thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
 
ß2
Nhà văn - nhà phê bình

 

Mối quan hệ nhà văn – nhà phê bình (ở đây hiểu theo nghĩa rộng, tức là bao hàm các nhà nghiên cứu văn học), nhìn chung,[1] trong đời sống văn học của chúng ta hiện tại, dường như chỉ diễn ra theo một chiều: nhà phê bình cần phải đọc và hiểu các nhà văn. Còn về phía các nhà văn, họ không cần đọc cũng không cần phải hiểu các nhà phê bình. Và dường như điều này là hiển nhiên.

Ở đây, tôi xin giới thiệu một mối quan hệ giữa nhà văn và nhà phê bình, một mối quan hệ cụ thể giữa Robbe-Grillet và Roland Barthes. Tôi xuất phát từ góc độ của nhà văn, vì việc nhà phê bình nói hoặc viết về nhà văn là chuyện “bình thường”. Và do bị giới hạn về thời gian, tôi chỉ đề cập tới một vài khía cạnh phiến diện, không thể bao quát đầy đủ hiện tượng như nó vốn tồn tại trong thực tế.[2]

Trong tham luận tại hội thảo Cerisy về Roland Barthes tháng bảy năm 1977, Robbe-Grillet giải thích: “Vì sao tôi yêu Barthes”. Ông đã đọc Barthes rất nhiều và thậm chí còn học thuộc lòng một phần tác phẩm của Barthes, như ông đã từng học thuộc lòng nhiều đoạn của Flaubert hay Paul Valéry… Ông phân tích rõ ông yêu Barthes ở cả hai tư cách: con người cá nhân trong mối quan hệ giữa cá nhân ông và cá nhân Roland Barthes; và tư cách tác giả của những văn bản. Robbe-Grillet nhìn thấy ở Barthes một nhà văn, chính quan hệ của Barthes với văn bản của chính ông đã góp phần tạo nên hình ảnh nhà văn trong cảm nhận của Robbe-Grillet: “…tôi không thể chỉ khẳng định rằng Barthes ở trong văn bản, bởi vì ông cũng có thể xuất hiện trước tôi ở mỗi khoảnh khắc trong tư cách là chống lại văn bản của ông. Văn bản của ông và ông đã tạo nên một kiểu ngẫu lực xoắn. Ở trình độ đọc của tôi, điều này dường như đặc trưng cho những quan hệ không phải với một nhà tư tưởng mà là với một nhà văn”.[3] Robbe-Grillet hình dung Barthes như một nhân vật – văn bản, nghĩa là diện mạo của Barthes gắn liền với các văn bản mà ông đã viết. Việc đọc các văn bản của Barthes cho phép Robbe-Grillet khái quát rằng Barthes là một “nhà tư tưởng trượt” (un penseur glissant). Ông cho rằng sự khác nhau giữa cấu trúc vận động của biến cố tiểu thuyết và cấu trúc vận động của biến cố mang tính quan niệm của tư tưởng chính là sự khác nhau của hai đặc điểm: “trượt” và “rung”. Tư duy mang tính quan niệm chuyển động rung xung quanh một trục cố định, vì nó có một hạt nhân vững chắc về nghĩa. Cấu trúc trượt của tiểu thuyết hoàn toàn khác, nó “không ngừng từ bỏ các trạng huống mà nó vờ như đã đạt tới”. Ngoài việc khẳng định tư duy mang tính quan niệm của Barthes, Robbe-Grillet còn nhận thấy trong các nghiên cứu của ông cấu trúc trượt mang tính tiểu thuyết này: “Ngay từ những văn bản đầu tiên của Barthes, mà tôi rất say mê, chẳng hạn như phần đầu cuốn Độ không của lối viết [4] mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn có thể đọc thuộc lòng, tôi đã nhận thấy sự trượt này. Đặc biệt, dưới dạng tu từ học của những mảnh diễn ngôn được kết nối bởi các cụm: “nghĩa là”, “điều đó tạo nên…”, “tóm lại”, v.v…[5] Tư duy của Barthes trượt từ ẩn dụ này tới ẩn dụ khác. Và vì thế văn bản phê bình của Barthes trở nên giống tác phẩm văn học ở chỗ: người ta không thể tách rời nội dung khỏi hình thức của nó. Tư tưởng của Barthes nằm trong chính sự trượt của hình thức, “…ông ấy đã không nói gì hết. Ông ấy đã trượt từ một nghĩa đang lẩn trốn sang một nghĩa khác cũng đang lẩn trốn.”[6] Robbe-Grillet chứng minh rằng trong sắc thái này, Barthes hoàn toàn giống một nhà văn hiện đại. Điều thú vị là ông đã làm “trượt” Balzac, làm “trượt” Goethe, những tác giả hoàn toàn xa lạ với thế giới trượt.

Đương nhiên, Barthes đã viết phê bình về tác phẩm của Robbe-Grillet. Có thể nói tác phẩm của nhà văn này sống với các nhà phê bình nhiều hơn là sống với công chúng. Cũng có thể nói, nếu không có các nhà phê bình như Barthes, Genette, Ricardou thì những nỗ lực của Robbe-Grillet có khả năng chỉ là zéro đối với đại chúng. Và ngược lại, cũng cần phải hiểu rằng, tác phẩm của ông xứng đáng nhận được sự chú ý của các nhà phê bình tầm cỡ đó. Robbe-Grillet nói gì về những bài viết của Barthes bàn về các tác phẩm Kẻ nhìn trộmNhững chiếc tẩy của ông? “Tôi đã tin rằng Barthes không hề nói gì về tôi, mà ngược lại, ông nói về chính ông, không phải theo một cách thức chặt chẽ, chính xác, […], mà lỏng lẻo, và tôi tin rằng nhà tiểu thuyết Barthes bắt đầu hình thành trong những văn bản của ông.”[7] Và chính điều đó hấp dẫn Robbe-Grillet. Ông hoàn toàn chấp nhận việc nhà phê bình có thể dùng tác phẩm của mình như một cái cớ để triển khai tư tưởng của chính họ, bất chấp việc những tư tưởng đó có thể hoàn toàn không ăn nhập gì với ý đồ sáng tạo, với cách hiểu của nhà văn về tác phẩm của mình. Bởi vì suy cho cùng, ý đồ của nhà văn sau khi tác phẩm đã được viết ra sẽ chỉ tồn tại như một cách thức diễn giải giữa vô vàn những cách thức diễn giải khác. Điều quan trọng là tác phẩm có khả năng kích thích những tiềm năng của diễn giải.

Nếu thông thường một nhà phê bình theo dõi toàn bộ sự nghiệp sáng tạo của một nhà văn, thì Robbe-Grillet đã làm cái việc “thông thường” này đối với Barthes: “Tuy nhiên, nếu tác phẩm của Barthes không phải là sự chối bỏ, thì chính là vì sự vận động không ngừng tái khởi này, từ trong chính mình và vượt thoát khỏi chính mình, sự vận động nhằm thiết lập tự do này […], đó chính là điều mà ông theo đuổi từ lúc khởi nghiệp nhiều đam mê nhất, từ Brecht đến Bataille, từ Racine và Proust đến Tiểu Thuyết Mới, từ sự xoay đảo lộn ngược phép biện chứng đến việc phân tích các mốt trang phục.”[8]

Tôi nhớ lại rằng, theo tường thuật của báo chí, trong hội nghị các nhà văn trẻ, đã có lời than phiền về sự “thiếu vắng những cây viết phê bình trẻ và thân thiện với trẻ”[9]. Trong khi than phiền như vậy họ đã quên mất, hoặc không biết đến, rằng có ít nhất một nhà phê bình trẻ (nghĩa là cùng độ tuổi với họ) quan tâm đến họ, họ hoàn toàn có thể đọc trên website talawas những bài viết cổ vũ thơ trẻ của Trần Ngọc Hiếu, một người viết phê bình cũng trẻ như họ, có thể còn ít tuổi hơn họ. Điều này có ý nghĩa của nó, bởi vì điểm khác biệt giữa một nhà văn trẻ và một nhà phê bình trẻ là ở chỗ: để làm một nhà phê bình trẻ cần phải có một nỗ lực đọc và làm việc vượt bậc, một nỗ lực mà một nhà văn trẻ nhiều khi không biết đến, nhất là trong một bầu khí quyển ở đó việc viết theo “bản năng” được đề cao. Để có được mấy chữ “nhà phê bình” thường cần phải có một độ tuổi nhất định, cần phải trải qua những năm tháng dài làm việc. Điều này không mâu thuẫn với việc, để trở thành một nhà văn thực sự, người viết cũng phải lao động rất cực nhọc.

Những lời phàn nàn rằng hiện nay không có tác phẩm văn học đáng để bình luận, hay không có một tác phẩm phê bình nào có tư tưởng đáng để đọc… là hoàn toàn có thể hiểu được, nhưng cũng hoàn toàn vô nghĩa. Thực tế là sách dịch rất nhiều, và rất nhiều tác phẩm dịch đáng đọc, cả sáng tác cũng như nghiên cứu. Và thực tế là có những công trình biên khảo hoặc giới thiệu của các tác giả Việt Nam cũng rất đáng đọc.

Quá trình viết diễn ra sau, và chỉ sau quá trình đọc. Dù Robbe-Grillet nói rằng ông bắt đầu sáng tạo một tác phẩm từ hư vô, thì điều đó chỉ có thể được nói ra sau khi ông đã đọc một số lượng sách khổng lồ; và hoàn toàn không thể bắt đầu từ hư vô để hiểu hết ý nghĩa của nó.

Hiển nhiên các nhà văn hoàn toàn có quyền không quan tâm đến các nhà phê bình, một nỗi băn khoăn dù sao cũng đã xuất hiện: nhà văn có nên đọc[10] các nhà nghiên cứu không?

 

_________________________

[1]có nghĩa là loại trừ những trường hợp cá biệt, như trường hợp nhà văn Nguyên Ngọc dịch Roland Barthes.

[2]Bài viết này cũng không đề cập đến hiện tượng tương đối phổ biến trong văn học hiện đại: nhà văn đồng thời là người viết phê bình. Những tác giả từ thế kỷ 19: Paul Valéry…; những tác giả của thế kỷ 20 như: Michel Butor, Nathalie Sarraute…; những tác giả đương thời: Umberto Eco, Milan Kundera…

[3]“Pourquoi j’aime Barthes”, in trong Alain Robbe-Grillet, Le voyageur (Paris: Christian Bourgois éditeur, 2001), tr. 167.

[4]Le Degré zéro de l’écriture, đã được Nguyên Ngọc dịch ra tiếng Việt.

[5]A. Robbe-Grillet, Sđd, tr. 174

[6]A. Robbe-Grillet, Sđd, tr. 175

[7]A. Robbe-Grillet, Sđd, tr. 176

[8]A. Robbe-Grillet, Le miroir qui revient (Paris: Minuit, 1985), tr. 68.

[9]Trần Thị Trường, "Trẻ hay chưa trẻ", www.talawas. org, 17/5/2006.

[10]“Đọc” ở đây được hiểu là: nhà văn đọc để hiểu khuynh hướng và tư tưởng của một nhà nghiên cứu, chứ không chỉ riêng những bài mà nhà nghiên cứu đó viết về các tác phẩm của anh ta hay chị ta.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021