thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Diễm Châu và nỗi thao thức như một nhà báo

 

Diễm Châu

[1937-2006]

 

Như nhiều người biết, Diễm Châu là một nhà thơ và là một dịch giả. Trong thơ của ông hay trong những tác phẩm được ông dịch, người đọc có thể thấy trĩu nặng những tâm tình, những bức xúc của một người muốn hiểu hết những kích thước thực sự của con người, của cuộc sống, của xã hội, của đất nước. Ông được biết đến như một nhà thơ hay một dịch giả, cũng chủ yếu là thơ, và vì ông liên miên tiếp cận với văn học nước ngoài cho nên người ta dễ có cảm tưởng ông là một con người “viễn mơ”, từ trong “tháp ngà” mà tưởng tượng cuộc sống xã hội để nhìn lại tâm tình của mình. Nhưng có lẽ chúng ta đã thiếu sót khi không nhìn đến ông như một nhà báo, vì trước hết và trên hết ông vẫn là một nhà báo như một sự lựa chọn về con người và nghiệp dĩ.

Những ai từng biết Diễm Châu đã sống chết như thế nào trong trách nhiệm của một người Tổng thư ký của tạp chí Trình bầy (1969-73) mới hiểu con người làm báo của ông. Phạm Văn Rao là một giáo sư Anh ngữ tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Saigon và đã từng tu nghiệp hai năm ở Đại Học Indiana về ngữ học và truyền thông. Trong những năm sáu mươi mà ông vào đời, sự lựa chọn dễ nhất của ông là lao vào nghề dạy học, dạy lu bù, từ đại học đến trung học, dạy công, dạy tư, mở cours particuliers, viết sách văn phạm, đàm thoại, thành ngữ thông dụng tiếng Anh. Đó là cách duy nhất để cho ông thoát khỏi “tháp ngà” lâu đời của ông, một căn nhà trệt mộc mạc, cũ kỹ, thấp lè tè nằm trong một con hẻm nhỏ hẹp, khiêm tốn, chỉ vừa đủ cho hai xe gắn máy qua lại ngược chiều, trong một xóm đạo của người bắc di cư năm 1954[1] trên đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, gần cổng xe lửa số 10. Từ Hải Phòng vào nam năm 1954,[1] có lẽ ông đã sống gần hết khoảng thời gian gần 30 năm ở Saigon trong căn nhà đó – cho đến năm 1960 vẫn được nhìn đến như thuộc vùng ngoại ô nghèo nàn của thủ đô miền Nam. Nhưng ông vẫn lẳng lặng hãm mình trong “tháp ngà” đó – hiểu được sự hy sinh của vợ con nhưng làm như không hiểu cái giá chị Sáng và các cháu phải trả.

 

 

Ông mang trong lòng những nỗi bất an của một người đã từng bỏ quê hương di cư vào Nam,[1] của một người Công giáo là một thiểu số trong xã hội, và của một trí thức là một người lạc loài trong lịch sử – tổng hợp lại là của một trí thức Bắc kỳ Công giáo di cư – trước quá nhiều dấu hiệu bất trắc của chế độ và xã hội miền Nam. Có giữ gì được hình ảnh của những ngày xưa thì quê hương cũng đã là xa quá, trong khi dường như ông chưa hội nhập được với miền Nam với những tình thế đang diễn biến hỗn loạn.

Ông cũng trưởng thành vào lúc thế giới đang vang lên tiếng rên siết đau nhức và gào thét phẫn nộ của Thế giới Thứ ba trước những vi phạm bạo ngược với con người ngày càng tinh vi, phi nhân nhưng giả nhân giả nghĩa của hai thế giới đang thống trị toàn cầu. Có lẽ những ngày tháng lạc lõng trên campus của Đại Học Indiana và làm quen với những tác phẩm và tác giả như Noam Chomsky, Franz Fannon, Jorge Amado, Peter Abrahams… đã góp phần định hình tư tưởng chính trị và xã hội của ông – mặc dù văn học vẫn là lĩnh vực ông mê man theo đuổi. Hoàn cảnh của thế giới và đất nước đã khiến ông trở thành một người radical ôn hòa. Ông vẫn thích cái luận điệu Ni Marx, Ni Jesus của Jean-Francois Revel. Một người sống mơ màng trong thế giới văn học và khắc khoải đối diện hàng ngày những câu hỏi của thời đại chỉ có một cách để giữ mình cho khỏi sự mê loạn: làm báo để chuyên chở những thông điệp của mình.

Ông vẫn có thói quen rời nhà từ mỗi buổi sáng sớm và trở về khi thành phố đã lên đèn, cho dù nhiều lúc ông không biết mình thực sự đi đâu. Có lúc ông phải đưa con đến trường, có lúc không. Nhưng bao giờ ông cũng chuyên chở trong đầu mà không dứt bỏ được những suy nghĩ dở dang, những công việc nửa chừng, những cái hẹn với bạn bè mà ông không thể thiếu trong ngày. Bạn bè của ông cũng phức tạp như xã hội thời đó. Phức tạp, cho dù phần lớn là người Công giáo. Một số là những “nhà hoạt động” và trí thức Công giáo “cấp tiến”, có người đã bị móc nối, có người không: Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Lý Chánh Trung, Phạm Khắc Dương, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lương, Trần Tuấn Nhậm, Thế Nguyên,… Có lẽ ông thừa biết ai là ai trong số đó vì ông làm việc với Thế Nguyên là người chủ trương tạp chí Trình bầy. Nhưng ông không tính họ trong số những người đồng chí, cộng tác với ông. Thậm chí ông xem một số trong đó là những người đã lạm dụng chế độ, hệ thống chính trị, xã hội của miền Nam. Làm tờ Trình bầy sau khi đi lính chín tuần ở Quang Trung trở về, ông nhìn đến những người gần gũi với ông hơn trong sắc màu tư tưởng, những người thực là bạn và không có agenda chính trị nào như Hoàng Ngọc Biên, Thuận Giao, Nguyễn Đăng Thường, Cao Thanh Tùng, Nguyễn Đồng, Nguyễn Khắc Ngữ, Nguyễn Quỳnh, và một số cây bút như Nguyên Sa, Du Tử Lê, Trần Đỗ Dũng… Có lẽ ông là một người không mấy dạn dĩ với phụ nữ: trên tờ Trình bầy hầu như không có người cộng tác nào thuôc phái yếu. Hai trường hợp ngoại lệ về chỗ này là nhà văn Trùng Dương với bản Việt ngữ Ngàn cánh hạc của Yasunari Kawabata và cô Phan Lệ Thanh với bản dịch Điệu buồn cho Charlie của James Baldwin.

Trình bầy rất khác một số tạp chí đấu tranh thời đó như Nhận Định, Đất Nước, Hành Trình, Đứng Dậy. Đó là những tờ đòi “cách mạng”. Trình bầy là một tờ radical ôn hòa – như con người của Diễm Châu. Là Tổng thư ký của một bán nguyệt san, Diễm Châu muốn bám lấy thời sự nhưng ông không có mấy người giúp một tờ báo “chạy ăn từng bữa”. Tuy thế, ông vẫn cố gắng thể hiện được dưới những mục ghi nhận, tường trình những biến chuyển chính trị, kinh tế có tác động sâu xa đến đất nước. Dưới bút hiệu Võ Hồng Ngự, Diễm Châu đã có những bài biên khảo ngắn về chính trị quốc tế, lịch sử giải thực của một số nước Á, Phi, châu Mỹ La-tinh, văn học, thi ca thế giới – những mảng mà người ít để ý nhất là mảng của “thế giới thứ ba”. Một số nhà thơ trẻ, cây viết trẻ đã góp mặt từ đó, như Lê Văn Ngăn, Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Mai, Thái Ngọc San, Nguyễn Như Mây, Võ Quê, Thế Vũ, Lê Văn Thiện… – một số cây viết trẻ từ miền Trung có lẽ do quan hệ thời Diễm Châu thỉnh giảng ở Đại Học Văn Khoa Huế. Đó là tờ báo không có màu sắc riêng về tôn giáo, địa phương. Đúng là một tạp chí “của bạn bè, do bạn bè và vì bạn bè”, tập hợp những người viết phần lớn là “không chuyên” nhưng trình độ được thể hiện rõ ràng.

Sở dĩ phải nói đến Diễm Châu như một nhà báo bên cạnh nhà thơ hay dịch giả, vì chỉ ở tờ báo, cái dáng vẻ đam mê và niềm tin ít ai có được của ông lộ rõ hơn cả. Mất ăn, mất ngủ, bỏ công bỏ sở (ông là giám đốc Trung Tâm Ngoại Ngữ của trường Đại Học Bách Khoa Saigon, văn phòng đặt tại Trung tâm Cao đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật và Đại Học Giáo Dục thuộc Viện Đại Học Saigon, ở Thủ Đức), và có lúc phải cầm chiếc xe Yamaha để trả tiền cho một hai người thợ sắp chữ của một nhà in nhỏ nhất và lạc hậu nhất nước. Ông đi thu lượm bài, sửa bài, có khi góp phần sắp chữ, sửa morasse có khi ngay trên giàn máy… sớm hôm chiều tối, chỉ về nhà khi đã đến giờ giới nghiêm. Bên cạnh tạp chí Trình bầy là nhà xuất bản Trình bầy. Cũng như hoạt động báo chí, nhà xuất bản này chỉ nghĩ đến sản phẩm mà không tính đến thị trường – ở Diễm Châu và những người bạn thân thiết của ông, người ta vẫn còn cái lãng mạn để chỉ chú trọng vào “di sản” văn hóa để lại, the legacy of Trinh bay, hơn là sự tồn tại lâu dài. Từ đó những tác phẩm rất có tính văn học cao như Trăng trên thung lũng Jerusalem của S.Y. Agnon, hoặc vừa văn học vừa thời đại như Một vòng hoa cho người cách mạngCon đường sấm dậy của Peter Abrahams, Miền đất hung bạo của Jorge Amado, Trong tù của Maxime Gorki, Nuôi thù của Oe Kenzaburo, Con voi của Slawomir Mrozek… đã được Diễm Châu chuyển ngữ, hoặc do Diễm Châu tổ chức dịch chung với hai ba người (như Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Thu Hồng) lấy tên chung là Nhóm Nghiên Cứu Văn Học Quốc Tế; nhiều tác phẩm cũng từ đó ra đời như Nhật Bản duy tân dưới đời Minh Trị Thiên Hoàng của Nguyễn Khắc Ngữ, Phi châu da đen của Phạm Cao Dương, Hồi chuông tắt lửa của Thế Nguyên, Hòn bi của Đinh Phụng Tiến, Người đàn bà trên Kinh Đồng Tháp của Thảo Trường…

Sau năm 1975, Diễm Châu không còn làm báo nữa mặc dù ông vẫn trôi giạt từ tờ báo này qua báo khác như Đứng Dậy, Công giáo và Dân tộc, Tin Sáng để làm công việc biên tập. Thuận Giao là người đã cùng ông tấp vào “đầy đủ” những bến tạm đó. Điều duy nhất mà ông đã làm trong những năm này là bảo những phóng viên trẻ: “Vừa phải thôi cha! Viết sao cho người ta tin với chứ!” Thêm một lần nữa ông mang nỗi buồn vong thân – nhưng lần này sâu đậm hơn cả. Sinh hoạt ông có vẻ vẫn thế – sáng sớm ra đi, chiều tối trở về. Nhưng bạn bè thưa dần, nơi đến ngày càng hiếm. Bên ngoài ông không mấy thay đổi – chỉ trừ chiếc xe đạp rệu rã chẳng khác gì bề ngoài đó. Nhưng những tâm sự gì chất chứa bên trong nào ai biết. Ông xuất cảnh đi Pháp cùng gia đình năm 1983 – do sự sắp xếp của vợ, chị “Sáng muôn thu”,[2] trước 1975 từng làm việc cho Hồng Thập Tự Quốc tế, và từng ở trong đoàn nhân viên đưa các cháu bé Việt Nam đi Thụy-sĩ chữa bệnh. Là một “ánh sao trên chiếc cầu biên giớí” (như nhận định của Hoàng Ngọc-Tuấn), ở Strasbourg ông đã làm nên Việt Nam, Tổ Quốc và Em, những vần thơ cho thấy một Diễm Châu nổi loạn một cách lặng lẽ trong tâm tình với một quê hương chỉ tồn tại trong trí tưởng.

 

 

Nay ông đã ra đi, bỏ lại đàng sau những nơì xa lạ tạm dung, từ nơi này đến nơi khác: một miền Bắc nghèo nàn khốn khổ từ đó ông ra đi, một miền Nam ông muốn chọn làm quê hương mới nhưng lại bị nguyền rủa, một chế độ mới mà ông không có thể cảm thấy thân thuộc, và một xã hội phương Tây không bao giờ thực sự là nhà của một người trong giấc mơ hàng đêm bao giờ cũng trở về quê cũ.

Cả 25 năm cuối đời, tương đương một phần tư thế kỷ, hay hơn một phần ba cuộc đời của Diễm Châu, hay cả một nửa quãng đời hoạt động của một con người, ông chỉ làm thơ và dịch. Con người của Diễm Châu như một nhà báo còn có chăng nữa cũng chỉ thấp thoáng, man mác trong những vần thơ có lúc phẫn nộ, có lúc bùi ngùi, có lúc phân vân, băn khoăn, trăn trở… Cuộc sống ngắn ngủi, mà định mệnh còn khốn nạn cắt xén cái phần đời con người có thể sống như con người mình ấp ủ, lựa chọn.

 
------------
Hình trên cùng: Ảnh Diễm Châu do Hoàng Ngọc Biên chụp trên đường Công Lý, trước Tòa án Saigon, tháng Giêng 1975. Chiếc đồng hồ trên tay Diễm Châu là của nhà thơ Ngô Kha ở Huế, khoảng cuối năm 1975 đầu 1976 đã bị giật mất trên một đường phố ở Dakao, Saigon.
Hình giữa: Poster báo Trình bầy số 1.8.1970 (do Hoàng Ngọc Biên vẽ kiểu).
Hình dưới cùng: Ảnh Diễm Châu do Hoàng Ngọc Lương chụp trước Cathedrale Notre Dame, Strasbourg, 1998.
 

_________________________

[1]Diễm Châu thỉnh thoảng có nhắc đến việc anh rời bỏ miền Bắc năm 1953, thay vì năm 1954, do gợi ý của một người thân trong gia đình, là một linh mục, muốn thu xếp cho anh vào học một trường Tây trong Nam. Vẫn theo anh, thì dự định ấy bất thành.

[2]Sáng muôn thu là tên tập thơ xuất bản đầu tay của Diễm Châu.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021