thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ba cô gái phiêu lưu
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

J.-M. G. LE CLÉZIO

(1940~)

 

Trích cuộc nói chuyện giữa nhà xuất bản Gallimard và nhà văn Jean-Marie Gustave Le Clézio nhân ngày ra mắt cuốn Cœur brûle et autres romances:
 
Gallimard - Thay vì từ “nouvelles”, ông đã chọn từ “romances”. Ông muốn gán cho tập truyện ý nghĩa chính xác nào?
 
J.-M. G. Le Clézio – Romance, trong nghĩa tiếng Anh của từ này, là truyện kể trong đó cái huyền ảo và cái có thật lẫn vào nhau; romance, trong nghĩa tiếng Pháp, là một điệu nhạc, có khi mới ở dạng phác thảo, hay một điệu hát.
 
Gallimard – Tất cả những truyện trong sách có vẻ như xoay quanh ý niệm “số phận”. Nhưng cùng lúc, không số phận nào có vẻ hoàn toàn tuyệt vọng, ngay cả khi cái chết đôi lúc đến gần...
 
J.-M. G. Le Clézio – Số phận là cái người ta chia cho chúng ta như chia bài nhưng mỗi người vẫn có thể sử dụng những con bài được chia theo cách mình muốn, đi đến tận cùng, biến nó thành vật báu, [...]
 
Gallimard – Cùng lúc, những người đàn bà ở trung tâm mỗi câu chuyện [...] xuất hiện như những “ngôi sao lưu lạc”...
 
J.-M. G. Le Clézio – Các phụ nữ ấy* không thuộc về một nơi nào, trừ Alice mà chuyến đi lại ở ngay trung tâm sự phân định của chính cô cho mình, các phụ nữ đa phần đều là những kẻ du mục, những người thừa kế cuộc sống lang bang không ngừng của nguồn gốc tổ tiên mình.[...]

 

______________

 
 

BA CÔ GÁI PHIÊU LƯU

 
 

Sue

 

Ngày lên mười sáu tuổi, Sue bỏ nhà cha mẹ ra đi. Cô bấy giờ đang ở một thành phố nhỏ phía đông bắc Hoa kỳ, hãy cứ cho là Moline, thành phố chỉ có một con đường trung tâm với cửa hàng tạp hoá, mấy tiệm bán đồ câu cá và một hiệu ăn kiểu cà phê quán rượu, Toà Thị chính, trường trung học, và ở mỗi đầu đường là một trạm xăng có dịch vụ, đầu này là Chevron, đầu kia là Shamrock, trạm này chuyên về sửa chữa bánh xe, trạm kia chuyên về cơ khí nông nghiệp John Deer. Cô sinh ra tại thành phố này, cô đã sống mười sáu năm của đời mình giữa ngôi nhà cha mẹ (nhà chỉ có thảm lát sàn là có đổi màu một lần) và trường trung học Thánh John. Cô từng có mấy người bạn gái, và năm lên mười ba tuổi, khi đã có kinh, cô bắt đầu đi chơi với đám con trai. Cha cô không làm sao chịu nổi, nhất là với một thằng có tên là Eddie, mà ông cho là xấc láo và hơi du côn. Một ngày nọ khi ông cho thằng ấy là không ra gì, Sue trả lời và ông đã tát cô, nhưng không phải vì chuyện ấy mà cô quyết định bỏ đi. Lý do là thế giới thì quá to, mà Moline thì quá nhỏ. Là cái con đường duy nhất chình ình nằm trên cánh đồng y như một đường chạy dành cho những người sống ngoài trái đất, và cái tiếng đinh tai nhức óc của xe lửa chạy qua giữa đêm, không biết đi về đâu. Thời ấy, Sue trông đã giống như cô gái tôi từng quen biết, một cô thiếu nữ to lớn và khoẻ mạnh, tóc rất vàng, với một cái nhìn thẳng băng và một hàm răng toàn hảo. Cô giống mẹ cô, nhưng cuộc sống đã làm mòn mỏi các bậc cha mẹ, ngay cả khi họ chẳng có gì để thực sự phải lo âu, kiểu những cái cây ngày càng nhăn nheo và khô héo tại chỗ.

Cô không nói gì. Họ cũng không nói gì. Có điều là ngày cô lên mười sáu tuổi, lý do cũng vẫn là một chuyện ấy thôi, cha cô càu nhàu: “Nuôi mày tốn của quá, mày phải kiếm việc gì mà làm chứ.” Thế là Sue túm lấy một cái túi xách, đút chỗ tiền dành dụm được vào túi quần, và cô bỏ đi. Cô không nói gì với ai, ngay cả với Eddie cũng thế. Cô không có gì để nói. Cô lên một chiếc buýt hãng Greyhound ở Chicago và cô đi về phía đông, bởi vì ở đấy người ta mới tìm được việc làm. Cô làm việc một năm ở Philadelphia, làm hầu bàn trong một tiệm cà phê. Đời sống này cô thích lắm, nhưng cô có chuyện gây gổ với một anh chàng, và cô lại túm lấy cái túi xách, và cô đi về phía nam, đến Atlanta. Cô đã làm đủ thứ công việc, làm thâu ngân ở một tiệm tạp hoá, và còn làm cả bán hàng trong một tiệm bánh mì Pháp. Khi cô lên mười chín tuổi, và đã dành dụm được ít tiền, cô muốn gặp lại cha mẹ. Cô lên một chiếc xe hãng Greyhound, trong vòng một đêm cô đã đến Chicago. Cô chờ cho tới sáng mới có xe về Moline. Những phòng đợi ở đây vẫn buồn tẻ, có cả những tên sấn đến, tìm cách tấn công cô, và kể những chuyện bậy bạ. Kể từ khi bỏ nhà đi đến nay, cô đã biết cách tự vệ. Ở Atlanta, một cô gái da đen làm cùng tiệm cà phê với cô đã chỉ cho cô cái mánh, ấy là cái dao rạch để trong túi xách, bên cạnh thuốc lá. Thế nhưng cô chưa bao giờ phải dùng đến nó. Xe lên đường lúc 8 giờ, đến 9 giờ 15 cô đã về đến Moline. Trời mưa. Cô bước đi trên con đường lớn, cô nhớ lại hết tất cả. Phải nói rằng không có gì thay đổi. Có chăng là cái tiệm cà phê nơi cô từng gặp Eddie. Bây giờ đây là một cửa hàng bán kẹo. Cô vào mua kẹo cao su, và cô băng ngang đường sau khi qua khỏi Toà Thị chính. Ngôi nhà nhỏ màu trắng của cha mẹ cô vẫn nằm đấy, với chỗ đất dốc có trồng cỏ và cây thông xanh cháy nám vì phân bón. Cô nghe tiếng TV trong phòng bếp, nơi mẹ cô thường ngồi uống cà phê, tóc vẫn để nguyên những lọn cuốn. Khi cô bấm chuông, có tiếng chó sủa dữ dội bên kia cánh cửa, và Sue nghĩ: “Ủa? bây giờ ba mẹ có nuôi chó nữa sao?” Một giọng nói cất lên: “Cái gì thế?” Không phải là giọng của mẹ cô. Sue nói tên cô, và tên của cha mẹ cô. Qua cánh cửa, người đàn bà trả lời là những người này đã đi khỏi đây từ hơn một năm nay, không để lại địa chỉ. Không ai biết họ đi đâu. Sue bước đi một lúc trên các đường phố không biết phải làm gì. Vì lúc bấy giờ trời mưa, và vì dù sao cô cũng chẳng còn gì phải làm ở đây, cô quay trở lại trạm xe, và cô đã lấy chuyến xe đầu tiên đi Chicago. Từ đó, cô lại trở về phía nam.

 

Rosa

 

Ngày còn là một bé gái, ở Zamora (Tiểu bang Michoacán, Mễ Tây Cơ), Rosa đã biết rất sớm là cô không giống mọi người. Ở trường trung học của các xơ, có những bé gái khác mặc cùng một loại đồng phục, váy và áo gi lê màu xanh nước biển, tất ngắn màu trắng, áo choàng màu xám. Nhưng chúng nó không thuộc cùng một thế giới với cô. Chúng có tên là Hernandez, Acevedo, Gutiérrez, Lopez, Ayala. Chúng có hết những tên gọi, như Leti, Chavela, Lourdes, Araceli, cả tên Barbara nữa, hay Cathy, khi cha mẹ chúng đến nhúng đẫm vai xuống dòng sông Rio Grande. Rosa không ghét chúng vì chúng là như thế, cô đối với chúng không thương hại cũng không hờn oán. Nhưng cũng không có thiện cảm. Cô không thể nào quên. Những người dì của cô vẫn không ngừng lặp đi lặp lại với cô: Không được làm thế này, không được làm thế kia. Cháu là con gái nhà Verduzco. Cháu không được nói thế, một người trong họ Verduzco không nói như thế. Những đứa mà cô nhìn một cách thèm thuồng, sau buổi học, đó là những đứa bé chạy chơi trong công viên, hoặc buổi tối tụ năm tụ bảy trước ngôi vườn nhỏ của nhà thờ San Francisco để mút những khúc mía và những cái kẹo cây. Những đứa cô ưa dò xét hơn cả, giữa những chiếc áo dài đen của những bà dì, đó là những đứa trẻ nghèo rách rưới, chạy trối chết qua các đường phố y như những con mèo hoang, rượt theo sau chúng là những người cảnh sát. Những đứa trẻ chuyên hái trộm cây quả, bọn ăn cắp vặt. “Bọn vô lại!” cha cô bảo. “Lũ giết người.” Thỉnh thoảng, trước mặt Rosa, một đứa trong bọn đi qua, hai cánh tay bị cảnh sát giữ chặt, khuôn mặt đen sạm, cái nhìn sáng như một lưỡi dao, người ta đưa nó không biết đi về đâu, đến một nhà tù khổ sai, ở mãi tận Mexico, thủ đô của hết mọi cái xấu. Chính như thế ấy mà nảy sinh trong cô cái ý nghĩ đó. Cô không đem ý ấy nói với ai, nhưng cô không ngừng nghĩ đến nó, và ý nghĩ cũng lớn lên với cô, ngày càng mạnh hơn, rõ hơn. Một ngày kia, cô sẽ có con cái. Con cô có sẽ không là những đứa con của bọn chủ nhân và bọn thư lại, cô sẽ không có những bác sĩ, những dược sĩ tương lai, hoặc những người buôn bán dâu. Không, những đứa trẻ này mới sẽ là con cô, những đứa trẻ chuyên hái trộm cây quả có khuôn mặt đen sạm, tóc tai bù xù và ốm đau như những con mèo đi lạc, những đứa chỉ biết nói tục chửi thề, những đứa dám nói dối, trộm cắp, ngay cả giết người.

Ở cái tuổi còn là con gái và là tuổi người ta đi tìm một người chồng, Rosa lại đi tìm những đứa bé bị bỏ rơi. Trong một ngôi nhà cũ ở dưới đường cái, cô đã nhặt về mười, rồi hai mươi, rồi năm mươi đứa trẻ. Ngày nay, chúng nó cả thảy hơn ba trăm. Mỗi đứa cô đều dạy dỗ, cho ăn và cho mặc, và một chỗ dựa lưng trong cái làng trẻ con này. Cô dạy nghề cho chúng, và giúp chúng nhìn ra kỷ luật, trách nhiệm. Mỗi đứa, cô cho một cái tên, cái tên họ Verduzco vô cùng quí báu, vô cùng hiếm. Cái tên đầy quyền uy, đầy sự giàu sang. Rosa là người mẹ duy nhất của hàng trăm đứa trẻ bị vứt ra hè phố Mexico, Morelia, Guadalajara. Những đứa ăn cắp, “lũ giết người”. Bọn ghiền hít mùi keo xi măng. Bị cảnh sát thộp như những con chó lang thang, và ra khỏi tù là để bước vào cái “Đại Gia Đình” ấy. Với chúng nó, Rosa không thấy sợ ai cả. Khi thiếu tiền, cô lái cái xe tải con của mình dạo khắp đường phố trong các thị trấn ở Bajio và qua loa phóng thanh cô công bố tên họ những người chưa cho tiền, bọn pendejos, những tên tư sản hà tiện. Những ngày lễ Fiestas Patrias, những đứa bé cùng khổ chung quanh Rosa diễu hành trên đường phố, trong những bộ đồng phục bạc màu của chúng. Liệu bây giờ Rosa có còn nhớ cái thời cô ưa rình rập những đứa trẻ bị bỏ rơi, giữa những chiếc áo dài đen của những bà dì, liệu cô có còn nhớ cái quyết tâm của mình, cái sức mạnh truyền vào người cô và không bao giờ rời xa cô nữa?

 

Alice

 

Alice sinh ra vào cuối thế kỷ vừa qua, trong một gia đình giàu có và thuận hoà. Cô yêu cha mẹ như chưa có ai yêu hơn thế, mẹ thì thanh nhã và kín đáo, cha thì gầy, tính không khoan nhượng, bản chất tốt và hay đãng trí. Từ hồi cô còn là một đứa bé, gia đình đã rơi vào sa sút. Chuyện xảy ra ở Maurice, xa những xao động của chiến tranh thế giới thứ nhất, như xảy ra trong một thế giới khác. Các anh trai của cô, hết người này đến người khác, đều bỏ đi. Họ đi học ở Londres, ở Paris. Họ đi du lịch. Họ lập gia đình ở xa. Còn Alice, cô vẫn cứ ở lại trên đảo. Gia đình bấy giờ có chị cô, người mảnh dẻ, đau ốm. Gia đình có cha cô và mẹ cô, ai nấy rất hiền lành, rất mong manh. Sau khi nhà sa sút, họ tìm chỗ trú ngụ trong một ngôi nhà dễ chịu, phía Phoenix, trên một cái đồi khí hậu nhiều mưa. Alice yêu cuộc sống, trí tuệ, thơ ca. Cô không phải chỉ thông minh, mà còn xuất sắc nữa. Khi cô nói về cái tuổi trẻ qua quá nhanh, cô bảo: “Người ta đi chơi, người ta có người tình.” Cô cũng bảo: “Đi Pháp, đó là giấc mơ.” Tuy nhiên, cô cũng đã biết là cô sẽ không thể sống cuộc sống của thiên hạ. Cô đã hiểu như thế. Cô sẽ không lấy chồng, cô sẽ không có con cái. Là người hết sức muốn thoát khỏi hòn đảo, làm quen với thế giới, nhìn tận mắt Paris, say sưa với cuộc liên hoan của trí tuệ mà cô tưởng tượng ra bên ấy, những đền đài, những nhà bảo tàng, những công viên, âm nhạc, cô biết ngay đó chỉ là một giấc mơ. Cuộc sống là một trò chơi đốt xương, cái lô của cô đã rơi mất, cô không thể không nhìn nhận điều ấy. Cuộc sống: chị cô, cha mẹ cô, cái thế giới mong manh và dễ vỡ mà cô là người canh giữ duy nhất. Bởi vì cô không sống được giấc mơ của mình, Alice đã chọn không ngoảnh mặt với số phận của cô, dù là để có được một khoảnh khắc hạnh phúc. Những người khác sẽ sung sướng. Những người khác sẽ có chồng, có con. Những ngôi nhà đầy âm thanh và chuyển động, đầy trò tưởng tượng, cuộc vui. Ai thèm quen với một cô gái nghèo và minh mẫn, khác người? Đối với mọi người, Alice trở thành hình ảnh chính cô cũng muốn người ta nhìn về mình, là người phụ nữ cao lớn và mảnh mai, với gương mặt cương nghị, cái nhìn u buồn và dò xét, lúc nào cũng ăn mặc kiểu khắc khổ, và biết cách phóng những mũi tên vào những người đồng thời với mình, những người đàn ông và đàn bà không ra gì trong sự hèn yếu và trong cuộc chạy tìm hạnh phúc của họ. Năm tháng trôi qua không hề chọc thủng được cái áo giáp ấy, không hề làm mòn đi cái nhìn sắc bén. Những năm khủng hoảng, sự thòm thèm của bọn giàu sẵn sàng hi sinh cả thế giới để cứu cái lợi cho mình, chiến tranh, sự hoảng sợ của bọn người cứ lặp đi lặp lại mãi: “Bọn Nhật tới nơi rồi! Tàu của chúng ở kia kìa!” Cảnh nghèo đói của trẻ em, những phụ nữ bị bỏ rơi, những con chó đang chết đói, là những chỗ Alice đã đem chia sẻ cái ít oi mà cô có được. Những người bị ung thư mà cô giúp cho được chết yên lành. Cha mẹ cô bấy giờ đã chết, và người chị yêu mến cũng đã nhắm mắt, sau những thiếu thốn do chiến tranh. Họ từng là cái phần êm dịu nhất của Alice, là niềm vui của cô, trái tim rất dịu dàng vốn là điều sâu kín duy nhất của cô. Chung quanh Alice, con người ai nấy đều mỏi mòn, đến lượt họ, họ cũng trở nên mong manh. Chính trong sự yếu ớt của họ mà Alice có thể nhận ra cái phần thánh thiện của họ. Sự cô đơn cùng tận là sức mạnh của cô. Chính cô giữ cho thân hình mình đứng thẳng và mạnh, chống chọi với năm tháng, chính cô lúc nào cũng đem lại cho đôi mắt mình sự rạng rỡ của cuộc sống. Tia lửa ở trong con người cô, như cái nguồn ánh sáng cho phép cô nhận ra được vẻ đẹp siêu nhiên trong những điều hư ảo của cuộc đời, và không bao giờ ngoảnh mặt với sự nghèo khó không gì cứu chữa được của loài người.

Trong ba “cô gái phiêu lưu”, chắc chắn Alice là người làm tôi cảm động hơn cả.

 

 
-------------------
“Ba cô gái phiêu lưu” [từng xuất hiện trên tạp chí Văn ở California, số 70 & 71, tháng 10 & 11 năm 2002] dịch từ nguyên tác “Trois aventurières” của Jean-Marie Gustave Le Clézio trong tập truyên tác giả gọi là “những chuyện diễm tình”: Cœur brûle et autres romances (Paris: Gallimard, 2000).

 

* Xem 3 truyện diễm tình “Kalima”, “Khách sạn cô đơn” và “Trái tim cháy” của Le Clézio đã đăng trên Tiền Vệ qua bản dịch của Nguyễn Thu Hồng:

Kalima  (truyện / tuỳ bút) 
Em đã đi khỏi nơi này, và em đã để lại cả thế giới này trong trật tự của nó, trong mưu đồ của nó, cái thế giới mà những quảng trường cứ tiếp tục ồn ào, với những máy nước và những cô gái, và những tiếng gà trống gáy và tiếng chó sủa, và bụi bặm không ngớt tung lên rồi rải xuống, tung lên rồi nằm yên nghỉ. Thế nhưng em, em không còn ở đấy nữa... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
Khách sạn Cô Đơn  (truyện / tuỳ bút) 
Đối với Eva, đấy là kỷ niệm của một đời sống khác, một thời gian không hạn định. Nàng đã ở khách sạn suốt đời nàng, du lịch trên những con tàu chở khách lao vào cuộc phiêu lưu trên biển, từ bến này đến bến kia, giữa Venise và Alexandrie, hay trên lãnh hải Cortés, từ Topolobampo đến La Paz... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
Trái tim cháy  (truyện / tuỳ bút) 
... Khi đêm xuống, có một cơn sốt, một cái gì giục giã. Ta có thể nói là có một lễ vui đang được chuẩn bị. Nhất là vào những ngày đẹp trời, tháng chín, tháng mười, tháng mười một. Không khí dịu và mát, có những dây bìm bìm nở hoa trên các hàng rào, những con đôm đốm đậu trên ngọn cỏ. Những con cóc ca hát dưới mương rãnh... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)

 

 

-----------------------
Jean-Marie Gustave Le Clézio sinh năm 1940 ở Nice, bắt đầu nổi tiếng từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên, Le Procès-verbal, Giải thưởng Théophraste Renaudot 1963. Từ ấy đến nay – hơn 40 năm trôi qua một sự nghiệp văn chương đa dạng, phong phú và độc đáo, có thể chỉ căn cứ là nhà văn đầu tiên nhận giải thưởng Paul Morand cho toàn bộ tác phẩm (1980)? – ông đã xuất bản trên dưới 40 cuốn sách: tiểu thuyết, tiểu luận, truyện ngắn, hai bản dịch thần thoại thổ dân châu Mỹ, và vô số những bài viết, bài tựa và nhiều đóng góp cho những tác phẩm tập thể. Từ thời trẻ, mới nổi tiếng, Le Clézio đã được biết đến như một nhà văn “ẩn dật”: ông sống ở Nice (tôi còn nhớ một tấm ảnh chụp ông bước đi trên một bến cảng, người cao lêu nghêu, nổi bật trên một cái nền sông nước và thuyền bè đăng trên báo Le Figaro Littéraire hơn một phần tư thế kỷ trước) và rất ít khi đến Paris, rất ít khi thích ngồi xuống cho ai phỏng vấn, bởi vì “ẩn dật” chỉ là một thái độ: thật sự, ông là một người bước đi. “... đối với tôi là dân ở đảo, một người ở bên bờ biển nhìn những chuyến tàu chở hàng đi qua, gót chân mài trên những bến cảng, như một người bước đi dọc theo một đại lộ nhưng là người không thể thuộc một khu phố hay một thành phố nào, mà là thuộc về mọi khu phố và mọi thành phố, ngôn ngữ Pháp là quê hương duy nhất của tôi, là nơi duy nhất tôi sống .” (trả lời Catherine Argand, 1994). Chúng ta sẽ không ngạc nhiên: Le procès-verbal thai nghén ở Anh, L’extase matérielle lên men ở Bangkok, và nhiều tác phẩm khác nẩy sinh từ những chuyến đi, sống và viết: Mexique, Panama, quần đảo Maurice và Rodrigues... Từ một nhà văn trẻ, mà những cuốn sách viết rất đẹp làm người đọc liên tưởng đến những nhà văn trong nhóm Tiểu thuyết Mới, nhạc pop, nhiều nét Lautréamont, Artaud, nhất là Michaux, cái nhìn theo tinh thần Blake – cả Keats, Auden, Salinger mà ông đọc đi đọc lại nhiều lần - đến nay Le Clézio đã vạch con đường riêng của mình, và năm 1994 được chọn là nhà văn viết tiếng Pháp lớn nhất còn sống.
 
Trong truyện ngắn "Le mone est vivant", Le Clézio có mô tả một phương pháp viết đơn giản, quá mức đơn giản: Đây là những gì cần làm: phải đi về đồng quê, như một họa sĩ Chủ nhật, với một tờ giấy lớn và một cây bút bi. Chọn một nơi vắng vẻ, trong một thung lũng nằm trong hốc núi, ngồi trên một tảng đá và nhìn lâu chung quanh mình. Khi đã nhìn no, phải lấy tờ giấy ra, và vẽ ra bằng chữ những gì ta thấy... Nhưng ta hãy coi chừng: nhà văn của chúng ta không đơn giản như thế: tác phẩm Le Clézio đi từ những vấn đề liên hệ đến nhà văn và ngôn ngữ (ngôn ngữ chỗ quê hương), lý do phải viết, ngôn ngữ-thực tại, ngôn ngữ-âm nhạc, ngôn ngữ-hội họa, thần thoại cổ, cái nhìn, sự cô đơn, nỗi đau, con người chuyển động trong một thế giới mà công việc đẹp nhất của người viết là... sao chép lại.
 
[Ngoài nhiều giải thưởng văn học giá trị, J-M G. Le Clézio còn nhận được một giải thưởng không văn học: mùa Hè 1999, theo thăm dò đặc biệt của Ipsos/L’Evénement, nhà văn được bầu là người thứ 11 trong số 12 “ngôi sao nam” được phụ nữ Pháp chọn là hấp dẫn nhất trên toàn thế giới – cùng với Robert Redford, Sean Connery, Antonio Banderas, Johnny Depp, Alain Delon, Leonardo di Caprio, Hugh Grant, vân vân.]
 
Tác phẩm Jean-Marie G. Le Clézio có thể gọi là đồ sộ. Có lẽ đây là một trong những tác giả ít ai muốn ghi danh sách tác phẩm trong một vài dòng giới thiệu sơ sài, sợ mang tiếng khập khiễng chăng...
(Hoàng Ngọc Biên giới thiệu)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021