên, trên chiếc giường hợp cẩn chỉ có một kẻ goá vợ nằm ngủ, chung quanh đầy những mảnh xương vụn. Thế rồi con thằn lằn đòi một cô vợ khác, và một đám cưới khác và một cuộc ăn thịt khác lại xảy ra... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021