thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những kết thúc có hậu

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

MARGARET ATWOOD

(1939~)

 

Margaret Atwood — thi sĩ, tiểu thuyết gia và phê bình gia — là một khuôn mặt nổi bật của văn chương Canada hậu hiện đại. Bà nổi tiếng như một cây bút nữ quyền với kỹ thuật hư cấu độc đáo. Bà đã viết một số lượng tác phẩm rất đồ sộ, và đã được trao rất nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có giải Booker Prize năm 2000 cho tiểu thuyết The Blind Assassin. Atwood đã từng là Chủ Tịch của Writers' Union of Canada vào năm 1981-1982, và Chủ Tịch của International P.E.N., chi nhánh Canada, từ 1984 đến 1986.
 
Truyện "Happy Endings" ["Những kết thúc có hậu"] dưới đây sử dụng lối viết metafiction, một trong những lối viết đặc trưng của nghệ thuật văn chương hư cấu hậu hiện đại.

 

_____________

 

NHỮNG KẾT THÚC CÓ HẬU

 

John và Mary gặp nhau.

Điều gì xảy ra sau đó?

Nếu bạn muốn một kết thúc có hậu, hãy đọc thử đoạn A.

 

A.

John và Mary yêu nhau và kết hôn với nhau. Cả hai đều có nghề nghiệp thích đáng và đồng lương cao khiến họ cảm thấy phấn khích và hào hứng. Họ mua một ngôi nhà xinh xắn. Và giá trị nhà đất tăng lên. Thế rồi, khi họ đủ khả năng mướn người giúp việc tại gia, họ sinh hai đứa con, và hết sức chăm lo cho chúng. Hai đứa con lớn lên tốt đẹp. John và Mary có một cuộc sống tình dục phấn khích và hào hứng và có những người bạn xứng đáng. Họ cùng chia sẻ những chuyến đi nghỉ mát đầy vui nhộn. Họ về hưu. Cả hai đều có những thú tiêu khiển đầy phấn khích và hào hứng. Rốt cuộc họ chết. Đây là kết thúc của câu chuyện.

 

B.

Mary yêu John nhưng John không yêu Mary. Hắn chỉ dùng thân xác nàng để hưởng khoái lạc vị kỷ và để thoả mãn bản ngã một cách ơ hờ. Hắn đến căn hộ của nàng mỗi tuần hai lần và nàng nấu bữa ăn tối cho hắn, bạn sẽ nhận thấy rằng hắn thậm chí không xem nàng là xứng đáng với cái giá của một bữa ăn tối ở tiệm, và sau khi hắn ăn xong bữa tối hắn đụ* nàng rồi hắn nằm ngủ, trong lúc đó thì nàng lo lau dọn bát đĩa để hắn khỏi nghĩ nàng thiếu ngăn nắp vì chung quanh ngổn ngang những bát đĩa dơ, rồi nàng thoa một lớp son mới để nét mặt nàng tươi tắn đẹp đẽ khi hắn thức dậy, nhưng khi hắn thức dậy hắn cũng chẳng màng để ý đến điều đó, hắn mang tất và quần đùi và quần dài và sơ-mi và cà-vạt và đôi giày, theo cái thứ tự ngược lại lúc hắn cởi ra. Hắn chẳng hề cởi quần áo cho Mary, nàng phải tự cởi, nàng làm ra vẻ như nàng đang thèm khát đến chết đi được, đúng ra chẳng phải nàng thực sự thích tình dục, đâu có phải vậy, nhưng nàng muốn John nghĩ nàng thích, bởi vì nếu họ làm chuyện ấy thường xuyên thì chắc chắn hắn sẽ quen mùi nàng, hắn sẽ lệ thuộc vào nàng và họ sẽ kết hôn với nhau, nhưng John bước ra khỏi cửa chẳng mấy khi thốt lên được một lời từ giã, và ba ngày sau hắn lại đến vào lúc sáu giờ chiều, và họ lại tái diễn từ đầu đến cuối y như thế.

Mary trở nên tàn tạ. Khóc thì có hại cho khuôn mặt, ai mà chẳng biết điều đó và Mary cũng biết, nhưng nàng không thể ngừng khóc. Những người làm cùng sở thấy nàng khóc. Các bạn của nàng bảo nàng rằng John là một con chuột cống, một con heo, một con chó, rằng hắn không xứng đáng với nàng, nhưng nàng không tin nổi điều ấy. Trong John, nàng nghĩ, có một John khác, dễ thương hơn. Chàng John khác ấy sẽ hiện ra như một con bướm chui ra từ trong chiếc kén, một chú hề nhồi bông thò đầu ra từ trong hộp, một cái hạt trồi ra từ trong trái mận, nếu như cái gã John thứ nhất bị ép đủ chặt.

Một tối nọ John phàn nàn về thức ăn. Trước đó hắn chưa bao giờ phàn nàn về những món nàng nấu. Mary đau đớn.

Các bạn của nàng kể cho nàng rằng họ đã từng thấy hắn ngồi trong tiệm ăn với một người đàn bà khác, tên là Madge. Nói cho cùng thì ngay cả Madge cũng không làm nàng bị tổn thương: đó là cái tiệm ăn. John chưa bao giờ đưa Mary đi ăn tiệm. Mary gom hết những viên thuốc ngủ và thuốc trấn thống mà nàng có thể tìm thấy, rồi uống hết với nửa chai rượu sherry. Bạn có thể thấy nàng thuộc loại đàn bà nào qua sự kiện rằng đó không phải là rượu whiskey. Nàng để lại một mẩu nhắn cho John. Nàng hy vọng hắn sẽ phát hiện ra nàng và chở nàng đến bệnh viện kịp thời, và hối hận, và họ có thể cưới nhau, nhưng điều đó không xảy ra, và nàng chết.

John cưới Madge và mọi sự tiếp tục như ở đoạn A.

 

C.

John, một người đàn ông lớn tuổi, yêu Mary, và Mary, mới hai mươi hai tuổi, cảm thấy tội nghiệp cho ông vì ông cứ lo lắng về mái tóc đang thưa dần. Nàng ngủ với ông mặc dù thậm chí nàng không yêu ông. Nàng gặp ông ở sở làm. Nàng yêu một người khác, tên là James, cũng hai mươi hai tuổi và chưa muốn lập gia đình.

John, trái lại, đã lập gia đình từ lâu: đó là điều khiến cho ông buồn chán. John có một việc làm ổn định, đáng trọng vọng, và ông đang dẫn đầu trong lĩnh vực chuyên môn, nhưng Mary không bị gây ấn tượng bởi ông, nàng bị gây ấn tượng bởi James, người có chiếc xe mô-tô và một bộ sưu tập đĩa nhạc tuyệt vời. Nhưng James luôn luôn đi xa trên chiếc xe mô-tô, để được tự do. Tự do thì chẳng giống như thế cho các cô gái, vì vậy Mary tạm thời qua đêm với John vào những tối thứ Năm. Thứ Năm là ngày duy nhất John có thể thoát khỏi gia đình.

John đã cưới một người đàn bà tên Madge và họ có hai đứa con, một ngôi nhà xinh đẹp mà họ đã mua được ngay trước khi giá nhà đất tăng lên, và khi họ rảnh rỗi họ có những thú tiêu khiển đầy phấn khích và hào hứng. John nói với Mary rằng đối với ông thì nàng quan trọng đến chừng nào, nhưng dĩ nhiên ông không thể bỏ rơi vợ của ông, vì một giao kết là một giao kết. Ông cứ nói đi nói lại về điều này nhiều hơn cần thiết và Mary thấy nhàm tai, nhưng những người đàn ông lớn tuổi có thể làm tình lâu hơn, vì thế nhìn chung thì nàng có một khoảng thời gian khá vui.

Một ngày nọ, trên chiếc mô-tô, James phóng vèo vào với vài đĩa nhạc theo lối đa hợp phong cách ở California cực hay, và James cùng Mary cảm thấy mê ly hơn bạn có thể tưởng tượng, rồi họ leo vào giường. Mọi sự trở nên rất ướt át, nhưng ngay lúc đó thì John đến, và ông có chìa khoá căn hộ của Mary. Ông thấy họ đang sướng trân người và hai thân xác họ quấn vào nhau. Ông chẳng ở địa vị nào để ghen tuông, vì ông còn có Madge, nhưng ông bị choáng ngợp trong nỗi tuyệt vọng. Nói cho cùng, ông đã trung niên, và chừng hai năm nữa thì đầu ông sẽ hói như quả trứng và ông không chịu đựng nổi điều đó. Ông mua một khẩu súng lục, nói rằng ông cần nó để tập bắn bia — đây là chi tiết phụ của diễn biến câu chuyện, sau này có thể bàn thêm — và ông bắn chết cả cặp ấy rồi tự tử.

Sau một thời kỳ để tang thích hợp với thông lệ, Madge cưới một người đàn ông hiểu biết tên là Fred, và mọi sự tiếp diễn như ở đoạn A, nhưng dưới những tên người khác.

 

D.

Fred và Madge chẳng có vấn đề gì. Họ sống hoà thuận tuyệt vời và rất giỏi trong việc giải quyết bất kỳ những khó khăn nho nhỏ nào xảy ra. Nhưng ngôi nhà xinh xắn của họ nằm bên bờ biển và, một ngày nọ, một cơn sóng thần ập vào. Giá nhà đất sụt xuống. Phần còn lại của câu chuyện kể về nguyên nhân gây ra cơn sóng thần và bằng cách nào họ thoát chết. Họ sống sót, dù hàng ngàn người khác chết đuối, nhưng Fred và Madge những người có đức hạnh và biết ân nghĩa, nên cuộc sống của họ tiếp diễn như ở đoạn A.

 

E.

Vâng, nhưng Fred có bệnh đau tim. Phần còn lại của câu chuyện kể về sự tử tế và hiểu biết của cả hai người cho đến ngày Fred chết. Rồi Madge dành thì giờ cho công việc từ thiện cho đến hết đoạn A. Nếu thích, bạn có thể đổi tên nhân vật ở đoạn A thành "Madge", với các chi tiết "bệnh ung thư", "mặc cảm tội lỗi và tâm trí rối bời", và "ngắm các loài chim".

 

F.

Nếu bạn nghĩ cả câu chuyện này là quá tư sản, thì bạn hãy biến John thành một nhà cách mạng và Mary là một điệp viên phản gián và xem thử câu chuyện của bạn sẽ đi xa đến đâu. Hãy nhớ, đây là Canada. Rốt cuộc bạn vẫn kết thúc với đoạn A, mặc dù ở đoạn giữa bạn có thể có một câu chuyện rậm rật ầm ĩ với sự tham dự đầy đam mê của các nhân vật, một thứ biên niên sử của thời đại chúng ta, đại loại như thế.

Bạn sẽ phải đối diện với điều đó, các kết thúc đều giống nhau cho dù bạn đẽo gọt nó bằng cách nào. Đừng bị đánh lừa bởi những cách kết thúc khác, tất cả đều là giả mạo, hoặc cố tình giả mạo, với toan tính có ác ý để gạt gẫm, hay chỉ bị thúc đẩy bởi óc lạc quan quá trớn nếu không nói là bởi thứ cảm tính nông nổi tầm thường.

Cái kết thúc chân thật nhất là cái kết thúc này:

John và Mary chết, John và Mary chết, John và Mary chết.

Như thế là đã quá nhiều cho những cái kết thúc. Những sự bắt đầu thì lúc nào cũng vui vẻ hơn. Tuy nhiên, những tay sành điệu thứ thiệt thì khoái kéo dài đoạn giữa, vì đó là đoạn khó nhất để làm bất kỳ thứ gì.

Đấy là tất cả những gì ta có thể nói về các tình tiết của câu chuyện, mà nói cho cùng chỉ là kể một điều này sau một điều khác, một cái gì đó rồi một cái gì đó rồi một cái gì đó.

Bây giờ thì hãy thử bàn Cách Nào và Tại Sao.

 

 

------------
Dịch từ nguyên tác tiếng Anh, "Happy Endings", trong Margaret Atwood, Murder in the Dark (Toronto: Coach House Press, 1983), 37-40.

 

Đã đăng:

Túp lều  (truyện / tuỳ bút) 
Bạn đang ở trong một túp lều. Bên ngoài mênh mông và lạnh lẽo. Vô cùng mênh mông và lạnh lẽo. Một cảnh hoang dã bát ngát. Ở đó có đá, băng, cát và những hố lầy sâu hoắm khiến bạn có thể bị lún xuống đó mà không để lại một dấu vết nào... [Bản dịch của Hải Ngọc] (...)
 
Bánh mì  (truyện / tuỳ bút) 
Hãy tưởng tượng một miếng bánh mì. Bạn không cần tưởng tượng nó, nó ở ngay trong bếp này, trong cái bao nhựa của nó, trên cái thớt cắt bánh mì, bên cạnh chiếc dao cắt bánh mì... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021