thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
 
ß1
Về «sự thua sút của cánh chị em»

Xin có một vài ý ngắn gọn trao đổi với nhà thơ Inrasara về một[1] ý kiến của ông trong bài “GÓP NHẶT SỎI ĐÁ: Thử nhặt các nhầm lẫn lặp đi lặp lại trong nhìn nhận về thơ hôm nay”:

Ở đây tôi mạn phép chị em đắp bờ con đầy tôn trọng để xin một lần nhắm mắt hô to mà không sợ trật rằng: «Văn học Việt Nam giai đoạn qua, cánh chị em thua sút nam giới về mọi phương diện, ở mọi thể loại.»

Theo quan sát riêng của tôi, chưa có nhà văn Việt Nam nào nổi tiếng ở Pháp bằng Dương Thu Hương. Phạm Thị Hoài đối với văn học đổi mới có vai trò không kém phần quan trọng so với Nguyễn Huy Thiệp. Nếu như sức mạnh của các tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp nằm ở tính chất thâm trầm sâu sắc, và ở sức gợi của những hình tượng mang tính ẩn dụ; thì Phạm Thị Hoài xây dựng thế giới văn chương của mình với ý thức mãnh liệt về ngôn ngữ, về hành ngôn, về văn chương trong tư cách là nghệ thuật ngôn từ, và cả ý thức của một trí thức đối với vận mệnh xã hội. Và cũng không cần phải nhấn mạnh thêm rằng về mặt ảnh hưởng xã hội, những gì Phạm Thị Hoài đang làm hiện nay cũng đủ khiến cho mọi sự so sánh trở nên vô nghĩa. Trong thế hệ các nhà văn trưởng thành ở nước ngoài và viết văn bằng tiếng nước ngoài, có lẽ Linda Lê cũng không thua kém Đinh Linh về uy tín văn học và số lượng sách xuất bản.

Còn đối với nhận định «Riêng mặt trận nghiên cứu – phê bình thì hoàn toàn vắng bóng cánh chị em», có lẽ tôi không nhầm khi nói rằng thế hệ các nhà văn như Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Lý Đợi… có một nhà phê bình nữ theo dõi, ủng hộ và giới thiệu sáng tác của họ ra ngoài biên giới Việt Nam, đó là Đoàn Cầm Thi.

Đúng là xét về số lượng những cây bút có thể kể tên, cần phải thừa nhận sự thua kém thực sự của phái nữ so với nam giới, nhưng nếu để nhận định về sự đóng góp của họ, cần có một cái nhìn bao quát hơn, toàn diện hơn. Điều quan trọng, theo tôi, khi có sự thua sút của cánh chị em, không chỉ trong lĩnh vực văn chương mà còn nhiều lĩnh vực khác (đáng buồn thay đó là một thực tế không thể phủ nhận), thì có phải chỉ riêng nữ giới phải chịu trách nhiệm về sự thua kém của họ không? Vấn đề này hiện nay không chỉ riêng của Việt Nam, nó vẫn đang là vấn đề của nhiều dân tộc trên hành tinh này.

Sự tự hào về một nền văn học nam quyền[2] cũng ít giá trị như sự tự hào về một nền văn học «âm thịnh dương suy»,[3] vì cả hai thứ tự hào đó cho thấy người phụ nữ vẫn chưa có sự bình đẳng với kẻ đồng loại của họ. Sáng tạo là hành vi tuyệt đối cá nhân, tại sao các nhà văn nhà thơ không được nhìn nhận như những cá nhân mà lại bị đặt trong một sự so sánh nào đó: nam - nữ, già - trẻ, trong nước - hải ngoại…? Những so sánh như vậy đúng hơn phải thuộc về các nghiên cứu xã hội học. Những người viết cần được nhìn nhận, được đánh giá trong một tư cách duy nhất: người viết.

27-8-2006

_________________________

[1]Xin nhắc lại rằng tôi chỉ trao đổi với Inrasara về một ý kiến của ông, mà tôi thấy cần trao đổi. Trong bài viết dài này, ông đã đưa ra nhiều nhận định quan trọng và có sức thuyết phục.

[2]Ở đây tôi không có ý cho rằng Inrasara có sự tự hào này.

[3]Bản thân cụm từ «âm thịnh dương suy» (được sử dụng rộng rãi cho nhiều hiện tượng chứ không riêng gì với hiện tượng văn chương) đã chứa đựng trong nó sự lo lắng, không hài lòng của phái «dương», và có thể là sự tự hào thầm kín của phái «âm», khả năng này có nhưng ít hơn. Theo quan sát của tôi, cụm từ này thường được sử dụng bởi phái «dương» chứ ít khi là ngược lại, bởi vì kèm theo cụm từ này thường là tiếng thở dài.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021