thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một người đã về tới nhà của mình

 

Vào rạng sáng ngày 28 tháng 12 năm 2006, Diễm Châu đã trút hơi thở cuối cùng rời bỏ thế gian trong một ngôi nhà ở Paris. Mấy hôm sau tôi mới biết tin đau buồn này qua email của nhà thơ, dịch giả Hoàng Ngọc Biên và nhà văn, nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn. Tôi không biết khi ra đi ông có đau đớn thân xác hay dày vò điều gì trong tâm hồn mình không? Hỏi vậy nhưng tôi tin ông đã ra đi thanh thản tựa mây bay. Bởi với những gì ông dâng hiến cho cuộc đời này thì ông phải là người được ban phước cho chuyến đi cuối cùng rời khỏi thế gian như thế. Sau này đọc lại thư của nhà thơ, dịch giả Hoàng Ngọc Biên tôi mới biết ông ra đi trong khi ngủ lúc gần sáng. Đấy là lúc Paris yên tĩnh nhất.

Diễm Châu là ai? Câu trả lời không dễ lắm đối với những bạn đọc thông thường ở Việt Nam. Nhưng với những người quan tâm đến văn học thế giới, đặc biệt là thơ ca, thì ai cũng biết ông. Tôi đọc rất nhiều những bản dịch của ông nhưng mới chỉ quen biết ông bốn năm trở lại đây. Nhưng thời gian ngắn ngủi ấy cũng đủ cho ông trở thành một người bạn vong niên yêu quí của tôi. Có một dịch giả mà tôi rất kính trọng, đó là Hoàng Ngọc Biên. Đầu năm 1990, tôi được đọc tập thơ Tĩnh vật và những bài thơ khác (nhà xuất bản Thuận Hoá) của Joseph Brodsky, nhà thơ đoạt giải Nobel văn học 1987, do Hoàng Ngọc Biên dịch. Ngay lập tức, Brodsky trở thành người thầy tinh thần thi ca của tôi. Quả thực trước đó, tôi có nghe người ta nói về sự vĩ đại của Brodsky, nhưng tôi rất băn khoăn về nhận định này khi đọc một số bản dịch của các dịch giả khác. Lúc đó, tôi chẳng thể nào có được một bản tiếng Anh thơ ông. Đến khi đọc bản dịch của Hoàng Ngọc Biên thì tôi đã thốt lên: “Brodsky, ông quả là một người khổng lồ.” Từ đó tôi có ý “săn lùng” các bản dịch thơ Brodsky của Hoàng Ngọc Biên. Tôi có nghe nói một người đàn ông ở Sài Gòn giữ nhiều bản dịch thơ Brodsky của Hoàng Ngọc Biên. Tôi đã nhờ người xin những bản dịch đó. Nhưng anh đã không cho. Rồi tôi cũng liên lạc được với Hoàng Ngọc Biên. Và từ ông, tôi làm quen với Diễm Châu. Bởi Hoàng Ngọc Biên và Diễm Châu là hai dịch giả danh tiếng và là bạn thân của nhau mấy chục năm qua.Tôi viết thư cho Diễm Châu để cám ơn ông đã dịch những nhà thơ nước ngoài cho cá nhân tôi và cho nhiều người làm thơ Việt Nam đọc. Ông viết thư trả lời tôi. Và chúng tôi cứ thế liên lạc thường xuyên với nhau.

Tôi không biết nhiều lắm về tiểu sử Diễm Châu. Tôi chỉ biết ông là người Việt Nam dịch nhiều thơ của các nhà thơ nước ngoài nhất ra tiếng Việt. Hầu hết những người làm thơ Việt Nam trong nước không biết ngoại ngữ. Bởi vậy những bản dịch thơ vô cùng quan trọng đối với họ. Đã đôi ba lần tôi hỏi ông đã dịch bao nhiêu nhà thơ trên thế giới và tổng cộng khoảng bao nhiêu bài. Thực ra tôi muốn viết về ông và những công trình dịch thuật của ông. Nhưng lần nào ông cũng tế nhị nói một ngày nào đó ông sẽ trả lời tôi. Thực ra ông không muốn trả lời tôi về chuyện đó. Bởi dịch thuật thơ ca với ông là tình yêu chứ không phải là một sự nghiệp. Nhưng bây giờ thì tôi không được nghe ông trả lời nữa. Bây giờ, mỗi khi mở hộp thư tôi sẽ chẳng bao giờ thấy trong inbox có thư của ông. Một vài người có biết công việc dịch thuật của Diễm Châu nói ông đã dịch khoảng 100 tập thơ của các nhà thơ danh tiếng nước ngoài. Một con số khổng lồ. Nhưng tôi nghĩ còn nhiều hơn thế. Mà đó chỉ là thơ. Còn tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, kịch và những sáng tác mấy chục năm qua của ông nữa. Tôi chỉ biết mỗi khi tôi cần đọc một tác giả nào đó của một quốc gia nào đó trên thế giới, Diễm Châu đều đáp ứng nhu cầu của tôi. Và không một người Việt nào từ trước tới nay lại có một khối lượng dịch nhiều như ông. Thực tế, toàn bộ thơ dịch của Việt Nam không đồ sộ và có hệ thống bằng những gì Diễm Châu đã làm. Khoảng tám tháng trước đây, báo Văn Nghệ có làm một số chuyên đề về văn học Na-uy. Tôi đề nghị một số dịch giả trong nước giúp tôi làm số báo này. Nhưng hầu hết mọi người đều lắc đầu vì họ biết quá ít về văn học Na-uy. Trong lúc lúng túng, tôi đã nghĩ đến Diễm Châu. Tôi viết thư cho ông. Ông đã trả lời tôi sau một tiếng đồng hồ. Ông bảo ông sẵn sàng giúp tôi nếu tôi cần bất cứ gì về nền văn học này. Và ông đã đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của tôi. Số báo đặc biệt ra đời với khoảng 70% bài dịch của Diễm Châu. Chính thế tôi phải dùng nhiều bút danh khác nhau cho những bản dịch của ông. Nếu không có sự đắm say nghệ thuật, nếu không làm như một sự hiến dâng cho Cái Đẹp thì có lẽ ông chẳng bao giờ có thể làm được một khối lượng công việc như vậy. Tôi kính trọng ông bởi ông đã sẵn sàng làm cho một tờ báo trong nước mà một số nhà văn sống ở nước ngoài chối từ hợp tác. Ông đã làm với một tấm lòng vô tư. Ông và những người làm số báo về văn học Na-uy có chung một nơi đến: đó là vẻ đẹp ngôn từ và tư tưởng lớn của nhân loại trong những tác phẩm văn học xuất sắc của một dân tộc khác trên thế giới. Ông lớn hơn những người kia. Nói đúng hơn, ông lớn hơn sự ngờ vực và thù hận. Tôi nghĩ vậy. Bởi với ông, tình yêu nghệ thuật và vẻ đẹp đời sống này đã xoá đi mọi ranh giới của những khác biệt chính trị và hận thù. Cái ranh giới mà cho đến bây giờ vẫn có những người cố dựng lên. Tôi yêu quí ông bởi những gì ông đã làm cho thi ca. Tôi tin ông bởi tôi tin vào những bài thơ ông dịch.

Lần nào viết thư cho tôi ông cũng mở đầu bằng câu: Nguyễn Quang Thiều thương mến. Có hai nhà thơ ở phía Bắc ông thường viết thư thăm hỏi mà tôi biết: đó là nhà thơ Mai Văn Phấn và tôi. Nếu viết thư cho Mai Văn Phấn không thấy trả lời thì ông lại vội vàng viết thư cho tôi với đầy lo lắng về một điều gì đó có thể xẩy ra với một nhà thơ đang sống trong thành phố cố hương ông. Và khi không nhận được thư tôi thì ông lại viết cho Mai Văn Phấn để hỏi thăm tôi. Những lá thư của ông gửi cho chúng tôi lúc nào cũng dịu dàng, cũng ân cần, đôi lúc lo lắng nhưng lúc nào chúng tôi cũng nhận thấy, dù chỉ mơ hồ, một nỗi cô đơn từ con người ông. Nhưng có lúc ông không trả lời thư chúng tôi. Chúng tôi cũng lo lắng cho sức khoẻ của ông. Ông như biến mất và rồi đột ngột xuất hiện. Ông nói ông lo rằng chúng tôi có thể bị liên luỵ khi quan hệ với một Việt kiều và thế là ông không viết thư cho chúng tôi nữa. Tôi bật cười về ý nghĩ này của ông. Có lẽ do tuổi tác mà ông nghĩ thế chăng ? Hay bởi những ám ảnh trong quá khứ đôi lúc lại trở về trong ông? Tất nhiên chúng ta đã có một thời như thế. Người trong nước ngại quan hệ với Việt kiều và Việt kiều cũng ngại quan hệ với người trong nước. Nhưng bây giờ mọi chuyện đã khác xưa quá nhiều rồi. Và phải khác xưa chứ không còn con đường nào khác.

Mấy năm trước Diễm Châu về nước. Đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Nhưng chúng tôi như đôi bạn cũ xa nhau lâu ngày giờ gặp lại. Không cách biệt. Không ý tứ. Không nghi ngại. Ông chỉ ở Hà Nội hai ngày rồi đi Hải Phòng. Đây là thành phố cố hương ông. Ông trở về đó đầy hồi hộp và hoang mang. Ông nói ông muốn trở về Hải Phòng để tìm lại ngôi nhà xưa của cha mẹ ông, nơi ông đã sinh ra, lớn lên và rời bỏ. Ông muốn được bước vào ngôi nhà ấy và ngồi xuống trên một chiếc ghế mây cũ trong một khoảng tối của ngôi nhà để được nghe chính bước chân thời thơ ấu của ông vọng về. Trở về để tìm lại nơi ông thường giấu bố mẹ một cuốn sách văn học bằng tiếng Pháp để đọc. Trở về để quay lại Paris tráng lệ và ngập tràn ánh sáng và nói với bất kỳ một người Pháp nào rằng: “Ông ( bà) chưa biết ngôi nhà của tôi ở Hải Phòng chứ gì? Hãy đến đó đi. Đến đi.” Ông cũng muốn về Hải Phòng để gặp mặt một người bạn thơ mà ông chưa từng gặp: nhà thơ Mai Văn Phấn. Nhưng chuyến đi ấy, chuyến trở về thành phố cố hương ấy vô tình lại là chuyến trở về cuối cùng khi ông còn sống trên thế gian này. Và ông đã không tìm lại được ngôi nhà đó. Nhà thơ Mai Văn Phấn cứ nhắc ông hãy cố nhớ chính xác lại xem có đúng ngôi nhà ông đang đứng trước cửa là nhà của ông không? Nhưng ông đã lắc đầu. Ông không tìm lại được ngôi nhà của mình. Ông nói ông đã quên mất rồi. Ông không thể tìm lại một dấu vết quen thuộc nào nữa. Ông đã nói dối. Đó chính là ngôi nhà của ông. Ông nhận ra ngay khi nhìn thấy ngôi nhà mặc dù ngôi nhà ấy đã thay đổi và những người chủ ngôi nhà nhìn ông vừa xa lạ vừa băn khoăn tự hỏi ông là ai và đến có việc gì. Một nỗi lo ngại và một nỗi tủi thân ùa vào lòng ông. Chính thế ông không bước vào ngôi nhà ấy. Ông vội rời bỏ ngôi nhà. Đêm ấy trở về khách sạn ông đã ngồi co ro như một cậu bé ở nhà trong đêm một mình mà cha mẹ đều đi vắng. Ông đã lặng lẽ khóc.

Nhà thơ Mai Văn Phấn đưa ông về nhà Phát Diệm. Đấy chính là nơi ông từng là một học sinh trường Dòng. Ông vô cùng ngạc nhiên khi thấy các giáo dân ở đó lấy xà phòng đánh cho sạch những bức tường rêu phong của nhà thờ. Phải chăng các giáo dân nghĩ rằng Chúa sẽ thích những Thánh đường trắng bong được cọ rửa bằng nước tẩy cao cấp quảng cáo trên tivi ngày ngày và thơm ngát mùi xà phòng ngoại? Điều Chúa mong là một tâm hồn được tẩy rửa chứ không phải những bức tường Thánh đường cũ kĩ. Chúng ta đã chạy theo chủ nghĩa hình thức quá lâu rồi. Lâu đến nỗi mà những con chiên của Chúa cũng bị chủ nghĩa hình thức biến thành những kẻ ngớ ngẩn.

Trong chuyến đi ấy, Diễm Châu vô cùng mừng rỡ khi gặp lại người bõ già. “Tôi là Rao, Rao đây.” Ông luống cuống nhắc cái tên cúng cơm của ông. Nhắc như sợ không ai còn nhớ cái tên ấy nữa. Nhắc như sợ chính ông quên mất cả cái tên giản dị và nôm na được sinh ra từ xứ sở này. Nhắc như nghĩ rằng nếu chỉ nhắc chậm một giây thì nguồn cội của ông bị xoá sạch khỏi ký ức ông và không bao giờ có khả năng hồi phục. Nhưng người bõ già không nhận ra ông. Người bõ già giương đôi mắt đục nhìn ông và lắc đầu. Chuyến đi ấy làm ông ít nói hơn và tôi nhận thấy sự buồn bã trong ánh mắt và giọng nói của ông. Những nơi chốn cất giữ những ngày tháng trong sáng và đẹp nhất của đời ông không còn nhận ra ông. Thời gian là như vậy. Nhưng cho đến giờ tôi vẫn cứ tự hỏi sao ông không bước vào ngôi nhà của tuổi thơ ông ở Hải Phòng ngày ấy và ngồi xuống một chiếc ghế nào đó để chờ đợi ký ức chạy về và gọi đúng cái tên cúng cơm của ông?

 

Mấy tháng trước ông viết email cho tôi thưa dần và ngừng hẳn. Tôi viết cho ông nhưng không thấy hồi âm. Tôi lo lắng. Nhưng rồi một hôm Bưu Điện thị xã Hà Đông (bây giờ đã là Thành phố Hà Đông) chuyển cho tôi một bức thư. Chiếc phong bì màu vàng nhạt với những nét chữ viết tay. Đó là thư của Diễm Châu. Ông nói ông không dùng internet nữa. Ông cũng không nói lý do vì sao. Nhưng tôi nghĩ sức khoẻ ông không cho phép ông ngồi suốt ngày đêm trước computer. Vì trước kia, cứ mỗi khi viết email cho ông là tôi nhận được thư trả lời của ông ngay lập tức dù lúc đó là đêm hay sáng. Khi nhận được thư tay của ông, tôi không thể nào ngờ đó là lá thư cuối cùng ông gửi cho tôi. Tôi vẫn cứ nghĩ đôi ba tuần nữa ông lại ngồi xuống trước computer và tiếp tục dịch các nhà thơ thế giới và viết: Nguyễn Quang Thiều thương mến. Nhưng tất cả đã dừng lại.

Sau khi nghe tin Diễm Châu mất mấy ngày, nhà thơ Mai Văn Phấn gửi đến cho tôi một bài thơ tiễn biệt Diễm Châu. Cả Mai Văn Phấn và tôi mới chỉ gặp Diễm Châu có một lần. Nhưng chúng tôi đã đọc những gì ông viết và những gì ông dịch từ lâu và sẽ còn rất lâu nữa. Chính những gì ông làm một cách trong sáng và đắm mê mấy chục năm nay đã làm cho chúng tôi tin ông và kính trọng ông. Và dưới đây là bài thơ của nhà thơ Mai Văn Phấn mà tôi muốn để vào trong bài viết này như một tiếng kèn trompet:

 
Giấc mơ vô tận
Kính viếng hương hồn anh Diễm Châu
 
Mưa thôi làm anh lạnh
đổ vào giấc mơ gần sáng
những con sóng đục ngầu
vỗ vào bãi sú lúc sinh anh
 
Bầu trời không mái che
ngôi sao soi tỏ cặp kính dày
đặt tạm lên bàn phím
buổi sáng, ngày 28 tháng 12, mưa rơi
 
Mưa lạnh thấu xương!
Đất lạnh thấu xương!
 
Lật trang sách anh còn để ngỏ
tiếng trẻ con khóc trong vòm cây
trong cánh chim vừa tự lấp đầy*
trong đám mây bay thấp...
 
Gió lùa về
làm khăn trắng cuốn quanh gốc sú
trên đỉnh trời linh cữu nhấp nhô
 
Hải Phòng, 4/1/2007
-------------------
* ý thơ Diễm Châu
 

Cũng trong một đêm gió lạnh thổi về thị xã Hà Đông tôi đã viết một bài thơ về Diễm Châu. Thị xã Hà Đông là nơi mà Diễm Châu hứa lần tới về Việt Nam, ông sẽ đến đó để uống cà phê với một số anh em văn nghệ sĩ trú ngụ tại thị xã này ở cái quán mà chúng tôi tự đặt tên: Cà phê Paris Phố cũ. Nơi mà nhiều nhà thơ Việt Nam sống ở trong nước và nước ngoài và một số nhà thơ ngoại quốc đã từng đến và vừa uống cà phê vừa bàn chuyện văn chương với chúng tôi. Sau khi chúng tôi in những gì Diễm Châu dịch và viết trên tờ Văn Nghệ, tôi viết thư đề nghị ông cho tôi một địa chỉ của người thân của ông trong nước để gửi nhuận bút. Nhưng ông đã viết thư cho tôi: Nguyễn Quang Thiều thương mến, hãy cho tôi được dùng chút nhuận bút nhỏ này để mời anh em văn nghệ sĩ ở Hà Đông uống cà phê. Như thế lòng tôi thật hạnh phúc. Tôi mong một ngày sẽ về Việt Nam để đến Hà Đông thăm các anh. Thương mến. Tôi đã thay mặt anh mời anh em văn nghệ sĩ bạn tôi ở Hà Đông uống cà phê. Tôi cũng mời anh em uống cà phê sau khi nghe tin anh mất và đọc bài thơ đó cho họ nghe :

 
Bài hát trước phần mộ Diễm Châu
 
Người không bao giờ lạc trong Paris sầm uất, nhưng đã đi nhầm
Trong một khu phố nhỏ ở Hà Nội
Dừng lại như một kẻ vừa thức dậy sau một cái chết ngắn không rõ lý do
Và đi tiếp với đôi môi chuyển động khó nhọc. Một cây cổ thụ nhận ra.
 
Ông già của những ký ức màu Cúc Quỳ. Cậu bé của những ý tưởng vô tận.
Lá thư cuối cùng phong bì màu vàng nhạt gửi đến một thị trấn hỏi thăm một con ruột nhút nhát.
Chạy băng qua khoảng đèn bị bỏ quên trong đêm xa xôi. Chợt dừng lại.
Vọng đến một tiếng rên. Đi bộ đến đoạn đường luôn nhầm lẫn.
 
Diễm Châu. Trong khoảng sáng mù những ngọn đèn đường cố hương. Diễm Châu.
Trong những dãy ghế một thánh đường cũ luôn bị đe doạ bởi gã đàn ông trà trộn trong đám con chiên. Diễm Châu.
Một thi sĩ. Diễm Châu. Diễm Châu. Âm tiết mãi mãi mới lạ.
Nở ra như một bông Bạch Đơn trong khu vườn cất giấu di sản những tiếng khóc thầm.
 
Chợt ngủ quên trong thế giới những câu thơ. Máu, nước mắt, những cơn ho, sự khó thở và những vẻ đẹp.
Diễm Châu, mãi là cặp từ không dễ dàng phát âm trong đầu lưỡi của những kẻ độc tài.
Và trong giấc ngủ vĩnh viễn ấy dựng lên một tấm bảng đen. Một thế gian.
Một bàn tay run rẩy chầm chậm viết cặp từ ấy và không bao giờ xoá.
 
Thị xã Hà Đông, đêm 2 tháng 1 năm 2007
 

Bây giờ Diễm Châu đang ở đâu trong vũ trụ vô bờ bến này? Tôi tự hỏi. Nhưng sau câu hỏi, tôi nhìn thấy ngay ông đang ngồi trên chiếc ghế mây cũ trong ngôi nhà ở Hải Phòng nơi ông đã sinh ra, lớn lên và rời bỏ. Rồi ông đứng dậy, đến một nơi ông đã từng cất giấu cuốn sách viết bằng tiếng Pháp.

Diễm Châu, một con người đã cả đời lặng lẽ dịch và viết những trang sách, một người sống mấy chục năm ở Paris diễm lệ, một người đã đi qua bao thành phố lộng lẫy của Châu Âu mà vẫn khắc khoải với ước mơ được thanh thản bước chân vào ngôi nhà cũ của mình ở Hải Phòng và ngồi xuống bình yên trong ngôi nhà ấy. Tất cả chỉ có thế. Không chỉ một mình Diễm Châu mơ ước thế mà nhiều người, mà cả tôi, những người đang sống trên chính xứ sở mình và có khi chỉ cách ngôi nhà mình sinh ra và lớn lên vài ki-lô-mét cũng vẫn mang giấc mơ được bước vào ngôi nhà của mình một cách thanh thản và ngồi xuống trong bình yên. Điều tôi vừa nói nghe ngờ nghệch như lời của một người già nua đã quên lãng nhiều điều nhưng nó lại làm chính lòng chúng ta nhiều lúc nhói đau. Bởi có những người chỉ khi chết và chỉ bằng cái chết mới về được nhà mình một cách thanh thản Và bây giờ, tôi cũng có thể kết thúc những dòng chữ viết về ông. Bởi tôi đã nhìn thấy ông bước được vào ngôi nhà cũ của mình mà trước đó không lâu ông đã phải tự nói dối chính bản thân là ông không còn nhớ được gì nữa.

 

Ông đã về tới nhà mình.

Amen.

 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021