thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÂM VỌNG: “Man Nương” [6]

 

Lời toà soạn:
“Man Nương” là một chương trong tiểu thuyết Âm Vọng của Lê Thị Thấm Vân (California: Anh Thư, 2003). Trong bản in trên giấy, chương này được xếp cuối cùng nhưng, theo tác giả, cuốn tiểu thuyết có thể được đọc bằng cách bắt đầu từ bất kỳ chương nào, theo bất kỳ thứ tự nào. Chúng tôi xin giới thiệu, trước hết, chương “Man Nương. Chương này gồm 6 phần.

 

 

Đã đăng: “Man Nương” [1] - [2][3][4][5]

 

“Mưa sắp tạnh rồi.”

“Tạnh mưa, mọi người sẽ phải rời khỏi nơi đây.”

“Không có lý do gì để giữ bất kỳ ai. Chúng ta chẳng thể ở mãi một chỗ, làm mãi một việc, ở mãi với một người.”

“Chẳng nên bám chắc vào một ai, cái gì, hay điều gì, bởi không có gì là chắc chắn cả.”

“Đi mãi cũng thế.”

“Phải tập vui buồn với nó.”

“Đi mãi cũng mệt.”

“Nhưng không thể ở mãi một chỗ.”

“Ông bà ta nói, ‘đi một ngày đàng học một sàng khôn.’ ”

“Còn tuỳ là đi đâu. Đi cũng như học. Có người đi học để mở mang kiến thức. Có người đi học chỉ để củng cố thành kiến của mình.”

“Ôm giữ thành kiến còn đỡ. Có khi mục đích thu thập kiến thức của thiên hạ chỉ để chứng tỏ cái biết thành kiến lạc hậu của mình là đúng, còn tất cả thiên hạ là sai.”

(.....)

“Một con đường hai ngã rẽ. Thiên đường hay địa ngục?”

“Bài đồng dao của trẻ con bên nhà: ‘Thiên đàng địa ngục hai bên ai khôn thì lạy ai dại thì xá đêm nằm nhớ chúa nhớ cha đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn linh hồn phải giữ linh hồn đến khi gần chết được lên thiên đàng.’ Đọc thì đọc chơi chứ chả hiểu gì cả.”

“Người ta bảo rằng đường nào rồi cũng đến được La-mã hay thế giới đại đồng.”

“Ngày còn nhỏ nghe người lớn nói gì cũng tin, thậm chí phải tin. Giờ lớn, nhận ra một điều, không phải người lớn nói gì cũng đúng.”

“Đường nào rồi cũng dẫn về mình.”

“Ừ,... con đường trở vào mình.”

“Đóng mọi cửa nẻo để mưa khỏi tạt...”

“Thắp ngọn lửa hơ ấm lòng bàn tay.”

“Cả lòng bàn chân nữa.”

“Ai cũng biết thế, nhưng làm được, rất khó.”

“Tuỳ ý chí, mình có mạnh đủ hay không?”

“Ý chí và bản năng, cứ đong đưa như cái xích đu, tiêu tán thời giờ của cả kiếp người.

(.....)

“Chị có thấy bà... kia sơn mười móng chân mười màu khác nhau không?”

“Trời mưa lạnh mà bà ta không mang vớ, không mang áo lạnh, không đội mũ.”

“Tôi đoán bà ấy có máu hoạ sĩ. Thích chơi với màu sắc.”

“Mời anh thỏi xing-gum. Tôi mua của bà ấy khi nảy.”

“Cám ơn chị. Đống gói túi bịch bao... đi đâu bà ấy cũng kè kè mang theo. À mà này, chị mua trả tiền lẻ hay chẵn.”

“Lẻ.”

“Chị mà đưa tiền chẵn, tờ 10 hay 20, đợi thối, phải mất đến năm bảy phút.”

“Tôi nhìn thấy rồi. Anh muốn nói tới cái võng của bà ta phải không?”

“Ừ, chị cũng thấy rồi à.”

“Tôi thấy bà ấy thối tiền cho người khác. Bà rút trong quần ra một dải băng, buộc từ trước bụng ra đằng sau lưng. Tiền chẵn kẹp chặt giữa háng, như đeo băng vệ sinh.”

“Trước kia bà ta là gái nhảy nổi tiếng đẹp ở Sài Gòn. Rời vũ trường, lấy chồng Mỹ, giờ end up đi lòng vòng nửa bán bánh kẹo dạo, nửa ăn xin.”

“Bà cạo đầu, ngồi trong sân chùa, có người tưởng bà ta là ni cô, gặp, họ chắp tay lạy.”

(.....)

“Rồi tôi cũng phải rời khỏi nơi đây.”

“Nơi đây là nơi nào?”

“Sân chùa này và thành phố này.”

“Bao giờ?”

“Một ngày cuối đông hoặc một ngày đầu xuân.”

Tiếng chuông chùa ngân vang.

“Hôm nay là ngày sinh nhật của tôi. Suỵt... anh đừng nói gì cả. Tôi kể anh nghe câu chuyện của những người đàn bà trong mọi trạng huống. Suốt thời gian một năm tôi ở thành phố này, chia một phòng trong căn nhà của người đàn bà, (tạm gọi là bà thứ nhất) hằng đêm ngồi viết thư gửi cho linh hồn cậu con trai. Cậu con trai đã chết vì tai nạn trượt tuyết cách đây mười năm. Cô con gái đang học xa, tôi có gặp một lần, cô thông mình và thương mẹ. Bà hiện nằm trong nhà thương, bị stroke, khá nặng, đang còn trong tình trạng hôn mê. Tối hôm qua điện cúp tôi đi kiếm cây đèn cầy, không hiểu vì lý do gì tôi đi thẳng vào phòng cậu con trai thì đèn bật sáng, hiện ra trước mắt là những lá thư bà viết rải đầy trên bàn, và vô số những lá thư khác được xếp gọn từng chồng không theo ngày tháng đựng trong những hộp giầy cũ. Người đàn bà thứ nhì, không hơn tuổi tôi nhiều. Bà thường đùa rằng bà đang làm công việc bịa chữ, kiếm chữ, giữ chữ, ráp chữ, chơi chữ với thái độ say mê nhưng rất nghiêm túc. Bà cũng là người đàn bà thành công trong nghề nghiệp, và có một mái ấm gia đình đúng nghĩa. As a person, bà ta là người cực kỳ đơn giản. As a writer, bà ta lại là người vô cùng phức tạp. Bà thường tự an ủi, phức tạp là bản chất của đời sống. Lòng bàn tay bà, đầy những đường chỉ ngang dọc như thành phố không bảng, không tên. Về mặt công ước, bà có tất cả để được hạnh phúc. Thành công hiển đạt như viên ngọc đặt trước mắt người đàn bà này chẳng khác với đặt trước mặt con lợn. Tuy nhiên tôi biết bà không như thế. Hỏi tôi tại sao thì tôi chịu. Bởi chính bà ấy cũng luôn tự đi tìm kiếm và tự hỏi vì sao Tôi quý mến bà bởi một câu nói ‘nỗi buồn của ta không lớn hơn nhân loại.’. Người đàn bà thứ ba là chị họ xa của tôi. Ôi! ngày năm tháng như thân xác chị ấy phủ đầy những tình tích! Tôi thấy bóng đêm đang chiếm lĩnh dần thế giới trần gian chị ấy. Mặt trời cứ đổ những cơn nóng dữ dội dồn dập, chị đỡ không nổi... trước khi tôi đến đây tôi ghé vào nhà tù juvenile thăm đứa con gái của chị ấy. Con bé ở tù vì tội gia nhập băng du đãng, đồng loã ăn trộm chip điện tử, can phạm bắn chết người.”

(.....)

“Chị cứ ngồi yên, đừng sợ, chú ấy chưa từng hại ai bao giờ, dù là cái tát nhẹ.”

“Ừm...”

“Chú ấy muốn ngửi tóc chị.”

“...mùi bồ kết, chú ấy nói thầm trong tóc tôi. Suỵt... chú ấy thắc mắc tại sao người tôi ướp đầy mùi long não?”

(.....)

“Chú ấy đã đi, với một mắt vui và một mắt buồn.”

(.....)

“Tình yêu nào cũng bắt đầu khởi đi từ gia đình. Mình không sinh ra từ khoảng trống.”

“Với cô ấy, gia đình là địa ngục.”

“Với người bạn trai của tôi cũng thế. Buộc phải bỏ nhà đi sống vất vưởng ở San Francisco một thời gian. San Francisco đối với dân gay bọn tôi lúc đó như trại Sikew, Songkhla... của người Việt tị nạn. Giờ thì hai đứa tôi tạm yên ổn, sống có nhau.”

(.....)

“Nhưng đồng thời chúng ta lại luôn nỗ lực bứt thoát ra khỏi người thân. Sống là bị điều kiện hoá. Sống với người khác. Nhưng tự lực cá nhân... nỗ lực tự do suy nghĩ... nhận thức tâm linh... trong giới hạn của mình.”

“Cô ấy cho rằng cái mả yên ấm là đang được ngồi trong sân chùa này.”

“Chúng ta luôn gắng thiết lập tình thân ái với kẻ khác. Tìm kiếm những ôm ấp cận kề. Con người bị giới hạn bởi cá thể của mình, cơ quan nhận thức của mình. Thế giới của mình là cảm quan của mình. Con cá lên bờ là chết ngắt.”

“Chị hiểu, tôi hiểu, người bạn tình tôi hiểu. Đó là phần sống con người.”

(.....)

“Suy nghĩ là đặc điểm của con người có trí khôn. Tôi thắc mắc bà ta đang nghĩ gì trong đầu?”

“Bà ta đang nghĩ những gì bà ta cần nghĩ. Suy nghĩ cứ chạy ngang như mấy hàng số stock trên màn ảnh Tivi.”

“Biết đâu bà ta chẳng suy nghĩ gì cả!”

“... cũng có thể. Nhưng tôi và chị đang nghĩ về bà ta...”

“Một xã hội đạo tặc thì có trò chơi đạo tặc riêng, và tình nghĩa đạo tặc riêng, chẳng hạn. Ồ, nhắc tới sự suy nghĩ, tôi nhớ mẹ tôi, bà luôn áp đặt suy nghĩ của bà lên mọi người con. Bà muốn biến tất mọi sự vật rõ ràng như thế giới ban ngày. Anh tôi hay đùa, ‘còn có một nửa thế giới là ban đêm nữa mẹ à!’ ”

(.....)

“Những người trong sân chùa, như chị và tôi, dưới mắt ba người này, ai cũng như ai.”

“Lắm lúc chúng ta như bầy ngựa vằn.”

“Như người bị ấn kiếm vào tay, buộc phải đấu.”

“Nên nhớ rằng, cả bầy ngựa vằn, có con dẫn đầu, có con chạy theo đuôi, có con cái con đực, có con khoẻ con yếu. Còn kiếm đã ấn vào tay, chắc chắn có người thua kẻ thắng.

 

[hết chương]

 

 

------------
Đã đăng:
 
ám mưa hột......một hột ngàn hột trăm hột tỉ tỉ hột hoa nước rớt rơi trên áo mưa rắn lục lưỡi thèm liếm bọt trắng xà bông trong tách cà phê sủi bọt trào tràn mạ nói khi đẻ mi ra mi không khóc bà mụ vả bốp * * * * vô mặt mi cũng không khóc thứ chi lì lạ lì lùng rồi mi nghiến mi nhay mi rị mi nút mi mút đầu vú mạ đau thét thì ra mi đã có răng... (...)
 
Dưới đây là cuộc đối thoại của người đàn bà và đàn ông. Cả hai là người Mỹ gốc Việt, tuổi ngoài ba mươi. Người đàn bà tóc rẽ giữa, suôn dài quá vai. Dáng cao ráo, khoẻ mạnh. Chị bận quần jeans đà, áo len đen, bên ngoài khoác áo mưa màu đất đỏ, mang boot đen, mặt không thoa phấn, màu son đã nhạt do nước mưa bôi xoá... (...)
 
... ai nói tui ngu tui khùng tui dị dạng tui điên tui dại tui tàng tàng tui mát dây tui thuộc người cõi trên cõi ngoài cõi lạ cõi hành tinh khác tui cám hấp tui nửa khối óc tui chậm trí tui biết tui không bị té giếng là được rồi... (...)
 
... “Tôi đang tập điềm đạm hơn, bớt cảm xúc hơn, thản nhiên hơn.” “Chị và tôi đang ở giữa nhịp cầu. Ngoái nhìn đầu cầu thì cứ sợ con kiến con sâu. Nhìn xuôi cuối cầu là cố vin thành cầu để khỏi ngã gục.” “...mà những ngón tay mình lo sợ không còn khả năng bấu chặt thành cầu.” ... (...)
 
lửa bập bùng cháy chị gào khản cổ sao em không nghe lửa nóng lắm em ạ bao nhiêu năm trong giấc ngủ chị chỉ thấy lửa là lửa kèm theo gió tạt tứ bề chạy đâu cũng không khỏi lửa chị đắm chìm trong bể lửa bừng tỉnh thân thể chị tựa con lợn quay da giòn xốp hạt mỡ nổ li ti như mụn nhọt... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021