thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần

 

Bài viết cho Hội thảo thơ tại Tp.HCM, tháng 07.2006.

 

1.

Có lẽ Nguyễn Hoàng Sơn là người ưa nhắc đến cuộc cách mạng thơ Việt.

Đầu năm 2004, sơ kết 10 năm thơ Việt Nam, anh làm cái liệt kê và đưa ra nhận định:

“Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Thi Hoàng, Hoàng Trần Cương, Trúc Thông, Thanh Tùng, Bằng Việt, Nguyễn Xuân Thâm, Lê Thành Nghị, Trần Mạnh Hảo… Cũng có những người trẻ hơn chen được vào bảng “phong thần” này: Thu Nguyệt, Tuyết Nga, Đặng Huy Giang, Inrasara… nhưng rõ ràng họ vẫn là thiểu số và mặc dù có những giọng điệu khá độc đáo (Inrasara chẳng hạn) nhưng vẫn không thể phủ nhận rằng “bè chính” của dàn đồng ca vẫn thuộc về các bậc đàn anh, tạm gọi là thuộc “thế hệ chống Mỹ”. Một thập niên thơ vừa qua, hay hay dở, hay đến đâu và dở đến đâu, trách nhiệm chính đương nhiên là của lứa các nhà thơ tôi kể tên trên”.

Và anh kết luận khá chắc nịch:

“Cuộc thay đổi này chắc chắn sẽ rung chuyển, sẽ là một cuộc cách mạng tầm cỡ, không kém gì cuộc cách mạng 1932, chúng ta hãy cứ chờ xem!”[1]

Rồi, chỉ sau đó 2 năm, anh nhận rằng mình “đoán sai. Cuộc cách mạng ấy đã không xảy ra, chính xác là chưa xảy ra”. Thế nhưng, dù nỗi hào hứng ban đầu đã mất, anh vẫn lên cái danh sách tên tuổi có khả năng làm cuộc cách mạng thơ Việt: “Bây giờ, 20 năm đổi mới rồi, đưa ra một danh sách 10 người theo trí nhớ cũng còn khó khăn, phân vân lắm: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Inrasara, thêm Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Thế Hoàng Linh nữa đi, vẫn thưa thớt quá! Cuộc cách mạng mà tôi nói đến chỉ có thể xảy ra khi cái danh sách này dài ít ra là gấp ba!”[2]

Tôi không tin thế!

Dù cái danh sách kia có kéo dài gấp mười đi nữa, thơ Việt cứ chuyển động ì à ì ạch thế thôi. Như nó từng như thế 20 năm qua. Đơn giản: nó chưa hội đủ yếu tố khách quan để sẵn sàng cho cuộc thay đổi lớn!

Dù từ thế hệ Đổi mới với Trúc Thông, Dư Thị Hoàn, Trần Tiến Dũng, Mai Văn Phấn, … cho đến thế hệ hậu Đổi mới với những Vương Huy, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Danh Lam… và nhiều thi tài khác nữa đã hay sắp xuất hiện, họ vẫn cứ không làm nên dòng thác lớn có khả năng chuyển hướng. Các nỗ lực riêng lẻ không tạo nổi một thay đổi, thì làm gì có cuộc cách mạng.

Không phải cá nhân tài năng không tạo được ảnh hưởng; có – thậm chí lớn nữa là khác. Như Chế Lan Viên, Thanh Tâm Tuyền ngày trước hay Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Kh, Nguyễn Hoàng Nam,…hôm nay chẳng hạn. Nhưng đòi hỏi sự thay đổi lớn thì : không!

Một cuộc cách mạng văn chương cần hội đủ 4 yếu tố: Trước hết: họ là những kẻ sáng tác cùng thời, cùng quan điểm sáng tạo có khả năng dựng nên một trường thơ (như Trường Thơ loạn đất Bình Định thời Tiền chiến); thứ hai: chính họ phải lập ngôn cho hệ mĩ học sáng tạo của nhóm, của phong trào mình; thứ ba là nhóm thơ ấy có được diễn đàn độc lập; cuối cùng: cần có một lớp độc giả được chuẩn bị tinh thần và tri thức để sẵn sàng đón nhận tác phẩm của họ.

Xét cả 4 yếu tố, nền thi ca Việt Nam hôm nay đang thiếu, thiếu lớn!

 

2.

Thử ngó sang phong trào Siêu thực vào những năm 20 của thế kỉ XX ở Pháp. Những khuôn mặt trẻ sáng giá của thi ca Pháp thuở ấy: Breton, Éluard, Aragon, Soupault, T. Tzara,…và cả René Char tụ tập, sinh hoạt và sáng tác xoay quanh ngọn cờ Tuyên ngôn siêu thực (1924), đã tạo thành một cuộc cách mạng lay chuyển thi ca Pháp và, sau đó, thế giới. Họ lập thuyết, tạo diễn đàn riêng (Tạp chí Cách mạng siêu thực: 1924-1929); bầu khí xã hội Pháp giữa hai cuộc thế chiến cũng đã cung cấp cho trào lưu này một lớp độc giả sẵn sàng đón nhận các thi phẩm tiền phong của họ. Cho nên, dù chủ nghĩa siêu thực với tư cách một trào lưu sớm lụi tắt, và các thành viên của nó đã tự phân rã để mỗi người tìm lối đi riêng cho mình, nhưng các sáng tác thuộc hệ mĩ học siêu thực đã thực sự để lại dấu ấn rất đậm trong tiến trình phát triển của thi ca nhân loại. Mãi tận hôm nay, bút pháp siêu thực vẫn còn được nhiều kẻ sáng tạo vận dụng.

Nhìn gần hơn, ở ta, các cuộc cách mạng thơ Việt thời trước luôn có được may mắn đáng kể.

Trước tiên là Thơ Mới. Thơ Mới hội đủ điều kiện: Đó là thế hệ thơ sở hữu lứa tài năng đặc biệt. Họ cùng sáng tác theo một hệ mĩ học: Thế Lữ, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử (giai đoạn đầu) thuộc dòng Lãng mạn. Dòng Tượng trưng có: Chế Lan Viên, Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng,…Rồi còn thêm dòng Hiện thực hay Siêu thực,…

Các sáng tác này được đăng tải thoải mái trên các báo chí thời chế độ thực dân Pháp mà không bị một trở ngại nào! Có nhóm còn lập được cả diễn đàn của mình nữa: Ngày nay của Tự lực văn đoàn chẳng hạn.

Và, yếu tố cần thiết cuối cùng tạo nên thành công lớn của Thơ Mới là: độc giả. Người đọc tương lai của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, …đã được làm quen với các tên tuổi như: Lamartine, Hugo, Musset, Vigny, Rimbaud, Beaudelaire,…ngay từ thuở ngồi ghế trung học. Được trang bị như thế, họ không đón nhận những Thơ thơ, Gứi hương cho gió, Lửa thiêng, Tiếng thu, Điêu tàn hay Thơ say,… mới là chuyện lạ! Cho nên Thơ Mới, dù bị các cụ đồ Nho phản đối kịch liệt lúc mới xuất hiện, nó vẫn làm nên cuộc cách mạng lớn trong thơ Việt.

Thứ hai là thơ Cách mạng giai đoạn chiến tranh và sau đó là hậu duệ của nó với những thành tựu oanh liệt trong trào lưu sáng tác mang tính sử thi (1975-1985,…) thể hiện qua các trường ca đặc sắc: Những người đi tới biển (Thanh Thảo), Đường tới thành phố (Hữu Thỉnh), Con đường của những vì sao (Nguyễn Trọng Tạo), Trầm tích (Hoàng Trần Cương), Gọi nhau qua vách núi (Thi Hoàng),... Điều kiện cần và đủ của cuộc cách mạng thơ này thì miễn bàn rồi. Có khác chăng là các nhà thơ Cách mạng đã tạo lập nên một hệ thống lí thuyết riêng, và tất cả đều sáng tác dưới ngọn cờ đó, khá nhất quán. Các nhà Thơ Mới thì khác: không lập thuyết và, cũng không cần lập thuyết; bởi lí thuyết Lãng mạn, Tượng trưng đã được người Pháp sáng tạo và hoàn chỉnh trước đó gần thế kỉ rồi![3]

Tiếp theo là nhóm Sáng Tạo ở Sài Gòn. Tô Thuỳ Yên, Thanh Tâm Tuyền, Quách Thoại, Duy Thanh,….tài năng có thừa, biết lập ngôn; tạp chí Sáng tạo là diễn đàn độc lập; và, họ có độc giả tiềm tàng nhất định. Dẫu chỉ tồn tại thời gian khá ngắn, nhưng chính nhóm Sáng Tạo bẻ gẫy hệ thống thi pháp từng thống ngự thơ Việt trước đó, nhất là thi pháp Thơ Mới. Cuộc cách mạng đó đã mở ra khả tính mênh mông cho phát triển thơ Việt.

Thử đặt nhóm Sáng Tạo bên cạnh nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm để làm một đối sánh nhỏ. Xuất hiện trong cùng thời đoạn lịch sử, cũng mang ở tự thân khả tính cách mạng nhưng Nhân Văn - Giai Phẩm đã thất bại, bởi hoàn cảnh lịch sử đặc thù. Mãi gần 30 năm sau khi đất nước mở cửa, các sáng tác của các nhà thơ thuộc nhóm thơ này cấp tập ra đời, dẫu rất độc đáo nhưng lại bị chìm khuất bởi luồng khí mới của thế hệ Đổi mới, trẻ hơn rất nhiều. Thời điểm này, các thi tài xưa ấy cũng đã ở bên kia sườn dốc của tuổi sáng tạo. Như vậy, cuộc cách mạng thơ Việt đã bỏ qua cả thế hệ thơ trong một số phận kì lạ của mình!

Cho đến đầu thế kỉ XXI, Tân hình thức Việt ra đời ở Hoa Kì, truyền bá sang Việt Nam và được các thi sĩ không chính lưu ở Sài Gòn nhiệt liệt hưởng ứng, nhưng nó vẫn không tạo được một thay đổi đáng kể nào, bởi vài lí do khác nữa.

 

3.

Còn hôm nay?

Vài năm qua, có thể dễ dàng nhận thấy thơ trẻ Việt Nam phát triển theo 4 dòng chính:

- Những kẻ sáng tác theo “truyền thống” với lối suy nghĩ đầy tai hại rằng thơ không phải cách tân chi chi cả mà chỉ cần viết sao cho hay. Dạng thơ này in tràn khắp mặt báo đã tạo khủng hoảng thừa, khiến người đọc ngán ngẩm thơ. Đơn giản: lâu nay người đọc cứ ngỡ rằng thơ Việt chỉ có mỗi nó, như thế!

Đáng buồn là: những tưởng hôm nay, loại thơ cũ mèm kia hết ghế ngồi rồi, không ngờ chúng cứ chễm chệ đầy trang trọng tại các trang đinh của nhiều tờ báo, cả báo chuyện nữa, mới phiền! Chuyện dễ hiểu đến đau lòng: đại đa số người trực trang thơ các loại báo không ưa thơ khuynh hướng cách tân; họ là các nhà thơ tự hưu non, vậy nếu đăng sáng tác mới, lạ (mà chắc chi họ phân biệt được đâu là thơ cách tân hay với cách tân dở) thì các đứa con tinh thần của họ hết chỗ đứng! Và, viễn tượng mất ghế biên tập không tránh khỏi!

Ví mà câu chuyện ngưng tại đó thì còn may! Đằng này, loại thơ đồng phục này đang đầu độc khí quyển thơ mà không tự biết: kẻ mới vào làng thơ ngộ nhận rằng thế mới là thơ, thơ đích thực. Bộ phận không nhỏ người làm thơ, biết đó là đồ rởm nhưng muốn sáng tác của mình được đăng nên, rắp tâm đẻ hàng loạt thơ nhàn nhạt cùng kiểu; để rồi sau nửa đời hư, đường đường lên chức “nhà thơ”. Hậu quả thế nào thì người đọc lãnh đủ! Và, nền thơ Việt Nam lãnh đủ.

- Dòng cách tân đơn lẻ: Dòng này nỗ lực làm mới mang tính cá thể và đã có vài thành tựu nhất định. Dễ dàng kể ra mươi khuôn mặt với các tập thơ sáng giá giai đoạn qua: Thơ Nguyễn Bình Phương (Nguyễn Bình Phương), Ảo giác (Tuyết Nga), Thiên đường chuông giấy, Chế tạo thơ ca (Phan Nhiên Hạo), Những bình minh khác (Nguyễn Vĩnh Tiến), Vỡ ra mưa ấm (Lê Vĩnh Tài), Khát, Linh (Vi Thùy Linh), Nằm nghiêng (Phan Huyền Thư), Mang (Phan Trung Thành), Vỉa từ (Nguyễn Hữu Hồng Minh), Thở (Nguyễn Hoàng Tranh),... Nhưng các nỗ lực đơn lẻ này không thể tạo nổi cuộc thay đổi lớn.

- Dòng thơ nữ: Đây là phong trào sáng tác gây ồn ào hơn cả, dăm năm qua. Đến vài kẻ yếu bóng vía lầm tưởng là có hiện tượng âm thịnh dương suy trong văn chương! Hội nghị các nhà văn trẻ Việt Nam tại Quảng Nam tháng 5.2006, không ít đại biểu mặc nhiên chấp nhận tiên đề đó. Thế là xúm lại … bàn! Sự kiện không nói lên được gì cả ngoài thể hiện một suy tư hời hợt, hoặc không suy tư gì cả.

Dẫu sao, các bạn thơ nữ trẻ, trong cơn phấn khích nghệ thuật, thời gian qua cũng đã góp được vào nên thơ Việt vài giọng thơ riêng, đặc sắc. Nhưng nhìn tổng thể là: ồn ào! Ồn ào, cũng được thôi. Nhưng để rồi dậm chân tại chỗ, mới đáng nói! Nhà thơ nữ trẻ khoái đụng vào các đề tài [lâu nay bị cho là] huý kị (đậm nổi hơn cả là đề tài tính dục), ngôn ngữ dùng táo bạo, giọng điệu ngổ ngáo, cố gắng gồng mình làm dáng. Những cái mơi mới ấy khiến vài nhà phê bình yếu bóng vía, rằng đó là cách tân thơ. Hiện tượng xảy ra 5-6 năm qua, mãi bây giờ chưa thấy dấu hiệu chấm dứt. Tội!

Rồi thì, cuối năm 2005, từ dòng thơ nữ đột ngột bật ra Nhóm Những con ngựa trời gồm 5 nữ thi sĩ: Phương Lan, Nguyệt Phạm, Thanh Xuân, Lynh Bacardi, Khương Hà, ra mắt tập thơ in chung. Tập thơ lại tiếp tục gây ồn ào bằng nỗi bị tuyên bố thu hồi, với lí do ngoài văn chương khá… lãng nhách! Gọi là nhóm, có tên khai sinh hẳn hoi nhưng cả năm nữ thi sĩ không ai [biết] lập thuyết nên, không thể xảy ra cuộc cách mạng thơ nào ở đó.[4] Có lẽ Nhóm thơ này cũng chẳng ý đồ làm cách mạng; hoặc nếu có, cũng không thể! Bởi không ý định lập thuyết [để lập ngôn], nên khả năng tồn tại dài lâu cũng rất khó.

Sáng tác văn chương, thiếu một suy tư nền tảng, kẻ sáng tạo dễ rơi vào vùng viết cảm tính, cảm tính nên mơ hồ. Muôn năm mơ hồ rồi… hụt hơi!

- Nhóm Mở Miệng: với 4 khuôn mặt Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy và Nguyễn Quán (ở đây xin kể luôn Phan Bá Thọ) sáng tác trong cảm quan và thuộc tinh thần hậu hiện đại. Có thể nhận định rằng, sau Sáng Tạo những năm 60 của thế kỉ trước, Mở Miệng là nhóm thơ đầu tiên đặt dấu ấn rất đậm trong dòng chảy của thơ Việt. Chúng ta hy vọng năm khuôn mặt này làm nên cuộc cách tân lớn. Nhưng rồi họ cũng không thể. Tại sao?

Mở Miệng là một nhóm thơ gồm các thi sĩ trẻ sinh hoạt [vỉa hè] chung, cùng quan điểm sáng tác, biết lập ngôn để nói lên quan điểm sáng tác lạ biệt của Nhóm mình.[5] Nhưng cái thiếu của họ là: diễn đàn công khai. Dù các sáng tác của Mở Miệng thường xuyên xuất hiện trên báo điện tử cả trong lẫn ngoài nước, nhưng chính diễn đàn công khai mới mang yếu tố quyết định để tạo nên cuộc thay đổi lớn trong văn chương. Mở Miệng không được may mắn như các cuộc cách mạng thơ ở Việt Nam trước đó. Hay nói khác đi, các diễn đàn công khai đã/đang đánh mất cơ may tiếp nhận và “khai thác” họ.

Và quan trọng hơn cả: họ không có lớp độc giả được chuẩn bị để tiếp cận tiếng thơ của mình. Chẳng những thế, họ luôn tự/bị đặt ở thế đối chọi với dòng thơ chính lưu, nên ấn phẩm photocopy của Nhóm này bị hất ra ngoài lề sinh hoạt văn chương Việt Nam đương đại. Đa phần độc giả trí thức, rồi bình dân không biết tới nó. Ví có biết thì bởi mang sẵn tâm lí dị ứng, vừa thấy thơ họ xuất hiện đã vội quay lưng. Thế nên các thử nghiệm của Mở Miệng vẫn cứ mình mình biết, mình mình hay![6]

Đâu phải cái mới nào cũng hay, cũng chinh phục được người thưởng thức nghệ thuật. Ngay thời Thơ Mới, Hoài Thanh phải đọc và sàng lọc cả mấy vạn bài thơ mới mới chọn ra được vài trăm bài ưng ý. Hôm nay không là ngoại lệ: các bài thơ Tân hình thức hay Hậu hiện đại xuất hiện, độc giả không được cơ chế Đại học, cơ chế thông tin các loại trang bị kiến thức tối thiểu về hệ mĩ học của lí thuyết văn chương này, thì làm sao họ phân biệt đâu là bài/tập thơ hay hoặc dở!? Vài lần “khuyến khích” là nên đọc bài này tập kia cũng khó hiệu quả, mà phải có chiến lược vĩ mô, dài lâu và liên tục. Không chỉ nhu yếu phẩm mới cần tiếp thị, quảng bá… mà tác phẩm nghệ thuật cũng thế.

Dù tuyên bố “Chúng tôi không …làm thơ”,[7] nhưng các nhà thơ trẻ vẫn sản xuất thơ đều đặn. Một thứ thơ-phản thơ: thơ rác; chính xác: thơ-hàng tiêu dùng. Nó đòi xóa bỏ ranh giới thơ cao cấp và thơ thấp cấp. Kéo thơ từ bệ thờ xuống lòng cuộc đời. Trả thơ và người làm thơ về vị trí xuất phát ban đầu, nguyên thủy hơn: nhà thơ là kẻ hát rong, đem câu chuyện đời thường đi hát-kể khắp ngõ thôn, góc phố; và, thơ không là gì hơn những lời hát rong ấy. Đồng thời hòa nhập tinh thần thời đại: thơ là món hàng, đứng không cao hay thấp hơn bao thứ hàng hóa khác, trong đời sống hiện đại. Thế nhưng, tất cả tác phẩm được xem là hàng hoá của họ cũng không được quảng cáo, bày bán công khai.

Về ngôn ngữ, Nhóm Mở Miệng từ bỏ hệ thống ngôn từ đẹp đầy tính “văn chương”, dồn cơ man lời nói hàng ngày của người hẻm phố, hơn nữa, tầng lớp dưới đáy xã hội (chiếm số lượng lớn đa phần trong xã hội Việt Nam và trên thế giới), vào thơ. Lượm nhặt chúng, ngẫu hứng bất ngờ! Không có từ nào gọi là thô thiển hay sang trọng, dơ hay sạch, xấu hay đẹp ở đây. Tất cả đều bình đẳng trong ý thức/vô thức của người viết. Chúng hiện hữu trong cuộc sống, và thi sĩ xử sự bình đẳng với chúng. Bình đẳng cả lối phát âm địa phương bị cho là ngọng so với lối phát âm chuẩn.

Trong khí quyển văn chương Việt Nam hôm nay, một hành xử với thơ như thế dễ tạo sốc lớn trong dư luận người đọc. Và, nếu tài năng, nhóm thơ có thể mang sự thay đổi lớn cho thơ ca. Tuy vậy điều kiện khách quan đã không cho phép nhóm thơ trẻ này làm được cái điều nó tham vọng. Mà sự thay đổi hay phát triển của một bộ môn nghệ thuật nào bất kì, đều phải được đặt trong tương quan khắng khít giữa người làm và người thưởng ngoạn, trong đó môi trường lành mạnh (hay diễn đàn tự do) là cầu nối mang tính quyết định.

 

4.

Rừng thì có cây to cây bé, cây cao cây thấp; cổ thụ cần mà loại dây leo kí sinh cũng cần nốt. Một nền thơ cũng vậy. Đâu phải cứ muốn là được. Không thể nằm mơ sáng mở mắt thấy trắng bong mọi loại thơ đồng phục khắp các mặt báo! Thơ Áo trắng, Mực tím cần, thơ đậm đà bản sắc cũng cần; lục bát cần mà Đường luật cũng nên có; thơ của câu lạc bộ thơ Phường có mặt không thừa bên cạnh thơ trên báo Văn nghệ hay Tạp chí Nhà văn; và như thế, thơ Tân hình thức hay Hậu hiện đại cũng phải được đề huề vui vẻ sánh vai. Mới đích thị là một nền văn học công bằng và lành mạnh. Chứ các bác vỗ ngực ỉ lại hay cậy thế gần nhà ta đây rậm dày truyền thống để dọc ngang độc quyền mặt bằng thơ đất Việt thì, chẳng những nhà bác bóp chết mầm thơ của người thiên hạ thôi mà còn tự cột tay chân mình đầy tệ hại, cực kì tệ hại nữa!

Lịch sử không thể thay đổi, nhưng có thể được viết lại. Và những người trẻ giữ sứ mệnh này. Nếu ngăn trở sự phát triển, dù vô tình hay cố ý, chúng ta rất dễ tự đặt mình vào vị trí bị phê phán bởi các nhà biên niên sử thuộc thế hệ đi tới!

Tóm lại, có bao lí do văn hóa-văn chương câu thúc và trì níu thơ Việt phát triển, thì cũng có bấy nguyên nhân ngoài văn chương làm teo tóp mọi mầm mống thay đổi thơ Việt. Thay đổi thôi, chứ đừng vội nói to đến cách mạng.

 

_________________________

[1]Nguyễn Hoàng Sơn, “Thơ Việt Nam cận kề một cuộc cách mạng mới”, Báo Văn Nghệ số 8 ra ngày 21.02.04

[2]Nguyễn Hoàng Sơn, “Cuộc cách mạng thơ chưa đến, nhưng nhất định sẽ đến”, Tạp chí Thơ (Hội Nhà văn), số1.2006, tr.14.

[3]Ở đây cần lưu ý thêm là thời gian qua, vài nhà phê bình ưa phát biểu rập khuôn rằng: trường phái Tân hình thức, chủ nghĩa Hậu hiện đại, hay gì gì khác bị phương Tây vứt sọt rác vài chục năm rồi; các bạn làm thơ trẻ ở ta học đòi mà cứ tưởng là mới lắm. Các tập thơ loại đó bị người đọc dị ứng là điều không có chi đáng ngạc nhiên cả!
Đúng! Nhưng chưa cạn lẽ. Tại sao chúng ta cứ sợ học [đòi]? Những Xuân Diệu, Huy Cận,… không phải đã học [đòi] Pháp trễ/muộn đến gần cả thế kỉ đó sao? Và họ đã không tạo nên một cuộc cách mạng lớn của thơ Việt đó ư?

[4]Dự báo phi thời tiết, Nxb.Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005.

[5]Có thể tìm đọc các phát biểu mang tính tuyên ngôn của Nhóm Mở Miệng tại các báo điện tử: www.tienve.org, www.talawas.org.

[6]Các tác phẩm của Nhóm Mở Miệng in photocopy là: Vòng tròn sáu mặt (tập thơ in chung gồm: Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy, Trần Văn Hiến, Hoàng Long, Nguyễn Quán) (2002), Mở Miệng, (in chung 4 tác giả) (2002); Bùi Chát, Xáo chộn chong ngày, (2003), Cai lon bo di (2004), Tháng tư gẫy súng (2006); Lý Đợi: Bảy Biến Tấu Con Nhện (2003), Trường Chay Thịt Chó (2005); Phan Bá Thọ: Chuyển động thẳng đứng (2001), Đống rác vô tận (2004); và Khoan cắt bê tông (gồm 23 tác giả, do Mở Miệng chủ xướng, Nxb Giấy Vụn ấn hành, 2005).

[7]Lý Đợi, “Điểm tâm tính danh – hay thơ Việt những năm đầu thế kỉ XXI”, báo Thơ số 4 (Hội Nhà văn), tháng 10.2003.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021