thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TỰ THUẬT VĂN HỌC: Những khó khăn & tác phẩm [kỳ 1]

 

THẾ UYÊN

(1935~)

 

Kể ra, sợ thiên hạ dè bỉu rằng tiểu nhân có tính thù dai. Không kể thì ấm ức khó chịu như người ăn phải chất độc không tiêu. Vì không thể quên được, tôi kể một lần rồi thôi. Lòng tôi nhỏ mọn, nhưng tôi sẽ cố gắng ghi lại một cách trung thực, bình tĩnh và khách quan. Tên của nhân vật cũng được thay bằng một cái tên tượng trưng. Mong người đọc lượng thứ cho cái tâm chật hẹp của tôi không nói lên được điều gì tốt đẹp.
Lâm Chương, “Có một thời như thế”, Gió Văn, số 4, trang 155.

 

Con người sống trên thành kiến. Nước nào cũng vậy. Riêng Việt Nam lịch sử đã lạm phát rồi củng cố thành kiến. Với nhau, nói chuyện gì cũng khó, nói về người nào đó, càng khó.
Đặng Tiến, “Huy Cận trong tôi”, Thế Kỷ 21, số 191, 3/2005, trang 32.

 

Tôi cũng thế... cũng có suy nghĩ tương tự Lâm Chương, Đặng Tiến, khi viết thứ hồi ký văn học này. Nhưng cũng có những vấn đề khác, chẳng hạn hồi lại toàn cuộc đời, thường dài. Khi gần 70, Duy Lam cũng viết hồi ký và đã dài 1000 trang, mới đến nửa đời đương sự. Tôi không có được thứ sức khoẻ do tập luyện yoga của ông này, nên chọn một khía cạnh để viết thôi, không cần phải dài hơi: là văn học. Như vậy cũng còn dài quá (không ngờ tôi sống và viết cũng hơi lâu một chút), nên chú trọng những khó khăn đủ loại đã đến với tôi, trong 45 năm cầm bút. Ngoài ra, nếu có thể, cũng trình bầy tương quan giữa hoàn cảnh sống và tác phẩm đã viết ra. Những ước mong khi bắt đầu viết là vậy, nhưng đạt được tới đâu, không được biết. Những sai lầm về trí nhớ chắc là nhiều, râu ông nọ cắm cằm bà kia là không thể thiếu. Nhưng những sai lầm vì ác ý của người viết, chắc không nhiều, và nếu có chỗ này chỗ kia làm phiền, mất vui cho người này người nọ, trong quá khứ, bây giờ và mai sau, tại hải ngoại và nội địa, tôi thành thực xin lỗi trước, tất cả.
Thế Uyên, tháng 3, 2005.

 

 

Âm thanh và cuồng nộ một thời đã qua

 

“Những hạt cát”

“Những hạt cát” là tên của truyện ngắn đầu tiên tôi viết trên đời. Động cơ thúc đẩy không có gì là oai hùng, siêu hình siêu linh, hay sứ mệnh văn học hiện đại chi hết...: tôi viết chỉ vì bắt chước mọi người chung quanh, nhất là anh tôi, nhà văn Duy Lam. Tôi viết, chỉ vì ham vui, muốn tham dự vào cõi văn học nghệ thuật đầy hoa lá tươi đẹp, nữ nhân nhan sắc và tuổi trẻ vừa xanh vừa hồng vừa xám... Thời gian lúc đó, là những năm cuối thập niên 50 thế kỷ 20, tôi đang chỉ là một giáo sư dạy giờ (cấp bậc thấp nhất trong ngành giảng dạy trung học) tại trường trung học Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), và chỉ dạy hai ngày một tuần. Nhiều thì giờ để theo học đại học và rong chơi ở Sài gòn. Nhất là rong chơi: hồi trẻ, tôi ham chơi hơn là ham học, học chỉ để đủ đỗ những bằng cấp nằm rải rác trên học trình: Tiểu học, Trung học Phổ thông, Tú Tài I và II, AA degree, BA... Và xin nói rõ không ngượng ngùng, tôi là chuyên viên đỗ với hạng Thứ... Vài bạn thân thường chế là thứ “thông minh, nhưng chậm hiểu, chóng nhớ nhưng mau quên...”

Căn nhà gỗ nhỏ ở ven khu Bàn Cờ, bố mẹ tôi thuê của bà Nhất Linh, là chỗ ở cho gia đình sau khi di cư vào Nam năm 1954, kể cả cho Duy Lam khi từ Mỹ trở về sau ba năm làm thông dịch viên cho các khoá sĩ quan quân đội miền Nam đi tu nghiệp Hoa Kỳ. Căn nhà về sau sửa thành nhà gạch để bà ngoại tôi, sư cụ Đàm Hảo, cư ngụ tiếp, cho đến khi qua đời. Căn nhà gỗ đơn sơ có lúc cũng ồn ào. Ban ngày, thì vì các đấng anh hào đến tán tỉnh, tỏ tình hoặc mang thân nhân đến để cầu hôn hai cô em gái xinh đẹp của bọn tôi. Chiều đến, sau giờ làm việc, hay thêm các bạn văn nghệ của Duy Lam, như Cung Trầm Tưởng, Nghi Cao Uyên (họa), Chu Việt (dịch), Phan Lạc Tuyên (thơ)... đa số là sĩ quan lớp trẻ của quân lực miền Nam.

Nhà chật chội, nên sau thủ tục chào hỏi, là rủ nhau ra quán cà phê Năm Dưỡng gần nhà, một quán cà phê túi nhưng pha theo một công thức bí mật, đậm đặc, chưa ăn cơm uống vào có thể say say, hơi chóng mặt. Những buổi tụ họp như vậy thường có mặt tôi, vì tôi hay ngồi chấm bài ngay phòng khách và cái chức vị thầy đồ tỉnh nhỏ kiêm sinh viên Đại học Sài gòn, cũng tạm gọi là đủ xứng đáng để ngồi chung với những quần hào văn nghệ như thế. Dĩ nhiên cũng tại tôi biết thân phận kẻ đàn em ngoại đạo, biết dựa cột mà nghe nhiều hơn nói. Một buổi chiều có tụ họp như thường lệ, nhưng mọi người từ giã tôi rất nhanh để đi dự một buổi ra mắt tập thơ đầu tiên của Cung Trầm Tưởng do Phạm Duy phổ nhạc và Nghi Cao Uyên minh họa, tại một vũ trường ở gần bờ sông Sài Gòn. Tôi không nhớ tên là Mỹ Phụng hay Văn Phụng cũng như tên các ca sĩ trình bày đêm đó, bởi vì Duy Lam từ chối không cho tôi đi theo, với lý do giản dị: D. đâu phải là dân văn nghệ... Đến không tiện!

Khuya đêm đó, Duy Lam rủ tôi ra quán giải khát gần nhà, nhâm nhi chai bia, tường thuật lại đêm thi ca nhạc giao duyên, tài làm MC của Phạm Duy và lời nhạc như phù thủy của ông này, diễn tả những ly biệt tại sân ga Paris với những cô gái tóc vàng sợi nhỏ, những trái sầu chín đỏ chờ mong, những chiều mưa đông tuyết lũng âm u... Dĩ nhiên không quên tả những quyến rũ của nhan sắc các ca sĩ thời danh, từ trang phục đến giọng hát huyền ảo mê đắm như của các ngư nữ trong những thần thoại về phiêu lưu biển của Tây phương. Đêm đó nằm trong khoảng thời gian thanh bình hiếm có của miền Nam: 1954-1960. Cuộc nội chiến long trời lở đất giữa hai phe Nam-Bắc Việt Nam với sự tham dự trực tiếp và gián tiếp của đủ mặt các cường quốc trên thế giới... chưa xẩy ra, hay sắp xẩy ra thì đúng hơn.

Dĩ nhiên sau đêm đó, thật dễ hiểu, tôi quyết định thử viết văn xem sao: truyện ngắn đầu tiên được hoàn tất, đặt tên “Những hạt cát” với bút hiệu Vi Lao. Sau khi chép lại bản thảo cho sạch sẽ dễ coi, tôi nhờ Duy Lam mang lại đưa Nhất Linh, anh của mẹ tôi, lúc đó đang chủ trương giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay xuất bản tại Sài Gòn. Hồi âm có khá nhanh, vài hôm sau Duy Lam mang bản thảo về trả về, kèm theo lới phê bình của Nhất Linh: “Bác bảo truyện còn non lắm. Không đăng được.”

Tôi chỉ hơi thất vọng một chút vì đã đọc lại truyện đầu tay của mình, thấy không khá cho lắm. Lúc đó chỉ còn hai anh em ngồi quanh bàn gỗ mộc phòng ngoài, cả nhà hầu như ngủ yên, tôi yêu cầu ông anh đọc lại và chỉ cho thật rõ ràng những chỗ làm cho truyện non yếu (tuy chỉ lớn hơn nhau hai tuổi nhưng Duy Lam viết văn sớm và thành danh từ lâu). Anh tuyên bố ngay: bố cục yếu quá. Anh lấy cái kéo để sẵn ở bàn, cắt truyện của tôi làm nhiều phần, rồi dán lại theo trình tự mới. Tôi cầm lên đọc, phục ông anh quá: truyện khá hẳn lên. Bụt chùa nhà thiêng hẳn hoi... Anh cũng góp ý thêm: Đổi bút hiệu đi. Cái gì mà “vi lao, vi lô”, nghe xao xác sậy ven sông, không khá nổi! Lấy chữ đầu tiên mẹ là Thế đi, chữ sau là Phong, Thế Phong, hay là Viên, “Thế Viên”... đều có người chọn rồi. Anh à lên một tiếng, hô “Thế Uyên” đi. Nghe được đấy... Tôi nhắc anh “ương” mới là chim đực, uyên là chim cái... Nhưng với hai người trẻ tuổi, thì nhằm nhò chi dăm ba cái lẻ tẻ đó: thêm một nhà văn nữa ra đời, như thế (sau này đã nhiều tác phẩm, tôi mới nhờ ông Tầu già khắc dấu đường Đồng Khánh khắc cho tôi con dấu với chữ “thế” nghĩa là đời, cuộc đời, “uyên” là uyên bác uyên thâm...). Một ông bạn giỏi chiết tự, phê bình: Chọn biệt hiệu như vậy không mấy khá đâu...

“Không mấy khá” nghĩa là làm sao, tôi không buồn hỏi thêm. Đâu có quan trọng chi mấy đối với một người trẻ tuổi tập viết văn đã có nghề nghiệp hẳn hoi. Viết, chẳng qua thêm một hoạt động phụ trong cuộc đời đang rộng mở... Tôi chép lại một lần nữa bản cắt dán “Những hạt cát”, đề bút hiệu mới “Thế Uyên” đàng hoàng, rồi cất vào ngăn đựng những bài vở làm ở đại học, không hễ nghĩ tới việc đưa Nhất Linh coi lại lần nữa. Thế là hết một truyện thường, rất hay xẩy ra ở cõi báo chí. Lúc đó có ai nói là sự kiện bị Nhất Linh từ chối đăng bài văn đầu, lại gây hậu quả nghiêm trọng trong tương lai xa, xa đến tận ngày tôi viết những dòng chữ này, chắc chắn tôi không thể nào tin.

Xếp “Những hạt cát” vào hộc tủ, không có nghĩa là tôi không viết văn tiếp: vì nhà nghèo, bao nhiêu tiền dạy học tôi đưa mẹ hết, chi dụng cho một gia đình đông đảo, tôi nghĩ cách kiếm thêm nguồn lợi tức mới bằng ngòi bút, để có thêm khoản cà phê thuốc lá, nhất là thuốc lá cho chính mình (lúc sang thì Cotab, Oakland, lúc nghèo thì thuốc lá đen Bastos xanh, đỏ. Chính cái thời kỳ này đã làm tôi thích thuốc lá đen, nâu, cho đến khi suýt đổ kềnh ra tại đất Mỹ vì tai biến mạch máu não). Vẫn ông anh Duy Lam giới thiệu tôi tới Phạm Việt Tuyền, khi ấy đang chủ trương nhật báo Tự Do nổi tiếng, nhất là về khoản chống Cộng. Tôi được mời lên lầu, gặp ông chủ biên Phạm Việt Tuyền ngồi riêng một phòng khá rộng, oai phong dễ nể. Sau khi phỏng vấn, ông bạn trên tuổi này chấp nhận cho tôi dịch các truyện ngắn, đoản văn để đăng trang trong. Hồi đó ông bố tôi thường hay mua các tạp chí tiếng Pháp, như Constellation, Echo, Sélection, Fiction... Tôi lựa những truyện hấp dẫn, trữ tình như “Mối tình của Pedrito”, “Mặt trăng...”, ly kỳ như một hải đăng bị bao vây bởi một đàn chuột đói, khoa học dự tưởng như “Khi tất cả máy móc dừng lại”... Sau này quen Nguyễn Mạnh Côn chủ biên tập san Chỉ Đạo, tôi hì hục dịch cả hồi ký rút ngắn “Đoàn quân Mũ đỏ” trên tập san Selection để đăng vào tạp chí này.

Đã quanh quẩn với chữ nghĩa như thế, tất nhiên không tránh được có lúc hứng viết truyện ngắn trở lại, thí dụ truyện thứ nhì tôi viết là “Giọt sương đêm”, sau một chuyến đi Đà Lạt. Nhưng khỏi có mục đưa Nhất Linh coi vì tờ Văn Hóa Ngày Nay đã đình bản. Văn nghiệp của tôi chỉ thực sự bắt đầu với tạp chí Tân Phong do Nguyễn Thị Vinh[1] chủ trương với trợ giúp của chồng là dịch giả Trương Bảo Sơn, em chồng là Tô Hoàng (cũng viết văn nhưng không thành danh), cùng sự hợp tác của vợ chồng Nhật Tiến, Đỗ Phương Khanh, Cung Trầm Tưởng,[2] Phan Lạc Tuyên,[3] minh họa Nghi Cao Uyên,[4] và sau cùng là anh tôi... và tôi. Được hân hạnh làm nhà văn trẻ, mầm non, mới xuất hiện... với truyện ngằn đầu tiên được đăng, là “Giọt sương đêm” với lời giới thiệu dễ thương của Phan Lạc Tuyên.

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

_________________________

[1]Nhà văn Nguyễn Thị Vinh về sau ly dị với dịch giả Trương Bảo Sơn. Ông này lấy vợ khác, hiện nay (2005) sống ở Canada, đã trên 90 nhưng vẫn viết. Nguyễn Thị Vinh lấy chồng mới là họa sĩ/thi sĩ Nguyễn Hữu Nhật, đứa con gái duy nhất là Trương Kim Anh (con của Trương Bảo Sơn) lấy chồng là nhà văn Dương Kiền. Sau khi được tha khỏi trại cải tạo, Dương Kiền bảo lãnh cho vợ con, vợ lại bảo lãnh cho mẹ và ông dượng... Tất cả gia đình văn nghệ này cư ngụ tại Na-uy từ đó tới hiện nay, thỉnh thoảng có qua Hoa Kỳ (ra mắt sách). Dương Kiền có con trai nối nghiệp văn của bố, bắt đầu bằng dịch thuật.

[2]Cung Trầm Tưởng, nhà thơ đầu bạc từ lúc trẻ, sau 75 bị đi cải tạo với tư cách trung tá không quân tới 10 năm, trước khi đến định cư miền nam Hoa Kỳ. Xuất bản thêm thi tập Thơ viết hai tay...

[3]Phan Lạc Tuyên tham dự đảo chính bất thành của binh chủng Dù, phải lưu vong Cao Miên. Vợ ở lại bị chính quyền bắt giam, và vì có nhan sắc nên bị tra tấn hãm hiếp nhiều. Khi được tha, trở thành loạn trí và có cái chết buồn. Phan Lạc Tuyên theo Mặt trận Giải phóng miền Nam, được đảng Cộng Sản đưa ra Bắc, cho đi Ba-lan học, đỗ tiến sĩ về Sử, nhưng không được trọng dụng. Đầu thế kỷ 21, Phan Lạc Tuyên đến Seattle do một đại học mời thuyết trình về ngôn ngữ. Cùng em là nhà thơ Phan Lạc Giang Đông tới uống cà phê với người viết và tặng một bản sao tất cả những thơ đã đăng ở Tân Phong. Sau đó người anh trở về Việt Nam, người em diện H.O. chết về ung thư một thời gian sau tại Seattle.

[4]Họa sĩ Nghi Cao Uyên hiện định cư ở vùng thủ đô Hoa Kỳ.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021