thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những ngày nghỉ buồn bã của bà De Breyves

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

MARCEL PROUST

(1871-1922)

(Chân dung Marcel Proust,
tranh mực tàu Nguyễn Quỳnh,
Saigon, 18 juin 1967)

 

___________

 

NHỮNG NGÀY NGHỈ BUỒN BÃ CỦA BÀ DE BREYVES

 

“Ariane, em của chị, mối tình nào làm em đau đớn,
Mà em nằm chết trên bờ đảo nơi người ta bỏ rơi em lại?” [1]

 

I

 

Buổi tối hôm đó, Françoise de Breyves do dự rất lâu vì không biết được nên đến dự dạ hội ở nhà công chúa Elisabeth d’A..., đến Đại hí viện, hay đi xem kịch đoàn Livray.

Tại nhà những người bạn mà bà vừa dự bữa tiệc, người ta đã ra khỏi bàn từ hơn một giờ rồi. Như vậy là bà phải quyết định.

Cô Geneviève bạn của bà, thường lệ vẫn trở về nhà với bà, thì thích đến dự dạ hội ở nhà Bà d’A..., trong khi chẳng hiểu vì sao Bà de Breyves lại thích đến một trong hai chỗ kia, hay còn một chỗ thứ ba nữa, là trở về nhà ngủ. Người ta báo cho biết xe của bà đã đến. Bà vẫn chưa quyết định được.

– Quả thật chị chẳng dễ thương với em tí nào cả, Geneviève nói, bởi vì em biết là Rezké[2] sẽ hát và em thích nghe lắm mà. Chị cứ làm như đến dự dạ hội ở nhà Elisabeth là sẽ có nhiều hậu quả trầm trọng cho chị vậy. Trước hết, em cho chị biết là năm nay chị chưa hề dự một dạ hội nào ở nhà bà ta, và chị quen biết với bà ta như vậy mà lần này không đến dự thì thật chẳng tử tế tí nào cả.

Từ khi chồng chết, người chồng đã để bà lại trong cảnh goá bụa năm hai mươi tuổi – cách đây đã bốn năm – Françoise gần như không hề làm gì mà không có Geneviève và thích làm vui lòng cô này. Vậy nên bà không cưỡng lại lời yêu cầu của cô ta lâu hơn nữa, và, sau khi từ giã các gia chủ và quan khách, những người đang còn tiếc rẻ vì không thưởng thức được lâu một trong những người đàn bà được ưa chuộng nhất ở Paris, bà bảo với tên hầu:

– Đến nhà công chúa d’A...

 

II

 

Buổi dạ hội ở nhà công chúa thật là chán. Có một lần Bà de Breyves hỏi Geneviève:

– Vậy chứ cái anh chàng dẫn chị đến chỗ bàn ăn là ai vậy?

– Đó là Ông de Laléande mà thật ra em cũng chẳng quen tí nào nữa. Chị có muốn em giới thiệu với ông ta không? Ông ta có yêu cầu em giới thiệu với chị đấy, em trả lời mơ hồ, bởi vì ông ta cũng chẳng ra gì và vô duyên lắm, nhưng ông ta thấy chị rất đẹp, chắc ông chẳng buông tha chị đâu.

– Ồ! Không đâu, Françoise bảo, ông ấy cũng hơi xấu trai đấy, và trông tầm thường, dù cặp mắt khá đẹp.

– Chị nói đúng rồi, Geneviève bảo. Và hơn nữa chị sẽ còn gặp ông ta thường, nếu quen biết ông ta có thể chị sẽ thấy bực mình đấy.

Cô nói đùa thêm:

– Bây giờ nếu chị muốn làm thân với ông ta, thì chị đang lỡ mất một dịp tốt đấy.

– Vâng, một dịp tốt, Françoìse nói, và liền sau đó bà đã nghĩ qua chuyện khác rồi.

– Dù sao chăng nữa, Geneviève bảo, chắc hẳn cô ta thấy ăn năn vì đã làm một người môi giới rất là không trung thành và vì vô cớ cô đã làm mất đi một thú vui của chàng thanh niên, dù sao chăng nữa, đây là một trong những buổi dạ hội cuối cùng trong mùa, chắc cũng chẳng có gì đáng ngại lắm, và có lẽ như vậy lại lịch sự hơn đấy.

– Nếu ông ấy trở lại đây, thôi thì cũng được.

Ông ta không trở lại. Ông ta đang đứng ở đầu bên kia phòng khách, trước mặt hai người.

– Chúng ta phải về thôi, Geneviève nói một lát sau đó.

– Đợi một chốc nữa đã, Françoise trả lời.

Và bởi bốc đồng, nhất là muốn làm điệu với chàng thanh niên kia, chàng thanh niên chắc hẳn quả tình đã có cho rằng bà đẹp, bà nhìn ông hơi lâu một tí, rồi quay mắt ra chỗ khác và lại nhìn thẳng vào ông ta nữa. Trong khi nhìn ông ta như vậy, bà cố làm ra vẻ trìu mến, bà không hiểu để làm gì, vì thấy thú, cái thú của lòng từ thiện và một ít thú kiêu hãnh, và cũng là cái thú được làm một việc không ích lợi gì, thú của những người viết tên lên cây cho một kẻ qua đường mà họ sẽ không bao giờ gặp, của những người ném chai xuống biển. Thời giờ trôi qua, khuya đến nơi rồi: Ông de Laléande đi về phía cánh cửa lớn, cánh cửa vẫn để ngỏ sau khi ông đã ra khỏi, và Bà de Breyves trông thấy ông ở cuối phòng trước đang đưa tấm số cho người giữ áo.

– Chị có lý đấy, đến giờ phải về rồi, bà nói với Geneviève.

Hai người đứng dậy. Nhưng tình cờ có người bạn trai cần nói mấy lời với Geneviève nên Françoise đứng lại một mình ở phòng giữ áo. Vào lúc này ở đấy chỉ có Ông de Laléande đang mải tìm chiếc can mà không tìm ra được. Françoise lại tinh nghịch nhìn ông ta một lần cuối cùng nữa. Ông ta đi qua bên bà đưa khuỷu tay mình chạm nhẹ vào khuỷu tay của Françoise, và khi ông đứng sát vào người bà, đôi mắt sáng ngời, ông nói mà điệu bộ như vẫn mải tìm kiếm:

– Mời bà đến nhà tôi, số 5 đường Royale.

Câu nói đối với bà thật bất ngờ và bây giờ Ông de Laléande vẫn tiếp tục tìm kiếm chiếc can của ông thật chăm chú, đến nỗi sau đó bà không làm sao biết được đó có phải là một ảo tưởng hay không. Có điều là bà rất lấy làm sợ, và kịp lúc ông hoàng d’A... đi qua, bà gọi ông lại, bà muốn hẹn ông ngày hôm sau sẽ cùng đi dạo chơi, và bà nói huyên thuyên. Trong khi bà nói chuyện thì Ông de Laléande đã bỏ đi. Một lát sau Geneviève đến và hai người bạn gái ra về. Bà de Breyves không kể lại gì cả và cảm thấy rất phật lòng mà lại vừa thú vị, xét cho cùng thì rất dửng dưng. Hai ngày sau, khi tình cờ lại nghĩ đến câu chuyện đó, bà bắt đầu nghi ngờ không rõ những lời nói của Ông de Laléande là có thật hay không. Cố nhớ lại, bà vẫn không nhớ được hết, tưởng như đã nghe những lời đó trong một giấc mơ và tự nhủ động tác hai khuỷu tay chạm vào nhau chỉ là một sự vụng về ngẫu nhiên. Sau đó tự nhiên thì bà không còn nghĩ đến Ông de Laléande nữa, và khi tình cờ bà nghe người ta nhắc đến tên ông, bà nhớ rất mau đến khuôn mặt ông và đã hoàn toàn quên câu chuyện gần như ảo tưởng ở trong phòng giữ áo.

Bà gặp lại ông ta ở buổi dạ hội cuối cùng trong năm đó (tháng Sáu sắp hết), bà không dám nhờ người khác giới thiệu với ông, tuy nhiên, dù bà thấy ông gần như là xấu trai, dù bà biết ông không thông minh, bà vẫn thấy thích được quen với ông. Bà tiến lại gần Geneviève và nói với cô này:

– Thôi thì chị cứ giới thiệu Ông de Laléande với tôi đi. Tôi không thích vô lễ như thế này. Nhưng chị đừng nói là chính tôi bảo chị giới thiệu đấy. Làm vậy thì bó buộc tôi quá.

– Để lát nữa gặp ông ấy đã, hiện giờ ông ấy không có đây.

– Thế thì chị đi tìm ông ta vậy.

– Có lẽ ông ấy về rồi cũng nên.

– Không đâu, Françoise nói rất mau, ông ta không thể nào về rồi, còn sớm quá mà! Ồ! đã nửa đêm rồi đấy! Kìa, cô bé Geneviève, đi tìm ông ta đâu có khó gì. Tối hôm nọ, chính chị muốn mà. Tôi xin chị đấy, tôi thích như vậy mà.

Geneviève hơi ngạc nhiên nhìn bà và bỏ đi tìm Ông de Laléande; ông này đã ra về rồi.

– Chị thấy không, em nói đúng mà, Geneviève nói khi trở lại bên cạnh Françoise.

– Ở đây tôi khó chịu quá, Françoise bảo, tôi nhức đầu rồi, thôi xin chị, chúng ta đi về ngay thôi.

 

III

 

Từ đó, Françoise không còn để lỡ mất một dịp nào để đến Hí viện, với một hi vọng mơ hồ bà nhận lời đến dự những bữa ăn tối mà người ta còn mời bà. Mười lăm ngày trôi qua, bà không gặp lại Ông de Laléande và thường thường bà thức giấc giữa đêm và nghĩ cách gặp lại ông ta. Trong lúc bà mãi tự nhủ rằng ông ta vô duyên và không đẹp, bà lại bận tâm về ông hơn tất cả những người đàn ông thông minh nhất và duyên dáng nhất. Mùa hội hè chấm dứt, sẽ không còn dịp để bà gặp lại ông ta nữa, bà quyết định tạo ra dịp đó và bà tìm cách.

Một tối nọ, bà bảo Geneviève:

– Có phải chị có bảo với tôi là chị quen một ông tên là de Laléande không?

– Jacques de Laléande ấy à? Có và không, người ta có giới thiệu ông ấy với em, nhưng ông ấy chưa bao giờ cho em danh thiếp, em chẳng có giao thiệp tí nào với ông ta cả.

- Nghĩa là như thế này đây, vì những chuyện không dính dáng gì đến tôi và chắc hẳn người ta cũng không cho phép tôi cho chị biết trước một tháng (từ đây đến đó bà sẽ có thể bịa ra một câu chuyện nói dối để khỏi bị lộ, và nghĩ đến một chuyện bí mật chỉ có bà và ông ta biết đối với bà thật là êm dịu), tôi đang hơi cần, mà cũng có thể nói là rất cần làm quen với ông ta và gặp mặt ông ta. Tôi van chị, chị rán tìm cách hộ tôi vì mùa hội hè đã hết, sẽ không còn gì nữa và tôi không làm sao nhờ người ta giới thiệu ông ấy với tôi được nữa.

Những sự qua lại mật thiết trong tình bạn, vốn vô cùng tinh tế khi thành thật, đã tránh cho Geneviève cũng như Françoise những sự tò mò thường vẫn là cái thú vui ti tiện của phần đông những người giao thiệp rộng. Bởi thế Geneviève đã hết lòng tìm kiếm, mà không hề dự định hay muốn, hay cũng không nghĩ đến việc dò hỏi người bạn mình, cô chỉ thấy giận vì không tìm ra được.

– Khổ quá, Bà d’A... đã đi nghỉ hè rồi. Bây giờ còn có Ông de Grumello đấy, nhưng dù sao đi nữa, cũng chẳng đi tới đâu, nói gì với ông ta bây giờ chứ? Ồ! em có ý kiến này. Ông de Laléande chơi hồ cầm tuy khá tệ, nhưng cũng chẳng sao. Ông de Grumello lại phục ông ta, ông này ngốc lắm và ông sẽ rất vui lòng làm đẹp ý chị. Có điều là từ trước đến nay chị vẫn lánh xa ông ta và chị vốn không thích bỏ hẳn những người nào đã có phục vụ cho chị, chẳng lẽ chị muốn năm tới sẽ bị bắt buộc mời ông ta nữa sao.

Nhưng Françoise đã đột nhiên hớn hở, la lên:

– Nhưng đối với tôi có sao đâu, tôi sẽ mời tất cả những kẻ giang hồ tứ chiếng ở Paris nếu cần mà. Ồ! Chị lo liền đi, cô bé Geneviève, chị dễ thương quá!

Và Geneviève viết:

 
Thưa Ông, như ông biết tôi vẫn tìm mọi dịp để làm vui lòng bà bạn của tôi, Bà de Breyves, mà chắc chắn ông đã có gặp rồi. Những lúc chúng tôi bàn về hồ cầm, bà bạn tôi đã nhiều lần cho biết là bà rất tiếc chưa bao giờ được nghe Ông de Laléande là người bạn rất thân của ông. Ông có thể vui lòng mời ông ấy đàn cho bà bạn tôi và tôi nghe chăng? Hiện giờ ai cũng rỗi rảnh, việc này chắc sẽ không làm phiền ông lắm và lại là điều đẹp đẽ nhất đấy. Xin ông nhận nơi đây những tình cảm nồng hậu của tôi.
 
ALÉRIOUVRE BUIVRES
 

– Con hãy đem thư này lại ngay nhà Ông de Grumello, Françoise bảo một tên gia nhân, khỏi phải đợi trả lời, nhưng hãy coi chừng họ trao cho tới tay ông.

Ngày hôm sau, Geneviève cho người trao lại Bà de Breyves thư trả lời sau đây của Ông de Grumello:

 
Thưa Bà,
 
Tôi vui mừng còn hơn là bà nghĩ được làm vừa ý bà và vừa ý Bà de Breyves, mà tôi cũng có biết sơ qua và có một mối thiện cảm cung kính nhất và nhiệt thành nhất. Bởi vậy tôi lấy làm thất vọng vì một sự tình cờ rủi ro khiến Ông de Laléande đã đi Biarritz cách đây đúng hai ngày, và cũng rủi thay! ông ta sẽ ở lại đó nhiều tháng nữa.
 
Xin Bà nhận nơi đây... v.v.
 
GRUMELLO
 

Françoise mặt tái nhợt chạy bổ về phía cửa để khoá trái lại, bà chỉ kịp làm có vậy thôi. Những tiếng nấc đã oà ra trên môi bà, những giọt nước mắt chảy xuống. Từ trước đến nay, cứ mải lo tưởng tượng những chuyện ảo tưởng tiểu thuyết để gặp và quen ông ta, cứ mải đinh ninh sẽ thực hiện được những ảo tưởng kia khi nào bà muốn, bà đã sống bằng lòng ước muốn và mối hi vọng đó mà có lẽ bà không hay biết. Nhưng do trăm ngàn cội rễ không trông thấy được đã đâm sâu vào tất cả những phút giây hạnh phúc hay sầu khổ của bà, cho lưu thông một chất nhựa mới mà bà không biết từ đâu chảy tới, lòng ước muốn đó đã du nhập vào người bà. Giờ đây người ta lại nhổ nó lên để gạt hẳn nó ra ngoài khả năng của sự việc. Bà cảm thấy cõi lòng tan nát, trong một niềm đau ghê gớm của cả con người bà đột nhiên bị chơi vơi lơ lửng, và qua những dối trá bất chợt sáng tỏ dần của niềm hi vọng, trong nỗi buồn chán cùng cực, bà bỗng thấy sự thật của mối tình bà.

 

IV

 

Càng ngày Françoise càng lẩn tránh những cuộc vui. Đối với những niềm vui sâu đậm nhất, ngay đối với những niềm vui mà trong tình thân mật bà thường được hưởng với mẹ hoặc với Geneviève, trong những giờ nghe nhạc, đọc sách hay dạo chơi, bà chỉ để vào đó một tấm lòng đã bị nỗi buồn chán ghen hờn xâm chiếm và tấm lòng đó không rời bà được một lúc. Nỗi khổ của bà vô hạn, gây ra vừa bởi bà không đi Biarritz được, vừa bởi lòng bà đã nhất quyết không đến đó, dù bà có đi được chăng nữa, để rồi vì một vận động ngu xuẩn sẽ làm tổn thương đến cái uy tín mà bà có thể có được đối với Ông de Laléande. Là nạn nhân đáng thương bị hành hạ mà không biết tại sao, bà hoảng sợ khi nghĩ rằng nỗi khổ đó có lẽ còn kéo dài như vậy nhiều tháng nữa trước khi tìm ra được phương thuốc, không để bà ngủ yên, không để bà được tự do mơ mộng. Bà cũng lo lắng sợ có thể một ngày rất gần, ông ta lại ghé qua Paris mà bà không hay được. Và nỗi lo sợ một lần thứ hai lại bỏ mất đi cái hạnh phúc vốn ở ngay cạnh bà làm bà bạo dạn ra, bà sai một tên gia nhân đến dò tin nơi người gác dan nhà Ông de Laléande. Người gác dan này chẳng biết gì hết. Thế rồi, khi bà hiểu được rằng không còn cánh buồm[3] hi vọng nào hiện ra trên mặt biển sầu khổ đang lan ra vô tận, phía sau chân trời dường như không còn gì nữa và dường như thế giới đi đến chỗ tận cùng, bà cảm thấy bà sắp làm những chuyện điên cuồng, bà không biết chuyện gì, có lẽ là viết thư cho ông ta, và khi đã biến thành vị thầy thuốc cho chính mình, để trấn tĩnh đôi chút, bà tự cho phép tìm cách cho ông ta biết là bà đã có muốn gặp ông và bà viết cho Ông de Grumello như sau:

 
Thưa Ông,
 
Bà de Buivres có cho tôi biết nhã ý của ông. Tôi rất cám ơn ông và cảm động vô cùng! Nhưng có một điều làm tôi lo ngại. Chẳng hay Ông de Laléande có cho rằng tôi không dè dặt kín đáo chăng! Nếu ông không biết điều đó, xin ông vui lòng hỏi ông ấy và khi nào biết được xin ông trả lời cho tôi, hết cả sự thật. Tôi rất tò mò muốn biết chuyện đó và nếu giúp được ông sẽ làm tôi vui lòng lắm. Xin cám ơn ông một lần nữa.
 
Xin ông tin nơi những cảm tình nồng hậu của tôi,
 
VORAGYNES BREYVES
 

Một giờ sau một tên gia nhân đem lại cho bà bức thư này:

 
Thưa Bà, xin bà đừng lo ngại gì cả. Ông de Laléande không biết là bà muốn nghe ông ấy đánh đàn đâu. Tôi có hỏi ông ấy ngày nào ông có thể đàn ở nhà tôi nhưng không nói là đàn cho ai nghe cả. Từ Biarritz ông ấy cho tôi biết là ông sẽ không trở về trước tháng Giêng. Xin bà cũng đừng cám ơn tôi nữa. Niềm vui lớn nhất của tôi là được làm bà vui lòng đôi chút, v.v...
 
GRUMELLO

 

Không còn mong gì nữa. Bà không làm gì được nữa cả, càng ngày càng buồn thêm, hối hận vì thấy tự mình làm cho mình buồn như vậy, mà còn làm cho mẹ bà buồn nữa. Bà về chơi mấy ngày ở đồng quê, rồi lại đi Trouville. Ở đây bà nghe người ta nói đến những tham vọng trong việc giao du của Ông de Laléande, và khi một ông hoàng cố tìm cách nói với bà: “Tôi có thể làm gì để bà được vui lòng?” bà gần như vui lên khi tưởng tượng ông này sẽ ngạc nhiên biết bao nếu bà trả lời một cách thành thật, và bà tập trung hết cả sự cay đắng ngào ngạt để thưởng thức trọn vẹn, sự cay đắng ở trong cái tương phản mỉa mai giữa tất cả những chuyện lớn lao khó khăn mà người ta vẫn làm để bà được vui lòng và cái việc nhỏ nhặt rất dễ dàng mà lại không thế nào làm được có thể đem lại cho bà sự yên tĩnh, sức khoẻ, hạnh phúc và cũng là hạnh phúc cho những người thân thuộc của bà. Bà chỉ thấy vui được đôi chút giữa đám gia nhân của bà, vốn mến chuộng bà vô hạn và phục vụ cho bà mà không dám nói năng gì, vì thấy bà buồn bã. Sự im lặng cung kính và âu sầu của họ lại nói lên được với bà về Ông de Laléande. Bà lắng nghe một cách sung sướng và bắt họ dọn bữa ăn trưa rất thong thả để làm chậm lại cái lúc bà phải tiếp bạn bè đến chơi, nghĩa là lúc mà bà phải gượng gạo. Bà muốn giữ lâu trong miệng cái vị đắng và dịu của nỗi buồn chung quanh bà do ông ta gây ra. Có lẽ bà thích nhiều người khác cũng bị ông ta chi phối, và khi bà thấy dễ chịu với cảm giác những gì chiếm cả lòng bà cũng lan ra một ít chung quanh bà, bà muốn có riêng của bà những con vật cương nghị có thể chết lần mòn vì nỗi khổ của bà. Nhiều lúc thất vọng, bà muốn viết thư cho ông ta, hay nhờ người khác viết cho ông, bà muốn đem chôn vùi cả danh giá mình, “không còn gì đáng kể nữa”. Nhưng cũng vì mối tình của bà, tốt hơn là nên giữ địa vị của bà trong xã hội, địa vị đó một ngày kia có thể sẽ làm bà có nhiều uy quyền hơn đối với ông ta, nếu ngày đó sẽ đến. Và nếu một mối thân tình ngắn ngủi với ông ta làm tiêu tan cái vẻ đẹp mà ông ta đã gieo nơi bà (bà không muốn, không thể tưởng được chuyện đó, dù chỉ tưởng tượng trong một lúc thôi, nhưng lý trí của bà sáng suốt hơn lại thoáng thấy cái phần số ác độc đó qua những mù quáng của lòng bà) sau đó bà sẽ sống trên đời không một nơi nương tựa. Và nếu có một mối tình nào khác chớm nở, bà sẽ không còn có những phương sách mà ít ra hiện nay bà vẫn có được trong tay, bà sẽ không còn có được cái mãnh lực có thể làm sự thân mật giữa bà và Ông de Laléande được dễ dàng khi cả hai người trở về Paris. Cố tìm cách tách rời khỏi mình những tình cảm của chính mình và nhìn chúng như một đối tượng để xem xét, bà tự nhủ: “Ta biết chàng tầm thường và ta vẫn luôn luôn thấy chàng như vậy. Đó chính là sự xét đoán của ta về chàng, sự xét đoán đó không thay đổi. Niềm xao xuyến từ dạo ấy đã có lướt qua nhưng đã không thể làm biến đổi sự xét đoán kia. Chàng ta thật là không đáng kể, thế mà ta lại sống cho cái không đáng kể đó. Ta sống cho Jacques de Laléande!” Nhưng liền sau đó, khi đã đọc tên của ông ta lên, lần này bởi một sự liên tưởng vô thức và không phân tích, bà thấy lኡi ông ta và bà cảm thấy dễ chịu nhiều và đau đớn nhiều, đến nỗi bà hiểu rằng cái không đáng kể nơi chàng có quan trọng được chút ít, vì nó cho bà những cảm giác đau đớn và vui mừng mà bên cạnh những cảm giác đó những cảm giác khác đều chẳng là gì cả. Và mặc dù bà nghĩ rằng càng biết ông ta rõ hơn thì tất cả những điều đó sẽ tan biến mất, và vẫn khoác cho cái ảo tưởng đó tất cả thực tại của nỗi đau đớn và sự khoái lạc của bà. Một câu trong bài Maîtres chanteurs mà bà đã nghe trong buổi dạ hội ở nhà công chúa d’A... có thể gợi cho bà nghĩ đến Ông de Laléande một cách thật rõ ràng (Dem Vogel der heut sang dem war der Schnabel hold gewachsen).[4] Vô tình bà đã biến câu nhạc đó thành cái leitmotiv [5] thật sự của Ông de Laléande, và, một ngày nọ khi nghe câu đó trong một buổi hòa nhạc ở Trouville, bà oà khóc. Thỉnh thoảng, nhưng cũng không thường quá để khỏi chán nản, bà tự giam mình trong phòng, bà cho đem đàn dương cầm vào đó và ngồi nhắm mắt đàn để có thể thấy ông ta được rõ hơn, đó là nguồn vui say mê độc nhất của bà lúc nào cũng kết thúc làm bà vỡ mộng, thật là thứ nha phiến mà bà không thể nào nhịn được. Thỉnh thoảng ngừng lại để lắng nghe nỗi khổ tuôn chảy như người ta cúi mình để nghe tiếng than êm dịu dai dẳng của một dòng suối và nghĩ đến sự luân chuyển ác độc giữa sự hổ thẹn sắp đến mà tiếp theo là nỗi thất vọng của những người thân thuộc bà và (nếu bà không lùi bước) nỗi buồn muôn thuở của bà, tự rủa thầm vì trong mối tình của bà, bà đã định phân lượng thú vui và nỗi khổ một cách khôn ngoan đến nỗi bà đã không còn có thể thoạt ban đầu vứt bỏ nó đi như một liều thuốc độc khó ai có thể chịu đựng, mà sau đó cũng không thể chữa cho lành được. Trước hết bà nguyền rủa đôi mắt bà và có lẽ trước đó nữa là óc thích làm dáng và tính tò mò đáng ghét của bà đã làm đôi mắt bà rực lên như bông hoa để quyến rũ chàng thanh niên kia, rồi sau đó lại đem bà đến trước cặp mắt nhìn của Ông de Laléande, những cái nhìn chắc chắn như những nét gạch và không còn gì êm dịu bằng, còn hơn là những mũi chích nha phiến tinh. Bà cũng nguyền rủa óc tưởng tượng của bà; óc tưởng tượng đó đã nuôi nấng tình yêu bà một cách dịu dàng âu yếm đến nỗi đôi khi Françoise tự hỏi phải chăng cũng chỉ có óc tưởng tượng của bà đã đẻ ra mối tình đó, mối tình bây giờ đã chế phục mẹ bà và làm khổ bà. Bà cũng nguyền rủa sự tinh tế của bà đã sắp đặt quá khéo léo quá chu tất và cũng quá vụng về bao nhiêu chuyện ảo tưởng tiểu thuyết để gặp lại ông ta, đến nỗi sự bất lực não nề không thực hiện được những chuyện đó có lẽ đã càng làm bà quyến luyến hơn với nhân vật trong chuyện – nguyền rủa lòng tốt và sự tế nhị của con tim bà, con tim sẽ đem ân hận và nhục nhã làm vấy bẩn niềm vui của những mối tình tội lỗi nếu bà tự hiến mình – nguyền rủa lòng cương nghị quá mãnh liệt, quá dữ dội, quá bạo dạn của bà để vượt khỏi những trở ngại khi ước muốn dẫn bà đến những chuyện không thực hiện được, lòng cương nghị quá yếu đuối, quá nhu nhược, quá rã rời, không những chỉ khi cần phải làm ngược lại những ước muốn đó, mà ngay chính khi có một thứ tình cảm nào khác dẫn dắt bà. Sau hết bà nguyền rủa tư tưởng của bà, những tư tưởng thần thánh nhất, nguyền rủa cái năng khiếu tối thượng mà bà đã nhận được và bà đã cho nó tất cả những tên gọi mà chẳng tìm ra được cho nó cái tên gọi đích thực của nó – trực giác của người thi sĩ, hôn mê của kẻ tín đồ, tình cảm sâu đậm hướng về thiên nhiên và âm nhạc –, cái năng khiếu đã đem đặt trước mối tình bà những chóp đỉnh, những chân trời vô hạn, rồi lại để chúng đắm mình trong luồng ánh sáng siêu nhiên của vẻ đẹp năng khiếu đó và ngược lại đã cho mối tình bà vay mượn một ít vẻ đẹp kia, cái năng khiếu đã gợi được ý thích của mối tình bà, kết chặt với nó và đem nhập chung trọn cả cuộc sống nội tâm cao cả nhất và thầm kín nhất, đã hiến dâng cho nó cũng như kho tàng của một ngôi giáo đường đem dâng hiến cho Đức Mẹ, tất cả những châu báu quí giá nhất của tim bà và tư tưởng bà, của con tim mà bà lắng nghe thổn thức vào những buổi tối hay trên mặt biển, nỗi buồn trên biển và nỗi buồn bà cảm thấy khi không được gặp ông ta bây giờ đều đã như nhau: bà nguyền rủa cái ý niệm về sự mầu nhiệm khó giải thích kia của những sự vật ở đó trí óc ta chìm đắm trong một sự chói loà đẹp đẽ, như mặt trời lặn dưới biển, bà nguyền rủa cái ý niệm đó vì nó đã đào sâu mối tình bà, đã vô hình hóa mối tình đó, đã mở rộng nó, đưa nó đi đến chỗ cùng cực mà không làm cho nó bớt hành hạ bà, “bởi vì (như Baudelaire đã có nói, khi ông tả cuối những buổi chiều mùa thu) có những cảm xúc mà sự mơ hồ không loại ra được sức mạnh và không có mũi nhọn nào sắc bén hơn mũi nhọn của hư vô”.[6]

 

V

 

và héo mòn từ buổi rạng đông, trên những loài rong rêu ven
bờ, vẫn giữ tự đáy lòng, như một mũi tên đâm vào gan,
một vết thương đau đớn của nữ thần Kypris [7] vĩ đại.
 
THÉOCRITE: Le Cyclope[8]

 

Chính ở Trouville tôi vừa gặp lại Bà de Breyves, con người trước kia tôi được biết vẫn hạnh phúc hơn. Không gì có thể chữa lành cho bà được. Nếu bà yêu Ông de Laléande vì vẻ đẹp của ông hay vì óc thông minh của ông, thì để giải buồn cho bà người ta có thể tìm một thanh niên thông minh và đẹp hơn. Nếu lòng tốt của ông hay tình yêu của ông đã làm bà quyến luyến ông, thì một người khác cũng có thể thử cố yêu bà một cách trung thành hơn. Nhưng Ông de Laléande không đẹp và cũng không thông minh. Ông lại không hề có dịp chứng tỏ cho bà biết là ông dịu dàng hay cứng rắn, chóng quên hay trung thành. Vậy thì chính bà yêu con người ông ta chứ không phải yêu những ưu điểm hoặc những vẻ đẹp mà người ta có thể tìm thấy ở một mức cao đến như vậy nơi người khác; chính bà yêu con người ông bất chấp những khuyết điểm của ông, bất chấp sự tầm thường của ông; nghĩa là dù có sao chăng nữa định mệnh cũng đã bắt bà phải yêu ông ta. Còn ông, bà có biết ông là gì không? Có chăng là ông đã gợi cho bà những cơn đau buốt hoặc những phút sung sướng dạt dào đến nỗi tất cả những gì còn lại, của đời bà và của sự vật quanh bà đều không còn đáng kể nữa. Gương mặt đẹp đẽ nhất, óc thông minh độc đáo nhất cũng không thể có được cái bản chất đặc biệt và huyền bí đó, cái bản chất thật là độc nhất, mà không bao giờ có một người nào có thể có được một mẫu đúng y như vậy trong thế giới vô cùng và trong thời gian vô tận. Nếu như không có Geneviève de Buivres, là người đã dẫn bà đến nhà Bà d’A... một cách vô tư thì tất cả mọi chuyện đó đã không xảy ra được. Nhưng những cảnh ngộ lại nối tiếp nhau và giam hãm bà, là nạn nhân của một nỗi khổ không phương thuốc nào chữa được, bởi vì nỗi khổ đó chẳng có nguyên do. Tất nhiên, Ông de Laléande, lúc này chắc hẳn đang kéo lê trên bờ biển Biarritz một cuộc sống tầm thường và những giấc mơ nghèo nàn, ông ta sẽ rất ngạc nhiên nếu ông biết được sự hiện hữu khác mạnh mẽ một cách mầu nhiệm đến độ bắt tất cả phụ thuộc vào nó, đến độ huỷ diệt tất cả những gì không phải là nó, sự hiện hữu mà ông đang có được trong tâm hồn Bà de Breyves, nó cũng liên tục như sự hiện hữu của chính bản thân ông, cũng chứng tỏ được bằng những hành động, chỉ khác biệt bởi một ý thức sắc bén hơn, ít gián đoạn hơn, dồi dào hơn. Ông sẽ ngạc nhiên biết bao nếu ông biết được rằng con người ông, vốn thường không ai để ý về phương diện vật chất, đột nhiên lại được gợi ra bất cứ nơi nào Bà de Breyves đến, ở giữa những con người tài ba lỗi lạc nhất, trong những nơi hội họp thu hẹp nhất, trong những khung cảnh tự nó đã đầy đủ nhất rồi, và bỗng nhiên người đàn bà rất được mọi người mến chuộng đó lại chỉ còn biết thương yêu, mơ tưởng, chú tâm đến kỷ niệm của một kẻ ở ngoài bước vào mà trước mặt kẻ đó tất cả đều mờ đi tựa như chỉ có mình hắn là có được thực tại của một con người và tựa như những người hiện diện đều vô ích, giống như những kỷ niệm và như những bóng hình.

Dù khi Bà de Breyves đi dạo với một thi sĩ hay dùng bữa tại nhà một vị thân vương phu nhân, dù bà có ngồi một mình và đọc sách, hay nói chuyện với người bạn trai thân tình nhất, dù bà ngồi trên lưng ngựa hay nằm ngủ, tên tuổi hình ảnh của Ông de Laléande vẫn ở bên bà, một cách tuyệt diệu, ác độc, không sao tránh khỏi, cũng như bầu trời kia ở trên đầu chúng ta vậy. Bà vốn ghét Biarritz, thế mà rốt cuộc bà cũng tìm thấy được nơi tất cả những gì có dính dáng đến thành phố đó một vẻ đẹp đau thương và mê hồn. Bà lo lắng cho những người sống ở đó, những người có lẽ sẽ được gặp ông ta mà không hay, những người có lẽ sống cùng với ông ta mà không thưởng thức được điều đó. Đối với họ bà bỏ hết mọi ác cảm, và bà không dám nhờ cậy gì họ nhưng lại không ngớt han hỏi, đôi khi bà ngạc nhiên thấy ta nghe bà nói nhiều chung quanh bí mật của bà như thế mà vẫn không có ai khám phá ra cái bí mật đó cả. Một bức ảnh lớn của thành phố Biarritz là một trong những đồ trang hoàng hiếm hoi của văn phòng bà. Bà gán những nét mặt của Ông de Laléande cho một trong những khách qua đường mà người ta trông thấy nhưng không phân biệt rõ được trên bức ảnh. Nếu bà biết được thứ nhạc dở mà ông ta ưa thích và vẫn chơi, thì trên chiếc dương cầm của bà và rồi đây trong tâm hồn bà những bản tình ca bị khinh rẻ sẽ chiếm chỗ những bản giao hưởng của Beethoven và những ca nhạc kịch của Wagner, bởi sở thích bà bị tình cảm hạ thấp, và bởi vẻ đẹp do ông ta phản chiếu lên những bản tình ca đó, do ông, là người từ đó tất cả cái đẹp và nỗi khổ đều đến với bà.[9] Đôi khi hình ảnh của người mà bà chỉ mới thấy có hai hay ba lần và chỉ trong một lát thôi, của người chỉ chiếm một chỗ thật là nhỏ trong những biến cố bên ngoài của đời bà và đã chiếm một chỗ trong tư tưởng và trong tim bà, một chỗ miệt mài đến độ chiếm hết trọn vẹn những biến cố kia, hình ảnh đó mờ đi trước đôi mắt mệt mỏi của ký ức bà. Bà không thấy ông ta được nữa, không còn nhớ nét mặt của ông ta, dáng dấp của ông, và cả cặp mắt ông bà cũng gần như không còn nhớ ra nữa. Thế mà hình ảnh đó lại là tất cả những gì bà có được về ông ta. Bà điên lên khi nghĩ đến là bà có thể mất luôn hình ảnh đó, khi nghĩ đến là ước muốn – cái ước muốn thật ra đang làm khổ bà nhưng bây giờ lại là cả con người của bà, cái ước muốn trong đó bà đã ẩn mình trọn vẹn, sau khi đã trốn hết tất cả, cái ước muốn mà bà quan tâm cũng như người ta quan tâm đến sinh mạng, đến đời sống, đời sống tốt hoặc xấu – ước muốn đó có thể tiêu tan và sẽ chỉ còn lại hương vị của một nỗi khó chịu và một sự đau đớn mộng mị, mà bà không còn biết nguyên do ở đâu, bà cũng chẳng còn trông thấy được cái hương vị đó trong tư tưởng bà, và trong tư tưởng bà không còn nâng niu nó được nữa. Nhưng sau cái nhìn biến loạn ngắn ngủi kia trong tâm trí, hình ảnh của Ông de Laléande lại trở lại. Nỗi buồn của bà có thể lại bắt đầu và đối với bà đó gần như là cả một niềm vui.

Làm sao Bà de Breyves chịu đựng được chuyến trở về Paris khi mà ông ta chỉ trở lại đó vào tháng Giêng? Từ đây đến đấy bà sẽ làm gì? Bà sẽ làm gì, và ông ta sẽ làm gì sau đó?

Hai mươi lần rồi tôi đã muốn đi Biarritz; và đem Ông de Laléande trở về. Hậu quả có lẽ sẽ kinh khủng đấy, nhưng tôi không cần phải hỏi ý bà ta, bà sẽ không cho phép làm vậy đâu. Nhưng tôi lấy làm buồn khi thấy phía trong hai bên thái dương nhỏ bé kia đập đập đến độ có thể vỡ ra do những nhát bổ liên hồi của một mối tình không giải thích được. Mối tình đó kéo đời bà theo một nhịp thể lo âu. Bà thường tưởng tượng ông ta sắp đến Trouville, lại gần bà, nói với bà là ông ta yêu bà. Bà thấy ông ta, và đôi mắt bà sáng rực lên. Ông ta nói với bà với cái giọng lâng lâng kia trong giấc mơ, cái giọng không làm ta tin được nhưng đồng thời lại bắt buộc ta phải lắng nghe. Chính ông ta đấy. Ông ta nói với bà những lời làm ta mê man dù từ trước đến nay những lời đó ta chỉ nghe được trong giấc mộng, khi ta thấy trong đó rực lên nụ cười thần thánh tin tưởng, làm ta vô cùng xúc động, của những số mệnh đang đoàn tụ với nhau. Liền đó cái cảm tưởng cho rằng thế giới của thực tại và thế giới của ước muốn bà đi song song với nhau, cái cảm tưởng cho rằng hai thế giới đó không thể gặp nhau được cũng như bóng với hình, cảm tưởng đó thức tỉnh bà. Rồi khi nhớ đến giây phút ở căn phòng móc áo mà khuỷu tay bà chạm nhẹ vào khuỷu tay ông ta, giây phút ông hiến cho bà cả cái thân thể mà bây giờ bà đã có thể ôm sát vào mình nếu hồi đó bà muốn, nếu hồi đó bà biết được, cái thân thể bây giờ vĩnh viễn xa bà, bà cảm thấy những tiếng thét tuyệt vọng và nổi loạn qua khắp thân thể bà như những tiếng thét mà người ta nghe được trên những chiếc tàu biển sắp đắm. Nếu khi đi dạo trên bãi biển hay trong rừng bà có để cho thú trầm tư hay mơ mộng, hay chỉ là một hương thơm, một bài ca mà ngọn gió heo may đem đến và phủ kín, bà có để cho những thứ đó nhẹ nhàng xâm chiếm lòng bà, trong một lúc làm bà quên được nỗi khổ của bà, thì bà liền cảm thấy nhói lên nơi tim một vết thương đau đớn và, cao hơn cả những ngọn sóng hay những chiếc lá, trong cái mù mờ của chân trời cuối rừng hay ngoài khơi, bà thoáng thấy hình ảnh mơ hồ của kẻ đã chinh phục bà, vô hình và lại hiện diện, qua làn mây đôi mắt vẫn sáng ngời như dạo hắn xin hiến mình cho bà, kẻ đó đang bỏ chạy trốn với cái ống tên mà vừa rồi hắn còn rút ra một mũi để bắn vào bà.

 

 

--------------
Truyện ngắn “Những ngày nghỉ buồn bã của bà de Breyves” (đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn số 85 ở Saigon, 1967, số đặc biệt về Marcel Proust) được dịch từ nguyên tác “Mélancolique villégiature de Mme de Breyves” trong Marcel Proust, Les Plaisirs et les Jours (Paris: La Nouvelle Revue Française, 1924).

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Hai câu thơ trong vở kịch Phèdre [màn I, cảnh III] mà bất cứ ai đọc hay học Racine đều rất khó quên: “Ariane, ma soeur, de quelle amour blessée / Vous mourûtes aux bords où vous fûtes laissée!”

[2]Jean de Reszké, một danh ca giọng ténor gốc Ba lan nổi tiếng, một thời là thành viên sáng chói trong Nhà hát Ca nhạc kịch ở Paris.

[3]Có thể hiểu là không còn một mảy may, một tia hi vọng. Hinh ảnh cánh buồm có lẽ lấy từ huyền thoại Égée [sự trở về của Thésée] cũng như huyền thoại Tristan [sự trở về của Iseut]: cánh buồm báo cho nhân vật trong huyền thoại biết tin liên quan đến số phận mình đang chờ đợi.

[4]“Con chim chúng ta vừa nghe hót, / nó có cái mỏ tốt và đôi cánh rộng” [Les maîtres chanteurs, trong vở nhạc kịch La Walkyrie của Richard Wagner - bản dịch tiếng Pháp của Albert Ernst, Œuvres lyriques].

[5]leitmotiv có nghĩa “nét chủ đạo” [trong âm nhạc], hay “chủ đề quán xuyến” [trong văn chương].

[6]Baudelaire, “Le confiteor de l’artiste”, trong Petits Poèmes en Prose.

[7]Kypris là một Nữ thần Hi lạp thường được dùng để chỉ Aphrodite, là vị nữ thần tình yêu được truyền tụng là từ dười biển đảo Cyprus hiện lên.

[8]Trong nguyên tác, trước trích đoạn tiếng Pháp của mình [dựa theo bản dịch của nhà thơ Pháp Leconte de Lisle trong Idylles, Lemerre, 1909], M. Proust có ghi trích đoạn tiếng Hi lạp theo ghi chú của Thierry Laget [người biên tập bản in Les Plaisirs et les Jours, Gallimard, 1993] thì không được đúng lắm.

[9]Về chuyện “nhạc dở”, trong cái nhìn xã hội, cũng trong Les Plaisirs et les Jours [“Éloge de la mauvaise musique”], hãy nghe Proust phát biểu: “Hãy ghét nhạc dở, nhưng chớ coi thường nó.”

 

Những tác phẩm khác của Marcel Proust qua bản dịch của Hoàng Ngọc Biên đã đăng trên Tiền Vệ:

 

Một bữa ăn ngoài phố  (truyện / tuỳ bút) 
Honoré đến trễ, anh chào các gia chủ, chào những người khách mà anh quen, người ta giới thiệu anh với những người khách khác và mọi người vào bàn ăn. Được một lúc, người khách ngồi bên cạnh anh, một thanh niên còn trẻ măng, yêu cầu anh cho biết tên...
 
Ba đoản văn “Vent de mer à la campagne”, “Rencontre au bord du lac” và “L'étranger” trong Les Plaisirs et les Jours của Marcel Proust. (... Các người hãy giữ lại trên gối chân khóm hồng tươi mát, và hãy để mặc trái tim ta khóc trong lòng bàn tay khép kín của các người...)
 
Hai đoản văn “Sonate Clair de lune” và “Comme à la lumière de la lune” trong Les Plaisirs et les Jours của Marcel Proust. (... Những luồng ánh sáng dồn dập rực rỡ và êm dịu của nó đi vào đến tận tim chúng tôi. Như chúng tôi, mặt trăng cũng khóc, và cũng gần luôn luôn như chúng tôi, nó khóc mà không biết tại sao...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021