thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một bữa ăn ngoài phố

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

MARCEL PROUST

(1871-1922)

 

___________

 

MỘT BỮA ĂN NGOÀI PHỐ

 

I

 

“Thế thì, Fundanius, ai là kẻ đã chia
sẻ với người cái sung sướng của bữa ăn đó?
ta lo lắng muốn biết điều nầy.”[1]
(HORACE)

 

Honoré đến trễ, anh chào các gia chủ, chào những người khách mà anh quen, người ta giới thiệu anh với những người khách khác và mọi người vào bàn ăn. Được một lúc, người khách ngồi bên cạnh anh, một thanh niên còn trẻ măng, yêu cầu anh cho biết tên và kể lai lịch những người khách khác. Honoré chưa bao giờ gặp anh ta ở các nơi hội hè cả. Anh ta rất đẹp trai. Bà chủ nhà thỉnh thoảng lại nhìn anh ta bằng những cái nhìn nóng bỏng đủ để cắt nghĩa được tại sao bà đã mời anh ta đến và tại sao anh ta sẽ tham dự vào xã hội của bà. Honoré cảm thấy nơi anh ta một quyền uy sau này, nhưng không tị hiềm, mà chỉ vì muốn tỏ ra ân cần lễ phép, anh tự cho mình cái bổn phận giải đáp cho anh ta. Anh nhìn chung quanh anh. Phía trước mặt có hai người ngồi kề cận mà không nói chuyện với nhau: do một hảo ý không được khéo léo, người ta đã cùng mời họ và lại cùng đặt họ cạnh nhau bởi vì hai người đều làm văn chương. Nhưng cùng với cái lý do đầu tiên đã làm cho họ ghét nhau đó, họ còn thêm một lý do khác đặc biệt hơn nữa. Người lớn tuổi, họ hàng – và bị thôi miên về cả hai phía – của ông Paul Desjardins[2] và của ông de Vogüé,[3] giữ một thái độ im lặng khinh bỉ đối với người trẻ tuổi, là học trò cưng của ông Maurice Barrès,[4] đến lượt anh trẻ tuổi này cũng nhìn ông ta với một vẻ châm biếm. Và trái với ý họ muốn, ác tâm của người này lại thêu dệt thêm cho sự quan trọng của người kia, tựa như người ta đem tên đầu đảng của bọn hung ác cho đối địch với chúa tể của bọn ngu ngốc vậy. Xa hơn nữa, một bà người Tây-ban-nha to lớn ăn uống một cách ồ ạt. Tối hôm đó bà ta đã không lưỡng lự và làm như một người đứng đắn, hi sinh một buổi hẹn hò để may ra có thể đẩy xa hơn sự nghiệp giao du rộng rãi của bà khi đến dự bữa ăn ở một nhà thanh lịch. Và tất nhiên bà đã có nhiều may mắn là đã tính toán rất đúng. Lối ưa thời thượng của Bà Fremer đối với các bạn gái của bà và lối ưa thời thượng của các bạn gái bà đối với bà cũng như một kiểu hỗ tương bảo hiểm phòng ngừa khỏi bị trưởng giả hoá. Nhưng sự tình cờ đã muốn rằng Bà Fremer chứa đúng ngay tối hôm đó một đám khách khứa mà bà đã không thể mời đến dùng bữa tối ở nhà được, những người mà vì những lý do khác nhau, bà thiết tha muốn thù tiếp, và cũng là những người bà đã hội lại một cách gần như hỗn độn. Tất cả đều được cầm đầu bởi một quận công phu nhân, nhưng bà người Tây-ban-nha đã quen biết hết cả rồi và không còn gì để biết thêm về họ nữa. Thế nên bà ta cứ trao đổi những cái nhìn giận dữ với ông chồng là người mà trong những buổi dạ hội người ta luôn luôn nghe cái giọng trong họng nói liên miên, giữa mỗi lời thỉnh cầu lại để một khoảng trống lâu chừng năm phút mà năm phút đó lại dùng để thăm hỏi những chuyện khác: “Ông vui lòng giới thiệu tôi với quận công chứ? – Thưa quận công, xin ngài vui lòng giới thiệu tôi với quận công phu nhân? – Thưa quận công phu nhân, tôi có thể giới thiệu nhà tôi với bà chứ ạ?” Tức giận vì bị mất thì giờ, thế mà ông ta vẫn chịu nhịn để mở đầu câu chuyện với ông ngồi bên cạnh, một hội viên của gia chủ. Từ hơn một năm nay ông Fremer đã khẩn khoản vợ mời cho được ông này. Rốt cuộc bà đã nhượng bộ và đã nhét ông ta ngồi ở giữa chồng bà người Tây-ban-nha và một nhà nhân bản. Nhà nhân bản, vốn đọc quá nhiều, nên ăn cũng quá nhiều. Ông ta thuộc những câu trích dẫn và câu chuyển hồi và hai cái lối nói khó chịu đó đều làm cho bà ngồi bên cạnh ông ta, một bà quê mùa sang trọng là Bà Lenoir thấy ghê tởm. Bà vội hướng câu chuyện về những chiến công của ông hoàng de Buivres ở Dahomey[5] và nói bằng một giọng xúc động: “Con yêu quí, anh ta làm vinh dự gia đình như vậy ta thật lấy làm vui lòng!” Thật vậy, bà ta là em họ của gia đình de Buivres, tất cả đều trẻ hơn bà, và đều kính nể bà đúng theo tuổi tác của bà, theo sự quyến luyến của bà đối với hoàng tộc, theo cái giàu có đồ sộ của bà và do ba đời chồng mà vẫn không có con cái của bà. Bà đã chuyển sang cho mọi người trong gia đình de Buivres những gì thuộc tình cảm gia đình có thể có nơi bà. Bà cảm thấy tự xấu hổ riêng về những việc hèn hạ của kẻ đã phải có một người bảo giá, và, chung quanh cái trán đầy suy tư của bà, trên dải băng quấn đầu kiểu gia đình Orléans, dĩ nhiên bà cũng kết những đoá hoa chiến thắng của kẻ đã từng làm đại tướng. Lọt vào trong cái gia đình từ trước đến nay vẫn khép kín này, bà đã trở thành người cầm đầu và như một quả phụ quí tộc. Bà thật tình cảm thấy bị đày ải trong xã hội tân tiến, lúc nào bà cũng xúc động nhắc đến các “cụ vương tôn ngày trước”. Cái thời thượng của bà chỉ là tưởng tượng và hơn nữa là tất cả những gì bà tưởng tượng ra được. Những cái tên đầy dẫy quá khứ và vinh quang có một uy quyền đặc biệt rõ ràng đối với đầu óc bà, thế nên bà sung sướng một cách vô vị lợi khi dùng cơm tối chung với những bậc vua chúa cũng như khi đọc hồi ký của Chế độ cũ. Lúc nào cũng kết cùng những trái nho trên đầu, kiểu tóc của bà không thay đổi giống như những nguyên tắc của bà. Mắt bà loé lên sự khờ khạo. Gương mặt tươi cười của bà có vẻ quí phái, bộ điệu bà quá lố và vô nghĩa. Vì tin tưởng nơi Chúa, trước ngày có hội chợ trong vườn hoặc có cách mạng, bà đều có cùng một thứ khích động lạc quan, với những cử chỉ thật lẹ làng như để xua đi phái cấp tiến hoặc thời tiết xấu. Nhà nhân bản ngồi bên cạnh bà nói chuyện với bà với một lối trau chuốt nhọc nhằn và dùng những công thức một cách thật là dễ dàng; ông ta đọc những câu trích dẫn của Horace để bào chữa cái lỗi tham ăn và say rượu của mình trước mắt người khác và để thi vị hoá nó trước mắt mình. Những đoá hoa hồng vô hình thời thượng cổ mà vẫn còn tươi kết quanh chiếc trán hẹp của ông. Nhưng bằng một lối lễ phép tương đương và đối với bà rất dễ dàng, bởi vì bà vẫn thấy nơi đó cách rèn luyện uy lực của mình và sự tôn trọng những truyền thống cũ, ngày nay đã hiếm, Bà Lenoir cứ mỗi năm phút lại trò chuyện với hội viên của Ô. Fremer. Ông này vả lại cũng không có gì phải phàn nàn. Ở phía đầu bàn kia, Bà Fremer vẫn đưa lời vuốt ve ông bằng những câu đẹp đẽ nhất. Bà muốn bữa tiệc này người ta sẽ nhớ trong nhiều năm, và, nhất định là từ rày về sau sẽ không nhắc đến cái con người phá đám kia nữa, bà đem giấu Êng ta dưới lọ hoa. Về phần Ô. Fremer, thì ban ngày làm việc ở ngân hàng của ông, và, tối đến, bị bà vợ kéo đi giao du đây đó hoặc giữ lại ở nhà khi có tiếp khách, luôn luôn sẵn sàng nuốt chửng bất cứ cái gì, luôn luôn bị khoá miệng, rốt cuộc trong những trường hợp bình thường nhất ông đã phải giữ một nét mặt bực tức âm ỉ pha lẫn những nét nhẫn nhục hờn dỗi, cáu kỉnh bị đè nén và thật đần độn. Thế nhưng, tối hôm đó, trên gương mặt nhà tài chánh những nét kia lại nhường chỗ cho một sự hài lòng thân thiện mỗi khi mắt ông bắt gặp đôi mắt người hội viên của ông. Dù ông không thể chịu đựng được ông này trong đời sống thường nhật, đối với ông này ông ta cảm thấy có những cảm tình êm dịu thoáng qua, nhưng thành thật, không phải bởi vì ông ta có thể làm loá mắt ông này một cách dễ dàng bằng cái sang trọng của mình, mà do chính cái thứ tình huynh đệ mơ hồ vẫn thường làm ta cảm động ở xứ người khi thấy được một người Pháp, dù là một người Pháp đáng tởm. Về phần ông, mỗi tối phải bị người khác lôi ra khỏi những thói quen của mình một cách kịch liệt như vậy, bị tước mất một cách thật bất công sự ngơi nghỉ mà ông đáng được hưởng, bị lôi bật ra khỏi gốc một cách tàn bạo, ông cảm thấy có một mối liên hệ, thường ngày vẫn bị ghét bỏ, nhưng lại mạnh mẽ, rốt cuộc ràng buộc ông với một người nào đó và, để giải thoát cho ông, nó kéo ông qua khỏi nỗi cô quạnh yếm thế và tuyệt vọng của ông. Trước mặt ông, Bà Fremer ngắm cái sắc đẹp óng ả của mình trong những đôi mắt sung sướng của các khách mời. Hai cái danh tiếng mà người ta đồn đãi về bà là cái lăng kính gạt gẫm qua đó mỗi người cố thử phân biệt những nét thật của bà. Nhiều tham vọng, nhiều mưu mô, gần như thích mạo hiểm, cứ theo cái tiền của mà bà đã bỏ ra dùng vào những mục đích vẻ vang hơn, trước mắt các nhà quí phái xưa và trước hoàng gia mà bà chinh phục được thì bà lại có vẻ là một người siêu phàm, một vị thiên thần dịu dàng và đức độ. Vả lại, bà cũng không quên những bạn bè cũ thấp kém hơn của bà, nhớ đến họ nhất là những lúc có bệnh hoạn hay tang tóc, là những hoàn cảnh thường làm động lòng, hơn nữa đó cũng là những lúc, gặp khi không giao du thù tiếp ai, người ta không thể than phiền là không có người mời mình. Do chỗ đó bà thỏa mãn được những cơn nhân đạo nổi lên của bà, và trong những lúc chuyện trò với những người họ hàng hay với các mục sư ở đầu giường người chết, bà nhỏ ra được những dòng nước mắt chân thành, lần lượt giết mất những ân hận mà đời sống quá thong dong dễ dàng của bà gợi ra trong con tim ưa thắc mắc của bà.

Thế nhưng người khách khả ái nhất là bà quận công trẻ măng de D..., mà đầu óc nhanh nhẹn và sáng sủa, không bao giờ lo âu hay bối rối, tương phản một cách lạ lùng với cái vẻ buồn khôn nguôi của đôi mắt bà, cái bi quan nơi cặp môi bà, cái vẻ mệt mỏi vô hạn vá quí phái của đôi bàn tay bà. Cái con người yêu đời mạnh mẽ kia, dưới hết mọi hình thức của nó, lòng tốt, văn chương, kịch nghệ, hành động, tình bạn, cắn vào đôi môi hồng xinh đẹp của mình, như một cánh hoa không ai đếm xỉa đến, mà không làm đôi môi đó tàn úa, đôi môi khi có một nụ cười thất vọng chỉ nhếch hai bên mép thôi. Đôi mắt bà như hứa hẹn có một đầu óc không khi nào có thể lật nhào trên những dòng nước suy nhược của sự tiếc nuối. Đã bao nhiêu lần, ngoài đường, ở rạp hát, những người qua lại mơ mộng đã thắp lên giấc mơ của mình những vì sao long lanh đó! Bây giờ quận công phu nhân, đang nhớ lại một khúc phong ca hoặc đang trù tính một cách trang điểm, vẫn không ngớt buồn bã bẻ những đốt ngón tay có vẻ yên phận và trầm ngâm, và lướt chung quanh bà những cái nhìn tuyệt vọng và sâu thẳm chôn kín những người khách mẫn cảm dưới đôi mắt cuồn cuộn một nỗi buồn man mác của bà. Lối nói chuyện êm ái của bà được tô điểm một cách hời hợt những vẻ thanh lịch tao nhã héo nhạt nhưng rất duyên dáng của một tính hoài nghi đã xưa rồi. Người ta vừa bắt đầu một cuộc bàn luận, và con người vốn rất tuyệt đối trong đời sống kia, thường vẫn cho rằng chỉ có một lối ăn mặc mà thôi, lại lặp lại với từng người: “Thế nhưng, tại sao người ta lại không thể nói hết, nghĩ hết? Tôi có thể có lý, nhưng quí vị cũng vậy. Có một ý kiến riêng cho mình quả thật là một điều khủng khiếp và hẹp hòi.” Đầu óc bà không giống như thân hình bà, mặc áo quần vẫn theo thời trang mới nhất, và bà đùa bỡn các nhà theo phái biểu tượng và các người mộ đạo một cách tự nhiên. Nhưng về vấn đề này đầu óc bà cũng giống như những người đàn bà duyên dáng khá đẹp và linh hoạt nên có thể trong người mặc những thứ đồ thật xưa mà vẫn được lòng mọi người. Vả lại có thể đó cũng chính là một lối làm dáng cố tình. Có một số ý nghĩ sống sượng có thể dập tắt cái đầu óc của bà như một số màu sắc mà bà nhất định không muốn tô điểm cho làn da của bà.

Nói chuyện với ông khách đẹp trai ngồi bên cạnh, Honoré đã gán cho những khuôn mặt khác nhau kia một bản phác hoạ nhanh và có hảo ý đến nỗi, dù có những sự khác biệt sâu xa, tất cả những khuôn mặt đó dường như đều giống nhau, khuôn mặt rạng rỡ của Bà de Torreno, khuôn mặt sống về tinh thần của quận công phu nhân D..., khuôn mặt đẹp của Bà Lenoir. Anh ta đã bỏ sót một nét chung độc nhất của họ, hay nói đúng hơn là cùng cái chứng mê cuồng tập thể, cùng một thứ bệnh truyền nhiễm lưu hành mà mọi người đều đang mắc phải, bệnh thời thượng. Hơn nữa, tuỳ theo những bản chất của nó, anh ta còn gán thêm những hình thức thật khác nhau, và thật là khác xa từ cái thời thượng giàu tưởng tượng và giàu thi vị của Bà Lenoir đến cái thời thượng chiếm đoạt của Bà de Torreno, con người tham lam khao khát như một anh công chức muốn lên đến những chỗ ngồi cao nhất. Tuy vậy, cái người đàn bà đáng sợ này vẫn có thể trở về lại với bản chất con người. Ông khách ngồi bên cạnh bà vừa bảo với bà là ở vườn hoa Monceau ông ta đã có dịp chiêm ngưỡng cô cháu gái của bà. Thế là bà bèn đánh tan cái im lặng bất bình của bà ngay. Đối với ông kế toán viên hèn mạt kia bà cảm thấy có một mối cảm tình biết ơn và trong sạch mà có lẽ bà chưa bao giờ có thể cảm thấy được đối với một vị hoàng tử và bây giờ họ chuyện vãn với nhau như là những người bạn thân cũ.

Bà Fremer ngồi chủ toạ những cuộc nói chuyện kia với một sự mãn nguyện trông thấy rõ do ý nghĩ về cái sứ mạng cao cả mà bà đang hoàn tất. Quen đem giới thiệu các nhà văn lớn với các quận công phu nhân, dưới mắt của chính bà, bà cũng thấy bà có vẻ như một thứ bộ trưởng Ngoại giao cực kỳ có thế lực và ngay trong nghi thức ngoại giao cũng mang một đầu óc tối thượng. Giống như một khán giả ngồi thưởng thức ở kịch trường, bởi vì mình là kẻ đang phán đoán, nên nhìn thấy cả diễn viên, khán giả, soạn giả, các qui luật về kịch nghệ lẫn thiên tài đều ở dưới mình. Vả lại cuộc nói chuyện cũng có vẻ tiếp diễn theo một nhịp điệu điều hòa. Người ta đã bước đến cái khoảng thời gian trong các bữa ăn tối khi mà các ông thường đụng vào đầu gối các bà ngồi cạnh hay hỏi họ về các sở thích văn chương tuỳ theo nhiệt độ và giáo dục của mỗi người, nhất là tuỳ theo bà ngồi bên cạnh. Có một lúc, người ta đã không tránh được trở ngại. Khi anh chàng đẹp trai ngồi bên cạnh Honoré với sự bất cẩn của tuổi trẻ mình cố lựa lời để nói rằng trong tác phẩm của Héredia[6] có lẽ có chứa đựng nhiều tư tưởng hơn là người ta vẫn thường nói, thì các thực khách bối rối với những thói quen suy nghĩ của mình đã để lộ một vẻ buồn phiền. Thế nhưng Bà Fremer liền la lên: “Trái lại, đó chỉ là những thứ đá ngũ hoa trang sức[7] kỳ diệu, những đồ sứ[7] rực rỡ, những đồ kim hoàn tuyệt hảo”, và sự vui vẻ mãn nguyện lại hiện ra trên khắp các khuôn mặt. Một cuộc tranh luận về những người chủ trương vô chính phủ còn trầm trọng hơn nữa. Nhưng Bà Fremer, làm như đã nhẫn nhịn chịu khuất phục trước định mệnh của một định luật thiên nhiên, chậm rãi nói: “Những chuyện đó đâu có ích gì? Lúc nào cũng có người giàu kẻ nghèo chứ.” Và tất cả mọi người, trong số đó kẻ nghèo nhất cũng có lợi tức ít nhất là một trăm ngàn đồng livres, ngạc nhiên trước cái chân lý kia, trút bỏ được hết mọi ngại ngùng, đều hớn hở thân mật nốc cạn ly rượu champagne cuối cùng của mình.

 

 

II

 

SAU BỮA ĂN

 

Honoré cảm thấy các thứ rượu trộn lẫn với nhau đã làm anh thấy hơi choáng váng, bỏ ra về không chào ai, lấy chiếc áo choàng để dưới lầu và bắt đầu đi bộ xuống Champs-Elysées. Anh cảm thấy vui vẻ vô cùng. Những hàng rào bất khả vẫn ngăn chận những đam mê và mơ ước của ta lọt vào miền thực tại đã gãy đổ và bây giờ ý nghĩ của anh vui vẻ tung tăng quanh miền ảo tưởng và cùng với động tác đó ý nghĩ anh cũng thấy phấn khởi.

Những đại lộ huyền bí ở giữa mỗi con người, mà cuối đường đi có lẽ mỗi đêm người ta thấy lặn mất một bóng mặt trời không gợn một chút vui tươi hay phiền muộn giờ đây đang lôi cuốn anh. Mỗi người mà anh nghĩ tới đối với anh liền trở nên thật là đáng mến, anh lần lượt đi hết những con đường mà anh hi vọng có thể gặp mỗi người, và nếu những dự đoán của anh thành sự thật được, anh hẳn đã đến gần cái người lạ mặt hay cái người dửng dưng kia mà không sợ hãi, chỉ rung động nhẹ nhàng thôi. Trên một tấm màn hậu cảnh buông xuống quá gần, đời sống trải ra xa trước mặt anh trong tất cả vẻ đẹp của cái mới mẻ và huyền bí của nó, thành những cảnh tượng thân yêu mời đón anh. Và mối tiếc nuối nghĩ rằng đó chỉ là ảo ảnh hay thực tại của một đêm thôi làm anh thấy thất vọng, anh sẽ không bao giờ làm gì ngoài việc đi ăn tối và cũng uống thật nhiều, để nhìn thấy lại những cái đẹp đẽ như vậy. Anh chỉ thấy đau khổ vì đã không với tới liền những cảnh sắc nằm đây đó trong vô cùng tận của cái viễn ảnh của anh, ở xa anh. Thế rồi anh kinh ngạc nghe tiếng mình từ mười lăm phút nay đã lặp đi lặp lại, giọng hơi lớn và hơi cất cao: “Cuộc đời thật buồn, thế thì ngu thật” (chữ sau cùng này được dằn giọng bằng một động tác ngắn của cánh tay phải và anh nhận ra cái cử động đột ngột của chiếc can mình đang cầm). Anh buồn rầu tự nhủ là những lời nói từ vô thức đó đúng thật là một sự bày tỏ cùng những ảo tượng kia, mà anh nghĩ có lẽ anh không thể diễn tả ra được.

“Than ôi! chắc hẳn chỉ có cường độ thú vui của ta hay sự nuối tiếc của ta là tăng lên gấp trăm lần, và nội dung tinh thần thì vẫn vậy. Hạnh phúc của ta thật sôi nổi, riêng tư, không thể đem bày tỏ với người khác được, và nếu ta viết lúc này, thì bút pháp của ta cũng có cùng những cái hay đó, cùng những cái dở đó, than ôi! cũng cùng cái tầm thường hàng ngày.” Nhưng cái thảnh thơi về vật chất mà anh ta đang cảm thấy ngăn không để anh suy nghĩ lâu hơn nữa và liền đem lại cho anh mối an ủi lớn lao nhất, sự quên lãng. Anh ra đến đại lộ. Những người đi qua, anh đều cảm thấy có thiện cảm, và tin là mọi người cũng có thiện cảm với anh. Anh tự cảm thấy mình là mục tiêu vẻ vang cho họ nhắm; anh mở rộng chiếc áo bành tô để cho người ta thấy màu trắng tinh của chiếc áo mặc bên trong, thật hợp với anh, và nụ hoa cẩm chướng màu đỏ sẫm trên khuy áo anh. Cứ như vậy anh đem mình tự hiến cho những người qua lại chiêm ngưỡng, cho sự êm dịu mà anh và họ đang hưởng trong mối giao hảo khoái lạc.

 

 

-------------
“Một bữa ăn ngoài phố” dịch từ nguyên bản “Un dîner en ville” trong Marcel Proust, Les Plaisirs et les Jours (Paris: La Nouvelle Revue Française, 1924).
 

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Trong đối thoại giữa Horace và Fundanius, khi Fundanius kể lại một bữa tiệc lớn ông tham dự ở tư gia ông nhà giàu Nasidienus [Horace, Satires]. Proust sử dụng bản dịch tiếng Pháp của Génin trong Œuvres complètes d’Horace (Firmin-Didot, 1875) và đã thay từ “bữa tiệc” bằng “bữa ăn”.

[2]Paul Desjardins [1859-1940] người sáng lập Hiệp hội hành động đạo đức, thầy dạy của Proust ở Trường Chính Trị.

[3]Eugène Melchior, tử tước Vogüé [1848-1910], tác giả cuốn Tiểu thuyết Nga [Le roman russe], là một trong những người có công giới thiệu Tolstoi và Dostoievski đến người đọc ở Pháp.

[4]Maurice Barrès [1862-1923] khởi sự là một nhà văn có bút pháp bay bướm độc đáo, chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật [người dịch nhớ khoảng giữa năm 1953 từng được một vị thầy dạy văn chương Pháp trong lớp 4è Année “khai tâm” bằng một đoạn tuyệt đẹp trong Le Jardin de Bérénice], về sau chuyển hướng dấn thân và chỉ trở thành một nhà văn theo chủ nghĩa dân tộc, với nhiều tác phẩm “yêu nước” khá nhạt nhẽo – Proust tất nhiên không nhắc đến với thiện cảm.

[5]Năm 1890 nước Pháp đưa tới Dahomey (nay là Bénin) một đoàn lính viễn chinh nhằm áp đặt quyền bảo hộ đã được những hiệp ước trước đó nhìn nhận.

[6]Ở đây M. Proust vinh danh một trong những nhà thơ nổi tiếng của Pháp là José-Maria de Héredia [1842-1905] mà ông quen biết từ 1893, là người từng nhận lời cho ông đề tặng một số bài thơ về các hoạ sĩ và nhạc sĩ, và cũng là người ít nhiều đã trực tiếp giới thiệu ông với văn giới.

[7]Nguyên tác tiếng Pháp “camées” và “émaux”. Proust hẳn muốn ám chỉ tác phẩm thơ Émaux et Camées của Théophile Gautier [1852].

 

Những tác phẩm khác của Marcel Proust qua bản dịch của Hoàng Ngọc Biên đã đăng trên Tiền Vệ:

 

Nếu khi đi dạo trên bãi biển hay trong rừng bà có để cho thú trầm tư hay mơ mộng, hay chỉ là một hương thơm, một bài ca mà ngọn gió heo may đem đến và phủ kín, bà có để cho những thứ đó nhẹ nhàng xâm chiếm lòng bà, trong một lúc làm bà quên được nỗi khổ của bà, thì bà liền cảm thấy nhói lên nơi tim một vết thương đau đớn...
 
Ba đoản văn “Vent de mer à la campagne”, “Rencontre au bord du lac” và “L'étranger” trong Les Plaisirs et les Jours của Marcel Proust. (... Các người hãy giữ lại trên gối chân khóm hồng tươi mát, và hãy để mặc trái tim ta khóc trong lòng bàn tay khép kín của các người...)
 
Hai đoản văn “Sonate Clair de lune” và “Comme à la lumière de la lune” trong Les Plaisirs et les Jours của Marcel Proust. (... Những luồng ánh sáng dồn dập rực rỡ và êm dịu của nó đi vào đến tận tim chúng tôi. Như chúng tôi, mặt trăng cũng khóc, và cũng gần luôn luôn như chúng tôi, nó khóc mà không biết tại sao...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021