thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cảm ơn Diễm Châu

 

Khi một người thân hay một tri kỉ ra đi, người ta thường “khóc” (mourning). Khi hay tin Diễm Châu ra đi, hai ngày trước khi tôi trở về đại học cho khoá Mùa Xuân, tôi nghĩ tôi phải cám ơn Diễm Châu thay vì “khóc”.

Tôi cảm ơn Diễm Châu vì chúng tôi có rất nhiều điều còn phải khám phá và học hỏi lẫn nhau. Tôi nhớ Diễm Châu xuất hiện trước mắt tôi lần đầu với khuôn mặt đỏ bầm như “gà chọi”, một thứ hình dung loáng thoáng như đã gặp ở đâu, dường như ở một nơi nào tại thôn quê Bắc Việt, có thể anh là một “nông dân” nếu bạn tôi không đeo kính cận, và nếu tôi không biết trước Diễm Châu là một thanh niên trí thức, một nhà giáo, một nhà thơ, và có lẽ mãnh liệt nhất là một thanh niên yêu nước tuyệt vời.

Tôi xin cảm ơn Diễm Châu vì những lẽ sau đây:

 

1. Thủa ấy, tôi là một thanh niên không có thẻ căn cước – tức là không có tên trong danh bạ xã hội – vừa đọc xong truyện ngăn ‘Barn Burning’ cùa William Faulkner thì Diễm Châu đến. Diễm Châu đề nghị tôi nên đọc ‘Light in August’ cũng của Faulkner. Bạn tôi rất am tường văn học hiện đại kể cả một số nhà văn Châu Mĩ La-tinh. Diễm Châu bảo tôi, “Cả câu chuyện trong ‘Light in August’ diễn ra quanh một đám cháy.” Thế là trước khi đọc ‘Light in August’, Diễm Châu cho tôi tưởng tượng ra một í niệm văn chương trong đó “thời gian” không còn nữa. Dĩ nhiên, đây không phải là í niệm của Faulkner và cũng không phải là điều Diễm Châu muốn nói. Cảm ơn Diễm Châu.

 

2. Thủa ấy bạn tôi, Hoàng Ngọc Biên, giúp tôi xuất bản cuốn Hư Vô, Bất Tử mà một bạn khác vẫn thường đùa nghịch hỏi tôi: “Hư Vô không Con?” Diễm Châu đến tâm sự thế này: “Tao đã đọc xong cuốn sách của mày. Tao vừa bảo tụi nó là nên đọc kĩ đi, và đừng có đùa cợt!” Cảm ơn Diễm Châu.

 

3. Thủa ấy, Diễm Châu thường đến thăm tôi, có khi mang theo một cháu trai khoảng mười tuổi, dáng mảnh mai và trắng trẻo. Bạn tôi nhỏ nhẹ bảo tôi: “Mày nên ‘nghĩ’ đến quần chúng một tí.” Tôi không trả lời bởi vì “nghĩ tới quần chúng” là một điều quá lớn trong khi tôi chỉ là một thanh niên “cao không tới, thấp không thông.” Cảm ơn Diễm Châu.

 

4. Thủa ấy, Diễm Châu có bảo nhỏ tôi thế này: “Mọi chuyện cũng sắp xong. Nhưng cứ nằm yên. Bao giờ tao bảo ‘xong rồi’ thì hãy ra.” Trong khi chờ đợi biến cố quan trọng ấy, tôi đã đọc xong ‘Light in August’, hay hơn truyện ngắn ‘Barn Burning’ cũng của Faulkner. Nhưng tôi không bị ám ảnh bởi cái nhìn tuyệt diệu của Faulkner, mà cứ nghĩ mãi về câu nói của Diễm Châu: “Cả câu chuyện diễn ra quanh một đám cháy.” Rõ ràng cái nhìn hiện thực đầy tính thời gian bị cái nhìn trừu tượng, đầy tính không gian suy diễn. Cảm ơn Diễm Châu.

 

5. Thủa ấy tôi đã viết được một “tiểu thuyết” (không chắc đã đúng với danh từ “tiểu thuyết”) hơn năm trăm trang, một việc làm tỉ mỉ trong suốt bảy năm. Tôi đặt tên là Tiếng Hát Cỏ Chi-Lan đồng thời để tỏ lòng ngưỡng mộ Lautréamont (1846-1870), tác giả cuốn Les Chants de Maldoror, mà André Breton và nhóm Siêu Thực sau này coi như một thứ “thánh kinh”. Tiếng Hát Cỏ Chi-Lan xoay quanh một mồi lửa rơm bên sườn một cái gò nhỏ ven đê. Chỉ có hai người được đọc một vài đoạn ngắn của bản thảo đã bị thất lạc. Hai người đó là nhà văn Võ Phiến và Diễm Châu. Võ Phiến cho là quá “tài tình” nhưng “lớn quá đối với một đời người!” Còn Diễm Châu, sau khi đọc xong, đã có nhận xét như sau: “Quá đẹp! Chỉ thấy không gian, còn thời gian ngưng lại. Viết thế này thì bao giờ mới xong?” Diễm Châu nói đúng. Vì bản thảo Cỏ Chi-Lan mất rồi, nên tôi quay lại nghiên cứu James Joyce, đặc biệt cuốn Finnegans Wake. Tại University of Texas at El Paso (2000), tôi rút ra một vài chương từ Finnegans Wake để giảng cho lớp cao học, về cấu trúc của tác phẩm, chứ không phải ngữ học, là linh hồn của tác phẩm. Muốn đọc cái hồn của Finnegans Wake thì phải để cho người Ái Nhĩ Lan đọc, cũng như muốn nghe bốn chữ “cà tịch cà tàng!” thì phải nghe người Nam Việt nói. Tôi viết lại Cỏ Chi-Lan dưới cái tên mới The Music of Paganini, ngót một nghìn năm trăm trang. Khi dạy tại Towson University, MD, tôi đã học vĩ cầm với giáo sư Zoltan Szabo đến từ Hung Gia Lợi để phân biệt thế nào là Formalism và Contextualism trong âm nhạc, và áp dụng vào cuốn The Music of Paganini. Diễm Châu đã bảo tôi: “Mày thích “inventer”! Cảm ơn Diễm Châu.

 

6. Hai mươi năm trước, Diễm Châu gửi cho tôi những đoản văn mang nhiều tâm trạng của một chứng nhân lịch sử. Nhưng chỉ khi bạn tôi gửi cho tôi bài thơ dài, Việt Nam, Tổ Quốc và Em, tôi mới kinh ngạc. Diễm Châu là một nhà thơ tuyệt vời. Việt Nam, Tổ Quốc và Em rất có thể gây ra ngộ nhận. Theo tôi, nó phát xuất từ lòng yêu nước giầu lí tưởng, mở đầu như sau:

Việt Nam, mi đã sinh ra ta và cho ta những lòng rãnh đầy bóng tối...

Bài thơ chứa biết bao tâm sự phức tạp của một thanh niên yêu nước, làm tôi nhớ đến sứ mạng của nhà văn mà J.-P. Sartre đã trình bày rất rõ ràng trong cuốn Văn Chương là gì? Bài thơ cũng cho tôi liên tưởng đến bừc tranh của Chagall, có đôi uyên ương, có vĩ cầm và thành phố Ba-lê, để rồi kết thúc như sau:

Việt Nam, nếu quên đi là tha thứ...

Cảm ơn Diễm Châu.

 

7. Khi gặp nhau ở New York City (1986), cùng với nhà văn Chân Phương, Diễm Châu đề nghị chúng tôi vào “đái” trong Central Park. Bạn tôi gọi tôi là “Kant của Việt Nam”, còn Chân Phương ví tôi như một “Archimedes” vì lúc ấy tôi đang học Vật lí tại Columbia University, chỉ để bổ túc cho triết học. Tôi cảm ơn hai bạn, đặc biệt là Diễm Châu. Bốn năm trước Diễm Châu viết cho tôi mấy dòng: “Mày uyên bác quá và là một họa sĩ tài ba. Thế mà không hiểu sao đến bây giờ vẫn chưa nổi tiếng thì lạ thật?” Cảm ơn Diễm Châu. Tôi hiểu vì sao. Vì tôi bết quá. Bây giờ nhớ tới Diễm Châu tôi nghe Violin Concerto in D Major của Beethoven, và tặng bạn tôi bài thơ sau:

 

VÌ TA BẾT QUÁ!
 
Khi về nhớ bạn mông lung
Chợt lưu luyến những con đường đã qua.
Vì ta bết quá thành ra
Vẽ mây lại hoá la đà gió bay.
Chuyện gì ngẫm lại cũng hay,
Cho đêm thao thức vơi đầy tâm tư.
Thì tuy không phải là thu
Mà vương vấn cũng lu bù nhớ nhung.
Rồi lên phố ngắm thung dung,
Vào trong tiệm sách tìm Thung Lũng Buồn.

 

January 2007
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021