thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Email muộn gửi Diễm Châu

 

Nghe tin Diễm Châu từ trần, tôi bàng hoàng. Mắt cứ ngó sững màn ảnh computer, trên cái email báo hung tin do anh Hoàng Ngọc Biên gửi.

Tôi đã biết tin Diễm Châu lâm trọng bệnh từ lâu. Nhưng vẫn không nghĩ là anh đi gấp đến như vậy. “Gấp” đến độ tôi chưa kịp gửi cho anh một bức thư hay một cái email mà tôi nghĩ là mình nên làm. Xin nói ngay: quan hệ giữa tôi và Diễm Châu chỉ dừng lại ở mức sơ giao. Lâu lâu mới gửi cho nhau một email. Email nào cũng ngắn và cũng khá khách sáo. Lỗi, có lẽ, một phần, do tôi: tôi tự ngăn chận, ít nhất là về phía tôi, bất cứ sự bộc lộ tâm tình nào. Lý do: một lần, cách đây mấy năm, trong một email, Diễm Châu có hỏi ý kiến tôi về thơ của anh. Tôi không trả lời và cũng tránh mọi cơ hội có thể dẫn đến câu trả lời. Không phải tại tôi không thích tác phẩm của anh. Thích, nhưng có cái gì đó còn mơ hồ, lấn cấn và ngổn ngang, chưa phân tích hết được. Không thể tóm gọn trong một vài câu hay một vài đoạn, tôi chọn biện pháp vụng về nhất: lần khân.

Lần khân mãi đến lúc anh ra đi.

Bài này, như một email muộn gửi anh, chỉ để nói với anh điều này: tôi cảm thấy thật gần gũi với anh ở lòng yêu thơ hầu như vô hạn; tôi khâm phục sức đọc của anh; tôi kính nể thái độ can đảm của anh khi một mình lặng lẽ đi trên một lối riêng khá cô quạnh trong văn học; và tôi ngưỡng mộ anh, trước hết, trong tư cách một dịch giả, người có công mang cả một thế giới thơ bao la đến với độc giả Việt Nam.

Điều làm tôi phân vân một thời gian khá lâu là: có nên nhấn mạnh mấy chữ “tư cách dịch giả” ấy không? Viết như vậy dễ gợi ấn tượng là hạ thấp tư cách nhà thơ của Diễm Châu. Mà tôi lại có linh cảm là anh muốn nhớ đến, trước hết, với tư cách một nhà thơ thay vì là một dịch giả. Nhưng nếu đặt tư cách nhà thơ trước tư cách dịch giả, tôi lại thấy áy náy. Như không thực lòng.

Sáng tác anh hay. Nhưng cái hay ấy không lớn bằng phần dịch thuật.

Cũng có thể nói, một trong những đóng góp lớn nhất của văn học hải ngoại vào kho tàng văn học Việt Nam sau 1975 là dịch thuật.

Vâng, là dịch thuật.

Nhận định ấy có thể làm nhiều người ngạc nhiên. Về nước, bước vào các hiệu sách, không ai không thấy là sách dịch bày tràn trên các kệ. Nhiều vô kể. Đủ loại và đủ hạng. Hay có, dở có. Trong hàng trăm dịch giả đang hoạt động tích cực, có ít nhất một, hai chục người giỏi: họ chọn được những cuốn sách có giá trị văn học thực sự chứ không phải chỉ có giá trị thương mại nhất thời. Và họ dịch một cách cẩn thận và tài hoa. Như những nghệ sĩ xiếc nhào lộn trên sợi dây mong manh căng giữa hai ngôn ngữ và hai nền văn hoá.

Tuy vậy, nghĩ đến dịch thuật, tôi vẫn nghĩ, trước hết, đến những người đang sống ở hải ngoại. Xin nói ngay, ở hải ngoại, trong phạm vi văn học, hầu như không ai sống được, ngay cả sống một cách thoi thóp, bằng dịch thuật, nhất là dịch từ một ngôn ngữ nào đó sang tiếng Việt. Có nghề thông ngôn và phiên dịch ở các toà án, các bệnh viện, các cơ quan chính phủ và xã hội. Nhưng lại không có nghề dịch giả văn học. Dịch xong một tác phẩm rồi gửi đăng báo, dù là báo in hay báo mạng, cũng đều không có nhuận bút. In thành sách, cũng không có nhuận bút. Mà chưa chắc đã có nhà xuất bản nào chịu in. Ngay các báo cũng ngại in tác phẩm dịch: trừ một số trường hợp đặc biệt, tác phẩm dịch thường thuộc một khí quyển văn hoá khác, có một thứ liên văn bản khác, khá xa lạ với độc giả, kể cả những người đang sống ở ngoại quốc, nếu không muốn nói: đặc biệt với những người sống ở ngoại quốc, những kẻ, với những mức độ khác nhau, ít nhiều bị khống chế, hoặc ít nhất, bị chi phối bởi một thứ mỹ học hoài cựu, với nó, họ chỉ thấy là đẹp những gì gắn liền với kỷ niệm, thuộc một quá khứ xa xôi và xa xăm nào đó.

Vậy mà nhiều người vẫn dịch. Hơn nữa, họ lại chọn dịch những tác phẩm tuyệt đối – xin nhấn mạnh: tuyệt đối - không có chút giá trị gì trên thị trường. Như những bài tiểu luận vừa uyên bác vừa nặng nề, những tác phẩm thuộc trào lưu Tiểu Thuyết Mới hay những truyện ngắn hậu hiện đại rất xa các quy ước nghệ thuật truyền thống, do đó, rất khó tìm được tri âm trong cộng đồng văn học Việt Nam. Và thơ. Nhất là thơ. Lại là thơ mới. Tuy nhiên, tôi tin tất cả những thứ ấy, từ tiểu luận đến truyện ngắn và thơ, đều là những thứ cần dịch nhất. Sách thương mại? Ừ, thì dịch cũng tốt. Nhưng không dịch thì cũng chẳng sao. Thiên hạ có khối cách giải trí khác nhau, không nhất thiết phải là sách. Để mang lại những bài học mới về mỹ học và về kỹ thuật viết lách, điều giới cầm bút cần là bản dịch các tác phẩm, thứ nhất, có tính văn học, và thứ hai, có tính chất cách tân thực sự. Ở trong nước, không phải không có người không biết điều đó. Biết, nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và nhất là, đủ điều kiện để dịch… chơi như vậy mãi. Nhu cầu sống còn về phương diện kinh tế lớn đến độ rất hiếm người dám dịch… chơi như một số cây bút ở hải ngoại. Như, chẳng hạn, Diễm Châu, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đăng Thường, Hoàng Ngọc-Tuấn, Đinh Linh và gần đây, Lê Đình Nhất-Lang. Dịch chơi là dịch không vì một lợi ích thiết thực nào cả. Không vì lợi. Và cũng không vì danh. Họ dịch đơn giản chỉ vì nhu cầu dịch. Vì một thôi thúc nào đó trong nội tâm họ. Vậy thôi. Đọc, thấy tâm đắc, bèn dịch. Có lúc dịch một cách hì hục trong nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí, nhiều năm vì chưa tìm ra được một chữ ưng ý, một nhịp điệu ưng ý, một cái gì đó chưa ưng ý.

Trong số những người dịch chơi ấy, người say mê và kiên nhẫn nhất chắc chắn là Diễm Châu.

Sự nghiệp dịch thuật của Diễm Châu bắt đầu từ sớm và kéo dài rất lâu, cả mấy chục năm. Có thời gian anh dịch xong, để đó. Hay in ra dưới hình thức gọi là “ấn bản hạn chế”. Thật đẹp. Nhưng cũng thật “hạn chế”: vài chục copies! Chủ yếu để gửi tặng bạn bè, đây đó. Có người chưa chắc đã đọc. Anh vẫn không nản. Vẫn tiếp tục dịch. Chỉ cần nhìn số lượng bản dịch của Diễm Châu trên Tiền Vệ, không ai không giật mình. Đến cả ngàn bài. Diễm Châu hiếm khi xuất hiện với một bản dịch: anh thường xuất hiện với cả chùm, có khi, cả tập gồm hàng chục bài, cũng có khi, lên đến trên một trăm bài. Anh giàu có đến độ không cần “nhín” như tâm lý của nhiều người khác. Anh thích đăng ào ạt. Dường như anh không thích những đoá hoa lẻ. Anh thích cả rừng hoa, đẹp cái đẹp bạt ngàn, ngút ngàn.

Tôi thực sự không tin là ở Việt Nam từ trước đến nay có bất cứ người nào dịch thơ nhiều hơn Diễm Châu.

Nhiều và đa dạng. Anh không phải chỉ dịch thơ Pháp, thơ Anh, thơ Mỹ, thơ Đức … Anh còn dịch và dịch nhiều thơ từ các quốc gia nhỏ và có phần xa lạ với phần lớn độc giả Việt Nam: thơ Rumani, thơ Bồ Đào Nha, thơ Nicaragua, thơ Hy Lạp, thơ Thuỵ Sĩ, thơ Peru, thơ Áo, thơ Ba Lan, thơ Tiệp Khắc, thơ Palestine, thơ Armenia, thơ Guatemala, v.v… Thật đa dạng. Có lẽ đa dạng hơn hẳn các dịch giả khác. Ít có người nào bao quát một không gian thơ mênh mông như anh. Đa dạng, nhưng vẫn chọn lọc: những nhà thơ anh chọn dịch đều là những nhà thơ lớn, thuộc loại lớn nhất của quốc gia họ và của thời đại họ. Tính chất chọn lọc ấy cho thấy anh là người rất nhạy cảm và tinh tế. Hơn nữa, anh còn cẩn thận: không những dịch thơ, anh còn thường giới thiệu các nhà thơ một cách khá chi tiết để phần nào giúp người đọc tiếp cận được các tác phẩm được dịch. Qua anh, người đọc Việt Nam được tiếp cận với vô số núi non chất ngất trên thế giới.

Điều làm tôi băn khoăn, từ đó, hơi hơi ngần ngại khi trao đổi với anh, là cảm giác: hình như chính anh cũng bị lạc ở giữa vùng núi non chất ngất ấy. Đọc thơ dịch của anh, tôi không thấy được một định hướng nào rõ rệt. Đọc các bản dịch của một số người khác, tôi thấy rõ, phần nào, con đường họ đi và cả cái nơi họ muốn tới. Với Diễm Châu thì không. Chỉ thấy trùng trùng núi. Chỉ thấy điệp điệp đồi. Nhưng đường nét của những đồi núi ấy lại có cái gì như mờ nhạt. Đọc bản dịch thơ của những dịch giả khác, tôi có thể mường tượng phong cách của tác giả. Ở Diễm Châu thì không. Thơ của người nào, qua tay anh, cũng đều ít nhiều giống nhau. Ít nhất, ở cái giọng.

Dường như là giọng Diễm Châu.

 

Nguyễn Hưng Quốc

3 January 2007

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021