thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Diễm Châu: ánh sao trên chiếc cầu biên giới

 

Lời người viết:
Tôi đã viết bài này cách đây gần đúng một năm và đã đăng trên Tiền Vệ. Hôm nay, đúng một tuần sau ngày mất Diễm Châu, tôi xin đăng lại nguyên văn bài này một lần nữa nơi đây như một cử chỉ thành kính tưởng niệm gửi đến hương hồn ông.

 

*

 

Trong hai năm qua, sau khi đọc hàng ngàn bài thơ quốc tế qua những bản dịch Diễm Châu trên Tiền Vệ, tôi đã nhiều lần muốn viết một điều gì đó về ông, nhưng rồi công việc cứ bận rộn dồn dập nên tôi cứ lần lữa mãi. Gần đây, sau khi nhận được liên tiếp hai tập thơ của Diễm Châu: Mười bài ở Paris & Những mảnh rời, và Việt Nam, tổ quốc và em, tôi cảm thấy bị thôi thúc để nói lên một số ý nghĩ về ông mà từ lâu tôi chưa có dịp nói. Đáng lẽ tôi phải viết một bài tiểu luận gồm nhiều chương để phân tích nhiều phương diện của người thơ Diễm Châu, nhưng hôm nay tôi chợt nhận ra rằng tốt nhất tôi hãy cứ viết ngay xuống giấy những cảm tưởng bộc trực của mình, chứ không nên tiếp tục chờ đợi đến khi có thật nhiều thì giờ cho một bài tiểu luận công phu. Một dịp may như thế thật khó xảy ra trong nhịp điệu đời sống hiện nay của tôi. Nghĩ như thế, tôi viết ngay. Tôi viết những đoạn văn rất ngắn sau đây trong vài ngày qua, như một thứ nhật ký, vào những lúc có được chút thì giờ để ngồi xuống trước bàn máy, ban ngày và ban đêm. Đây là những ý nghĩ ngẫu nhiên xảy đến, có lẽ không nhất thiết theo một trật tự nào cả. Tôi tin đó là một cách nói tự nhiên và chân thật.

 

1.

Tôi chưa một lần được gặp mặt Diễm Châu ngoài đời, nhưng tôi đã biết ông, qua thơ, từ hồi tôi mới 15, 16 tuổi. Thời ấy, tôi hay tò mò tìm hiểu văn chương thế giới, nhưng trong điều kiện sách vở thiếu thốn ở một thành phố nhỏ, hoạ hoằn lắm tôi mới cầm được trong tay một cuốn sách ngoại văn có giá trị. Bởi thế, tôi luôn luôn tìm đọc những bản dịch thơ và truyện ngoại quốc, và những bài giới thiệu về các tác giả Đông-Tây. Trong số rất nhiều dịch giả tôi đã đọc, một vài tên tuổi tôi đặc biệt yêu thích là Phạm Công Thiện, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đăng Thường, và Diễm Châu. Tôi yêu thích họ hơn đa số dịch giả thời ấy, vì những tác phẩm họ chọn dịch dường như bao giờ cũng là những "của lạ." Trong khi đa số dịch giả hăng hái chạy theo những tác phẩm thời thượng dễ dịch và ăn khách, thì họ lại lặng lẽ dẫn người đọc đến với một thế giới văn chương nhiều thử thách hơn.

 

2.

Tôi, đứa con trai mới lớn của thành phố Nha Trang, thời ấy, mỗi tháng vẫn đến mấy tiệm sách quen thuộc để mua những tờ tạp chí văn chương. Mỗi lần mua được một số báo có những bản dịch thơ văn ngoại quốc, hay có những sáng tác của những tên tuổi mình yêu thích, tôi sung sướng đi lang thang xuống biển, nằm trên bãi cát, hay ngồi trên ghế đá, để ngấu nghiến. Những lần như thế không có nhiều. Dường như mỗi năm tôi chỉ tìm thấy vài bản dịch và vài ba sáng tác khiến tôi say mê và xao xuyến. Nhưng có lẽ như thế cũng đủ, vì tôi có thì giờ để đọc đi đọc lại, và nghiền ngẫm.

 

3.

Trong vài năm gần đây, tôi trao đổi nhiều với Diễm Châu qua điện thư, nhưng có một kỷ niệm về ông mà tôi chưa kể cho ông. Kỷ niệm ấy là thế này: Trước 75, tôi có đọc được bài thơ "Thần chú" của Yevtushenko qua bản dịch Diễm Châu, đăng trên tạp chí Văn. Đó là lần đầu tiên tôi được biết đến thơ Yevtushenko. Và nhân đây, tôi cũng xin thưa, với lòng tri ân, rằng nhờ may mắn đọc được những bản dịch của Diễm Châu và của một số dịch giả văn chương chân chính, thời ấy tôi mới có những lần đầu tri ngộ hiếm hoi và tuyệt vời với một số văn tài kỳ đặc từ bốn bể. Riêng về bài "Thần chú" của Yevtushenko, vì một lý do đặc biệt nào đó mà bây giờ tôi không còn hình dung được, bài thơ ấy đã bí mật bám vào ký ức tôi. Đến năm 1978, trong những ngày tháng cùng người bạn thân thiết Võ Quốc Linh đói rách lang thang đầu đường xó chợ, có một đêm, lúc tôi cùng anh đang bám trên mui xe lửa từ Nha Trang đến Sài Gòn, một giai điệu bỗng nẩy ra trong óc tôi cùng với lời hát. Sáng hôm sau, trong một căn gác ở Gò Vấp, tôi đã hát cho bạn tôi nghe ca khúc ấy:

 

Hãy nhớ tới anh, hãy nhớ tới anh những đêm mùa Xuân,
Và hãy nhớ anh, và hãy nhớ anh những đêm mùa Hạ,
Hãy nhớ tới anh, hãy nhớ tới anh những đêm mùa Thu,
Và hãy nhớ anh, và hãy nhớ anh những đêm mùa Đông...
Bên trời xa, khi ngày lên, em đừng nhớ...
Huyên náo quanh em, huyên náo quanh em, không nhớ đâu...
[...]

 

Linh hỏi tôi "phải là bài hát phổ thơ không?", tôi nói "phải, thơ của Yevtushenko, bản dịch của Diễm Châu, bất ngờ nhảy ra từ ký ức, anh còn nhớ loáng thoáng, và dựa vào đó để bịa ra ca từ này..." Linh nói "ngày trước, em cũng biết đến Diễm Châu, nhưng đọc được rất ít tác phẩm của ông ấy, bây giờ ông ấy ở đâu?" Tôi nói "có lẽ ông ấy ở ngoại quốc đã lâu rồi..."

 

4.

Tôi không ngờ năm ấy Diễm Châu còn ở Việt Nam. Sau này tôi mới biết ông rời Việt Nam vào năm 1983, cùng năm tôi rời Việt Nam. Từ trước 75, tôi vẫn nghĩ ông sống ở ngoại quốc, vì khi đọc một số bài thơ và bản dịch của ông, tôi cảm nhận một hương vị xa xôi, khác lạ, mà tôi không bắt gặp trong đời sống văn chương Việt Nam lúc bấy giờ. Đó là cái hương vị của chữ nghĩa đến từ đâu đó ngoài biên giới của dòng văn chương chính mạch.

 

5.

Vâng, bây giờ nhìn lại, tôi thấy quả thật Diễm Châu suốt đời chưa bao giờ cố gắng bước vào trung tâm của dòng văn chương chính mạch. Tôi thấy ông chưa bao giờ muốn quảng bá rần rộ các sáng tác và dịch phẩm của ông. Ông không cần làm điều đó. Ông đã viết nhiều trăm bài thơ, dịch nhiều ngàn bài thơ, nhưng chỉ xuất bản với số lượng ấn hành rất hạn chế, hầu như không để bán, mà chỉ để biếu cho những ai quan tâm. Thế nhưng, những gì ông làm đã để lại những âm vang rất rộng và xa. Hãy thử tưởng tượng một thiếu niên, cách đây hơn ba mươi năm, ở một thành phố nhỏ ven biển, đã may mắn nhận được đôi chút rung ngân từ xa xôi, qua những bản dịch thơ, và tâm hồn nó trỗi lên một niềm khát vọng... Không, đó không phải là điều tưởng tượng. Thiếu niên ấy, giờ đây, đang ngồi viết những dòng này với tấm lòng đầy ân cảm và một giấc mơ rất dài về tương lai văn chương của đất nước. Một tiếng đàn nhỏ, khi đã cất lên, sẽ làm rung ngân tất cả những dây đàn cùng tần số chung quanh nó.

 

6.

Dòng văn chương chính mạch là dòng văn chương bám quanh trung tâm của quyền lực. Quyền lực bao giờ cũng đòi hỏi sự ổn định. Do đó, ở trung tâm là một khối nặng của sự bảo thủ. Ở trung tâm, nơi bị canh giữ bởi quyền lực, không bao giờ tự nó có những chuyển động, không bao giờ tự nó có những biến thái. Chỉ những vùng ngoại biên mới phát ra những chuyển động và những biến thái theo những chiều kích mới lạ và những dạng thức phong phú. Chỉ những vùng ngoại biên mới làm cho trung tâm phải chuyển động và biến thái.

 

7.

Như một nhà thơ Việt Nam, Diễm Châu chọn vị thế của một người mãi mãi lưu vong, nhưng ông chưa bao giờ rời vòng tay ôm lấy đất nước. Bởi suốt đời thiết tha với đất nước, thời nào ông cũng phải chọn vị thế bất thoả hiệp, dù ở vị thế ấy ông phải chịu sự cô đơn, và không ít niềm đau đớn.

 

8.

Như một dịch giả, từ bên ngoài biên giới của dòng văn chương chính mạch, suốt hơn bốn mươi năm qua, Diễm Châu cùng với một số rất ít người đã lặng lẽ bắc một chiếc cầu nối liền với thế giới bao la chung quanh. Đứng ở đầu cầu trong này, người ta nhìn thấy ở đầu cầu ngoài kia những sắc màu rộn rã của vô số những chuyển động và biến thái từ bốn biển.

 

9.

Thật hiển nhiên, cho đến nay, trong việc mở rộng con mắt thơ Việt Nam ra thế giới, không ai có thể sánh với ông về số lượng và tầm tiếp cận. Ông làm việc như một con ong vô địch ở sức chuyển tải và tầm bay xa. Bao nhiêu mật hoa từ châu Á rồi châu Phi, từ châu Âu rồi châu Mỹ, đến tận châu Đại dương, ông đã mang về qua chiếc cầu biên giới.

 

10.

Đêm nay, nghĩ về ông, tôi thấy trên chiếc cầu biên giới ấy, một ánh sao.

 

Sydney, 14, 15, 16/01/2006.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021