thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CUỐN SỔ LỚN: [chương 5 & 6] “Cánh rừng và dòng sông” & “Sự dơ bẩn”

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

AGOTA KRISTOF

(1935~)

 

Vài ý nghĩ của người dịch khi đọc cuốn tiểu thuyết LE GRAND CAHIER:
 
Tiểu thuyết Le Grand Cahier được viết dưới hình thức một cuốn sổ ghi chép của hai cậu bé sinh đôi. Trong thời gian về miền quê để tránh chiến tranh, hai cậu bé tự học cách mô tả những sự kiện xảy ra chung quanh và ở chính mình. Hai cậu tập làm văn trên những tờ giấy rời. Khi nào viết được một bài hoàn chỉnh, thì hai cậu chép nó vào một cuốn sổ lớn. Các chương của cuốn tiểu thuyết chính là những bài tập làm văn ấy.
 
Hai cậu bé sinh đôi đã tự quy định cho mình một nguyên tắc hành văn như sau: "Les mots qui définissent les sentiments sont très vagues; il vaut mieux éviter leur emploi et s'en tenir à la description des objets, des êtres humains et de soi-même, c'est-à-dire à la description fidèle des faits." [Những chữ định tính các xúc cảm thì rất mơ hồ. Tốt hơn nên tránh dùng chúng, và hãy chú tâm vào việc miêu tả các vật thể, con người, và chính mình, nghĩa là miêu tả trung thành các sự kiện.] (trang 34, chương “Nos études”)
 
Đó chính là cái bút pháp độc đáo của cuốn tiểu thuyết Le Grand Cahier: đơn giản và vô cảm. Mọi sự kiện đều được nhìn qua con mắt của hai đứa trẻ, ghi lại bằng ngòi bút của hai đứa trẻ, và không bị diễn dịch theo bất cứ một định kiến nào. Và chính vì thế, độc giả sẽ thấy cuộc sống bày ra tất cả những góc cạnh lạ lùng nhất của nó. Một điểm độc đáo khác: suốt cả cuốn tiểu thuyết, hai đứa trẻ sinh đôi luôn luôn có cái nhìn hoàn toàn đồng nhất, luôn luôn có hành động hoàn toàn đồng nhất, và luôn luôn phát ngôn hoàn toàn đồng nhất. "Chúng tôi", chứ không bao giờ "tôi". "Chúng tôi thấy", "chúng tôi làm", "chúng tôi nói"... Điều này có nghĩa là gì? Phải chăng đó là một ẩn dụ? Câu trả lời sẽ dần dần hiện ra trong hai cuốn tiểu thuyết tiếp theo.
 
Hoàng Ngọc-Tuấn
Sydney, 14/08/2006

 

____________

 

CUỐN SỔ LỚN

 

Cánh rừng và dòng sông

 

Cánh rừng thì rất lớn, dòng sông thì thật nhỏ. Để vào rừng, chúng tôi phải băng qua dòng sông. Khi nước không nhiều, chúng tôi có thể băng qua bằng cách nhảy từ hòn đá này sang hòn đá kia. Nhưng đôi lúc, khi trời mưa nhiều, nước lên đến hông, thì thứ nước ấy lạnh và đục ngầu. Chúng tôi quyết định dựng một chiếc cầu bằng những viên gạch và những miếng gỗ chúng tôi nhặt được quanh những ngôi nhà đổ nát vì bom.

Chiếc cầu của chúng tôi vững chãi. Chúng tôi khoe nó với Bà Ngoại. Bà đi thử, rồi nói:

— Tốt lắm. Nhưng đừng đi quá xa vào rừng. Biên giới ở gần đó, bọn lính sẽ bắn tụi mày. Và trên hết, đừng đi lạc. Tao sẽ không đi tìm bọn mày đâu.

Trong lúc dựng cầu, chúng tôi thấy những con cá. Chúng trốn dưới những tảng đá lớn hay trong bóng rợp của những bụi rậm và những tàn cây đan vào nhau trên mặt sông. Chúng tôi chọn những con cá to nhất, chúng tôi bắt chúng và chúng tôi bỏ chúng vào cái thùng tưới cây được đổ đầy nước. Xẩm tối, khi chúng tôi mang chúng về nhà, Bà Ngoại nói:

— Đồ chó đẻ! Làm sao bọn mày bắt được chúng?

— Bằng tay. Dễ thôi mà. Chỉ phải đứng im và chờ đợi.

— Vậy thì bắt cho thật nhiều. Nhiều chừng nào tốt chừng đó.

Hôm sau, Bà Ngoại đặt cái thùng tưới cây lên xe cút-kít và đem bán những con cá của chúng tôi ở chợ.

Chúng tôi thường vào rừng, chúng tôi không hề đi lạc, chúng tôi biết đi phía nào thì thấy biên giới. Chẳng mấy chốc, đám lính gác biết mặt chúng tôi. Họ không hề bắn chúng tôi. Bà Ngoại dạy chúng tôi phân biệt những loại nấm ăn được và những loại nấm độc.

Từ rừng, chúng tôi vác những bó củi trên lưng để mang về, còn nấm và hạt dẻ thì bỏ vào trong rổ. Chúng tôi xếp củi dựa ngay ngắn vào những chân tường dưới hàng hiên và chúng tôi nướng hạt dẻ trên lò nếu Bà Ngoại không có mặt ở đó.

Một lần, sâu trong rừng, cạnh một hố bom lớn, chúng tôi tìm thấy một người lính chết. Thân thể hắn vẫn còn nguyên vẹn, trừ đôi mắt bị mất vì lũ quạ. Chúng tôi lượm khẩu súng, những băng đạn và những trái lựu đạn của hắn: chúng tôi giấu khẩu súng trong một bó củi, nhét những băng đạn và những trái lựu đạn vào đáy rổ, dưới những cây nấm.

Về đến nhà Bà Ngoại, chúng tôi cẩn thận gói những vật này vào trong rơm và trong những bao đựng khoai, và chúng tôi chôn chúng dưới cái băng ghế trước cửa sổ của ông sĩ quan.

 

 

Sự dơ bẩn

 

Ở nhà chúng tôi, trên Phố Lớn, Mẹ thường tắm rửa cho chúng tôi. Dưới vòi sen hay trong bồn tắm. Mẹ cho chúng tôi mặc áo quần sạch sẽ, Mẹ cắt móng tay cho chúng tôi. Để hớt tóc cho chúng tôi, Mẹ dắt chúng tôi đến tiệm hớt tóc. Chúng tôi quen đánh răng sau mỗi bữa ăn.

Ở nhà Bà Ngoại, không thể nào tắm rửa được. Không có buồng tắm, cũng không có cả vòi nước chảy. Chúng tôi phải đi bơm nước giếng ngoài sân và mang vào bằng một cái thùng. Trong nhà không có xà-phòng, không có kem đánh răng, không có bột giặt.

Mọi thứ đều dơ bẩn trong bếp. Sàn gạch đỏ, chỗ lồi chỗ lõm, dính vào hai bàn chân chúng tôi, cái bàn to tướng dính vào hai bàn tay và hai cùi chỏ chúng tôi. Lò nấu thì đen kịt vì cặn dầu, và bốn bức tường thì đen kịt vì bồ hóng. Mặc dù Bà Ngoại có dọn rửa, bát đĩa, thìa, dao vẫn không bao giờ thật sạch, và những cái chảo còn đóng một lớp chất dơ dày cộm. Những miếng giẻ lau bát thì ngả màu xám và có mùi hôi hám.

Thoạt đầu, chúng tôi thậm chí không muốn ăn, nhất là khi thấy cách Bà Ngoại nấu nướng, không rửa tay và quẹt mũi vào tay áo. Thế rồi, chúng tôi chẳng còn lưu ý đến điều đó nữa.

Khi trời ấm, chúng tôi đi tắm sông, chúng tôi rửa mặt và đánh răng với nước giếng. Khi trời lạnh, thì không thể nào tắm rửa đàng hoàng được. Trong nhà không có cái gì lớn đủ để đựng nước. Những tấm khăn trải giường, mền và khăn tắm đều biến mất. Chúng tôi chẳng bao giờ còn thấy cái thùng các-tông to lớn có đựng những thứ mà Mẹ đã mang đến đây.

Bà Ngoại đã bán hết tất cả.

Chúng tôi càng ngày càng trở nên bẩn thỉu hơn, quần áo chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi lấy quần áo sạch ra từ trong hai cái va-li dưới băng ghế, nhưng chẳng mấy chốc quần áo sạch cũng không còn. Những thứ chúng tôi mặc thì càng ngày càng rách rưới, giày thì mòn lủng. Lúc nào thuận tiện, chúng tôi đi chân trần và chỉ mặc quần lót hay quần dài ống. Lòng bàn chân của chúng tôi cứng lại, chúng tôi không còn cảm giác gì với những cái gai và những mảnh đá. Da chúng tôi sậm lại, ống chân và cánh tay chúng tôi mang đầy những vết xước, những vết cắt, những cái vảy mủ, những vết côn trùng chích. Móng tay móng chân chúng tôi, không bao giờ được cắt tỉa, bị gãy đi, và tóc chúng tôi, gần thành màu trắng vì bị nắng đốt, dài xuống đến vai.

Hố xí thì ở cuối vườn. Không bao giờ có giấy. Chúng tôi chùi đít bằng những chiếc lá to nhất của những loại cây nào đó.

Chúng tôi bốc ra cái mùi hỗn hợp của cứt bò, cá, cỏ, nấm, khói, sữa, phô-mai, bùn, đất sét, đất thịt, mồ hôi, nước đái, và mùi meo mốc.

Chúng tôi hôi hám như Bà Ngoại.

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

---------
Dịch từ nguyên tác Pháp văn, "La forêt et la rivière" và "La saleté" [chương 5 và 6], trong Agota Kristof, La Grand Cahier (Paris: Éditions du Seuil, 1986).
 
 

Đã đăng:

Chúng tôi đến từ Phố Lớn. Chúng tôi đã đi suốt đêm. Đôi mắt của Mẹ đỏ ngầu. Mẹ mang một hộp các-tông lớn, và hai anh em tôi mỗi đứa mang một va-li nhỏ đựng quần áo, cộng với cuốn từ điển to kềnh của Bố mà anh em tôi thay nhau ôm cho đỡ mỏi tay... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Bà Ngoại của chúng tôi là mẹ của Mẹ chúng tôi. Trước khi đến sống trong nhà bà, chúng tôi không hề biết Mẹ chúng tôi lại còn có một bà mẹ. Chúng tôi gọi bà là Bà Ngoại. Người ta gọi bà là Mụ Phù Thuỷ. Bà gọi chúng tôi là "đồ chó đẻ"... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Chúng tôi phải làm một số công việc nào đó cho Bà Ngoại, nếu không thì bà không cho chúng tôi ăn và bà để chúng tôi ngủ ngoài trời. Đầu tiên chúng tôi không chịu vâng lời bà. Chúng tôi ngủ ngoài vườn, chúng tôi ăn trái cây và rau đậu sống... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021